Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2019

Đào tạo từ xa : xa đến đâu ?

Trúc Giang

"Chúng tôi đang cho rà soát lại quá trình học tại Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với đơn vị có chức năng để làm rõ vụ việc. Khi có kết quả chính thức, nhà trường sẽ làm các bước tiếp theo...". Đại diện Trung tâm Đào tạo Thường xuyên – Đại học Đà Nẵng cho báo chí biết như vậy. 

daotao1

Bản tường trình viết tay nhiều lỗi chính tả của vị nữ trưởng phòng cơ quan Tỉnh ủy

Nghi vấn đặt ra từ bản tường trình viết tay đầy lỗi chính tả và lủng củng diễn đạt của người có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, cho thấy nếu như bà Sa có theo học tử tế các khóa đào tạo, thì xem ra chất lượng ở những chương trình của hệ đào tạo từ xa tại Đại học Đà Nẵng nơi bà Sa ghi danh theo học, đã quá lơ là trong việc soát xét văn phạm tiếng Việt của sinh viên ; đặc biệt là với học viên mà sau này được Đảng ‘cơ cấu’ ngồi vào ghế Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc.

Bản tường trình ghi tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, trích nguyên văn như sau – bao gồm lỗi chính tả : "Tôi xin thường trình quá trình sinh sống và học tập của tôi như sau :

Từ năm 1995-1997 tôi xin sống và học tập ở Lâm Đồng. Từ năm 1997-1999 tôi xin sống ở tại gia đình nhà chồng số nhà... đường... Buôn Ma Thuột.

Từ 1999-2005 tôi làm nhân viên tại Xí nghiệp chế biến cà phê thuộc Cty 2/9 thời gian nay tôi đã sử dụng bằng cấp 3 của chị gái là : Trần Thị Ngọc Ái Sa hiện đang làm lại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng để học trung cấp kế toán rồi liên thông lên đại học và học thạc sỹ tôi biết việc làm của tôi là sai trái không đúng...".

Liệu chất lượng của những tấm bằng cử nhân, rồi thạc sỹ mà Trung tâm Đào tạo Thường xuyên - Đại học Đà Nẵng đã cấp cho người có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, làm việc tại Tỉnh ủy Đắc Lắc có đáng tin không, khi bà này chưa tốt nghiệp trung học phổ thông ?

Lỗi đào tạo, hay lỗi từ ‘cơ cấu nhân sự’ Đảng ?

Có một lưu ý, bằng đại học từ xa bắt đầu có giá trị tương đương văn bằng chính quy kể từ ngày 01/07/2019, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14. Như vậy nếu căn cứ vào hệ thống bằng cấp cho thủ tục hành chính về bổ nhiệm các chức danh Kế toán trưởng, rồi Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc, cho thấy người có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa là không đáp ứng.

Hệ đào tạo từ xa tại Đại học Đà Nẵng do Trung tâm đào tạo thường xuyên của trường này phụ trách. Việc học tập rất đơn giản : Học viên đăng nhập hệ thống để tự tìm hiểu nội dung của học phần thông qua hệ thống học liệu được cung cấp, theo dõi trực tuyến các bài giảng của học phần. Một số học phần cho phép học viên nhận các file (tập tin) âm thanh, hình ảnh và các tư liệu khác kèm với bài học.

Mỗi bài học sẽ lưu trữ trên mạng trong suốt học kỳ để bảo đảm cho học viên có thời gian hoàn thành chương trình. Học viên làm các bài tập, câu hỏi ôn tập, các bài trắc nghiệm trực tuyến và nhận kết quả ngay. Học viên làm các bài kiểm tra định kỳ trực tuyến và nhận kết quả sau khi giảng viên chấm qua hệ thống email.

Học viên chỉ phải có mặt tại Đại học Đà Nẵng, hoặc tại cơ sở của các đơn vị liên kết ở các địa phương lúc thi kết thúc học phần.

Với quy trình như trên, trong trường hợp học viên ‘mượn’ bằng tốt nghiệp cấp 3 như người có tên Trần Thị Ngọc Ái Sa của Tỉnh ủy Đắc Lắc – tức là ‘người của Đảng’, thì chuyện ‘cậy nhờ’ trong suốt quá trình ‘học qua mạng’ là điều ‘dễ như ăn cơm sườn’. 

Thầy giáo môn tiếng Anh – ông Nguyễn Minh Hùng nói rằng hình thức học đại học từ xa qua internet mang đến nhiều lợi ích cho cả người học và giảng viên, nhưng cũng chính bởi phương pháp học online không có nhiều ràng buộc, nên mỗi cá nhân cần có tính tự giác, kỷ luật với bản thân là cực kỳ cần thiết.

"Tôi từng tham gia giảng dạy hệ đào tạo đó. Tôi biết chuyện học viên của mình nhờ người làm bài dùm, và cả thi dùm lúc thi tập trung kết thúc học phần. Biết, nhưng tôi không thể lên tiếng, vì chỉ là người dạy thuê. Bộ phận giáo vụ của trường lo tất mọi chuyện đó. 

daotao2

Học viên phần lớn là quan chức muốn lý lịch có các văn bằng liệt kê cho oách với thiên hạ. Trong khi đó thì chuyện khảo thí trong hệ đào tạo từ xa này còn lắm vấn đề tệ hại hơn cả hệ tại chức, tức vừa học vừa làm. Riêng vụ việc của nữ quan chức trưởng phòng Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đắc Lắc, tôi cho rằng lỗi không ở hệ đào tạo từ xa, mà lỗi chủ yếu là chính sách sử dụng nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước. Không đảng viên thì không thể làm sếp là ví dụ. 

Mà đã là sếp thì đương nhiên trong lý lịch phải đầy bằng cấp. Chất lượng thật của các bằng cấp ấy ra sao chẳng mấy ai kiểm chứng". Thầy giáo Nguyễn Minh Hùng nhận xét.

"Người của Đảng" phải có nhiều bằng cấp để tiện cho ‘cơ cấu’ (!?)

"Sinh tiền, nhà báo Phạm Khiết của tờ Người Lao Động lúc trà dư tửu hậu hay đại ý rằng, Hai Nhựt hồi còn bên thanh niên xung phong là học trò bổ túc văn hóa của thầy Phạm Khiết, tức nhà thơ Phạm Trường Phục. Thi sĩ thanh niên xung phong Đào Công Điện cũng từng là thầy giáo dạy bổ túc văn hóa cho nhiều quan chức 'cán bộ khung' lúc mới hình thành lực lượng này ở Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 6/1975. 

Dĩ nhiên những lời bổ bả kiểu ‘tao là thầy của nó’ lọt đến tai Hai Nhựt, nên anh Chín Khiết dẫu tài hoa nhưng ‘bị đì’, đành lận đận nghèo khó đến lúc qua đời vì bệnh tật". Nhà báo Thảo Vy của tờ Shipping Times kể.

Hai Nhựt là bí danh của Lê Thanh Hải, cựu Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên Xung phong Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Trong lý lịch, ông Lê Thanh Hải khai có bằng cấp "Cử nhận kinh tế" của trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, "Cử nhân Văn chương" trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, và có bằng Cao cấp Lý luận Chính trị. 

Thế nhưng theo lời kể của một vài nhân viên văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh, thì nhiều văn bản bút phê viết tay của Hai Nhựt thường vấp lỗi chính tả, và cũng sai luôn trình tự trong xử lý văn bản hành chính pháp quy.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 12/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)