Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2019

Báo động : Việt Nam đang thừa nam nhân và thiếu phụ nữ

Nhiều tác giả

Hàng triệu đàn ông Việt có nguy cơ "ế vợ"

Ngọc Dung, Người Lao Động, 11/10/2019

Với 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh cao ở mức báo động, hơn 4 triệu đàn ông Việt Nam có thể lâm vào cảnh "ế vợ" trong tương lai

thua1

Tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam hiện là 115 bé trai/100 bé gái - Ảnh : TẤN THẠNH

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức báo động khi liên tục lập mốc mới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết theo cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 107 bé trai/100 bé gái thì 20 năm sau, tỷ số này là 115 bé trai/100 bé gái (mức chuẩn sinh học bình thường là 105 bé trai/100 bé gái).

Thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang có xu hướng gia tăng ở cả nông thôn và thành thị. Sơn La đứng đầu về tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh với 120 bé trai/100 bé gái. Tiếp đến là Hưng Yên 118,6 bé trai/100 bé gái ; Bắc Ninh 117,6 bé trai/100 bé gái ; Thanh Hóa 117,2 bé trai/100 bé gái ; Hải Dương 116,3 bé trai/100 bé gái.

55/63 tỉnh, thành trên cả nước có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai/100 bé gái. Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất, là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ 2 Châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Riêng tại Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh đã giảm từ 114,5 bé trai/100 bé gái năm 2015 còn 112,8 bé trai/100 bé gái trong 6 tháng đầu năm 2019 nhưng vẫn ở mức cao. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, sơ kết công tác dân số 9 tháng năm 2019 công bố tỷ số giới tính khi sinh tại Thành phố là 108,3 bé trai/100 bé gái, giảm so với cùng kỳ năm 2018 (111,2 bé trai/100 bé gái).

Dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ, đồng nghĩa từ 2,4-4,3 triệu đàn ông Việt có nguy cơ "ế vợ". Trước đó, nhiều chuyên gia dân số từng cảnh báo những nam giới được sinh sau năm 2000 sẽ có nguy cơ khó lấy vợ.

Đề nghị xử lý hình sự việc lựa chọn giới tính

Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là một trong những thách thức lớn nhất của công tác dân số nước ta hiện nay. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính càng trầm trọng ở cả những cặp vợ chồng có trình độ học thức cao, điều kiện kinh tế tốt.

Với hôn nhân "một vợ, một chồng" trong khi thừa nam, thiếu nữ, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cho rằng hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân ; cấu trúc gia đình vợ - chồng, cha mẹ - con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng.

Theo Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên không thể thành công trong "một sớm một chiều" bởi với chính sách dân số 2 con như hiện nay, Việt Nam cũng phải mất tới gần 40 năm để vận động, truyền thông nhưng cũng chưa thể thành công ở tất cả vùng miền. Trong khi đó, để thay đổi một tư tưởng đã ăn sâu vào ý nghĩ của không ít người dân từ hàng ngàn năm là chuyện không dễ dàng. Để làm được điều này, điều kiện kinh tế - xã hội cần phát triển hơn nữa. Phải có chính sách an sinh xã hội tốt hơn cho người cao tuổi để những người già bớt phụ thuộc kinh tế con cái. "Làm thế nào để khẳng định giá trị của một người nằm ở sự cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội chứ không phải giới tính nam hay nữ. Phải tăng cường khung pháp lý, thậm chí xử lý hình sự với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dân số như việc lựa chọn giới tính khi sinh", Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cử nói.

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỷ số giới tính khi sinh do tâm lý ưa thích con trai của người Việt vẫn còn rất nặng nề. Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái - nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh. 

