Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/11/2019

Tại sao Trung Quốc sai lầm ở Đông Nam Á ?

David Hutt

Dù đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức ở Đông Nam Á, các kế hoạch lớn của Trung Quốc dành cho khu vực lân cận gần như không được thuận lợi như đã tính toán.

asia0

Quan hệ Trung Quốc với Đông Nam Á sẽ được bàn thảo trong hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á được tổ chức tại Bangkok từ ngày 2 đến 4/11/2019. Ảnh : Twitter

Khi các nhà lãnh đạo khu vực tập trung trong hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok vào cuối tuần này, một dịp mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn bỏ lỡ về mặt ngoại giao, Trung Quốc vẫn khó lòng đạt được ý muốn.

Những nghi ngờ về các ý định tối hậu của Trung Quốc, bao gồm cả sáng kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initativ – BRI) trị giá 1 ngàn tỷ USD của nước này, đang gia tăng khắp khu vực, phù hợp với các cảnh báo của Hoa Kỳ về cái "ngoại giao nợ" được cho là của Bắc Kinh.

Không nơi nào công khai cự tuyệt các bước tiến thương mại của Trung Quốc nhiều hơn quốc gia láng giềng Việt Nam. Đầu năm 2018, các cuộc biểu tình trên toàn quốc đã "càn quét" Việt Nam sau khi Đảng cộng sản cầm quyền bắt đầu thảo luận một đạo luật mới để thành lập ba đặc khu kinh tế, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất tới 99 năm.

Nhiều người Việt nghĩ rằng cái gọi là luật Đặc khu kinh tế (Special Economic Zone - SEZ) đã bật đèn xanh cho các công ty Trung Quốc tha hồ mua đất ở Việt Nam. Mặc dù hàng trăm người biểu tình bị bắt, chính phủ cũng đã đưa ra quyết định hầu như chưa từng có : lắng nghe công chúng và loại bỏ luật SEZ. Kể từ lần đó, nó không còn được nói đến.

Chủ nghĩa dân tộc bài Trung Quốc có thể nhận thấy rõ ở Việt Nam trong nhiều thập niên, không chỉ vì Trung Quốc chiếm đóng những vùng đất người Việt tuyên bố có chủ quyền mà còn vì những xung đột ở Biển Đông, nơi Hà Nội vẫn là đối thủ thực sự cuối cùng chống chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc trong khu vực hàng hải.

Nhưng Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà người dân địa phương bày tỏ sự tức giận về cách đầu tư của Trung Quốc đang làm thay đổi đất nước của họ.

Ở Campuchia hiện nay đang có phản ứng dữ dội trước việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt, đặc biệt là ở những nơi như Sihanoukville, chỗ người dân địa phương nói rằng nó đã biến thành phố ven biển thành một tỉnh của Trung Quốc.

Trong khi đó, ở Philippines, có sự hoài nghi trong công chúng và một số bộ phận thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị về việc liệu tổng thống Rodrigo Duterte có tính toán sai lầm khi theo đuổi mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh và đánh giá thấp các tranh chấp của đất nước ông ở Biển Đông hay không.

Một cuộc khảo sát gần đây của Social Weather Station, nhà thăm dò ý kiến địa phương, cho thấy 93% người Philippines muốn chính phủ Duterte tái chiếm các hòn đảo bị Trung Quốc kiểm soát và các địa điểm trong vùng biển Philippines tuyên bố có chủ quyền, gồm cả bãi cạn Scarborough.

Richard Heydarian, một học giả và tác giả tại Manila đã viết trong một bài báo mới đây: "Chiến lược dùng thời gian kết nạp giới tinh hoa đồng phạm – dụ dỗ hoặc mua chuộc sự trung thành của tầng lớp tinh hoa trong nước giữa các quốc gia đối tác bằng các thỏa thuận kinh tế lớn – dường như mong manh hơn".

"Bất kể thứ gì, nó chỉ cần tha hóa sự huy động, quả quyết và khôn ngoan về chính trị của quần chúng ở các quốc gia sở tại".

