Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/02/2020

Chống nCoV : khẩu trang đại trà, chặn thông tin, đóng cửa biên giới

Nhiều tác giả

Phòng virus corona : Tại Việt Nam, toàn dân đeo khẩu trang có hiệu quả ?

Trọng Thành, RFI, 05/02/2020

Việt Nam là một quốc gia có nguy cơ hàng đầu chịu ảnh hưởng của dịch virus corona mới, do lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam đứng hàng thứ tư thế giới. Ngày 30/01/2020, thủ tướng Việt Nam nêu phương án "mạnh" : Có thể toàn dân sẽ phải đeo khẩu trang để phòng dịch. Liệu biện pháp như trên có chống dịch hiệu quả ?

khautrang1

Xưởng may khẩu trang bảo hộ tại Tổng công ty May 10, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam (Ảnh chụp ngày 05/02/2020) Reuters/Kham

Ngày 20/01/2020, Trung Quốc thừa nhận dịch virus corona chủng mới hoành hành tại thành phố Vũ Hán (Wuhan). Ngày 23/01, Bắc Kinh phong tỏa Vũ Hán để dập dịch. Phương án toàn dân đeo khẩu trang để chống virus từ Trung Quốc được người đứng đầu chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, nêu ra như một biện pháp "mạnh" để ngăn ngừa dịch bệnh.

Theo báo chí trong nước, chiều 30/01, trong cuộc họp do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì để bàn biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra, ông Phúc cho hay cần tiếp tục thảo luận thêm nhiều biện pháp mạnh hơn để giảm thiểu tối đa nguy cơ, trong đó có thể toàn dân phải đeo khẩu trang để phòng bệnh.

Cũng vào thời điểm này, trong xã hội Việt Nam dấy lên một phong trào đeo khẩu trang rộng khắp, trên đường phố, tại các cuộc tập hợp đông người, cũng như trong trường học... Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố "tình trạng y tế khẩn cấp" do bệnh dịch virus corona (2019-nCoV), ngày 31/01, nhiều trường học đã bắt buộc học sinh đến trường phải đeo khẩu trang liên tục trong lớp học. Cùng với việc nhu cầu khẩu trang tăng vọt là một phong trào cung cấp khẩu trang miễn phí rộng khắp từ Nam chí Bắc, từ phía nhiều cá nhân, cơ sở tư nhân, hay cơ quan nhà nước, đặc biệt từ phía cảnh sát giao thông.

Khẩu trang có xu hướng ngày càng được đông đảo xã hội Việt Nam nhìn nhận như là một biện pháp hiệu quả, một biện pháp mạnh giúp cho việc ngăn ngừa dịch bệnh corona mới. Tuy nhiên, khẩu trang có thực sự là một biện pháp hiệu quả để phòng chống virus viêm phổi cấp từ Trung Quốc ?

Không nên đưa "khẩu trang đại trà" thành chính sách quốc gia

Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales tại Úc, từ nhiều năm nay phản đối mạnh mẽ việc khuyến khích đeo khẩu trang tràn lan, với mục tiêu phòng ngừa các căn bệnh lây qua đường hô hấp. Trong một bài viết mới đây mang tựa đề "Khẩu trang trong việc phòng chống virus, tiếp cận qua EBM" (EBM tức Y học dựa trên bằng chứng), Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh là "khẩu trang không có hiệu quả như chúng ta tưởng". Không kể các loại khẩu trang đặc biệt mà các nhân viên y tế sử dụng trong môi trường bệnh viện, nhiều nghiên cứu thực nghiệm được công bố trên các tạp chí có uy tín cho thấy "khẩu trang trên thực tế không giúp gì trong việc phòng chống virus cúm ở quy mô cộng đồng, dĩ nhiên không thể loại trừ tính chất tích cực (về mặt tâm lý) của khẩu trang", với tư cách là "sự lựa chọn cá nhân. Nhưng không nên đưa khẩu trang thành một chánh sách cấp quốc gia".

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, "hầu như tất cả các cơ quan y tế nước ngoài (1) đều không khuyến cáo công chúng đeo khẩu trang nếu (bản thân) không có triệu chứng và đang ở trong môi trường có nguy cơ thấp. Hiện nay, theo số lượng thực tế, nguy cơ bộc phát 2019-nCoV ở Việt Nam được đánh giá là rất thấp". Điều đáng ngạc nhiên, theo ông, là "nhiều người vẫn muốn cho rằng Việt Nam có nguy cơ cao. Và với suy nghĩ đơn giản, người ta nghĩ rằng khẩu trang sẽ là biện pháp phòng ngừa dịch 2019-nCoV. Phát biểu về viễn cảnh cả nước sẽ dùng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh chắc được các nhà sản xuất và phân phối khẩu trang đón nhận nồng nhiệt, nhưng nó không nhất quán với dữ liệu khoa học".

