Đồng Tâm : Có một huy chương từ nhân dân
Mặc Lâm, VOA, 15/01/2020
Khi lực lượng chính phủ tấn công vào làng Đồng Tâm vào khuya ngày 9/1, người dân khắp nước nghe tin với tâm trạng hoang mang. Nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một vụ cưỡng chế đất bình thường như xưa nay vẫn xảy ra trên khắp mọi miền đất nước nhưng tới khi nghe tin có người chết và nhất là lực lương tấn công cũng có ba công an tử thương thì dư luận vỡ ra những đồn đoán chung quanh những cái chết này. Không ít người cho rằng công an bị người dân Đồng Tâm tấn công khi bị bao vây nhưng nhiều người chứng minh ngược lại khi cho rằng không có người dân nào dám tấn công lực lượng công an đông đào và hùng hậu như vậy ngoại trừ họ bị lâm vào đường cùng như vụ án anh em Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng với "trận đánh đẹp" của Đại tá công an Đỗ Hữu Ca.
Ông Lê Đình Kình. Ảnh minh họa
Cho tới sáng cùng ngày thì người dân bên ngoài Đồng Tâm biết thêm một ít thông tin nhờ… hệ thống Công an. Mọi tờ báo không có tin tức riêng mà được một bản tin do Bộ Công an phát ra và vì vậy người dân lại càng bị bao vây giữa bốn bức tường thông tin. Bất kể lực lượng đông đảo của người sử dụng Facebook chăm chăm vào Đồng Tâm, chính quyền tỏ ra rất cao tay khi phong tỏa mọi con đường vô hình lẫn hữu hình để thâm nhập vào bên trong Đồng Tâm nơi có gần 9.000 người sinh sống và làm việc.
Rồi báo chí được thêm tin từ Bộ Công an cho biết có ba công an tử thương trong trận tấn công này. Tên tuổi của cả ba người được công khai và sáng ngày 11 tức hai ngày sau khi tử thương cả ba được truy thưởng huân chương chiến công hạng nhất từ Chủ tịch nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Công an về việc phong liệt sĩ, truy thăng quân hàm trước thời hạn cho 3 người đã hy sinh.
Ba người được truy tặng Huân chương gồm : đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động) ; trung úy Dương Đức Hoàng Quân (cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô) và thượng úy Phạm Công Huy (cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 3, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an Hà Nội).
Theo thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết quyết định này dựa trên đề xuất của Bộ Công an. Trước hết là truy thăng quân hàm vượt cấp với 3 chiến sĩ. Hai là công nhận 3 người hy sinh là liệt sĩ. Ba là đề nghị truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất. Và bốn là tổ chức lễ tang 3 chiến sĩ theo nghi thức Công an nhân dân tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Cùng lúc đó là cái xác của cụ Lê Đình Kình được cơ quan công an giao trả về cho gia đình.
Khi những cơn sóng bất mãn về các tấm huân chương trao đi thì cái chết của cụ Kình tiếp tục làm chúng trở thành sóng thần, ít ra trên mạng xã hội, hầu như không ai là không biết đến cái tên Lê Đình Kình cùng hình ảnh của ông tràn ngập hệ thống mạng xã hội Việt Nam. Người ta công khai buồn bã, khóc than và nhất là lên án kẻ đã bắn vào ông, một cụ già 84 tuổi đời với 58 tuổi đảng. Một cụ ông minh mẫn đến kỳ lạ, nhớ và kể vanh vách những diễn biến về Đồng Tâm từ bao nhiêu năm qua mà không cần liếc qua một trang giấy nào. Có xem video của ông André Menras khi về chính ngôi nhà của cụ quay lại những gì mà cụ nói người ta khó tin đây là một con người của bạo loạn. Trong từng lời từng chữ, cụ khẳng định việc làm của mình là chống lại bất công, sai trái của những ai cố tình lèo lái vụ Đồng Tâm vào ba chữ "tranh chấp đất". Cụ khẳng định ý đồ của nhiều người chức quyền muốn lấy đất Đồng Tâm vì nó liên quan tới tập đoàn Viettel, nơi từng có một sĩ quan làm việc cho Viettel khẳng định với cụ là đất Đồng Tâm đã được chính quyền huyện Mỹ Đức bán cho tập đoàn này.
Dưới cái nhìn của rất nhiều người quan tâm tới vụ Đồng Tâm thì cụ Lê Đình Kình là một anh hùng thực sự. Anh hùng vì cụ dám đứng ra chống lại cả hệ thống. Vời gần 60 năm sinh hoạt đảng cùng với những chức vụ nhỏ nhất là Chủ tịch Hợp tác xã, rồi Trưởng công an, rồi Bí thư UBND Xã Đồng Tâm cụ Kình không lạ gì tâm ý của đảng trước các vấn nạn gai góc về đất đai. Biết nhưng cụ không sợ hãi, cụ đứng lên trước người dân Đồng Tâm năm lần bảy lượt bị khủng bố, bắt giữ, đánh đập, thương tồn thân xác đến tàn tật nhưng cụ không chùn chân. Đã vậy cụ còn cho phép cả nhà mình từ con đến cháu, quây quần chung quanh cụ như những con chim nhỏ bé núp dưới đôi cánh đại bàng để cùng nhau sống còn với miếng đất của mình và của nhân dân.
Cái chết của cụ kéo theo sự tù tội của con cháu cùng hệ lụy không đếm hết của người dân Đồng Tâm. Có lẽ đây là cái chết của một đảng viên gây thương tổn xã hội nhiều nhất. Nó khiến người dân thương cảm bao nhiêu thì hệ thống đảng lại bị dằn xóc bấy nhiêu. Người đứng trong đảng còn lương tri thì chắt lưỡi tiếc cho một hành động được họ đánh giá là "nông nỗi’. Người có chức phận lên án cụ là kẻ phản động chống đảng… cũng không hiếm người nhanh chóng bị cào vào làn sóng dư luận viên cho rằng cụ bị mua chuộc… Mọi biểu hiện đều cho thấy hình ảnh của cụ không những sẽ biến mất sau cái chết như chính quyền mong đợi mà nó lại bùng lên như ánh đuốc trong đêm tối soi rọi những góc khuất nhất của vụ án Đồng Tâm.
