Đôi ngày qua, không chỉ giới mộ điệu mà cả nước Việt Nam dường như vẫn còn đang ngây ngất với niềm vui của chức vô địch SEA Games 30 mà đội tuyển U22 của Việt Nam vừa giành được. Từ sau trận chung kết với Indonesia trong đêm thứ Ba, hầu như tất cả các trang mạng báo chí tại Việt Nam, từ Nhân Dân, Quân Đội, Công An Nhân Dân cho đến Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động... trong nước đều dùng những cụm từ hoa mỹ nhất có thể để đưa tin, bình luận về chiến thắng này. Trên các trang mạng xã hội của giới trẻ tại Việt Nam là tràn ngập những hình ảnh, mẩu tin xôn xao về sự kiện này.
Huấn luyện viên Park Hang-seo (trái) và Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in.
Chưa phải là một giải quốc tế có hạng, nhưng chiến thắng này cũng quá đủ cho giới truyền thông, giới thể thao, quan chức chính phủ cho đến người dân ở một quốc gia say mê bóng đá bày tỏ sự phấn khích tột bậc cho một giấc mơ ấp ủ từ vài chục năm qua. Và ắt nó sẽ còn được hào hứng bàn tán trong những ngày tới.
Quả thật là các tuyển thủ trẻ của Việt Nam xứng đáng được khen ngợi. Nhìn lại những trận thắng liên tục tại giải SEA Games năm nay để cuối cùng giành chức vô địch, phải ghi nhận rằng Việt Nam đang có một thế hệ cầu thủ "vàng", trẻ trung, sung mãn và tài năng lại có nhiều ý chí, xứng đáng đại diện cho Việt Nam trên đấu trường túc cầu khu vực. Và hơn hết, một vai trò quan trọng khó chối cãi của huấn luyện viên người Nam Hàn, ông Park Hang-seo, người đươc xem đã có công đầu để đưa các đội banh Việt Nam đến vị trí vinh quang này, cũng như đã vực dậy môn thể thao vua kém cỏi và lắm tai tiếng của nước nhà từ hàng chục năm qua.
Năm 2017, sau thất bại tại SEA Games 29 và giữa bao nhiêu vụ bê bối liên quan đến các quan chức nền túc cầu Việt Nam với các vụ bị báo chí phanh phui là tham nhũng, bán độ, phe nhóm, hủ hóa... đã làm thất vọng người mộ điệu và đưa nền túc cầu Việt Nam xuống dốc, thì vị cứu tinh của nền túc cầu Việt Nam là huấn luyện viên Park Hang-seo xuất hiện. Từng là một cầu thủ, là phụ tá huấn luyện viên trưởng đội tuyển Nam Hàn tại World Cup 2002 rồi huấn luyện cho một vài đội banh câu lạc bộ, Park Hang-seo không phải là chọn lựa hàng đầu của VFF lúc bấy giờ cho đến khi ứng viên hàng đầu là một huấn luyện viên người Nhật từ chối nhận vai trò dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, để Việt Nam may mắn có ông trở thành vị huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam cùng các đội U22, U23 từ cuối năm 2017 đến nay.
Dáng tầm thước ở tuổi 60, tính cách quyết đoán và có phần nóng nảy, huấn luyện viên Park Hang-seo trong hai năm qua đã đưa các đội banh Việt Nam đi những bước tiến khá ngoạn mục. Ông được giới lãnh đạo, giới chuyên môn và người mộ điệu tín nhiệm chỉ sau một thời gian ngắn cầm quân, đặc biệt từ sau ngôi vị á quân tại giải U23 Châu Á. Được người dân Việt Nam gọi là "thầy Park" một cách đầy kính trọng, ông lần lượt đưa các đội VN giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2018, á quân AFC 2019 rồi vô địch SEA Games 30 vừa qua. Không bàn cãi gì khi người dân cảm ơn ông, xem ông là huấn luyện viên hay nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Quả thật là vậy, nếu xét theo các kết quả mà ông đã đạt được cho đến nay. Vậy điều gì đã dẫn huấn luyện viên Park Hang-seo đến những thành công này ?