Tác dụng và giới hạn của khẩu trang

Về tác dụng và giới hạn của khẩu trang, RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với Bác sĩ Phan Đình Hiệp (Melbourne, Úc) (cuộc phỏng vấn thực hiện ngày 03/02/2020). Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết :

"Ai cũng biết là khẩu trang có tác dụng phòng ngừa các bệnh lây qua đường hô hấp, nhưng mà mức độ như thế nào, đó là vấn đề chúng ta cân nhắc ở đây. Cái lợi ích, cái thiệt hại như thế nào ? Bởi vì nhiều khi chúng ta đeo không đúng, không đúng loại khẩu trang, không đúng mục đích thì lúc đó lợi bất cập hại. Ví dụ nhiều người không biết rằng có loại khẩu trang rất đắt tiền, ví dụ loại N95, chỉ dùng cho những người chăm sóc những bệnh nhân bị những bệnh lây qua đường hô hấp, rất đặc biệt, ví dụ như bệnh sởi hay con virus Vũ Hán. Còn lại, nói chung để ngăn ngừa bệnh, người ta khuyên là nên dùng ở mức thấp hơn, loại "khẩu trang phẫu thuật", gọi là khẩu trang ba hay bốn lớp. Nhưng lợi ích của nó không hoàn toàn như mọi người tưởng, nghĩa là cứ đeo vào là bảo vệ được (1). Vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra là khẩu trang trước hết để bảo vệ người khác nếu mình mắc bệnh, bằng cách ngăn lại các dịch tiết ra ngoài, hơn là bảo vệ bản thân khỏi tác động từ bên ngoài vào. Và có thể nói là trên 80% người dùng và thậm chí hơn nữa đeo không chính xác. Rồi khẩu trang còn có cỡ nhỏ, cỡ lớn… làm sao có thể kín hết được. Chưa kể đến việc đeo kín quá, đối với những người vốn bị yếu đường hô hấp, thì đeo cái đó vào, người ta lại càng khó thở thêm. Tóm lại, nó là vật ngăn cản, làm giảm nguy cơ truyền bệnh, nhưng tác động cụ thể thì tùy mỗi người và tùy tình hình cụ thể ở mỗi quốc gia.

Nếu như chúng ta đang ở thành phố Vũ Hán thì phải đeo, vì đó là môi trường quá nhiều người bị. Ở Việt Nam có nên đeo khẩu trang không ? Chúng ta có lượng người Trung Quốc qua quá lớn, cả đường không và đường bộ. Và đặc biệt là tuy đường không đã đóng rồi, nhưng đường bộ vẫn còn, như vậy người Trung Quốc hiện diện trên nước chúng ta khá lớn, tức là cái nguy cơ khá lớn… Nếu như phải đi vào những môi trường nguy hiểm, giống như ở sân bay, ở cửa khẩu, hay những lễ hội có thể có rất nhiều người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc, thì phải đeo".

90 triệu dân đeo khẩu trang : Chính quyền lúng túng

Về phương án toàn dân đeo khẩu trang phòng virus đến từ Vũ Hán, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nhận xét : "Mình không thể hình dung là có cả một quốc gia phải mang khẩu trang hết. Có vẻ đây là một sự lúng túng. Giống như đây gọi là vấn đề "xử lý khủng hoảng truyền thông". Có lẽ đó cũng giống như là những nơi mà không có sự minh bạch thông tin, hay là những nơi không có sự phản biện về y tế, thì nó thường xảy ra như vậy. Giống như nguyên tắc của vụ Vũ Hán mà chúng ta tính kỹ lại, thì lúc đầu có sự giấu diếm thông tin cơ bản... Những vụ như thế này đâu có cần phải như vậy. Cái này (giải pháp toàn dân đeo khẩu trang) thể hiện ra là người ta quan tâm, nhưng cũng thể hiện là người ta lúng túng".

