Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/11/2019

Đảng, Mặt trận Tổ quốc và Ban Dân Vận là gì và nên làm gì ?

Giang Nam

Mấy nước cộng sản độc tài đang lúng túng về thiết chế và tổ chức xã hội, vì có thể đã nhận ra nó khá kỳ quặc đối với xã hội dân chủ và văn minh. Một số lãnh đạo khi lúng túng thì tuyên bố "chúng ta đi còn đường khác, xây dựng đất nước kiểu khác" để phản đối mọi kiến nghị của giới trí thức tiến bộ muốn hòa nhập với thế giới.

dang1

Cờ hiệu Đảng cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa

Dẫn nhập

Hiện nay vấn đề "Chính trị học xã hội chủ nghĩa Việt Nam" có quá nhiều vấn đề nổi cộm. 

Từ nền chính trị phong kiến trong quan hệ văn hoá nghìn năm với Trung Quốc để lại một nền ngôn ngữ Việt Nam hiện đại với số lượng từ Hán -Việt cực lớn. Sang đầu thế kỷ XX, con tàu văn hoá Việt Nam bẻ ngoặt đột ngột chuyển từ hướng Bắc sang hướng Tây, liên hệ ngày càng mật thiết với văn hoá dân chủ nhân văn Âu- Mỹ. Tuy nhiên quan hệ chính trị tư tưởng lại bị buộc chặt với Trung Quốc, chính xác là Trung Quốc, chưa biết đến bao giờ mới "thoát". Do vậy, nền chính trị- văn hoá Việt Nam hiện nay ngổn ngang trăm mối về ngôn từ, về sự chính danh, dẫn đến hành xử lúng túng trong thực tế.

Hai thuật ngữ chính trị cơ bản nhất là tên hiệu quốc gia (nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đảng cộng sản Việt Nam) đã được nhiều học giả bàn kỹ, đề nghị thay đổi trong một số bản Kiến nghị của nhóm trí thức tiên phong và cá nhân gửi cho Đảng toàn trị. Tuy nhiên Đảng độc tài không thể hồi âm, vậy nên chúng tôi không bàn nữa. Xin bàn tiếp về một số thuật ngữ khác.

1. Đảng ?

Khái niệm "đảng" vốn xuất sinh như nhau từ cả phương Đông và phương Tây, đó là nhu cầu phát triển xã hội từ hàng ngàn năm qua.

Chữ "đảng" trong Hán ngữ và chữ Nho : 

dang1

Đảng gồm các nghĩa gần nhau : nhóm, băng, bè, lũ, tùng đảng, họ hàng…

Đảng là kiểu chữ hội ý, do nhiều thành tố tổ hợp lại (kể từ trên xuống, các nét chữ thể hiện : ánh sáng, mái nhà, ngôn luận, màu đen, bí mật, lãnh thổ, hoạt động).

Phương Tây lập đảng với chữ Party (Partes, Latin ; Partie, Pháp ; Partido, Tây ban nha) để chỉ nhóm người, đoàn người, bàn tiệc, đảng phái… Tương đồng ngữ nghĩa đó cho thấy "đảng" là nhu cầu chung, tất yếu của các cộng đồng nhân loại. 

"Kết bè lập đảng" là nhu cầu tự nhiên của cộng đồng. Vốn từ trong một làng xã, "đảng" mặc nhiên thành lập : đó là hình thức họ tộc. Nhiều nhóm người khác sẽ hình thành trong một cộng đồng, từ làng quê tới phố thị (phường) và rộng ra đất nước, trên cơ sở lãnh thổ. Các thể loại đảng rất phong phú. Đảng kinh tế (nghề nghiệp), đảng tôn giáo, đảng võ lâm…và sau hết, đảng chính trị.

Ở đây chỉ bàn về đảng chính trị. 

Đương nhiên sẽ có sự ganh đua giữa các đảng, lành mạnh hay không là do pháp luật, hiến pháp qui định. Cạnh tranh là động lực phát triển xã hội cộng đồng. Khi một đảng chính trị giữ quyền độc tài thì nó tìm cách tiêu diệt hết đảng khác. Khi ấy cộng đồng sẽ tê liệt và ngừng phát triển, thậm chí rối loạn. Thực ra khi xu hướng cạnh tranh tự nhiên được điều khiển bằng thiết chế pháp luật thì đó sẽ là động lực phát triển xã hội. Có những kẻ gọi cạnh tranh tự nhiên ấy là "đấu tranh giai cấp"và đương nhiên phải dùng "bạo lực cách mạng". Đây là sự ngụy biện đầu tiên và mê muội đầu tiên.

Chính nhờ sự ganh đua giữa đảng chính trị, loài người đã đẩy chế độ phong kiến trung cổ vào quá khứ. Chế độ dân chủ tư sản thường xuyên tự đấu tranh và cải thiện vì các đảng tự do hoạt động (đa đảng). Trong đó có thể nảy sinh một "đảng cách mạng" tự cho là duy nhất và tìm mọi cách tồn tại một mình một chợ. Hiển nhiên nó trở nên độc tài.

