Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/10/2019

Lê Hải An : nội bộ đảng cộng sản công khai thanh toán lẫn nhau ?

Nhiều tác giả

Điềm báo cho một cái chết khác

Phạm Đình Trọng, 19/10/2019

Cái chết của trí tuệ và nhân cách Lê Hải An là cái chết của sự lương thiện và chân chính trong chính trường Việt Nam.

caichet1

Cái chết của trí tuệ và nhân cách Lê Hải An là cái chết của sự lương thiện và chân chính

Một chính trường mà người đứng đầu nội các quản trị quốc gia và điều hành nền kinh tế đất nước chỉ thấy làm công việc của hoạt náo viên, lăng xăng khắp sân khấu cuộc đời chỉ nói được những câu chọc cười rẻ tiền.

Một chính trường mà bộ trưởng bộ y tế bảo lãnh cho người nhà buôn thuốc giả và bảo lãnh cho số thuốc giả đó tuồn vào các bệnh viện trực thuộc bộ y tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường thao túng cho những nhóm lợi ích rút ruột tài nguyên, tàn phá môi trường đất nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải huy động cả sức mạnh bạo lực nhà nước ra bảo kê những doanh nghiệp bất lương, làm BOT bẩn móc túi người dân.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nói ngọng và đạo văn.

Bộ trưởng Bộ Công thương dành những dự án công nghiệp lớn nhất, then chốt nhất của nền kinh tế đất nước cho những nhà đầu tư đến từ đất nước luôn nung nấu mưu đồ thôn tính nước ta. Để rồi tất cả những dự án quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước đều thua lỗ nặng nề, đều làm chảy máu xối xả nền kinh tế, làm cho đất nước mãi mãi lụn bại, yếu hèn và bị phụ thuộc không thể cựa quậy vào kẻ nuôi dã tâm xâm lược.

Một tài năng thực sự, một trí tuệ cao như Lê Hải An muốn mang tài năng, trí tuệ cống hiến cho đất nước lại len lỏi vào chính trường đó thì phải nhận cái chết tức tưởi là đúng qui trình.

Dù là tài năng lớn, trí tuệ cao, dù là quan chức cấp thứ trưởng nhưng cái chết đúng qui trình của ông thứ trưởng Lê Hải An cũng chỉ là cái chết của một cá thể. Nhưng một thể chế mà một tài năng, một trí tuệ đích thực muốn được làm việc đóng góp mà phải chết đúng qui trình thì thể chế đó làm sao có thể tồn tại.

Cái chết đúng qui trình của cá thể Lê Hải An.là điềm báo cho cái chết đúng qui trình của cả thể chế đã gây ra cái chết cho tài năng, trí tuệ Lê Hải An.

Phạm Đình Trọng

19/10/2019

********************

Lê Hải An và những cái chết bí ẩn...

Diễm Thi, RFA, 19/10/2019

Cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An được cho là rơi từ lầu 8 xuống đất, một lần nữa nhắc nhớ dư luận về những cái chết trước đây của các quan chức cao cấp như Nguyễn Bá Thanh, Phạm Quý Ngọ, Trần Đại Quang, Trần Bắc Hà… mà đến bây giờ vẫn được coi là "những cái chết bí ẩn".

caichet2

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Lê Hải An tử vong sau khi ngã từ tầng 8 của tòa nhà ở địa chỉ số 35 đường Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hôm 17/10/2019, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Lê Hải An tử vong sau khi ngã từ tầng 8 của tòa nhà ở địa chỉ số 35 đường Đại Cồ Việt (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sau đó, thông cáo báo chí phát đi từ Bộ Giáo dục và đào tạo xác nhận Thứ trưởng Lê Hải An từ trần do tai nạn vào lúc 7h10 sáng 17/10/2019. Theo đúng thủ tục, thi thể ông An đã được cho là đưa đi khám nghiệm tử thi để cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân cái chết. Rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh cái chết của vị thứ trưởng 48 tuổi này khi mới cách đây 2 tháng, ông đã ký một văn bản kỷ luật hàng loạt công chức do vi phạm quy chế thi cử...

