Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2019

Bắc Kinh không thể hiểu được khát vọng dân chủ của người Hồng Kông

Thụy My

Theo Le Monde hôm nay 18/10/2019, Đảng cộng sản Trung Quốc không hề có ý định nhượng bộ trước các đòi hỏi dân chủ của người Hồng Kông, và không chịu nhận ra bản chất của cuộc khủng hoảng. Trong bài "Hồng Kông : Điều mà Bắc Kinh không thể hiểu", được Courrier International dịch lại từ báo The Initium tuần này, nhà nghiên cứu Ray Yep Kinman phân tích về ngõ cụt của chính quyền Trung Quốc.

khatvong1

Biểu tình tại Kowloon ngày 02/10/2019 phản đối việc bắt giữ 96 người tham gia xuống đường tại Hồng Kông. Reuters/Athit Perawongmetha

Thủ phạm của khủng hoảng Hồng Kông chỉ là vấn đề nhà ở ?

Bắc Kinh muốn diễn dịch các sự kiện ở Hồng Kông như một cuộc khủng hoảng xã hội, đặc biệt là khủng hoảng nhà ở, trong một thành phố có giá một mét vuông nhà thuộc loại đắt đỏ nhất thế giới. Và nếu phải tìm ra các thủ phạm cho chủ đề này, thì đó là bốn đại gia địa ốc – có nghĩa là giới địa chủ mà Mao từng cho đấu tố vào thời trước.

Tại Hồng Kông, bốn gia tộc lớn sở hữu đa số các bất động sản nhà ở và thương mại là gia đình Quách Đắc Thắng (Kwok Takseng) với tập đoàn Tân Hồng Cơ (Sun Hung Kai), tỉ phú Lý Gia Thành (Li Kashing) với CK Hutchinson, tập đoàn Henderson của Lý Triệu Cơ (Lee Shaukee) và tập đoàn New World của gia đình Trịnh Dụ Đồng (Cheng Yutung). Trong khi đó phân nửa dân số Hồng Kông ở nhà thuê. Các tỉ phú này giờ đây phải chống chọi với những chỉ trích của báo chí Hoa lục và dư luận viên, dù họ đã cố thu mình lại ngay từ đầu phong trào phản kháng.

Nhưng theo ông Kinman, chính Đảng cộng sản Trung Quốc đã gây ra thảm họa trong thời gian khoảng 100 ngày vừa qua, khi sử dụng một chiến lược làm thiệt hại nặng nề cho nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế" (Một đất nước, hai chế độ). Bắc Kinh tìm cách bôi xấu người dân Hồng Kông, gây ra căng thẳng giữa dân Hoa lục và đặc khu. Và thay vì bảo đảm cơ chế thị trường như đã cam kết, chính quyền Trung Quốc lại tấn công vào những căn bản của hệ thống tư bản Hồng Kông.

Chính Bắc Kinh làm lung lay nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ"

Từ đầu tháng Bảy, Bắc Kinh cố gắng bóp nghẹt công luận Hồng Kông, gây áp lực lên các đại công ty để họ ngăn cản nhân viên ủng hộ phong trào phản kháng. Hãng hàng không Cathay Pacific là đích nhắm đấu tiên, tiếp đến là MTR, công ty quản lý hệ thống xe điện ngầm Hồng Kông bị yêu cầu đóng cửa métro để người dân không thể đi biểu tình. Nền kinh tế Hồng Kông chừng như bắt đầu giống với Hoa lục, nơi sinh mệnh của một công ty không tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động, mà là khả năng chiều theo những đòi hỏi của chính quyền.

Theo nhà nghiên cứu, lẽ ra trước một tình hình trầm trọng như thế, ê-kíp lãnh đạo Hồng Kông phải được thay đổi hẳn, và trưởng đặc khu phải từ chức. Tuy nhiên họ vẫn khẳng định sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ. Cách giải thích duy nhất là Bắc Kinh đã quyết định mọi thứ, đơn giản hóa vấn đề bằng cách lý giải là có bàn tay của "thế lực thù địch".

Liệu Bắc Kinh có từ bỏ nguyên tắc "Một đất nước, hai chế độ" ? Giả thiết này hoàn toàn là ảo tưởng. "Nhất quốc, lưỡng chế" đã được ghi vào điều lệ Đảng, luôn được coi là sáng kiến tuyệt vời của Đặng Tiểu Bình, và hiện nay vẫn là cơ sở để chiêu dụ Đài Loan. Nếu nguyên tắc này chết yểu, thì những nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo để khiến quốc tế công nhận Hồng Kông, Macao, Đài Loan đều là lãnh thổ Trung Quốc, sẽ trở thành công cốc.

Tính chất quốc tế và tự trị của Hồng Kông

Từ xưa đến nay, mỗi lần xảy ra xung đột giữa Hồng Kông và đại lục, thì Đảng cộng sản đều siết chặt gọng kềm. Tuy nhiên sau hơn 100 ngày biểu tình liên miên, họ đã nhận ra rằng Hồng Kông không còn như xưa nữa. Người Hồng Kông tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết. Hàng triệu công dân đã đối đầu với bạo quyền bằng vô vàn sáng kiến và lòng kiên nhẫn đáng khâm phục, mỗi người góp phần nhỏ bé của mình vào phong trào. Trước sự dấn thân hết mình của mọi thế hệ, mọi tầng lớp dân chúng ở Hồng Kông, Đảng cộng sản biết rằng khó thể đàn áp nổi.