"Liên minh búa liềm" là sự áp đặt, khiên cưỡng của đảng cộng sản. Họ chọn 2 quần thể số lượng đông đảo nhất để lấn áp phần cộng đồng còn lại.

Hai giai cấp lao động với 2 phương thức sản xuất khác nhau, được điều chỉnh bằng qui luật kinh tế thị trường. Đảng cộng sản duy ý chí hòng "chỉ đạo quản lý", "liên kết" hai giai cấp thực ra là sự phá hoại giai cấp.

Đảng cộng sản chỉ kích động "hai giai cấp" để giành được chính quyền. Kế đó họ tạo ra một "giai cấp mới" theo kiểu "chọn lọc". Như công trình nghiên cứu sớm nhất về chủ nghĩa cộng sản và Đảng cộng sản của Donovan Djilas một lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Nam Tư đã vạch ra rõ ràng bản chất và quá trình vòng đời của nó từ năm 1963.

Khi chỉ còn một đảng tồn tại duy nhất trong một cộng đồng thì coi như "đảng" đã chết, khái niệm đã tiêu biến. Nếu muốn sống dai thì nó phải đánh tráo khái niệm, nói cách khác là, nó phải lừa dối cộng đồng. Chỉ tồn tại 1 đảng là điều bất thường - trái đạo lý tự nhiên của một cộng đồng.

"Mặt trận tổ quốc" là gì ?

Rõ ràng xưa nay ai cũng biết "Mặt trận" là chỗ đánh nhau, là tổ chức hoạt động chiến tranh. Xuất phát từ chữ "tiền tuyến"- nơi đối mặt tiếp xúc hướng về phái kẻ thù. Ở phương Tây, tổ chức Front- line cũng là mặt trận, chỉ tồn tại trong chiến tranh. Mặt trận Bình dân Pháp (tiếng Pháp : Front Populaire) là một liên minh chính trị của các lực lượng cánh tả ở Pháp bao gồm Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản, Chi hội Pháp của Công nhân Lao động Quốc tế (SFIO) đóng vai trò khoảng 1936-1939. Xong nhiệm vụ của nó thì giải thể.

dang2

Ngày nay "mặt trận tổ quốc" là một tổ chức trá hình dân chúng mang cái vẻ cộng đồng.

Khi thế chiến II nổ ra chống bọn phát xít, mặt trận mới xuất hiện. Mặt trận phía Đông và Mặt trận phía Tây, trong chiến tranh thế giới thứ II chống phe Trục (phe phát xít Đức Ý Nhật). Khi chiến tranh kết thúc, các mặt trận đó mặc nhiên giải tán hoạt động.

Mặt trận Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh) với mục đích công khai là "Liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, cùng nhau giành lại nền độc lập Việt Nam bằng bạo lực"..

Chiến tranh và xung đột kết thúc, đương nhiên các "mặt trận" cũng hoàn thành mục tiêu của họ và mặc nhiên giải thể tổ chức.

Lẽ nào khi Việt Nam độc lập, chiến tranh kết thúc, Đảng cộng sản lại lập ra "Mặt trận tổ quốc" để chống lại "mặt trận" nào, đối mặt với đối tượng nào ? !

Ngày nay "mặt trận tổ quốc" là một tổ chức trá hình dân chúng mang cái vẻ cộng đồng. Chưa nói chuyện ghép chữ "tổ quốc" rất khiên cưỡng vào "mặt trận" để mị dân.

Hóa ra, hãy xem chức năng của "Mặt trận tổ quốc" thì biết rằng đây là công cụ của Đảng cộng sản nhằm củng cố quyền lực độc tài của họ.

Ở Trung Quốc, một tổ chức công cụ tương tự "Mặt trận tổ quốc". Tuy nhiên họ khôn ngoan gọi là "Chính hiệp". (Hội nghị hiệp thương chính trị Trung Quốc) viết tắt "Chính hiệp Toàn quốc", tức là cấp trung ương, và các cấp thấp hơn ở tỉnh thành.

Tuy hai bên biên giới dùng từ ngữ khác nhau, nhưng hai nước cộng sản cùng một mục đích. Người Trung Quốc có ưu điểm dùng từ chính xác hơn. Họ nói thẳng mục đích của họ và dùng "chính hiệp" làm "công cụ" giúp cho Đảng cai trị được chính danh. Còn Việt Nam thì láu cá ranh ma, dùng từ ngữ bất chính danh (mặt trận tổ quốc) chỉ nhằm mị dân thôi.

Mục đích của hai đảng là tước đoạt quyền bầu cử của nhân dân. Họ dành quyền đó cho "Chính hiệp" và "Mặt trận", nôm na gọi "đảng cử dân bầu". Thậm chí ngày nay họ chẳng cần "dân bầu" nữa, họ chọn người gọi là "qui hoạch" rồi phân công, chuyển đổi tùy hứng, bất kỳ lúc nào, họ chỉ thông báo cho cộng đồng biết, qua báo chí.

"Mặt trận tổ quốc Việt Nam" làm việc gì ?