Qua sự việc này nhiều người nhớ lại buổi trưa định mệnh 18/7/2019 khi báo chí trong nước đồng loạt đưa tin ông Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, chết trong thời gian bị tạm giam vào buổi sáng cùng ngày. Những thông tin sau đó khiến người dân lạc vào "mớ hỗn độn" không biết ông Trần Bắc Hà chết trong trại tạm giam hay chết trên đường đi cấp cứu…Và rồi những nghi vấn đó lại tắt ngấm đi khi truyền thông im bặt không thông tin gì về cái chết của ông Trần Bắc Hà nữa.

caichet3

Trần Bắc Hà, Cựu chủ tịch Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam

Với những gì đã xảy ra như chúng tôi vừa nêu bên trên, Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, nhận định rằng chính quyền đã nói dối:

"Từ trước đến nay, qua hàng loạt cái chết khuất tất, bất minh và bị nghi ngờ rất nhiều bởi dư luận như cái chết của Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là của Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, cái chết ở Yên Bái hay là vụ Trần Đại Quang. Và cho tới bây giờ là trường hợp của ông Lê Hải An, tôi chỉ thấy một điều: khi bắt đầu xảy ra những cái chết đó thì cơ quan chính quyền lập tức nói dối ; Nói dối liên tục nhưng lại không có hệ thống. Mạnh cơ quan nào cơ quan đó nói dối và đá nhau lung tung".

Ông Phạm Chí Dũng dẫn trường hợp mới nhất là ông Lê Hải An. Vào buổi sáng ngày 17 tháng 10, khi xảy ra cái chết của ông Lê Hải An, Bộ Giáo dục và đào tạo đã vội vã công bố rằng đó là một vụ tai nạn dù không có nhân chứng, không có vật chứng, không có camera ghi hình, không có hình ảnh nào cả. Ông kết luận :

"Dối trá là các phản ứng nhanh và nó đã trở thành các phản xạ có điều kiện ăn sâu vào các não trạng của các cơ quan của đảng Cộng sản. Và chỉ có thể rút ra một triết lý thế này đối với các quan chức của các cơ quan đảng cộng sản : sự dối trá kéo dài từ lúc sống cho đến lúc chết".

Quay ngược lại cái chết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang xảy ra vào ngày 21/9/2018, khi Ủy ban bảo vệ sức khỏe Trung ương loan tin rằng ông Quang mắc loại virus hiếm và độc hại, trên thế giới chưa có thuốc chữa. Cái chết của ông Trần Đại Quang không khiến người dân ngạc nhiên nhiều bởi vô số lời đồn đoán rằng ông đã bị vô hiệu hóa và bị "đầu độc" theo kiểu Nguyễn Bá Thanh trước đây được các facebookers cập nhật, phân tích hàng ngày thông qua mạng xã hội, trong khi báo chí chính thống thì im lặng.

caichet4

Cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh được báo chí loan báo ngày 13/2/2015 gây ra nhiều nghi vấn

Cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh được báo chí loan chết ngày 13/2/2015 cũng gây ra nhiều nghi vấn bởi sự giấu diếm bệnh tình của ông Thanh. Nhà nước chỉ chính thức loan tin khi trên mạng xã hội đã tràn ngập tin tức, hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh trong bệnh viện ở nước ngoài.

Xa hơn nữa là cái chết bất ngờ của ông Phạm Quý Ngọ vào tối 18/2/2014, chỉ một ngày sau khi Chính phủ công bố quyết định về tạm đình chỉ nhiệm vụ thứ trưởng Bộ Công an do liên quan đến vụ án "làm lộ bí mật nhà nước".

Điều đáng nói là lúc bấy giờ nhà báo Như Phong đã loan tin trên mạng lúc 19g58 phút tối 18/2/2014 rằng ông Ngọ đã chết lúc 21g20 phút cùng ngày, có nghĩa là ông Phong biết trước giờ mất của ông Ngọ trước đó ít nhất là 1 giờ 22 phút.

Với Nhà báo Võ Văn Tạo thì những cái chết như thế không phải bây giờ mới xảy ra và không phải chỉ Việt Nam mới có. Ông dẫn chứng :

"Đối với những cái chết bất thường, bất minh của cán bộ, người dân… thì không chỉ là đặc thù ở Việt Nam đâu mà ở Liên Xô, Trung Quốc cũng có.

Tôi nhớ có đọc cuốn "Nửa thế kỷ của đảng cộng sản Trung Quốc và sự phản bội của Mao Trạch Đông" của tác giả Vương Minh - trước đây cũng là một trong những lãnh tụ của đảng cộng sản Trung Quốc. Trong đó đã nói từ năm 1930-1940 đã có những chuyện thanh trừng lẫn nhau bằng cách bỏ thủy ngân vô thực phẩm. Ở Liên Xô cũng thế. Chuyện bí mật thủ tiêu nhau rất là nhiều. Ở Việt Nam cũng vậy".

