Lãnh đạo đảng và chính phủ Việt Nam khi kết thúc năm 2019 và sang năm 2020 đều nêu ra những nhiệm vụ được cho là trọng tâm để đất nước có thể đạt được những chỉ tiêu đề ra, và từ ngữ được các vị lãnh đạo Việt Nam dùng đến là ‘cất cánh bay lên’.
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng ngày 30/12. Nguồn : Báo Chính phủ
Hằng năm điều này từng xảy ra vậy những mục tiêu trọng tâm năm nay có gì đặc biệt so với những năm trước ?
Trọng tâm nêu ra !
Trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào sáng ngày 30/12/2019, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu về phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 đã đề ra 5 mục tiêu trọng tâm.
Cụ thể, 5 nhiệm vụ trọng tâm được ông Trọng nhắc đến bao gồm các lĩnh vực kinh tế ; văn hóa – xã hội ; quốc phòng – an ninh – đối ngoại ; xây dựng đảng về hệ thống chính trị ; và tổ chức đại hội đảng.
Ở lĩnh vực kinh tế, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng cần phải tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sang ngày 1/1/2020, Chính phủ Hà Nội cũng đã ban hành nghị quyết phác thảo các nhiệm vụ và giải pháp chính để hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước và dự toán ngân sách nhà nước vào năm 2020.
Theo đó, sáu điểm chính trong hướng dẫn và quản lý nghị quyết của chính phủ nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; tối ưu hóa các nguồn lực ; tạo ra một môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, cởi mở và tối ưu ; và cải thiện hiệu quả làm luật cũng như hiệu quả quản lý và thực thi pháp luật.
Điểm gì mới ?!
Nhận xét về đường lối kinh tế cho năm 2020 của chính phủ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương cho rằng mong ước phát triển cao của kinh tế Việt Nam là đúng và cần, nhưng với tình hình như đường lối và thể chế hiện nay, những vấn đề phát triển kinh tế sẽ không đi đôi với hai điều :
"Một là sự bảo vệ môi trường, cả môi trường tự nhiên cũng như môi trường xã hội, đặc biệt là môi trường xã hội. Thứ hai là sự minh bạch và có đội ngũ công chức sạch sẽ, lương thiện, liêm khiết để bớt ăn cắp, ăn cướp của dân".
Ông Mai cho rằng đây mới chính là những thách thức lớn mà thể chế hiện nay đang muốn đối phó khi bàn về phát triển, tăng trưởng kinh tế.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế lâu năm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nêu ra một số khác biệt so với các nhiệm vụ được đề ra trước đây :
"Chính phủ kỳ này nhấn mạnh tạo ra sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, cụ thể là bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp tư nhân có các nhóm lợi ích liên hệ quan chức nhà nước các cấp khác nhau. Có thể nhóm này có tiếp cận tốt hơn các dự án đầu tư công, có thể có ưu đãi về mặt đất đi hoặc đơn đặt hàng khác của nhà nước. Như vụ Nhật Cường ở Hà Nội có thấy dấu hiệu sự ưu tiên, ưu đãi với một doanh nghiệp nào đấy".
Các tòa nhà cao tầng nhìn từ phía sông Sài Gòn Reuters
Vẫn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đây là nỗ lực của chính phủ, vấn đề là nỗ lực đó được biến thành hành động thế nào. Ngoài ra, một điểm khác biệt so với những mục tiêu trước đây được ông nhắc đến là :
"Điểm thứ hai cần phải nhấn mạnh là môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có cải thiện và Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm vừa qua có nâng xếp hạng Việt Nam lên 10 bậc, tức 77 lên 67/141 nền kinh tế. Đấy là những tiến bộ đáng ghi nhận nhưng vị trí ấy vẫn đang còn thấp so với các nước khác nên Việt Nam cần cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ hy vọng chính phủ Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc, có sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ những mục tiêu được đề ra để kinh tế Việt Nam có thể phát triển tốt hơn :
"Tôi nghĩ kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển dưới tiềm năng của nó. Nếu cải thiện về thể chế, cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư công thì tôi nghĩ kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7% liên tục trong 1 một số năm. Bằng cách đó Việt Nam hy vọng có thể giảm bớt sự chênh lệch với các nước khác trong khu vực".