Người dân nhắc tới cụ Kình luôn đi kèm tới lời lẽ không hay về ba công an tử thương trong vụ tấn công Đồng Tâm. Có người nhắc tới như một sự đáng tiếc vì dù sao ba người cũng thi hành công vụ mà chết, có người giận cá chém thớt cho rằng hành vi tấn công nhân dân vào đêm tối sẽ chuốc hậu quả không thể khác hơn, nhưng một luồng dư luận khác lại công phẫn với người ký quyết định trao tặng huân chương mà không để ý tới sự bất mãn của nhân dân trước cái chết của cụ Kình.
Ba cái huân chương này không khác gì là vật hối lộ cho một quyết định nông nỗi. Nó chứng tỏ hành vi chữa cháy, an tâm những người có mặt trong trận càn Đồng Tâm và nhắn nhủ với lực lượng vũ trang rằng dù gì đi nữa thì họ cũng sẽ được đảng bao che nếu họ biết vâng lời đảng.
Cụ Lê Đình Kình là một nỗi đau của đảng vì cụ không vâng lời đảng và vì vậy cụ được nhân dân tôn kính. Không có bất cứ thứ huân chương nào đáng tôn quý bằng những cái cúi đầu thinh lặng tưởng nhớ của người dân. Cụ được người dân cả nước đồng lòng nhớ tới và vì vậy cụ vĩnh viễn là một biểu tượng nhân cách trong thời đại mà sự luồn cúi được tôn vinh trong cả hệ thống.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 15/01/2020
*****************
Đồng Tâm : Khi nào có thể tin được chính quyền ?
Nguyễn Hùng, VOA, 15/01/2020
Cuộc tấn công vào Đồng Tâm được thực hiện vào lúc đêm hôm, internet bị cắt, điện thoại bị phá sóng và các quan sát viên độc lập trong đó có các luật sư của dân Đồng Tâm bị cấm vào làng.
Hình trích xuất từ video trên trang YouTube của Việt Mai Sau.
Hiển nhiên chính quyền đã cố tình dựng lên bức tường ngăn thông tin khách quan lọt ra bên ngoài. Vậy khi nào chúng ta có thể tin vào những gì chính quyền nói ?
Câu trả lời là chúng ta không thể nào tin vào những gì họ nói mà chỉ có thể tin khi có những hình ảnh và video quay lại những gì họ đã làm. Đó là những video phải còn nguyên các dữ liệu về ngày tháng, máy quay nào được sử dụng và những góc quay khác nhau của cùng một sự kiện (1). Đối với video, công cụ mang tên InVID (2) sẽ giúp xác định địa điểm, ngày giờ quay video nếu người ta chưa xóa những thông tin đó đi. Những ảnh không có ngày giờ và địa điểm đều khó có thể kiểm chứng dù không phải là không thể.
Hơn nữa, do chính quyền đã chọn tiến hành cuộc bố ráp vào ban đêm, các hình ảnh quay được, nếu họ có quay, sẽ khó rõ ràng ngoại trừ họ dùng camera đặc biệt.
Cho tới khi có những hình ảnh thu từ những góc độ khác nhau mà chúng ta có thể kiểm chứng, tất cả những gì chính quyền đưa ra chỉ là lời bao biện cho một cuộc tấn công tàn ác nhưng được thực hiện kém cỏi tới mức có ba quân chính phủ thiệt mạng. Ngay cả chi tiết ba cảnh sát thiệt mạng cũng vẫn cần phải có hình ảnh động xác thực mới có thể chứng minh hoàn cảnh họ qua đời.
Trong thời đại 4.0 mà chính quyền Hà Nội đang muốn tận dụng triệt để các lợi thế, việc ghi lại các hình ảnh của cuộc tấn công là chuyện rất dễ dàng. Cũng không loại trừ trường hợp họ đã có những thước phim đó nhưng không thể sử dụng công khai vì chúng bất lợi cho chính quyền.
Tương tự, những lời khai của các thành viên gia đình đảng viên xấu số Lê Đình Kình mà VTV đưa đều vô giá trị. Chỉ có các video quay lại hành động họ làm mới có thể làm bằng chứng.
Các tù nhân Việt Nam từng khai bị cảnh sát đánh đập dã man, thậm chí gí cả roi điện vào dương vật rồi treo ngược họ lên đánh. Để bảo toàn tính mạng, người ta sẽ cứ đọc những gì công an viết sẵn để rồi ra toà sẽ phản cung. Có những người nhận tội giết người trong quá trình điều tra và bị ở tù nhiều năm nhưông Nguyễn Thanh Chấn dù có phản cung về sau này. Nhiều trường hợp được cho là "tự tử" ngay trong quá trình tạm giam, có những trường hợp còn được cho là tự đút tay vào ổ điện để tự sát.
Chuyện những người bị bắt ở Đồng Tâm có gương mặt thâm tím khi lên truyền hình cũng có thể là sự cố tình của phía công an và những người làm tuyên giáo hòng làm hả dạ bộ phận dân chúng bực tức vì chính quyền kém cỏi khi để ba cảnh sát thiệt mạng.
Những người làm tuyên giáo cũng dùng tiểu xảo để đánh lừa dư luận một cách tinh vi. Chẳng hạn họ dùng một đoạn video mà người dân kể lại kế hoạch bảo vệ Đồng Tâm hồi năm 2017 để nói rằng đó là âm mưu họ sẽ thực hiện trong năm 2020.
