Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/12/2019

Đặt lại đóng góp của Đắc Lộ vì mục đích chính trị hay tôn giáo ?

Nhiều tác giả

Đặt tên đường Alexandre de Rhodes : Cần cái nhìn toàn diện

Minh Thái, Đất Việt, 01/12/2019

Từ khi vua Khải định chọn chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức đã chứng minh giá trị của chữ quốc ngữ cũng như đóng góp của Alexandre de Rhodes.

quocngu1

Chân dung giáo sĩ Alexandre de Rhodes

Sau những ý kiến trái chiều xung quanh việc tên đường hai vị giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes tại Đà Nẵng, nhà sử học Nguyễn Đình Tư, ủy viên thường trực Hội đồng đặt tên đường Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến 2005 chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, lịch sử đặt tên đường của Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng xảy ra những tranh luận trái chiều liên quan đến công - tội của các nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa.

Ví dụ như tên đường Thoại Ngọc Hầu và đường Nguyễn Văn Thoại (tên khác của Thoại Ngọc Hầu) từng bị bỏ ra khỏi bản đồ tên đường Thành phố Hồ Chí Minh vì cho rằng ông là tướng của Nguyễn Ánh - Gia Long !

Tuy nhiên, sau đó hội đồng đã chứng minh được Thoại Ngọc Hầu là người có công xây dựng kênh Vĩnh Tế có vị trí quan trọng đối với giao thông, kinh tế, phòng thủ của khu vực Tây Nam Bộ, nên tên của ông đã được đặt lại cho một con đường khác của Thành phố. Vợ của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Vĩnh Tế cũng được vinh danh và đặt tên đường tại Thành phố Hồ Chí Minh vì có công đóng góp vào việc đào kênh.

Cũng theo ông Tư, một danh nhân khác khi được đặt tên đường cũng có những tranh luận trái chiều như trường hợp nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Các thành viên trong hội đồng đều thống nhất việc đặt tên đường Nguyễn Hiến Lê, đây là một nhà văn hóa, nhà văn, dịch giả ở miền Nam từ trước 1975, có nhiều đóng góp cho văn hóa nước nhà. Rất nhiều người trẻ hiện nay có sách của Nguyễn Hiến Lê gối đầu giường.

Tuy nhiên, khi đặt tên Nguyễn Hiến Lê cho một con đường ở Quận Tân Bình cũng có ý kiến cho rằng ông này không xứng đáng (?!) vì có những tuyên bố "không chuẩn" trong hồi ký của mình.

Có ý kiến thêm về việc đặt tên đường, nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho rằng khi xem xét đưa tên của một nhân vật nào vào quỹ tên đường, các thành viên trong hội đồng thường nghiên cứu rất tỉ mỉ. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều dựa trên quan điểm nhân vô thập toàn, người có công trạng lớn thì nên ghi nhận và bỏ qua những lỗi hoặc những khuyết điểm nhỏ của họ.

Cùng chung ý kiến trên báo Tuổi trẻ, theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu - tác giả sách Huế - tên đường phố xưa & nay, khi đặt tên đường liên quan đến vấn đề, nhân vật lịch sử cần có cái nhìn cởi mở hơn, thoáng hơn, nên nhìn vào những đóng góp của họ cho đời sống hôm nay.

Chẳng hạn với nhân vật Alexandre de Rhodes, thực tế 100 năm qua kể từ khi vua Khải Định chọn chữ quốc ngữ là chữ viết chính thức đã chứng minh giá trị của chữ quốc ngữ cũng như đóng góp của vị giáo sĩ ấy.

"Với cái nhìn như thế thì việc đặt tên đường sẽ ổn" - ông Thu nói.

Ông Thu cũng cho biết thêm đợt đặt tên năm 1996 tại Huế đã tạo một dấu ấn văn hóa khi hàng loạt văn nghệ sĩ tiền chiến đã được đặt tên đường, nhiều nhất là các nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Thế Lữ... cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...