Ngọc Dung

Nguồn : Người Lao Động, 11/10/2019

***************

Thành phố Hồ Chí Minh : Phụ nữ "sợ đẻ", số hộ một người tăng

N.Thạnh - N.Dung - P.Anh, Zing, 11/10/2019

Ngày 11/10, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 trên địa bàn Thành phố.

thua2

Các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ (Q.1, Thành phố Hồ Chí Minh) đỡ đẻ cho sản phụ - Ảnh : DUYÊN PHAN

Tính đến 0 giờ ngày 1/4/2019, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 8.993.082 người, tăng 1,8 triệu người so với năm 2009, trở thành thành phố đông dân nhất nước và có số hộ lớn nhất cả nước. Tỉ lệ tăng dân số bình quân 10 năm qua là 2,28%/năm. Số hộ dân ở Thành phố là 2.558.914 hộ, tăng hơn 743.000 hộ, chiếm gần 1/2 số hộ tăng của cả vùng Đông Nam Bộ và chiếm gần 1/6 số hộ tăng của cả nước.

Cơ cấu hộ từ 1-3 người có xu hướng tăng và trong năm 2019 chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 54%. Ngược lại, quy mô hộ gia đình có từ 7 người trở lên chỉ chiếm gần 5,4%. Trong 10 năm qua, quy mô hộ gia đình chỉ có 1 người tăng cao nhất, từ tỷ trọng 7,42% năm 2009 đã tăng lên đến 12,47% năm 2019.

Ông Trần Văn Trị, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận Thành phố đang đối mặt với quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và mất cân bằng giới tính.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 16 tỉnh, thành phát triển về kinh tế - xã hội có mức sinh giảm nhanh, hiện xuống dưới 1,8 con. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ sinh thấp nhất nước, xuống dưới 1,5 con.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Thành phố Hồ Chí Minh có lối sống không khác nhiều so với các quốc gia phát triển, tỷ lệ dân số sống ở đô thị khoảng 80%, chi phí nuôi dạy con đắt đỏ, chưa kể các đặc thù như đường sá chật chội, không thể để con tự đi học. Đó là một trong những lý do khiến phụ nữ "sợ đẻ".

Về giải pháp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay trước đây, công tác dân số tại Thành phố chỉ tập trung vào nội dung là kế hoạch hóa gia đình với mục tiêu giảm sinh. Hiện nay, công tác dân số cùng lúc cần triển khai đồng bộ 6 nội dung sau : Duy trì hợp lý mức sinh thay thế ; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng ; thích ứng với già hóa dân số ; nâng cao chất lượng dân số ; phân bố dân số hợp lý với quá trình phát triển.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp, bao gồm Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2020, dự kiến Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội Luật Dân số, trong đó đề nghị xử lý hình sự hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

N.Thạnh - N.Dung - P.Anh

Theo Zing, 11/10/2019

******************

Hàng triệu đàn ông Việt Nam có nguy cơ ‘ế vợ’

Tr.N, Người Việt, 12/10/2019

Với 55/63 tỉnh, thành đang có tỷ lệ "mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức báo động" và hiện đang tiếp tục gia tăng, từ năm 2020 trở đi, 4 triệu đàn ông Việt Nam có thể "ế vợ".

thua3

Sẽ có hàng triệu đàn ông Việt Nam nguy cơ ế vợ. (Hình : VietnamNet)

Báo Người Lao Động dẫn số liệu mới nhất của Tổng cục Dân số tại "Hội nghị Tập huấn truyền thông về công tác dân số" tổ chức ở Hà Nội hôm 10/10/2019, cho thấy 55 trong số 63 tỉnh thành ở Việt Nam có sự chênh lệch giới tính, trung bình tỷ lệ giới tính khi sinh với 114.8 nam/100 nữ.

Với tỷ lệ này, Việt Nam hiện nằm trong nhóm 15 nước có tình trạng "mất cân bằng giới tính khi sinh" cao nhất, là đại diện duy nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ hai Châu Á, chỉ sau Trung Quốc.

Nói tại hội nghị, Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Cử – Viện Nghiên cứu Dân số, gia đinh và trẻ em – cho biết : "Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã ở mức nghiêm trọng".

