Tướng Vĩnh - 'kẻ sĩ thức tỉnh, nhà yêu nước hợp thời cuộc'
BBC, 26/12/2019
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là mang trong mình tinh thần của tiền nhân như Chu Văn An, Ức Trai và dám chủ động 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' để trở thành 'nhà yêu nước hợp thời cuộc,' theo một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam.
Cựu Đại sứ, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (1916 - 2019) được coi là một nhà yêu nước, người có tư tưởng cải cách và nhà phản biện chính trị, xã hội có uy tín
Bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 26/12/2019 về việc Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh vừa từ trần tại Hà Nội ở tuổi 104, ông Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm nói :
"Tư tưởng thì có thể nói ông là một con người lão thực, xem xét vấn đề ngược xuôi, tình lý, và vì thế ông là một người sẵn sàng tự diễn biến, tự chuyển hóa từ cái chỗ mình là người cộng sản, nhưng mà chuyển hóa thành một con người yêu nước mà hợp với thời cuộc, sẵn sàng phê phán những sai trái của đảng của mình.
"Những lỗi lầm của đảng của mình cũng không bỏ qua, cũng đóng góp và ông là người cương trực có thể có nét này là trong người ông có tinh thần của Chu Văn An, của Nguyễn Trãi, thừa hưởng cái tinh thần ấy.
"Cho nên ông cương trực góp ý kiến, ông đề xuất những vấn đề rất lớn của thời cuộc hiện nay, ông phê phán những chính sách đối thoại thân Trung Quốc, ông phê phán chính sách và hành động bành trướng đại Hán, gian hiểm của Trung Hoa hiện nay.
"Và ông để tâm đến rất nhiều công việc thời sự, trong một ông già tám, chín mươi rồi một trăm tuổi, mà luôn luôn thức thời, đấy là con người hiếm có...
'Bố tôi lo cho đất nước đến tận lúc sắp ra đi'
"Ông theo dõi thời sự như thế không phải như những anh Khốt-ta-bít hiện nay ở trong nước đâu, điều hết sức đặc biệt đối với ông mà tôi hết sức khâm phục và chúng tôi nói với nhau là đấy là một nhà minh triết hiện đại của dân tộc...
"Có thể nói, tôi gọi ông là một con người thức tỉnh, ông không giáo điều.
"Con người này không hề giáo điều một chút nào hết và rất tỉnh táo để mà phân biệt cái đúng, cái sai, cái lạc hậu, cái tiên tiến, cái hợp lý với thời cuộc, văn minh, hiện đại, nhân văn với cái hủ bại mà chúng tôi gọi là cái 'hủ Marx' - tức là một thứ Marxism hủ lậu, quê mùa, lạc hậu, bảo thủ.
"Thì có thể nói ông già Nguyễn Trọng Vĩnh này là một con người rất là thức thời, đúng là một kẻ sĩ thức tỉnh mà trở thành tấm gương cho chúng tôi, cho các anh em và cho các bạn trẻ nữa", nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương Đcộng sản Việt Nam nói.
'Chuyển biến và gương sáng'
Cũng hôm 26/12, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người từng tu nghiệp ở Thượng Hải, nói về vị cựu Đại sứ từng có 13 năm đứng đầu đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và nhấn mạnh vào sự thay đổi tư duy lúc cuối đời của ông :
Cựu Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh (giữa) tiếp Đại tá Nguyễn Đăng Quang (trái) và Kiến trúc sư Trần Thanh Vân (phải)
"Phải nói là ông là một tấm gương tất cả chúng tôi noi theo, một sự kiên trì sáng suốt, sống trong sạch.
"Còn việc ông là một vị Đại sứ, Thiếu tướng và đảng viên đảng Cộng sản, thì tôi cũng rất vui mừng nhận ra rằng ông đã có những biến chuyển và nói ra được những lời biến chuyển lúc cuối đời.
"Trước kia, kẻ xấu ông chê, nhưng ông luôn cảm thấy rất là coi trọng chuyện phải vẫn giữ đảng Cộng sản, làm sạch dần đi, nhưng rồi dần dần ông cảm thấy chuyện đó vô lý và những ngày cuối đời ông có được những câu nói là thay đổi phải sửa hẳn, phải bỏ nó đi hẳn.
"Còn làm cái gì cho nó tốt hơn, thì những người sáng suốt phải làm, bây giờ thì không thể làm được nữa.
"Một người chúng tôi rất thương quý, nhưng mà tôi thấy là ông từng khá là bảo thủ, tức là những gì đã tôn thờ cả tuổi trẻ, cả đời thì vẫn cứ tôn thờ, nhưng đến giờ phút chót, hơn một năm nay, thì ông nói được những lời khác.
"Sau đó để xác minh lại, tôi ngồi với chị Nguyên Bình (con gái của Tướng Vĩnh), thì chị nói đúng thế, ông đã thấy là không thể chấp nhận là nó tồn tại song song được.
