Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/10/2019

Đến lượt nghệ sĩ bảo vệ môi trường và người yếu thế bị an ninh bắt cóc

Nhiều nguồn tin

Chuyện của "Thịnh dồ" và vỡ lẽ khái niệm "an ninh quốc gia"

An Viên, VNTB, 27/10/2019

"Thịnh dồ" không có quyền sinh sát trong tay, cái anh có duy nhất là "quyền công dân" mà anh tôn trọng được ghi nhận trong bản Hiến pháp 2013. "Thịnh dồ" bày tỏ rõ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của mình, nghệ thuật có thể giúp anh cảm nhận về cái "xã hội mà anh đang sống", và hơn ai hết, anh sử dụng cảm nhận đó, kể cả những lời đe dọa đầy bạo lực của anh để "hiểu hơn về xã hội, chế độ".

anninh1

Thịnh bị bắt trưa ngày 25/10.

"Thịnh dồ" bị nhóm an ninh thường phục thuộc Cục An ninh nội địa A02 (Bộ Công an) cưỡng bức về trụ sở làm việc vào trưa ngày 25/10.

"Thịnh dồ" là nghệ sĩ, là thành viên nhóm xã hội dân sự về môi trường - Greentrees.

"Thịnh dồ" bị tịch thu toàn bộ thiết bị điện tử của anh, từ máy tính cá nhân cho đến... hai cái đèn LED.

"Thịnh dồ" là nghệ sĩ, anh là người nghệ sĩ lãng mạn và từng là như thế. Anh rất đời trong những năm gần đây, và dường như cái chất máu xã hội, ưu tư về vận nước nó len lỏi trong từng thớ thịt, dòng máu của anh.

"Chuyện của Thịnh" là góc nhìn bằng video của anh về những thân phận người yêu nước, bất đồng chính kiến, và tù nhân lương tâm.

Facebooker Dominique Khanh nhận xét : anh ta (Thịnh dồ) là một nghệ sĩ chân chính.

"Thịnh dồ" hiểu về luật pháp và luôn sống đúng bản chất của luật pháp. "Thịnh dồ" biết rõ về quy trình khám xét và bắt giữ người, kể cả tịch thu tài sản của công dân. Khi anh lên tiếng phản đối trước sự "sỗ sàng và bạo ngược" từ phía nhóm người "an ninh", thì một công an viên đã khẳng định : Vì an ninh quốc gia, bắt thì khỏi cần nhân chứng luôn, nhá ! [1]

Câu nói đó được thốt ra từ nhân viên thuộc lực lượng hành pháp quốc gia, một quốc gia luôn vỗ ngực về cái gọi là "pháp quyền". Nhưng giờ đây, bằng tuyên bố đó, đã bóc trần sự vô pháp từ bên trong công an viên đó và tổ chức mà công an viên đó đang phục vụ. Chính vì vậy, bỏ qua những quy định luật pháp, nhóm công an viên còn đe dọa "bắt" và "đánh ngay trong đồn".

Đó có phải là cách thức tốt nhất để quảng bá về công ước chống tra tấn mà Việt Nam từng tham gia ? Đó cũng có phải là cách đáp trả cho "Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc" mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt ?

Còn điều gì để mô tả câu trả lời tốt hơn bằng quan điểm "an ninh quốc gia thì khỏi cần nhân chứng", và nếu cần thì "bắt, đánh tại đồn" ?

Phải chăng khái niệm về cái gọi là quyền dân sự và chính trị, kế hoạch và sự tăng cường thực thi đã bị vô hiệu hóa bằng cụm từ "an ninh quốc gia". Một cụm từ "tuyệt đối hóa quyền lực", và đặt quyền hạn đó ra ngoài vòng pháp luật ? Một "quyền lực" không thể và tuyệt đối không bao giờ bị nhốt trong cái "lồng cơ chế" ?

Và trong khi hệ thống tòa án có câu tuyên bố nổi tiếng "nhân danh nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tòa tuyên án" thay vì "nhân danh công lý". Thì nay, lực lượng an ninh cũng có tuyên bố không hề kém cạnh : "Vì an ninh quốc gia, bọn tao bắt mày !"

