Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/01/2020

Thảm sát Đồng Tâm : sự gian ác của chính quyền lộ trước ánh sáng

Nhiều tác giả

Thảm sát Đồng Tâm : Oan nghiệt đến bao giờ ?

Nguyễn Hoàng, RFA, 20/01/2020

Những kẻ chủ mưu trong vụ thảm sát Đồng Tâm tưởng đã phá kỷ lục về mức độ nham hiểm và tàn độc. Tuy nhiên, trên thực tế, mọi chuyện lại kết thúc thảm bại. Nhưng những kẻ thủ ác ấy dường như vẫn chưa ngấm đòn trong khi mọi ý đồ và hành động vô thiên vô pháp của họ đang để lại những hiệu ứng ngược mà vòng oan nghiệt chưa biết đến bao giờ mới kết thúc...

Phương Hiền

kinh1

Cụ Lê Đình Kình lúc còn sống : không ngừng trong cho nhân dân Đồng Tâm

Có một "ngàn lẻ một" cách để tháo gỡ ngòi nổ Đồng Tâm trong tình tự đồng bào, nhưng họ đã chọn vũ lực để trấn áp. Tại sao những kẻ chủ mưu không nghĩ rằng, sau cú hạ sát một ông già 84 tuổi được coi là thủ lĩnh tinh thần, con người ấy từ nay sẽ bất tử trong kí ức hàng triệu triệu trái tim. Nông dân Lê Đình Kình vụt trở thành biểu tượng chống áp bức, bất công, một nhân vật bi tráng của lịch sử, một hình tượng lộng lẫy và vô cùng hấp dẫn… '' (Xem ''Phát súng lịch sử'' của Tạ Duy Anh). Từ thời gian cho đến lựa chọn địa điểm để tấn công, từ dàn binh bố trận cho đến tung tin giả để lường gạt dư luận… Tất cả, là những toan tính nhằm nghiền nát "đối tượng" trong khoảnh khắc. Nhưng trận mạc trong thực địa khác xa với cuộc diễn tập vừa mới diễn ra mấy ngày trước đó trên đường phố Sài Gòn để cho lãnh đạo thưởng lãm. Đây là trận bố ráp vào ban đêm chống lại người dân, chứ không phải là cuộc chiến tranh nhân dân như vẫn thường khoe mẽ. Chữ "NGỜ" to tướng và đắt giá làm sao !

Tổn thất nhân mạng gấp ba

"Hoan hô quân của Tô Lâm, xông vào "bốt giặc" tay cầm AK, Diệt ngay một đảng viên già, bắt sống chú bé những ba tháng tròn". Từ thôn Hoành, đồng dao đang lan ra khắp cả nước như thế. Triển khai 3.000 quân (hoặc có thể còn nhiều hơn), để đột kích vào một thôn vẻn vẹn chỉ 14 gia đình nông dân (có nguồn tin nâng số hộ cao hơn), vậy mà tổn thất nhân mạng là ba trên một. Sau phút khai hoả đầu tiên, "ta" hy sinh ba cảnh sát, bên "địch", một lão thành cách mạng gần 60 tuổi đảng bị diệt gọn (Dù trên tay còn cầm quả lựu đạn, theo nguồn tin từ hiện trường của công an). Xin những linh hồn "còn – mất" hãy tha thứ, khái quát vậy cũng chưa mô tả được hết "chủ nghĩa anh hùng cách mạng" của các lực lượng vũ trang mà luôn được xưng tụng trên truyền hình trung ương là đội quân "khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Chỉ một ngày sau khi rơi xuống "hố kỹ thuật" cùng một lúc, cả ba "đồng chí" đã lập tức được thăng cấp bậc hàm vượt cấp, được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương Chiến công, đồng thời nhận cả bằng Tổ quốc ghi công. Mặc dầu đến hôm nay, sau hơn 10 ngày, chúng ta vẫn chưa biết một cách cụ thể hoàn cảnh "hy sinh" của cả ba cảnh sát. Nhân đây, nhắc lại trường hợp của Đại tá Đặng Thính, Chính ủy Đoàn 559 và là Đại biểu Quốc hội khóa III, IV sau khi hy sinh anh dũng trên chiến trường nhưng vẫn không hề được thăng cấp bậc hàm vượt cấp nào… Trở lại với việc "chết cháy" của ba chiến sỹ công an nói trên là cả một câu chuyện phi logic, nhưng với Ban Văn hoá Tư tưởng và Bộ Công an, đó chỉ là tiểu tiết. Chuyện lớn là phải phát động ngay phong trào học tập và noi gương 3 liệt sĩ vừa hy sinh tại Đồng Tâm ! Nhà văn Aziz Nesin có đội mồ bật dậy, chắc cũng không thể sáng tác nổi câu chuyện bi hài đẫm máu và nước mắt như ở thôn Hoành !

