Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/10/2019

Chỉ vì không có đăng ký kết hôn mà không cho vợ chồng gặp nhau là bất nhân

Nguyễn Tường Thụy

Theo trang facebook Nguyễn Thúy Hạnh, chị Phạm Thanh Tâm không được thăm nuôi chồng là tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca. 

ca1

Tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca

Trước đó, từ khi anh Ca bị bắt thì chị Tâm vẫn được thăm nuôi chồng như bình thường. Nay trại giam lại yêu cầu phải có đăng ký kết hôn mới được gặp nhau.

Không có đăng ký kết hôn nhưng anh Huỳnh Trương Ca và chị Phạm Thanh Tâm là vợ chồng trên thực tế. Anh chị ở với nhau đã gần 30 năm và sinh được 3 người con, cháu lớn đã 25 tuổi và cháu út 18 tuổi.

Chị Tâm về xin giấy xác nhận của địa phương theo yêu cầu của trại giam, nhưng bị từ chối với lý do rất vớ vẩn là chị Tâm có liên hệ với những người trong giới hoạt động xã hội dân sự.

Huỳnh Trương Ca sinh năm 1971 ở Đồng Tháp, thuộc nhóm Hiến pháp, bị bắt ngày 4/9/2018. Anh bị cáo buộc tội "tuyên truyền chống nhà nước", kêu gọi người dân xuống đường biểu tình vào dịp Quốc khánh 2/9/2018. Tại phiên tòa ngày 28/12/2018, anh bị kết án 5 năm 6 tháng tù giam. Hiện nay anh bị giam ở trại giam Xuân Lộc, cách nhà 285 km.

Huỳnh Trương Ca đang mắc nhiều bệnh như tiểu đường, phổi, dạ dày, cao huyết áp. 

Việc xác nhận vợ chồng trên thực tế cho anh Ca và chị Tâm là trách nhiệm của chính quyền xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Chính quyền xã Thường Phước 2, không thể nêu ra lý do chị Tâm có quan hệ với người này người nọ để từ chối xác nhận quan hệ vợ chồng giữa anh Ca và chị Tâm. Quan hệ với ai là quyền của chị.

*

Đây không phải là trường hợp đầu tiên, trại giam không cho vợ chồng gặp nhau chỉ vì không có giấy đăng ký kết hôn. 

Anh Nguyễn Kim Nhàn bị bắt lần thứ 2 và bị kết án cũng 5 năm 6 tháng tù giam. Lần đầu anh bị kết án 2 năm tù giam, vợ anh, chị Ngô Thị Lộc vẫn được thăm gặp. Nhưng đến lần thứ 2 thì chị không được gặp chồng nữa cũng với lý do không có đăng ký kết hôn.

Suốt thời gian anh ở tù, chị Lộc đều đặn đi thăm chồng, gửi quà xong thì lủi thủi ra về mà không được nhìn mặt chồng, không được nói 1 câu.

Hành trình của mỗi lần đi thăm, chị từ xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang tới trại giam số 6 ở xã Hạnh Lâm huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Mỗi lần như thế, chị phải vượt qua chằng đường 800 km đi về và mất 24 giờ liên tục. Suốt 5 năm rưỡi cứ như thế đối với người phụ nữ nông thôn yếu ớt, nghèo khó như chị là một cực hình. Phải có một tình yêu như thế nào chị Lộc mới vượt qua được những khó khăn kinh hoàng ấy.

Có lần trại giam yêu cầu chị phải có giấy ủy quyền từ người có quan hệ huyết thống với anh Nhàn. Sau khi được con đẻ của anh Nhàn viết giấy ủy quyền theo yêu cầu của trại giam, nhưng vẫn bị trại giam từ chối với lý do "giấy ủy quyền không đúng đối tượng".

Đấy là chuyện của chị Lộc vào những năm 2011 – 2016. Còn bây giờ là chuyện của vợ chồng tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cũng thuộc nhóm Hiến Pháp. Anh Lộc đang bị giam ở trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, Sài Gòn. Anh bị bắt ngày 9/9/2018. Vợ anh là Trần Thanh Thủy. Vợ chồng anh lấy nhau có tổ chức đám cưới nhưng cũng không đăng ký kết hôn. Khi chị Thủy xin được xác nhận của công an địa phương (Thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) nhưng trại giam vẫn không cho chị gặp chồng.

ca2

Ảnh : Đơn xin gặp chồng của chị Thủy đã được công an địa phương xác nhận có hôn nhân trên thực tế nhưng trại giam số 4 Phan Đăng Lưu vẫn không cho gặp

Điều 4 Thông tư 07/2018/TT-BCA quy định về đối tượng thăm gặp phạm nhân bao gồm ông, bà nội ; ông, bà ngoại ; bố, mẹ đẻ ; bố, mẹ vợ (hoặc chồng) ; bố, mẹ nuôi hợp pháp ; vợ hoặc chồng ; con đẻ, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp ; anh, chị, em ruột, dâu, rể ; anh, chị em vợ (hoặc chồng) ; cô, dì, chú, bác, cậu, cháu ruột.

Như vậy, vợ là đối tượng được thăm gặp. Thông tư không nói cần phải có đăng ký kết hôn. Khái niệm trong xã hội xưa nay vẫn là, khi tổ chức đám cưới thì đã nên vợ nên chồng. Không ai phải xem họ có đăng ký kết hôn không mới coi họ là vợ chồng cả. Trong xã hội, có nhiều cặp vợ chồng có cưới hỏi nhưng không đăng ký kết hôn. Họ vẫn ăn ở với nhau, chung thủy với nhau, sinh con đẻ cái. Cũng nhiều cặp vợ chồng giấy kết hôn thất lạc không còn. Vì vậy việc bày ra cần phải có giấy đăng ký kết hôn là tùy từng trại giam. Có nhiều trường hợp vợ chồng không có đăng ký kết hôn nhưng vẫn được thăm gặp. 