Park Hang-seo có một tầm nhìn chiến lược và đặt ra các mục tiêu rõ ràng tại các giải tham gia. Ông đưa ra các đấu pháp thông minh, chọn lựa đội hình cầu thủ hợp lý trong từng trận đấu để thực hiện mục tiêu đặt ra. Ông chịu áp lực về kết quả trận đấu, ông chịu trách nhiệm với người mộ điệu về các quyết định do chính mình toàn quyền đưa ra, không bị áp lực của việc chỉ đạo từ một giới lãnh đạo thiếu chuyên môn như những người tiền nhiệm, không chọn lựa cầu thủ theo "cơ cấu" hay áp lực ngoài chuyên môn. Và cuối cùng, ông huấn luyện, tận dụng được khả năng của một thế hệ cầu thủ "vàng", có thể lực, tinh thần và tài năng thi đấu xuất sắc. Dưới sự huấn luyện và dẫn dắt của ông, các cầu thủ trẻ Việt Nam dường như đã phô bày bản lĩnh, ý chí và niềm tin vào chiến thắng mãnh liệt hơn. Nói tóm lại, Park Hang-seo có tư chất của một nhà lãnh đạo giỏi. Trong lãnh vực túc cầu.
Mỗi lãnh vực có những đặc tính và mục tiêu khác nhau nhưng tựu chung thì những người lãnh đao cần có bốn đặc tính chính yếu mà huấn luyện viên Park Hang-seo đã thể hiện. Đầu tiên là họ phải tạo ra được sự hứng khởi trong niềm tin của những người được dẫn dắt để trở thành một nhà lãnh đạo đáng tín cẩn qua tính cách và tài năng của mình. Thứ nhì họ là những người có tầm nhìn và biết đề ra mục đích, xác định rõ ràng mục tiêu sẽ đạt đến và làm sao để thực hiện điều đó. Thứ ba là họ biết vạch ra kế hoạch để thực hiện mục tiêu với các chiến lược cùng những phương thức hiệu quả. Và cuối cùng là người lãnh đạo cần nhận biết được tiềm năng và khả năng của từng cá nhân, đơn vị nhỏ trong tổ chức của mình để có thể dẫn dắt và phát triển sức mạnh chung một cách tốt nhất.
Nói thêm về những phẩm chất cốt lõi này là một người lãnh đạo cần am hiểu về lãnh vực dẫn dắt, có uy tín và khả năng để người khác tin tưởng, có sự quyết đoán và độc lập để đưa ra những quyết định. Họ có cái nhìn ngắn hạn và tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn có thể xem như một giấc mơ và thực hiện nó xem như công việc biến giấc mơ thành sự thật. Tầm nhìn của người lãnh đạo cần chia sẻ với thuộc cấp để họ có chung một mục tiêu và hiểu rõ kế hoạch cùng phương cách thực hiện. Người lãnh đạo cần có biện pháp cổ súy, khuyến khích để những người đi theo cùng phấn khích chung tay thực hiện giấc mơ chung này.
Đóng góp của huấn luyện viên Park Hang-seo cho nền túc cầu nước nhà quả đáng được trân trọng nhưng nhắc đến ông không phải bởi vấn đề thể thao hay túc cầu. Vì trái banh xét cho cùng chỉ là chuyện giải trí ở bất cứ quốc gia nào, nó chẳng là niềm "tự hào dân tộc" hay vấn đề phát triển quốc gia. Mà xa hơn, nhắc đến ông để thấy bài học về vai trò lãnh đạo, từ trong các lãnh vực y tế, giáo dục, xã hội cho đến kinh tế, pháp luật, chính quyền... đã có được những người như "thầy Park" đang dẫn dắt ?
