Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/03/2017

Biển Tiên Sa vs UBND Đà Nẵng

Nguyễn Anh Tuấn

Câu chuyện Sơn Trà hiện đang thế này :

Chính quyền thành phố bảo dừng các dự án lại hết, chờ rà soát để kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch tổng thể toàn bộ bán đảo.

tiensa1

Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa

Nhà đầu tư dự án biệt thự Biển Tiên Sa phản hồi rằng họ được cấp phép chính thức và đang làm đúng luật. Họ muốn tiếp tục dự án vì tới nay đã nộp tới 67 tỷ nghĩa vụ tài chính cho Cục Thuế Đà Nẵng.

Hai câu hỏi trước các động thái này :

(1) Sau khi Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch, giấy phép đã cấp cho các dự án ở khu vực điều chỉnh có bị thu hồi không ?

(2) Biển Tiên Sa hiện chỉ đang thiếu giấy phép xây dựng và báo cáo tác động môi trường của họ chưa được phê duyệt (nên công trình sẽ bị tháo dỡ tới đây) ; thế nhưng nếu hoàn tất hai khâu này, họ có được tiếp tục dự án ?

Lo ngại sẽ bị dừng hẳn dự án, Biển Tiên Sa hiện đang 'cầu cứu' Thủ tướng và các cơ quan trung ương. Chưa biết Thủ tướng sẽ phản hồi ra sao, nhưng trong bối cảnh dư luận phản ứng quyết liệt hiện nay, việc phớt lờ công chúng để chiều lòng một nhà đầu tư có vẻ không phải là lựa chọn khôn ngoan với một người đang có tiếng phản ứng tốt với dư luận như ông Phúc.

tiensa2

Sơn Trà trước và sau khi công ty Biển Tiên Sa triển khai dự án. Theo Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Sơn Trà do Thủ tướng phê duyệt tháng 1/2016 sẽ có 32 dự án như thế này được thực hiện ở Sơn Trà. (Nguồn : FB Nguyen Truong Uy)

Tuy nhiên, nếu Biển Tiên Sa vẫn tin lẽ phải thuộc về họ, một lựa chọn khác văn minh hơn mà họ có thể nghĩ tới là kiện UBND Đà Nẵng, vì đã cấp phép cho họ mà nay lại không cho phép thực hiện dự án.

Dẫu biết tòa án Việt Nam vẫn đang bị chất vấn về tính độc lập, song thử hình dung nếu trong một nền tư pháp tốt hơn, tòa sẽ xử vụ này thế nào ?

Bởi vì giấy phép cho dự án Biển Tiên Sa được cấp dựa trên Quy hoạch rừng ở Đà Nẵng theo Quyết định 6758 của UBND Đà Nẵng năm 2008, mà Quyết định này lại được ban hành vượt thẩm quyền [1], nên khả năng cao là tòa sẽ tuyên cả Quyết định này lẫn các giấy phép được cấp dựa trên nó là vô hiệu. Các khu vực được cấp phép dự án ở Sơn Trà phải được khôi phục về trạng thái ban đầu, nghĩa là được bảo vệ với chế độ rừng cấm.

UBND Đà Nẵng phải có trách nhiệm đền bù cho các chủ đầu tư, vì đã đưa ra một Quyết định trái luật và cấp giấy phép dựa trên Quyết định đó, dẫn đến thiệt hại cho họ. Trách nhiệm này chỉ có thể tránh được nếu UBND Đà Nẵng chứng tỏ được nhà đầu tư đã có một hành vi bất chính nào đó (hối lộ/gây áp lực) để được cấp phép ở thời điểm 10 năm trước đây.

Trong trường hợp UBND Đà Nẵng phải đền bù thì câu hỏi là số tiền đền bù lấy từ đâu ?

- Đương nhiên là từ ngân sách thành phố, tức là tiền thuế của người dân.

Có vô lý không ?

- Đương nhiên là có.