Từ bàng hoàng đến phẫn nộ

Như lịch sử cho thấy, phải sau "hai mươi năm nội chiến từng ngày" như cuộc nồi da xáo thịt Bắc – Nam trước đây hàng chục năm, một bộ phận dân chúng mới cảm nhận được nỗi đau và mất mát, cũng như sự bàng hoàng và phẫn nộ của chính họ. Sinh thời, Võ Văn Kiệt là một trong những chính khách hiếm hoi cảm nhận được nỗi đau ấy. Ông từng chia sẻ, cuộc nội chiến ấy có hàng triệu người vui, nhưng cũng khiến hàng triệu người buồn. Vết thương ấy của dân tộc cần được chữa lành, thay vì tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu… Với bố ráp Đồng Tâm, chỉ sau một đêm – và sau cái đêm kinh hoàng ấy hiện nay vẫn còn đang bị bồi tiếp một loạt các sự cố và sự kiện "hậu Đồng Tâm" khác nữa – người dân từ Bắc chí Nam, nhất là tầng lớp dân oan, lại tấy thêm những vết thương rỉ máu mới. Đặc biệt khi Công an ra 3 phiên bản chính thức khác nhau trong vòng 5 ngày để thông tin về vụ đàn áp đẫm máu, đó là một thảm họa lớn về quan hệ công chúng và dẫn đến khủng hoảng lòng tin.

Bởi những thôn Hoành, Thủ Thiêm, Dương Nội… đâu phải là hiện tượng đơn nhất. Những người cầm quyền sau khi "đi đêm" với các nhóm lợi ích (Nói là nhóm nhưng thật ra đó là những tập đoàn lớn mà hơn nửa tá trong số ấy là tiền từ Trung Quốc), bắt đầu cảm nhận đất dưới chân họ đang rung chuyển. Họ run sợ trước một cuộc "dân nổi can qua" nên ra tay trước. Thất bại trong công khai mở các đặc khu cho Tàu cộng, nay họ đang cố làm chui bằng được để phục vụ lợi ích tối cao của quốc gia "có đường biên giới chung" với Việt Nam (Khuất tất đến mức không dám công khai hai chữ Trung Quốc gây phản cảm trong lòng đa số dân Việt). Tranh chấp đất Đồng Tâm là ở 27 ha nhiều năm không ai quản lý chứ không hề tranh chấp đất sân bay Miếu Môn. Một vị tướng công an không dấu quan điểm của mình : quân đội tranh chấp với dân tại sao không để hai bên giải quyết với nhau, để công an nhảy vào thì không còn là tranh chấp đơn thuần nữa. Nhìn khuôn mặt người cầm đầu Viettel tại giao ban báo chí cuối năm, một đồng nghiệp rỉ tai : "Sao hắn đằng đằng sát khí như một tên lính Polpot vậy nhỉ ?"

Quốc gia quốc thể lem luốc

Không rõ Đại tướng Tô Lâm đã báo cáo với Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng như thế nào về tác động của vụ tấn công thôn Hoành đối với quốc tế. Chỉ biết mới đây, trên trang Twitter của mình, nữ dân biểu người Bỉ Saskia Bricmont, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Liên minh Châu Âu (INTA) đã dự báo rằng, làm sao mà Nghị viện EU lại có thể thông qua Hiệp định Thương mại EU – Việt Nam (EVFTA) trong tháng hai, với một quốc gia khủng bố và đàn áp chính người dân của mình như nhà nước Việt Nam. Bà Virginie Battu-Henriksson, phát ngôn viên của EU về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, nói rằng, vào hôm 9/1, đúng ngày xảy ra vụ việc, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Hà Nội, đã trực tiếp nêu vấn đề với Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, bày tỏ quan ngại về cách xử lý tình hình của lực lượng an ninh.

