Ngày 8 tháng 11 năm 2016, cùng với cả thế giới, chúng tôi theo dõi diễn biến hết sức căng thẳng đầy kịch tính của cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.
Donald Trump diều dắt Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh minh họa
Theo dõi các diễn biến cuộc bầu cử từ Việt Nam qua các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, chúng tôi cũng như rất nhiều người khác mà chúng tôi trao đổi, rất ít ai nghĩ đến việc ông Donald Trump trở thành tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Thế nhưng, điều không ngờ đã trở thành sự thật khi truyền thông loan tin Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là Donald Trump.
Một cuộc bầu cử nhiều bất ngờ
Với người Việt Nam, điều người ta thường quan tâm tới các sự kiện là hy vọng điều gì có lợi cho mình từ kết quả của những sự kiện đó.
Chính quyền cộng sản Việt Nam hy vọng ở một Tổng thống Mỹ dễ dãi hơn về những vấn đề hóc búa mà Việt Nam không thể gỡ được là nhân quyền, là tù nhân lương tâm... để Việt Nam có thể bước vào sân chơi của thế giới trong khi vẫn giữ thói độc tài và tàn bạo tại đất nước này như hiện tại.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ rất vui mừng nếu những tổng thống được bầu sẽ như Bill Clinton, người đã tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc như Tổng thống George W. Bush, người đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và bỏ qua những đạo luật như Jackson-Vanik đối với Việt Nam.
Với những người đấu tranh, dấn thân cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, người ta mong nước Mỹ có một tổng thống Hoa Kỳ chú ý nhiều đến các giá trị dân chủ, nhân quyền và dùng ảnh hưởng, áp dụng các biện pháp trong khả năng của mình buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền, dân chủ của người dân.
Đa số những người dân Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước trước họa xâm lăng của Trung Quốc, đều có mong muốn một Tổng thống Hoa Kỳ lãnh đạo đất nước này đối mặt với Trung Hoa cộng sản.
Đối diện với những mong muốn của như thế, chúng ta thấy không có gì lạ, bởi với một đất nước đã bị đặt vào thế nhược tiểu như Việt Nam với kinh tế, xã hội suy sụp, kiệt quệ như hiện nay, thì sự cầu mong, mơ ước dựa dẫm vào một đất nước, một thế lực mạnh hơn để được an toàn cho mình là điều dễ hiểu.
Donald Trump, nhà doanh nghiệp và trùm tư bản bất động sản, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của The Trump Organization. Từ một nhà kinh doanh, không có bất kỳ kinh nghiệm trong dịch vụ công cộng, đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Khi nhận được tin Donald Trump thắng cử trong sự ngạc nhiên, bất ngờ, có người hỏi tôi về sự kiện này, tôi trả lời họ:
"Chúc mừng Donald Trump trở thành Tổng thống bởi sự lựa chọn tự do, dân chủ của người dân Hoa Kỳ. Nếu ở Việt Nam có một cuộc bầu cử như vậy mà người dân chọn ra một thằng điên làm Tổng thống, tôi sẽ chấp nhận kết quả đó. Chỉ tiếc rằng ở Việt Nam vẫn có một thằng điên làm lãnh đạo nhưng lại không do dân bầu lên".
Việc ông Donald Trump vượt qua mọi chướng ngại được mô tả là hết sức lớn để đến ngồi vào cái ghế Tổng thống Hoa Kỳ, đã làm khá nhiều người thất vọng. Bởi đó không phải là một chính khách được đào tạo trong môi trường chính trị bài bản, do vậy từ cách nói năng, từ lối hành xử bất nhất cũng như những vụ việc trong một quãng đời kinh doanh được báo chí và công luận lôi ra mổ xẻ.
Thế nhưng, người Mỹ đã chọn ông.
Bởi nước Mỹ và người dân Mỹ cần một sự thay đổi.
Nhiều năm qua, qua nhiều đời tổng thống Mỹ, lịch lãm, học thức, là những nhà chính trị điêu luyện đã lãnh đạo nước Mỹ giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về nhiều mặt.
Tuy nhiên, điều đó hình như chưa đủ với người dân Mỹ.
Donald Trump làm tổng thống, điều ông quan tâm trước hết và trên hết, là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Điều đó không có nghĩa là nước Mỹ đang không vĩ đại. Thế nhưng, ai cũng biết và hiển nhiên, là trật tự thế giới đã có nhiều thay đổi và điều đó không làm cho nhiều người bằng lòng.