Trở lại với thời gian sau khi chính quyền Trung Quốc thừa nhận có dịch (sau ba tuần lễ che giấu), chính quyền Việt Nam bị chỉ trích đã phản ứng chậm trễ, trước hết là đối với số lượng khách du lịch Vũ Hán tại Việt Nam (ước tính khoảng hơn 4.000 người), chưa kể dòng người từ Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ sang Việt Nam trong nhiều ngày, sau ngày chính quyền Bắc Kinh công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán và nhiều thành phố tỉnh Hồ Bắc (Hubei). Các nhóm khách du lịch Trung Quốc có nguy cơ cao mang virus 2019-nCoV gần như đã không hề bị đặt dưới sự giám sát. Khách quan mà nói, Việt Nam rõ ràng là nạn nhân của tình trạng bất minh của phía Trung Quốc, do Trung Quốc che giấu dịch trong một thời gian dài. Tuy nhiên, cách phản ứng của chính quyền Việt Nam cũng thể hiện cho sự thiếu minh bạch và thiếu mục tiêu rõ ràng trong việc xử lý hệ quả của tình trạng tràn ngập khách du lịch Trung Quốc có nguy cơ mang virus cao.

Bác sĩ Phan Đình Hiệp tuy thừa nhận số liệu chính thức người nhiễm virus Vũ Hán là không lớn, nhưng khẳng định nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là khá lớn, do số lượng lớn du khách Trung Quốc có mặt khắp nơi (chưa kể đến người Việt từ Trung Quốc hồi hương do dịch), điều này giải thích cho tâm trạng lo âu phổ biến trong xã hội Việt Nam, khiến người dân dễ dàng tìm đến khẩu trang, như biện pháp được coi là phòng vệ hiệu quả, cho dù về mặt thực nghiệm y học, không có gì cho thấy đeo khẩu trang đại trà là một biện pháp phòng dịch thực sự hữu hiệu.

Chính trong bối cảnh này, đề xuất thảo luận và các khuyến cáo từ phía chính phủ sử dụng khẩu trang phòng dịch đại trà toàn dân có thể coi như là một giải pháp dễ dãi, đặt gánh nặng tự vệ về phía người dân, mà không coi việc chính quyền đặt mục tiêu cô lập nguồn dịch, kiểm soát nguồn dịch là trách nhiệm số một phải chủ động làm sớm, làm ngay từ đầu. Chính quyền Việt Nam sau đó, cùng với việc WHO công bố tình trạng y tế khẩn cấp, đã có nhiều biện pháp được đánh giá là mạnh mẽ hơn, nhưng chủ trương dùng khẩu trang đại trà vẫn có xu hướng dường như ngày càng được coi là một trụ cột trong chính sách phòng dịch cộng đồng. Và điều này có nhiều nguy cơ lợi bất cập hại.

Khẩu trang trong lớp học : "Giải pháp không thực tế !"

Tình hình đặc biệt nổi rõ trong hiện trạng sử dụng khẩu trang phổ biến trong nhà trường. Cuối tháng Giêng, đầu tháng Hai 2020, hình ảnh các lớp học tràn ngập khẩu trang được đăng tải rộng rãi trên truyền thông trong nước. Về vấn đề này, Bác sĩ Phan Đình Hiệp nhận xét :

"Cái đó không thực tế ! Bởi vì nếu dịch mà tràn lan đến nỗi mỗi em đi học phải mang khẩu trang thì phải đeo hết, thì dịch đến mức phải nghỉ học rồi. Người lớn đeo còn khó chuẩn nữa, huống chi là các em. Rồi đi học các em còn phải nói… Đi học làm sao có thể ngồi yên được. Nếu gọi là khẩu trang đi trường học thì không còn thực tế nữa. Em nào bệnh thì em ấy ở nhà, còn nếu cả lớp mà mang khẩu trang đi học thì lúc đó là đại dịch của cả quốc gia. Chứ không còn là tiểu dịch nữa".

khautrang2

Học sinh đeo khẩu trang trong giờ học tại một trường ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 31/01/2020 Reuters/Kham

"Cảm giác an toàn giả tạo"

Đeo khẩu trang rõ ràng tạo cảm giác an toàn, nhưng mặt khác khiến người ta có thể sao lãng sự chú ý đến vấn đề quan trọng hơn, đó là xác định "nguồn dịch bệnh" và tìm cách cách ly nguồn dịch. Bác sĩ Phan Đình Hiệp cho biết :

"Có một điều người ta không biết rằng, khi đeo cái khẩu trang vào, thì nó tạo nên một cái cảm giác an toàn giả (2), tức là cảm giác mình an toàn, nhưng thực sự không an toàn. Trong khi chúng ta phải đấu tranh chuyện khác, chuyện công khai giảm nguồn dịch. Cần nhất là giảm nguồn dịch. Nguồn dịch từ đâu ? Chắc chắn là từ bên Trung Quốc qua là cái chính ! Rồi chúng ta phải cách ly người bệnh. Chúng ta phải dặn là những người bệnh không đi ra chỗ công chúng đông người. Rồi chúng ta phải dặn người bệnh là không nên cố gắng đi làm, đi học… Tức là phải hiểu vấn đề bệnh, để có trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng. Cái đó mới quan trọng. Còn nếu đeo cái khẩu trang như vậy, mà bên cạnh thằng bạn bị bệnh ngồi đó, thì tỉ lệ bảo vệ của cái khẩu trang không được bao nhiêu so với chúng ta dạy được ai đó có bệnh thì ở nhà, tự cách ly, để điều trị tốt. Lợi hại nằm ở điểm đó".