Thực chất "Mặt trận" chỉ nhằm giữ chặt cái quyền lực "Hội đồng bầu cử quốc gia" bên trong do đảng thao túng, chọn nhân sự theo ý đảng, dưới danh nghĩa "tổ quốc" ! Vài năm một lần, cái Mặt trận này bao thầu cái việc chọn nhân sự cho bầu cử. Ngoài ra thì "Mặt trận" thi thoảng đi cứu trợ nạn nhân thiên tai lũ lụt, kêu gọi làm từ thiện. Đáng lẽ công việc này có thể ghép vào Bộ Lao động, thương binh và xã hội đảm nhiệm cũng xong. 

Quyền dân chủ cơ bản nhất của nhân dân là bầu cử người đại diện cho mình. Quyền đó đã bị Đảng giành lấy bằng công cụ "Mặt trận tổ quốc" (và "Chính hiệp" ở Trung quốc) chính là trò dân chủ giả hiệu. Đảng chủ trương nắm chắc 100% công tác cán bộ. Đảng đã chuẩn bị sẵn qui hoạch "cán bộ cấp chiến lược" cho các loại đại hội. Họ chẳng thèm giấu diếm sự độc tài, thỉnh thoảng lại đăng lên báo "nhân sự mới" lãnh đạo tỉnh này thành kia, bộ này ngành nọ. Nhân dân cứ trơ mắt ra mà nhìn đảnh cộng sản dùng "Mặt trận" diễn trò như xem bóng đá, khán giả chỉ được ngồi trên các khán đài vỗ tay, không được "nhảy vào sân".

Dân Vận là gì ?

Đó là một thiết chế đảng nắm lấy các hội đoàn chính trị-xã hội như Công doàn, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, các Hội khoa học, Hội văn học nghệ thuật… Tiến một bước nữa, họ không công nhận hội đoàn xã hội dân sự như một hoạt động tự nhiên của cộng đồng xã hội. Đảng đã giữ quyền toàn trị, họ sẽ biến mọi ý đồ thành luật pháp. Bên cạnh chức năng hàng ngang kể trên, "Mặt trận tổ quốc" và "Ban dân vận" cũng thiết kế theo hàng dọc từ trung ương đến địa phương. Hiện nay Ban Dân vận Trung ương, ngoài văn phòng và một Tạp chí còn có 6 vụ và 2 cơ quan đại diện. Có một trưởng và 5 phó ban, có trên 30 vụ trưởng, vụ phó hoặc tương đương (số cán bộ và nhân viên chắc phải đến trên trăm).

dang3

Ban Dân vận Trung ương, ngoài văn phòng và một Tạp chí còn có 6 vụ và 2 cơ quan đại diện. 

Ban Dân vận ở các tỉnh thành quận huyện cứ theo quy mô của Trung ương mà phát triển, tổng số cán bộ, nhân viên có lẽ đến nhiều ngàn. Hình như các đảng cầm quyền ở các nước dân chủ không nơi nào có tổ chức tương tự. Để tỏ ra Dân vận là quan trọng nên Đảng cần có một ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác này. Tuy nhiên có khi họ cũng chỉ cần một ủy viên trung ương đảng. Về tuyên truyền, đảng nói : Chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân, nhưng thực tế chính quyền là của họ, họ dùng bạo lực và thủ đoạn để cướp Quyền Dân.

Đã tới lúc Đại hội đảng 13 cần lo tính việc giải tán nhiều ban bệ của Đảng, trong đó có Mặt trận Tổ quốc và Ban Dân vận. Mặt khác cần phải công nhận xã hội dân sự với các luật tương ứng.

Chưa ở đâu có một "siêu chính phủ" kè kè bên cạnh một chính phủ của "đảng cử dân bầu".

Họ khuyến khích các địa phương nên sáp nhập những cơ quan đảng và cơ quan chính quyền, giữa các cơ quan đảng với nhau. Nhưng chừa lại giữ nguyên ở cấp trung ương. Không có một cơ chê nào, mặc cho địa phương tùy hứng.

Cần Thơ vừa hân hoan công bố ghép hai tổ chức Mặt trận và Dân vận vào một mâm, dồn Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy và Thanh tra nhà nước Tỉnh vào ngồi một cỗ… 

Ô hay, tỉnh nào tỉnh đó xúm nhau chơi bàn cờ chính trị tùy hứng, cứ coi đất nước là của riêng nhà họ.

Mấy nước cộng sản độc tài đang lúng túng về thiết chế và tổ chức xã hội, vì có thể đã nhận ra nó khá kỳ quặc đối với xã hội dân chủ và văn minh. Một số lãnh đạo khi lúng túng thì tuyên bố "chúng ta đi còn đường khác, xây dựng đất nước kiểu khác" để phản đối mọi kiến nghị của giới trí thức tiến bộ muốn hòa nhập với thế giới. 

Đó cũng chỉ là một biểu hiện rõ rệt của thói kiêu ngạo cộng sản mà thôi.

Giang Nam

Nguồn : VNTB, 13/11/2018

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Giang Nam
Read 564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)