Tiên đoán thông điệp của Bình Nhưỡng qua hình ảnh Kim Jong-un cưỡi bạch mã
Ngày thứ Ba 15/10/2019, truyền thông Bắc Triều Tiên đăng tải một loạt ảnh cho thấy cảnh lãnh đạo Kim Jong-un cưỡi bạch mã trên núi Paektu. Theo nhận định của giới chuyên gia Pháp được France 24 trích dẫn, chiến dịch tuyên truyền rầm rộ này thường báo hiệu một thông báo quan trọng mới của chế độ.
Lãnh đạo Kim Jong-un cưỡi bạch mã trên núi huyền thoại Paektu ngày 16/10/2019 (Ảnh do KCNa công bố) STR / KCNA VIA KNS / AFP
Khi cho công bố chùm ảnh Kim Jong-un cưỡi bạch mã, hãng thông tấn KCNA trong thông cáo nhấn mạnh : "Hành động cưỡi ngựa đi dạo trên núi Paektu là một sự kiện trọng đại trong lịch sử cách mạng Triều Tiên". Còn truyền thông phương Tây đều có cùng một nhận định, sự dàn cảnh này rất có thể là một tín hiệu báo trước sắp có "một thông báo quan trọng trong những ngày sắp tới" theo như bình luận của tờ The Guardian.
Đỉnh Paektu, biểu tượng hàng đầu
Tuy nhiên, kênh truyền hình Pháp France 24 nhìn nhận, đối với một nhà quan sát bên ngoài, nếu không muốn bị trở thành cỗ máy tuyên truyền cho chế độ, thì quả thật khó có thể hiểu được ý nghĩa của cuộc đi dạo cưỡi ngựa vui thú điền viên này. Tuy nhiên, mỗi một chi tiết của chiến dịch tuyên truyền này hàm chứa nhiều tham chiếu trong huyền thoại do chế độ tạo ra.
Ý nghĩa hiển nhiên nhất là việc lên núi Paektu. Trả lời câu hỏi của France 24, Antoine Bondaz, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) lưu ý, giáp biên giới với Trung Quốc, ngọn núi này, đỉnh cao nhất của bán đảo Triều Tiên (2.744 m), "là cội nguồn trong tưởng tượng dân gian bởi vì đây chính là nơi sinh ra Đàn Quân, vị vua sáng lập ra nước Triều Tiên".
Triều đại nhà họ Kim luôn tìm cách thiết lập một sự liên hệ biểu tượng với dòng dõi Đàn Quân thông qua hình ảnh ngọn núi này. Do vậy, Antoine Bondaz giải thích rõ : "Kim Jong-un chính thức được sinh ra trên núi Paektu và ông từng là đại diện được khu vực núi Paektu bầu lên".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã đến thăm nơi này ba lần. Những lần đi thăm như vậy đều tạo ra một đợt tuyên truyền rùm beng và trùng khớp với một quyết định chính trị quan trọng. Năm 2018, Kim Jong-un đặc biệt dẫn tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In lên núi Paektu nhân cuộc thượng đỉnh lịch sử giữa hai miền Triều Tiên. Một năm trước đó, lãnh đạo họ Kim cũng cho chụp ảnh ở đó không lâu sau vụ bắn thử tên đạn đạo tầm xa.
Hình ảnh con ngựa gợi nhắc lại một quá khứ huyền thoại
Thế nhưng chưa bao giờ ông cưỡi ngựa đi đến đó. Ở đây, chi tiết này cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Antoine Bondaz cho rằng "biểu tượng hình ảnh này chủ yếu muốn nhắc đến Đông Minh Vương (Tongmyong – hay còn được gọi là Go Jumong, tức Cao Chu Mông), vị vua sáng lập Cao Câu Ly (Goruryeo)".
