Hôm 25/11/2019, hơn 20 tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng chỉ trích Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã đưa ra tiếng nói sai lệch về tình hình biểu tình ở Hồng Kông.
Hơn 20 tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, bà Michelle Bachelet, nên công khai tố cáo Chính quyền Hồng Kông vì vi phạm có hệ thống các quyền tự do hội họp hòa bình và tự do ngôn luận, và lên án việc sử dụng bạo lực không cần thiết và không tương xứng của cảnh sát Hồng Kông.
Trong tuyên bố được phát đi bởi một nhóm các tổ chức nhân quyền quốc tế nói rằng :
"Thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào hôm 19/11, đánh giá chính quyền Hồng Kông đã rất tôn trọng việc thực thi quyền tự do hội họp hòa bình là không chính xác".
Theo các tổ chức nhân quyền, cảnh sát Hồng Kông ngày càng từ chối cấp phép cho các cuộc hội họp và tuần hành ôn hòa, cũng như giam giữ tùy tiện các cá nhân vì lý do "hội họp bất hợp pháp".
"Cảnh sát đã bắt giữ gần 4.500 cá nhân liên quan đến các cuộc biểu tình kể từ ngày 9 tháng 6, và có bằng chứng đáng tin cậy về việc tra tấn và ngược đãi người biểu tình của cảnh sát khi bị giam giữ", tuyên bố cho biết.
Tuyên bố này cũng bày tỏ mối quan ngại về việc "không một sĩ quan cảnh sát nào phải đối mặt cho việc bị truy tố cho hành động sử dụng vũ lực quá mức hoặc lạm dụng quyền lực liên quan đến sự đàn áp".
Các nhóm nhân quyền đã nhắc lại nhiệm vụ của Cao ủy Nhân quyền cần sử dụng vị trí của mình để nêu lên những lo ngại nghiêm trọng về vi phạm nhân quyền ở mọi nơi trên thế giới.
"Văn phòng Cao ủy đã làm tổn hại đến uy tín của mình qua việc phớt lờ sự tàn bạo của cảnh sát và sự đàn áp của người dân Hồng Kông trong việc thực thi ôn hòa các quyền tự do cơ bản của họ", tuyên bố của các tổ chức nhân quyền nhận định.
Qua đó các tổ chức này kêu gọi Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet, nên công khai tố cáo Chính phủ Hồng Kông vì vi phạm có hệ thống các quyền tự do hội họp hòa bình và tự do ngôn luận, và lên án việc sử dụng bạo lực không cần thiết và không tương xứng của cảnh sát Hồng Kông.
Tuyên bố này có sự tham gia đồng đứng tên của các tổ chức nhân quyền quốc tế uy tín như Ân xá quốc tế (Amnesty International), Hỗ trợ Quốc tế cho Nhân quyền (International Service for Human Rights), Tổ chức Chống tra tấn thế giới (World Organisation Against), Liên minh thế giới vì sự tham gia của người dân (CIVICUS), Điều 19 (Article 19), ….
Cao ủy nhân quyền từng nói gì ?
Trong thông cáo báo chí được đăng tải trên trang website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào hôm 19/11, phát ngôn viên Rupert Colville cho biết, cơ quan này "rất quan tâm về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng ở Hồng Kông", nhưng lại chỉ trích các nhóm thanh niên tham gia vào các cuộc biểu tình đã gây ra tình trạng bạo lực này.
Thông cáo báo chí của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu rõ : "Đại đa số người dân Hồng Kông đã thực hiện quyền tự do hội họp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp - và chính quyền đã rất tôn trọng việc thực thi quyền này. Do đó, việc sử dụng bạo lực cực đoan - bao gồm chống lại lực lượng cảnh sát - bởi một số người tham gia vào các cuộc biểu tình là rất đáng tiếc và không thể tha thứ."
Phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đã bị chỉ trích mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền quốc tế, mà họ gọi đây là một phát ngôn lố bịch.
Xung đột tiếng nói giữa Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền quốc tế là điều hiếm khi xảy ra. Nhiều người nhận định Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền đã chịu nhiều ảnh hưởng từ nhà cầm quyền Bắc Kinh khi đưa ra nhận xét thiếu khách quan về tình hình biểu tình ở Hồng Kông.
Theo sự kiện mới nhất diễn ra tại Hồng Kông, trong cuộc bầu cử Hội đồng cấp quận tại đặc khu hành chính này vào hôm 24/11, các ứng viên đại diện cho lực lượng đấu tranh cho dân chủ đã giành chiến thắng áp đảo trước các lực lượng chính trị thân chính quyền Bắc Kinh. Điều này cho thấy đa phần người dân Hồng Kông đã lựa chọn đứng về phe biểu tình.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 27/11/2019 (minh-luat's blog)