Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2019

Tàu sân bay tự đóng của Trung Quốc chỉ là biểu tượng sức mạnh

Đinh Kim Phúc

Giữa lúc Bắc Kinh làm rùm beng việc trình làng tàu sân bay tự đóng thứ hai mang tên Sơn Đông, Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Giáo sư Sử học Đinh Kim Phúc, một nhà nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn, về tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.

tausanbay1

Tàu sân bay Sơn Đông tự đóng đầu tiên của Trung Quốc. AFP

RFA : Thưa ông, nhận định của ông về việc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc vừa được biên chế tại căn cứ Tam Á ở Hải Nam là gì ?

Đinh Kim Phúc : Vấn đề Trung Quốc vừa trình làng tàu sân bay Sơn Đông, theo quan điểm cá nhân tôi, nó chỉ là biểu tượng cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Chúng ta biết rằng từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền từ năm 2012 thì vấn đề hiện đại hóa quân đội là một trong những trọng tâm trong chính sách của Tập Cận Bình. Và tàu Sơn Đông này so với tàu Liêu Ninh trước đây hiện đại hơn nhưng về khả năng tác chiến trên biển thì Trung Quốc hoàn toàn chưa có kinh nghiệm và chưa bao giờ trải qua chiến tranh với tàu sân bay. Chúng ta biết rằng hoạt động của một đội tàu sân bay trên biển nó không chỉ đơn thuần chỉ là tàu sân bay mà cần biên chế cho tất cả hạm đội để bảo vệ nó, rồi tác chiến trên không. Nếu như các tàu sân bay của Mỹ, Anh trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II trước đây thì chỉ lo đối phó với các ngư lôi của tàu ngầm, còn với trình độ khoa học kỹ thuật quân sự trong thế giới hiện nay thì tàu sân bay phải đối phó với các loại tên lửa hiện đại. Do đó tôi đánh giá rằng Trung Quốc không có kinh nghiệm tác chiến trên biển so với tàu sân bay lần đầu tiên và đây chỉ là biểu tượng cho sức mạnh của Trung Quốc cho học thuyết tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở xa bờ, tranh giành ở Biển Đông các quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà thôi.

RFA : Trước đó Trung Quốc cũng vừa cho Không quân tập trận ở Biển Đông, đây có phải là động thái thêm của việc quân sự hóa tại khu vực này mà Bắc Kinh tiến hành lâu nay ?

Đinh Kim Phúc : Vấn đề Trung Quốc thường xuyên tập trận trên biển, trên đất liền và mới đây là tập trận không quân vì Trung Quốc thấy rằng khoảng trống quyền lực tại khu vực Đông Nam Á bắt đầu nghiêng về chiều hướng có lợi cho Mỹ và Mỹ bắt đầu có những biện pháp cứng rắn trong việc can dự đến an ninh khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương. Hành động tập trận của không quân Trung Quốc nhằm mục đích răn đe Hoa Kỳ trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á này nhất là tình hình Biển Đông nổi lên trong những năm vừa qua. Hành động tập trận của không quân Trung Quốc cũng không có cái gì mới mà chủ yếu là biểu dương cho sức mạnh quân sự của Trung Quốc và kiềm chế lại những hành động không thể đoán được của tổng thống Mỹ Donald Trump mà Trung Quốc có cảm giác là sẽ bất ngờ với những hành động của Tổng Thống Mỹ mà thôi.

RFA : Trung Quốc cũng phản đối Malaysia về việc xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở ; song song đó là tố cáo Malaysia vi phạm chủ quyền của TQ, vi phạm ‘các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế’. Thái độ này theo ông cho thấy điều gì ?