Trong tuần qua, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa có chuyến thăm làm việc tại Nghị viện Châu Âu từ ngày 13 đến 16/1 để thúc giục Nghị viện Châu Âu sớm thông qua Hiệp định EVFTA. Chuyến đi "chữa cháy" của Bộ Ngoại giao sau vụ thảm sát do Bộ Công an gây ra vẫn chưa có kết quả rõ rệt. Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 17/1 cho biết, quốc tế đang theo dõi sát sao chiến dịch đàn áp của Hà Nội trên phạm vi toàn quốc, được đánh dấu bằng các vụ bắt giữ và kiểm duyệt mạng xã hội rộng rãi khi họ cố gắng ngăn chặn các cuộc tranh luận công khai về vụ tranh chấp đất đai dẫn đến chết người tại Đồng Tâm. Mặc dầu bị các tổ chức LHQ nhiều lần nhắc nhở, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam vẫn đáng báo động. Với vụ Đồng Tâm, chính quyền Hà Nội dường như muốn công khai thách thức cả cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hai chiếc ghế ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và ở Chủ tịch ASEAN năm nay của Việt Nam dường như bắt đầu run rẩy cùng với các phái bộ ngoại giao Hà Nội ở đấy.

*

Với cuộc bố ráp chớp nhoáng tại thôn Hoành, phe "Củi" (các quan chức cấp cao sắp bị thiêu) đã chơi được phe "Lò" (Nguyễn Phú Trọng và các cộng sự thân tín) một chưởng để đời… (Xem bài "Chiến thắng của Phe Củi…" của Lưu Trọng Văn trên tvvn.org ngày 13/1) Nhưng người tính không bằng trời tính. Sau "cái đêm hôm ấy đêm gì", bóng đá Việt Nam đang từ đỉnh cao chói lọi – một đội hình áp đảo tại Đông Nam Á – bỗng nhiên rơi tự do về "mo". Phải chăng Ông Trời đã không để cho cả phe "Củi" lẫn phe "Lò" lợi dụng "ép-phê" bóng đá để lấp liếm mọi oan khiên ? Đốt lò để vớt vát chút niềm tin còn rơi rớt, nhưng rồi lại lấy nước mắt hờn căm của người dân dội cho tắt ngấm cái lò ẩm ướt ấy. Đấy là lú hay là minh ? (Nhà văn Phạm Viết Đào nêu câu hỏi). Trong khi người Việt giết người Việt thì ngay tại thời điểm ấy đã có tin tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 tiến về phía vùng biển Việt Nam. Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này, chiều 9/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định "chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh thông tin". Trong khi đó, giáp Tết rồi mà dân Đồng Tâm vẫn trong không khí căng thẳng, bị triệu tập và trù dập, bị sách nhiễu và đe dọa. Liệu những đạo diễn của vụ Đồng Tâm còn định xoay vần vòng tròn oan nghiệt đến bao giờ trước khi họ chịu chấm dứt mà không tiên.

Nguyễn Hoàng

Nguồn : RFA, 20/01/2020 (NguyenHoang's blog)

*********************

Ai khủng bố ai ?

Cánh Cò, RFA, 20/01/2020

Ngày 2/5/2011, lúc 1 sáng giờ địa phương Pakistan, Osama bin Laden, người sáng lập tổ chức al-Qaeda và chủ mưu các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, đã bị lực lượng biệt kích của Hoa Kỳ giết chết bằng các phát súng bắn vào đầu và ngực. Lực lượng Navy Seal của Mỹ đã ghi hình toàn bộ cuộc đột kích này trong khi Tổng thống Barack Obama được chứng kiến trực tiếp toàn bộ chiến dịch cùng các quan chức hàng đầu như Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates truyền từ Pakistan về Nhà Trắng. Giám đốc sắp mãn nhiệm của Cục Tình báo Trung ương khi đó là Leon Panetta thuyết minh chiến dịch thông qua một màn hình video từ một nơi khác ở Washington.

kinh2

Đặc nhiệm Mỹ đột kích nhà Osama bin Laden - Ảnh minh họa

Vào lúc gần nửa đêm 1/5, Tổng thống Obama tuyên bố với toàn thể người dân Mỹ rằng trùm khủng bố Osama bin Laden đã bị các lực lượng Mỹ tiêu diệt và "công lý đã được thực thi".

