Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/11/2019

Công lý thương khóc

Võ Thị Hảo

Khóc muộn

Đã gần một tháng qua từ khi Anh quốc phát hiện vụ việc 39 người trẻ tuổi Việt Nam bị bọn buôn người giết chết trong chiếc container đông lạnh.

hoa1

Thủ tướng Anh Boris Johnson tới đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân hôm 28/10. Thủ tướng Anh Boris Johnson tới đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân hôm 28/10.

Mặc dù vậy, thân nhân của 39 nạn nhân ấy vẫn phải tức tưởi đợi ngày nhận thi hài của người ruột thịt. Sự thấp thỏm chờ đợi càng khoan xoáy thêm đau thương.

Mạng xã hội lan truyền thông tin về việc gia đình một số nạn nhân đã bị công an đến canh chừng phát ngôn ra công luận. Khi có người Anh và phóng viên báo chí đến tận nhà thăm hỏi thì bị công an cấm cản, xua đuổi. Người của chính quyền địa phương nói rằng muốn đưa thi hài người thân về nước thì phải nộp tiền, yêu cầu gia đình làm đơn nhận tro cốt thay vì nhận thi hài, trong khi trước đó lại yêu cầu họ viết đơn xin nhận thi hài...

Nếu những thông tin nói trên là sự thật, những hành vi đó thể hiện sự đe dọa, thậm chí để giấu nhẹm sự đồng lõa, bảo kê cho đường dây buôn người tại các địa phương. Thậm chí, thực tế đã quá nhiều lần chứng minh hành vi "kiếm chác trên xác chết" cũng chẳng có gì xa lạ đối với bản chất tàn nhẫn và lưu manh của nhiều vị trong hệ thống chính quyền Việt Nam.

Một điều chắc chắn là dưới áp lực của báo mạng "lề dân", đặc biệt là sự quan tâm hỗ trợ của nước Anh và công luận thế giới, thi thể 39 nạn nhân ấy cũng sẽ về được Việt Nam.

Vì sao bỗng dưng 39 nạn nhân này được quan tâm đặc biệt, không bị chính quyền Việt Nam đối xử tàn nhẫn như vô số đồng bào Việt Nam đã chết mất xác, chết vô thừa nhận trên con đường di trú chạy trốn nạn độc tài toàn trị, nạn bất công và đói nghèo tại Việt Nam trước đây và sau này ?

Cái chết của gần trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam trước đây đã đánh động lương tri thế giới và khiến họ ra tay cứu giúp những người còn sống sót. Trong khi đó nhà cầm quyền Việt Nam vẫn hoàn toàn vô cảm, mấy chục năm qua không một lời chia sẻ, tưởng niệm, một đánh giá công bằng, một lời xin lỗi và sám hối dù họ là thủ phạm dẫn tới những cuộc ra đi và hàng loạt cái chết đó. Ngay cả sự kiện 64 chiến sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma bị Trung Quốc bắn giết tàn bạo mà Việt Nam còn giấu nhẹm, thậm chí còn cho côn đồ và dư luận viên khủng bố những người tưởng niệm, vậy thì 39 mạng người này, lại chết ở nước ngoài, tại sao lại khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam phải chia buồn và hỗ trợ ?

Công luận hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi : nếu không có sức ép từ dư luận "lề dân" và truyền thông thế giới, nếu không có chính quyền Anh quốc tiên phong hành động , tạo ra một tấm gương, một đối lập về cách hành xử với Việt Nam, liệu 39 nạn nhân này có bị nhà cầm quyền Việt Nam lạnh lùng bỏ mặc hay không ?

Phải chăng sự quan tâm của Việt Nam chỉ là miễn cưỡng, dưới áp lực quốc tế, đặc biệt là từ nước Anh và áp lực "lề dân" rất mạnh mẽ trong thời đại Internet đã khiến nhà cầm quyền Việt Nam phải lên tiếng, và cũng là hết sức chậm trễ ?