Đoạn từ giây thứ 44 trong video của VTV1 có tại đường dẫn này (3) chính là đoạn phỏng vấn ông Bùi Viết Hiểu đã có trên YouTube ài 52’36" (4) nhân kỷ niệm hai năm diễn biến ông Lê Đình Kình vô cớ bị đánh gãy chân khiến dân làng bắt giữ một nhóm cảnh sát. Ông Hiểu, người là cánh tay phải của ông Lê Đình Kình, được cho là hiện vẫn đang nằm tại Bệnh viện Quân y 103 nhưng gia đình không được phép vào thăm. Trong lần ông Kình bị đánh què chân, ông Hiểu cũng bị bắt dẫn ra xe công an nhưng vùng chạy thoát.
Để hình dung ra đôi chút cách lực lượng cảnh sát cơ động đối xử với ông Lê Đình Kình ra sao vào lúc mờ tối ngày 9/1, hãy nghe chính ông kể lại lần đầu họ tẩn ông hồi tháng 4/2017 sau khi lừa ông ra khỏi làng :
"Khi đến đấy một cái là một anh cảnh sát cơ động nhưng họ toàn mặc quần bò áo thun đen…, một anh nhảy xuống, đứng vào cái góc tường ở đấy và nổ hai băng đạn chỉ thiên và ngay lúc đó là Trần Thanh Tùng đá tôi một cái, Trần Thanh Tùng đứng đằng sau tôi, mà Trần Thanh Tùng là về công tác tại xã Đồng Tâm này nhiều lần rồi, mà ngay hôm đấy và cách đấy mấy hôm vẫn gặp tôi, vẫn cứ làm việc.
"Đá tôi một cái tung lên và trôi một mét rưỡi. Cái đá của một công an mà họ đang sung sức thì có thể nói nó là một cái đá mà mục đích là tiêu diệt mình cho nên một cái đá họ không thương tiếc. Thì tôi tung lên một cái rồi ngã ngửa, đập đầu xuống đường bê tông nhưng mà hôm ấy tôi đội mũ bảo hiểm. Nếu không đội mũ bảo hiểm thì hôm ấy có thể vỡ đầu ngay tại chỗ ấy, và chết ngay tại chỗ ấy.
"Thế sau đó là ba anh cảnh sát, thì một anh tức là nó nổ chỉ thiên để nó nhảy lên sau, còn hai anh nó ẩn cái đít xe lên thì mỗi anh đứng một bên nó cầm một chân một tay tôi nó tung lên như một con vật, tung lên xe…
"Khi lên, thì tôi biết là gãy chân tôi rồi, thì tôi xin lỗi tôi chửi một câu "ĐCM chúng mày, chúng mày đá gãy chân bố mày rồi" thế thì lập tức lấy tay, còng tay số tám tôi và lấy giẻ đút nút chặt vào mồm tôi và lấy một mũ len ba lỗ kéo kín mít thế này".
Lần này ông Lê Đình Kình, vẫn còn là đảng viên vào rạng sáng ngày 9/1, đã bị những viên đạn găm thẳng vào người. Ông cũng không còn có thể mô tả lại được họ đã giết ông ra sao và tất cả những nhân chứng đang nằm trong tay của những người giết ông. Sự thật về những gì diễn ra sáng hôm đó có thể sẽ không bao giờ được biết tới vì không loại trừ khả năng những người chứng kiến sẽ bị kết án tử hình.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 15/01/2020
(1) Để kiểm chứng ảnh, người ta chỉ việc tải lên trang http://fotoforensics.com/ và lấy thông tin kỹ thuật của ảnh.
(2) http://bit.ly/kiem_tra_video
(3) http://bit.ly/vtv_tieu_xao
(4) http://bit.ly/dong_tam_2017
********************
Đồng Tâm : Tổ chức ‘học tập’ nhưng để sót… anh hùng
Trân Văn, VOA, 15/01/2020
Bộ Công an Việt Nam vừa "trang trọng phát động trong toàn lực lượng Công an nhân dân phong trào học tập tấm gương dũng cảm hy sinh của Đại tá - liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy - liệt sĩ Phạm Công Huy, Thượng úy - liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân vì kỷ cương phép nước, vì bình yên cuộc sống của nhân dân đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội" (1).
Lễ tang ông Lê Đình Kình, thiệt mạng trong vụ cảnh sát đột kích vào Đồng Tâm, diễn ra hôm 13/1/2020.
"Phong trào học tập tấm gương dũng cảm hy sinh" được phát động cùng lúc với việc một Trung tướng là thứ trưởng Bộ Công an, khai báo lại với công chúng, cả ba liệt sĩ tử nạn do rớt xuống "hố kỹ thuật sâu bốn mét" khi công an nhân dân đột kích vào tư gia cụ Lê Đình Kình lúc rạng sáng 9/1.
Do phản ứng dữ dội của công chúng, từ khi phát lệnh tấn công đến nay, Bộ Công an đã nhiều lần phải thay đổi "lời khai". Song "lời khai" nào cũng có nhiều điểm phi lý, không thể che đậy được sự càn rỡ của lực lượng bảo vệ - thi hành pháp luật và Bộ Công an càng tỏ ra "thành khẩn" thì càng bộc lộ nhiều điểm đáng ngờ, nên công chúng vẫn tiếp tục "tra khảo" hệ thống công quyền bằng vô số thắc mắc.
Cứ quan sát mạng xã hội, các diễn đàn điện tử và những website Việt ngữ, dẫu vô tâm cũng có thể nhận ra ngay lập tức, công chúng nghĩ gì về công an Việt Nam, muốn gì trong điều tra về cuộc tấn công vào làng Hoành ? Chắc chắn những thông tin, nhận định ấy tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức và sẽ chi phối hành động của cán bộ, chiến sĩ công an khi "thi hành công vụ" trong tương lai.