Nhà sử học Nguyễn Đình Tư cho biết quan điểm của Hội đồng đặt tên đường là khi đánh giá về tiền nhân thì phải có cái nhìn toàn diện. Không chỉ những người cầm súng bảo vệ đất nước mà còn thêm những người có công đóng góp về kinh tế, văn hóa, xã hội... đều cần được tôn vinh. Vì vậy, trong quỹ tên đường của Thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ thành phần đóng góp từ kinh tế, văn hóa, xã hội...

Kể cả những ca sĩ, nghệ sĩ cũng được đặt tên đường như Năm Châu, Thanh Nga, Trịnh Công Sơn... Bởi đây là những người nghệ sĩ được nhiều người dân yêu thích, đem đến niềm vui tinh thần cho người dân cũng cần thiết được tôn vinh.

Trước đó, chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, những người ký tên vào bản kiến nghị loại bỏ tên hai giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes ra khỏi danh sách đặt tên đường, trường học ở Đà Nẵng không thể tùy tiện dựa vào cách hiểu của mình lên án người xưa như thế.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Viện trưởng Viện vinh danh chữ quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt, Đại học Duy Tân), cho rằng công lao to lớn của 2 vị giáo sĩ này là đã quốc tế hóa tiếng Việt.

Ông Hưng nói 2 vị giáo sĩ người có công tác tạo, người có công hoàn thiện đã hệ thống hóa và tạo ra cuốn từ điển Việt - Bồ - La. Làm từ điển 3 ngôn ngữ đã chính thức công bố với thế giới sự có mặt của tiếng Việt, còn trước đó tiếng Việt mới chỉ là những bảng chép tay, ghi chú cá nhân.

Ông Hưng cho rằng hệ thống chữ viết của tiếng Việt đã tạo sự thuận lợi vô cùng để nâng cao tri thức dân tộc.

Học chữ theo hệ thống chữ Hán - Nôm thông thường phải mất từ 2-3 năm mới thông thạo. Trong khi đó, chữ quốc ngữ đơn giản hơn nhiều, giúp nâng cao văn hóa dân tộc.

Cùng với nhiều yếu tố đã giúp tỉ lệ biết đọc - viết của dân tộc ta ở mức 3% từ trước thế kỷ 19 (chữ quốc ngữ lúc này là Hán - Nôm) tăng lên hơn 90% chỉ một thời gian ngắn sau năm 1945 (tiếng Việt).

Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện này cũng có con đường Alexandre de Rhodes đối diện với đường Hàn Thuyên. Hai con đường này nằm hai bên công viên 30/4. Một bên đường Alexandre de Rhodes được xem là ông tổ chữ quốc ngữ, một bên là đường Hàn Thuyên - ông tổ chữ Nôm.

Minh Thái

Nguồn : Đất Việt, 01/12/2019

*******************

Không có chữ quốc ngữ thì không có Đảng cộng sản Việt Nam

Viết Từ Sài Gòn, RFA, 30/11/2019

Nền chính trị hậu phong kiến và tiền cộng sản hay cộng sản sơ khai Việt Nam, nếu nhìn trên khía cạnh lãnh tụ thì đương nhiên, Hồ Chí Minh là người khởi xướng, là cha già của Đảng. Nhưng nếu nhìn trên dòng chảy văn hóa và những run rủi lịch sử, huông đúc chính trị thì lại khác, và có vẻ như nó hoàn toàn nhờ vào chữ quốc ngữ. Hay nói cách khác, nói các giáo sĩ Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes là ông tổ của chế độ cộng sản Việt Nam cũng không ngoa !

quocngu2

Biển tên đường Alexandre de Rhodes ở Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh minh họa

