Dư luận râm ran 'chợ đen' mua quan bán chức nhộn nhịp dịp đại hội
Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì, 05/11/2019
Dân biểu Nguyễn Tiến Sinh nêu, dư luận râm ran về "chợ đen" mua quan bán chức thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử, Đại hội.
Dân biểu Nguyễn Tiến Sinh : Tham nhũng có hệ thống thì rất khó phát hiện, ngăn chặn
Thảo luận về tình hình tội phạm và công tác tư pháp sáng nay, Dân biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) ghi nhận công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 đã có nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn hiệu quả, còn gây bức xúc.
Tham nhũng vặt chỉ là phần nổi của tảng băng
Theo ông, một cán bộ, công chức, viên chức có chức vụ nhũng nhiễu thì có thể là hành vi tham nhũng vặt. Nhưng nếu hành vi này là có chỉ đạo, có sự ăn chia của lãnh đạo quản lý một cách có hệ thống thì công tác phát hiện đấu tranh ngăn chặn vô cùng khó khăn.
Dân biểu nhấn mạnh tham nhũng vặt chỉ là phần nổi của tảng băng về tình hình tham nhũng, thực tế còn rất nghiêm trọng.
"Hãy nhìn vào hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo của nhà nước thì sẽ thấy điều gì tạo nên một hiện trạng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ suy thoái biến chất, năng lực hạn chế.
Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, nếu không phải là tham nhũng, là làm ngơ trong công tác quản lý ?", Dân biểu tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Dân biểu Nguyễn Tiến Sinh dẫn hàng loạt số liệu sai phạm được nêu trong báo cáo Tổng kiểm toán, báo cáo Thanh tra 2019 và lưu ý : "Mặc dù tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và thuyên giảm nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ngày càng tinh vi, được che đậy bằng nhiều thủ đoạn và có hệ thống, có tổ chức".
Công khai danh sách, quy trình bổ nhiệm, bầu cử cán bộ
"Lĩnh vực lâu nay được coi là điểm nóng của tệ tham nhũng song nhiều người coi là vùng cấm, bởi vì chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh một cách đồng bộ và đầy đủ.
"Chợ đen" mua quan bán chức nhưng không dễ trả lời được ai mua, ai bán, chỉ biết dư luận râm ran "chợ đen" này thường nhộn nhịp lên trong các dịp bầu cử, Đại hội", Dân biểu Nguyễn Tiến Sinh nói.
Dân biểu cho rằng, tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ đã làm sai lệch chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Theo ông, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải làm liên tục, không ngừng nghỉ, làm đồng bộ và có hệ thống, trong đó không chỉ là quyết tâm chính trị mà cần phải được thể chế hóa các quy định của pháp luật.
Dân biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm thể chế hóa các quy định của Trung ương, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức giữ chức vụ quản lý và lãnh đạo.
Đồng thời, xây dựng quy trình, quy định thu hồi, hủy bỏ giáng chức đối với cán bộ có vi phạm quy trình về công tác cán bộ, các cán bộ vi phạm quy định về chạy chức chạy quyền...
Cán bộ hay tới hỏi thăm sức khỏe
Thượng tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng cũng nhìn nhận thời gian qua cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử một số vụ án lớn là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên ông cho rằng vẫn chưa triệt để, còn vùng cấm "giơ cao đánh khẽ".
Thượng tướng Nguyễn Văn Được : Đề nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh, giáo dục thật kỹ cán bộ của mình để lấy lại lòng tin của người dân
"Đề nghị cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm minh, nhất là trong thu hồi tài sản tham nhũng. Kể cả những trường hợp xử lý nội bộ, cũng phải công khai minh bạch mức xử lý, số tiền thu hồi để nhân dân được biết", ông Được nhấn mạnh.
Đề cập thực trạng nhiều dự án xây trái phép, cán bộ sở tại "làm ngơ như không biết gì", theo tướng Được, đây là điều "không chấp nhận được".