Trong các mối quan hệ, quan hệ vợ chồng là gần gũi hơn cả. Tìm cách gây chia rẽ tình cảm vợ chồng là việc làm của những kẻ độc ác, vô nhân đạo, vô nhân tính.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 11/10/2019

************************

Tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh ‘bị đánh đến bất tỉnh trong tù’ (RFA, 11/10/2019)

Tù chính trị Nguyễn Ngọc Anh bị đánh đến bất tỉnh trong nhà tù. Tin này được bà Nguyễn thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, cho Đài Á Châu Tự Do biết vào ngày 11 tháng 10 ngay sau lần thăm gặp mới nhất trong cùng ngày.

ca3

Anh Nguyễn Ngọc Ánh tại phiên tòa ở tỉnh Bến Tre hôm 6/6/2019 AFP

Bà Nguyễn Thị Châu, trình bày rõ :

"Hồi sáng tôi lên đến trại tạm giam là 9 giờ kém, đến 9 giờ hai mẹ con được mời vô gặp bố. Vừa ngồi xuống thì tôi thấy chồng đi ra mà anh đi không nổi, một chân đi một chân lết mà tay anh lại chống lên cái chân đứng trụ. Tôi muốn khóc nhưng phải kềm nén để hỏi lý do vì sao. Chồng tôi nói bị đánh. Tôi hỏi an ninh đánh hay là ai đánh thì anh nói là người tù hình sự lần trước kiếm chuyện trước chưa đánh mà bây giờ mới đánh. Hôm thứ Sáu vừa rồi, họ mời người tù hình sự đó ra làm việc. Vừa làm việc xong nó vào nó chỉ mặt ngay và nói "tao giết chết mày mà tao không phải ở tù. Đợt này tao sẽ giết chết mày". Nói xong nó nhảy vô đánh, chồng tôi né được. Khi chồng tôi quay lại lấy khăn đi tắm thì nó đạp lén từ phía sau. Chồng tôi ngã xuống thì gáy đập vào cái bậc mà người ta xây thành giường cho nằm. Anh nói nếu anh đập đầu vào đó thì anh đã chết rồi. Anh bất tỉnh. Nó tiếp tục vào đè chân và tay anh nhưng một người tù kinh tế vô can ngăn, nếu không thì chồng tôi đã chết"

Bà Châu nói thêm về tình cảnh của chồng trong tù :

"Sau đó chồng tôi xin được thăm khám thì ở trại người ta không cho. Họ cũng không bắt tù hình sự kia đi kỷ luật hay khởi tố gì hết mà bắt chồng tôi đi ra ở một phòng như biệt giam. Không cho nước sôi, không cho đọc báo, không cho xem TV, không cho nghe đài gì hết. Chỉ quanh quẩn ở phòng đó. Trong khi đó anh bị đau, đi không được, tức là anh ấy không tự vệ sinh cho mình được mà anh ấy phải chịu đựng như vậy. Hôm nay anh gặp tôi thì anh mới đi được. Anh ấy nói anh không ăn được, không ngủ được. Anh ấy nói họ sẽ kéo dài thời gian (giam cầm biệt giam) trái phép chứ không dám đưa luật sư ra vì anh thường đòi làm đúng luật, cho nên họ kiếm đủ mọi thứ. Anh nói trong đó có rất nhiều bất công áp lực với anh mà anh không dám nói ra vì anh càng nói thì nó càng làm khó, tìm cách để giết anh".

Bà Châu nhấn mạnh :

"Tôi chỉ muốn cộng đồng, các tổ chức nhân quyền lên tiếng bảo vệ, giúp chồng tôi giữ được mạng sống. Tôi không cần gì ngoài điều đó. Lúc bước vô con đường đấu tranh thì chúng tôi đã chấp nhận cái chết, nhưng phải chết cho đáng. Chứ chết vì sự ác độc không đúng thì tôi không chấp nhận được".

Hồi tháng 6/2019, kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

Truyền thông trong nước trích cáo trạng cho biết trong khoảng thời gian từ 2013 – 2014, ông Ánh đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook lấy tên là "Nguyễn Ngọc Ánh" với mục đích ban đầu là để trao đổi thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ tháng 4 – 2016 đến tháng 8 – 2018, ông Ánh đã tiếp tục tạo một số tài khoản Facebook khác nhau, thường xuyên tham gia cá buổi phát trực tiếp, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân về các chính sách, pháp luật và quan hệ ngoại giao của Nhà nước.

Cáo trạng cũng cho biết ông Ánh đã tạo các nhóm kín chia sẻ, thảo luận, kêu gọi biểu tình vào các ngày 4 tháng 9 năm 2018 và 30 tháng 4 năm 2019.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018. Ông từ chối có luật sư bào chữa trước phiên tòa sơ thẩm. Người dự trù sẽ bào chữa cho ông tại phiên tòa phúc thẩm là Luật sư Đặng Đình Mạnh.

Hồi tháng 6/2019, Tổ chức Human Rights Watch (Theo dõi Nhân quyền Quốc tế) ra thông cáo báo chí kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ông Nguyễn Ngọc Ánh và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông này.

Theo Human Rights Watch, "chính quyền Việt Nam đang đặt ông Nguyễn Ngọc Ánh vào tầm ngắm, buộc ông phải đối mặt với một phiên tòa dàn dựng và án tù giam, nhằm đe dọa những người khác có thể dám lên tiếng chất vấn chính quyền".

Quay lại trang chủ
Read 822 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)