Chính phủ, nhiều cơ quan thiện nguyện, cảnh sát và người dân Anh và một số người Việt Nam tại Anh đã làm hết sức mình để hỗ trợ trong thủ tục xác nhận danh tính thi thể, các thủ tục ngoại giao và tài chính. Nước Anh bị thiệt hại khi bị các đối tượng nhập cư trái phép nhưng lòng thương xót đồng loại là điểu mà họ đã bày tỏ. Mặt khác, cũng chính vì tình đồng loại và tôn trọng quyền tự do di trú của con người mà nước Anh và các quốc gia dân chủ, đa nguyên văn minh khác vẫn để sẵn trong Hiến pháp và Luật của họ một số quy định mang tính ân xá, giúp đỡ cho những người vì hoàn cảnh khó khăn mà phải bỏ quê hương ra đi, không nỡ đẩy họ vào tuyệt vọng.

Nước Anh đã thương khóc cho 39 nạn nhân Việt Nam không quản ngại thí mạng mình để tìm miền lạc thổ, có cơ hội giúp mẹ cha, anh em, chồng vợ thoát khỏi đói nghèo nhưng họ đã bị giết chết trong độ tuổi trẻ trung và cường tráng nhất của đời người. 

Trước 39 cái chết này, khi mọi thông tin chi tiết đều được báo chí nước ngoài và người Việt Nam ở hải ngoại tường thuật cập nhật từng giờ phút, đã khiến nhiều người Việt Nam vượt qua nỗi sợ hãi "lưỡi hái" của luật An ninh mạng. Sự khủng bố của nền "công an trị" ở tầm mức "tự do Internet" đứng hàng chót thế giới" cũng không thể đe dọa được những người lên tiếng chia sẻ xót thương và bày tỏ sự phẫn nộ, chê trách chính quyền Việt Nam đã quá chậm trễ trong việc thi hành trách nhiệm của mình.

 Chờ mãi, đến 7.11, Thủ tướng Việt Nam cũng đã phải gửi thư chia buồn đến 39 gia đình nạn nhân.

 Cuối cùng thì các gia đình này cũng được quan tâm ở cấp "nguyên thủ quốc gia", nhưng đáng tiếc là quá chậm, chậm tới 11 ngày so với nguyên thủ Anh quốc. Ngay ngày 28.10, Thủ tướng Anh đã đến tận nơi phát hiện ra thảm họa để đặt vòng hoa, viết những lời chia buồn chân thành, sâu sắc và đốc thúc, bày tỏ quyết tâm cùng các nhà chức trách Anh điều tra tội phạm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình các nạn nhân và đưa thi hài người bị nạn về cố quốc, dù trong vụ việc này, các nạn nhân hoàn toàn không phải là đồng bào của họ và đã nhập cảnh trái phép vào Anh.

Bản thân cách ứng xử của hai nguyên thủ đã là sự tương phản về mức độ quan tâm, tình đồng loại, cách thức xử lý vụ việc. Điều này cũng thể hiện bản chất chế độ, giữa một bên là chính quyền cộng sản độc tài toàn trị với một bên là chính quyền thuộc hệ thống chính trị dân chủ đa nguyên.

Công lý

Thương khóc, tưởng niệm, hỗ trợ cho 39 nạn nhân hôm nay là thể hiện tình nghĩa đồng bào và đó là lương tri con người.

Nhưng thương khóc, hay bất cứ hành động gì của con người cũng đều liên quan đến công lý.

Nhân sự kiện đau thương này, người Việt Nam chúng ta hãy cùng nhau thiết lập chút công lý cho thương khóc.

Khóc 39 nạn nhân hôm nay, ta đừng quên đòi quyền được thương khóc, được giải oan bằng hành động, cho những nạn nhân khác. Họ cũng đã phải bỏ mạng lặng thầm và bị nhà cầm quyền cũng như trí nhớ cạn cợt của phù phiếm của con người cố tình lãng quên trên con đường di trú.

