Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/10/2019

Giàu có nhờ hành nghề Sư trụ trì chùa Phật giáo quốc doanh

Nhiều tác giả

"Nghề tu" : Trụ trì hơn 10 năm có tài sản hàng trăm tỷ đồng

Diễm Thi, RFA, 09/10/2019

Đại đức Thích Thanh Toàn hoàn tục và xin giữ lại tài sản hơn 300 tỉ đồng đang gây "khó" cho địa phương và cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Dư luận đặt vấn đề 300 tỉ trong hơn 10 năm làm trụ trì của sư Toàn từ đâu ra ?

su0

Đại đức Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng xin hoàn tục và xin giữ lại tài sản hơn 300 tỉ đồng. AFP

Mập mờ tiền chung - riêng

Sau tai tiếng "gạ tình" phóng viên báo Phụ Nữ, Đại đức Thích Thanh Toàn trụ trì chùa Nga Hoàng xin hoàn tục. Tại cuộc họp chiều 5 tháng 10, ông Thích Thanh Toàn gửi tờ trình đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc xin xả giới, hoàn tục nhưng xin giữ lại tài sản. Ông nói :

"…Nhưng bây giờ, con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ mình bán cho ai và chuyển như thế nào ? Thế thôi ! Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ.

Còn chùa 800m2 đấy thì con vui vẻ, các ngài sao cũng được, nhưng bây giờ cái tài sản của con là con nguyện, con mua, con không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 2-300 tỷ đấy, con xin các ngài !..".

Ngày 11 tháng 5 năm 2008, Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Toàn về trụ trì tại chùa Nga Hoàng (Quan Âm thiền tự), xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo theo Quyết định số 89/QĐ/BTS ngày 17/4/2008.

Như vậy chỉ trong hơn 10 năm trụ trì, Đại đức Thích Thanh Toàn đã có khối tài sản lên đến 300 tỷ, một con số khiến dư luận bàn tán…

Một vị sư từng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không muốn nêu tên nói với RFA sáng 9 tháng 10 rằng :

"Chủ sở hữu đứng tên sổ đỏ như tài sản cá nhân nhưng vẫn phải có một tờ giấy khác kèm theo xác nhận đó là tài sản của giáo hội theo đúng hiến chương của giáo hội".

Theo chính quyền địa phương nơi vị sư này trụ trì, từ khi về chùa Nga Hoàng năm 2008, nhà sư Thích Thanh Toàn đã có hoạt động mua bán, chuyển nhượng đất đai với người dân địa phương ở xã Hợp Châu không thông qua chính quyền địa phương, với tổng diện tích giao dịch không phép lên tới 6000 m2. Số đất này là do sư Toàn bỏ tiền ra mua, chuyển nhượng, nhưng chưa thể sang tên được và sư Toàn nói là của riêng mình, không liên quan đến chùa Nga Hoàng.

Hiện chưa có quyết định chính thức của chính quyền và giáo hội về khối tài sản mà sư Toàn nhận là của mình. Thầy Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, xác nhận với RFA tối 9 tháng 10 :

"Cho đến giờ này chưa có cơ quan nào xác nhận về những tài sản đó. Riêng tiền cúng dường thì thuộc về chùa. Nếu chứng minh tài sản đó không tranh chấp, không kiện tụng thì đương nhiên sẽ được sở hữu".

Với số tài sản trị giá lên đến 300 tỷ đồng thì có lẽ không ai tin đó là tiền "cúng dường" của bá tánh. Vì theo sự giải thích của thầy Thích Tâm Vượng, thì :

"Tiền cúng dường thì nó thuộc về chùa vì tiền cúng để xây chùa, để tạc tượng, để đúc chuông chứ đâu phải cúng cho cá nhân. Tiền này do các vị trụ trì ở chùa quản lý".

Một vị thầy khác cho hay cách hành xử tiền cúng dường tùy thuộc vào từng chùa, từng tu viện và thiền viện chứ không giống nhau, không theo một khuôn khổ nhất định nào hết. Con số cụ thể do Ban trị sự và vị trụ trì quản lý.

"Bá tánh cùng dường là cúng cho cơ sở tôn giáo chứ không phải cho cá nhân. Nếu vị trụ trì không đàng hoàng thì giáo hội sẽ lấy tài sản đó làm của tam bảo và cử người thầy khác vô thay thế".

