Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/12/2019

2019 : Chủ quyền và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Trương Nhân Tuấn

Hứa là sẽ viết về những "biến cố" nổi bật trong năm 2019. Rốt cục, nhìn lai những ngày đã qua trong năm 2019, hình như ngày nào tôi cũng viết một bài, về một chủ đề chi đó (mà tôi thấy là quan trọng ở thời điểm đó). Trong khi đó báo chí quốc tế thì luân phiên đăng tải những bài báo, ghi lại nhũng điều gì, theo họ, là quan trọng trong năm 2019.

chuquyen1

Công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận tuyên bố hải phận 12 hải lý và chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo tôi, đối với Việt Nam, điều quan trọng hơn hết vẫn là là vấn đề "chủ quyền lãnh thổ". Nếu trách nhiệm tối thượng của một đảng lãnh đạo là phải "bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ". Ta phải chua chát nhìn nhận rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã không làm được những điều này.

Vấn đề Hoàng Sa, dư luận năm 2019 "đổ thừa" việc làm mất Hoàng Sa là trách nhiệm của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đó chỉ là "bề mặt". Bề trong, quan trọng hơn mà ít ai thấy. Đó là nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã hỗ trợ, bằng nhiều cách về pháp lý, để Trung Quốc có cớ đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ quả của việc này là gì ?

Hiện nay Việt Nam và Trung Quốc đang có những thỏa thuận về việc "khai thác chung" ở các vùng biển "chồng lấn". Ta không biết là vùng "cửa vịnh Bắc Việt" (đang thương thuyết), Việt Nam và Trung Quốc sẽ "hợp tác khai thác" từ đâu đến đâu ? Đây là vùng biển bị "chi phối" bởi hiệu quả của quần đảo Hoàng Sa. Địa điểm giàn khoan HD981 Trung Quốc đặt vào những năm trước, cách giữa bờ biển Việt Nam và đảo Tri Tôn (thuộc Hoàng Sa). Lập luận của Trung Quốc hiển nhiên là vùng đó thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc.

Theo tôi, việc đổ trách nhiệm cho phía này hay phía kia, bằng những thủ thuật "củi đậu nấu đậu", như mớm lời cho ông Hoàng Duy Hùng lên án Việt Nam Cộng Hòa làm mất Hoàng Sa. Hiển nhiên người ta không sập bẫy để cãi chầy cãi cối với một người vừa thiếu hiểu biết, vừa "bụng dạ không ngay thẳng" như ông Hoàng Duy Hùng. Nhưng chắc chắn điều này sẽ không làm nhẹ "gánh" trách nhiệm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nói về những cái khó của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa

Hồ sơ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của việt Nam có 5 cái "khó" :

Thứ nhứt vấn đề "Estoppel" - nguyên tắc không được nói ngược. Các học giả Greg Austin và Thomas Bradford cho rằng công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhìn nhận tuyên bố hải phận 12 hải lý và chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Trong một thời gian dài Việt Nam có những hành vi tuân thủ nội dung tuyên bố của Trung Quốc. Bây giờ Việt Nam không thể "nói ngược".

Thứ hai, vấn đề "Acquiescement". Đặt ra từ học giả Monique Chemillier-Gendreau. Theo học giả này, sự "im lặng" dài lâu cũng như nhiều hành vi của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (như xuất bản sách báo, bản đồ) về Hoàng Sa và Trường Sa khiến cho Việt Nam có thể bị vướng "nguyên tắc Acquiescement", tức nguyên tắc luật học về "đồng thuận". Việt Nam có thể bị mất Hoàng Sa và Trường Sa vì yếu tố này.

Thứ ba, vấn đề hiệu lực các tuyên bố đơn phương - "Déclaration Unilatérale" như Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay các tuyên bố của ông Ung Văn Khiêm, thứ trưởng bộ Ngoại giao, nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa. Theo các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về hiệu quả các Tuyên bố đơn phương, quốc gia ra tuyên bố và có ý muốn tôn trọng tuyên bố đó, thì tuyên bố này có hiệu lực ràng buộc pháp lý.