Việt Nam cần chọn đưa những người có đủ những phẩm cách cốt lõi và căn bản về lãnh đạo vào các vị trí điều hành để có thể đưa quốc gia đạt đến những chiếc cúp vàng về kinh tế, chính trị, xã hội xứng đáng hơn trong khu vực và thế giới. Cũng như những cấp lãnh đạo này phải có tầm nhìn và biết quy tụ, tận dụng được sức mạnh và ý chí của người dân để thực hiện mục tiêu và giấc mơ đặt ra. Đó mới đích thực là mục tiêu cuối cùng mà Việt Nam cần đạt đến hơn là những chiếc cúp thể thao mạ vàng như hiện nay.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : VOA, 12/12/2019
*****************
Chiến thắng SEA Games : bài học lớn cho lãnh đạo Việt Nam ! (RFA, 11/12/2019)
Chiến thắng 3-0 trước đội tuyển Indonesia ở vòng chung kết bóng đá SEA Games vào tối ngày 10/12 vừa qua giúp Việt Nam đạt được chức vô địch sau 60 năm. Đa phần người dân trong nước đều bày tỏ niềm vui và gọi chiến thắng này là niềm tự hào dân tộc.
Các cầu thủ Việt Nam ăn mừng sau khi giành Huy chương vàngtrước Indonesia trong trận chung kết bóng đá nam ngày 10 tháng 12 năm 2019. AFP
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, từ Hà Nội, Giáo sư Mạc Văn Trang, cũng là người đam mê xem bóng đá, nhận định :
"Bóng đá là môn thể thao mà dân của nhiều nước rất yêu chuộng, đặc biệt đối với Việt Nam thì rất yêu bóng đá và yêu đội tuyển quốc gia. Tính ra là 60 năm từ năm 1959 thì đội bóng của Việt Nam Cộng Hòa đạt vô địch Đông Nam Á, đến nay là 60 năm đội tuyển bóng đá nam mới đạt được vô địch SEA Games thì người ta thích thú, tự hào là chính đáng. Có điều cuồng loạn với bóng đá 1 cách quá mức hoặc lợi dụng bóng đá để tuyên truyền, khuấy động là không nên, không đúng. Ví dụ thanh niên đi bão phóng xe thì công an phải bắt và xử lý".
Có thể thể nhận thấy rất nhiều người dân và chính quyền Việt Nam mong chờ đội tuyển U22 Việt Nam đem lại chiến thắng trong trận chung kết bóng đá SEA Games 2019. Từ trưa, các màn hình lớn đã được cơ quan chức năng địa phương cho dựng lên tại những nơi công cộng.
Sở Giao thông và vận tải Thành phố Hồ Chí Minh còn cấm tất cả xe vào đường Nguyễn Huệ, riêng taxi và ôtô tải không được vào trung tâm để người dân cổ vũ tuyển Việt Nam trong trận chung kết.
Sau khi đội tuyển Việt Nam chạm vào cúp vàng, người dân khắp các tỉnh thành đổ xô ra đường đi ‘bão’. Trên các trang mạng xã hội, hình ảnh, video người dân khoác cờ, đeo băng rôn, hò hét trên đường ăn mừng chiến thắng.
Truyền thông dẫn lời nhiều người gọi việc đoạt huy chương vàng của Đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam là ‘niềm tự hào dân tộc.’
Một du học sinh ở Đài Loan sau khi xem xong trận chung kết lịch sử của bóng đá Việt Nam lại có cách nhìn nhận khác :
Người hâm mộ Việt Nam ăn mừng trên đường phố Hà Nội sau chiến thắng của Việt Nam trước Indonesia trong trận chung kết bóng đá nam SEA Games 2019. AFP
"Theo mình niềm tự hào về đá bóng và niềm tự hào dân tộc nên tách biệt. Đá bóng chỉ là một lĩnh vực nhỏ bên Văn hóa – Thể thao, còn đất nước mình bây giờ đang thua xa các nước khác. Mình không thể lấy đá bóng là niềm tự hào được trong khi đó còn có nhiều cái lãnh đạo mình phải tự xem lại bản thân lãnh đạo đất nước của mình như thế đã đúng chưa. Trước đây mình được học là đất nước mình rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu nhưng sau 30 năm phát triển dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản thì nước Việt Nam mình bây giờ đang ở vị trí nào trên bản đồ vị trí kinh tế thế giới thì mò kim đáy bể không ra được".
