Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/10/2019

Hồ Duy Hải : cơ hội cuối đời của Nguyễn Phú Trọng

Gió Bấc

Tổ chức Ân xá Na Uy với hơn 25.000 chữ ký vừa với văn bản cho Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu ân xá cho từ tù Hồ Duy Hải, đây không phải là tổ chức quốc tế đầu tiên và duy nhất. Quả bóng trách nhiệm đang trước mặt Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cơ hội để Trọng có thể làm người tử tế vẫn còn đó. Liệu trước khi bị loại bỏ khỏi chính trường Trọng có đủ sáng suốt để chứng tỏ ít nhất là trong lồng ngực ông ta cũng có trái tim ?

hoduyhai1

Hình minh họa. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con và bài báo về Hồ Duy Hải  Courtesy of Facebook

Lãnh đạo chóp bu của đảng và nhà nước Việt Nam có phẩm chất rất đặc biệt là rất điềm tỉnh, im lặng trước những thảm họa của dân tộc, của số phận người dân.

Không có lý do im lặng

Trước thảm hoa Formosa tàn phá vùng biển miền trung, tàn phá môi trường sống, nguồn sinh kế của người dân bốn tỉnh, Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn im lặng sau chuyến đi thăm kẻ thủ ác Formosa.

Bốn tháng qua, tàu Trung cộng giày xéo lên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trọng kiên trì im lặng mãi đến ngày khai mạc hội nghị trung ương thứ 11 mới mở miệng nhưng cũng chỉ là cách nói trịch thượng, giành độc quyền yêu nước mà không đưa ra được kế sách gì bảo vệ chủ quyền.

Nguồn nước sông Đà nhiểm bẩn, không khí Hà Nội pha bột thủy ngân, bụi mịn, Trọng vẫn lẳng im trùm chăn chữa bệnh cho mình. Không khí trong phòng Trọng đương nhiên được lọc kỹ. Nước sinh hoạt của Trong đương nhiên có nguồn riêng được xét nghiệm mỗi ngày. Là lãnh đạo Trọng phải lo chuyện lớn, đốt lò nào, củi nào để bắt chuột mà không phải vở bình, chuyện sống chết của dân là chuyện nhỏ.

Thế nhưng có những chuyện tuy nhỏ nhưng được luật pháp quy định vào trách nhiệm cá nhân của chức vụ, khi nhận chức vụ thì không thể thoái thác trách nhiệm đó. Chức vụ Chủ tịch Nước trong chế độ đảng cầm quyền toàn trị như ở Việt Nam chẳng bõ bèn gì so với quyền lực tuyệt đối của Tổng bí thư nhưng nó vẫn có những ưu quyền riêng của nó mà Tổng bí thư không thay thế đươc. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, có quyền phong tướng, phong anh hùng…. trong đó có quyền và trách nhiệm xem xét ân xá hoặc bác đơn ân xá cho các tử tù. Đây là quyền độc lập của Chủ tịch nước mà không có cơ chế quyền lực nào khác ngăn trở.

Phép thử với trái tim

Trường hợp tử tù Hồ Duy Hải là một vụ án oan không ai có thể lầm lẫn đã kéo dài đến 12 năm. Gia đình Hồ Duy Hải, nhiều luật sư, tổ chức xã hội trong ngoài nước đã liên tục lên tiếng kêu oan Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, bà Lê Thị Nga lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã phát biểu trước phiên họp toàn thể, kiến nghị xem xét lại bản án vì kết tội tử hình chưa có cơ sở vững chắc và trong điều tra, truy tố, xét xử đã xảy ra hàng chục vi phạm quy định tố tụng, chỉ cần một vi phạm thôi đã phải hủy án. Bà Nga đã tổng hợp các vi phạm ấy trong văn bản dài hơn 10 trang gởi đến các cơ quan có trách nhiệm.

hoduyhai2

Hình minh họa. Tử tù Hồ Duy Hải tại tòa. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy HảiCourtesy of FB, RFA edit

Đến nay, bà Nga vẫn còn đó và là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà vẫn chưa có văn bản nào rút lại kiến nghị của mình nhưng án tử vẫn treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải và số phận tử tù của em còn kéo dài không biết tới bao giờ.

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải vẫn ngày đêm lăn xả kêu oan cho con. Cả gia đình ba chị em bà Loan đã khánh kiệt sau hơn 10 năm kêu oan đã phải bán hết nhà cửa ruộng vườn.