Do vậy, có thể hiểu tại sao Bộ Công an Việt Nam "trang trọng phát động" việc "học tập tấm gương dũng cảm hy sinh" của ba sĩ quan công an đã tử nạn khi tấn công vào thôn Hoành "trong toàn lực lượng Công an nhân dân" ! Tuy nhiên với những gì đã xảy ra, đặc biệt là khi nhân tâm, dân ý như đã thấy, chẳng ai dám khẳng định nỗ lực này có thể giúp "phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân" hay không ?
***
Cứ cho là Bộ Công an thành thật khi khai báo về cuộc bao vây xã Đồng Tâm, tấn công vào thôn Hoành… Cứ cho là quan điểm về "chiến công" của công an nhân dân nói riêng, lực lượng vũ trang của Việt Nam nói chung, tuy khác hẳn thiên hạ nhưng vẫn hết sức đúng đắn, thành ra ba sĩ quan công an đã tử nạn do "rơi" xuống "hố kỹ thuật sâu bốn mét", thật sự xứng đáng với "Huân chương Chiến công Hạng nhất"…
Cứ cho là dù có đến ba sĩ quan công an cùng tử nạn trong cuộc đột kích vào một khu dân cư mà "kẻ thù" chỉ vũ trang bằng những vũ khí thô sơ như Bộ Công an đã trưng bày dưới dạng "chiến lợi phẩm, song kế hoạch tác chiến, khả năng chỉ huy thực hiện kế hoạch vẫn "hoàn hảo" (nói theo kiểu "Công an nhân dân" là có thể viết thành "sách") và không cần tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, truy cứu trách nhiệm vì để xảy ra tử thương…
Thì nỗ lực xiển dương chính mình của Bộ Công an vẫn còn có… sơ sót đáng kể !
Ai hoặc những ai đã vượt qua được… "hố kỹ thuật sâu bốn mét", lọt vào tư gia "đối tượng Lê Đình Kình" đập gãy chân, bắn xuyên tim, vô hiệu hóa "đối tượng" 84 tuổi và tàn tật này ? Ai hoặc những ai vừa "dũng cảm" xông đến, vừa "khéo léo" gỡ được trái lựu đạn mà theo hình ảnh Bộ Công an từng công bố về "chiến lợi phẩm", rõ ràng đã bị rút chốt, cần bẩy có thể bật ra bất kỳ lúc nào rồi phát nổ (2) ?
So với ba sĩ quan công an đã "anh dũng hy sinh", đã được tặng "Huân chương Chiến công Hạng nhất", giờ đang được Bộ Công an xem là những "tấm gương" để "toàn bộ lực lượng Công an nhân dân học tập", rõ ràng những cá nhân trực tiếp "tiêu diệt" cụ Lê Đình Kình xứng đáng hơn nhiều cả về… kỹ năng tác chiến, lẫn sự… dũng cảm và hiệu quả khi "làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại thôn Hoành".
Tại sao Bộ Công an lại phớt lờ, không những không tặng gì cho cá nhân hoặc những cá nhân này mà còn không tổ chức cho "toàn bộ lực lượng Công an nhân dân học tập" ?
***
Nhìn một cách tổng quát, "Phong trào học tập tấm gương dũng cảm hy sinh" của ba sĩ quan công an tử nạn khi tấn công vào thôn Hoành mà Bộ Công an vừa "trang trọng phát động" chính là một… cú hích, buộc công chúng phải chú ý, thúc họ chất vấn mạnh mẽ hơn : Tại sao lại giết cụ Kình ? Tại sao không điều tra và trả lời một cách rạch ròi, "tiêu diệt" cụ Kình là chính đáng hay lạm sát để răn đe ?
Ông Trần Hữu Dũng, người tổ chức và điều hành website viet-studies.net (chuyên lựa chọn, giới thiệu những thông tin, ý kiến đáng chú ý đến Việt Nam) đã dẫn tin "Phát động phong trào học tập tấm gương anh dũng hy sinh của 3 cán bộ, chiến sĩ trong quá trình làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm" từ trang web của Bộ Công an, kèm thắc mắc như một tiếng thở dài : Bạn không tin vào mắt mình ư ? Bạn vẫn tưởng sự độc ác và ngu xuẩn là có đáy ?
Chắc chắn ông Dũng không đơn độc, có nhiều người cũng thắc mắc và thở dài như thế nhưng chẳng lẽ lại tiếp tục thắc mắc và thở dài rồi… thôi ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/01/2020
Chú thích :
************************
Khi công dân tra khảo công an : Vài ngày có một lời khai mới
Trân Văn, VOA, VOA, 15/01/2020
Lời khai của Trung tướng Lương Tam Quang hôm 14/1 đã phủ nhận lời khai của Thiếu tướng Tô Ân Xô hôm 10/1. Trước đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã từng phủ nhận thông báo của Bộ Công an hôm 9/1.
Trung tướng, thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang.
Sáng 9/1, Bộ Công an thông báo, vừa có một số "đối tượng chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng xây dựng hàng rào bảo vệ sân bay Miếu Môn khiến ba cán bộ chiến sĩ công an hy sinh (1)…
Ngày hôm sau, ông tướng một sao là Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an, khai rằng, chuyện không xảy ra ở công trường xây dựng sân bay Miếu Môn, công an trấn áp làng Hoành vì "tổ công tác đi vào làng" thì bị tấn công bằng "lựu đạn, bom xăng, dao phóng", khiến "ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh" (2). Lời khai ấy rõ ràng bất lợi cho Bộ Công an, ít nhất nó cũng chứng tỏ Bộ công an "khai báo gian dối" !
Tuy nhiên mới đây, ông tướng hai sao, chức vụ cao hơn (Thứ trưởng Bộ Công an), tiếp tục khai lại, lời khai còn nguy hại hơn lời khai của tướng Xô : Không có "tổ công tác" nào đi vào làng Hoành mà ngược lại, làng Hoành bị các "tổ công tác" bao vây bởi rất nhiều "chốt". Cuộc tấn công vào làng Hoành xảy ra vì "chốt 16" bị "ném lựu đạn", khiến "lực lượng chức năng phải tiến hành các biện pháp cần thiết".
