Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/11/2019

Người Đức hoài niệm một Hoa Kỳ đã mất

Lê Phan

Người Đức vừa kỷ niệm 30 năm sự sụp đổ của Bức Tường Berlin. Nhưng năm nay ngày kỷ niệm này không còn là ngày vui mừng như cách đây 10 năm nữa vì người Đức đang đau lòng trước sự chấm dứt của một liên hệ đặc biệt, thật đặc biệt.

duc1

Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump (trái) và Thủ Tướng Đức Angela Merkel tại Hội Nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, Tháng Sáu, 2019. (Hình : Getty Images)

Những người Đức ở độ tuổi ngoại lục tuần sẽ "quằn quại" trong những cảm xúc khác nhau trong tuần lễ kỷ niệm này, 30 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, khi họ ngồi nghe đại diện của Tổng Thống Donald Trump. Ngoại Trưởng Mike Pompeo đã đánh dấu ngày kỷ niệm lịch sử này với một bài diễn văn ở Berlin. Theo dõi bài diễn văn đó đã có Thủ Tướng Angela Merkel, đối nghịch cho mọi điều mà ông Trump đại diện. Ông Pompeo đã khuyên bà hãy "Bảo vệ cho các quốc gia tự do và các dân tộc tự do."

Cứ bề ngoài thì luận cứ của bài diễn văn nghe không khác gì luận cứ của Hoa Kỳ cách đây ba thập niên, và có thể là bài diễn văn của cố Tổng Thống George H.W. Bush hay ngoại trưởng của ông, ông James Baker.

Nhưng người Đức sẽ nhìn nhau trợn mắt, và một vài người còn có thể nhỏ những giọt lệ thầm kín. Lời lẽ của ông Pompeo nghe trống rỗng và giả dối đối với họ, và vì vậy thật đáng sợ. Bởi họ biết hơn là người Mỹ, không có gì có thể như cũ nữa giữa Đức và Hoa kỳ, và đó là một thảm họa.

Khi Bức tường Berlin sụp đổ, Hoa Kỳ dưới triều của Tổng Thống Bush (cha) đã là cường quốc duy nhất trong các cường quốc đồng minh vốn đã chiếm đóng Đức sau Thế Chiến Thứ 2 ngay lập tức nắm lấy giai đoạn này như là một cơ hội thay vì một đe dọa.

Người Pháp, người Anh và Liên Xô, ngược lại, phản ứng theo bản năng sợ hãi sự trở về của điều mà họ gọi là "Vấn đề Đức," và phải bị thúc đẩy khuyến khích bởi ông Bush và ông Baker trước khi đồng ý cho nước Đức thống nhất năm 1990.

Sự rộng rãi và độ lượng của Hoa Kỳ thật đáng ngạc nhiên cũng như sự lo âu của các đồng minh khác cũng dễ hiểu. Trong nhiều thế kỷ, vấn đề Đức đã được diễn tả là vấn đề tái tục của một sự mất thăng bằng trên lục địa. Vùng đất rộng lớn ở ngay tâm điểm của Âu Châu hoặc là phân tán và yếu, và do đó lối cuốn những cường quốc đối nghịch nhau xông vào xâu xé như Syria hiện nay ; hay, sau năm 1871, đoàn kết và hống hách, và do đó đe dọa toàn lục địa.

Sự bại trận và phân chia làm đôi của nước Đức sau năm 1945 đã có vẻ là một câu trả lời may mắn cho "vấn đề Đức." Đã có hai nước Đức, một ở mỗi khối địa lý chính trị. Thay vì Đức mãi mãi phân vân về liệu họ thuộc phương Tây hay phương Đông hay một thứ trung điểm bí ẩn, một phần nay ở đây, phần kia ở bên kia.

Dưới sự bảo trợ nhân ái của Hoa Kỳ, Tây Đức đã có thể tái hội nhập vào một Tây phương cả về mậu dịch lẫn văn hóa. Có thể nói, qua việc này, Hoa Kỳ, như ông Andreas Kluth, nhà bình luận người Đức trong ban chủ bút của Thông Tấn Xã Bloomberg, nhận xét, đã trở thành người cha của nước Đức. Hoa Kỳ là người bảo vệ Đức chống lại Liên Xô cũng như là khuôn mẫu cho mọi sự "cool." Ông vua Elvis Presley, đã có một giai đoạn ngắn phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ ở Tây Đức, đã là tiêu biểu của hai vai trò này.

Theo ông Kluth, nếu Hoa Kỳ là bố thì Pháp là mẹ. Đó là phần kia của Tây phương, cựu thù và nạn nhân mà Đức phải tìm cách hàn gắn. Và từ đó chào đời điều mà ngày nay là Liên Hiệp Âu Châu. Đối với người Pháp, nó có thể là một khí cụ để tiếp tục phô trương quyền lực của Pháp (ngay cả đối với Hoa Kỳ) sau khi đã mất đế quốc và hào quang. Nhưng đối với người Đức, tình bạn Pháp-Đức và "Âu Châu" là một hình thức đền tội. Mọi người ở Âu Châu cũng biết là mối tình này chỉ có thể có được là nhờ sức mạnh của Hoa Kỳ đã đè lên những cạnh tranh cũ.