Theo ông Cử, một điều tra cho thấy 86,7% phụ nữ thành thị biết giới tính thai nhi. Ở nông thôn, tỷ lệ này là 78,9%. Với các gia đình khá giả hay giàu có, tâm lý mong muốn và can thiệp để có con trai cũng rất cao. Điều đáng nói là tình trạng biết giới tính thai nhi này lại ngày càng phổ biến, mặc cho nhà nước có quy định về việc cấm tiết lộ giới tính khi siêu âm lúc mang thai.

"Với hôn nhân ‘một vợ, một chồng’ trong khi thừa nam, thiếu nữ, hàng triệu nam giới sẽ phải sống độc thân khiến cấu trúc gia đình vợ-chồng, cha mẹ-con cái bị phá vỡ. Do nam giới không thể kết hôn hoặc kết hôn muộn, tình trạng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân sẽ tăng. Nạn lừa đảo, bắt cóc, buôn bán phụ nữ đã xảy ra và có thể sẽ tăng", ông Cử cảnh báo.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cho biết nếu thực trạng mất cân bằng giới tính, còn tiếp diễn như hiện nay thì khoảng 30 năm sau, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự chênh lệch giới tính nam hơn nữ khoảng trên 10%. Dự trù năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu nữ giới. Việc mất cân bằng này đồng nghĩa với chuyện vài triệu nam giới có thể sẽ không lấy được vợ, kéo theo hệ lụy về nguy cơ kết hôn nhiều lần, tệ nạn mại dâm…

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Tú, tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng trong thời gian ngắn, rất khó để giảm tỷ số giới tính khi sinh do tâm lý "ưa thích con trai" của người Việt vẫn còn rất nặng nề.

"Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước sinh", ông Tú nói. 

Tr.N

Nguồn : Người Việt, 12/10/2019

******************

Sẽ có hàng triệu đàn ông Việt Nam ế vợ

Thanh Hằng, CAND, 26/06/2017

Sau một năm triển khai đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, vẫn có 45 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh tăng. Ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Con số này được Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cho biết ngay trước Ngày Dân số Thế giới 11/7.

Theo khảo sát mới nhất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Theo Viện này, hệ lụy xã hội của việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thừa nam thiếu nữ, đặc biệt thiếu ở độ tuổi kết hôn.

thua4

Ở nhiều nơi, tỷ lệ bé trai cao hơn bé gái rất nhiều

Khi đó, nam giới sẽ khó lấy vợ, khiến nhiều người kết hôn muộn, hoặc không kết hôn ; làm thay đổi cấu trúc dân số; tan vỡ cấu trúc gia đình, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của phụ nữ tăng cao. Điều này còn kéo theo hệ lụy về an ninh trật tự khi làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tăng bạo hành gia đình, tăng bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó là một số ngành nghề sẽ bị thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá…

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho hay, quan điểm nhất thiết phải có con trai phổ biến ở hơn ở nhóm tuổi cao, nhóm có trình độ học vấn thấp hơn.

Còn theo nghiên cứu của Vụ thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) thì tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này xảy ra không giống nhau tại tất cả các vùng.

Trong khi tại khu vực thành thị, tỷ số giới tính khi sinh giảm thì ở khu vực nông thôn lại tăng lên. Tỉ số giới tính khi sinh tăng tại 4 vùng là trung du và miền núi phía Bắc; đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Nhất là tại Trung du và miền núi phía Bắc tăng từ 108,5 lên 116,1 và ở đồng bằng sông Cửu Long tăng từ 109,9 lên 114,1. Trong khi ở Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, tỷ số giới tính khi sinh giảm rõ nét, từ 109,7 xuống 105,5).

thua5

Tại nhiều vùng dân tộc tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh không cao như thành thị

Điều ngạc nhiên được Vụ thống kê Dân số và Lao động chỉ ra còn là trình độ học vấn của phụ nữ càng tăng, thì tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên: từ mức 106 đến 111 ở bậc tiểu học, đến mức 113 ở bậc trung học phổ thông, và cuối cùng là 115 ở bậc đại học trở lên.