Cứ như lời tướng Quang thì dù đã khai lại, thành khẩn hơn so với Bộ Công an, tướng Xô vẫn còn gian dối" : "Ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh" không phải vì "lựu đạn, bom xăng, dao phóng" mà do cùng té xuống "hố kỹ thuật". Tướng Quang cũng chính thức xác định, "lời khai" của nhiều cá nhân, nhóm ủng hộ công an, bảo vệ đảng về chuyện các đối tượng chống đối đào hầm, cắm chông, bẫy các cán bộ, chiến sĩ công an là… thất thiệt (2).
Tại sao Bộ Công an, Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an, thứ trưởng Công an liên tục thay đổi lời khai ? Ai cũng thấy đó là vì phản ứng dữ dội của công chúng. Những thắc mắc, nhận định về hàng loạt yếu tố phi lý trong các lời khai của Bộ Công an và đại diện cho bộ này, rồi những thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ tấn công mà Bộ Công an không thể ngăn chặn đã buộc Bộ Công an phải khai đi, khai lại !
***
Tuy tướng Quang đã… thành khẩn hơn nhưng cuộc tấn công vào lành Hoành lúc rạng sáng 9/1 vẫn còn nhiều thắc mắc mà công chúng đã truy vấn vẫn chưa được trả lời : Tại sao lại bao vây một xã khi dân chúng trong xã chỉ thắc mắc – khiếu nại đòi giải quyết thỏa đáng việc thu hồi đất ? Luật pháp Việt Nam có cho phép hệ thống công quyền tùy tiện cắt điện, cắt dịch vụ điện thoại, Internet, phá sóng, cấm đi lại, kể cả buộc trẻ con phải nghỉ học để gây áp lực lên những cá nhân và cộng đồng có cá nhân thắc mắc – khiếu nại hay không ? Luật pháp Việt Nam có cho phép sử dụng các đơn vị tinh nhuệ tấn công vào một khu dân cư, nơi cư trú của công dân lúc rạng sáng ?
Vì sao Bộ Công an hết sức lập lờ về sự "hi sinh" của "ba cán bộ, chiến sĩ công an". Ban đầu, cố tình dẫn dắt công chúng, khiến họ ngộ nhận rằng cả ba thiệt mạng vì "lựu đạn, bom xăng, dao phóng", giờ mới thừa nhận nhận cả ba thiệt mạng do cùng té xuống "hố kỹ thuật" sâu bốn mét. Kế hoạch tác chiến đã được soạn thảo như thế nào để ba sĩ quan cùng thiệt mạng do "té" xuống "hố kỹ thuật" ? Ai lập, ai phê duyệt kế hoạch tác chiến và có truy cứu trách nhiệm những cá nhân này với tình tiết tăng nặng là vi phạm pháp luật (tổ chức tấn công ngoài khung thời gian luật định), trở thành nguyên nhân (trời tối) gây hậu quả nghiêm trọng hay không ?
Khi lời khai của Bộ Công an hết sức bất nhất, chứng tỏ Bộ Công an thiếu trung thực khi khai báo với công chúng về cuộc tấn công làng Hoành, tại sao không tổ chức điều tra riêng để xác định : Có thực là các đối tượng chống đối đã sử dụng lựu đạn, đổ xăng thiêu sống cùng lúc "ba cán bộ, chiến sĩ công an" hay không ? Vào lúc đó, hàng ngàn "cán bộ, chiến sĩ công an" khác đang ở đâu để các đối tượng chống đối có thể thực hiện hành vi phạm tội ? Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (có hiệu lực từ tháng 7/2018) cấm nổ súng vào người già trừ trường hợp sự chống trả của họ đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác (4).
Không ai tin cụ Lê Đình Kình đã tử thương mà còn có thể nắm chặt trong tay một trái lựu đạn rút sẵn chốt để công an thu giữ như bằng chứng "chống trả" vì trái với lẽ tự nhiên. Ai sẽ trưng cầu, ai sẽ giám định thực – hư ? Ai sẽ tổ chức điều tra xem ai hoặc những ai nổ súng vào cụ Kình ? Qui định nào của luật pháp Việt Nam cho phép công an thay mặt hệ thống bảo vệ pháp luật tước đoạt sinh mạng của một công dân, chỉ vì công dân đó bị cáo buộc là "cầm đầu một nhóm chống đối" ? Khi đã xác định tình tiết "cụ Kình chết mà còn có thể nắm cứng một trái lựu đạn đã rút chốt nên lựu đạn không nổ", ai sẽ xem xét, truy cứu trách nhiệm những cá nhân tham gia vào việc che đậy hành vi giết cụ Kình ?
***
Cho dù một số cá nhân, nhóm chủ động "giải độc dư luận" ngay sau khi Bộ Công an tấn công vào làng Hoành, dẫu các đợt tấn công vào một số trang facebook, tài khoản trên YouTube, diễn đàn điện tử, website,… cung cấp thông tin, hình ảnh, ý kiến trái với "quan điểm chính thống" hết sức dữ dội, thậm chí hệ thống công quyền Việt Nam còn bắt ngay – thông báo lập tức về việc tạm giữ hình sự ông Chung Hoàng Chương vì "đăng nhiều bài viết mang tính chất xuyên tạc, làm mất uy tín của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang trong vụ ‘chống người thi hành công vụ’ xảy ra tại xã Đồng Tâm" nhằm răn đe công chúng (5) nhưng áp lực từ dư luận vẫn tiếp tục tăng.