Nhà báo Phạm Đoan Trang trên Facebook cá nhân của mình đã bình luận : Tóm lại, an ninh quốc gia là cái cớ bao biện cho mọi hành vi xâm phạm nhân quyền, vi phạm pháp luật và bất lương của công an.

Ca sĩ Mai Khôi, đã bày tỏ sự phẫn nộ qua những dòng thơ trích lại của Bùi Chát :

"Bởi họ có thể sử dụng chúng ta như một quân bài

Bởi họ có thể...

bóp chết chúng ta trong tích tắc".

Và trước thái độ lẫn hành vi "hung hãn" đầy tính đe nẹt quyền lực của lực lượng an ninh. Hãy xem cách mà "Thịnh dồ" đối đáp (đại ý) : Tôi làm nghệ thuật, và tôi cần sự trải nghiệm, cảm nhận về xã hội mà tôi đang sống. Tôi đang ở trong tay các anh, các anh đối xử với tôi thế nào mà chẳng được. Cứ đánh đi. Cũng coi như một kinh nghiệm để tôi cảm nhận sâu hơn về xã hội này, chế độ này".

"Thịnh dồ" không có quyền sinh sát trong tay, cái anh có duy nhất là "quyền công dân" mà anh tôn trọng được ghi nhận trong bản Hiến pháp 2013. "Thịnh dồ" bày tỏ rõ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh của mình, nghệ thuật có thể giúp anh cảm nhận về cái "xã hội mà anh đang sống", và hơn ai hết, anh sử dụng cảm nhận đó, kể cả những lời đe dọa đầy bạo lực của anh để "hiểu hơn về xã hội, chế độ".

"Thịnh dồ" cũng không khác gì Huấn Cao, "người tù" qua ngoài bút của Nguyễn Tuân, người ngay cả khi bị "gông nặng" cũng vẫn là người "nguy hiểm, anh hùng, không sợ cường quyền".

"Thịnh dồ" cho thấy cái đẹp của một người nghệ sĩ biết quan tâm đến thời cuộc, trong khi nhóm an ninh chỉ biểu lộ sự vô pháp, vô tắc, thể hiện một nhận thức còi cọc về quyền lực và góp phần xóa bỏ những nỗ lực tăng cường thực thi của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về quyền dân sự và chính trị.

Nhưng điều nguy hiểm, là lực lượng công an hay lực lượng an ninh được bảo dưỡng trong bầu quyền lực nên không hề nhận biết giới hạn của pháp luật. Và như Facebooker Hu Ely bày tỏ : Khi một người biết nó làm ác mà không phải chịu tội thì nó sẽ làm ác vô giới hạn.

An Viên

Nguồn : VNTB, 27/10/2019

Chú thích :

[1] https://www.facebook.com/pham.doan.trang/posts/10157977684633322

******************

Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn bị an ninh "điểm mặt", tiếp theo sẽ là gì ?

RFA, 25/10/2019

Một nghệ sĩ chân chính

"Thịnh Nguyễn là nghệ sĩ bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, bảo vệ những người thấp cổ bé họng như những người dân oan, tử tù oan sai… Thịnh là người đã đưa lên truyền thông để cho cộng đồng giúp đỡ những gia đình đấy và cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn".

anninh2

Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn bị an ninh bắt đi vào ngày 25/10/19 tại ngõ 210 Nghi Tàm, Hà Nội. Courtesy : Ảnh chụp màn hình của citizen video

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng, từ Hải Dương nói với RFA về nghệ sĩ Thịnh Nguyễn như thế.

Nghệ sĩ tự do Thịnh Nguyễn, tên thật là Nguyễn Trường Thịnh, sinh năm 1980 là một nghệ sĩ thực hiện các bộ ảnh và phim ngắn về cộng đồng yếu thế trong xã hội Việt Nam như bộ ảnh về đời sống của nông dân Dương Nội bị mất đất đai, nhà cửa, ruộng vườn hay những clip video chia sẻ quá trình đi kêu oan hàng chục năm trường của thân nhân các gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và Lê Văn Mạnh cùng với rất nhiều những phim tư liệu ngắn về các tù nhân lương tâm…Tất cả những tác phẩm phim ảnh do nghệ sĩ Thịnh Nguyễn thực hiện được anh đăng tải trên trang fanpage "Chuyện của Thịnh". Trong thời gian gần đây, nghệ sĩ Thịnh Nguyễn thông báo qua trang mạng xã hội này rằng anh sẽ lần lượt phổ biến đến cộng đồng từng câu chuyện của các dân oan khắp Việt Nam.

