Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/12/2019

Ai dám giám sát Nhà nước, đừng cứ tự sướng, phát triển làng nghề

Nhiều tác giả

Nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước ?

Tào Minh, VietnamFinance, 25/12/2019

Đó là bình luận của ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) tại hội thảo "Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045" tổ chức sáng 20/3 tại Hà Nội.

thatbai1

Nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước ?’, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nêu câu hỏi.

Mới chỉ có bóng đá trọng dụng nhân tài ngoại quốc

Tại hội thảo này, Trường Sa. Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đã trình bày báo cáo về mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2030. Ông Ngoạn gọi đó là mô hình tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo.

Bình luận ngay sau phần trình bày của Trường Sa. Ngoạn, Giáo sư Võ Đại Lược cho rằng mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã bộc lộ hạn chế nhưng việc chuyển sang mô hình tăng trưởng nào lại là một chuyện khác.

"Theo tôi, điểm quan trọng nhất trong mô hình kinh tế là thể chế. Thể chế của chúng ta hiện nay quá nhiều vấn đề. Một ví dụ, Bộ Tư pháp cho biết có tới 50% văn bản dưới luật trái với luật. Hiện nay, các nhóm lợi ích chi phối rất nhiều, chi phối cả thể chế. Cấp Bộ được soạn nghị định thì các ông giành quyền lợi cho bộ mình chứ không nghĩ đến lợi ích quốc gia".

"Ai làm ra thể chế đấy ? Con người chứ ai. Nhưng hiện giờ mua quán bán chức, chạy chức chạy quyền, trong cơ quan nhà nước ít có người tài nên văn bản soạn thảo ra rất hạn chế. Ví dụ như Luật Đặc khu, chúng tôi đã phản biện nhưng hầu như họ không sửa gì", ông Lược nói.

Ông Lược cho rằng, đã đến lúc nhà nước phải có chiến lược trọng dụng nhân tài một cách thực chất hơn, quyết liệt hơn.

"Trung Quốc có chiến lược trọng dụng nhân tài rất cụ thể. Họ áp dụng chính sách trọng dụng nhân tài của Mỹ, của Singapore, vì thế Hoa kiều có tài về đại lục ngày càng nhiều. Và, họ không chỉ dùng Hoa kiều, họ dùng cả người nước khác. Việt Nam ta mới có chỉ bóng đá dùng huấn luyện viên người Hàn thôi, còn nhiều lĩnh vực khác ta không dùng", ông Lược so sánh.

Bổ sung thêm vào các bình luận của Giáo sư Võ Đại Lược, ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh rằng, thời nào cũng vậy, cải cách được chế độ sở hữu và cơ chế trung gian thì đất nước sẽ trở nên thịnh vượng. Nguyên Bộ trưởng Thương mại cho rằng thể chế hiện đại phải xây dựng được các trụ cột như kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền…

"Anh Ngoạn (Trường Sa. Vũ Viết Ngoạn – PV) nói nhà nước giám sát thất bại của thị trường, vậy ai giám sát thất bại của nhà nước ?", ông Tuyển nêu câu hỏi.

Dịch vụ hay công nghiệp ?

Theo chuyên gia kinh tế, Trường Sa. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng là điều cần thiết, tuy nhiên cần phải tìm đúng động lực tăng trưởng. Ông Nghĩa cho hay, hồi năm 2015, Ngân hàng Thế giới (WB) đã thực hiện một nghiên cứu đối với 81 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Kết quả nghiên cứu chia 81 quốc gia thành 4 nhóm.

- Nhóm 1 (gồm 25% số nước được nghiên cứu) trong khoảng thời gian 12 năm (1991 – 2013) đã tăng gấp đôi GDP. Ở những nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ 2,1%, còn công nghiệp là 0,6%.

- Nhóm 2 (gồm 48% số nước được nghiên cứu) trong 12 năm tăng GDP từ 100 – 200%. Ở những nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 6,5%, công nghiệp là 1,4%.

- Nhóm 3 (gồm 15% số nước được nghiên cứu) trong 12 năm tăng GDP từ 200 – 300%. Ở các nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 19,8%, công nghiệp là 0,7%.