"Chi tiêu thì cũng thông báo với đại chúng. Ví dụ tiền cúng dường được bao nhiêu, chi tiêu cho tiền ăn trong chùa bao nhiêu, có những dự án xây dựng gì…"

Vị thầy này nói thêm rằng, Giáo hội chỉ quản lý cơ sở, còn vấn đề chi tiêu, xây dựng trong chùa là do từng chùa tự vận dụng sao cho có lợi nhất cho sự tu tập mà thôi.

Cũng trong ngày 9 tháng 10, trả lời trên báo Thanh Niên, thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng hội thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng theo luật Phật chế, một vị tỳ kheo khi vào chùa, tất cả những gì họ đang sử dụng thì những tài sản đó đều thuộc về tăng (nghĩa là Tăng đoạn, Giáo hội). Thậm chí khi vị tỳ kheo đó mất đi ngay cả cái được coi là tài sản trên mình là tấm áo cà sa cũng phải chuyển lại cho Tăng, không có sự thừa kế ở đây mà do Tăng đoàn quyết định.

Lợi dụng tôn giáo để trục lợi ?

Ở Việt Nam những năm gần đây có những ngôi chùa rất đẹp với mức đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng như Chùa Tam Chúc (Hà Nam) có diện tích lên tới 5.000 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 11.000 tỷ đồng.

Chùa Bái Đính là một quần thể Phật giáo rộng khoảng 540 ha. Du khách lần đầu đến sẽ choáng ngợp trước sự hùng vĩ, rộng lớn và vẻ đẹp nơi đây.

Chùa Ba Vàng có tên gọi từ xa xưa là Bảo Quang Tự, nghĩa là "ánh sáng quý", tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam với diện tích 4.500 mét vuông.

Báo mạng Giáo Dục Việt Nam hôm 7 tháng 3 trích lời Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn - chuyên gia nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) rằng :

"Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam và không gian văn hóa của người Việt thì từ xưa đến nay không có hệ thống chùa quá to. Một ngôi chùa có thể được gọi là to như chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích hoặc chùa Keo thì vẫn nằm trong không gian làng xã chứ không hề mang tính du lịch, thương mại…"

Với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cũng thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì vấn đề văn hóa tâm linh đã bị các nhóm lợi ích thương mại hóa, trở thành một lĩnh vực kinh doanh với lợi nhuận khổng lồ. Ông nói :

"Cách đây 10-15 năm, một số người giàu có kết hợp với các quan chức coi việc trùng tu hoặc nâng cấp mở ra các chùa chiền. Đấy là cách làm ăn của họ có thể thấy ở tất cả các nơi, mà thực chất đằng sau nó là việc kinh doanh. Họ chỉ mượn các vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng để kinh doanh, đây là mối lợi béo bở giữa các thế lực chức sắc tôn giáo, các doanh nghiệp giàu có và các quan chức từ trung ương đến địa phương. Ba thế lực chân vạc này nó tạo nên những cái khu du lịch Bái Đính ở Ninh Bình và Đại Nam lạc cảnh ở Bình Dương".

Với những tai tiếng xảy ra liên tục những năm gần đây liên quan đến việc lợi dụng tôn giáo để trục lợi như gần đây nhất là vụ "giải vong" ở chùa Ba Vàng, vụ Đại Đức Thích Thanh Toàn "gạ tình" phóng viên, dư luận cho rằng cần phải có sự cải tổ từ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. Đại Đức Thích Tâm Vượng chia sẻ với RFA về việc này hôm 9/10 :

"Cái đấy thì thầy cũng không dám có ý kiến vì phải do Trung ương giáo hội. Thầy chỉ phụ trách cấp cơ sở nên phải tuân thủ chỉ đạo từ trên xuống dưới. Giáo hội muốn hoạt động được thì phải do Ban tôn giáo chính phủ, Bộ nội vụ, nên các thầy phải tuân thủ từ trên xuống dưới".

