Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/10/2019

Nghịch lý tham nhũng Trung Quốc : Quan chức vừa ‘làm’ vừa ‘phá’

Yuen Yuen Ang

Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng vào năm 2012, hơn 1,5 triệu quan chức, bao gồm một số lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị kỷ luật. Trong số này có Ji Jianye, cựu lãnh đạo của thành phố Nam Kinh và Dương Châu, thuộc tỉnh Giang Tô. Bị thất sủng, Ji giờ chỉ được nhớ đến vì những khoản hối lộ và tai tiếng. Tuy nhiên, trước khi ngã ngựa, ông ta nổi tiếng là một người có năng lực với bàn tay sắt. Một bài báo trên tờ "Phương Nam cuối tuần" viết : "Ở Dương Châu, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng Ji là nhà lãnh đạo có đóng góp lớn nhất cho thành phố kể từ năm 1949".

nghich1

Ji Jianye, cựu lãnh đạo của thành phố Nam Kinh và Dương Châu, thuộc tỉnh Giang Tô bị kỷ luật, thất sủng

Việc miêu tả hệ thống chính trị Trung Quốc đang bị chia rẽ mạnh mẽ. Một bên mô tả Trung Quốc là một chế độ nhân tài theo kiểu Nho giáo, nơi các quan chức được lựa chọn, theo cách nói của Daniel A. Bell từ Đại học Sơn Đông, là "theo tài và đức" thông qua một quá trình từ trên xuống thay vì bầu cử. Theo Bell, chế độ nhân tài đưa ra một sự thay thế – thậm chí là một thách thức – đối với chế độ dân chủ. Ông khuyến nghị chính phủ Trung Quốc xuất khẩu mô hình này ra nước ngoài.

Nhóm thứ hai bao gồm những người không tán thành như Minxin Pei của Đại học Claremont McKenna và tác giả Gordon G. Chang, những người đã khẳng định trong nhiều thập niên rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang mục ruỗng do tham nhũng và sẽ sớm sụp đổ. Nói một cách thẳng thắng, Pei mô tả chế độ này đầy rẫy "cướp bóc, đồi trụy và vô pháp".

Trong thực tế, không bên nào chính xác. Tham nhũng và năng lực không chỉ cùng tồn tại trong hệ thống chính trị của Trung Quốc ; chúng còn có thể củng cố lẫn nhau. Ji là một trường hợp điển hình. Thông qua việc giải tỏa và cải tạo đô thị, ông đã nhanh chóng biến Dương Châu thành một điểm đến du lịch từng đoạt giải thưởng, và trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã giành được biệt danh là "Ngài Thị trưởng Máy xúc". Dưới sự lãnh đạo của ông, GDP của thành phố đã lần đầu tiên vượt mức trung bình của toàn tỉnh.

Trong khi đó, những thân hữu thân lâu năm của Ji kiếm được rất nhiều tiền trong nhiệm kỳ của ông. Để đổi lấy những món quà xa hoa, các khoản hối lộ và cổ phiếu công ty, Ji đã trao cho các doanh nghiệp của họ quyền tiếp cận gần như độc quyền đối với các dự án xây dựng và cải tạo của chính phủ. Một trong những công ty này, Gold Mantis, đã có lợi nhuận tăng gấp mười lăm lần chỉ trong vòng sáu năm. Ji càng thúc đẩy tăng trưởng, ông ta càng tạo ra nhiều chiến lợi phẩm cho mình hơn.

Nghịch lý này không chỉ xảy ra với Ji. Trong cuốn sách sắp ra mắt, China’s Gilded Age (Thời đại mạ vàng của Trung Quốc), nghiên cứu của tôi về sự nghiệp của 331 bí thư thành ủy, tôi nhận thấy rằng 40% những người đối mặt với tham nhũng đã được thăng chức trong vòng năm năm, hoặc thậm chí chỉ vài tháng trước khi bị bắt.

