Kênh tuyên truyền hải ngoại của Bắc Kinh, China Global TV Network, gọi tắt là CGTN đang đẩy mạnh quảng cáo để tăng fan trên Facebook cho dù họ cấm mạng xã hội này hoạt động ở Trung Quốc.
Một số post của CGTN.
Thông tin từ Facebook cho thấy CGTN chạy cả thảy 200 quảng cáo nhắm tới các thị trường khác nhau trong tháng Chín. Có tới 120 trong số các quảng cáo đó nhắm tới cả người dùng ở Việt Nam.
Facebook cũng nói trong năm tháng gần đây nhất, CGTN đã chi ra hơn 3.000 đô la để quảng cáo các tin tức liên quan tới các vấn đề xã hội, chính trị và bầu cử nhắm riêng vào thị trường Hoa Kỳ mà CGTN không nói rõ đó là quảng cáo ‘chính trị’.
CGTN nói trên trang web của họ rằng kênh này đưa tin về Trung Quốc và thế giới "từ góc nhìn toàn cầu" cũng như "mang lại lựa chọn thay thế rõ ràng cho dòng chảy thông tin quốc tế".
"CGTN đặt mục tiêu tách mình ra khỏi các tổ chức truyền thông khác bằng cách đưa tin cân bằng hơn".
Nhưng đừng ai hy vọng CGTN đưa tin công bằng khi nói tới những gì đang xảy ra ở Hong Kong. Một trong những tít báo hôm 19/9 trên trang web của CGTN là "Trung Quốc lên án sự cấu kết của các chính trị gia Hoa Kỳ và những kẻ ly khai Hong Kong". Đương nhiên "những kẻ ly khai" sẽ không bao giờ có thể xuất hiện trên CGTN như trên đài báo ở Hong Kong, phần đất bé nhỏ vẫn còn được hít thở chút không khí tự do mà toàn bộ đại lục đã phải nhịn từ lâu.
Một tít khác hôm 18/9 là "Trung Quốc thúc giục Việt Nam ngưng các hoạt động đơn phương vi phạm ở Biển Nam Trung Hoa". Bài báo dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Việt Nam đã đơn phương khai thác dầu khí ở vùng Vạn An Than (tức Bãi Tư Chính) thuộc quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa) của Trung Quốc và họ yêu cầu Việt Nam chấm dứt các hoạt động như vậy.
Trang Facebook của CGTN có tới gần 86 triệu người theo dõi trên Facebook nhưng độ tương tác kém của nhiều bài trên trang này cho thấy có nhiều khả năng CGTN bỏ tiền ra để có được số người theo dõi lớn như vậy.
Chẳng hạn video về các "chuyên gia" Trung Quốc phản đối "bạo lực và sự can thiệp từ bên ngoài" chỉ được chưa tới 200 likes và chưa đến 10 bình luận sau ba tiếng xuất bản.
Một video khác chỉ trích người biểu tình ở Hong Kong cũng chỉ nhận được chưa đến 200 likes và dưới 15 bình luận sau năm tiếng.
Đó là ngay cả khi trang này chạy hàng trăm quảng cáo và gián tiếp mang lại thêm người đọc cho các bài được đăng tải. Để so sánh, CNN International của Hoa Kỳ hiện không chạy bất kỳ quảng cáo nào. Trang này cũng chỉ có chưa tới 20 fan, tức bằng chưa tới một phần tư lượng fan của CGTN.
Và dù có số fan đông hơn nhiều so với CNN International, đội ngũ quản trị mạng Facebook của CGTN chỉ bao gồm 42 người so với 140 người của CNN International. Hơn 20 quản trị viên của CGTN cũng không thông báo địa điểm mà từ đó họ quản lý trang Facebook của CGTN. Điều này có nhiều khả năng cho thấy mong muốn kiểm soát thông tin của CGTN bằng cách giới hạn số người có thể đăng tin lên Facebook.
Trung Quốc không chỉ bỏ tiền mua quảng cáo trên Facebook nhằm tăng cường ảnh hưởng văn hoá và chính trị. Họ cũng dùng sức mạnh của đồng tiền để thuyết phục ngày càng nhiều nước ủng hộ chính sách ‘một Trung Quốc’ của họ bằng cách cắt từ bỏ sự công nhận Đài Loan như một quốc gia độc lập. Chính CGTN đăng ý kiến dự đoán 16 nước hiện còn có quan hệ ngoại giao với Đài Loan như một quốc gia độc lập rồi cũng sẽ từ bỏ Đài Loan. Người ta nói ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền’ mà Trung Quốc hiện đang lắm gạo, nhiều tiền mặt. Điều không tránh khỏi là các giá trị Trung Quốc, vốn không giàu tính minh bạch và cũng thiếu sự bao dung, sẽ ngày càng lan rộng trên thế giới dưới sự lãnh đạo của hoàng đế đỏ Tập Cận Bình và có thể là các lãnh đạo kế cận.