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định, cho đến bây giờ thì càng ngày lòng tin của con người trong cuộc sống hiện tại càng mất đi. Chưa bao giờ các vấn đề về băng hoại giá trị truyền thống rạn nứt như bây giờ, cho nên người dân không tìm được sự an ủi, niềm tin nơi trần thế thì họ phải tìm kiếm trong tôn giáo.

Chính những người trong những ngôi chùa như vậy kết hợp với những quan chức cấp tỉnh và kết hợp với những đại gia lợi dụng sự yếu đuối, sự, mê lầm đó của dân chúng để họ trục lợi. Họ quyết liệt phải trục lợi bằng được. Ông cho rằng đây đã đến hồi mạt pháp của Phật giáo Việt Nam và khó có thể chấn hưng lại.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 09/10/2019

**********************

Gia tài 300 tỷ của sư Thích Thanh Toàn bao gồm tài sản gì ?

Hoàng Phúc, Vietnamdaily, 08/10/2019

Trong clip đang gây xôn xao mạng xã hội, sư thầy Thích Thanh Toàn tuyên bố với đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc rằng ông có tài sản lên đến 200-300 tỷ đồng, và có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái nếu muốn.

su3

Tờ trình xin xả giới hoàn tục của Thích Thanh Toàn. 

Liên quan đến vụ Đại đức Thích Thanh Toàn, Trụ trì chùa Nga Hoàng (sinh năm 1976 quê Quảng Trị, người vướng nghi vấn gạ tình nữ phóng viên), sáng 7/10, Đại đức Thích Tâm Vượng, Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tại cuộc họp ngày 5/9 vừa qua, Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đã có kết luận liên quan đến vụ việc.

Kết luận của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, trước sự thành tâm sám hối Đại tăng tại phiên họp, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc chấp nhận theo nguyện vọng xin xả giới hoàn tục tại tờ trình của Đại đức Thích Thanh Toàn.

Đáng chú ý, trong clip, sư Thích Thanh Toàn cho biết, ông có tài sản trị giá khoảng 200 - 300 tỉ đồng và có thể lấy vợ khi hoàn tục.

Cụ thể, mở đầu clip sư Thích Thanh Toàn khoe mình có nhiều tài sản có giá trị, ước tính số đó khoảng 200 - 300 tỉ.

"Bây giờ con xin quý ngài là trang trại con quá lớn, tượng pháp quá lớn. Bây giờ, mình bán cho ai và chuyển như thế nào? Con cũng có nhiều chỗ ở chứ không phải một chỗ. Còn chùa 800m2 ấy các ngài sao cũng được, nhưng tài sản của con là con nguyện giữ lại.

Con mua, không làm gì cả, chỉ làm để nuôi các cháu ăn học, các người trong bệnh viện. Con xin các ngài giúp cho con cái đấy thôi. Nếu tính tài sản thì khoảng 200 - 300 tỉ đấy", sư Thích Thanh Toàn cho hay.

Sư Thích Thanh Toàn cũng cảm thấy mình có lỗi và muốn được sám hối. "Lâu nay con làm tổn thất oai đức của các ngài thì con sám hối suốt đời không hết, nhưng nói thật với quý ngài, tất cả là cạm bẫy. Nếu mình tránh cạm bẫy này sẽ có cạm bẫy khác", sư Thích Thanh Toàn phân trần.

Bên cạnh đó, sư Thích Thành Toàn nhắc lại rằng chuyện bị quay cảnh gạ tình nữ phóng viên là do mắc bẫy và tuyên bố nếu mình có thể cưới vợ, ăn chơi thoải mái sau khi hoàn tục mà không sợ gì cả.

"Đây là một cạm bẫy nhưng không sao cả, mình làm mình chịu. Đàn ông không sợ. Nếu muốn lấy vợ thì vẫn thoải mái, không sợ gì cả. Ăn chơi thoải mái, không sợ gì cả. Mặc cái áo cà sa này, họ mới chơi, còn bình thường thì không ai nói được. Con nói mình thanh niên mà sợ gì. Không sợ bất cứ thế lực nào cả", sư Thích Thanh Toàn khẳng định.

su4

Một góc chùa Nga Hoàng. 

Mới đây, Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý với các thỉnh nguyện xin xả giới hoàn tục và được giữ tài sản thuộc sở hữu cá nhân của Thích Thanh Toàn. Sau khi sư Toàn bàn giao, chùa Nga Hoàng sẽ do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc điều hành cho tới khi có trụ trì mới.