Anh Trịnh Bá Phương, một dân oan Dương Nội chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do khi được hỏi về cảm nhận đối với nghệ sĩ Thịnh Nguyễn :

"Trong suy nghĩ của em thì anh Thịnh là một người bạn của dân oan mà đặc biệt anh đã có một thời gian rất dài gắn bó với dân oan Dương Nội. Trong thời gian vừa qua thì anh Thịnh đã có những hoạt động trong việc nêu lên các vấn đề của dân oan thì anh nêu một cách rất khác, anh dùng những hình ảnh và clip video bằng nghệ thuật để nói lên những nỗi oan khuất tận cùng của những người dân oan đang ở đáy của xã hội".

Anh Trịnh Bá Phương còn kể về một sự kiện đã xảy ra cho nghệ sĩ Thịnh Nguyễn mà bản thân anh cùng bà con dân oan Dương Nội không bao giờ quên được :

"Trong lần bố em ra tù thì anh Thịnh lần đầu tiên tham gia đồng hành cùng gia đình em và cùng gia đình những người bị bắt. Trong ngày 25/06/15 là ngày bố em ra tù, anh Thịnh đi cùng và đã bị Công an Nghệ An đánh gãy mũi và hiện nay vẫn để lại dị tật ở mũi của anh".

Là một người gắn bó và đồng hành cùng những người dân oan để ghi lại những hình ảnh và thước phim tư liệu trung thực nhất về họ, nghệ sĩ Thịnh Nguyễn được dân oan Việt Nam gọi là "người bạn thân thiết". Một số người còn gọi anh với cái tên thân mật là "Thịnh Rồ" hay "Thịnh Hâm", bởi vì là một nghệ sĩ nhưng anh cứ miệt mài, đầu tắt mặt tối lăn xả vào những công việc "của thiên hạ", mà nhiều người cho rằng giới nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam không màng quan tâm đến. Bởi do chẳng được lợi lộc nào cũng như không thể nổi tiếng mà thậm chí còn bị nguy hiểm đối với chính quyền.

Bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng tâm tình với RFA rằng nghệ sĩ Thịnh Nguyễn để lại tình cảm rất sâu sắc cho các gia đình tử tù oan, qua những việc anh làm như đưa hình ảnh các kỹ vật của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, của tử tù Lê Văn Mạnh là những con thú làm từ sợ ny-lông và những bông hồng làm từ giấy vụn gửi về cho gia đình lên trang mạng của nh. Ông Nguyễn Trường Chinh nói trong sự xúc động :

"Những cái vật dụng của con tôi làm ở trong tù gửi ra, tuy là đơn sơ để cho mẹ nó bán ngoài chợ kiếm thêm ít đồng cho việc thăm nuôi và sinh hoạt của gia đình. Tôi thì kiên quyết không bán vì là kỷ vật của con và chỉ biếu, tặng cho những người quan tâm trong vụ án của tử tù Nguyễn Văn Chưởng thôi. Nhưng Thịnh Nguyễn là người có ý tưởng rất hay và rất cao cả, tức là dám đưa những kỷ vật của tử tù oan đó lên cộng đồng mạng. Và việc làm đó tác động rất lớn đối với Nguyễn Văn Chưởng. Chính Thịnh Nguyễn đăng lên thì con tôi trong tù bị cấm, không được gửi đồ ra nữa".