Xây dựng Đảng và Đại hội Đảng !
Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong buổi hội thảo ngày 30/12/2019 có chỉ đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục rà soát, xác định rõ và làm đúng, hoàn thành tốt hơn chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước do Hiến định, không trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, không đi quá sâu vào các vấn đề kinh tế - kỹ thuật.
Ngoài ra, Bộ Chính trị chỉ đạo các Tiểu ban khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, tiếp tục hoàn chỉnh các dự thảo gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến trong thời gian tới, sau đó xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội XIII của Đảng.
Cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cùng buổi hội thảo cũng chỉ đạo cần chuẩn bị tốt, thực hiện Chỉ thị 35 về Đại hội Đảng, các cấp chọn người có đức, có tài.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai bày tỏ hoài nghi những nội dung về Đảng mà hai người đứng đầu chính phủ Hà Nội nói tới :
"Hiện nay người ta đang đòi hỏi có sự rành mạch 2 điều. Một là tách đảng ra khỏi vấn đề nhà nước và thực hiện các vai nhà nước của đảng như kiểu các nhà nước dân chủ trên thế giới. Đảng qua phiếu bầu của mình một cách tự do, dân chủ, có sự kiểm soát quốc tế, nếu đảng giành được đa số phiếu thì đảng thành lập chính phủ. Hiện nay không bầu phiếu, bầu cử gì, các ông cứ ngang nhiên chỉ định. Họ đã sửa soạn 200 người để chuẩn bị cho Đại hội XIII và 200 người ấy là 200 người sẽ đứng ra cai trị đất nước này mà không hỏi ý kiến dân. Thế thì cơ sở luật pháp nào mà họ làm như vậy ? Như thế tức là đứng trên đầu luật pháp, có thể nói là sự phi pháp. Nên họ không muốn tam quyền phân lập và không muốn có đạo luật nào để quy định trách nhiệm, vị trí, vai trò, chức năng, phương thức hoạt động của đảng".
Còn theo blogger Nguyễn Ngọc Già, không chỉ những nhiệm vụ về Đảng mà toàn bộ những nhiệm vụ trọng tâm mà ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong buổi hội thảo đều vô giá trị vì không có căn cứ khoa học mà chỉ nói chung chung, cho thấy sự bế tắc nên tất cả phát biểu của họ mang tính mộng du trong nhiều năm :
"Họ không chấp nhận kinh tế thị trường, không chấp nhận tam quyền phân lập, không chấp nhận đa nguyên, vẫn giữ như vậy suốt hàng chục năm qua thì những cái họ gọi là đổi mới, kiến tạo và cởi trói… tất cả chỉ là phù phiếm, không có giá trị về mặt thực tế".
Dưới góc nhìn cá nhân, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai lại cho rằng nếu thực hiện đúng nhiệm vụ ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra có thể có lợi cho đất nước. Tuy nhiên, để có lợi nhất thì cần phải thay đổi đường lối bởi vì :
"Bây giờ rõ ràng chủ nghĩa Mác – Lênin là một oan khiên đối với dân tộc. Ông áp dụng thứ chủ nghĩa mà thế giới phản đối lên án, thực tế áp dụng vào Việt Nam làm cho đất nước, xã hội suy đồi, văn hóa, con người thoái hóa. Cho nên tất cả những điều ông Trọng muốn nói phải đặt trên một tiền đề : thay đổi, thay đổi, thay đổi thể chế hiện nay".
‘Đổi mới’ là từ được các lãnh đạo Việt Nam sử dụng khá nhiều trong những năm qua ; tuy nhiên như trình bày của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai thì đổi thay căn bản, quan trọng nhất để Việt Nam có thể phát triển hết mọi tiềm năng, giảm thiểu mọi thách thức nhằm ‘bay cao, bay xa’ là ‘thể chế’ vẫn bị lãnh đạo Việt Nam lẩn tránh.
Nguồn : RFA, 06/01/2020