Sắp tới Giáo hội Vĩnh Phúc sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và Thích Thanh Toàn để xác minh nguồn gốc tài sản của ông.

Về chuyện này, đại đức Thích Tâm Vượng, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ với Tuổi Trẻ : "Tài sản đối với người tu hành có 2 loại. Một là tài sản thuộc cơ sở tôn giáo, hai là tài sản thuộc sở hữu cá nhân. Đành rằng những tài sản mang tên chủ sở hữu là thế danh của thầy Toàn được phật tử cúng dường, biếu tặng trong thời gian thầy Toàn làm trụ trì chùa Nga Hoàng nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật hiện hành.

Nếu phật tử cúng pho tượng ngọc trị giá hàng tỉ đồng cho thầy Toàn đặt ở chùa Nga Hoàng thì pho tượng vẫn là tài sản của chùa Nga Hoàng, thầy Toàn không được mang đi. Nhưng nếu phật tử biếu cho thầy cái xe máy, ôtô, thầy Toàn đi đăng ký với thế danh của thầy thì đó là tài sản cá nhân của thầy, được pháp luật bảo hộ. Giáo hội không thể thu hồi tài sản thuộc sở hữu cá nhân của thầy Toàn.

Dẫu đất đai có lên tới 2.000-3.000m2 mà không nằm trong sổ đỏ của chùa Nga Hoàng, do thầy Toàn mua bán hợp pháp thì đương nhiên thầy Toàn được quyền sở hữu.

Người ta đã xả giới, ra đời thì người ta cũng cần phải có cái nguồn để sinh sống. Tài sản đó thầy cũng có ăn trộm ăn cắp đâu".

Hoàng Phúc

Nguồn : Vietnamdaily, 08/10/2019

***********************

Ông sư trụ trì chùa hoàn tục, tài sản huê lợi của chùa ra sao ?

Minh Châu, 09/10/2019

"Người ta đã xả giới, ra đời thì người ta cũng cần phải có cái nguồn để sinh sống. Tài sản đó thầy cũng có ăn trộm ăn cắp đâu", đại đức Thích Tâm Vượng - Phó Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc giải thích cho quyết định ông sư hoàn tục được mang của cải nhà chùa về theo.

su1

Đại đức Thích Thanh Toàn, tức ông Lê Hữu Long, trụ trì chùa Nga Hoàng huyện Tam Đảo xin xả giới hoàn tục và được giữ tài sản thuộc sở hữu cá nhân.

Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý với các thỉnh nguyện xin xả giới hoàn tục và được giữ tài sản thuộc sở hữu cá nhân của đại đức Thích Thanh Toàn, tức ông Lê Hữu Long, trụ trì chùa Nga Hoàng huyện Tam Đảo.

Cuộc hoàn tục ra tiền

Chưa bàn đến pháp luật dân sự về ‘quyền tài sản’ liên quan đến vấn đề tôn giáo, chỉ xét riêng về những nội dung liên quan tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), cho thấy quyết định "giữ tài sản thuộc sở hữu cá nhân của đại đức Thích Thanh Toàn", chỉ có thể là những phẩm vật được dâng cúng cho cá nhân như áo cà sa, chuông, mõ.

Những tài sản có được trong thời gian ông Lê Hữu Long khoác áo nhà tu hành với pháp danh Thích Thanh Toàn, chức danh trụ trì chùa Nga Hoàng, phải chịu sự điều chỉnh của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII, mặc dù rất có thể về pháp luật dân sự, việc ghi tên trong thủ tục hành chính là Lê Hữu Long, không đính kèm theo pháp danh Thích Thanh Toàn.

"Trước khi có tờ trình xin sám hối, đại đức Thích Thanh Toàn có trình bày nguyện vọng, các tài sản mua bán với nhân dân tại chùa Nga Hoàng, cụ thể là đất đai còn chưa rõ ràng và việc chuyển đổi mới chỉ giữa sư Toàn cùng người dân, chưa được cơ quan Nhà nước chấp thuận. Đồng thời, sư Toàn nói đây không phải tài sản thuộc về tôn giáo nên xin được giữ lại. 

