Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/09/2019

Bài học về Trung Đông

Lê Phan

Trong khi nhân viên của Tập Đoàn Aramco của Saudi Arabia đang còn chưa hiểu được mức độ của cuộc tấn công vào lúc 3 giờ sáng của một loạt phi cơ không người lái (drone) và hỏa tiễn vào điều có thể nói là báu vật của ngành dầu khí, một số trong họ có cảm tưởng đây là ngày tận thế.

trung1

Một cơ sở lọc dầu của Aramco bị hỏa hoạn sau vụ tấn công. (Hình : Getty Images)

Hơn 10 vụ hỏa hoạn bùng cháy ở cơ sở của công ty ở Abqaiq, tụ điểm chế biến dầu thô lớn nhất thế giới, với những ngọn lửa khổng lồ bật sáng bầu trời đêm trong khi khói đen tỏa ra trong bầu không khí thường trong lành của vùng sa mạc. Ở phía Tây Nam của Abqaiq, giếng dầu Khurais cũng bị tấn công.

Cuộc tấn công phối hợp vào tỉnh dầu khí mang tên Eastern Province đã tạo nên sự gián đoạn tệ hại nhất cho kỹ nghệ dầu khí trong lịch sử 86 năm của Aramco, giảm thiểu một nửa sản lượng dầu hàng ngày, tương đương 5% tổng số dầu thô trên toàn thế giới.

Riyadh diễn tả cuộc tấn công không những chỉ vào vương quốc, nhưng còn cho cả kỹ nghệ năng lượng thế giới. Khi thị trường năng lượng mở cửa ngay sau cuộc tấn công, giá dầu thô tăng vọt có lúc đến 20 phần trăm, mức tăng lớn nhất kể từ khi ông Saddam Hussein xâm lăng Kuwait năm 1990.

Tờ Financial Times dẫn lời một viên chức trong kỹ nghệ dầu nói "Tôi thực sự nghĩ đây là ngày tận thế… Tôi không nói nên lời nữa, hoàn toàn tê liệt. Đây là động cơ của kỹ nghệ toàn cầu, và ‘bốp’ ! Nó như là ai dã dùng gậy đánh baseball quật vào bạn".

Aramco đã hứa sẽ tái lập sản xuất bằng mức trước cuộc tấn công vào cuối tháng này. Nhưng cuộc tấn công đã chứng minh một cách rõ ràng nhược điểm trong hạ tầng cơ sở của quốc gia xuất cảng dầu thô lớn nhất thế giới. Và nó đã biến thành sự thật cơn ác mộng tệ hại nhất trong vùng Vịnh theo sau nhiều tháng âm ỉ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Iran, một cuộc tấn công vào tâm điểm của vùng tối quan trọng cho kỹ nghệ dầu thô.

Washington đổ cho Tehran chủ mưu cuộc tấn công này, trong khi đó một đồng minh của Iran Phong trào Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm.

Ngoại Trưởng Mike Pompeo diễn tả cuộc tấn công này là một "hành động chiến tranh" sau khi gặp Thái tử Mohammed bin Salman, lãnh tụ trên thực tế của Saudi Arabia ở Jeddah.

Một lần nữa, triển vọng một cuộc chiến trên toàn vùng, với Iran và các lực lượng đại diện của họ, và Hoa Kỳ cùng các đồng minh, đặc biệt Saudi Arabia và Liên hiệp các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, lại treo lơ lửng trên vùng Trung Đông.

Nhưng cuộc khủng hoảng này đáng lẽ phải được tiên đoán trước, nếu Tổng thống Donald Trump không phải là một người bất chấp lịch sử. Việc ông rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân, thành công ngoại giao duy nhất trong vùng trong nhiều thập niên nay, đã bị thúc đẩy một niềm tin không đúng chỗ là thỏa thuận mà vị tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Barack Obama, cùng toàn thể các cường quốc Âu Châu, Nga và Trung Quốc đạt được có những sai lầm lớn và chỉ có ông, một nhà điều đình bậc thầy, mới có thể đưa đến một kết quả tốt hơn.