Tám năm sau, rạng sáng ngày 3/1/2019, tướng Qasem Soleimani - chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bị tên lửa Hellfire từ Drone của Mỹ hạ sát khi đang đi trên đoàn xe tại sân bay Baghdad. Đích thân Tổng thống Donald Trump phê chuẩn vụ tấn công với lý do "nhằm ngăn chặn một mối nguy tức thời đối với nước Mỹ".

Theo CNN, ông Donald Trump đã kể lại sự việc tại một sự kiện gây quỹ của phe Cộng hòa cuối tuần qua, và cho biết ông theo dõi vụ tấn công từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng. Cái chết của Qasem Soleimani được quay phim và xác chết của ông ta được xác định qua việc thử DNA.

Osama bin Laden và Qasem Soleimani đều là những tay tổ khủng bố của thế giới. Tiêu diệt hai tay tổ này là bổn phận và trách nhiệm của những người đứng đầu Nhà Trắng, tuy nhiên cả hai cuộc tấn công đều được quay phim để lấy chứng cứ và không có bất cứ báo cáo láo nào có thể để cho dư luận phanh phui và đặt câu hỏi. Chỉ một chiếc máy quay phim đơn giản người Mỹ đã cho thế giới biết thế nào là sự công chính trong khi thực thi công lý.

kinh3

Ông bà Lê Đình Kình cùng con cháu ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm - Ảnh minh họa

Trong khi đó tại Việt Nam, ông Lê Đình Kình trước khi chết chưa bao giờ bị nhà nước hay tòa án nào của Việt Nam khẳng định là khủng bố. Cũng không ai trong chính quyền Hà Nôi tuyên bố ông và gia đình có tên trong danh sách phản động và cần phải truy quét. Trước khi xảy ra biến cố Đồng Tâm cả gia đình họ vẫn tiếp xúc với người bên ngoài và nhiều người đấu tranh vẫn thường xuyên về nhà của ông để quay phim, trò chuyện với ông khi muốn tìm hiểu thêm về tình hình đất đai tại Đồng Tâm. Trước khi ông chết không ai tin ông là người chủ trương khủng bố, sau khi ông chết người ta lại càng không tin vào những gì mà nhà nước chụp mũ ông và gia đình bởi cách hành xử mà lực lượng công an trực tiếp tấn công vào Đồng Tâm không giống như Mỹ giết Osama bin Laden và Qasem Soleimani.

Nếu công an tấn công vào Đồng Tâm có trang bị những thiết bị quay phim thì sẽ không lúng túng khi có tới ba lần tường trình vụ Đồng Tâm nhưng không lần nào giống lần nào. Sự bất nhất ấy chứng tỏ Bộ Công an đã xem thường nhân dân lẫn cấp trên của họ khi báo cáo vụ việc mà họ đã lãnh lệnh thi hành. Không ai nghĩ rằng Công an tự ý bắn chết ông Kình vì phía sau những viên đạn đó là chỉ thị nghiêm khắc của một nhân vật nào đó có đủ thẩm quyền ra lệnh. Nhưng người ta cũng không tin người ra lệnh chỉ yêu cầu tiêu diệt ông Kình bất kể ông có chống cự hay không.

Thiếu bằng chứng của những thước phim quay lại hình ảnh thật tại hiện trường công an trở thành kẻ sát nhân máu lạnh trước một thi hài gầy gò với thương tích đầy mình. Nếu có bằng chứng ông Kình chống lại bằng những hung khí thì những vũ khí thô sơ được công an trưng ra sau khi vụ việc chấm dứt sẽ biện minh được gia đình ông Kình là những kẻ chống người thi hành công vụ, giống như vụ án anh em nhà Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, tuy nhiên cũng không thể chứng minh ông và gia đình là những kẻ khủng bố.