Thứ tư là vấn đề kế thừa. Đây là nghi vấn của Giáo sư Joële Nguyen Duy Tan : làm thế nào Việt Nam hôm nay có thể "kế thừa" Việt Nam Cộng Hòa khi vẫn cho rằng thực thể chính trị này là "ngụy, tay sai" ?
Thứ năm, vấn đề "liên tục quốc gia".

Các vấn đề về "estoppel", "acquiescement", "Tuyên bố đơn phương"... tôi đã tuần tự đăng bài viết giải thích và đề nghị phương pháp hóa giải. Nhưng còn vấn đề "kế thừa lãnh thổ". Điều này không "bất biến", không thể giải thích tùy tiện, mà tùy thuộc vào "thiện chí" của phe thắng trận cũng như lòng lương thiện của các học giả Việt Nam trong nước. Người ta có thể "kế thừa" một di sản nhưng cũng có thể khước từ kế thừa di sản đó.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã "kế thừa" Hoàng Sa và Trường Sa hay chưa ? và việc "kế thừa" xảy ra như thế nào ?

Trong tài liệu nghiên cứu có tựa đề "Trung Quốc và Việt Nam : Phân tích các Yêu sách chủ quyền đối lập ở Biển Đông" do CNA xuất bản tháng 8 năm 2014, tác giả Raul Peter Pedrozo, viết :

"Vào ngày 30/4/1975, Việt Cộng và quân đội miền Bắc Việt Nam chiếm được Sài Gòn, kết thúc chiến tranh Việt Nam. Năm sau đó, vào ngày 2/7/1976, Cộng hòa Dân chủ Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam (PRG) sáp nhập thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (SRV). Sau khi đất nước thống nhất, SRV thừa kế Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam Cộng hòa/PRG (miền Nam Việt Nam) và tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này".

Tác giả chỉ đơn thuần nói rằng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "kế thừa" Hoàng Sa và Trường Sa từ Việt Nam Cộng Hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà không giải thích kế thừa bằng thủ tục nào ?

Ngay cả học giả Monique Chemillier-Gendreau trong tập "La Souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys" cũng không giải thích về "thủ tục kế thừa" về lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Câu hỏi của học giả Joële Nguyen Duy Tan vẫn còn "bỏ lửng" : làm thế nào để "kế thừa" khi Việt Nam hôm nay vẫn luôn cho rằng Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy" là "tay sai" ?

chuquyen2

Chủ quyền biển đảo Việt Nam - Ảnh minh họa

Thật vậy, nếu ta có theo dõi lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, từ giai đoạn Đại hội toàn quốc lần thứ III tháng 9 năm 1960, cũng như các quan điểm "chính thức" được viết trong các tập "chính sử" xuất bản gần đây, ta thấy Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, tức tiền thân của Cộng hòa miền nam Việt Nam, được thành hình từ Nghị quyết của Hội nghị lần III nói trên.

Quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam từ đó đến nay vẫn không thay đổi : "giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai" và chế độ Việt Nam Cộng Hòa được xem là "Chế độ thực dân và nửa phong kiến là trở lực ngǎn cản sự nghiệp hòa bình, thống nhất của dân tộc ta, là nguồn gốc của mọi nỗi đau đớn, khổ cực của đồng bào ta ở miền Nam. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là : giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng...".

Tập tài liệu này thú nhận Mặt trận giải phóng miền Nam, hoặc là chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đều do đảng viên đảng Lao động lãnh đạo (bây giờ là đảng cộng sản).

Tức là hai chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam "tuy hai mà một", tất cả nhân sự lãnh đạo đều ở chung một Đảng cộng sản Việt Nam.