Đồng quan điểm với bạn du học sinh ở Đài Loan, Kỹ sư Trần Bang, hiện đang ở Sài Gòn cũng cho rằng chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam, đội tuyển bóng đá nữ cũng như số lượng huy chương xếp thứ 2 toàn Đông Nam Á của Việt Nam trong SEA Games 2019 là niềm tự hào, nhưng thực tế tình hình đất nước vẫn còn những lo ngại :
"Có lẽ nó không là gì so sánh với môi trường xã hội xuống cấp về đạo lý, văn hóa xã hội, chính trị, môi trường, việc đe dọa an ninh quốc gia... nhiều vấn đề trầm trọng lắm mà thể thao chỉ là khía cạnh nhỏ, không nói lên được điều gì nhiều lắm. Ngay như Philippine chẳng hạn, họ giải nhất SEA Games tất nhiên họ có lợi thế tổ chức nhưng rõ ràng so việc phát triển kinh tế xã hội thì Philippine không thể bằng Mã Lai, Indonesia, Singapore được".
Một bạn trẻ ở Sài Gòn lại cho rằng cần tách biệt rõ ràng hai lĩnh vực bóng đá giải trí và chính trị :
"Nói về chính trị so với bóng đá thì không thể nói chung vô được. Bóng đá là môn thể thao để mọi người giải trí, gọi là môn thể thao vua, chứ không thể nào áp đặt được từ bóng đá qua chính trị được".
Dưới góc nhìn cá nhân, Giáo sư Mạc Văn Trang lại cho rằng có thể rút ra được bài học lớn từ thắng lợi của bóng đá Việt Nam tại trận chung kết Sea Games 2019 :
"Qua thành công của đội tuyển quốc gia thì nhiều người đã rút ra một kết luận là nếu chúng ta có những người lãnh đạo giống như huấn luyện viên, những người lãnh đạo có tâm có tài thật sự. Thứ hai là có hệ thống đào tạo trẻ một cách đúng đắn, không gian lận, không kiểu thành phần chủ nghĩa mà chọn những em có năng khiếu đúng đắn, xem những chương trình tiến bộ thế giới thì Việt Nam chúng ta các thế hệ trẻ sẽ tài năng. Thứ ba là chúng ta bỏ thành kiến, rào cản để phát huy nguồn lực xã hội như đầu tư vào bóng đá của các phong trào xã hội dân sự như thế thì tất cả các ngành khác mà làm như thế thì đều tiến bộ : về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, y tế...".
Du học sinh Đài Loan cũng đồng ý với nhận xét của Giáo sư Mạc Văn Trang. Anh lập luận :
"Nếu bên lĩnh vực đá bóng thuê được huấn luyện viên Park Hang-Seo của Hàn Quốc về làm huấn luyện viên mà bóng đá của mình được như thế thì mình nghĩ theo kiểu hơi hài hước tí là nhập nguyên dàn lãnh đạo của Hàn Quốc về Việt Nam hoặc ít ra thì cũng phải có suy nghĩ tiến bộ như người ta cách làm tiến bộ hơn, phải học hỏi các nước như Hàn, Nhật, Đài Loan là các nước trong vùng mà kinh tế đang đi đầu tàu Châu Á".
Đa số những người trao đổi với Đài Á Châu Tự Do đều cho rằng tự hào với bóng đá không phải tự hào dân tộc vì hiện nay bên cạnh niềm tự hào về bóng đá Việt Nam thì vẫn có nhiều lĩnh vực không được tự hào cho lắm như chính trị, kinh tế, cách điều hành quản lý, những thảm họa môi trường...