Vài dòng thời cuộc
Bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh lạnh giữa khối cộng sản do Liên Xô đứng đầu với hệ thống các nước dân chủ hết sức căng thẳng. Trong quá trình đó, lợi dụng sự bất đồng lớn giữa Liên Xô và Trung Quốc, các đời Tổng thống Mỹ đã hòa hoãn và bằng nhiều cách, bắt tay, với chế độ Trung Hoa cộng sản, lôi kéo Trung Hoa cộng sản với phương châm "Xây dựng và hợp tác" nhằm cô lập, chống lại Liên Xô.
Và như mọi người dân Việt Nam đều biết, với sách lược đó, Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa trong thế cô đơn, để rồi đi đến kết cuộc bi thảm là cuộc xâm lăng của Bắc Việt đã thành công.
Cũng từ đó, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa cộng sản được cải thiện mạnh mẽ.
Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Liên Xô tuyên bố giải thể, cuộc chiến tranh lạnh kết thúc. Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã bày tỏ cảm xúc sung sướng của mình rằng :
"Sự kiện vĩ đại nhất từng diễn ra trên thế giới trong suốt cuộc đời của tôi, trong toàn bộ cuộc đời của mỗi chúng ta, chính là sự kiện này đây : Nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, nước Mỹ đã chiến thắng cuộc Chiến tranh Lạnh".
Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh trật tự thế giới đã có những thay đổi mới. Tuy nhiên, nó tiềm ẩn những điều mà nước Mỹ phải đối mặt.
Một đất nước rộng lớn với hơn 1 tỷ dân, bị kìm kẹp bởi đảng cộng sản Trung Quốc sau mấy chục năm "Kiên định Chủ nghĩa Mác – Lenin" đã là điển hình cho sự nghèo đói và tụt hậu. Bằng những "Cuộc cách mạng" nhằm thỏa mãn tham vọng từ ngàn đời là vươn lên làm bá chủ thế giới. Thế nhưng, chính quyền Trung Hoa cộng sản đã thất bại thảm hại, đưa cả đất nước Trung Hoa vào sự suy đồi. Khi mớ lý thuyết đó bị cả thế giới vứt vào sọt rác, Đảng cộng sản Trung Quốc mới giật mình vứt bỏ sự kiêu ngạo cộng sản lần mò tìm ra thế giới bên ngoài.
Với phương châm "Bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu" của Đặng Tiểu Bình, chính quyền Trung Hoa cộng sản đã thực hiện "Chính sách đối ngoại" mà bản chất là mở cửa bắt tay với Mỹ.
Và các đời Tổng thống Mỹ đã không cần cảnh giác trước một đất nước nghèo đói lạc hậu và suy kiệt nhưng có một thị trường dân số khổng lồ. Năm 2001, Trung Quốc gia nhập WTO trong sự tin tưởng của Tổng thống Bil Clinton và giới chủ chính trị Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một quốc gia có nền kinh tế thị trường tự do và quan niệm giá trị cũng tiếp cận tự do dân chủ kiểu Mỹ.
Chính sách phát triển kinh tế của chính quyền Trung Hoa cộng sản đã rõ ràng có hiệu quả sau một thời gian mấy chục năm được các đời Tổng Thống Mỹ tạo nhiều cơ hội để giao lưu và hội nhập với thế giới.
Có lẽ sẽ không là vấn đề lớn, nếu nền kinh tế Trung Quốc được phát triển bình thường theo đúng quy luật thị trường công bằng, minh bạch và tôn trọng luật pháp quốc tế như bao quốc gia khác. Điều trái ngược ở đây, là nền kinh tế của Trung Hoa cộng sản được phát triển bằng những biện pháp rất… cộng sản. Đó là ăn cắp bản quyền trí tuệ và gian lận thương mại.
Có thể nói rằng, bản chất của một chế độ cộng sản thì khó có thể thay đổi dù cho được hội nhập vào thế giới văn minh. Những biện pháp để phát triển kinh tế của Trung Hoa cộng sản được sử dụng hết sức đa dạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản độc tài.
Đảng cộng sản sẵn sàng can thiệp vào mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, thương mại, đối nội và đối ngoại. Đặc biệt là việc ăn cắp các sáng chế, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ đã trở nên chuyện bình thường ở quy mô nhà nước trong chế độ này.
Ở đó, từ những sản phẩm nhỏ nhặt nhất trong đời sống tiêu dùng hàng ngày, cho đến những siêu sản phẩm trí tuệ như máy bay, tàu chiến và các sản phẩm tinh vi khác, đều được Đảng cộng sản lãnh đạo khuyến khích bằng con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất với phương châm "Đi tắt đón đầu" mà hành động cụ thể là ăn cắp trí tuệ nhân loại.