Vào trưa ngày 25/10/19, ngay sau khi Green Tree, một tổ chức xã hội dân sự độc lập loan báo nghệ sĩ Thịnh Nguyễn bị khỏang 20-30 an ninh bắt tại xưởng vẽ của anh, ở ngõ 210 Nghi Tàm và đưa lên xe thùng chở đi, không ít dân oan ở Hà Nội vội vã tìm kiếm thông tin xem nghệ sĩ Thịnh Nguyễn bị an ninh đưa đi đâu cũng như kêu gọi trên mạng xã hội, yêu cầu trả tự do cho anh. Nghệ Sỹ Kim Chi trong chiều tối ngày nghệ sĩ Thịnh Nguyễn bị bắt đã lên tiếng với RFA :

"Rõ ràng là họ quá sợ người ta nói sự thật. Họ không bao giờ chấp nhận cho ai đó nói lên sự thật. Điều đó là thể hiện sự hèn nhát và độc tài. Nếu làm nghệ sĩ mà không đau nỗi đau của dân, của nước thì làm cái gì ? Không lẽ bưng bô ? Cho nên tôi quan niệm rằng người nghệ sĩ chân chính là người phải biết chống lại cái ác, cái xấu. Tôi rất tiếc là chưa gặp được người nghệ sĩ đó, chứ còn được gặp thì tôi rất kính trọng và tôi sẽ nói lời cảm ơn bởi vì người nghệ sĩ chân chính là người phải biết rung động trước nỗi đau của mọi người".

anninh3

Một bức hình trong bộ ảnh Dân oan Dương Nội của nghệ sĩ Thịnh Nguyễn. Courtesy : Facebook Chuyện của Thịnh

Vẫn tiếp tục công việc vì xã hội

Blogger Nguyễn Lân Thắng vào tối ngày 25/10 cho RFA biết nghệ sĩ Thịnh Nguyễn được đào tạo chuyên nghiệp ở trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội và từng tu nghiệp về hội họa ở Trung Quốc. Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn tham gia vào đợt phản đối cây xanh bị chặt ở Hà Nội hồi năm 2015 và cũng từ đó anh bắt đầu quan tâm đến các vấn đề về xã hội cũng như chụp hình nghệ thuật và làm phim tư liệu về những vấn đề liên quan đến môi trường, đất đai, dân oan…

Trong một lần tham gia cuộc hội luận với Đài RFA về tinh thần của người dân Hong Kong biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ về Trung Quốc cũng như đòi hỏi dân chủ cho Hong Kong hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, nghệ sĩ Thịnh Nguyễn cũng đã chia sẻ rằng anh là một nghệ sĩ và anh từng sống chìm đắm trong thế giới nghệ thuật của riêng mình. Tuy nhiên, trong dịp tình cờ du lịch ở Hong Kong hồi năm 2014, trùng thời điểm cuộc biểu tình của giới trẻ Hong Kong trong phong trào Dù Vàng đã làm thay đổi suy nghĩ và nhân sinh quan của một người nghệ sĩ là anh. Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn tâm tình với phóng viên Hòa Ái rằng anh từng không quan tâm đến ông Thủ tướng Việt Nam tên gì nhưng qua tinh thần cộng đồng của giới trẻ Hong Kong, anh bắt đầu quan sát thế giới và cuộc sống xung quanh dưới lăng kính của một người nghệ sĩ để cùng cảm nhận hơi thở của cuộc sống với những người mà anh gọi là đồng bào.

Ngay sau khi nhận được tin nghệ sĩ Thịnh Nguyễn được an ninh "thả" về nhà lúc gần 7 giờ tối ngày 25 tháng 10, chúng tôi liên lạc và được anh cho biết an ninh đã thẩm vấn anh những gì :

"Hỏi tôi về những thứ tôi làm phim. Hỏi tôi có biết về các tổ chức như Việt Tân không, biết Phạm Đoan Trang không, biết Green Tree không hay có biết phim "Đừng Sợ" không ?…Họ rất cố gắng móc nối tôi với một hoạt động nào của một nhóm nào đó. Kiểu như vậy".

Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn còn cho biết anh đã nói gì với công an, an ninh khi họ bắt đưa anh đi trong ngày 25 tháng 10 :

"Không biết tôi có phải làm phim không, nhưng hiện tại tôi muốn biết về xã hội nên tôi đi phỏng vấn tất cả những người dân oan, những người yếu thế trong xã hội để thật sự muốn biết đồng bào mình trong xã hội là ai và họ (an ninh-pv) đồng ý với việc đấy. Và tôi có nói với họ là bởi vì làm phim tài liệu là quay lại tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống và nó đang diễn ra thì tôi quay. Các anh cấm được những việc diễn ra thì các anh cấm. Còn nó đã diễn ra rồi thì tôi quay lại. Tôi nói rằng việc tôi đang làm là đúng theo luật pháp".

Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn còn nhấn mạnh :

"Tôi hôm nay cũng có nói với công an rằng trước đây tôi là một người rất vô tâm và từ 3 năm trở lại đây khi bắt đầu biết về xã hội thì chính vì vô tâm nên tôi cần phải biết nhiều thứ về xã hội, trong đó có những người dân oan mà tôi thường nói là đồng bào. Tôi thật sự muốn biết họ là ai ? Chính vì thế mà tôi cần phải phỏng vấn họ để biết những người nông dân thật sự khổ đau như thế nào vì họ không có tiếng nói và họ không được chia sẻ. Tôi cảm thấy tôi là một người có số phận tốt hơn nên tôi nghĩ là tôi cần phải chia sẻ và để lắng nghe họ vì ít khi họ được lắng nghe. Và cách làm phim là lúc tôi lắng nghe họ. Qua những lời kể của dân oan thì tôi hiểu đồng bào tôi hơn và tôi hiểu được xã hội này đang vận hành như thế nào. Tôi sẽ không dừng lại chuyện này. Tôi đã nói với công an như thế".

Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn cho biết công an và an ninh đã lấy của anh tất cả 2 máy tính, 2 máy quay phim, 3 máy ảnh, 3 điện thoại và yêu cầu anh trở lại làm việc vào đầu tuần sau.

Đối với động thái an ninh Việt Nam câu lưu nghệ sĩ Thịnh Nguyễn, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, ông Phil Robertson khẳng định với RFA rằng :

"Chỉ dấu từ vụ bắt giữ này có thể là nhà cầm quyền muốn những người như Thịnh Nguyễn phải im lặng, không nói gì. Điều bất hạnh là những người như Thịnh Nguyễn có ý thức hệ riêng và tin họ có quyền tự do biểu hiện. Với những người như Thịnh Nguyễn ở Việt Nam, Human Rights Watch sẽ luôn ủng hộ hoạt đông của họ".

Blogger Nguyễn Lân Thắng thì quả quyết rằng trong những ngày sắp tới nghệ sĩ Thịnh Nguyễn sẽ còn gặp phải tình trạng giống như nhiều nhà hoạt động vì môi trường và dân chủ tại Việt Nam, trong đó có bản thân ông, là sẽ bị an ninh tăng cường giám sát gắt gao hơn, và thậm chí còn sẽ cho xã hội đen quấy nhiễu, gây rối cuộc sống thường nhật của họ.

********************

Nhà hoạt động Thịnh Nguyễn bị câu lưu

RFA, 25/10/2019

Anh Thịnh Nguyễn, thành viên của nhóm dân sự độc lập Green Trees, bị câu lưu vào sáng 25/10 đến khoảng 7 giờ tối cùng ngày.

anninh4

Nhà hoạt động Thịnh Nguyễn Courtesy of Facebook, HRW, RFA edit

Cô Cao Vĩnh Thịnh, một thành viên của nhóm Green Trees, nói với RFA về tin này :

"Tôi biết anh Thịnh Nguyễn là một nghệ sĩ dũng cảm, anh ấy chuyên làm thước phim trên trang Chuyện của Thịnh đưa đến cho người dân biết về những hoàn cảnh éo le của án oan, tử tù mà không có quyền được biện hộ cho mình, cũng như quyền đấu tranh cho tội trạng của mình trước pháp luật và những dân oan bị mất đất".

"Khi chúng tôi nghe tin anh bị công an đến bắt bớ, đánh đập và còng tay anh tại chính gia đình anh, mà trong khi anh không có người thân, không ai được chứng kiến việc công an và an ninh Hà Nội xông vào lục soát nhà anh, đánh anh tại ngõ 210 Nghi Tàm".

Cô Cao Vĩnh Thịnh nói rằng cô "rất là bức xúc vì hành vi vi phạm nhân quyền, trái pháp luật của công an và an ninh Hà Nội khi họ đánh đập, không có bất kỳ thông báo trước hay lệnh khám xét, lục soát nhà trước rất nhiều người dân trong khu vực chứng kiến".