Tuy nhiên, họ đều cho rằng từ cách dẫn dắt đội tuyển U22 của huấn luyện viên Park Hang-seo để đem lại chiến thắng vàng cho Việt Nam vừa qua đều có thể đưa ra bài học cho giới lãnh đạo chính phủ Hà Nội. Trong đó, việc mở rộng tư duy, lựa chọn đúng tài năng, không giới hạn mọi mặt... là các yếu tố mà những người đứng đầu bộ máy nhà nước cần thay đổi.
*******************
Vui mừng chiếm giải đá banh !
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 10/12/2019
Người Việt khắp nơi chia sẻ vui mừng với chiến thắng của đội banh Việt Nam trong Giải Túc Cầu Đông Nam Á, SEA Games 30, tổ chức ở Manila, Philippines. Niềm vui càng hiếm hoi càng lớn, vì đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt huy chương vàng, thắng Indonesia với tỷ số 3-0.
Cầu thủ Đoàn Văn Hậu (số 5, trái) vui mừng sau khi mở tỉ số trong trận chung kết với Indonesia, giúp Việt Nam thắng Indonesia 3-0 tại Giải Túc Cầu Đông Nam Á, SEA Games 30, tổ chức ở Manila, Philippines, ngày 10 Tháng Mười Hai, 2019. (Hình : AP Photo/Aaron Favila)
Những cầu thủ đáng được "công kênh" hàng đầu trong cuộc diễn hành là Đoàn Văn Hậu, đã làm hai bàn ; Hùng Dũng, một bàn ; và thủ môn Văn Toản, đã giữ khung thành "trinh bạch", theo lối của nhà báo Huyền Vũ ; cũng như các cầu thủ Nguyễn Đức Chiến, Nguyễn Hoàng Đức đã chuyền banh có hiệu quả.
Một điều đáng tiếc là Đoàn Văn Hậu đã đá chạm chân cầu thủ Evan Dimas, ngôi sao Indonesia, khiến anh ta bị thương, phải rời sân vào phút thứ 20 ; khiến sức tấn công của Indonesia giảm rất nhiều. Nếu Evan Dimas tiếp tục đá, trận đấu sẽ hào hứng hơn nhiều ; vì trong 10 phút đầu tiên đội Indonesia đã tấn công áp đảo.
Đáng khen ngợi nhất là các cầu thủ Việt Nam có lối chơi đồng đều, chuyền bóng chắc chắn, và ít phạm lỗi ; cho nên dù Indonesia còn Dimas trong sân thì chắc Việt Nam vẫn thắng.
Một người rất đáng hoan hô nữa là huấn luyện viên Park Hang Seo (박항서).
Năm 19 tuổi, Park Hang Seo đã làm thủ quân đội banh vô địch giải đá banh Nam Hàn cho lớp tuổi dưới 20. Ông từng làm huấn luyện viên cho nhiều đội cầu Nam Hàn, phụ tá huấn luyện viên cho đội tuyển quốc gia dự World Cup năm 2002. Ông dìu dắt đội cầu quân đội Sangju Sangmu, chiếm một giải vô địch năm 2015 và đội cầu thành phố Changwon quán quân toàn quốc năm 2017. Sau đó ông qua dìu dắt đội cầu Việt Nam. Năm 2018 đội cầu Việt Nam "dưới-23" tuổi trong tay ông đã vượt lên, lần đầu tiên sau 56 năm.
Năm 2018, Park Hang Seo đã đưa đội cầu Việt Nam lên hàng vô địch trong giải AFF của khối ASEAN, thắng Malaysia ngay tại sân Mỹ Đình, Hà Nội. Trong trận đấu SEA Games năm nay, nhà dìu dắt Nam Hàn, 60 tuổi, tên Hán Việt là Phác Hằng Tự (朴恒緖) có lúc hăng hái bảo vệ đội của mình đã phản đối trọng tài và bị phạt thẻ đỏ.