Bởi Tư Bản Luận viết ra bằng tiếng Đức, hệ ngôn ngữ La Tinh, các văn kiện đại hội đảng cộng sản và các cuộc họp sơ khai của chủ nghĩa cộng sản đều dùng các thứ tiếng thuộc hệ La Tinh. Nếu cậu thanh niên Nguyễn Sinh Cung không biết chữ quốc ngữ thì không thể học trường Tây và càng không thể học được tiếng Pháp, chắc chắn lựa chọn tìm đường cứu nước phải là Trung Quốc hoặc một quốc gia phương Đông nào đó để hoạt động. Và trên khía cạnh này, ngay cả Trung Hoa, nếu không có các giáo sĩ phương Tây dạy chữ Tây thì Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch hay Mao Trạch Đông cũng chẳng có hi vọng biết cộng sản là gì. Bởi chủ nghĩa cộng sản sinh ra ở phương Tây, trong lòng các quốc gia thuộc hệ ngôn ngữ La Tinh. Và không ai ngoài các giáo sĩ phương Tây, dù muốn hay không muốn thì họ vẫn một phần lớn gián tiếp tạo ra chế độ cộng sản ở phương Đông.

Việt Nam càng không ngoại lệ, nếu không muốn nói là chữ quốc ngữ đã khai sinh ra đảng cộng sản Việt Nam. Bởi nếu không có chữ quốc ngữ thì Nguyễn Tất Thành có biết viết chữ Việt ? Có nghĩ đến chuyện sang Pháp để tìm đường cứu nước ? Và khi gặp các nhà hoạt động tại Pháp, các vị trong nhóm Ái Quốc đã dùng chữ gì, hệ ngôn ngữ nào để viết luận cương, để đánh động quốc tế Cộng sản ? Hơn nữa, nếu chỉ biết chữ Tàu thì liệu các vị ái quốc trên có cơ hội nào để tiếp cận các tư tưởng phương Tây để nói đến chuyện Canh Tân, Tân Dân, Ái Quốc… và khi viết Đường Kách Mệnh, Hồ Chí Minh đã viết bằng chữ gì ? Tiếng gì nếu không phải là chữ quốc ngữ ? !

Đó là chưa muốn nói đến hàng triệu các văn bản sau này của người Cộng sản, cũng như hàng trăm văn kiện liên quan đến các hiệp ước, hiệp định, tạm ước, công hàm… Nếu các vị chỉ rành chữ Hán mà không biết gì đến tiếng Pháp và chữ quốc ngữ thì câu chuyện sẽ đi đến đâu ? Hay chỉ quanh quẩn trong ao nhà, rồi cuối cùng cũng lụi tàn như những cuộc nổi dậy của nông dân chân lấm tay bùn ? Chính khoa học và tầm nhìn lớn rộng đã mở ra chân trời tương lai của Việt Nam nói chung và của người cộng sản nói riêng. Mà để tiếp cân được khoa học, chữ quốc ngữ đóng vai trò tiên quyết và hết sức lớn lao, mang tính quyết định sống còn.

Đương nhiên, câu chuyện không thể dừng ở chỗ chữ quốc ngữ đã sản sinh ra chế độ cộng sản Việt Nam hoặc chữ quốc ngữ là cái nôi/đôi cánh của các nhà cách mạng Việt Nam buổi sơ khai. Mà vấn đề nằm ở chỗ dòng chảy văn hóa Việt đang chảy về đâu và những lựa chọn cực đoan bấy lâu nay đến bao giờ mới được đoạn tuyệt ?

Hiện tại, câu chuyện đặt tên hai con đường nho nhỏ ở thành phố Đà Nẵng là đường Alexandre de Rhodes và đường Francisco de Pina làm dậy sóng trong giới học thuật và giới nghiên cứu sử tại Việt Nam. Một câu chuyện hoàn toàn không đáng có và hết sức vô bổ đối với một nền văn hóa. Bởi nói một cách nghiêm túc, đây là chuyện đương nhiên, không có gì để bàn cãi thêm, nó là một bổ sung văn hóa và là bổ khuyết nhân tâm cho bất kì chế độ chính trị nào nắm được cơ hội từ nó. Bên cạnh đó, vấn đề công nhận các giá trị văn hóa chạm ngưỡng phổ quát là hết sức quan trọng đối với một nền chính trị. Trong khi đó, hai vị Cha khai sinh chữ quốc ngữ là những người có công tạo ra công cụ, phương tiện để dân tộc Việt có cơ hội tiếp cận văn hóa thế giới theo cách thế phổ quát. Hay nói cách khác, họ là cha đẻ của ông cụ văn hóa phổ quát.