Cô Cao Vĩnh Thịnh nói thêm :

"Không chỉ mình anh Thịnh Nguyễn đang bị bắt như thế mà có thể vụ việc ngày càng leo thang khi anh bị còng tay, cho lên xe thùng công an, an ninh chở đi. Trước đó, các thành viên khác của Green Trees như tôi và anh Đặng Vũ Lượng cũng bị trường hợp tương tự như thế. Họ không hề có thông báo hay lệnh gì hết. Họ cứ thích bắt người là bắt, thích cấm xuất cảnh ai thì cấm".

Cô Cao Vĩnh Thịnh nêu suy đoán việc anh Thịnh Nguyễn "có liên quan bộ phim "Đừng sợ" do Green Trees thực hiện vì phía an ninh luôn muốn biết thông điệp của phim là gì và đòi cung cấp thông tin liên quan bộ phim nhưng chúng tôi không có thỏa thuận hay là phải phục vụ họ".

Theo cô, bộ phim này "có mục đích duy nhất là bảo vệ môi trường, góp tiếng nói đưa ra ánh sáng, sự thật về những người như ông Hoàng Đức Bình, vì đứng lên bảo vệ môi trường mà bị bắt bớ, bỏ tù 14 năm".

Anh Thịnh Nguyễn tên thật là Nguyễn Trường Thịnh, là nhà làm phim tự do, từng học Đại học Mỹ thuật ở Việt Nam, tu nghiệp hội họa tại Trung Quốc. Ông từng mở triển lãm nghệ thuật sắp đặt cá nhân và được biết đến qua trang Chuyện của Thịnh đăng tải nhiều clip về thân nhân của tù nhân lương tâm.

Cũng trong hôm 25/10, trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á, Human Rights Watch (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền) :

"Việt Nam không có lý do chính đáng để bắt giữ nhiếp ảnh gia và nhà làm phim Thịnh Nguyễn vì hoạt động ôn hoà cho môi trường và nhân quyền của ông ta. Với việc lực lượng công an đến bắt ông ta ngay tại nhà ông ta sáng nay cho thấy sự không khoan dung đáng kinh ngạc của chính quyền đối với bất kỳ tiếng nói chỉ trích nào".

"Việt Nam nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện Thịnh Nguyễn và chấm dứt sự theo dõi và quấy rối những nhà hoạt động như ông ấy đang dân thực thi quyền của họ".

"Đây là chính quyền toàn trị, độc đảng, đang lạm dụng nhân quyền trong nhiều thập kỷ. Điều đáng quan tâm là sự thật là họ không phản hồi các lời kêu gọi trước đây của chúng tôi về việc trả tự do cho các nhà bất đồng".

"Tôi hy vọng là Thịnh Nguyễn sẽ được trả tự do đêm nay hoặc ngày mai. Chúng tôi không biết liệu ông ấy có bị cáo buộc tội danh gì. Nhưng không có lý do gì để bắt ông ấy. Ông ấy chỉ là người làm phim, dùng sự sáng tạo, tài năng của mình để biểu thị các vấn đề nhân quyền. Ông ấy không đáng để bị bỏ tù".

"Chỉ dấu từ vụ bắt giữ này có thể là nhà cầm quyền muốn những người như Thịnh Nguyễn phải im lặng, không nói gì. Điều bất hạnh là những người như Thịnh Nguyễn có ý thức hệ riêng và tin họ có quyền tự do biểu hiện. Với những người như Thịnh Nguyễn ở Việt Nam, Human Rights Watch sẽ luôn ủng hộ hoạt đông của họ".

RFA đã liên hệ số điện thoại của Bộ Công An và Công an quận Tây Hồ, Hà Nội nhiều lần nhưng không nhận được phản hồi.

Đến nay, nhiều nhà hoạt động tại Việt Nam từng bị câu lưu hoặc cấm xuất cảnh. Tuy nhiên theo họ, biện pháp này vi phạm quyền đi lại của công dân được qui định trong Hiến pháp Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 611 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)