Ông dẫn chứng nhiều trường hợp người dân làm nhà, sửa nhà, làm kinh doanh dịch vụ buôn bán dù được cơ quan chức năng cho phép nhưng vẫn có nhiều lực lượng chức năng khác đến "hỏi thăm sức khoẻ", nêu điều kiện nếu không đáp ứng "sẽ thế này, thế khác".
"Đây là vấn đề nhức nhối, đề nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh, giáo dục thật kỹ cán bộ của mình để lấy lại lòng tin, tín nhiệm của người dân", Dân biểu Nguyễn Văn Được nói.
Dân biểu Ngô Sách Thực (Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đề cập đến tội phạm môi trường và cho rằng xử lý chưa đủ sức răn đe.
Việc xử lý có nơi xử lý nghiêm, có nơi còn né tránh, thậm chí xử phạt cho tồn tại. Một số nơi cơ quan chức năng vào cuộc chưa kịp thời, dẫn đến phản ứng tiêu cực của người dân.
Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì
Nguồn : VietnamNet, 05/11/2019
******************
Có tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng
5/11/2019
Tình trạng tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng đang diễn biến phức tạp, các đại biểu quốc hội kiến nghị rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết nguồn kinh phí cho việc phòng chống ma túy ngày càng thu hẹp - Ảnh : Nguyễn Nam
Ngày 4/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ; công tác thi hành án ; công tác phòng chống tham nhũng năm 2019. Các đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian, tập trung vào những vấn đề "nóng" như tội phạm ma túy, công tác điều tra xét xử, tình trạng tham nhũng trong chính lực lượng chống tham nhũng...
Nhức nhối ma túy
Mở đầu phần thảo luận sau báo cáo của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Dân biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết người dân và cử tri rất lo lắng về tệ nạn ma túy, nếu không xóa bỏ, ngăn chặn sẽ có nguy cơ hủy hoại cả dân tộc.
Đánh giá cao kết quả triệt phá các vụ buôn bán, vận chuyển ma túy trong thời gian qua của lực lượng công an nhưng ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng đây mới là phần nổi của tảng băng chìm nên đề nghị Chính phủ quan tâm hơn về nhân lực, trang thiết bị cũng như các chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nói rõ hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh, lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng người nước ngoài là lập doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan xuất nhập khẩu để tạo vỏ bọc, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức sản xuất ma túy như vụ vừa triệt phá tại Kon Tum.
Dân biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) lo ngại nguy cơ trở thành một địa bàn trung chuyển ma túy ở nước ta là hiện hữu. Ông Nguyễn Hữu Cầu cho biết kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống ma túy ngày càng thu hẹp ; lực lượng chuyên trách tại các địa bàn trọng điểm còn rất mỏng. Về khung pháp luật, hành vi tổ chức và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy do những người nghiện ma túy thực hiện đều không bị xử lý bằng hình sự là trái thực tiễn, làm trói tay trói chân các cơ quan bảo vệ pháp luật - là một trong những nguyên nhân quan trọng làm sót, lọt tội phạm, phát sinh băng nhóm và gia tăng người nghiện trong lớp trẻ.
Dân biểu Nguyễn Hữu Cầu dẫn chứng tại Nghệ An, chỉ tính riêng đầu năm đến nay đã phát hiện 21 vụ, 73 đối tượng tổ chức sử dụng ma túy đá và thuốc lắc trong các vũ trường, quán bar, khách sạn nhưng không bị xử lý trách nhiệm hình sự dẫn đến "lờn" luật. Từ bất cập này, ông Nguyễn Hữu Cầu kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng chống ma túy và các văn bản liên quan, bảo đảm đồng bộ và phù hợp thực tiễn ; việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện phải thông thoáng hơn ; bổ sung kinh phí ngân sách đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến chống ma túy.