Chính áp lực có tính chất tra khảo đó đã buộc Bộ Công an nói riêng và chính quyền Việt Nam nói chung phải liên tục phân bua và cứ vài ngày, Bộ Công an lại khai thêm một tình tiết mới. Đây có lẽ là lần đầu tiên hệ thống công quyền Việt Nam bị động đến như vậy. Chẳng riêng Bộ Công an, Bộ Thông tin và truyền thông cũng hết sức vất vả và có thể vì thế mà nổi đóa, công khai chỉ trích Facebook "phản ứng rất chậm, quan liêu, tự làm theo ý mình" nên hiệu quả "ngăn chặn, gỡ bỏ"…. rất thấp. Trong mắt Bộ Thông tin và truyền thông, chỉ có Google và YouTube đủ thiện chí "rút ngắn thời gian xử lý khi nhà nước Việt Nam gửi yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm" (6) !
Ít nhất là từ trung tuần tháng này đến nay, cả Facebook lẫn YouTube, Google… đang phải đối diện với áp lực tăng vọt từ chính quyền Việt Nam lẫn khách hàng. Chắc chắn những doanh nghiệp này đã nhận ra, chính quyền Việt Nam có quan hệ mật thiết với vô số báo cáo láo khiến họ phải đóng hay xóa nhiều trang facebook, nhiều tài khoản trên YouTube,… và phải xử lý vô số khiếu nại.
Chính quyền Việt Nam có thể dùng "lợi" để thúc ép những doanh nghiệp như Facebook, YouTube, Google nhưng những doanh nghiệp này không thể vì "lợi" mà vứt bỏ các giá trị phổ quát vốn đã được các xứ sở văn minh sử dụng luật pháp để bảo vệ. Người Việt cả trong lẫn ngoài Việt Nam có thể yêu cầu các tổ chức quốc tế, các chính khách ở nhiều quốc gia hỗ trợ nỗ lực tra khảo công an, tìm kiếm công lý cho đồng bào của mình.
Chưa kể những cam kết trong nhiều hiệp định thương mại tự do mà chính quyền Việt Nam từng ký kết không chỉ hạn chế đáng kể khả năng "trừng phạt" những doanh nghiệp như Facebook, YouTube, Google mà còn có thể đẩy chính quyền Việt Nam vào vị thế hết sức bất lợi do không tôn trọng những nguyên tắc mà Việt Nam cam kết sẽ thực thi để không gây tổn hại cho bất kỳ doanh nghiệp nào của các bên có liên quan.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 15/01/2020
Chú thích :
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/ba-chien-sy-cong-an-hy-sinh-o-dong-tam-1169993.html
(2) https://tuoitre.vn/khoi-to-vu-an-voi-3-toi-danh-xay-ra-tai-xa-dong-tam-20200110160836281.htm
(3) https://news.zing.vn/vu-viec-khien-3-canh-sat-hy-sinh-o-dong-tam-dien-ra-the-nao-post1035946.html
*******************
Từ Đồng Tâm nhìn tới tương lai của Đảng cộng sản Việt Nam
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 13/01/2020
Theo báo chí trong nước - xung đột tại Đồng Tâm - do người dân sở tại chống đối đường lối chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam và pháp luật của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về sở hữu đất đai, kéo dài từ nhiều năm.
Bức ảnh cụ Lê Đình Kình chụp chung với gia đình - Ảnh minh họa
Cho đến ngày 15/4/2017, dân làng Đồng Tâm đã bắt giữ 38 cảnh sát cơ động để đòi hỏi yêu sách của họ phải được đáp ứng.
Cuộc xung đột tiếp diễn với quy mô lớn và khốc liệt gấp nhiều lần, dẫn đến 3 viên công an tử vong vào hôm 9/1/2020
Đảng cộng sản Việt Nam cùng nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng huân chương chiến công hạng nhất và cấp bằng "Tổ quốc ghi công" cho 3 viên công an dưới đây :
1. Nguyễn Huy Thịnh - Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô - E22.
2. Dương Đức Hoàng Quân - Công an viên Trung đoàn cảnh sát cơ động Thủ đô - E22.
3. Phạm Công Huy - Công an viên Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ số 3 Công an thành phố Hà Nội.
"Thủ lĩnh và linh hồn" cùng những khuất tất
So với tất cả các vụ tranh chấp đất từ : Thủ Thiêm, Văn Giang, Cồn Dầu, Vườn Rau Lộc Hưng v.v... cho đến Đoàn Văn Vươn [1], Đặng Ngọc Viết [2], Đặng Văn Hiến [3] v.v... những người liên quan đến "vụ chống đối" tại Đồng Tâm được xem là "tội phạm đặc biệt nghiêm trọng" - khái niệm đã được "pháp luật hóa" trong Bộ luật hình sự, bởi vụ án Đồng Tâm đã được khởi tố với 3 tội danh : "Giết người" - điều 123, "Tàng trữ vũ khí trái phép" - điều 306, "Chống người thi hành công vụ" - điều 330, trong đó tội "Giết người" có thể bị kết án lên đến mức tử hình.
Đã có 30 người dân làng Đồng Tâm bị bắt giam trong ngày 9/1/2020, theo thông tin từ các báo trong nước.
Đụng độ tại Đồng Tâm, tính cho đến nay, về phía dân làng, đã làm ông Lê Đình Kình thiệt mạng.
Biến loạn tại Đồng Tâm xảy ra ngày 9/1/2020 - Một phần của tình trạng nhà nước dai dẳng tranh chấp đất với dân - có thể nói, nó diễn ra như chưa từng được biết đến suốt chiều dài liên tục 45 năm, tính từ 1975 với nhân vật Lê Đình Kình được xem là "thủ lĩnh và linh hồn" của dân làng.
Đông đảo người dân dễ dàng tìm thấy hình ảnh như vậy từ wikipedia trích yếu lý lịch [5] :
Ông Lê Đình Kình sinh năm 1936 cư ngụ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, ngoại thành thành phố Hà Nội ; là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, nhiều năm là lãnh đạo xã Đồng Tâm ; từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã, Trưởng Công an xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm vào những năm 1980.