Đông Minh Vương (Tongmyong – hay Go Jumong, tức Cao Chu Mông), vị vua sáng lập Cao Câu Ly (Goruryeo)
Được thành lập vào thế kỷ thứ I, trước công nguyên, giai đoạn này biểu tượng cho một bán đảo thống nhất, thoát khỏi ảnh hưởng của các thế lực ngoại bang. Đông Minh Vương thường xuyên xuất hiện bên cạnh một con ngựa trắng và trong huyền thoại, ông thậm chí còn cưỡi cả ngựa thần mầu trắng.
Chuyên gia Bondaz nhấn mạnh trong truyền thống Bắc Triều Tiên, ngựa "còn là biểu tượng của sự tinh tế và thuần khiết của các nhà lãnh đạo. Trung tâm huấn luyện cưỡi ngựa Mirim, ở Bình Nhưỡng, còn mở cả một bảo tàng chỉ dành để nói về nghệ thuật cưỡi ngựa" của gia đình họ Kim.
Còn nhiều tham chiếu khác nữa gắn liền với người Bắc Triều Tiên. Nhà nghiên cứu thuộc FRS phân tích : "Do vậy, trước hết đây còn là một thông điệp quan trọng vì những lý do chính trị nội bộ, nhắn gởi đến đảng và người dân. Kim Jong-un nhắn nhủ họ rằng ông đến hấp thụ sức mạnh từ núi Paektu bằng cách tái hiện chế độ trong dòng lịch sử lâu đời của đất nước để có thể đưa ra và thông báo những quyết định quan trọng."
Thông báo kinh tế hay là chính trị ?
Những hình ảnh này sẽ được dùng để chuẩn bị tinh thần cho cả trong lẫn ngoài nước. Truyền thông phương Tây đã nhanh nhẩu đề cập đến khả năng thông báo việc nối lại các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Laura Bicker, thông tín viên của BBC ở Seoul dự đoán : "Các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ đang ở điểm chết và Donald Trump hiện đang có nhiều mối lo khác đeo bám ông, điều này rất có thể sẽ đẩy ông Kim Jong-un đến việc xem xét lại quyết định ngưng các vụ thử quân sự".
Chuyên gia Bắc Triều Tiên, Antoine Bondaz, không loại trừ khả năng này, nhưng ông cũng thử đưa ra một số dự án ít hiếu chiến hơn như "một sáng kiến không gian hay mở các khu tổ hợp du lịch mới năm 2020". Còn ông Vipin Narang, chuyên nghiên cứu về Bắc Triều Tiên tại Viện Công Nghệ Massachsetts (MIT) giải thích với tờ nhật báo Japan Times rằng Bình Nhưỡng rất có thể thử đưa một vệ tinh lên quỹ đạo, "điều này có vẻ ít gây hấn hơn là một chiếc tên lửa, đồng thời chứng tỏ rằng đã làm chủ được công nghệ ở một cấp độ nào đó".
Phát triển du lịch đã trở thành một thách thức kinh tế quan trọng đối với Kim Jong-un. Việc mở cửa lại vùng núi Kim Cương – sát biên giới với Hàn Quốc – là một trong những chủ đề thương lượng với Hoa Kỳ. Khu du lịch đặc biệt này đã bị đóng cửa vào năm 2008 sau vụ một du khách Hàn Quốc bị một binh sĩ Bắc Triều Tiên bắn chết vì đã bất cẩn phiêu lưu vào vùng cấm. Chế độ Bình Nhưỡng còn cho xây dựng một khu tổ hợp du lịch bao la tại trấn Samjiyon, nằm trong vùng núi Paektu.
Cuối cùng, Antoine Bondaz kết luận việc bộ máy tuyên truyền không cho biết rõ chi tiết về bản chất của những quyết định sắp tới "cho phép Kim Jong-un có được một sự linh hoạt nào đó về những điều ông sắp thông báo". Và như vậy, lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ để ngỏ khả năng ra các quyết định tùy theo sự tiến triển của các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 21/10/2019