Hoảng sợ do không có một chính sách quốc gia hiệu quả

"Trong không khí hoảng loạn như vậy, thì người ta nghĩ là ai cũng phải cho con khẩu trang để bảo vệ, ai cũng phải lo hết mức cho con mình. Thành ra gia đình nào cũng muốn em bé được đeo khẩu trang đi học. Nhưng mà để hỏi xem họ đeo có chuẩn xác cho con của họ không. Thực sự là đeo không chuẩn xác thì không bảo vệ được bao nhiêu. Đem đứa bé đi học với khẩu trang như vậy thì hệ thống không còn chuẩn. Mình nghĩ là cái đó phải chỉnh từ cái gốc của hệ thống y tế. Chứ không phải là đến lúc mà hoảng quá mỗi người đều tự lo cho mình mà không nghĩ đến cái giải pháp gọi là giải pháp chính sách - giải pháp của quốc gia. Giải pháp quốc gia không có nghĩa là bắt mọi người phải đeo hay bắt mọi người không đeo, mà là sự giáo dục y tế và sự phòng bệnh, định lượng bệnh như thế nào, dịch như thế nào. Nếu cái đó tốt thì sẽ không xẩy ra chuyện cả lớp phải mang khẩu trang".

Hiện tại tình hình đang có nhiều chuyển biến. Tính đến đêm ngày 04/02, 60 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam (trên 63 tỉnh) đã cho học sinh nghỉ học để giảm nguy cơ lây nhiễm, đa số cho đến ngày 09/02. Tình trạng học sinh phải đến trường với khẩu trang đại trà như trước nhìn chung tạm thời không xảy ra. Tuy nhiên, câu hỏi về vai trò của chiếc khẩu trang trong chính sách phòng chống dịch lây nhiễm qua đường hô hấp của chính quyền Việt Nam tiếp tục còn đó.

Dịch do virus 2019-nCoV xuất phát từ Vũ Hán, cho dù tỉ lệ tử vong không cao so với nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác, nhưng gây rất nhiều lo ngại từ phía quốc tế, một phần chủ yếu do tính chất không minh bạch của chính quyền Trung Quốc. Việt Nam, một mặt là nạn nhân của chính sách bất minh của Trung Quốc (chính sách bất minh này đã đặt Việt Nam vào tình trạng bị động rất lớn, khi số du khách có nguy cơ nhiễm virus tràn ngập nhiều khu vực tại Việt Nam), nhưng mặt khác, cách phản ứng thiếu minh bạch, thiếu hiệu quả, chậm trễ và rất bị động của chính quyền Việt Nam trong vấn đề khách du lịch Trung Quốc, trong thời gian đầu, cũng gây không khí hoang mang khá phổ biến trong xã hội, cho dù về mặt chính thức, đến ngày 04/02/2020, trên cả nước chỉ có 10 trường hợp được coi là bị nhiễm virus nói trên (nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền Việt Nam bị Trung Quốc chi phối nên đã không thể nhanh chóng có được các biện pháp chủ động).

Chiếc khẩu trang mong manh gánh trách nhiệm cho chính quyền

Trong bối cảnh này, chiếc khẩu trang mong manh - có thể có một số tác dụng nhất định với người Việt Nam (trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, đặc biệt trong một xã hội mà các tập quán bảo vệ vệ sinh chung nơi công cộng chưa phải đã thực sự phổ biến đủ mức) – đã bị phó thác cho một sứ mạng vượt quá xa khả năng thực sự của nó : Giúp Toàn Dân Ngăn Dịch.

Việc nâng quá cao vai trò của loại khẩu trang thông thường trong việc phòng dịch vừa qua, một mặt, đáp ứng tâm lý lo lắng phổ biến của người dân trong xã hội, mặt khác, cũng phần nào đã giúp cho chính quyền giải tỏa được một cuộc "khủng hoảng về truyền thông" do chậm đối phó với dịch. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn trong khi chọn giải pháp này, gánh nặng phòng dịch vô hình chung đã nghiêng hẳn về phía người dân ; trách nhiệm của chính quyền trong việc xác lập một chiến lược phòng chống dịch quốc gia hiệu quả đã bị giảm nhẹ. Những sai lầm của chính quyền, đặc biệt trong việc xác định và khống chế nguồn dịch, dễ dàng được xuê xoa, bỏ qua.