Đinh Kim Phúc : Vấn đề Malaysia vừa mới gửi hồ sơ lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để xin mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình ra 350 hải lý theo điều 76 của Luật Biển thì nó cũng không có gì mới. Chúng ta thấy khoảng 10 năm trước đây Malaysia và Việt Nam đã cùng nhau đứng chung một hồ sơ để xin mở rộng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế ra 350 hải lý ở phía Nam của Biển Đông và Trung Quốc cũng đã phản ứng. Và hành động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng chẳng mới, từ năm 1958 với tuyên bố là lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì Trung Quốc đã xác định chủ quyền của họ ở trên những quần đảo mà trong đó có hai quần đảo mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa, kỳ này Malaysia xin mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của mình ra 350 hải lý để nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế, vùng chủ quyền của Malaysia ở phía Nam. Nhiều người đặt ra vấn đề vậy thì việc Malaysia làm một hồ sơ đơn phương mới để xin mở rộng thì có va chạm với quyền lợi đối với Việt Nam và đối với Philippines hay không thì tôi cho rằng vấn đề này hết sức là bình thường vì nếu có vùng chồng lấn so với hồ sơ của Malasysia, Việt Nam và Philippines thì Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc sẽ căn cứ vào các điều kiện thực tế và căn cứ vào Luật Biển để họ quyết định xem hồ sơ đó được chuẩn hay không được chuẩn, nó không đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực và hành động của Trung Quốc phản đối Malaysia không phải mới nhưng cho thấy rằng thái độ của Trung Quốc ngày càng cứng rắn hơn trước đây với đường biên giới hay còn gọi là đường lưỡi bò và bây giờ họ khẳng định một cách chi tiết hơn là họ có vùng nội thủy, có lãnh hải, có vùng tiếp giáp lãnh hải với tất cả các đảo trên biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền.

RFA : Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng trong bài phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore được Reuters dẫn vào ngày 17 tháng 12 có kêu gọi Trung Quốc kiềm chế tại Biển Đông. Đây là kêu gọi mới nhất của Hà Nội, theo ông liệu rằng Bắc Kinh có nghe không ?

Đinh Kim Phúc : Tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao Việt Nam tại Singapore mà chúng ta thấy xuất hiện trong thời điểm Việt Nam vừa tuyên bố Sách Trắng trong vấn đề quan hệ quốc tế từ chính sách “3 không” đến chính sách “4 không” tức là Việt Nam không sử dụng vũ lực trong mối quan hệ quốc tế, không có nghĩa rằng Việt Nam không chú trọng đến phương thức tác chiến về mặt quân sự mà vấn đề này cũng như phát biểu của thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thì nó phản ảnh tư tưởng hòa bình của Việt Nam ‘còn 1 phút để đàm phán, còn 1 phút để kiềm chế để bảo vệ hòa bình trên biển Đông ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương thì Trung Quốc vẫn phải cố gắng làm’.

Tư tưởng hòa bình đó không nhằm gọi là cúi đầu hay lo sợ trước sức mạnh của Trung Quốc vì Trung Quốc không muốn chiến tranh trong điều kiện hiện nay, mặc dù Trung Quốc rất khó khăn nếu tham chiến chống lại chiến tranh xâm lược của Trung Quốc nhưng Trung Quốc bao giờ cũng tránh chiến tranh để mà tập trung xây dựng đất nước khi nền kinh tế Trung Quốc chưa phải là nền kinh tế vững mạnh để đảm bảo cho một cuộc chiến tranh lâu dài nếu có xảy ra với Trung Quốc hoặc các nước khác.

RFA : Qua tất cả những diễn biến lâu nay, ông có dự báo những gì sẽ diễn ra ở Biển Đông trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2020 ?

Đinh Kim Phúc : Bước vào năm 2020 Trung Quốc có hai vai trò trong mối quan hệ quốc tế là chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng tiếng nói của Trung Quốc để tranh thủ sự đồng thuận trong khối ASEAN cũng như sự đồng thuận trong cộng đồng quốc tế để kiềm chế ý đồ của Trung Quốc có trọng lượng hơn và mới đây chính phủ Mỹ cũng bắn một tin rằng sẵn sàng mở rộng quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì chúng ta ngầm hiểu quan hệ ngoại giao đó là nhằm mở rộng đến vấn đề quân sự. Đây là một tín hiệu cho thấy tình hình Biển Đông trong năm 2020 hoặc trong 5 năm tiếp theo từ năm 2020 – 2025 thì cũng không có gì mới, Trung Quốc vẫn răn đe vẫn quấy phá cũng tuyên bố cứng rắn và Biển Đông vẫn nằm trong khu vực tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải mà thôi.

RFA : Cám ơn nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc.

Nguồn : RFA, 18/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Kim Phúc
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)