Trở lại cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An, theo thông tin từ báo chí trong nước, sáng 17/10/2019 (cái ngày ông An chết), ông sẽ phải cùng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Hội đồng Quốc gia giáo dục tại trụ sở Bộ.

Chuyên gia giáo dục Trần Đức Cảnh, thành viên Hội đồng quốc gia về Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực 2016-2021 viết trên Facebook cá nhân sau cái chết của ông An rằng:

"Chúng tôi làm việc với nhau tuy không lâu, nhưng biết An là người có năng lực và nhiệt huyết trong việc cải tổ giáo dục đại học. Một mất mát lớn cho tương lai ngành giáo dục".

Ông Võ Văn Tạo nhận định cái chết của Thứ trưởng Lê Hải An là không bình thường. Ông An được cho là một người tài, một nhà giáo có năng lực, đặc biệt có tư tưởng giáo dục tiến bộ có khả năng làm Bộ trưởng Giáo dục thay thế ông Bộ trưởng hiện nay là Phùng Xuân Nhạ vào năm 2021.

Ở một góc nhìn khác, Luật sư Phạm Công Út nhận định sinh tử là chuyện bình thường và ‘Trời kêu ai nấy dạ’. Có những người là quan chức và khi bị bắt họ bị chết trong tù hay những quan chức đột tử cũng xảy ra nhiều, không chỉ những người thay thế những người bất tài vô dụng mới chết. Tuy vậy ông nhận xét :

"Tôi thấy những cái chết của những người có vị trí lớn trong xã hội, mạnh mẽ, có tài và được lòng dân (có thể nói trong số 4 triệu đảng viên cũng có những người được lòng dân) thì cái chết đến với họ có thể sớm hơn số mạng của họ".

Mãi mãi là bí mật ?

Sau cái chết của nhiều quan chức từ xưa đến nay, từ cấp cao cho đến cấp thấp gần như luôn gây nghi ngờ trong công chúng. Trên mạng xã hội có những câu mỉa mai như "Quan chức cộng sản hay rơi vậy nhỉ (?!)".

Điều đó quả không sai khi nhiều vụ quan chức rơi từ trên lầu xuống đất trong vài năm qua mà báo chí trong nước loan tin có thể kể ra như :

Giữa tháng 8/2019, ông Phạm Văn Khương - phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội bị rơi xuống đất từ tầng 27 của tòa nhà Vinaconex 1.

Ngày 16/01/2019, ông Phan Tấn Nghị - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam - tử vong do rơi từ tầng 3 của trụ sở này xuống đất.

Ngày 29/10/2018, Nữ cán bộ y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang tử vong sau khi nhảy từ lầu 2 tại bệnh viện.

Ngày 13/7/2016, Thượng tá Huỳnh Hữu Khiêm đã rơi lầu 6 của trụ sở tử vong.

Ngày 4/11/2016, ông Lê Hoàng Vân, cán bộ công ty nhà nước rơi từ lầu 4 trường Đại Học Bình Dương xuống đất tử vong.

Nguyên nhân cái chết được báo chí trong nước loan tải không hẳn khiến người dân tin tưởng, bởi nhà nước đã dối dân quá nhiều và người dân không còn bị mù thông tin như xưa sau khi họ có mạng xã hội.

Ông Phạm Chí Dũng phân tích :

"Khi mà các cơ quan chính quyền tố cáo một số phần tử trên mạng xã hội, các thế lực phản động đã tung ra những cái thuyết âm mưu về cái chết của Nguyễn Bá Thanh, của Trần Đại Quang ở Yên Bái… cho đến Lê Hải An thì chính các cơ quan chính quyền cũng tung ra thuyết âm mưu vì họ không có cơ sở gì cả. Thật sự, cho tới nay, tất cả những cái chết mà tôi vừa đề cập là đều vẫn còn bị nghi ngờ rất lớn trong dư luận khi họ nhắc đến".

Nhà báo Võ Văn Tạo thẳng thắn nêu quan điểm của ông khi ông cho rằng một xã hội độc tài và không minh bạch thì những cái chết trong xã hội đó cũng không minh bạch. Ông nói thêm :

"Việc khám nghiệm tử thi, điều tra có được công bố hay không, rồi công bố có đúng sự thật hay không lại là một việc khác. Người dân cũng chỉ biết đến thế.