Tại Malaysia, liên minh Harapan đang cầm quyền và nhà lãnh đạo Mahathir Mohamad đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng Năm 2018 với chiến dịch đẩy lùi các khoản đầu tư của Trung Quốc, buộc liên minh lãnh đạo Tổ chức Quốc gia Mã Lai (United Malays National Organisation) rời khỏi văn phòng lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia.

Chính phủ Harapan đã đình chỉ và tái đàm phán các thỏa thuận với Trung Quốc, trong khi Mahathir công khai cáo buộc Trung Quốc là " phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân" nhắm vào khu vực nhân chuyến viếng thăm Bắc Kinh lần đầu vào năm 2018.

Lào, một quốc gia miền núi láng giềng, từ lâu là vùng đệm giữa Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á, đã chứng kiến những cuộc tấn công định kỳ vào các công dân Trung Quốc và nhiều người bị các nhóm vũ trang sát hại trong những năm gần đây.

Sự thù địch ngày càng tăng đối với những gì nhiều người gọi là "ngoại giao nợ" của Trung Quốc. Lào hiện là một trong những quốc gia mắc nợ Bắc Kinh nhiều nhất khu vực, phần lớn do Trung Quốc tài trợ và xây dựng tuyến đường sắt trị giá 6 tỷ USD mà nhiều người cho rằng có thể trở thành một con voi trắng [thứ tốn rất nhiều tiền nhưng trở thành gánh nặng, không hữu ích. ND]

"Thay vì tiến triển tất yếu hướng đến một Trung Quốc bá quyền, những gì chúng ta đang chứng kiến là sự tái khẳng định quyền tự chủ và phẩm giá tập thể trong các nước láng giềng của Bắc Kinh", Heydarian viết.

Ác cảm bài Hoa đang gia tăng ở Đông Nam Á tất nhiên là âm nhạc trong tai chính quyền Trump. Chính quyền này leo thang phản đối Bắc Kinh theo cách một số nhà phân tích bắt đầu gọi là cuộc "chiến tranh lạnh mới".

Bản Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhà Trắng (The White House’s National Security Strategy) xuất bản vào tháng Mười Hai 2017 đã mô tả Trung Quốc như một "cường quốc xét lại" và nói về một cuộc "cạnh tranh quyền lực lớn" mới giữa Mỹ và Trung Quốc, kể cả ở Đông Nam Á.

Nhưng sự ngờ vực trong khu vực đối với những ý định của Bắc Kinh vượt ra ngoài chính sách của các cường quốc. Các dự án đầu tư, gồm cả BRI, thường thiếu minh bạch và bị tổn hại do các chiến thuật ám muội toa rập với các giới chức địa phương để có quyền tiếp cận đất đai.

Quyền sở hữu đất đai và chủ nghĩa môi trường đang trở thành những mối quan tâm chính khắp Đông Nam Á, và trong nhiều trường hợp, đầu tư của Trung Quốc bị cho là đã làm vấn đề trầm trọng thêm.

Ngày càng có nhiều người than phiền rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc chỉ đem đến một vài lợi ích trong thời gian ngắn cho người địa phương trong khu vực.

Ví dụ: tại Campuchia, Sihanoukville đã được chuyển đổi thành trung tâm dành cho du khách và dân chơi bài bạc Trung Quốc, và do việc đầu tư bất động sản của Trung Quốc gia tăng, đất đai lên giá, vượt quá khả năng tài chính của dân cư địa phương khiến họ không thể tham gia thị trường nhà đất ngày càng nhiều.

Và các dự án được Trung Quốc hỗ trợ thuê công dân của họ thay vì dân địa phương cũng thường xuyên bị chỉ trích trên toàn khu vực.

Chuyện đó dẫn đến những câu hỏi nghiêm trọng là BRI có thực sự được thiết kế để cải thiện mức sống của người Đông Nam Á thông qua thương mại dễ dàng hơn hay thật ra là để Bắc Kinh tăng cường kiểm soát chính trị và kinh tế trong khu vực.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu ASIAN thuộc viện ISEAS-Yusof Ishak cho thấy 45,5% số người tham gia phỏng vấn tin rằng "Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại với ý định biến Đông Nam Á thuộc phạm vi ảnh hưởng của nó" trong khi chưa đến 1/10 người cho rằng "Trung Quốc là một cường quốc hiền lành và nhân hậu".