Bởi vì ông Kình và gia đình chưa có hành vi nào gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, xã hội hay chính phủ Việt Nam khi bị một tòa án nào đó của Việt Nam hay quốc tế ra lệnh truy nã hay vào danh sách khủng bố.

Khi công an tấn công vào gia đình ông Kình cùng những người khác trong làng Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 1 tháng 9 nếu những người này chống lại sự trấn áp "bất hợp pháp" ấy không thể gọi họ là khủng bố mà chỉ có thể áp đặt họ vào tội "chống người thi hành công vụ".

Vì không thề chứng minh rằng ông Kình đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ khi đưa ra câu chuyện 3 công an rơi xuống giếng trời trong nhà ông và bị phóng hỏa giết chết, Bộ công an không thể thuyết phục dư luận trước những lý do hớ hênh và ấu trĩ chỉ có thể lừa được người nhẹ dạ cả tin huống chi là cả một hệ thống luật pháp đầy những chuyên gia về tội phạm học. Sự ấu trĩ của công an đã khiến cả guống máy bị lên án. Khi ông Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ quyết định tặng huân chương cho ba người công an tử thương thì người dân cảm thấy hai ông này đang bị Bộ Công an lừa. Có lẽ bị lừa nên Thủ tướng "biểu dương sự hy sinh của 3 chiến sĩ công an, là tấm gương về xả thân bảo vệ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia và nêu rõ, cần xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, vi phạm pháp luật".

Chả có ai làm hại đất nước, an ninh quốc gia trong vụ Đồng Tâm cả. Nếu có một video quay lại toàn cảnh tấn công gia đình ông Kình chắc là Thủ tướng không nói như thế.

Và chắc rằng Vietcombank sẽ không bị nguyền rủa, tẩy chay khi ngăn cản không cho người dân gửi tiền phúng điếu cho đám tang của ông Kình sau khi ông mất. Mặc dù lệnh là do Bộ công an đưa ra nhưng tác hại thì Vietcombank lãnh đủ khi tuân theo cái lệnh mù quáng này.

Mù quáng và áp đặt vì ông Lê Đình Kình chưa bao giờ là một kẻ khủng bố nhưng bị lệnh phong tỏa tài khoản vì chủ tài khoản cung cấp tiền cho gia đình ông tức là cung cấp cho khủng bố.

Mỹ là đất nước ngăn chặn dòng tiền nuôi dưỡng khủng bố mạnh nhất hành tinh nhưng chưa bao giờ một tài khoản nào bị cảnh sát phong tỏa mà không có lệnh của của án. Mọi định danh khủng bố chỉ có từ tòa án và vì vậy không ai bị chụp mũ, vu khoát hay tạo chứng cứ giả đề áp đặt người khác vào tội khủng bố. Ngay cả cơ quan quyền lực nhất như FBI hay CIA đều không qua mặt được tòa án để gán ghép công dân vào tội danh này.

Việt Nam không muốn học theo Mỹ vì chính quyền rất thông minh. Họ biết nếu mọi việc minh bạch và công khai thì chế độ có nguy cơ sụp đổ bởi những kẻ "khủng bố" chỉ vì bảo vệ đất đai như gia đình cụ Lê Đình Kình. Vì vậy một cái máy quay video tuy rẻ như bèo nhưng cơ quan công an không bao giờ mang theo trong mọi cuộc cưỡng chế.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 20/01/2020 (canhco's blog)

*******************

Đuổi cùng giết tận

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 19/01/2020

Sau khi giết cụ Lê Đình Kình xong, họ vẫn chưa hài lòng.