Nhà nước chủ trương bưng bít qúa nhiều nên giả sử lần này có công bố đúng chắc gì người dân đã tin".

Với cái nhìn của một luật sư, ông Phạm Công Út lên tiếng cho rằng sau cái chết cũng có những cuộc điều tra hoặc giải phẫu tử thi, giám định pháp y…nhưng người quan trọng nhất là gia đình của họ không lên tiếng nghi ngờ…họ chấp nhận cái chết đó là cái chết không có nghi vấn. Xã hội đặt vấn đề nghi vấn thì đó là quyền của xã hội, nhưng quyền cao nhất vẫn là gia đình họ, những người ruột thịt. Ông nói thêm rằng:

"Hãy dành cho gia đình họ lên tiếng, còn nếu họ sợ điều gì đó mà không lên tiếng thì lịch sử sẽ nói lại, và khi đó họ sẽ có chứng cứ để chứng minh cho quan điểm của họ là có căn cứ".

Diễm Thi

Nguồn RFA, 19/10/2019

*******************

"Cú ngã" của Thứ trưởng và "trí thức tinh hoa" gặp khó

Hoàng Trúc, BBC, 19/10/2019

Cái chết đầy bí ẩn của Thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Lê Hải An, khi ông vừa mới 48 tuổi gây ra sự thương tiếc của đồng sự, đồng nghiệp và mạng xã hội, nhiều người mong chờ Thứ trưởng Lê Hải An sẽ có vị trí cao hơn và "đổi vận" cho giáo dục nước nhà.

Vào cái thời khắc định mệnh, Thứ trưởng Lê Hải An đã rơi từ tầng tám tòa nhà Bộ Giáo dục và đào tạo, gói thuốc lá trên bàn và ly nước uống dỡ là nhân chứng câm lặng cho cái chết đến khó tin.

cu1

Thứ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo Lê Hải An

Tuy nhiên , tôi dành việc công bố nguyên nhân tử vong cho cơ quan điều tra và Bộ Công an, nơi có thẩm quyền phát ngôn.

Báo chí trong nước dành cho Thứ trưởng Lê Hải An sự kính trọng và tình cảm hiếm thất đối với các quan chức qua cách đưa tin tai nạn.

Theo xác nhận của Bộ Giáo dục và đào tạo, hơn 7g sáng 17/10/2019, Thứ trưởng Lê Hải An đã qua đời do bị ngã từ lan can tầng 8, tòa nhà thuộc trụ sở Bộ Giáo dục và đào tạo.

Theo dự kiến, buổi sáng cùng ngày tại Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ diễn ra một hội thảo quan trọng với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, bàn về kế hoạch triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học.

Tầng 8, nhà D trụ sở Bộ Giáo dục và đào tạo là nơi bố trí căng-tin phục vụ ăn uống cho cán bộ, nhân viên làm việc tại trụ sở Bộ.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trước khi xảy ra tai nạn, Thứ trưởng Lê Hải An có mặt ở căngtin. Thời gian xảy ra vụ việc được xác định là 7h10. Thời điểm này, nhiều cán bộ, nhân viên đã có mặt ở trụ sở Bộ Giáo dục và đào tạo.

Sau khi sự việc xảy ra, các đơn vị của Công an Thành phố Hà Nội, Công an quận Hai Bà Trưng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường. Khoảng hơn 10h, thi thể Thứ trưởng Lê Hải An được chuyển đi. Hiện (*) cơ quan công an chưa thông tin gì về vụ tai nạn.

Tháng 11/2018, ông Lê Hải An đang là hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất thì được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phụ trách bậc giáo dục đại học. Tháng 2/2019, ông Lê Hải An giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ về Thứ trưởng Lê Hải An, một số hiệu trưởng các trường Đại học cho biết họ luôn nhận được sự ủng hộ của thứ trưởng trong các đề xuất nhằm xây dựng, phát triển đào tạo thể hiện ở sự rốt ráo, xem xét, xử lý ngay những việc thuộc phạm vi giải quyết của ông.

Các cộng sự của Thứ trưởng Lê Hải An thời ông còn làm việc ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất nhận xét ông là người "tận tụy hiếm có, luôn đến sớm nhất và về muộn nhất". Ông luôn "theo sát, chỉ dẫn tỉ mỉ trong công việc của các cán bộ dưới quyền".