Chuyện Hồ Duy Hải, số phận một thanh niên vào tù từ năm 18 tuổi quá nhỏ bé so với uy quyền, chức vụ của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước vĩ đại. Ông Trọng có toàn quyền im lặng như đã từng im lặng trước bao đau thương, oan trái khác của người dân.

Với những vụ việc khác như oan trái ở Thủ Thiêm, ô nhiễm ở Vũng Áng… ông Trọng có thể biện bạch lý do im lặng là nó phức tạp, ta đánh ta sợ phải vỡ bình… cần có thời gian, cần nhiều yếu tố xem xét… Vụ việc Hồ Duy Hải quá sức đơn giản, không có thế lực thù địch nào tác động, chi phối để các cơ quan tố tụng dưới quyền ông phải vi phạm các quy định tố tụng buộc tôi oan một thanh niên. Hoặc là họ quá yếu kém nghiệp vụ nên quy kết oan ức cho người ngay như Nguyễn Văn Chấn, Huỳnh Văn Nén… hoặc là họ cố ý bao che cho tội phạm nên đẩy Hồ Duy Hải thành hình nhân thế mạng.

Quyền ân xá của Chủ tịch Nước là quyền nhân đạo, không ảnh hưởng đến tiến trình tư pháp trước đó, không ảnh hưởng đến thành tích, vai vế của Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay Nguyễn Hòa Bình Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thời điểm đó. Ân xá cũng không có ý nghĩa phải điều tra tìm ra hung thủ thật sự của vụ án. Dù có ai đó tác động để kết án oan cho Hồ Duy Hải thì họ vẫn an toàn, vẫn vô tội nếu Hải được ân xá.

Tóm lại, ân xá cho Hồ Duy Hải đó là việc rất nhỏ, rất đơn giản không mảy may ảnh hưởng tơ hào đến sự nghiệp chính trị vẻ vang của ngài Tổng bí thư Chủ tịch nước vĩ đại. Nếu ông Trọng vẫn im lặng bỏ qua thì quả là chỉ vì ông lãnh cảm với sinh mạng con người.

Ngược lại, nếu ông Trọng còn chút sáng suốt và trong huyết quản của ông có chút hồng cầu nhắc nhở ông ký quyết định ân xá cho Hồ Duy Hải thì không chỉ người dân trong nước mà dư luận thế giới có thể nhìn vào ông, vào chế độ toàn trị của ông với ánh mắt khác đi.

Ít nhất người ta cũng có hy vọng rằng ông không phải là bạo chúa máu lạnh, thản nhiên giết oan người vô tội.

Sang làm được một nửa, Trọng thì sao ?

Năm năm trước, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã làm đươc điều chưa có tiền lệ, chỉ đạo Văn phòng Chủ Tịch Nước ra công văn hoãn thi hành án Hồ Duy Hải vào giờ chót. Một quyết định chấn động dư luận, cứu sống mạng người đươc dư luận cả nước đồng tình tuy nó chỉ là một ý kiến nửa vời.

Năm năm qua, với những kiến nghị của các luật sư Trần Hổng Phong, Trần Văn Tạo, với kết quả giám sát và kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, vụ việc quá sức sáng tỏ. Tiếp tục kéo dài lơ lửng án tử của Hồ Duy Hải ngày nào thì sự nhạo báng công lý và sự phi nhân của nền tư pháp càng kéo dài thêm ngày đó.

Với tuổi tác và sức khỏe hiện nay, ngày ông Trọng rời xa quyền lực thậm chí ngày rời xa thế giới này để đi gặp ông Mác, ông Hồ cũng không còn xa, ký một quyết định nhân đạo cứu sống một thanh niên vô tội là cơ hội để ông có thể để lại điều gì đó cho sự nghiệp của mình.

Nguyễn Tấn Dũng khi rời quyền lực đã nói đươc câu "xin làm người tử tế". Hy vọng rằng, ông Trọng làm đươc điều đó ngay khi đang còn quyền lực. Ân xá cho Hồ Duy Hải là cơ hội để tự ân xá cho mình.

Nhưng đâu chỉ có Hồ Duy Hải, còn đó Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Đặng Văn Hiến … bao nhiêu án tử oan đang chờ ân xá.

https://youtu.be/gDYVUAbAg7A

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 29/10/2019 (Gió Bấc's blog)

Quay lại trang chủ
Read 597 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)