Chắc chắn, những người ủng hộ chế độ nhân tài Trung Quốc, như nhà đầu tư mạo hiểm Eric X. Li, thừa nhận sự tồn tại của sự hệ thống thân hữu và tham nhũng, nhưng lập luận rằng "năng lực vẫn là động lực cơ bản". Tuy nhiên, tham nhũng lại là một đặc điểm chính của hệ thống chứ không phải chỉ là tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Điều này không có gì ngạc nhiên vì Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát các nguồn lực có giá trị – từ đất đai và nguồn vốn cho đến các hợp đồng mua sắm – và cá nhân các nhà lãnh đạo Đảng có thể và thực tế đã có quyền lực cá nhân rất lớn. Do đó, các lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc thấy mình liên tục nhận được những yêu cầu xin ân huệ, nhiều trong số đó kèm theo những khoản hối lộ.

Hơn nữa, bất kỳ chế độ nhân tài chính trị nào cũng phải đối mặt với vấn đề "ai là người giám sát những người giám sát". Li mô tả các Ban Tổ chức Đảng, cơ quan đưa ra các quyết định bổ nhiệm, như là "một cỗ máy nhân sự mà các tập đoàn thành công nhất cũng phải ghen tị". Tuy nhiên, cơ quan này lại tham nhũng hơn tất thảy, bởi nó kiểm soát việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Không có gì ngạc nhiên khi trong năm 2018, 68 quan chức tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã bị trừng phạt vì tham nhũng.

Trong khi đó, những người phản đối lại sai lầm theo hướng ngược lại, phóng đại những câu chuyện tham nhũng của Trung Quốc trong khi phớt lờ sự hiệu quả của các quan chức tham nhũng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và mang lại phúc lợi xã hội. Bạc Hy Lai (Bo Xilai), cựu Bí thư Trùng Khánh, người đã bị lật đổ một cách kịch tính hồi năm 2012, là ví dụ nổi bật nhất. Mặc dù ông ta đã lạm dụng quyền lực một cách trắng trợn, Bạc đã xoay chuyển thành phố của mình, và cung cấp hàng hóa công cùng nhà ở giá rẻ cho hàng chục triệu dân nghèo.

Điều mà cả hai phe không nắm bắt được là mối quan hệ cộng sinh giữa tham nhũng và tính hiệu quả trong hệ thống chính trị cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc. Đối với giới tinh hoa chính trị có mức lương chính thức thấp, chủ nghĩa thân hữu không chỉ tài trợ cho tiêu dùng xa hoa mà còn giúp thúc đẩy sự nghiệp của họ. Những thân hữu giàu có quyên góp cho các công trình công cộng, huy động mạng lưới kinh doanh để đầu tư vào các kế hoạch xây dựng của nhà nước, và giúp các chính trị gia hoàn thành các dự án tiêu biểu của họ, giúp cải thiện cả hình ảnh hạ tầng của thành phố cũng như bảng lý lịch của nhà lãnh đạo.

Giống như một trò chơi "đập chuột" cỡ lớn, cuộc thập tự chinh chống tham nhũng của ông Tập đã tóm được một lượng quan chức lớn đến mức đáng kinh ngạc, và chiến dịch đó vẫn đang tiếp diễn. Nhưng chiến dịch bỏ qua một thực tế quan trọng : hiệu suất của các chính trị gia phụ thuộc vào sự tài trợ từ các công ty thân hữu và sự bảo trợ chính trị của họ. Và các vụ bắt giữ cũng đã không làm giảm sức mạnh của nhà nước so với nền kinh tế, vốn là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Ngược lại, ông Tập đã tăng cường sự can thiệp của nhà nước (vào nền kinh tế) lên một mức độ chưa từng thấy trong nhiều năm qua.

Nền kinh tế chính trị Trung Quốc đầy rẫy những nghịch lý. Trung Quốc được cai trị bởi một đảng cộng sản nhưng bản chất là tư bản. Chế độ nhân tài nhưng lại tham nhũng. Để hiểu được Trung Quốc đòi hỏi chúng ta phải hiểu được những mâu thuẫn như vậy, những xu hướng sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều thập niên tới.