Nhận nhiệm vụ thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Lê Hải An phải đảm đương nhiều việc nhưng chủ yếu phụ trách mảng giáo dục đại học. Ông tiếp quản công việc với nhiều vấn đề phải xử lý trong bối cảnh Luật Giáo dục Đại học vừa thông qua, nhiều thách thức đặt ra trong việc thúc đẩy tự chủ đại học, cải thiện chất lượng đào tạo, xử lý những tiêu cực tồn đọng trong việc quản lý, kiểm soát hoạt động đào tạo của các cơ sở đại học.

"Tinh hoa", "bảo châu" gặp khó

Vào hồi cuối năm ngoái, tháng 11/2018 khi có tin ông Lê Hải An sẽ nhận chức thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, một nhà báo chuyên đưa tin về hoạt động của Chính phủ và Quốc hội đã bày tỏ sự vui mừng lẫn lo ngại "liệu một người trí thức không quen các phép tắc cung đình có thích ứng được với hệ thống hay không ?".

cu2

Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải toán học Fields

Đó là lời tiên lượng về kết cục của một cá nhân hay tổng kết vễ lỗi hệ thống trong việc sử dụng "hiền tài".

Hình ảnh giáo sư Ngô Bảo Châu xuống sân bay theo lời mời của Việt Nam với trang phục giản dị và chiếc ba lô như khách lữ hàng được Chủ tịch nước đương nhiệm khi đó, ông Nguyễn Minh Triết khen và kỳ vọng giáo sư sẽ đóng góp nhiều cho đất nước.

Sự nghiệp của giáo sư Châu khi về Việt Nam như người ta nói "như diều gặp gió".

Nhưng chỉ với một dòng trạng thái trên mạng xã hội phản ứng với việc xây tượng đài, giáo sư Châu đã bị "ném đá" dữ dội .

Nhắc chi tiết này không khỏi nhớ tới câu lục bát của chính giáo sư Ngô Bảo Châu : "Ta về làm khách cha ta/Kẻ tóc bạc lại mời trà người đầu xanh".

Là người Việt dù ở bất cứ nơi đâu đề hướng về quê nhà và khao khát cống hiến điều gì đó nhưng dù được lãnh đạo ưu ái như giáo sư Ngô Bảo Châu thì việc muốn cống hiến cũng không dễ.

Những nhà khoa học luôn thẳng thắn trong phát biểu, không như những nhà ngoại giao, chính trị gia… và nếu như giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu góp ý cho nền quản trị nước nhà bằng ngôn ngữ của một nhà ngoại giao thì mới là sự lạ.

Sự việc được lặp lại, mỗi khi giáo sư Ngô Bảo Châu góp ý, lập tức có một bộ phận nào đó công kích vào cá nhân giáo sư. Lần này họ vẫn nói giáo sư "non nớt" về chính trị, điểm mới là họ nhắc giáo sư phải "biết điều" khi nêu những quyền lợi mà giáo sư được nhà nước và doanh nghiệp tặng cho như căn hộ, quỹ toán học…

Chợt nhớ hai câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu : "Nhớ câu kiến nghĩa bất vi, Làm người thế ấy cũng phi anh hùng". Thấy việc nghĩa mà không làm, thấy việc sai trái mà không lên tiếng thì không phải là người anh hùng, tinh thần Lục Vân Tiên, khí phách Việt là vậy.

Việc giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà khoa học, tri thức Việt góp ý là điều đáng quý, trong lúc họ có thể chọn thái độ khác như một thứ "nô tài cung đình" để hưởng lợi cá nhân.

Nhưng những cuộc ném đá ngày càng dữ dội và giáo sư Châu bắt đầu lặng lẽ hơn và rút vào 'ngôi nhà toán học".

Và con tàu không biết đi đến đâu

Nhưng không chỉ "tinh hoa" Ngô Bảo Châu, một trường hợp khác, cái tên Lê Nguyễn Minh Quang chói sáng ngay từ khi còn đi học với tư cách là người học cực giỏi và được học bổng Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ cũng gặp được cho là bị làm khó.