Sở dĩ ông hành động như vậy là vì ông không biết đến khả năng của chế độ Iran hấp thụ áp lực. Nó cũng vì ông không biết là chế độ Iran sẽ tấn công nếu họ cảm thấy nhu cầu phải tự vệ. Iran cũng sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy hơn là các nước láng giềng. Cộng thêm vào đó, những cánh tay dài của họ – từ Yemen đến Iraq, qua Syria và ở Lebanon – cung cấp một khả năng phá hoại mà không một quốc gia vùng Vịnh nào có thể so sánh được.

Thực vậy, cuộc tấn công vào các cơ sở dầu thô của Saudi đã lộ diện không những nhược điểm của hạ tầng cơ sở dầu khí của Saudi, nó còn làm nổi bật thất bại kinh hồn của chiến dịch bốn năm trời của Saudi ở Yemen, mà mục đích là để tiêu diệt đám phiến quân Houthi vốn tự nhận là mình đứng ra thực hiện cuộc tấn công mới nhất này.

Một số những nhân vật trong chính phủ Trump, nhất là ông cố vấn an ninh quốc gia mới bị cách chức, John Bolton, có thể có một mục đích tối hậu : Áp lực tối đa có thể làm cho chế độ Iran sụp đổ từ bên trong nội bộ hay dẫn đến một chiến dịch quân sự để thực hiện cũng việc đó. Mục tiêu tối hậu của họ là thay đổi chế độ. Nhưng điều đó chưa bao giờ là thực tế. Trong khi đó Tổng thống Trump, tuy ông đồng ý với kế hoạch đó, thích đe dọa chiến tranh hơn là lâm chiến. Điều ông tính toán là Iran sẽ phải đầu hàng và đồng ý điều đình theo điều kiện của ông.

Nhưng ở Iran, nơi phe cứng rắn chống lại Tổng thống Hassan Rouhani đã được tăng cường sức mạnh nhờ "chiến thuật áp lực tối đa" của Tổng thống Trump, đặc biệt là Lực Lượng Vệ Binh Cộng Hòa – chế độ đã nói rõ là họ sẽ trả đũa nếu bị tấn công. Chiến thuật của Iran là gây lo ngại cho kẻ thù và làm cho họ ý thức rõ cái giá phải trả cho gây hấn với nước cộng hòa Hồi giáo Iran. Trong tính toán của họ đó là hình thức phòng thủ tốt nhất.

Kể từ khi tổng thống rút lại những ngoại lệ cuối cùng trong cấm vận dầu thô hồi tháng Tư và hứa sẽ đẩy xuất cảng của nước cộng hòa Hồi giáo xuống còn số không, chế độ thần quyền này đã thề sẽ "chống cự", trong khi khuyến cáo là họ sẽ không chịu đựng một mình. Sau khi đe dọa gây gián đoạn cho việc chuyên chở dầu thô qua Eo biển Hormuz, Tehran đã bị đổ cho đã tấn công phá hoại một số tàu chở dầu, bắn hạ một phi cơ drone trinh thám của Hoa Kỳ và bắt một tàu chở dầu mang cờ Anh.

Những hành động đó được coi là những phát súng báo động có tính toán. Cuộc tấn công cuối cùng đã ở một mức hoàn toàn khác : Một cuộc tấn công táo bạo đã vượt qua một cách ngoạn mục hệ thống phòng thủ của một trong ba quốc gia mua vũ khí nhiều nhất thế giới và đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ trong khối Ả rập.

Các viên chức Hoa Kỳ đã nói họ nghĩ những phi cơ drone và hỏa tiễn này được phóng từ bên trong Iran. Nếu đúng, điều đó có nghĩa là Tehran đã bỏ đi chiến thuật quen thuộc sử dụng những đồng minh như lực lượng dân quân Shia ở Iraq để tấn công kẻ thù, một chiến thuật cho Tehran một cái cớ để chối. Ít nhất thì các viên chức Hoa Kỳ và Saudi nói là lực lượng Houthi không có đủ khả năng để thực hiện cuộc tấn công này -mà Saudi bảo gồm 18 phi cơ drone và bảy hỏa tiễn tuần du bắn ra từ phía Bắc.