Cả hai chế độ này có chung quan điểm : Việt Nam Cộng Hòa là tay sai của Mỹ, là "ngụy". Mục tiêu của họ cũng là một : đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào… (sic !).

Sau khi Sài gòn sụp đổ, đại diện Cộng hòa miền Nam Việt Nam là bà Nguyễn Thị Bình có gởi công hàm thông báo đến các tổ chức quốc tế (thuộc Liên Hiệp Quốc) như O.M.S, UNESCO, UIT… Trước "quốc tế", việc "kế thừa" của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đơn giản là việc "đổi tên nước".

Nhưng vấn đề "kế thừa lãnh thổ" không đơn thuần bằng việc "đổi tên nước".

Thực tế cho thấy Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, quân đội giải tán, các cơ quan nhà nước bỏ trống… không hề có sự "chuyển giao quyền lực", dầu là tượng trưng, giữa phe chiến thắng với bên thua trận.

Sau khi chiến thắng, đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xin gia nhập vào một số tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, cùng lúc với Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Việc này tạo thành "hai quốc gia" Việt Nam hiện hữu song song trên trường quốc tế. Hành vi này cũng khẳng định Việt Nam Cộng Hòa "đã từng là một quốc gia độc lập có chủ quyền".

Nếu vậy, hành vi "giải phóng dân tộc" dưới ánh sáng luật quốc tế, đơn thuần trở thành một cuộc "xâm lăng", quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia bằng vũ lực. Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia bại trận, sáp nhập vào lãnh thổ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Không hề có việc "kế thừa lãnh thổ".

Lại càng thêm "khó", khi phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa luôn quan niệm Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy", là "tay sai".

Ngụy là "giả", là không có thật.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa luôn quan niệm Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy", là "tay sai"

Làm thế nào để kế thừa di sản của cái mà mình cho là "giả", là "không có thật" ? Thực tế đã cho thấy, người ta chỉ có thể "cướp" những thứ của "ngụy" chớ không "kế thừa" những gì từ bọn "ngụy".

Trở lại câu hỏi của học giả Joële Nguyen Duy Tan. Làm thế nào để kế thừa lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa từ bọn "ngụy", tay sai ?

Tay sai làm gì có "chính danh" để mà kế thừa "danh nghĩa chủ quyền" ?

Các học giả Việt Nam hiện nay còn quan niệm rằng vấn đề Hoàng Sa "khó" vì do Việt Nam Cộng Hòa "làm mất".

Không ai phản biện rằng Trung Quốc dùng vũ lực xâm lăng lãnh thổ Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Hải quân Việt Nam Cộng Hòa thời đó (tháng Giêng năm 1974) khá quan trọng với một số chiến hạm do Mỹ để lại từ Thế chiến Thứ hai. Nhưng lực lượng hải quân này chỉ được thổi phồng với những con số "hoành tráng", trong khi "hỏa lực" thì đã bị Mỹ tháo gỡ không còn gì. Ngay cả lực lượng không quân, thời điểm đó nhiên liệu không đủ để tập kích các cơ sở của Việt cộng, thì làm gì có thể ra "dội bom" để lấy lại Hoàng Sa ?

Thật dễ dàng cho các học giả đổ thừa Việt Nam Cộng Hòa "làm mất" Hoàng Sa.

Nhưng theo tôi, cái "khó" của vấn đề chủ quyền biển đảo không hề do Việt Nam Cộng Hòa đem lại. Tập quán quốc tế không nhìn nhận việc thụ đắc chủ quyền lãnh thổ bằng vũ lực. Mà khó vì công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng như khó vì học giả Việt Nam không chịu nhìn thấy đâu là sự thật. Việt Nam Cộng Hòa "làm mất" Hoàng Sa là Trung Quốc nhờ sự tiếp tay "đâm sau lưng" của người anh em miền Bắc !

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : facebook, nhantuan.truong, 28/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Nhân Tuấn
Read 703 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)