Xuất hiện nhiều loại ma túy mới chưa có trong danh mục là vấn đề mà Dân biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) chỉ ra trong phiên thảo luận. Theo bà Thủy, song song thực trạng tội phạm diễn biến phức tạp là số người nghiện ma túy tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Hậu quả của việc sử dụng ma túy dẫn đến nhiều hệ lụy như trộm cắp, giết người, cướp của. Trong khi đó, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác phát hiện, đấu tranh với ma túy chưa tương xứng yêu cầu nhiệm vụ.
Khó chứng minh hành vi tham nhũng ?
Báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về việc "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm". Tuy nhiên, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng lại diễn biến phức tạp.
Theo bà Lê Thị Nga, hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng ở Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao không còn đúng nghĩa là "chuyên trách về chống tham nhũng" như yêu cầu đặt ra của Luật Phòng chống tham nhũng ; số vụ việc do các cơ quan này phát hiện còn ít. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan này tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị này.
Nhắc đến vụ cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ hàng triệu USD, Dân biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam có bị can trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ với số tiền lớn như vậy. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được nên phải xử lý về tội phạm kinh tế. Dân biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng việc chứng minh hành vi là khó nhưng không phải không làm được.
"Phải chăng, hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác" - Dân biểu Mai Thị Phương Hoa băn khoăn và cho rằng phải có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng, đó mới là giải pháp căn cơ. Đã đến lúc chúng ta cần rút ra bài học về quản lý kinh tế ; phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực có liên quan, việc gì là đúng và phù hợp, vấn đề gì còn sơ hở và dễ bị lợi dụng.
Hôm nay, 5/11, buổi sáng Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ; công tác phòng ngừa, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật ; công tác thi hành án ; công tác phòng chống tham nhũng năm 2019. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện.
Ảnh hưởng nghiêm trọng niềm tin của cử tri
Dân biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) đánh giá vấn đề tham nhũng trong lực lượng có chức năng về phòng chống tham nhũng là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách này. "Đây là vấn đề tôi thấy Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm nhưng tình hình không chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ" - Dân biểu Hoàng Văn Hùng kiến nghị.
Vị Dân biểu của tỉnh Thái Nguyên cũng kiến nghị Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, phạm tội. Đặc biệt là phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan phòng chống tham nhũng.
Tín dụng đen đến tận vùng sâu, vùng xa
Thảo luận về tội phạm liên quan đến hoạt động của các công ty cầm đồ, công ty tài chính và các loại hình công ty đòi nợ thuê, Dân biểu Mai Khanh (Ninh Bình) nhấn mạnh đây là vấn đề "nóng" trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở tất cả địa bàn. Theo Dân biểu Mai Khanh, cử tri phản ánh tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã len lỏi đến tận các vùng thôn quê, vùng sâu, vùng xa. Về hậu quả mà loại tội phạm này gây ra, ông Khanh cho rằng báo chí đã đề cập rất nhiều, song tình trạng biến tướng cần đặc biệt lưu ý. "Qua công tác xét xử, chúng tôi thấy đã có những biến tướng, kể cả các công ty tài chính, các công ty cầm đồ có những dấu hiệu lợi dụng những cơ quan pháp luật. Các tổ chức này bày cho người vay làm giấy tờ giả sau đó lại tố cáo người vay lừa đảo để các cơ quan pháp luật xử lý" - Dân biểu Mai Khanh dẫn chứng.
Vị Dân biểu tỉnh Ninh Bình kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền sắp đến. Để giải quyết tận gốc, Dân biểu Mai Khanh cho rằng phải xem xét có cần thiết phải cấp phép phổ biến cho các công ty tài chính hoạt động hay không, trong khi công tác giám sát các hoạt động của các cơ quan chức năng còn rất nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, hoạt động đòi nợ thuê, hoạt động nở rộ của các công ty tài chính, tín dụng này có tạo ra hiệu quả gì đối với kinh tế - xã hội hay không, hay là chủ yếu gây ra mất trật tự an ninh và gây xáo trộn xã hội.
"Trong khi hiệu quả của việc đòi nợ đã có những địa phương tổng kết là chỉ giải quyết được 1% trong số những tồn tại về vay nợ" - ông Mai Khanh phân tích.