- Nhóm 4 (gồm 10% số nước được nghiên cứu) trong 12 năm tăng GDP trên 300%. Ở các nước này, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 19,8%, công nghiệp là 0,1%.

Tính trung bình 81 nước, thay đổi tỷ trọng đóng góp vào GDP của dịch vụ là 6,2%, công nghiệp là 0,5%.

"Nghiên cứu này cho thấy mô hình tăng trưởng truyền thống, công nghiệp trước - dịch vụ sau, dường như phải xem xét lại. Người ta cho rằng thế giới đang đi vào dịch vụ nhanh hơn nhờ sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và Internet".

Đấy là một gợi ý cho chúng ta khi nói đến động lực tăng trưởng. Tôi nghĩ chỗ nào vốn chảy vào nhiều nhất một cách tự nhiên, chỗ nào lao động tập trung nhiều nhất một cách tự nhiên, ta sẽ tìm động lực chỗ đó".

"Nhà đầu tư cũng vậy, chỗ nào có lợi nhuận thì họ sẽ vào chỗ đó. Và, đó mới là chỗ ta tìm kiếm động lực", ông Nghĩa nói.

Tào Minh

Nguồn : VietnamFinance, 25/12/2019

***************

Đừng cứ tự sướng, hết 'kỳ tích' đến 'thần kỳ'

Nguyễn Văn Mỹ, Một Thế Giới, 28/12/2019

Năm 2019 sắp kết thúc. Nhờ nỗ lực của cả nước, Việt Nam đạt được nhiều thành quả tốt, có thứ ngoài mong đợi.

thatbai2

Thể thao Việt Nam 2019 đại thành công" - Ảnh : minh họa

"Thể thao Việt Nam 2019 đại thành công" – cụm từ mà nhiều tờ báo giật tít. Dù vô địch Seagames lần thứ 6 nhưng bóng đá nữ Việt Nam vẫn lép vế. Bóng đá nam khát vô địch Seagames hơn hạn hán chờ mưa sau 60 năm chờ đợi. Đáng mừng nhất, lần đầu tiên trong lịch sử 60 năm của Seagames, Việt Nam xếp thứ 2 toàn đoàn, chỉ thua nước chủ nhà.

Được thưởng nhiều nhất và tràn ngập thông tin là huy chương vàng bóng đá nam. Tại Seagames lần 1 – 1959 ở Bangkok ; Việt Nam Cộng Hòa, thành viên sáng lập Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, đã hiên ngang đoạt cúp vàng bóng đá nam, sau khi hạ Thái Lan 3 - 1. Tham dự Seagames 15 – 1989, sau 16 năm gián đoạn (1973 – 1989), đoàn Việt Nam khiêm tốn xếp thứ 7/10 nước. Đúng 30 năm nỗ lực với 15 lần đại hội, Việt Nam vươn lên dẫn đầu khu vực.

Những thành tích này rất đáng khích lệ nhưng để nói là "đại thành công" thì hơi quá. Việt Nam mới vô địch bóng đá nam 2 lần, trong khi Thái Lan 15 lần, Myanmar 5 lần, Malaysia 5 lần. Việt Nam mới đứng đầu toàn đoàn lần thứ nhất, còn Thái Lan thống trị mấy chục năm nay. Nếu so sánh với tương quan dân số, thành tích Việt Nam chỉ hơn Indonesia, cùng 2 lần vô địch bóng đá nam nhưng dân số Việt Nam chỉ bằng 1/3.

Du lịch Việt Nam đạt 18.000.000 lượt khách quốc tế ; tăng 16,2% so với năm 2018. Cụm từ "tăng trưởng thần kỳ" được lãnh đạo Bộ chủ quản nhấn mạnh và nhiều tờ báo giật tít. Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, kinh tế khó khăn mà đạt được như vậy rất đáng khen.