Với bố mẹ nuôi như vậy, người Đức tin là họ đã chôn vùi chủ nghĩa dân tộc và chọn một cá tính hậu dân tộc. Người Đức từ nay sẽ là những công dân tốt của thế giới, một dân tộc buôn bán thay vì bắn nhau, một dân tộc tìm hợp tác thay vì quyền lợi riêng. Để thủ vai trò này, dĩ nhiên, họ cần Hoa Kỳ và hệ thống trật tự thế giới mà Hoa Kỳ đóng vai ông cảnh sát, hay như một anh cai tù Việt Cộng từng bảo với chúng tôi "con sen đầm quốc tế."

Khi bức tường Berlin sụp đổ, người Đức đã có một sự tính lầm lớn. Họ giả định là toàn thể thế giới nay đã học được bài học mà họ đã học, và do đó chấp nhận cùng một lối suy nghĩ cấp tiến, đa phương, hai bên cùng có lợi. Một nước Đức thống nhất đã cảm thấy họ đi trước, và rồi tinh thần của thời đại sẽ theo kịp họ. Và những năm của các Tổng Thống Bush Junior và Obama làm họ càng tin là họ đúng. Nhưng họ đã qua đêm bước vào một cơn ác mộng và một cú shock.

Nhiều cú shock thì đúng hơn. Nhưng không có cú shock nào lớn hơn là khi ông Donald Trump đắc cử năm 2016. Đây là bố đang trở thành hình ảnh của một người chủ nghĩa dân tộc và phủ nhận hết tất cả những giả định của người Đức. Đây cũng là một người Mỹ gốc Đức nữa lên làm tổng thống, nhưng có vẻ như hoàn toàn đối nghịch với ông Dwight Eisenhower, nhà chinh phục tử tế vốn đã trở thành người giải phóng.

Vốn bản tính ích kỷ, ông Trump tiếp tục gây gổ với Đức, và với chính cá nhân bà Merkel. Ông đúng khi nói là Đức đã chi ra quá ít cho quân đội của mình. Nhưng ông không hiểu là họ đã outsource sức mạnh quân sự cho người Mỹ vì đó là điều sẽ giúp cho Âu Châu khỏi lo về vấn đề Đức.

Để sống hòa bình với thế giới, người Nhật chọn một Hiến Pháp chủ hòa không cho họ có một lực lượng quân sự mà họ thực sự muốn có lúc nào cũng được. Muốn cho Âu Châu yên ổn và phồn vinh Đức chọn không có một lực lượng quân sự xứng đáng với vị thế cường quốc số 1 của Âu Châu mặc dầu quân đội Đức hiện nay không phải là quân đội Đức của Đức Quốc Xã. Ông ta đúng là thặng dư mậu dịch không cần lớn như vậy. Nhưng ông Trump không hiểu là người Đức cần cảm giác an toàn của một nền kinh tế thịnh vượng sau những bất ổn hậu chiến. Vả lại người Đức không sẵn lòng biến gia đình thành kẻ thù qua đêm. Nếu Đức lâm nguy liệu Hoa Kỳ có còn bảo vệ cho họ nữa không ? Người Đức đã cảm thấy như một đứa trẻ đã lớn nhưng chưa tự lập và đột nhiên bị bố mẹ từ.

Một trong những nhiều khía cạnh của liên hệ mà Tổng Thống Trump không hiểu hay không thèm hiểu, là sự rút lui của Hoa Kỳ như là một bá quyền tử tế đã mở lại cho Âu Châu Vấn đề Đức cũ. Điều này làm tất cả Âu châu, kể cả người Đức, lo sợ.

Nhưng vết thương tệ hơn là địa lý chính trị vì nó cá nhân và đầy cảm tính.

Bà Merkel đã sống ở bên phía đông của Bức Tường Berlin vào đêm định mạng cách đây 30 năm. Cũng như nhiều người Đông Đức khác của thế hệ bà, bà yêu mến Hoa Kỳ, cả như là một lý tưởng và một nơi đến thăm. Bà vẫn còn ca ngợi chuyến viếng thăm San Diego và cảm giác lần đầu tiên hưởng và hiểu tự do là gì.

Khi ông Trump đắc cử, bà Merkel đau đớn. Mỗi chỉ dấu ông đưa ra chỉ xác nhận mối lo sợ nhất của bà. Trong khi bà lịch sự lắng nghe ông Pompeo thuyết giảng cho bà về "trả tự do cho nhân dân," bà sẽ đau lòng nhớ lại nước Mỹ cũ mà bà thán phục. Và như ông Kluth diễn tả "Bà đang chịu đựng cái đau khổ của một đứa con mồ côi."

Nhưng đó là thế hệ của bà Merkel. Người sẽ thay thế bà, như Bộ trưởng quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer, cũng là lãnh tụ của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo và có triển vọng sẽ lên thay bà Merkel, đã không ngần ngại đề nghị Đức sẽ cầm đầu một lực lượng để bảo vệ hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và nhóm dân quân Kurds ở Syria.

Rồi sẽ có ngày Hoa Kỳ sẽ lấy làm tiếc đã đẩy Đức ra khỏi giai đoạn chủ hòa chỉ lo làm ăn. 

Lê Phan

Nguồn : Người Việt, 24/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lê Phan
Read 507 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)