Theo nhà nghiên cứu trên, trước hết Bắc Kinh phải ý thức được tính chất quốc tế của Hồng Kông. Trung tâm tài chính thế giới này rất quan trọng cho việc thu hút vốn đầu tư và quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, thế nhưng tất cả đều dựa trên sự tôn trọng Nhà nước pháp quyền, tự do thông tin, tôn trọng quyền sở hữu và quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhờ đồng cảm, các doanh nhân và chuyên gia quốc tế mới đến sống và làm việc tại Hồng Kông. Trong mối quan hệ chồng chéo này, chỉ cần rút đi một sợi dây là cả hệ thống rung chuyển, vai trò một thành phố quốc tế bị sút giảm.

Chính quyền Trung Quốc còn đánh giá sai lầm về quan hệ của các nhà lãnh đạo Hồng Kông trước đây với Luân Đôn. Trong lịch sử 150 năm thuộc địa, các viên toàn quyền Hồng Kông thường chống lại Anh quốc để bảo vệ lợi ích của người dân tại chỗ. Hoặc là họ câu giờ, báo cáo sai lạc, đặt Luân Đôn trước việc đã rồi, hoặc chơi trò nước đôi, thậm chí ra mặt chống đối. Trong thập niên 60-70, chính quyền Hồng Kông thời đó xung khắc với Luân Đôn về việc hạ giá đồng bảng Anh, quota hàng dệt may, và cả chi phí cho quân đội Anh trú đóng. Họ không phải là bù nhìn như chính quyền hiện nay.

Mang dòng máu Hoa thì đương nhiên là người Trung Quốc ?

Đặc biệt Bắc Kinh cần xem lại quan điểm về bản sắc dân tộc. Họ cho rằng người dân Hồng Kông "có dòng máu Hoa trong huyết quản, da vàng, tóc đen, nói và viết tiếng Hoa" nên đương nhiên là người Trung Quốc. Tuy nhiên bản sắc quốc gia phản ánh một sự chọn lựa sau thời gian dài cân nhắc, chứ không chỉ dựa trên các tiêu chí ngoại hình và văn hóa ; nếu dùng vũ lực để cưỡng bức chỉ gây phản tác dụng.

Đối với người Hồng Kông, "chủ nghĩa ái quốc" đang được Bắc Kinh đề cao, có đại diện là những người như Hà Quân Nghiêu (Junius Ho), dân biểu thân Bắc Kinh bị căm ghét vì thái độ cực kỳ khiêu khích ; hoặc các thành viên của hội đồng hương Phúc Kiến, là những kẻ mặc áo trắng đã dùng gậy sắt chận đánh dã man người biểu tình. Có cư dân Hồng Kông nào muốn con cái họ trở thành những người như thế ?

Sau "mùa hè tự do" vừa qua, người Hồng Kông quyết tâm muốn được đối xử bình đẳng. Phong trào chủ yếu nhắm vào chính quyền Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và lực lượng cảnh sát, nhưng nay hiện có hai khuynh hướng : tự trị và ly khai. Xu hướng thứ hai đang lan rộng trong giới trẻ với câu khẩu hiệu "Quang phục Hương Cảng", muốn lật đổ tất cả để lập nên một trật tự mới.

Nobel Hòa bình cho Hồng Kông ? Lại là "thế lực thù địch" !

Bắc Kinh cần phải hiểu rằng trái tim của hàng triệu người Hồng Kông không thể được chinh phục bằng viễn cảnh phồn vinh vật chất và đại cường thế giới – lý lẽ rất thuyết phục ở Hoa lục. Tất nhiên đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng các giá trị phổ quát sẽ là ảo tưởng, nhưng nếu muốn tiếp tục ngân nga điệp khúc "Một đất nước, hai chế độ", Bắc Kinh phải tìm kiếm sự ủng hộ của những người chịu thỏa hiệp với chính quyền trung ương để duy trì quyền tự trị của đặc khu, như lời hứa lúc trao trả.

Nhưng liệu chính quyền Trung Quốc vốn ngạo mạn, có chịu hiểu thấu khát vọng dân chủ của người dân Hồng Kông, mà theo họ là "những đứa trẻ trái tính được nuông chiều" ?

Những người dân Hoa lục đã thoát khỏi đói nghèo, có thể hài lòng khi nay được cơm no áo ấm, chấp nhận sự khống chế của chính quyền. Nhưng người Hồng Kông sau 150 năm sống dưới chế độ dân chủ, nay kiên quyết bảo vệ các quyền tự do mà lâu nay họ vẫn được thụ hưởng.

Hôm 17/10/2019, Bắc Kinh tố cáo đề xuất của một dân biểu Na Uy - tặng thưởng Nobel Hòa bình 2020 cho "người dân Hồng Kông" - là "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc". Một chính thể độc tài khó thể hiểu được vì sao sống ở một vùng đất có GDP thuộc loại cao nhất thế giới, hơn gấp nhiều lần Hoa lục, mà người dân cứ vẫn đòi hỏi những khái niệm "xa vời" như tự do dân chủ. Nhất định phải có một "thế lực thù địch" nào đó giựt dây : Mỹ, Anh, Pháp… và bây giờ là Na Uy !

Thụy My

Nguồn : RFI, 20/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)