Các nhà phân tích của viện ISEAS tuyên bố rằng kết quả cuộc thăm dò ý kiến là "một cảnh báo cho Trung Quốc để họ sửa đổi hình ảnh tiêu cực ở Đông Nam Á, cho dù Bắc Kinh thường xuyên bảo đảm là họ trỗi dậy hoà bình và ôn hòa".

Khảo sát trên còn cho thấy các nhận thức trong khu vực về BRI cũng rất buồn tẻ. Gần một nửa (47%) số người được hỏi nghĩ rằng sáng kiến này sẽ đưa các thành viên ASEAN đến gần quỹ đạo của Trung Quốc hơn. "Một kết luận có thể gây hậu quả sâu rộng ở Đông Nam Á vì khu vực này sợ rằng Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại", cuộc nghiên cứu đã khẳng định như vậy.

Phần lớn trong vấn đề nhận thức về Trung Quốc bắt nguồn từ cách Bắc Kinh tiến hành chính sách đối ngoại. "Việc chuyển tiếp từ một chiến lược quốc tế kín đáo sang sự quyết đoán toàn diện và chủ nghĩa tích cực là quá sớm, và Trung Quốc chưa thực sự chuẩn bị cho một quá trình chuyển đổi gây ấn tượng mạnh mẽ như vậy", theo Li Mingjiang, điều phối viên chương trình Hoa ngữ tại trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore.

Quan điểm của ông được các nhà tư tưởng người Hoa khác chia sẻ. Shi Yinhong, cố vấn Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã khẳng định : "Trung Quốc, với những thành tựu to lớn, đã nhảy quá nhanh và quá nhanh trên mặt trận chiến lược".

Ngay cả Đặng Phát Phương, con trai của cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, trong bài phát biểu được trích dẫn và phổ biến rộng rãi vào tháng 11/2018 cũng cho rằng Trung Quốc "nên giữ tinh thần tỉnh táo và ý thức được vị trí của chính mình".

Nhưng trong lúc Bắc Kinh đang vận dụng thế mạnh từ tài chính, quân sự và nhân lực cho chính sách ngoại giao trong khu vực, các nhà phê bình nói rằng vẫn còn thiếu vắng sự đồng cảm. Các giới chức Trung Quốc dường như không chịu hiểu rằng chính trị và kinh doanh được thực hiện theo những cách rất khác nhau ở từng quốc gia Đông Nam Á.

Các nhà phân tích nói rằng các giới chức Trung Quốc hầu như không thể hiểu tại sao chính phủ các nước khác không thể kiểm soát báo chí và khu vực tư nhân giống như cách của Bắc Kinh ; tại sao dân địa phương không mở rộng vòng tay chào đón đầu tư Trung Quốc ; và tại sao Trung Quốc bị coi là kẻ xâm lược.

Tình trạng vô cảm đối với cách thức sinh hoạt chính trị nội bộ trong khu vực và cảm xúc của người dân địa phương một phần là do Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền chính sách đối ngoại.

Một bài báo mới đăng trên tuần báo The Economist khẳng định" Đảng cộng sản Trung Quốc không tin rằng quyền lực mềm đa phần phát xuất từ các cá nhân, khu vực tư nhân và xã hội dân sự".

Một câu hỏi cũng cần phải đặt ra là liệu chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ảnh hưởng quá nhiều đến chính sách đối ngoại hay không. Theo New York Time "quyền lực mạnh mẽ của ông Tập có thể gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách được hiệu quả, khi các quan chức không dám báo cáo những tin xấu, phó mặc toàn quyền quyết định cho Tập và thi hành các mệnh lệnh của ông ta một cách cứng ngắc, dù tốt hơn hay tệ hơn ".