1. Cái chết của cụ có thể gọi là một cuộc hành quyết. Hoàn toàn không có dấu hiệu nào cho thấy vì cảnh sát lỡ tay hay bị chống đối quyết liệt mà đành phải nổ súng. Vì xác cụ Kình có tới 4 viên đạn bắn chính xác vào đầu, vào tim, là những vị trí chết ngay lập tức, bị gãy rời đầu gối chân trái và bị mổ bụng. Dấu vết ở đầu gối chân trái cho thấy Cụ bị tra tấn hoặc bị đạn bắn cộng với tra tấn. Hình ảnh cho thấy cụ đã chết đau đớn như thế nào. Hình ảnh khâm liệm Cụ đưa lên mạng tang thương đến nỗi đều bị facebook che đi và khuyến cáo người yếu bóng vía trước khi xem.

kinh4

"Tiền phúng điếu mà xếp vào tài trợ khủng bố, các ông đã đạt đến tận cùng của sự man di, mọi rợ" (Facebooker Trần Đình Thu)

2. Chưa xong. Đám tang của Cụ bị canh giữ vô cùng nghiêm ngặt. Rất nhiều người bị canh giữ chặt ngay từ nhà không thể tham gia đưa tiễn Cụ, ngay từ nội thành Hà Nội, không có cơ hội để đến Đồng Tâm bày tỏ lòng thương tiếc Cụ. Cho đến bây giờ, vẫn chưa có một hình ảnh nào về đám tang cụ Lê Đình Kình được đưa lên mạng. Có thể người Đồng Tâm không ai dám rút máy ra hoặc bị không chế lập tức khi vừa giơ máy lên.

3. Vẫn chưa xong. Cụ Lê Đình Kình vẫn chưa được yên.

Vì rất nhiều người bị ngăn chặn, không thể đến phúng viếng Cụ, chị Nguyễn Thúy Hạnh đã mở tài khoản giúp gia đình nhận tiền phúng viếng. Trong vòng 2 ngày, tài khoản này đã nhận được hơn 528 triệu đồng.

Con số này nói lên tình cảm của nhân dân đối với Cụ ở khắp nơi, mặc cho lời tuyên truyền nói xấu Cụ đủ đằng và qui kết Cụ là quân khủng bố.

Sáng ngày 17/1/2020 chị Nguyễn Thúy Hạnh ra ngân hàng Vietcombank rút số tiền trên để giao cho thân nhân cụ Kình. Thế nhưng ngân hàng thông báo cho chị rằng tài khoản này đã bị phong toả. Chị Hạnh yêu cầu đưa ra lý do phong tỏa tài khoản này thì ngân hàng từ chối trả lời.

Tuy nhiên sau đó, theo báo chí thì Bộ công an đã đứng ra nhận trách nhiệm về việc phong tỏa tài khoản này.

Theo đó, họ "đã phong tỏa tài khoản số 0611001987139 mở tại Ngân hàng Vietcombank mang tên NGUYEN THUY HANH", cho rằng đó là "hành vi tài trợ khủng bố".

Phong tỏa tài khoản phúng viếng cụ Lê Đình Kình là hành vi trái pháp luật, và qui chụp người mở tài khoản "tài trợ khủng bố" là một sự vu khống.

Vì sao ?

Thứ nhất là chị Hạnh rất minh bạch và rõ ràng.

Về mục đích : trước khi mở tài khoản, nhóm hỗ trợ đã nói rõ là nhận giúp gia đình cụ Kình do nhiều người bị canh chặn không đến tiễn đưa Cụ được.

Nhóm này cũng đã nói "tiền phúng điếu cho đám tang cụ Kình sẽ nhận trong 2 ngày, 13 và 14/1/2020"

Ngày 14/1, chị Hạnh nhắc lại lần nữa rằng "đến 12g đêm 14/1 tôi sẽ ngưng nhận tiền phúng điếu gửi vào tài khoản VCB của tôi .

Sau khi mọi việc đã trở lại bình thường, mọi người muốn hỗ trợ gia đình cụ Kình thì có thể gởi trực tiếp đến gia đình cụ.

Số tiền phúng viếng nhận được tôi sẽ chuyển cho cháu Trịnh Bá Phương để chuyển tới gia đình cụ Kình".

Thứ hai là, theo bảng sao kê thì tất cả những khoản tiền gửi vào đều ghi nội dung "phúng viếng cụ Lê Đình Kình".

Như vậy, về mục đích mở tài khoản, thời gian nhận, về mục đích gửi đều rõ ràng, thể hiện đây là tiền phúng viếng Cụ Kình.