Sau khi nghỉ hưu, với bề dày tham gia cách mạng cùng uy tín lâu năm trong làng, ông Lê Đình Kình trở thành người có ảnh hưởng rất lớn tại xã Đồng Tâm.
Trang kiemsat.vn phát hành ngày 2/5/2017 với tựa đề "Thôn Hoành hồ hỡi đón cụ Lê Đình Kình trở về" [6]. Trong bài báo, ngoài những lời trân trọng, còn có hình ảnh dân làng rất đông đảo cùng phấn khởi chào đón Lê Đình Kình xuất viện, sau khi ông tạm bình phục từ việc xương đùi bị gãy trong cuộc xô xát ngày 15/4/2017.
Ông Lê Đình Kình cũng được tặng huy hiệu 60 năm tuổi đảng- trang kiemsat.vn cho biết thêm.
Từ năm 2013, ông Kình tham gia "Tổ đồng thuận" của nhân dân xã Đồng Tâm đại diện cho họ gửi đơn thư khiếu kiện về đất đai.
So với tất cả địa phương khác, việc đòi hỏi và bảo vệ quyền sở hữu đất đai của người dân Đồng Tâm trở thành một tổ chức tự phát mà báo Người Lao Động đưa tin rằng, Tô Ân Xô - Chánh Văn Phòng Bộ Công An nói với báo giới [7] : "Lời khai của một số đối tượng bị bắt xác nhận ông Kình là người cầm đầu, chủ mưu các hoạt động chống đối chính quyền, vi phạm pháp luật trong vụ việc tại Đồng Tâm".
Tuy nhiên, đông đảo người theo dõi lấy làm lạ về khái niệm "người cầm đầu" sẽ được hiểu ra sao với một ông già 84 tuổi cùng đôi chân tập tễnh, ở tại giường ngủ trong phòng riêng "điều binh khiển tướng" như thế nào vào lúc bóng đêm vẫn còn đặc quánh phủ trùm xung quanh mảnh đất hơn 50 hecta với toàn bộ đường internet tại đó bị khống chế ?
Sự nghi ngờ về vai trò "người cầm đầu" càng tăng lên gấp bội, khi báo giới khẳng định, xác của ông Lê Đình Kình được phía Công an Hà Nội trả về cho gia đình để mai táng mà cái xác đó đủ sức ám ảnh tất cả những ai nhìn qua với phát đạn ngay tim và đường mổ suốt chiều dài từ yết hầu cho đến rốn ?!
Ông Kình chết tại nhà, tại địa điểm nào đó trong làng Đồng Tâm hay tại nơi bị bắt giam của Công an Hà Nội ? Dù chưa thể xác định tại đâu, nhưng điều không thể chối cãi - bởi do chính phía Công an Hà Nội xác nhận - họ "làm chủ" cái xác, trước khi trao trả cho gia đình Lê Đình Kình - "người cầm đầu" (!).
Báo Vietnamnet cũng cho hay [8] : "Theo báo cáo của Công an thành phố Hà Nội, khi khám nghiệm tử thi, trên tay của ông Lê Đình Kình cầm giữ quả lựu đạn".
Tại sao cần phải có một đường mổ thật dài như vậy để làm gì ? Nếu đó là giám định pháp y thì biên bản là điều bắt buộc phải có, nhưng người ta không nhìn thấy được trao cho gia đình "người cầm đầu" ? Ông Kình chết vào lúc mấy giờ ?
Ông Kình "cầm quả lựu đạn" (nếu là thật) chưa kịp giật chốt và ném về phía công an - điều này vô hình chung, đã xác nhận phát đạn ngay tim được bắn ra ngay trong phòng ngủ của ông là đúng. Một câu hỏi cũng cần đặt ra, ai đã cung cấp quả lựu đạn mà ông Kình bị cho là "cầm trên tay" ?
Một thông tin có liên quan mật thiết về vụ công an Hà Nội tấn công làng Đồng Tâm : Số lượng gọi là "vũ khí" của người dân - do các trang báo trong nước đưa lên - lại không nhìn thấy bất cứ một cây súng nào, dù bất kể đó là loại súng gì - Làm sao có thể phản công phía công an lăm lăm trong tay toàn là võ khí chuyên nghiệp ?
Sinh thời, những lời nói của ông Lê Đình Kình mang đậm nét của những đại quan liêm chính xa xưa, như : Chu Văn An với "Thất Trảm Sớ" hay La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp được vua Quang Trung nhiều lần vời ra giúp nước.
Dáng vóc của ông Lê Đình Kình với chòm râu bạc làm người ta nhớ lại hai câu thơ của Tố Hữu :
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi giữa lối mòn
Có lẽ vì thế, trên mạng xã hội cho biết, sáng ngày 13/1/2020, toàn bộ người làng Đồng Tâm đều thắt khăn tang để tiễn đưa ông Lê Đình Kình cùng với nhiều người ở các làng kế cận và cả từ phương xa.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - khởi thủy từ Hồ Chí Minh "lập quốc" - vẫn là một nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu đậm chất phong kiến thời kỳ suy tàn kéo dài mãi đến tận bây giờ, với khao khát "Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020" đã hoàn toàn phá sản - Là bằng chứng khó thể chối cãi, dành cho người cộng sản Việt Nam khi họ vẫn cứ khăng khăng con đường "công nghiệp hóa - hiện đại hóa" !
Dù Hồ Chí Minh đã khuất hơn 50 năm, nhưng "sùng bái cá nhân" vẫn chiếm một vị trí rất đáng kể trong xã hội hiện nay. Đặc biệt, qua "vụ án Đồng Tâm", khái niệm này càng đậm nét, bởi nguyên nhân quan trọng nhất : Người dân Việt Nam không còn chỗ nào bám víu vào niềm tin công lý ngoài những "lãnh đạo tinh thần" như ông Lê Đình Kình - đã được gọi tên "Anh Hùng". Đó là thực tế rất cần một cuộc điều tra xã hội học cho người dân mất đất nói riêng và toàn dân Việt Nam nói chung.