Hệ quả thứ hai liên quan đến lịch sử. Bắc Kinh có khuynh hướng xem các mối quan hệ ngoại giao qua lăng kính diễn dịch lịch sử của chính mình, trong khi vẫn nhắm mắt bịt tai trước những quan điểm khác biệt của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông.

Do đó Bắc Kinh thường xuyên lớn tiếng cho rằng những ý kiến phản đối các hành động của Trung Quốc trong khu vực đều do thiếu thông tin, là tuyên truyền của Mỹ hay chủ nghĩa thực dân mới. Và khi Trung Quốc sử dụng hội nghị thượng đỉnh ASEAN như một diễn đàn để lặp lại các yêu sách một chiều này của mình thì các nhà lãnh đạo trong khu vực có mặt tại đây cũng chẳng hề ngạc nhiên.

David Hutt

Nguyên tác : Why China gets it wrong in SE Asia, Asia Times, 01/11/2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

*********************

Vì sao Trung Quốc sai lầm ở Đông Nam Á ? 

Thụy My, 05/11/2019

Tác giả David Hutt trên Asia Times ngày 01/11/2019 đã phân tích về mối quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

dna1

Biểu tình ở Sài Gòn, Việt Nam, ngày 10/06/2018 chống dự luật thành lập các đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bị nghi ngờ để cho Trung Quốc thuê. Facebook

Bất chấp bao nhiêu tiền bạc đã đổ ra, rất nhiều thời gian và cố gắng để đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, nhưng hầu hết những chương trình lớn của Bắc Kinh tại các quốc gia láng giềng đều diễn ra không như mong muốn. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN thứ 35 tại Bangkok Thái Lan lần này, một dịp mà tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn cách vắng mặt rất kém ngoại giao, Trung Quốc vẫn khó lòng chiếm được thế thượng phong.

Việt Nam : Dự luật đặc khu bị xếp xó vì dư luận chống đối

Những nghi ngại về mục đích thực sự của Trung Quốc – kể cả Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) có ngân sách lên đến 1.000 tỉ đô la – đang nổi lên trong khu vực, cùng với những cảnh báo do Hoa Kỳ đưa ra về chính sách "ngoại giao bẫy nợ" của Bắc Kinh.

Không có ở đâu mà những lợi ích thương mại Trung Quốc lại bị công khai cự tuyệt như tại nước láng giềng Việt Nam. Vào đầu năm 2018, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên toàn quốc sau khi đảng Cộng Sản cầm quyền bắt đầu thảo luận về một luật mới, cho phép thành lập các đặc khu kinh tế (SEZ) trong đó các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất đến 99 năm.

Nhiều người Việt nghĩ rằng dự luật đặc khu này nhằm bật đèn xanh cho các công ty Trung Quốc vơ vét đất đai của Việt Nam. Cho dù hàng trăm người biểu tình bị bắt, chính quyền đã có một quyết định chưa từng thấy là lắng nghe dư luận, hoãn lại vô thời hạn, và nay thì đạo luật này không còn được nhắc đến.

Tình cảm chống Trung Quốc có thể cảm nhận rất rõ tại Việt Nam trong nhiều thập niên. Không chỉ do Trung Quốc chiếm đóng lãnh thổ của Việt Nam, mà còn vì những xung đột trên Biển Đông, nơi mà Hà Nội là thủ đô cuối cùng thực sự chống đối sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh.

Sihanoukville bị Hán hóa, Philippines lo mất biển

Nhưng Việt Nam không phải là nơi duy nhất mà người dân địa phương tỏ ra giận dữ đối với các đầu tư của Trung Quốc đã làm thay đổi đất nước họ. Tại Cam Bốt, ngày càng có những phản ứng dữ dội trước việc Trung Quốc đầu tư ồ ạt, đặc biệt là tại Sihanoukville.

Thành phố biển xinh đẹp này được cho là đã trở thành một "tỉnh của Trung Quốc". Sihanoukville đã trở thành điểm đến trung tâm của khách du lịch và những người có máu đỏ đen từ Hoa lục. Giá đất tăng vọt do người Trung Quốc đổ tiền vào địa ốc, khiến thị trường nhà đất trở nên ngoài tầm tay với của nhiều người dân bản xứ.