Dịch virus corona 2019-nCoV một khi qua đi, nhiều nỗ lực chống dịch theo hướng đúng của phía chính quyền Việt Nam chắc chắn sẽ được ghi nhận. Thế nhưng, ắt hẳn giới chuyên môn, các nhà y khoa, các nhà kinh tế, các nhà xã hội học, sẽ có những đánh giá toàn diện về những cái giá phải trả cho chiến lược đối phó với dịch bệnh lần này. Trong đó có câu hỏi về những tốn kém và hệ quả nhiều mặt của chiến dịch tuyên truyền cho việc sử dụng khẩu trang đại trà toàn dân, những mặt lợi, mặt hại, ắt hẳn cũng sẽ phải được đặt ra.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 05/02/2020

Ghi chú :

(1) Theo Bộ Y tế Pháp, việc mang "khẩu trang phẫu thuật" (tức loại khẩu trang "ba lớp" thông thường) chủ yếu có giá trị phòng bệnh cho người khác, khi bản thân mình mang mầm bệnh, "việc mang loại khẩu trang này cho bộ phận dân cư không nhiễm bệnh, với mục tiêu tránh nhiễm virus không nằm trong các biện pháp phòng bệnh được khuyến cáo, và tính hiệu quả của biện pháp này không được chứng minh" (AFP, ngày 28/01/2020).

(2) Bà Sylvie Briand, giám đốc vụ Đối phó Toàn cầu với các nguy cơ lây nhiễm của WHO, nhấn mạnh với người không nhiễm virus, có một nguy cơ lớn là khẩu trang có thể tạo "cảm giác an toàn giả tạo". Một trong các biện pháp quan trọng được WHO khuyến cáo là rửa tay thường xuyên, bởi nguy cơ lây nhiễm qua đường tiếp xúc với virus trong các dịch thể mà người bệnh để lại là lớn (AFP, ngày 04/02/2020).

******************

Chặn tin từ mạng xã hội liệu có hiệu quả trong thời dịch bệnh ?

Diễm Thi, RFA, 05/02/2020

Ngày 3 tháng 2 năm 2020, Thủ tướng chính phủ ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 15 tháng 4 năm 2020. Điều 101 nghị định này quy định mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi bị cho lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống.

khautrang3

Nam bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm chủng virus corona mới điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy xuất viện sáng 4/2. (Ảnh: CTV) Ảnh minh họa. AFP

Tin thật - tin giả ?

Nghị định 15 vừa nêu được ban hành vào thời điểm virus corona xuất phát từ Trung Quốc lan rộng, và Việt Nam bị cho là nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh do lượng người Trung Quốc đến Việt Nam quá đông và mang theo mầm bệnh lâu nay. Tiếp đến là làn sóng người Việt sang Hoa Lục làm ăn phải về nước…

Tin tức về dịch bệnh từ phía cơ quan chức năng lại có những khoảng trống hay mâu thuẫn khiến dân chúng không biết nên tin đến mức độ nào.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận mặt tích cực về nội dung của Nghị định 15, còn về mặt thực hiện có đúng như thế hay không thì theo ông, phải chờ thời gian mới kiểm chứng được. Ông nói :

"Tôi nghĩ rằng những tin không có thực mà phịa ra để đưa thì phải bị trừng trị, còn nếu tin mình đưa chắc chắn là thật có kiểm chứng có bằng chứng cụ thể thì nên khuyến khích người dân Việt Nam đưa lên. Tức phải làm sao để mạng xã hội thực hơn chứ không phải một nơi có quá nhiều tin giả. Chính sách như vậy tôi thấy nên khuyến khích.

Bây giờ mục đích của Nhà nước là gì mình chưa rõ nhưng nếu đó là điều tốt thì chính người dân phải ép nhà nước để thực hiện cái tốt đó và tự mình làm trong sạch mạng xã hội. Thậm chí phải vạch ra những gì báo đảng nói bậy. Mình hãy cứ chấp nhận những lời lẽ họ đưa ra. Nếu họ làm bậy mình trị họ sau".

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, nếu tin thật mà báo chí nhà nước lấp liếm không đưa thì người dân cứ đưa lên. Mạng xã hội bây giờ có rất nhiều nguồn, nhiều người để kiểm chứng. Nếu người dân đưa tin một cách trung thực thì chẳng có gì phải sợ cả.

