Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/10/2019

Lối đi hẹp : Ranh giới mong manh giữa chuyên chế và vô chính phủ

Daron Acemoglu &James A Robinson

Đây là bài điểm cuốn "The Narrow Corridor : States, Societies, and the Fate of Liberty", của Daron Acemoglu và James A. Robinson. Martin Wolf là chuyên gia bình luận chính về các vấn đề kinh tế của tờ Financial Times.

Daron Acemoglu và James A Robinson đặt câu hỏi : Làm thế nào cân bằng giữa sự bảo vệ và nền tự do ?

"Đến Đan Mạch" là cách nói ẩn dụ phổ biến về công cuộc biến các quốc gia trở thành những xã hội thịnh vượng, ổn định, được quản trị tốt, thượng tôn luật pháp, dân chủ và tự do. Trong cuốn sách mới nhất, Daron Acemoglu của MIT và James Robinson của Đại học Chicago, đồng tác giả của cuốn "Tại sao các Quốc gia Thất bại" nổi tiếng, tiếp tục đề ra khuôn khổ giải đáp câu hỏi làm thế nào đạt được sự biến đổi trên. Theo họ, câu trả lời đơn giản là : khó. Câu trả lời sâu hơn là : "nền tự do xuất phát từ sự cân bằng tinh tế giữa quyền lực nhà nước và xã hội".

loi11

Nền tự do không phải do nhà nước ban phát, cũng không phải giành được từ sự cưỡng ép của nhà nước. Nó là sản phẩm của sự tranh đua và hợp tác giữa nhà nước và xã hội. Nói theo nhà văn Lewis Carroll (tác giả cuốn Alice ở Xứ thần tiên), các tác giả mô tả mối quan hệ này như là cuộc đua "Nữ hoàng Đỏ", trong đó, nhà nước và xã hội phải chạy cùng tốc độ nếu muốn duy trì vị trí của mình.

Rất quan trọng và cũng rất chính xác, cuốn sách không xem tự do nghĩa là đơn thuần không có sự áp đặt của nhà nước. Khiến tự do bị xói mòn không kém là những thứ như nam giới lấn át nữ giới, cấp trên áp đặt cấp dưới, hay người giàu áp bức người nghèo. Theo mạch lập luận của triết gia chính trị Philip Pettit, các tác giả cho rằng "nguyên lý cơ bản về một cuộc sống viên mãn là…tự do thoát khỏi sự thống trị, sợ hãi và bất an".

Xuất phát điểm phân tích của họ là cuốn Leviathan (Thuỷ Quái) của triết gia chính trị người Anh ở thế kỷ 17, Thomas Hobbes. Với Hobbes, kẻ thù chính là "Warre", hay xung đột không có hồi kết. Để mang lại an ninh, loại bỏ những cuộc đời "cô độc, nghèo, hèn, bẩn thỉu, tàn bạo và ngắn ngủi", ông cho rằng chúng ta buộc phải có một nhà nước hùng mạnh, một chính quyền Leviathan toàn năng. Cuốn sách này gọi kiểu hình nhà nước của Hobbes là "chuyên chế Leviathan" (Despotic Leviathan).

Ngược với chuyên chế Leviathan là "Leviathan không tồn tại" (Abscent Leviathan – hay vô chính phủ). Trong một số trường hợp, một xã hội vô chính phủ đồng nghĩa với chiến tranh trong đó tất cả chống lại tất cả, như Hobbes từng lo sợ, nơi mà sự báo thù dai dẳng sẽ thay thế cho nền pháp quyền. Trong những xã hội như vậy, các mối thâm thù đẫm máu có thể kéo dài nhiều thế hệ.

Tuy nhiên vẫn có một hình thái thay thế cho "Leviathan không tồn tại" : như một cái lồng sắt của những cấm đoán xã hội chụp lên người dân buộc họ hành xử theo qui phạm. Những qui phạm phù hợp với vị trí của một người trong cấu trúc giai tầng là một ví dụ. "Cái lồng sắt qui phạm" như vậy có thể mang tính áp đặt. Theo định nghĩa, hầu như không thể nới lỏng lồng sắt ràng buộc này, bởi vì nền lập pháp không tồn tại để thay thế vai trò đó. Do đó phải có nhà nước.