Trong khi đó ở Philippines, công chúng và một bộ phận giới tinh hoa ngày càng hoài nghi, phải chăng tổng thống Rodrigo Duterte đã tính toán sai lầm khi xích lại gần Bắc Kinh, giảm thiểu tầm quan trọng của tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Một cuộc điều tra mới đây của Social Weather Stations cho thấy có đến 93% người Philippines muốn chính phủ Duterte thu hồi lại những đảo và thực thể tại vùng biển mà Manila đòi hỏi chủ quyền nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát, kể cả bãi cạn Scarborough.

Giáo sư Richard Heydarian ở Manila nhận xét : "Chiến lược lôi kéo, mua chuộc giới tinh hoa địa phương thông qua các thỏa thuận kinh tế lớn trước đây thuận buồm xuôi gió, nay đã khó khăn hơn. Nó càng làm xa lánh lớp người năng động, có hiểu biết về chính trị ở các quốc gia sở tại".

"Thực dân mới Trung Quốc" ?

Tại Malaysia, liên minh Harapan và thủ lãnh là ông Mahathir Mohamad chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2018 nhờ chủ trương hạn chế đầu tư Trung Quốc, khiến liên minh cầm quyền UMNO lần đầu tiên trong lịch sử phải rơi đài. Chính quyền thương lượng lại các hợp đồng với Trung Quốc, trong khi ông Mahathir công khai lên án Bắc Kinh là "một phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân" trong khu vực.

Ở Lào, quốc gia nhiều đồi núi lâu nay là vùng đệm giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, đã xảy ra những vụ tấn công vào người Trung Quốc, trong đó nhiều người bị các nhóm vũ trang sát hại trong những năm gần đây. Tình cảm thù ghét cũng đang lớn dần đối với chính sách "ngoại giao bẫy nợ" - vì Lào là một trong những nước trong khu vực nợ nần Trung Quốc nhiều nhất. Chủ yếu là do một dự án đường sắt 6 tỉ đô la do Bắc Kinh tài trợ và xây dựng, mà nhiều người cho là tốn kém nhưng không hiệu quả.

Ông Heydarian viết : "Thay vì hướng về một Trung Quốc bá chủ, người ta lại chứng kiến khuynh hướng tái khẳng định quyền tự chủ và phẩm cách tại các nước láng giềng của Bắc Kinh".

Tất nhiên tình cảm chống Trung Quốc tăng lên là điều tốt lành đối với chính quyền Donald Trump, vẫn đang gia tăng đối đầu với Bắc Kinh, mà một số nhà phân tích gọi là "cuộc chiến tranh lạnh mới". Chiến lược an ninh quốc gia của Nhà Trắng công bố vào tháng 12/2017 mô tả Trung Quốc là "cường quốc xét lại", nêu ra một "cuộc cạnh tranh đại cường mới" giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, kể cả tại Đông Nam Á.

Hình ảnh xấu xí của Bắc Kinh tại Đông Nam Á

Nhưng mối ngờ vực về mưu đồ của Bắc Kinh trong khu vực còn đi xa hơn quyền lực chính trị đại cường. Các dự án đầu tư, kể cả những dự án trong khuôn khổ BRI thường thiếu minh bạch, với những chiến thuật ám muội, thông đồng với các quan chức địa phương để được giao đất.

Quyền sở hữu đất đai và vấn đề môi trường đang trở thành mối quan ngại trên khắp Đông Nam Á, và trong nhiều trường hợp, đầu tư của Trung Quốc đã làm vấn đề thêm trầm trọng. Ngày càng nhiều những chỉ trích cho rằng đầu tư Trung Quốc chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho người dân địa phương.

Trên toàn Đông Nam Á đều có những lời than phiền rằng các dự án Trung Quốc chủ yếu sử dụng người Hoa thay vì lao động địa phương. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu BRI có thực sự nhằm nâng cao mức sống cho Đông Nam Á, hay chỉ nhằm tăng cường sự kiểm soát về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh tại khu vực này ?