Xử phạt đưa tin trên mạng

Hôm 4 tháng 2 năm 2020, Reuters có bài xã luận về tình trạng bắt bớ những người đưa tin về dịch bệnh này ở Châu Á. Theo đó, ít nhất 16 người đã bị bắt vì các bài đăng liên quan virus corona ở Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Hồng Kông. Singapore đã sử dụng luật "tin giả" mới để trừng phạt cư dân mạng. Tại Trung Quốc, có 8 người bị bắt đầu tháng 1 do lan truyền những thông tin về virus này nhưng cuối cùng họ đã được thả.

Cũng theo bài xã luận này thì tại Việt Nam - nơi có ‘một đội quân đông đúc chuyên kiểm duyệt các tin tức, bài viết trên mạng xã hội cho chính quyền’ - đã phạt ít nhất chín người và mời làm việc ba người nổi tiếng do đã đăng các thông tin, bài viết về virus corona.

Luật sư Đặng Đình Mạnh trong một lần trao đổi với RFA cho rằng những biện pháp mà phía công an thực hiện đối với những facebooker vừa nêu là không đúng luật.

"Thật ra việc người dân có ý kiến về bệnh dịch Corona thì rất có thể họ nói quá sự thật nhưng điều đó xét về phương diện pháp lý thì không có gì sai đến mức độ bị chế tài hoặc bị bắt giữ.

khautrang4

Nhân viên y tế đứng cạnh quầy ở khu vực cách ly tại Viện các bệnh nhiệt đới ở Hà Nội hôm 30/1/2020 AFP

Trường hợp mới nhất là hôm 2 tháng 2, facebooker Them Ly đăng trên tài khoản cá nhân của mình 2 đoạn video ngắn từng hàng dài người Trung Quốc đeo khẩu trang chờ nhập cảnh vào Việt Nam ở cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Facebooker này bị phạt 12,5 triệu đồng vì đưa tin sai lên mạng xã hội. Cùng ngày, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Vĩnh Long cũng quyết định xử phạt 12,5 triệu đồng ông Nguyễn Nhựt Tân cũng với cáo buộc ‘tung tin thất thiệt’ về dịch do virus corona tại Cần Thơ trên trang facebook cá nhân của mình.

Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 1 tháng 2 đã ra quyết định xử phạt Facebooker Nhàn Lê số tiền 12,5 triệu đồng vì đưa tin Huế đã có 1 trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, ông Lương Tam Quan, tại cuộc họp báo ngày 5 tháng 2 cho biết tính đến lúc đó đã triệu tập hơn 170 người để xử lý, kiểm điểm và yêu cầu gỡ bỏ các thông tin đăng trên tài khỏan cá nhân Facebook về dịch bệnh virus corona mà công an cho là sai sự thật theo Nghị Định 174 của Chính phủ Hà Nội.

Có khả thi khi chặn thông tin trên mạng ?

Blogger, nhà quan sát thời cuộc Nguyễn Ngọc Già cho rằng việc phạt tiền như vậy là điều bất hợp lý mà người dân phải chấp hành. Còn việc người dân tin mạng xã hội hơn báo chí chính thống, thậm chí tin cả những tin giả thì đó là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải đặt ra câu hỏi "Vì sao dân không tin những thông tin từ phía chính quyền đưa ra ?", từ đó thay đổi để đưa tin thật tới người dân. Theo ông thì Nghị định 15 không hề góp phần cho việc ngăn chặn tin giả mà nó chỉ làm rối thêm tình hình hiện nay. Ông giải thích :

"Những thông tin xuyên tạc, giả mạo, sai sự thật như vậy, nếu đứng về cộng đồng mạng với mấy chục triệu người thì phải nói là rất khó kiểm soát.

Trên mạng xã hội có rất nhiều người đưa ra những hình ảnh avatar không thật, thêm vào đó là lực lượng AK47 và dư luận viên mười mấy ngàn người dựa hơi việc "phát hiện phản động bảo vệ chế độ" có thể giả mạo rất nhiều thông tin, thậm chí cả xuyên tạc và vu khống cộng đồng thì Nhà nước Việt Nam giải quyết như thế nào ?"

Theo ghi nhận của RFA, sở dĩ người dân không tin báo chí chính thống nhà nước mà tin vào mạng xã hội là do có những thông tin thuộc loại ‘nhạy cảm’ được mạng xã hội lan truyền trước khi báo chí nhà nước đưa ra, nhất là những gì liên quan đến sức khỏe các quan chức cao cấp như ông Nguyễn Bá Thanh, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Phú Trọng…

Nếu muốn dân tin thì phải đưa tin trung thực và minh bạch, chứ không thể bưng bít thông tin bằng cách bịt miệng dân bằng nhiều hình thức như vậy.