Dầu cho Iran có thực sự thực hiện hay không thì cũng rõ ràng là Iran chủ mưu. Và phải nói là bên trong Iran, tất cả các phe phái, kể cả các phe canh tân đang đối đầu với phe cứng rắn, đều cảm thấy thích thú. Cựu phó tổng thống Iran Mohammad-Alo Abtahi, đã giải thích là nó nhắc nhở mọi người là "không ai nên nghĩ đến chiến tranh hay ngay cả những luận điệu chiến tranh". Ông cũng chỉ là nó cho thấy Saudi Arabia là "nhược điểm của toàn vùng".

Đối với Saudi Arabia, thời điểm của cuộc tấn công này không thể tệ hơn. Vương quốc đang hy vọng có thể ra khỏi được khó khăn do vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi tạo nên, và hy vọng có thể khuyến khích được đầu tư ngoại quốc vốn cần thiết để hỗ trợ cho kế hoạch cải tổ cực kỳ vĩ đại của Thái tử Mohammed. Đặc biệt nó đã có thể làm hại đến cố gắng của ông để bán cổ phần của Aramco trên thị trường thế giới, một cố gắng mà bây giờ chắc phải để chậm lại, mặc dầu các viên chức Saudi vẫn cả quyết là việc bán cổ phần sẽ xảy ra, với thái tử ao ước 2 ngàn tỷ USD trị giá. Cuộc tấn công cho thấy là Saudi ở trong một vị thế yếu hơn các quốc gia sản xuất dầu lớn khác, vì cơ sở của họ tập trung ở một quốc gia nằm trong một vùng biến động.

Đầu tư ngoại quốc vào vương quốc đã thấp nhất từ nhiều năm nay và cuộc tấn công đã cho thấy mặc dầu chi ra 70 tỷ USD cho vũ khí năm ngoái, vương quốc rất dễ bị tấn công. Nhược điểm không những ở các cơ sở dầu hỏa mà phi trường, các nhà máy lọc nước mặn vốn đã từng bị phe Houthi tấn công. Vương quốc đã bỏ ra nhiều tỷ đô la cho hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot của Hoa Kỳ, nhưng nó vô hiệu trước loại tấn công "du kích" này.

Một nhà bình luận Saudi diễn tả cuộc tấn công này là "làm sứt mẻ áo giáp kinh tế của Thái tử". Ông này nói "Người ta nghe những khoe khoang ‘chúng ta là cường quốc’, và nay chúng ta biết là những định chế này có thể bị tấn công, cho thấy những chi tiêu về quốc phòng này không đúng chỗ. Nó là một đòn nặng".

Một số cũng đổ cho Tổng thống Trump và phản ứng của ông đối với những lần trước Iran khiêu khích. Mặc dầu ông có những lời đao to búa lớn, nhưng ông lại không thích can thiệp quân sự. Khi phi cơ drone của Hoa Kỳ bị bắn hạ hôm tháng 6, ông đã hủy cuộc tấn công trả đũa vào phút chót. Sự thay đổi ý kiến này của ông đã làm các đồng minh trong vùng coi đó là một sự xác nhận về sự khó đoán về tổng thống. Đã có những lo ngại trong vùng Vịnh về sự bền vững của một thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng, theo đó các quốc gia xuất cảng dầu hỏa sẽ là nhà cung cấp đáng tin cậy năng lượng cho thế giới trong khi Hoa Kỳ cung cấp một bảo đảm an ninh.

Hôm thứ sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói Hoa Kỳ sẽ gửi một lực lượng sang Saudi Arabia để tăng cường phòng không và chống hỏa tiễn. Nhưng ông không cho biết lực lượng này gồm bao nhiêu người. Sau đó Tổng thống Trump loan báo những biện pháp cấm vận mới chống lại Iran, tập trung vào ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư quốc gia, trong khi ông cũng đồng thời đưa ra chỉ dấu là ông muốn tránh chiến tranh.

Như phụ tá chủ bút Roula Khalaf của tờ Financial Times nhận xét : "Một cuộc chiến không kiểm soát ở vùng Trung Đông không phải là điều mà ông Trump muốn nhất là khi ông đang bắt đầu vận động tái cử. Không phải là một người nghiên cứu lịch sử hay một người để ý đến chi tiết, ông đang khám phá ra một sự thật là dễ khởi động một cuộc khủng hoảng ở vùng Trung Đông nhưng rất khó kiểm soát nó, chứ đừng nói đến chấm dứt nó". 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 22/09/2019

Quay lại trang chủ
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)