Yuen Yuen Ang

Nguyên tác : "China’s Corrupt Meritocracy", Project Syndicate, 04/10/2019.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/10/2019

Yuen Yuen Ang là Giáo sư Kinh tế Chính trị tại Đại học Michigan, Ann Arbor. Bà là tác giả của cuốn sách How China Escaped the Poverty Trap, và cuốn sách sắp ra mắt, China’s Gilded Age.

*******************

Tại sao Trung Quốc tăng trưởng mạnh dù tham nhũng tràn lan ?

Yao Yang, Nghiên cứu quốc tế, 19/05/2015

Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hạ bệ được nhiều "con hổ" cấp cao trong chính phủ và được ca ngợi rộng rãi như là một thành phần chủ đạo trong các cải cách cơ cấu sâu rộng mà Trung Quốc cần thực hiện nếu nó muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên thị trường toàn diện và bền vững hơn. Nhưng lại có rất nhiều lo ngại rằng ở một đất nước nơi mà quan chức chính phủ đóng vai trò chủ yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc nhổ bỏ tận gốc rễ nạn tham nhũng có thể làm suy yếu sự phồn vinh.

nghich2

Cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân, người bị tuyên án tử hình treo năm 2013 vì tội nhận hối lộ. Nguồn : Fox News.

Một số đã viện dẫn những khó khăn đáng kể gần đây của các khách sạn và nhà hàng sang trọng (mà ở Trung Quốc được hỗ trợ rất nhiều bởi chi tiêu chính phủ) như một bằng chứng cho thấy chiến dịch chống tham nhũng đang làm nản lòng các hoạt động nâng cao tăng trưởng. Nhưng sự sụt giảm này rất có thể là tạm thời, với các khách hàng mới đang nổi lên sau một thời gian điều chỉnh.

Một mối lo ngại đáng tin hơn là liệu những nỗ lực nhổ tận gốc nạn tham nhũng có làm suy yếu động lực để quan chức chính phủ thúc đẩy tăng trưởng hay không. Rốt cuộc, các mức tăng trưởng cao thường chuyển thành các khoản tiền tô (rent) lớn mà có thể, thông qua các hành vi tham nhũng, được phân phối cho chính các quan chức cũng như cho bạn bè và những người họ đỡ đầu. Theo logic thì nếu loại bỏ các hành vi như vậy, các quan chức sẽ không thể thu được những phần thưởng lớn từ tăng trưởng kinh tế, và như vậy sẽ có ít động lực hơn để khuyến khích tăng trưởng.

Nhưng lập luận này không kín kẽ. Một trong các dạng tham nhũng phổ biến nhất là việc "bán" các "ghế" trong chính phủ – một hành vi ít liên quan đến tăng trưởng, nhất là khi nó được tiến hành bởi các sĩ quan cao cấp trong quân đội, chẳng hạn như các vị tướng trong Giải phóng Quân Nhân dân đã bị bắt giữ trong chiến dịch tiêu diệt nạn mua quan bán chức.

Một mối quan ngại lớn nữa là, nếu các doanh nghiệp không còn khả năng "bôi trơn bánh xe" – tức hối lộ quan chức để cho phép họ đi vòng qua các quy định tràn lan – thì thành tích kinh doanh của họ có thể bị ảnh hưởng. Và, thực tế là thậm chí sau 30 năm cải cách, kinh tế Trung Quốc vẫn còn bị trói buộc bởi các thủ tục quan liêu, điều làm hạ thấp năng suất một cách đáng kể.

Nhưng cũng có những lỗ hổng trong lập luận này. Điều quan trọng nhất là nếu sự hối lộ như vậy muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng bất kỳ cách thức bền vững và đáng kể nào, thì nó cần phải được tiến hành bởi hàng loạt doanh nghiệp – không chỉ những doanh nghiệp giàu có nhất và có nhiều mối quan hệ nhất. Nhưng hiện tại thì không phải vậy ; hầu hết các quan chức Trung Quốc bị buộc tội cho đến nay đều chỉ nhận hối lộ từ một doanh nhân đơn lẻ, qua đó cho phép doanh nghiệp của họ giành được vị trí độc quyền.