Với nền chuyên chế Leviathan, nhà nước hoàn toàn áp đảo xã hội. Ngược lại với hình thái Leviathan vô chính phủ, xã hội chiếm ưu thế và nhà nước không là gì. Đâu đó giữa hai hình thái này là một hành lang nơi mọi thứ không quá nóng hoặc quá lạnh. Chỉ ở không gian hẹp này, tương quan nhà nước và xã hội sẽ ở thế cân bằng. Cứ một bên lấn lướt thì bên kia sẽ bắt kịp. Do đó, các tác giả cho rằng "để nền tự do nổi lên và thăng hoa, cả nhà nước lẫn xã hội đều phải mạnh".

Đan Mạch có cả nhà nước mạnh và xã hội vững. Ngược với những lo ngại của Friedrich Hayek, sự nổi lên của nhà nước với thuế khoá cao và phúc lợi hậu hĩnh thực tế không dẫn đến số phận như ông mô tả trong "Đường về nô lệ". Thay vào đó là con đường chia sẻ tự do và sự thịnh vượng.

Đây là điều mà Acemoglu và Robinson gọi là "Leviathan có ràng buộc"(Shackled Leviathan). Chủ thuyết của họ là con đường đi đến hình thái nhà nước này không đơn giản và cũng không tất yếu, nó có tính ngẫu nhiên : phụ thuộc vào những qui phạm và thể chế khởi phát của một xã hội, vào bản chất các cơ hội kinh tế và cả những điều vô tình.

Ở Tây Âu, tiến trình đi đến "Leviathan có ràng buộc" bắt đầu bằng sự sụp đổ của đế chế La Mã, với di sản là những ký ức về thể chế và nhà thờ. Nhưng theo sau là giai đoạn tập hợp có chủ đích các bộ tộc người Đức cùng nhau chinh phạt thành Rome. Đây chính là "cặp lưỡi dao" tạo nên cây kéo thể chế Châu Âu.

Lập luận trên cho rằng, niềm tin vào nhà nước càng lớn, thì người dân càng đòi hỏi nhà nước phải làm nhiều hơn và nhờ đó càng hiệu quả hơn. Sự tin tưởng, không phải sợ hãi, chính là nền tảng của một nhà nước vững mạnh. Do đó, một nhà nước chuyên chế Leviathan sẽ không hành động nhất quán và hiệu quả bằng nhà nước Leviathan có ràng buộc.

Trong lịch sử, Trung Quốc có nhà nước Leviathan chuyên chế qui mô nhất thế giới. Nước này luôn giằng co giữa hai luồng tư duy cai trị : giữa Pháp gia, áp đặt kiểm soát lên người dân, và Nho giáo vốn chú trọng vào đạo lý vua tôi. Tuy nhiên, một nhà nước Trung Quốc không bị ràng buộc không bao giờ có thể bảo vệ người dân trước sự tuỳ tiện của chính nó. Theo đó sự thành công về kinh tế của nhà nước này nhất định có giới hạn.

Di sản lịch sử đã cho thấy kinh nghiệm rất khác biệt của các xã hội hậu Liên Xô. Nga quay trở lại thời quân chủ chuyên chế chính vì sức ỳ của xã hội. Nhờ vậy mà Vladimir Putin dễ dàng áp đặt trở lại hình thái nhà nước Leviathan áp chế. Tuy nhiên, Ba Lan với một xã hội dễ vận động, lại tiến gần hơn tới hình thái nhà nước Leviathan có ràng buộc. Tuy nhiên không có gì là chắc chắn. Dường như Ba Lan ngày nay đang đi thụt lùi trở lại chế độ chuyên quyền cùng với Hungary.