Một nghiên cứu của trung tâm ASEAN thuộc ISEAS-Yusof Ishak Institut tiết lộ 45,5% người được hỏi nghĩ rằng "Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc xét lại với ý đồ biến Đông Nam Á thành khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng của mình". Trong khi đó chưa đầy 1/10 coi Trung Quốc là "cường quốc vô hại và tử tế".

Các tác giả nhận định kết quả này là lời cảnh tỉnh cho Trung Quốc, cần phải đánh bóng lại hình ảnh tiêu cực ở Đông Nam Á cho dù Bắc Kinh nhiều lần khẳng định "trỗi dậy ôn hòa". Cũng theo cuộc điều tra trên, gần phân nửa số người được thăm dò (47%) cho rằng BRI đẩy các thành viên ASEAN đi vào quỹ đạo Trung Quốc.

Phó giáo sư Lý Minh Giang (Li Mingjiang), điều phối viên chương trình Trung Quốc của S. Rajaratnam School of International Studies ở Singapore, và một số nhà nghiên cứu Trung Quốc như Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong) đều cho rằng Bắc Kinh trước những thành tựu to lớn đạt được, đã quá vội vã nhảy vào mặt trận chiến lược. Ngay cả người con của Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương (Deng Pufang) trong bài phát biểu được phổ biến rộng rãi tháng 11/2018 cũng cho rằng Trung Quốc "nên tỉnh táo và ý thức được vị trí của mình".

Không "tri kỷ tri bỉ", sao có thể bách chiến bách thắng ?

Nhưng trong lúc Bắc Kinh đang vận dụng thế mạnh từ tài chính, quân sự cho đến nhân lực cho chính sách ngoại giao trong khu vực, các nhà phê bình thấy rằng vẫn còn thiếu vắng sự đồng cảm. Các quan chức Trung Quốc dường như không chịu hiểu rằng chính trị và kinh doanh được tiến hành theo những cách rất khác nhau tại từng quốc gia Đông Nam Á.

Chính quyền Trung Quốc hầu như không thể hiểu vì sao chính phủ các nước khác lại không thể kiểm soát báo chí và khu vực tư nhân theo cùng một kiểu với Bắc Kinh. Tại sao người dân địa phương không chịu mở rộng vòng tay đón nhận đầu tư Trung Quốc, và tại sao Trung Quốc lại bị coi là kẻ xâm lược ? Tình trạng này một phần là do đảng Cộng Sản Trung Quốc độc quyền chính sách đối ngoại.

Tuần báo The Economist trong một bài báo mới đây khẳng định "đảng Cộng Sản Trung Quốc không tin rằng quyền lực mềm hầu hết là từ các cá nhân, khu vực tư nhân và xã hội dân sự". Cũng cần phải đặt câu hỏi, liệu ông Tập Cận Bình có ảnh hưởng quá nhiều lên đối ngoại hay không.

Theo New York Times, "quyền lực mạnh mẽ của ông Tập có thể gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách một cách hiệu quả, vì các quan chức không dám báo cho ông những tin xấu, ngồi im để mặc ông Tập toàn quyền quyết định, và thực hiện các mệnh lệnh của Tập Cận Bình một cách cứng nhắc".

Hệ quả thứ hai liên quan đến lịch sử. Bắc Kinh có xu hướng tiến hành quan hệ đối ngoại thông qua lăng kính diễn dịch lịch sử của chính mình, mắt lấp tai ngơ trước những quan điểm khác biệt của các nước trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông đang dậy sóng.

Thế nên Bắc Kinh thường xuyên lớn tiếng cho rằng những ý kiến phản đối trước hành động của Trung Quốc trong khu vực đều là do thiếu thông tin, là luận điệu tuyên truyền của Mỹ hoặc chủ nghĩa tân thuộc địa. Và khi Trung Quốc lợi dụng thượng đỉnh ASEAN như diễn đàn để lặp lại các luận điệu đơn phương này, thì họ không hề gây ngạc nhiên cho các nhà lãnh đạo có mặt tại đây.

Thụy My

Nguồn : RFI, 05/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Hutt - Thụy My
Read 524 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)