Anh Trần Trọng Nhân từ Đắc Nông, từng nhận giấy mời lên làm việc với chính quyền do những thông tin được anh đăng tải trên facebook cá nhân nói với RFA sáng 5 tháng 2 :

"Theo em thì chính quyền không thể chặn thông tin trên mạng xã hội. Điều cần làm là họ phải thay đổi cách làm việc, minh bạch hóa mọi vấn đề, chấp nhận những quan điểm trái chiều góp ý cho chính quyền nhận thấy những cái sai của mình. Phải thay đổi để đáp ứng mong mỏi của người dân chứ không phải cứ lo chặn thông tin trên mạng của dân bằng mọi cách".

Anh nhân cho rằng chính quyền ban hành Nghị định 15 không nhằm mục đích làm trong sạch mạng xã hội mà chỉ nhằm kiểm soát thông tin gắt gao hơn, hạn chế những tiếng nói bất đồng. Trong một xã hội độc tài toàn trị thì chuyện tự do ngôn luận là điều quá xa vời với người dân.

Từ khi mạng xã hội phát triển, rất nhiều thông tin trong mọi lĩnh vực được đưa lên mạng thu hút sự chú ý, bình luận của cư dân khiến chính quyền đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biện pháp chặn thông tin từ mạng xã hội đến nay không được hiệu quả.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 05/02/2020

****************

Chống đại dịch viruscorona : Đóng cửa biên giới là vấn đề sống còn

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 05/02/2020

Chỉ đến khi ông Phạm Bình Minh ngoại trưởng giải thích lý do tại sao không thể đóng cửa biên giới Việt Trung, dân chúng mới ngã ngửa ra là Việt Nam (Việt Nam) đã buông bỏ chủ quyền. Ông ta giải thích việc đóng cửa biên giới phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.

khautrang5

Rất đông khách Trung Quốc vào Việt Nam theo đường bộ

Ông nói trong bối cảnh báo chí và dư luận yêu cầu chính phủ đóng cửa biên giới Việt Trung và trong khi một loạt nước đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc (Trung Quốc) hoặc cấm công dân Trung Quốc hay công dân nước nào đã từng ở Trung Quốc trong thời gian gần đây nhập cảnh vào nước họ. Đó là các quốc gia Nepal, Singapore, Mông Cổ, Malaysia, Philippines, Kazakhstan, Nga, Mỹ, New Zealand, Nhật. Triều Tiên là nước có nhiều thâm tình nhất với Trung Quốc lại là nước đóng cửa biên giới với Trung Quốc sớm nhất, ngay từ hôm 22/1/2020.

Ông Phạm Bình Minh giải thích phải có thỏa thuận với Trung Quốc, còn dân thì không biết phía Việt Nam đã "đề nghị" phía Trung Quốc chưa, hay "đề nghị" rồi mà Trung Quốc chưa chấp thuận ?

Tại sao Việt Nam lại phải ký một hiệp ước tự trói buộc mình như thế ? Trong khi các nước kể trên họ thấy cần là đóng, chẳng phải xin phép ai cả. Nếu thế, đây là hiệp ước cực kỳ vô nguyên tắc.

Ngược lại, giả sử Trung Quốc muốn đóng cửa biên giới với Việt Nam thì có khó khăn như vậy không, có cần xin ý kiến phía Việt Nam không ? Nếu họ có hỏi ý kiến, phía Việt Nam có đủ can đảm lắc đầu nếu không muốn không ?

Ông Phạm Bình Minh giải thích thì thế. Tuy nhiên tìm hiểu Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, khoản 3 điều 5 qui định : "Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dịch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ".

Như vậy, Hiệp định không có chuyện phải "thỏa thuận" với phía bên kia như ông Phạm Bình Minh nói mà chỉ phải "thông báo".

Điều này có thể giải thích như sau : Hoặc là Phạm Bình Minh lơ mơ không hiểu rõ Hiệp định ; Hai là vì nhún nhường quá mà phía Việt Nam không dám áp dụng đúng tinh thần của Hiệp định, tự mình lùi xuống mức phải xin ý kiến Trung Quốc và đợi Trung Quốc đồng ý.

Để ngăn chặn dịch bệnh lan từ quốc gia nọ sang quốc gia kia, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là đóng cửa biên giới. Còn trong phạm vi một quốc gia, việc đầu tiên là cách ly người bệnh. Đó là biện pháp hàng đầu và hiệu quả nhất. Việc vẫn để ngỏ biên giới không phải là chuyện nhường cơm sẻ áo, không giúp được bạn bớt đi số người nhiễm bệnh mà chỉ giúp virrus conosa phát tán qua biên giới mà thôi. Không giống như trong chiến đấu, sống cùng sống, chết cùng chết. Trong chiến đấu vào lúc hiểm nguy, không bỏ đồng đội là để tăng cường thêm sức kháng cự, còn trong dịch bệnh ôm nhau để cùng chết chỉ là rồ dại.