Thứ ba là người sẽ nhận số tiền này là bà quả phụ Dư Thị Thành. Bà Dư Thị Thành không phải là thành phần khủng bố. Công an cũng không thể qui chụp bà, và thả bà ra 1 ngày sau khi bắt. Theo tinh thần của quỹ và nội dung của các nguồn gửi của quỹ phúng viếng cụ Lê Đình Kình thì Bà là người sở hữu hợp pháp số tiền hơn 528 triệu đồng đang nằm trong tài khoản ở Vietcombank.

Thứ tư là, trong hệ thống pháp luật hiện nay, không hề có qui định tiền phúng viếng bất cứ ai là tiền tài trợ cho khủng bố. Nếu vậy, những người trực tiếp phúng viếng cụ Lê Đình Kình tại đám tang đều là tài trợ cho khủng bố chắc ?

Hành vi phong tỏa tài khoản phúng viếng cụ Lê Đình Kình là hành vi vi phạm pháp luật hết sức ngang ngược của Bộ Công an.

Đây là hành vi vô cùng táng tận lương tâm.

Facebooker Trần Đình Thu phẫn nộ cho rằng : "Tiền phúng điếu mà xếp vào tài trợ khủng bố, các ông đã đạt đến tận cùng của sự man di, mọi rợ".

Giết cụ Lê Đình Kình như kiểu thời trung cổ, không cho người đến đưa tang, cấm mọi thông tin, hình ảnh rồi phong tỏa tiền phúng viếng, Bộ công an đã đuổi cùng giết tận Cụ. Phải có lòng căm thù Cụ ghê gớm như thế nào, phải vô nhân tính như thế nào thì họ mới ra tay thực hiện một loạt chuỗi hành vi phi pháp và ngang ngược tới mức như thế.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 19/01/2020 (nguyentuongthuy's blog)

*********************

Đôi lời về Đồng Tâm

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 19/01/2020

Có bạn gửi tôi clip bản tin thời sự VTV 7h tối hôm 13/1/2020, trong đó có đoạn anh Quang cháu nội cụ Kình, với nhiều thương tích trên mặt, khai rằng "vào xem trang cá nhân của Lê Dũng Vova, Hồ [nghe không rõ], Nguyễn Anh Tuấn, Tuấn Đà Nẵng tôi thấy họ là những người chống phá nhà nước và nhiều lần về gặp ông Lê Đình Kình để xin tài liệu viết bài không đúng sự thật".

kinh5

Cành đào xuân giữa làng Hoành, Đồng Tâm 2 năm trước. Hi vọng thanh bình sẽ sớm nở hoa trở lại trên những làng quê thân yêu của xứ sở. Ảnh minh họa

Nhiều người thân, bạn bè tỏ ý lo lắng cho tôi, trong khi một số bạn dư luận viên xem chừng rất vui mừng, hỉ hả bảo tôi, ‘sắp lên thớt’, ‘chạy ngay đi’.

Kỳ thực tôi không buồn và cũng không trách anh Quang hay bất kỳ dân làng nào khác, nếu trong những tình cảnh hiểm nghèo, có thể phải nói điều họ không muốn nói dù có thể gây bất lợi cho người khác.

Chẳng phải khi chọn con đường đứng về phía những phận người thấp cổ bé họng, tôi phải luôn chuẩn bị cho những tình huống như thế hay sao ? Lựa chọn là của mình, không nên trách ai.

Tuy nhiên, cũng cần nói rõ thế này, tôi chưa bao giờ xin cụ Kình tài liệu bởi lẽ những gì cụ nói về tranh chấp đất đai Đồng Tâm đều được dân làng quay lại và đăng tải trên YouTube hoặc Facebook. Tôi xem, tóm tắt và hệ thống lại thành bài viết để những ai không có thời gian xem có thể đọc. Những lần tôi gặp và nói chuyện với cụ chủ yếu là thăm hỏi sức khoẻ và những câu chuyện bên lề, để hiểu hơn về những chuyển động của một làng quê Bắc Bộ trong vòng xoáy tranh chấp đất đai đương đại của Việt Nam.