Với dân số khổng lồ, thị trường sức lao động rẻ mạt, Trung Hoa đã thu hút rất nhiều các công ty nước ngoài đổ xô vào đầu tư tại đó. Và hẳn nhiên, khi làm ăn có lãi, các công ty đã không ngần ngại nhiều trước những yêu cầu về chuyển giao công nghệ, sở hữu sáng chế, trí tuệ của mình cho Trung Hoa.
Trung Hoa được coi như công xưởng của thế giới, từ cái chiếc tăm trên bàn ăn cho đến chiếc Laptop của quan chức chính quyền Mỹ sử dụng, tất cả đều được gắn hàng chữ "Made In China".
Và nền sản xuất của Trung Hoa phát triển nhanh chóng đến giật mình.
Với phương châm phát triển, tích lũy bằng mọi giá, Trung Hoa cộng sản đã nhanh chóng làm giàu bằng mọi cách, bất chấp sự phát triển bền vững của môi trường, xương máu người dân, quyền con người và luật lệ quốc tế.
Hàng chục năm sau đó, tỷ trọng kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế Trung Quốc liên tục gia tăng, hình thái ý thức cũng ngày càng xa dần sự kỳ vọng của người Mỹ. Trung Quốc đã từ đối tác biến thành đối thủ của Mỹ.
Rồi đất nước Trung Hoa cộng sản khi tích lũy được một số tiền nhất định đã nổi lên trở thành nền kinh tế thứ 2 thế giới và ngang nhiên thách thức vị trí cường quốc của nước Mỹ.
Khi đã cảm thấy mình đủ tầm vóc, cảm thấy việc "ẩn mình chờ thời" là không cần thiết, nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản đã thể hiện rất rõ tham vọng của mình trước toàn thế giới mà không cần giấu diếm.
Và lúc đó, câu nói của Mao Trạch Đông : "Mỹ chỉ là con hổ giấy" trở thành quan niệm chính thức trong suy nghĩ của chính quyền Trung Hoa cộng sản.
Những tham vọng bành trướng và một Donald Trump
Trước hết, đó là việc đặt ra những tham vọng lớn lao về môt Trung Hoa vươn bàn tay của mình ra toàn thế giới, vào tận "sào huyệt, sân sau" của Mỹ. Những chương trình đầu tư, cho vay đưa các nước kém phát triển vào bẫy nợ, chương trình "Một vành đai, một con đường", Dự án "Made in China 2025" nói lên tham vọng không cần "ẩn mình" không cần giấu diếm của chính quyền Trung Hoa cộng sản.
Về mặt quan hệ với các nước láng giềng, dòng máu bành trướng từ ngàn đời nay của các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã lại bắt đầu nổi dậy.
Những nạn nhân trực tiếp là Philipinnes, Việt Nam, Nhật Bản… lại thường trực với nỗi lo bị xâm lược, bị xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải.
Và trên thực tế, nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản đã thực hiện hàng loạt hành vi bành trướng bất chấp mọi phán quyết của Tòa án Quốc tế, bất chấp căn cứ lịch sử hoặc cái gọi là "tình hữu nghị láng giềng". Tất cả hành động theo đúng luật rừng – luật của những kẻ mạnh.
Những hành động chiếm đóng Hoàng Sa, cướp một số đảo ở Trường Sa, bãi cạn của Philipinnes bằng vũ lực là những biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng bằng bạo lực. Việc xây dựng các đảo nhân tạo và chèn ép các nước bé ở Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như các chính sách của nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản đã làm cả thế giới lo ngại.
Tuy nhiên, sự lo ngại không phải chỉ cho đến hiện nay mới có, mà đã xuất hiện từ một thời gian khá lâu.
Chính quyền Hoa Kỳ sau một thời gian dài dung túng và mất cảnh giác với một Trung Hoa cộng sản, đã nhìn thấy hậu quả của việc nuôi cáo trong nhà. Khi cáo lớn mạnh thì đàn gà của mình không thể yên. Vì thế chính sách "chuyển trục" từ thời Tổng thống Brack Obama đã được đặt ra.
Tuy vậy, những kế hoạch đó là chưa đủ, chưa làm suy suyển giấc mộng bành trướng của những chiếc đầu nóng ở Trung Nam Hải khi cơn thèm khát lãnh thổ của nước khác đang lên đỉnh điểm và tự thấy mình đủ mạnh, đủ khả năng đè bẹp láng giềng. Khi đó, các nước nhỏ láng giềng xung quanh là nạn nhân.