Nhưng đây là sự vô lý mà chúng ta phải chịu, một khi chúng ta vẫn còn thờ ơ với chính trị và chưa làm đủ nhiều để ngăn những kẻ không xứng đáng nắm giữ và lạm dụng quyền lực nhà nước - thứ vốn dĩ thuộc về người dân chúng ta.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 31/03/2217

(nguyenanhtuan's blog)

---
[1] Để hiểu UBND Đà Nẵng lúc đó đã vượt thẩm quyền khi ban hành Quy hoạch 6758 như thế nào, mời đọc bài : 

Lý do sâu xa Sơn Trà bị băm nát

Tháng 8 năm ngoái, sau thảm họa Formosa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế".

tiensa3

40 móng biệt thự của Công ty Cổ Phần Tiên Sa xây dựng trên núi Sơn Trà. Courtesy of nguoitieudung.com.vn

Và đây là cách người ta hưởng ứng ông ấy ở Đà Nẵng: Băm nát một góc Khu bảo tồn thiên nhiên đổi lấy 100 biệt thự nghỉ dưỡng và phòng khách sạn.

Tuy nhiên nếu đổ hết lỗi cho chủ đầu tư công ty Biển Tiên Sa thì cũng không thật thỏa đáng bởi lẽ nếu không được bật đèn xanh bởi các văn bản pháp lý của UBND Đà Nẵng và cả Thủ tướng đương nhiệm, hẳn công ty này đã không dám 'xuống tay' với Sơn Trà như vậy.

Cụ thể, từ năm 1977, với Quyết định 41-TTg của Thủ tướng thời đó là Phạm Văn Đồng, Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định rất nghiêm ngặt áp dụng cho "toàn bộ bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500m", tổng diện tích là 4.439 hécta.

Bẵng hơn 30 năm, đến 2008, UBND thành phố Đà Nẵng, dựa trên Luật Bảo vệ Phát triển rừng 2004 đã ra Quyết định 6758 Phê duyệt Quy hoạch rừng ở Đà Nẵng, cắt bớt diện tích được coi là rừng đặc dụng (hay rừng cấm) của Sơn Trà xuống còn chỉ hơn một nửa là 2.591 hécta.

Đây chính là quyết định mở đường để các công trình nghỉ dưỡng kiểu như InterContinental của SunGroup triển khai ở Sơn Trà và nhiều dự án khác được cấp phép.

Tuy nhiên, đáng chú ý là Quyết định 6758 này của UBND thành phố Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc của chính Luật Bảo vệ Phát triển Rừng 2004 là chỉ Thủ tướng mới được chuyển mục đích sử dụng khu rừng mà Thủ tướng đã xác lập trong quá khứ, chứ UBND thành phố không có thẩm quyền đó.

Có lẽ ý thức được sự vi phạm thẩm quyền này, cách đây vài năm UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị được xây dựng Quy hoạch mới cho bán đảo Sơn Trà để Thủ tướng thông qua.

Và đây là lý do ra đời của Quyết định 2163 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 11 năm 2016 Phê duyệt Quy hoạch Sơn Trà trở thành Khu Du lịch Quốc gia, theo đó 1/4 bán đảo (1.056 hécta trong tổng số 4.439 hécta) được sử dụng để phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia với các công trình nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa-tâm linh... với mục đích thu hút hàng triệu du khách.

Nghĩa là, Công ty Biển Tiên sa có thể làm hơi quá tay, nhưng mở đường cho nó chính là Quyết định 6.758 sai luật cách đây gần 10 năm của UBND Đà Nẵng và việc hợp thức nó gần đây bằng Quy hoạch trên của Thủ tướng.

Trong một câu chuyện khác, nhiều người hẳn còn nhớ Sơn Trà cũng là nơi cư trú của Voọc Chà vá Chân nâu - được mệnh danh là 'nữ hoàng linh trưởng', có tên trong sách đỏ và vừa được chọn làm biểu tượng của Đà Nẵng trong APEC 2017.

Với gần 1/4 diện tích bán đảo tới đây được tập trung phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia môi trường sống của loài động vật quý hiếm này và toàn bộ hệ sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dường như có một câu hỏi khác đang đặt ra với mô-típ tương tự Formosa :

"Chọn Voọc Chà vá chân nâu hay khách sạn ?".

Chỉ khác là lần này nó đến từ người Việt. Nhưng chúng ta vẫn phải là người trả lời.

Nguyễn Anh Tuấn

(Đà Nẵng 23/3/2017)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Anh Tuấn
Read 792 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)