"Cái gì cần phải từ bỏ, thì từ bỏ. Chính điều ông nói đó làm cho nhiều người cảm thấy là phải từ bỏ những điều mình đã cố bám lấy, bởi vì sự ngoan cố, sự trì trệ kéo dài ấy làm cho đất nước bị đau khổ, khó chịu như là cảnh cam phận nhiều quá.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh là một tấm gương sáng để những người dân yêu nước của Việt Nam học tập và noi theo, theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện
"Bởi vì đông nhất trong hàng ngũ cán bộ cũ, những người tốt, (tôi không nói những người xấu, những người mà biến chất, mà làm bậy, tai tiếng), ta nói là người tốt đấy, họ vẫn bị ám ảnh về cái gì mà từ thời đại Hồ Chí Minh đã có, thì bây giờ phải giữ, thì nay chính ông đã thấy phải thay đổi".
Bàn thêm về nhân cách và di sản của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, từ Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói :
"Ông là một con người am hiểu văn hóa, là một con người rất mềm dẻo và có một phong cách ngoại giao rất lịch sự và ôn hòa, nhưng mà cũng vô cùng cương quyết.
"Nhân cách, con người của ông Nguyễn Trọng Vĩnh, con người giản dị, mực thước và lão thực của ông là một tấm gương.
"Và đấy có thể coi là một di sản lớn mà ông Nguyễn Trọng Vĩnh có gửi lại cho chúng ta.
"Và trong niềm kính tiếc vô cùng như thế này, thì những bài học đó và tấm gương của ông Nguyễn Trọng Vĩnh sẽ được những người dân Việt Nam yêu nước học tập và noi theo", Tiến sĩ Diện chia sẻ với BBC.
Quốc Phương
****************
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, qua đời
VOA, 26/12/2019
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm từ 1974 đến 1987, cũng là một trong những tiếng nói mạnh mẽ chỉ trích tham vọng bá quyền của Trung Quốc, vừa qua đời ngày 26/12/2019 tại Hà Nội, ở tuổi 104.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, mặc áo phông đánh dấu kỷ niệm trận hải chiến Việt-Trung 1988 ở bãi Gạc Ma, gần Trường Sa, trong đó 64 bộ đội VN hy sinh. Ảnh chụp ngày 13/3/2013. Reuters/Kham
Các nguồn tin thân cận với gia đình xác nhận thông tin này với BBC Tiếng Việt, trước khi có loan báo chính thức của nhà nước. Trong vài giờ qua, một số báo chí Việt Nam, như báo Pháp Luật, Thanh niên vv.. đều đồng loạt loan tin này.
Thân thế sự nghiệp
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1916, tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tình Thanh Hóa. Ông gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1937, được thăng quân hàm thiếu tướng vào năm 1959.
Ông từng giữ chức phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa trước khi bước vào ngành ngoại giao.
Là Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987, ông là một chứng nhân lịch sử của cuộc chiến tranh biên giới khi Trung Quốc xua quân sang tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam vào tháng 2-1979.
Nỗ lực chống tham vọng bá quyền của Trung Quốc
Ông Nguyễn Trọng Vinh từ lâu đã chỉ ra những âm mưu và thủ đoạn của Trung Quốc trong các quan hệ với Việt Nam. Thoạt tiên ông trực tiếp kiến nghị Đảng cộng sản và nhà nước, và sau đó nâng cao nhận thức trong dân chúng về hiểm họa do tham vọng bá quyền của Trung Quốc đặt ra, nước mà nhà cựu ngoại giao cho là trong suốt chiều dài lịch sử, vẫn không từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam.
Tháng 10 năm 2018, ở tuổi 103, ông Vĩnh công bố một thư ngỏ viết tay, trực tiếp chỉ trích Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về cách xử lý trước các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là tại bãi Tư Chính.
Trong thư, ông Nguyễn Trọng Vĩnh nêu đích danh Chủ tịch nước và chỉ trích thái độ ‘bàng quang, thờ ơ’ của ông Nguyễn Phú Trọng trước hiểm họa phương Bắc. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh viết :
"Thiết nghĩ, là người đứng đầu bộ máy, chắc ông Trọng phải có đủ thông tin về âm mưu, thủ đoạn, mục tiêu, biện pháp của bọn tàu từ xưa tới nay đối với nước Việt ta, đặc biệt trong mấy tháng qua ở bãi Tư Chính. Tình hình đang rất nguy ngập và cấp bách, vậy mà khi khai mạc Hội nghị Trung ương 11, ông vẫn nói là phải "phân tích, dự báo tình hình ?"
Hồi tháng 5 năm nay (2019), Tướng Vĩnh lên tiếng chỉ trích dự án đường cao tốc Bắc-Nam, và cảnh báo về hiểm họa Trung Quốc đối với an ninh quốc gia, nếu Hà nội tiếp tục lệ thuộc vào đầu tư Trung Quốc.
Gần đây nhất, khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu hộ tống vào bãi Tư Chính, thuộc khu dặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tướng Vĩnh kêu gọi Hà nội nên kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.
Các thư ngỏ của Tướng Vĩnh, nêu lên quan tâm của ông về tình hình đất nước không nhận được hồi đáp của lãnh đạo cộng sản Việt Nam, nhưng được sự ủng hộ rộng rãi trên các mạng xã hội.
Phản ứng trên mạng về sự ra đi của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một dân mạng viết :
"Xin vĩnh biệt cụ, một người Việt Nam yêu nước chân chính và cống hiến tận tậm, tận lực cho muc tiêu độc lập dân tộc đến hơi thở cuối cùng".