Nền chính trị cộng sản từ chỗ sơ khai chuyển sang lộn xộn sau khi thống nhất đất nước và hiện nay là ổn định một cách phì đại trên toàn cõi Việt Nam, sự phì đại trên nhiều phương diện nhưng lại dựa trên nền tảng vô thần và độc đảng, độc tôn nên chắc chắn nó phải méo mó trong định dạng của nhân loai. Đặc biệt, về văn hóa, nền chính trị cộng sản bị mất gốc, đánh mất nguồn cội, đây là một khiếm khuyết khiến cho nó trở nên vong thân trong tiến trình phát triển nhân loại. Và chỉ có một cuộc bổ khuyết văn hóa có tầm vóc mới có thể cứu vớt điều này.

Nhưng để bổ khuyết, vấn đề con người, đội ngũ đóng vai trò tiên quyết. Điều này phát sinh mâu thuẫn bởi một nhóm cán bộ văn hóa cộng sản thủ cựu, vốn quen với sắc lệnh, chụp mũ, đòn thù, gắt máu và lộng quyền, tuy họ số ít hơn so với nhóm cởi mở hoặc được chăng hay chớ nhưng họ lại là những người đấu tranh gay gắt, cực đoan và không chấp nhận khoan nhượng cho dù điều mình đưa ra là sai, lá bùa trí thức công thần thời tranh đấu sinh viên cộng với sự trà trộn tôn giáo của một số thầy chùa từng là nhà hoạt động cộng sản, từng là điệp vụ, gián điệp những năm trước 1975 càng khiến cho nhóm này mang hơi hướm của các bóng đen chính trị, bàn tay vô hình… Và đương nhiên là họ bất chấp mọi thứ để đạt mục đích của nhóm. Sở dĩ có tình trạng này bởi thói quen đấu tố, giết tróc, trừng phạt, thậm chí sát phạt và thủ tiêu ngay cả đồng đội khi lý tưởng cộng sản của người anh em, đồng đội khác cái nhìn của họ, Mậu Thân đẫm máu 1968 là một bằng chứng.

Đây cũng là nhóm chính đã đấu tranh và chống đối bằng mọi giá việc đặt tên đường hai vị Thánh Cha. Và luận điệu cũ được lặp đi lặp lại nhằm qui chụp tội đô hộ, thực dân hóa Việt Nam lên các giá trị văn hóa hiếm hoi và quí giá của phương Tây trên dải đất Việt Nam. Phủ nhận việc đặt tên đường cũng là một cách nhằm thể hiện sự tuân phục đối với thiên triều Trung Cộng và bên cạnh đó, họ sợ tiến bộ. Bởi họ lo sợ trước khuynh hướng coi trọng giá trị văn hóa phương Tây còn lưu giữ trên đất Việt ngày càng trở nên cấp thiết rất có thể lật tẩy họ trở thành tội đồ lịch sử. Và ngăn chặn, chống đối không đóng vai trò phản biện văn hóa, phản biện khoa học mà là một sự lấp liếm, dấm dúi và cố gắng níu kéo mối quan hệ văn hóa Trung Hoa. Nhưng ngay trong sự phản đối của họ cũng có sự mâu thuẫn, chuyện này ai cũng thấy, họ dùng chữ quốc ngữ để viết bài chống đối việc tôn vinh cha đẻ chữ quốc ngữ. Đó là một sự khôi hài !

Và, nói cho cùng, Đà Nẵng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Nha Trang hay bất cứ thành phố nào trên đất nước này, tầm văn hóa, sự thông minh của giới lãnh đạo thành phố, đầu tiên sẽ được đánh giá qua các con đường mang tên và cả những con đường chưa mang tên. Bởi đó là lộ trình để dẫn vào một chiều kích sâu xa hơn khi cố gắng khám phá văn hóa, bề dày lịch sử, khoa học và cả đầu tư kinh tế hay đi du ngoạn ! Hi vọng giới lãnh đạo Đà Nẵng đủ thông minh để không bị suy suyễn trước lời xàm tấu !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 30/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Thái, Viết từ Sài Gòn
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)