Nhưng để gọi là "Thần kỳ" thì không ổn ; vì năm 2017 tăng 29,1% chỉ được gọi là "bứt phá". Năm 2016, du lịch Việt Nam tăng trưởng 24,5% được gọi là "Kỳ tích", dù năm 2015 chỉ tăng 0,9% (chắc phải gọi là "Kỳ cục" ?). Năm 2010, du lịch Việt Nam tăng 34,8% ; cao nhất từ trước đến nay. Gọi thế nào cho hợp lý và hệ thống chứ không thể phán đại. Nếu cứ tự sướng hết "kỳ tích" đến "thần kỳ" thì coi như đã lên đỉnh, cừ tà tà xuống dốc.

Thành tựu của du lịch Việt Nam hiện nay vẫn chưa là gì so với Thái Lan và Malaysia. Dù dân số chỉ 68.000.000 nhưng Thái Lan đón hơn 41.000.000 lượt khách, xếp thứ 9 thế giới về lượng khách nhưng thứ 4 thế giới về tổng doanh thu. Nếu Việt Nam là kỳ tích thì Thái lan phải gọi là "kỳ kỳ kỳ tich" ?

Malaysia, dân số chưa tới 33.000.000 nhưng đón 26.000.000 lượt khách. Du lịch Việt Nam vẫn chưa qua mặt được Singapore, đảo quốc bằng 1/490 diện tích Việt Nam ; dân số 4/10 thành phố Hồ Chí Minh. Thành tích rất đáng tự hào nhưng cả lãnh đạo lẫn truyền thông xứ họ vẫn khiêm tốn, vừa động viện vừa cảnh báo thói thỏa mãn, nhằm thúc đẩy du lịch tiếp tục tăng tốc.

Ngay cả Campuchia và Lào, thua kém Việt Nam nhiều mặt nhưng du lịch thì họ ăn đứt. Dân số Campuchia hơn 16.000.000 nhưng đón trên 7.000.000 lượt khách. Dân số Lào chỉ hơn 7.000.000 nhưng đón trên 5.000.000 lượt khách dù không có biển (số liệu 2019).

Đừng vội chê khách Trung Quốc ồn ào, xấu xí. Khách Việt có khi còn ồn hơn, mà ngành du lịch là ầm ĩ nhất. Cứ vào mấy hội chơ du lịch hay các đoàn famtrip du lịch là bị khủng bố "tiếng ồn" bởi karaoke, lô tô, hoạt náo… Còn xấu xí thì nước nào cũng có người này người khác. Mình là chủ, phải có tâm thế. Khách nào mình cũng chào đón. Ai mang ngoại tệ hợp pháp đến cho đất nước là mình chào mừng, hoan nghênh. Ai vi phạm phong tục hay pháp luật thì xử lý theo luật định ; từ nhắc nhở, cảnh cáo đến trục xuất, thậm chí tống giam tùy mức độ vi phạm.

Năm 2019, hơn 120 triệu khách Trung Quốc du lịch khắp thế giới, chiếm 10% tổng lương khách nhưng chiếm gần 20% tổng doanh thu du lịch toàn cầu. Khách Trung Quốc đến Việt Nam, chỉ hơn 5.000.000, dù Việt Nam có đường biên giới chung dài 1.406 km với hàng chục cửa khẩu quốc tế. Không có biên giới chung nhưng Thái Lan đón hơn 10.000.000 khách Trung Quốc ; cũng không nghe họ kêu ca gì việc quản lý.

Khách Trung Quốc vào Việt Nam không biết chi tiêu gì, vì hàng hóa toàn "Made in China", kể cả hàng lưu niệm. Tour 0 đồng không thể tồn tại nếu không có sự tiếp tay của các doanh nghiệp lẫn quản lý nhà nước Việt Nam. Suy cho cùng, du khách Trung Quốc và cả Hàn quốc trong tour 0 đồng cũng là nạn nhân, bị lừa và trấn lột. Bọn "nối giáo cho giặc" chỉ kiếm chút cháo, còn tất cả lợi nhuận đều vào tay đầu nậu bản xứ. Thiệt hại nhất là đất nước. Không chỉ là tiền bạc vì thất thu thuế, mà còn uy tín ngành bị chà đạp, hình ảnh quốc gia bị méo mó…

Thành tích của thể thao và du lịch Việt Nam trong năm 2019 rất đáng khen nhưng chỉ là bàn đạp cho năm 2020 và những năm tới. Cuộc đua marathon trường kỳ vẫn tiếp tục với những chặng mới. Không ai muốn bị bỏ lại phía sau nên đều nỗ lực, quốc gia nào cũng vậy. Khác nhau ở sự chuẩn bị. Thành tích quá khứ là bàn đạp chứ không phải là gánh nặng. Hãy vứt bỏ để tìm những đỉnh cao khát vọng mới.