Tại cuộc họp, Ban Trị sự cũng nêu rõ, nếu các tài sản này hợp pháp, theo đúng quy định của pháp luật, không thuộc tài sản của Giáo hội thì Ban Trị sự không can thiệp và đó là tài sản cá nhân. Bởi sau khi hoàn tục, sư Toàn trở thành một cư sĩ, Phật tử nhưng vẫn là một công dân bình thường và được sở hữu các tài sản đó", đại đức Thích Tâm Vượng - Phó Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc giải thích với báo chí.

Đại đức Thích Tâm Vượng còn nhận xét, "sư Toàn là một tu sĩ xuất gia từ nhỏ và từ khi trụ trì chùa Nga Hoàng từ năm 2008 đến nay, dù có những việc chưa ổn, sai phạm thì cũng có rất nhiều công lao cho chùa, việc làm để đời cho xã hội".

Nếu lập luận trên được chấp nhận, một tiền lệ rất xấu được mở ra : ông sư trụ trì chùa có thể dùng tiền cúng dường của bá tánh để mua đất đai, xe cộ... 

Có phải lỗ hổng từ luật ?

Luật Đất đai cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các công dân. Khi đã sở hữu được số diện tích đất đai nào đó, nhà sư bèn giở bỏ áo cà sa, và từ vụ việc trụ trì chùa Nga Hoàng, sư hoàn tục ấy sẽ nghiễm nhiên toàn quyền mang theo khối tài sản bất động sản, và có thể còn thêm xe hơi, những vật dụng tiện nghi gia dụng khác được mua bằng tiền cúng dường, nhưng lại đứng tên sở hữu thuộc về ‘thế danh’, tức tên trong giấy khai sinh/ thẻ căn cước công dân.

Giải thích như trên của ông Thích Tâm Vượng là không ổn chút nào, khi ông Toàn vào chùa từ nhỏ, chỉ có bộ đồ nhà Phật mà khi xả giới có trang trại đất đai được mua ban đầu cả trăm tỷ bạc. Có phải mang danh nhà Phật rồi kêu gọi người ta cúng dường, rồi lấy đó mua đất đai ? Hay là ông sư này hưởng được gia sản thừa kế, và dùng số gia sản đó để đi mua đất đai dưới màu áo là sư trụ trì chùa ? 

Cũng có thể, ở đây chỉ mượn ‘mác’ nhà sư để dễ dàng trong các thỏa thuận mua gom đất đai giúp cho một đại gia bất động sản nào đó ở Vĩnh Phúc. Giờ gặp tình thế buộc phải ‘cởi áo cà sa’, bằng mọi cách, ông Lê Hữu Long phải lấy bằng được khối tài sản đất đai mà thực chất ông chỉ đứng tên mua dùm.

Có ý kiến, quyền sở hữu tài sản của người đã đi tu, cái gì Phật tử cúng dường cho các tăng, ni hoặc chùa cũng chỉ để các tăng, ni sử dụng để hành đạo, chứ không phải để các tăng, ni sở hữu riêng rồi hoàn tục giữ lại tài sản để sử dụng. 

Khi nào nhà sư có ‘của riêng’ ?

Câu trả lời cho ý kiến trên có thể tìm thấy tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chương XI "Tài chính - Tài sản". Điều 62 : Tài chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có : 1. Niên liễm do các thành viên đóng góp. 2. Tài chính do các tăng ni, cư sĩ Phật tử, tư nhân trong và ngoài nước cúng dường. 3. Tài chính do Giáo hội tự tạo. 

Điều 63 : Tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm có động sản, bất động sản hợp pháp : 1. Do Giáo hội xây dựng, tạo mãi hoặc tư nhân trong và ngoài nước hiến cúng hợp pháp. 2. Do các thành viên tăng ni, cư sĩ Phật tử thuộc các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo qua các thời kỳ xây dựng, tạo mãi hợp pháp, được Giáo hội bảo hộ và quản lý chung theo luật pháp Nhà nước.

Nội dung ở Chương XI "Tài chính - Tài sản" của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được hướng dẫn thực hiện tại Chương VI "Tài sản tự viện" của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) [*].