Cuộc đối đầu không chỉ là thương mại
Tổng thống Donald Trump ngay khi còn là một ứng cử viên đã nói rõ những ý định, kế hoạch của mình, và ở đó, Trung Hoa cộng sản là một vấn đề được đặt ra thẳng thắn và quyết liệt.
Với kinh nghiệm của một nhà kinh doanh, với quyền lực của Tổng Thống Hoa Kỳ, ngay từ khi nhậm chức Đonal Trump đã đặt vấn đề Trung Hoa cộng sản thành một yếu tố ưu tiên.
Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố "những biến dạng thị trường của Trung Quốc và cách họ đối phó không thể dung thứ được", đồng thời ông nói rằng: "chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản... tạo ra đau khổ, tham nhũng... dẫn đến bành trướng, xâm phạm và áp bức. của thế giới nên chống lại chủ nghĩa xã hội và sự khốn khổ mà nó mang lại cho mọi người".
Chỉ hơn một năm sau khi ngồi vào chiếc ghế Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump bắt đầu khởi động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Và những đòn quyết liệt từ việc đánh thuế nhập khẩu, đòi hỏi sự công bằng trong thương mại cho đến sở hữu trí tuệ… sau đó với những lý do "an ninh quốc gia" ngăn chặn những công ty nhà nước núp bóng tư nhân như Huawei, ZTE… đã đặt Trung Hoa cộng sản trước những đòn choáng váng.
Kinh tế tụt dốc và ảnh hưởng nặng nề, sự phát triển chậm lại, dẫn đến nhiều nguy cơ bất ổn xã hội, xáo trộn nội bộ… đã làm nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản nhiều phen điêu đứng.
Theo Tiến sĩ Đinh Trường Hinh chủ tịch công ty EGAT tại Hoa Kỳ, nguyên là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. viết cho đài BBC thì:
"Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm hẳn lại, ngay cả dùng những con số chính thức. Hầu hết các nhà phân tích đều kết luận rằng tăng trưởng GDP TQ đã giảm đi nhiều, chẳng hạn tăng trưởng GDP quý II năm nay là gần 3% so với dự đoán 6,2%. Xuất khẩu của Trung Quốc đã chậm lại trong khi doanh số bán lẻ thực tế trong nửa đầu năm tăng 6,7%, yếu nhất kể từ năm 2011.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc vào sản xuất chỉ tăng 3,0% so với tốc độ tăng trưởng hơn 30% trong giai đoạn 2010-2011 . Nền kinh tế TQ đang gặp khó khăn vì việc làm công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2009. Trong quý II, gần 300 tỷ đô la kích thích thông qua cắt giảm thuế và cắt giảm phí của chính phủ TQ không thể cải thiện niềm tin của giới kinh doanh. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy rất ít doanh nhân tin là hoạt động họ sẽ tăng lên trong năm tới".
Từ cuộc chiến thương mại, rồi đến việc bán vũ khí cho Đài Loan, quan tâm sâu sắc đến những biến động hiện nay tại HongKong… tổng Thống Hoa Kỳ đã dần dần đưa vấn đề trở thành một cuộc chiến tổng thể đẩy Trung Hoa cộng sản vào thế bị động.
Năm 1989, nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản gây tội ác tầy trời đối với người dân bằng sự kiện Thiên An Môn, nhưng chính quyền Mỹ vẫn bỏ qua để mấy năm sau đó, Trung Hoa vẫn gia nhập WTO mở đầu cho việc phát triển của nhà nước độc tài.
Ngày hôm nay, sự kiện HongKong đang diễn ra một cách gay gắt và hỗn loạn trước sự tức tối của chính quyền cộng sản Trung Hoa, nhưng thái độ của nhà cầm quyền đã khác trước. Và Tổng Thống Mỹ đã không lơ là trước sự kiện này.
Và hôm nay, nhà cầm quyền Trung Hoa cộng sản lại phải tính đến phương pháp truyền thống cộng sản hay dùng là "Trường kỳ kháng chiến".
Tất nhiên, điều ai cũng hiểu rằng trong một cuộc chiến, dù thắng hay bại thì đều phải trả giá. Nước Mỹ dù có nhiều lợi thế và khả năng vẫn phải trả giá cho cuộc chiến với một đối thủ mới đầy mưu mô, quỷ quyệt và đủ sự tàn bạo như chính quyền Trung Hoa cộng sản.
Xưa nay, câu nói của cha ông ta rằng: "Thâm như Tàu" vẫn còn nguyên giá trị.
Vấn đề là đã đến lúc không thể chần chừ, không thể khoan hoãn trước một nguy cơ trực tiếp đến vị thế, quyền lợi của nước Mỹ và cả cộng đồng quốc tế.