Nhưng thắng Indonesia trong giải SEA Games chỉ là một bước đầu ! Đội tuyển Việt Nam có thể nhìn tới tương lai, nuôi cao vọng có ngày sẽ tranh hùng Giải Đá Banh Thế Giới (World Cup) ! Sẽ có ngày dân Việt Nam ăn mừng khi đội banh nhà đá bại Trung Quốc ngay trong một vòng loại World Cup ! Muốn vậy, phải bắt đầu lo việc đào tạo và huấn luyện ngay tự bây giờ. Tương lai của các quốc gia nằm trong giáo dục và đào tạo.
Ở bên Tàu, ông Tập Cận Bình cũng say mê bóng đá. Trung Quốc mới được dự World Cup một lần, năm 2002, và bị loại khi chưa ghi được một bàn nào. Ông Tập nuôi tham vọng nước ông sẽ tổ chức World Cup vào năm 2050, và sẽ chiếm giải ! Cho nên ông đang đầu tư.
Năm tới, nước Tàu sẽ xây dựng hoặc tu bổ 29,000 sân banh trong các trường học. Chính quyền sẽ cho mở 10,000 trường "mẫu giáo" chuyên đá banh trong năm 2020. Trường Ming Ze ở Thiên Tân, các trẻ em được các huấn luyện viên dìu dắt, có người Argentina, chỉ nói tiếng Tây Ban Nha !
Đội tuyển Trung Quốc năm nay mới có một cầu thủ mới, anh Elkeson de Oliveira Cardoso, người gốc Brazil. Anh mới nhập tịch trở thành người Tàu năm 2019, cái tên Elkeson được đổi thành Ai Kesen trong tiếng Phổ Thông (艾克森 ; đọc lối Việt Nam là Ải Khắc Sâm). Khi còn huấn luyện cho đội banh Quảng Châu thì người ta gọi tên anh theo tiếng Quảng Đông là Ngai Git-san (艾傑臣, Ải Kiệt Thần).
Hy vọng khi Việt Nam và Trung Quốc giao đấu lần tới, đội banh Việt Nam sẽ cho người Hán biết tài nghệ, dù không cần thuê một cầu thủ ngoại quốc nhập tịch nào !
Chiến thắng của đội đá banh Việt Nam ở SEA Games cho thấy mấy chục thanh niên có thể tạo nên thành tích lớn nếu được chăm lo dìu dắt đúng cách. Trong cuộc đấu thể thao của các nước Đông Nam Á, đội cầu Việt Nam đã vào chung kết năm lần trước đây, nhưng chưa bao giờ thắng ! Sau 60 năm chờ đợi, đây là một huy chương vàng hãn hữu !
Nếu nhìn rộng ra, có thể quả quyết rằng mọi thanh niên Việt Nam đều có tiềm năng đóng góp cho nước nhà hưng thịnh nếu như họ được "chăm lo dìu dắt đúng cách", với một nền giáo dục đứng đắn. Tương lai một quốc gia 97 triệu dân nằm trong các trường học. Nhưng càng nhìn rộng chúng ta càng lo lắng !
Chiến thắng của đội banh Việt Nam xảy ra chỉ mấy ngày sau khi có tin cảnh sát Nam Hàn đang mở cuộc điều tra về 164 sinh viên Việt Nam "mất tích". Họ đã dự học được bốn tháng trong chương trình học tiếng Hàn Quốc kéo dài một năm, tại Học Viện Ngôn Ngữ trường Đại Học Quốc Gia Incheon (INU).
Năm 2018, cũng có 30 người trong nhóm 300 du học sinh Việt Nam ghi danh chương trình học tiếng Hàn tại trường Đại Học Quốc Gia Gyeongsang (GNU) đã "biến mất". Ai cũng có thể đoán được rằng các bạn sinh viên này đi học cho biết nói tiếng Hàn Quốc trong mấy tháng rồi bỏ trốn, đi làm việc lậu.