Với việc đóng cửa biên giới, không cần phải e ngại quá mức như thế. Chắc phía Trung Quốc cũng hiểu và không nỡ cho rằng Việt Nam "hai lòng" dù họ có hẹp hòi đến mấy, vì đây là vấn đề dịch bệnh. Không hiểu vì yêu quá hay vì sợ quá mà nhà phía Việt Nam không dám ?.

Đây là vấn đề toàn dân đang quan tâm lo lắng. Vào lúc này, những ai kêu gọi đóng cửa biên giới Việt Trung có thể bị cho là phản động, là phá hoại "tình hữu nghị Việt Trung" nhưng chắc nhà cầm quyền không thể trì hoãn được mãi.

*

Vào ngày 30/1 có một thông tin như sau :

"Nghiên cứu mới nhất của Liang Zhuowei, trưởng khoa Y của Đại học Y Hồng Kông, chỉ ra rằng coronavirus mới của bệnh viêm phổi Vũ Hán đang gia tăng với tốc độ tăng gấp đôi sau mỗi 6 ngày".

Tuy nhiên, chu kỳ để số người nhiễm tăng gấp đôi qua thực tế tuần qua không đến 6 ngày. Hãy xem bảng theo dõi sau :

Qua đó, có thể thấy chỉ sau 4 ngày số bị nhiễm tăng gấp đôi chứ không phải 6 ngày. Nếu lấy con số nhiễm của ngày 31/1 là 9816 người và làm một phép tính đơn giản thì để lây nhiễm toàn thế giới với số dân 7,7 tỉ người chỉ mất có 80 ngày.

Về số tử vong, qua bảng theo dõi thấy cũng sau khoảng 4 ngày ngày số tử vong tăng gấp đôi và với tốc độ như thế nếu làm một phép tính tương tự thì chỉ 100 ngày sau loài người bị tiêu diệt.

Trong khi qua theo dõi thì con số nhiễm bệnh hay số đã tử vong cứ lầm lũi tăng một cách khá "ổn định", cứ 4 ngày tăng gấp đôi. Nó như những cấp số nhân mà công bội xoay quanh con số 1,2.

Lưu ý là số liệu do báo chí Việt Nam lấy thông tin do phía Trung Quốc công bố. Còn thực tế có thể bị giấu giếm đi rất nhiều.

Đọc thêm : Số ca nhiễm virus Vũ Hán chỉ là ‘phần nổi của tảng băng chìm’

Tính toán như thế để mọi người thấy tính vô cùng nguy hiểm của dịch Vũ Hán. Nếu không tìm ra được vắc-xin điều trị và có biện pháp ngăn ngừa thì hậu quả thật khủng khiếp.

*

Trở lại vấn đề đóng cửa biên giới, quan chức nhà ta cho rằng chưa đến lúc. Vậy lúc nào mới đến lúc khi thiên hạ đều đã đóng cửa biên giới ? Đây là điều vô cùng lạ lùng từ phía Việt Nam.

Nếu vét hàng để tặng hàng vạn khẩu trang cho Trung Quốc, khiến mặt hàng này ở Việt Nam trở nên khan hiếm giá tăng cao còn chấp nhận được.

Nếu ủng hộ Trung Quốc 600 nghìn USD chống dịch trong khi Việt Nam còn rất nghèo, điều này còn chấp nhận được.

Nếu Việt Nam bị nhiễm 1 để bớt đi cho Trung Quốc 1 người bị nhiễm, điều này vẫn còn đỡ.

Nhưng nếu để toang cửa biên giới để cùng nhiễm dịch thì là tư duy điên rồ.

Khoanh vùng, cách ly dịch bệnh là biện pháp đầu tiên mỗi khi có dịch bệnh. Tính mạng con người quan trọng hơn tất cả, hơn lợi ích kinh tế và những lợi ích khác. Vì vậy, không thể dùng tính mạng con người phục vụ cho lợi ích kinh tế hay những lợi ích khác nếu không phải chiến tranh. Với đại dịch virus corona đang hoành hành thì đóng cửa biên giới là vấn đề sống còn đối với Việt Nam. Nhà nước Việt Nam không có lý do gì để chần chừ trong việc này.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 05/02/2020 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Diễm Thi, Nguyễn Tường Thụy
Read 448 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)