Cái chết của 39 nạn nhân hôm nay đã khiến thế giới phải rúng động kinh hoàng thay cho những gì mà người Việt Nam phải chịu đựng. Thế nhưng loạt 39 người chết này lại chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ mạng mất xác trên hành trình tìm đường sống. Theo ước tính của Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc, chỉ từ 1975 đến 1997 đã có ít nhất khoảng 84 ngàn thuyền nhân Việt Nam đi tị nạn hà khắc của chính quyền CS Việt Nam bỏ mạng trên biển. Ngoài những người thân còn sống sót và một số đồng bào cùng cảnh ngộ thương khóc, tưởng nhớ đến họ, chính quyền Việt Nam hoàn toàn vô cảm trước nỗi đau thương của người dân của một nửa đất nước, thậm chí còn coi đó chỉ là cái chết của kẻ thù. Như thế, mấy chục năm nay, dù vẫn lớn tiếng giả nhân nghĩa kêu gọi hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng không một lời xin lỗi hoặc bất kỳ một sự cảm thông, quan tâm nào đến những thuyền nhân đó. Cứu vớt, hồi sinh cho các thuyền nhân còn sống sót, chỉ vẫn là chính quyền của những nước dân chủ đa nguyên phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức...mà thôi.

Phẫn nộ, thương khóc và chia sẻ nỗi buồn đau với người nhà 39 nạn nhân hôm nay, chúng ta không thể quên cái chết và nỗi đau của hàng triệu nạn nhân khác, lớp lớp đồng bào của chúng ta đã lặng thầm tan xương nát thịt trên con đường lưu vong oan trái, dằng dặc trải qua nhiều thế kỷ, dưới các triều đại nhưng đặc biệt tàn nhẫn là kể từ năm 1945 đến nay.

Những người Bắc chết trên đường di cư vào Nam năm 1954. Những nạn nhân của Cải cách ruộng đất, của vô số cuộc cải tạo...Hàng triệu người Việt Nam chết oan khuất dưới chế độ độc tài toàn trị này...Họ cần phải được công bằng thương khóc. Phải có công lý cho các nạn nhân.

Họ phải được thường xuyên kể đến. Họ phải được tưởng niệm. Họ phải được xin lỗi. Thân nhân của họ phải được đền bù. Hãy ngẩng lên nhìn bầu trời để thấy những cánh chim Việt tan nát đập vô vọng trong cơn hấp hối trước sự cưỡng bách phải di trú tìm đường sống.

Mùa lại mùa qua, lại vẫn ngẩng đầu lên trời nhìn những đàn én bay. Bao nhiêu cánh chim nhỏ bé xao xác lẫn trong mây xám đầu đông, trên hành trình đi từ chân trời lạnh tới chân trời ấm áp, có ai đếm được bao nhiêu cánh chim đã ngắc ngoải, đã hấp hối trong gió độc và rơi rụng, tan xương nát thịt, không bao giờ tới được miền đất cứu rỗi.

Hãy mãi mãi kiếm tìm về nỗi oan của họ. Hãy kiếm tìm vì sao họ chết và họ đã chết ra sao. Không bao giờ là đủ. Sao không lắng nghe tiếng nấc nghẹn tuyệt vọng của đồng bào mình ? Hãy mường tượng vị mặn của những giọt máu ấy của đàn chim Việt thương đau chết bặt tăm thi thể giữa cái biển vô cảm của quá nhiều người Việt Nam. Không ai được phép xóa ký ức về họ. Trang sử chân thực và công lý khóc thương là những bài học trưởng thành cho mỗi đất nước, mới khiến những kẻ cầm quyền bị lên án, bị đòi hỏi, buộc phải lựa chọn giữa việc bị phế truất hay là tuân theo mệnh lệnh tối thượng là hành động chỉ vì quyền tự do dân chủ và hạnh phúc của toàn dân.

Thương khóc cũng là dịp để thực thi công lý của lương tri.

Hãy tưởng niệm công bằng. 39 thi thể đông lạnh ấy đã tạc lên trời xanh thành một trong những biểu tượng đớn đau của người Việt. Ta khóc thương họ và đừng quên khóc thương những đồng bào Việt Nam khác. Nếu 39 thi thể đông lạnh là một tượng đài đau thương, thì cái tượng đài tạc bởi hàng triệu thi thể Việt Nam khác được dựng lên phải sừng sững tới mức sầm tối cả bầu trời Việt.

Nhưng nó chắc chắn phải được dựng lên. Cái tượng đài tưởng niệm ấy, vì đó là lẽ công bằng mà chúng ta phải làm cho những đồng bào đã oan chết.

Vì nếu ta biết thực thi công lý thương khóc, là ta sẽ tự biết thay đổi xã hội trong một ngày không xa.

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 15/11/2019 (vothihao's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Thị Hảo
Read 609 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)