Nhờ tài năng và bản tính thông minh, hiền lành, ông nhận được khá nhiều sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân để có thể tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Xây dựng tại Pháp năm 1995, Thạc sĩ Quản trị doanh nghiệp Nantes University năm 1997, Thạc sĩ ngành quản lý hành chính công tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) và trường Chính phủ Harvard Kennedy (Mỹ) năm 2011.

Ông Quang có 20 năm làm việc tại Công ty Bachy Solatenche (một tập đoàn lớn của Pháp trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm xây dựng), từ vị trí Giám đốc dự án, ông đảm nhiệm đến chức Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc.

Tháng 6/2016, ông bất ngờ bỏ lại tất cả chức vụ tại tập đoàn đa quốc gia này để đảm nhận Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh theo lời mời của lãnh đạo thành phố với sứ mệnh và trọng trách nặng nề là đưa dự án metro đầu tiên của Việt Nam lăn bánh đúng hạn vào năm 2020.

"Nhiều người nói tôi không đi lên nữa mà lại đi xuống, bởi mức lương tôi nhận ở đây chỉ bằng 5% so với những gì nhận được từ Bachy Solatenche. Tôi nghĩ rằng 20 năm tôi đã trả nợ đủ cho nước Pháp - đất nước cưu mang những người như tôi được đi học, được học bổng và có điều kiện để thành đạt…", giọng ông nghẹn ngào và đứt quãng khi nhớ về nước Pháp.

không nói hết câu nhưng có lẽ nhiều người phần nào đoán được vế sau chưa thể ghép thành lời của ông, bởi cảm xúc về đất nước từng nuôi dưỡng những con người như Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương (Giám đốc Đào tạo FSB) hay các thành viên của Hội Mồ côi - tập hợp những người Việt du học ở Pháp những năm 1990. Nợ nước Pháp ông đã trả đủ, và ông nghĩ bản thân nên làm điều gì đó cho quê hương Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang tại các diễn đàn đã nói như đinh đóng cột rằng dự án sẽ đưa vào vận hành vào năm 2020. Đó cũng là mong chờ của cả hàng triệu người dân, đó chính là việc tuyến metro đầu tiên liệu có thể vận hành vào năm 2020 như kế hoạch.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Quang cho biết bản thân và toàn đội dự án đang đặt quyết tâm cao nhất để dự án về đích đúng hạn.

"Nếu không có tuyến metro đầu tiên thì sao có tuyến metro thứ hai. Dù mất ăn mất ngủ nhưng tôi tin rằng dự án sẽ vận hành vào năm 2020", Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng.

Nhớ lúc mới nhận chức ông Lê Nguyễn Minh Quang nói rằng "Tôi không thể đứng dưới sân ga", rằng "Cuối cùng cũng đến lúc tôi không thể tiếp tục đứng dưới sân ga và trách móc người lái tàu lái chậm, toa tàu không chỉn chu.

"Ở cả hai phía, tôi và người lái tàu cùng đi đến quyết định là sẽ cùng chung tay, chung sức cho hành trình. Từ hôm nay, tôi thật sự làm một người trong cuộc, bắt tay vào những gì mình mong đợi, xây dựng thành phố của mình trong vai trò mới, nặng nề hơn và hứng thú hơn".

Nhưng đến cuối năm 2018 ông Lê Nguyễn Minh Quang nói với báo chí rằng ông gặp khó khăn trong công việc và đã từng hai lần gửi đơn xin nghỉ việc tại Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh vì lý do cá nhân.

Và cách đây hai tháng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói rằng đã giải quyết cho ông Lê Nguyễn Minh Quang thôi việc.

Có vẻ như Giáo sư Ngô Bảo Châu, Tiến sĩ Lê Nguyễn Minh Quang, cố Thứ trưởng Lê Hải An và những trí thức tinh hoa khác đã đang gặp khó trong cái hệ thống đang vận hành với những nguyên tắc và khuôn phép khó hiểu, thiếu khế ước xã hội, thiếu công bằng khi những khế ước xã hội làm nền tảng cho những nước phát triển.

Một xã hội công bằng được đảm bảo bởi một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế lành mạnh, phồn thịnh hoạt động trên nguyên tắc thị trường mà ở đó người dân có thể tự tổ chức cuộc sống cộng đồng của mình mà không bị cản trở, đó là xã hội dân sự.

Cái đó rõ ràng Việt Nam đang thiếu.

Hoàng Trúc

Nguồn : BBC Tiếng Việt (19/10/2019)

Quay lại trang chủ
Read 834 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)