Cứ vui mừng nhưng vừa phải, kẻo thiên hạ cười chê.

Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và thua ngày mai. Nhất định thế.

Nguyễn Văn Mỹ

Nguồn : Một Thế Giới, 28/12/2019

******************

Chính sách phát triển làng nghề phải 'gãi đúng chỗ ngứa'

Minh Phúc, Nông Nghiệp, 27/12/2019

Chiều 27/12, Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế làng nghề.

thatbai3

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn. Ảnh : Minh Phúc

Nhiều làng nghề vô tư xả chất thải ra môi trường

Ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Ninh cho rằng, hầu hết các làng nghề hiện nay sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm, vô tư xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tình trạng này diễn ra khắp các làng nghề tại Bắc Ninh như làng nghề Phong Khê, Đa Hội, Mẫn Xá, Đại Bái,...

Để chấm dứt tình trạng này, chúng tôi kiến nghị sự vào cuộc mạnh mẽ và tích cực hơn nữa của chính quyền các cấp và cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an, kiên quyết xử lý hành vi đổ chất thải nguy hại từ một số làng nghề ra môi trường theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chia sẻ, nếu không cẩn thận các làng nghề của Việt Nam sẽ bị hàng hóa của Trung Quốc nhấn chìm. Điển hình như một số làng nghề mộc ở Bắc Ninh, chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng của Trung Quốc, sau khi đưa qua cửa khẩu biên giới, các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng sơn của họ, màu sắc của họ, thương hiệu của họ, chẳng còn dấu vết gì về xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Tiên Du (Bắc Ninh), chỉ rõ nguyên nhân là do "chính sách các tổ chức ín dụng chưa đồng bộ".

Ông lấy ví dụ, giữa các ngân hàng và quỹ bảo lãnh tín dụng chưa phối hợp chặt chẽ, chưa có tiếng nói chung. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp không tự giải quyết được.

Chỉ tính riêng làng nghề gỗ Đồng Kỵ đã có trên 200 doanh nghiệp và hàng nghìn xưởng sản xuất hộ gia đình, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay, thị trường xuất khẩu đang đóng băng khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, một phần đóng cửa, một phần tìm tòi các mẫu mới để phục vụ nhu cầu dân dụng theo xu thế thị trường.

Ông Vũ Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Hưng Long, cho rằng, muốn phát triển doanh nghiệp trong làng nghề gỗ Đồng Kỵ nói riêng và các làng nghề nói chung, thì nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi về giá thuê đất làm mặt bằng nhà xưởng, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.

Chính phủ cần tìm "đúng chỗ ngứa" để "gãi"

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề tại chỗ (thực hành tại xưởng trực tiếp) cho ác học viên là thợ tại làng nghề để giữ nghề, phát triển làng nghề lâu dài.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, làng nghề... cũng đã đặt rất nhiều vấn đề nhức nhối tại các làng nghề của Việt Nam, tranh luận trực tiếp với đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính...

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khẳng định trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước. Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn ; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững…

Các ý kiến tại diễn đàn đã giúp giúp Chính phủ nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế làng nghề một cách hiệu quả, thiết thực. Hay nói cách khác là "gãi đúng chỗ ngứa".

Thời gian tới, trong bối cảnh các điều kiện, môi trường và hoàn cảnh có nhiều thay đổi, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Hiệp hội và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn nắm bắt được các cơ chế chính sách và Pháp luật của Nhà nước.

Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh ; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn của nhân dân.

Minh Phúc

Nguồn : Nông Nghiệp, 27/12/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tào Minh, Nguyễn Văn Mỹ, Minh Phúc
Read 526 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)