Một trong những chủ thuyết lớn của cuốn sách là vai trò của giới tinh hoa săn mồi (predatory elites) trong việc ngăn chặn sự xuất hiện của hình thái nhà nước Leviathan có ràng buộc. Chủ thuyết này nêu bật sự tương phản giữa Costa Rica và Guatemala, theo đó Costa Rica là một thành công đi theo hướng này, còn Guatemala thì gánh chịu tai họa của giới tinh hoa săn mồi. Lực đẩy đằng sau sự thất bại của Guatemala trong việc thiết lập nhà nước Leviathan có kiểm soát là nhu cầu cưỡng ép lao động của chính tầng lớp tinh hoa. Điều đó hoàn toàn đúng với khu vực phía Nam Châu Mỹ.

Đối với người dân, hai tác giả gợi ý rằng, một nhà nước Leviathan bằng giấy (paper Leviathan) vừa áp chế vừa phi hiệu quả, có thể là hình thái tồi tệ nhất của cả hai thái cực : "Loại hình nhà nước này vẫn chuyên quyền, bỏ ngoài tai ý kiến nhân dân và trơ lì trước công luận, và không do dự trong việc đàn áp hay tiêu diệt họ". Đơn cử là Argentina. Phần lớn Mỹ Latinh và Châu Phi cận Sahara cũng rơi vào nhóm này.

Chế độ Leviathan Giấy là pha trộn giữa độc tài Leviathan với Leviathan vô chính phủ. Cuốn sách đề ra hai lý do cho sự tồn tại của hình thái Leviathan giấy : một là những người nắm quyền không muốn nhà nước vận động được nhân dân ; hai là họ muốn khai thác triệt để mối quan hệ thân hữu. Dù với lý do nào, họ không muốn nhà nước ở thế trung dung và hiệu quả, mà phải thiên vị và phi hiệu quả.

Cuốn sách này có tính nguyên thuỷ về mặt ý tưởng và thú vị hơn cuốn sách trước đó của họ. Nó vượt xa khỏi trọng tâm thể chế để xoáy vào cách thức một nhà nước thật sự hoạt động hiệu quả. Nó cho thấy việc đạt được và duy trì một nhà nước Leviathan có ràng buộc là khó. Đi từ nhà nước Leviathan độc tài sang vô chính phủ hay Leviathan giấy là dễ hơn nhiều : Iraq là ví dụ gần nhất. Khi Saddam Husein sụp đổ, đất nước này tan rã, bất kể có sự trợ giúp của Mỹ.

Cuốn sách cũng nêu ra những câu hỏi lớn về tương lai, ví như chính thể Leviathan tập quyền của Trung Quốc rồi sẽ thất bại trong việc đưa nước này lên vị trí kinh tế hàng đầu thế giới. Tương tự, các tác giả cho rằng cái lồng sắt của những qui phạm giai tầng sẽ tiếp tục kìm hãm Ấn Độ, và nước này sẽ khó thành công.

Câu hỏi quan trọng khác là liệu có thể kìm hãm được "Ý chí giành quyền lực" không, ngay cả với nhà nước Leviathan có ràng buộc. Đây chính là câu hỏi đối với Mỹ. Câu trả lời là phải tạo ra một nhà nước hiệu quả hơn nữa, một nhà nước sẵn sàng hành động chống lại thiểu số săn mồi hay nhà nước độc tài. Xã hội sẽ phải vận động một lần nữa. Nhưng liệu xã hội sẽ làm điều đó không ?

Sự tiến bộ hướng tới "nhà nước Leviathan có ràng buộc" đòi hỏi một xã hội được huy động và một nhà nước luôn đáp ứng. Không có gì đảm bảo sự kết hợp này sẽ xảy ra. Mặt khác sẽ rất khó để đạt được và duy trì nó. Nhưng không có gì là bất khả. Những ai trong chúng ta may mắn được sống trong những xã hội và nhà nước như vậy đều có nghĩa vụ phải bảo vệ lấy nó.

Daron Acemoglu & James A Robinson

Nguyên tác :  "The Narrow Corridor - the fine line between despotism and anarchy", Financial Times, 26/09/2019.

Nguyễn Quý Tâm biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)