Như vậy, trong khi nạn hối lộ ở Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho tăng trưởng ở một mức độ nào đó thì nó lại không tạo ra được loại môi trường kinh doanh cạnh tranh ủng hộ các lợi ích lâu dài. Thật vậy, thực tế là tham nhũng áp đặt một loại thuế lớn nhưng vô hình lên doanh nghiệp, đặc biệt là bằng cách khiến các quan chức không muốn loại bỏ các thủ tục quan liêu cho mọi doanh nghiệp – một hành động vốn thật sự thúc đẩy tăng trưởng.

Kết luận là rõ ràng : chi phí của tham nhũng lớn hơn nhiều so với lợi ích – và không chỉ ở Trung Quốc. Từ Thế Chiến thứ hai, nhiều nước đã cố gắng chuyển đổi tình trạng từ thu nhập thấp lên thu nhập cao, nhưng chỉ có 13 nước thành công – và tất cả đều có mức tham nhũng chính thức khá thấp.

Do đó, người ta có thể hỏi làm thế nào mà Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như vậy trong 20 năm qua, mặc dù tham nhũng tràn lan. Câu trả lời có lẽ nằm trong chế độ "cử tuyển" ("selectocracy") của nó. Không giống như trong một nền dân chủ, nơi mà công dân bầu ra quan chức chính phủ dựa trên những chuẩn mực mà họ lựa chọn, trong chế độ "cử tuyển" của Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc chọn ra các quan chức để đề bạt dựa trên khả năng thúc đẩy các mục tiêu chính của đảng – đặc biệt là tăng trưởng.

Tất nhiên, quan hệ chính trị và lòng trung thành cũng tác động đến các quyết định đề bạt, đặc biệt ở các cấp chính quyền cao hơn. Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị ở Mỹ Pierre Landry và các đồng nghiệp của ông nhận thấy, tăng trưởng kinh tế là then chốt, nhất là trong số các quan chức cấp quận và thành phố, nơi diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ tăng trưởng của chính phủ, chẳng hạn như đầu tư cơ sở hạ tầng.

Việc được đề bạt đem đến cho các quan chức một động lực tích cực để thúc đẩy tăng trưởng. Hãy xem xét trường hợp của Lưu Chí Quân (Liu Zhijun), cựu bộ trưởng đường sắt, người đã thúc đẩy cơn sốt xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Mong ước của ông về thành tích chuyên môn – và nhất là ước vọng được thăng chức của ông – đã thúc đẩy ông đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Nhưng Lưu cũng dính líu vào các vụ lạm dụng quyền lực quy mô lớn– gồm có việc nhận hơn 10 triệu USD tiền hối lộ tới lúc ông bị bắt năm 2011 – dẫn đến các tổn thất đáng kể về kinh tế cho nhà nước. Án tử hình (treo) của ông sẽ giúp ngăn chặn các quan chức khác đi theo con đường đó.

Nếu các quan chức tham nhũng có thể có những đóng góp đáng kể như vậy cho tăng trưởng thì hãy tưởng tượng xem các quan chức khác vốn tuân thủ pháp luật có thể làm được gì ? Những gì họ cần là những động lực mạnh mẽ để trở nên tích cực (trong công tác). Theo nghĩa đó, chế độ "cử tuyển" của Trung Quốc vốn hứa hẹn thăng chức cho các quan chức chứng minh là mình hiệu quả nhất trong việc thúc đẩy tăng trưởng, có thể là chìa khóa để giải thích cho thành tích kinh tế ấn tượng của nước này.

Yao Yang

Nguyên tác : "Graft or Growth in China ?", Project Syndicate, 04/05/2015.

Trần Anh Hòa biên dịch

Lê Hồng Hiệp hiệu đính

Yao Yang (Dương Diêu) là Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Kinh tế và là Hiệu trưởng Trường Quốc gia về Phát triển, Đại học Bắc Kinh.

Quay lại trang chủ
Read 558 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)