Có lẽ hình ảnh và hành động của ông Lê Đình Kình sẽ buộc rất nhiều người, trong đó nhất là người cộng sản Việt Nam phải "đau đầu" trong những ngày tháng trước mắt, bởi sự rầm rộ của dư luận trong và ngoài nước thuộc vào bậc nhất của những người dân mất đất tính từ 45 năm qua.
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam mất kiểm soát ?!
Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc đánh úp làng Đồng Tâm vào đêm hôm khuya khoắt là một việc làm không chính danh của "nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Thật vậy, Luật Đất đai đã nêu rõ tại :
Điều 70. Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc
1. Nguyên tắc cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc :
a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật ;
b) Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Như vậy, việc công an Hà Nội huy động lực lượng vũ trang tấn công vào làng Đồng Tâm hoàn toàn sai trái, dù có được biện minh với động từ "cưỡng chế". Đây là hành vi mất kiểm soát đầu tiên của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Đài RFA vào hôm 11/1/2020 cho hay [9] Bộ Thông tin và truyền thông đã mất hết kiên nhẫn với tập đoàn Facebook, khi "làn sóng ngày biến động dữ dội" về cuộc tấn công của công an Hà Nội vào làng Đồng Tâm lan truyền trên mạng facebook khiến cộng đồng mạng có nguy cơ chìm lỉm từ thông tin vô số chiều, trong đó "giới hăng hái và quyết tâm bảo vệ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bằng mọi giá" bỗng nhiều đến mức như "đội quân bóng đêm" trong bộ phim "Xác ướp Ai Cập" tràn về che khuất cả "Mặt trời đang tỏa sáng ở Việt Nam" - Nguyễn Phú Trọng - người ký truy tặng huân chương cho ba vị gọi là "liệt sĩ - tự hào vô kể về hình ảnh tươi sáng như thế (!). Vì vậy, thái độ mất hết kiên nhẫn của Nguyễn Mạnh Hùng là hành vi mất kiểm soát thứ hai cần nêu ra trong "vụ án Đồng Tâm".
Rất nhanh nhảu với việc truy tặng huân chương và bằng "Tổ quốc ghi công" là hành vi mất kiểm soát thứ ba cần nêu ra. Bởi, Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư nói rằng : "khi sang Châu Âu 10 năm sau Liên Xô sụp đổ, nghe các phương tiện thông tin đại chúng ở đây nói về sự kiện này như một ngày hội, ông đã rất đau xót. "Mình nghĩ lại làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy" - báo Thanh Niên đưa tin [10] vào ngày 25/12/2019.
Cũng theo báo Thanh Niên nói trên, Trần Quốc Vượng cho biết thêm : "vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ, do đó, cần hết sức chú ý công tác nhân sự, nhất là nhân sự cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi".
Nhân sự tham gia vào cuộc tấn công làng Đồng Tâm, cho đến nay không biết chính xác bao nhiêu nhưng chắc chắc lệnh điều động phải có cũng như phải có cụ thể tên tuổi người chỉ huy trận đánh kèm với người ký lệnh điều động.
Kết luận
Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trước thềm Đại hội đảng lần thứ XIII với quá nhiều dấu hiệu không lấy gì làm sáng sủa cho lắm, bởi "sự kiện Đồng Tâm" không còn gói gọn tại Việt Nam mà đang bị nghị viện Châu Âu xem xét kỹ lưỡng [11] trong mối liên hệ với hiệp định thương mại EVFTA được thông qua hay không.
"Con đường Bác đi" - một hình ảnh lung linh và huyền diệu, ru ngủ hàng triệu đảng viên được xem là trung kiên nhất trong hàng chục năm qua đang bị nứt toác và đầy những ổ gà, ổ voi do chính tay người cộng sản Việt Nam tạo ra từ những "trạm BOT lương tâm"...
Khi tôi còn là hạt bụi, người đã lên tàu đi xa
Khi bến Nhà Rồng đầy nước mắt, bước chân Bác đặt chốn này
Dấu chân không nhẹ như mây
Dấu chân không êm không ấm
Dấu chân không là dấu nắng
Mười ngón trăn trở bầm sâu
Dấu chân của Dân đứng đâu
Nặng hai vai là Tổ quốc... [12]
Thầm lặng ở cuối dòng người tiễn đưa nhà lão thành cách mạng Lê Đình Kình chắc chắc có "dấu chân của Bác" ngậm ngùi đưa tiễn...
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 13/01/2020 (nguyenngocgia's blog)
[2] https://vnexpress.net/phap-luat/vu-no-sung-o-thai-binh-do-bat-dong-gia-den-bu-2879168.html
[3] https://news.zing.vn/y-an-tu-hinh-dang-van-hien-lien-quan-vu-ban-chet-3-nguoi-post859689.html
[5] https://vi.wikipedia.org/wiki/L%C3%AA_%C4%90%C3%ACnh_K%C3%ACnh
[6] https://kiemsat.vn/thon-hoanh-ho-hoi-don-cu-le-dinh-kinh-tro-ve-44342.html
[7] https://nld.com.vn/phap-luat/bo-cong-an-ong-le-dinh-kinh-cam-giu-qua-luu...
[8] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/clip-nong/bo-cong-an-khi-ong-le-dinh-ki...
[9] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-frustrated-with-...
[10] https://thanhnien.vn/thoi-su/thuong-truc-ban-bi-thu-ta-khong-lam-tot-thi...
[11] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/eu-parliament-representative-tal...
[12] Dấu chân phía trước - sáng tác Phạm Minh Tuấn