Những tác động đến Việt Nam
Có thể nói rằng, nhiều người Việt Nam vẫn có những tư tưởng ngồi chờ ăn sẵn.
Nhiều người hy vọng một Tổng thống Mỹ mạnh mẽ trong việc quan tâm đến nhân quyền, dân chủ để làm áp lực lên chính quyền cộng sản Việt Nam, buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có những nhượng bộ, chấp nhận những yêu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân Việt Nam.
Đó cũng là những hy vọng chính đáng. Hẳn nhiên với một nước Mỹ lấy giá trị dân chủ, tôn trọng quyền con người và phố biến giá trị dân chủ Mỹ khắp thế giới, trong điều kiện những người đấu tranh cho quyền làm người, cho giá trị tự do, dân chủ cho người dân dưới chế độ độc tài hiện nay, thì việc hy vọng đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Thậm chí có cả những quan chức cộng sản Việt Nam vẫn ngồi chờ những mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ dẫn đến cho Việt Nam một môi trường thuận lợi hơn trong việc gỡ bí dưới sức ép của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong các hành động xâm lược ngang nhiên trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
Điều đó cũng có thể. Trước sức ép của hai bên, một bên là bạn vàng của đảng không cần giấu diếm mưu đồ xâm lược và thôn tính Việt Nam, một bên là sức ép bởi lòng yêu nước của người dân, với tinh thần mấy ngàn năm không chấp nhận làm nô lệ giặc Tàu, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chỉ biết cầu mong một sự giúp đỡ nào đó.
Bởi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không thể làm gì hơn, khi bản thân là một chính quyền tham nhũng, ươn hèn và nhu nhược, chỉ biết lo đục khoét và hà hiếp cướp bóc của người dân. Mọi nguồn lực của đất nước thi nhau chui vào túi quan tham. Khi tham nhũng đã làm băng hoại mọi mặt đời sống xã hội, sự ươn hèn và tư duy nô lệ, coi lãnh thổ đất nước chỉ là món hàng kiếm lợi. Chính sách hèn hạ trước quân xâm lăng chỉ vì "cùng chung hệ tư tưởng" đã làm mất đi nhuệ khí của dân tộc, ý chí quật cường bị thay thế bằng sự vô cảm, lo ăn chơi tha hóa… thì khi Tổ Quốc đứng trước họa xâm lăng, chính quyền trở thành một thứ bù nhìn không hơn không kém.
Nhưng, những hy vọng đó cũng chỉ là những hy vọng. Còn điều đó có xảy đến hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Điều cần nhớ là, như mục đích của Donald Trump đã nêu ra từ khi còn là ứng cử viên Tổng Thống, rằng với ông ta thì ưu tiên hàng đầu là làm cho "Nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Quyền lợi của Hoa Kỳ vẫn là trên hết.
Chúng ta không thể quên, chính vì quyền lợi Hoa Kỳ là trên hết, mà khi cần thiết, Hoa Kỳ sẵn sàng bắt tay với Trung Hoa cộng sản, bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là một bài học đau đớn.
Vì thế, việc đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ của người dân Việt Nam, phải chính từ người dân Việt Nam mà không ai có thể làm thay. Cũng vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc, phải bằng chính năng lực, tinh thần và xương máu của chính người dân Việt Nam.
Không thể chờ đợi một sự ban ơn hay một sự tình cờ nào để mình ngồi yên chờ ăn sẵn mà hưởng tự do, hạnh phúc. Bởi hạnh phúc, tự do, độc lập không ai cho không
Tuy nhiên, trong tình hình thế giới đầy sự xáo trộn như hiện nay, trước tình thế buộc phải đối mặt với một kẻ thù đầy mưu mô xảo quyệt và không thiếu sự tàn bạo như chính quyền Trung Hoa cộng sản thì việc làm cho kẻ thù suy yếu, dù bởi bất cứ nguyên nhân nào, cũng đều là một yếu tố thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước.
Vấn đề là người dân Việt Nam có đủ khả năng để nắm bắt lấy cơ hội của mình trước tình hình thay đổi đó hay không?
Còn nếu chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn chỉ lo giữ chiếc ngai vàng thống trị của mình mà không quan tâm đến vận mệnh đất nước, vẫn giữ mãi mớ tư tưởng Mác – Lenin để lấy kẻ thù dân tộc làm bạn vàng, trong khi người dân Việt Nam vẫn cứ vô cảm với đất nước, xã hội và dân tộc, giao đất nước, Tổ quốc cho một chính quyền "hèn với giặc, ác với dân" cứ lộng hành, thì tương lai nô lệ không phải là điều quá xa xôi.