Như vậy trong trường hợp nhà sư Thích Thanh Toàn khi hoàn tục, và vẫn muốn được tiếp tục nắm giữ tài sản hình thành trong quá trình ông giữ chức vụ trụ trì chùa Nga Hoàng, thì sư Toàn có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc tài sản của mình

Nếu sư Toàn không hề có tài sản thừa kế, không kinh doanh gì trong thời gian tu tập mà có sinh lời, tài sản mua bằng tiền cúng dường, tiền công đức của Phật tử, thì phải chuyển lại cho chùa. Nếu lấy tiền bá tánh cúng dường cho chùa đem sử dụng cho mục đích cá nhân, thì cần truy tố tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hiện tại tiền bạc Phật tử cúng dường thì sẽ do nhà sư trụ trì dùng tiền này làm chuyện Phật sự, trang trải cuộc sống hàng ngày cho mọi người tu tập trong chùa (cơm, áo, điện, nước, xăng...). 

Phật tử cúng dường dành riêng cho nhà sư nào thì tăng, ni đó đương nhiên được quyền hưởng lấy, như Phật tử mời nhà sư đến nhà làm lễ khai trương, tân gia, ma chay, cúng trai tăng... Trong trường hợp này, nếu sư Toàn chứng minh được số bạc tiền được Phật tử cúng dường riêng cho ông khi được cậy nhờ làm, thì dĩ nhiên số tài sản nghe đâu được mua tới bạc trăm tỷ đồng ấy của sư Toàn là của riêng nhà sư này, bất kể ông có hoàn tục hay không.

Dĩ nhiên ở đây cũng cần xem xét về nghi vấn ‘rửa tiền’, vì số bất động sản mà nhà sư Thích Thanh Toàn sở hữu được ghi nhận đến thời điểm hiện tại là rất lớn.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 09/10/2019

Chú thích :

[*] Trích Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022).

Điều 27. Quản lý tài sản Tự viện

1) Tự viện là giáo sản, là sở hữu chung của cộng đồng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đại diện làm chủ sở hữu duy nhất.

2) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) là người được Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao quyền sử dụng, quản lý Tự viện theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.

3) Quyền định đoạt tài sản Tự viện do Giáo hội nắm giữ.

Điều 28. Sử dụng tài sản Tự viện

1) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) được quyền sử dụng tài sản gắn liền với Tự viện vào các hoạt động Phật sự, sinh hoạt, tu học của tăng ni ; phục vụ lợi ích chung của Giáo hội và cộng đồng xã hội.

2) Không được sử dụng tài sản Tự viện vào việc lợi ích cá nhân.

Điều 29. Định đoạt tài sản Tự viện

1) Chỉ có Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự tỉnh mới có quyền định đoạt tài sản của Tự viện.

2) Trụ trì, hoặc Ban Hộ tự (Tự viện chưa có Trụ trì) không có quyền định đoạt tài sản Tự viện.

3) Các tài sản Tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh sau khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, những tài sản đó thuộc tài sản của Tự viện.

4) Các tài sản khác do cá nhân Trụ trì sản xuất, kinh doanh hợp pháp, người khác tặng, cho hợp pháp theo pháp luật Nhà nước trước khi được Giáo hội bổ nhiệm trụ trì, không bị chi phối bởi điều 27, 28 Nội quy này.

Điều 30. Quyền hưởng dụng tài sản Tự viện của Trụ trì

1) Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký theo quy định của Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

2) Khai thác tài sản Tự viện phù hợp với công dụng, mục đích sử dụng của tài sản.

3) Giữ gìn, bảo quản tài sản Tự viện.

4) Trùng tu, tôn tạo, sửa chữa tài sản Tự viện theo định kỳ để bảo đảm cho việc sử dụng bình thường ; khôi phục tình trạng của tài sản và khắc phục các hậu quả xấu đối với tài sản Tự viện do việc không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình phù hợp với yêu cầu kỹ thuật hoặc theo tập quán về bảo quản tài sản.

5) Hoàn trả tài sản Tự viện cho chủ sở hữu là Giáo hội, khi bị Giáo hội truất quyền Trụ trì, hoặc giải tán Ban Hộ tự và các quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước.

Quay lại trang chủ
Read 721 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)