Nói vậy không có nghĩa tôi cho rằng việc hỏi xin cụ Kình tài liệu để viết bài có gì không đúng. Trái lại, đó còn là một việc cần thiết, nên được khuyến khích, để tiếng nói của các bên trong tranh chấp đều được đến với công luận. Càng nhiều lý lẽ của các bên tranh chấp được bàn luận công khai, càng nhiều cơ hội tiến đến gần sự thật. Tôi không xin tài liệu pháp lý, đơn giản chỉ là vì tôi nghĩ việc đó nên thuộc về các luật sư của dân làng, hơn là một người quan sát như tôi.

Là người theo dõi vụ việc từ đầu, tôi thực lòng tin rằng nếu hơn hai năm qua báo chí làm đúng vai trò của mình, đưa quan điểm của cả hai bên, thúc đẩy tranh luận công cộng, mổ xẻ lý lẽ mỗi bên, thay vì tuyệt giao với Đồng Tâm kể từ khi Hà Nội khởi tố vụ án giữ người 6/2017, thì mọi chuyện đã khác. Nếu được trao cơ hội tranh luận bình đẳng, chưa cần trước tòa mà chỉ là trên mặt báo, người dân sẽ chọn mài giũa lý lẽ thay vì vũ khí để tiếng nói của họ được lắng nghe. Đối thoại sẽ trở nên khả thi hơn nhiều đối đầu.

Việc tôi khi cố gắng chuyển tải quan điểm của dân làng, trong bối cảnh báo chí thoái lui và chỉ đưa lý lẽ của chính quyền, cũng không nằm ngoài hi vọng góp phần nhỏ bé tìm kiếm cơ hội cho một cuộc đối thoại rộng mở, bình đẳng giữa đôi bên nhằm truy cầu công lý trong ôn hoà, thay vì hơn thua nhau trong bãi lầy của bạo lực.

Và vì mục tiêu đó, nếu có điều gì xảy đến với bản thân, tôi cũng không bao giờ hối tiếc.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 19/01/2020 (nguyenanhtuan's blog)

*******************

Khi nào bị kết tội "khủng bố" và tội "tài trợ khủng bố" ?

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 18/01/2020

A. Căn cứ vào Bộ luật hình sự 2015, tại điều 299 và Điều 300 như sau :

Điều 299. Tội khủng bố

1. Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

hau11

Khi nào bị kết tội "khủng bố" và tội "tài trợ khủng bố" ? Ảnh minh họa

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 15 năm :

a) Thành lập, tham gia tổ chức khủng bố, tổ chức tài trợ khủng bố ;

b) Cưỡng ép, lôi kéo, tuyển mộ, đào tạo, huấn luyện phần tử khủng bố ; chế tạo, cung cấp vũ khí cho phần tử khủng bố ;

c) Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị tước một số quyền công dân, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 300. Tội tài trợ khủng bố

1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

B. Căn cứ vào Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐTP ngày 25/10/2019 [*] do Nguyễn Hòa Bình - Chánh Án Tòa án Nhân dân Tối cao ký ban hành thay mặt cho Hội Đồng Thẩm Phán, hướng dẫn áp dụng Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật hình sự

Theo Bộ luật hình sự và Nghị quyết nói trên cho thấy :

1. Tính cho đến nay, những gì phía công an gọi là "khủng bố" đối với người dân làng Đồng Tâm, nó vốn không bị khởi tố theo luật định. Như vậy không có tội danh "khủng bố", tức là không thể có tội danh "tài trợ khủng bố".

2. Tính cho đến nay, phía công an khởi tố (như họ công bố chính thức) 3 tội danh : "Giết người" – điều 123, "Tàng trữ vũ khí trái phép" – điều 306, "Chống người thi hành công vụ" – điều 330.

Kết luận

1. Thời điểm hơn 600 người gởi tiền phúng điếu ông Lê Đình Kình là sau khi ông ấy bị giết chết.

2. Bộ Công an hoàn toàn vi phạm pháp luật, khi yêu cầu Vietcombank phong tỏa tài khoản của bà Nguyễn Thúy Hạnh

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 18/01/2020 (nguyenngocgia's blog)

[*] https://luatvietnam.vn/…/nghi-quyet-07-2019-nq-hdtp-huong-d…

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hoàng, Cánh Cò, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Ngọc Già
Read 508 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)