Trốn ra nước ngoài là một con đường "tiến thân" phổ biến trong giới trẻ người Việt để thoát cảnh nghèo khó. Cảnh nghèo trước mắt có thể kéo dài triền miên, vì không thấy con đường thoát nào cả.
Trong mấy năm gần đây kinh tế Việt Nam được "bơm lên" nhờ các công ty quốc tế bỏ Trung Quốc đến Việt Nam mở nhà máy, vì lương công nhân thấp hơn. Trận chiến mậu dịch Mỹ-Trung lại thúc đẩy nhiều công ty khác đi theo.
Nhưng phần lớn các hãng xưởng mới mở chỉ mướn giới lao động không chuyên môn, chỉ cần bắp thịt, chịu cực, và bàn tay khéo léo.
Những công nghiệp tiên tiến, kỹ thuật cao, tạo nhiều lợi tức nhất, chưa đến Việt Nam mở cửa, vì nhiều giới hạn. Thứ nhất là hạ tầng cơ sở còn quá lạc hậu. Thứ hai là những người làm việc chưa đủ tay nghề. Cho nên tương lai giới thanh niên, nhất là các sinh viên tốt nghiệp, chưa sáng sủa.
Các bạn trẻ Việt Nam hôm nay có thể hãnh diện nhìn vào thành tích của đội đá banh quốc gia ; nhưng họ cũng phải tự hỏi tại sao chính họ, mấy chục triệu con người, vẫn có những người phải mua đường trốn ra nước ngoài tìm việc làm trái pháp luật ?
Những người được cho đi học Nam Hàn thuộc loại may mắn nhất. Cho nên năm 2016, số lượng sinh viên Việt Nam theo học ngôn ngữ ở Đại Học Incheon (INU) chỉ có 10 người, năm 2018 đã tăng lên 951 người và năm nay có tới 1,900 sinh viên người Việt.
Nhưng tại sao gần 2,000 thanh niên đi học tiếng Hàn Quốc ? Vì đó là cơ hội trốn ở lại làm việc gian lậu, chắc chắn khá hơn những người đi làm việc của những nô lệ, rồi chết thảm thương, như 39 người mới chết ngạt trong chiếc xe tải ở Anh Quốc.
Vì vậy, nhiều gia đình đã "đầu tư" bỏ tiền hối lộ cho con được du học, cũng như các gia đình đã đi vay vài, ba chục ngàn Mỹ kim để cho con qua nước Anh.
Phát ngôn viên trường INU giải thích : "Nhiều sinh viên (Việt Nam) phải trả hàng triệu ‘won’ cho người môi giới ở Việt Nam để được qua Nam Hàn học các khóa ngôn ngữ ngắn hạn (Won là tiền Nam Hàn, mỗi Mỹ kim đổi được khoảng 1,200 won)… Những người này tính rằng nếu làm việc lậu tại Nam Hàn có thể kiếm nhiều tiền hơn số vốn bỏ ra, cho nên đã có những hành động phi pháp này".
Không phải bạn trẻ Việt Nam nào cũng ra nước ngoài để được trọng dụng như nhà toán học Ngô Bảo Châu, hay Đoàn Văn Hậu, chàng cầu thủ cao 1 mét 85, đang đấu cho một câu lạc bộ đá bóng Hòa Lan.
Không người Việt Nam nào muốn ra nước ngoài, sống trốn chui trốn lủi, bị bóc lột, hành hạ mà đành chịu, chỉ để kiếm đồng đô la ! Trong lịch sử nước ta chỉ có thời đại Cộng Sản mới có cảnh dó !
Nếu nước ta có chế độ chính trị bớt tham nhũng, nhà nước biết tôn trọng luật pháp, kinh tế cởi mở, nền giáo dục được tự do, người dân được tự do hội họp và lên tiếng nói, thì dân tộc Việt Nam có thể sản xuất rất nhiều Ngô Bảo Châu, hay Đoàn Văn Hậu, trong nhiều lãnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa, nghệ thuật ngoài phạm vi thể thao.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 10/12/0019