Còn nhóm những bà mẹ chỉ có 3 năm đi học, tỷ số giới tính khi sinh tương tự mức sinh học tự nhiên là 105. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh tăng lên mức 108, 111 và 112 trong các nhóm bà mẹ có trình độ học vấn cao hơn. Đỉnh điểm là 113 trong nhóm các bà mẹ có 12 năm đi học hoặc hơn.

Tỷ số giới tính khi sinh cao ngay trong lần sinh đầu tiên và đặc biệt tăng cao trong lần sinh thứ ba. Tỷ số giới tính khi sinh của lần sinh đầu tiên và lần sinh thứ 2 khi chưa có con trai ở mức khá giống nhau. Nhưng đặc biệt mất cân bằng xảy ra tại lần sinh thứ 3 khi chưa có con trai.

Áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất. Tỷ số giới tính khi sinh tăng lên rất cao (120,2 trẻ em trai/100 trẻ em gái), đặc biệt là với các cặp vợ chồng chưa có con trai (148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái).

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp để sinh con trai cao hơn ở nhóm dân tộc Kinh so với nhóm dân tộc thiểu số, ở nhóm có mức sống khá giàu cao người nghèo.

Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn tồn tại tâm lý thích sinh con trai ở nhiều người do sự mong đợi khác biệt về vai trò của con trai và con gái, đồng thời, tồn tại thực trạng sử dụng các biện pháp để sinh con trai ở những người khá giả, học vấn cao, có tâm lý thích sinh con trai.

Lý giải nguyên nhân của việc mất cân bằng giới tính khi sinh cao, các chuyên gia cho rằng đó một phần là do truyền thống và phong tục của Việt Nam ưa chuộng con trai hơn con gái. Giảm sinh là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đã tác động trực tiếp tới việc quyết định số con của mỗi cặp vợ chồng.

Giáo sư Youngtae Cho (Đại học Quốc gia Seoul, Trường Y tế Công cộng Hàn Quốc) chia sẻ kinh nghiệm: Khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em còn cao, mà mọi người vẫn chỉ muốn có 2 con thì họ hy vọng có ít nhất 2 con trai, để nếu có chuyện gì xảy ra với đứa con trai đầu lòng thì đứa con thứ 2 có thể thay thế.

Giải pháp của Hàn Quốc là ra quy định về các dịch vụ y tế có mục đích đọc/xác định giới tính thai nhi và những trường hợp vi phạm có thể sẽ bị rút giấy phép, thậm chí, áp dụng phạt hành chính hoặc/và bỏ tù. Bên cạnh đó, Hàn Quốc tiến hành các chiến dịch truyền thông và giáo dục mạnh mẽ.

Các biện pháp đồng bộ nhằm tạo sự thay đổi để người Hàn Quốc coi trọng con trai và con gái như nhau, đặc biệt coi trọng về cơ hội giáo dục, tạo những thay đổi trong mối quan hệ giữa mẹ chồng và con dâu; con dâu có trình độ học vấn cao hơn và có thể độc lập ra những quyết định lớn. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em rất thấp nên người Hàn Quốc thấy rằng không cần thiết phải có 2 con!

Giáo sư Youngtae Cho còn cho rằng cần thế tục hóa các giá trị truyền thống: tại sao nhiệm vụ gia đình lại chỉ dành riêng cho con trai, nhất là trên thực tế, nhiệm vụ trong gia đình đã yếu đi! Một bài học từ kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của con trai và con gái là “Con trai hỏi tiền, con gái mang tiền” cũng giúp các gia đình Hàn Quốc dần thay đổi quan niệm.

Theo giáo sư Youngtae Cho, Việt Nam có thể đạt được mong muốn cân bằng giới tính khi sinh khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh/trẻ em đã được cải thiện và con gái được đối xử gần như là bình đẳng với con trai ở các tỉnh/thành trên toàn quốc! Bên cạnh đó, người Việt Nam giờ cũng đã học được bài học thực tế là con trai thường đòi hỏi ở cha mẹ trong khi con gái thường mang lại cho cha mẹ.

Thanh Hằng

Nguồn : Công an nhân dân, 25/06/2017

Quay lại trang chủ
Read 493 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)