Về mặt tâm lý học, chống lại cái chết luôn dễ dàng hơn để chiến thắng nỗi sợ hãi cái chết bằng cách… chết. Cưỡng bức ý chí, buộc phải chết chính là khi con người hoàn toàn toàn tuyệt vọng.
Bao nhiêu người Trung Quốc giờ đây thấm thía hơn hai chữ "nhân quyền", bao nhiêu người cay đắng nhận ra nguyên tắc "kinh tế cao hơn nhân quyền".
Tập Cận Bình : kinh tế cao hơn nhân quyền
Nhân quyền thời kỳ Tập Cận Bình tồi tệ chỉ sau sự kiện Thiên An Môn.
Tập Cận Bình với triết lý củng cố hệ thống độc đảng, gia tăng kiểm duyệt và đàn áp những người bất đồng chính kiến. Nhưng đồng thời giữ vững tăng trưởng kinh tế để xoa dịu người dân vào giấc ngủ mê.
"Trung Quốc có quy tắc phát triển riêng của chúng tôi. Chúng tôi không nhập khẩu nguyên chiếc nhân quyền phương Tây. Một hệ thống kiểm soát, với nền kinh tế là phù hợp với quốc gia này. Chẳng phải bạn không thấy Trung Quốc đang trở nên tươi đẹp hơn ?" Trần Duệ Ngân, một người dân Bắc Kinh trả lời SCMP ngày 8-4-2017.
Không ít người dân Trung Quốc tin tưởng vào thành tựu kinh tế, và họ cảm thấy tại Trung Quốc vừa đủ tự do để không trở nên "hỗn loạn" như tại các nước Tây Âu.
Các nhà phân tích cho biết, với nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục bùng nổ và ảnh hưởng toàn cầu gia tăng, Tập Cận Bình hơn bao giờ hết tin rằng Trung Quốc đòi hỏi một hệ thống độc đảng, độc đảng cao. Đồng thời, sự xa lánh ngày càng tăng đối với chính trị trong giới trẻ Trung Quốc đang thúc đẩy Tập Cận Bình tiếp tục thực hiện chủ trương của mình.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc đối diện với sự nghiệt ngã nhân quyền, tuyệt vọng nhân quyền thời Tập Cận Bình.
Giới lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ hệ thống đa nguyên, đa đảng và các giá trị phổ quát về quyền con người của phương Tây, coi đó là yếu tố làm suy yếu thành tựu kinh tế của nước này. Và Bắc Kinh chứng minh ngược, rằng không cần theo đuổi giá trị phổ quát thì nước này vẫn lo được "cơm no, áo ấm" cho người dân.
Mục tiêu của Tập chính là bảo vệ sự cai trị của Đảng Cộng sản và nếu ai đó đòi hỏi cho tự do, họ sẽ mất tự do.
Nhân quyền là quyền trách nhiệm chính phủ
Trung Quốc từ lâu đã bác bỏ các quan niệm truyền thống về quyền con người theo định nghĩa của Tuyên ngôn quốc tế, nhưng Bắc Kinh đủ khôn ngoan đee định nghĩa lại khái niệm nhân quyền theo cách thông thường hơn, gắn chặt với các quyền như về quyền y tế, nhà ở, quyền phụ nữ, quyền LGBT. Tỷ lệ nghèo giảm và tuổi thọ tăng, là những chỉ số nhân quyền nổi bật mà Bắc Kinh giới thiệu trước thế giới. Đổi lại, Bắc Kinh hạn chế nói về tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí.
Bắc Kinh hình thành một mẫu mực về quốc gia hiền hoà, ổn định chính trị. Nơi mà tự do vừa đủ để hít thở, không có quá nhiều kiểm soát như Bắc Triều Tiên hay Cuba. Thế nhưng Vũ Hán đã định nghĩa lại cho chính người dân Trung Quốc và nhiều người khác ngộ nhận về tự do ở Trung Quốc biết rằng.
Tự do có nghĩa là khả năng giữ chính phủ có trách nhiệm. Tự do nghĩa là tự do ý chí, tự do để bảo vệ sự sống, và tự do để chết.
Bác sỹ Lý Văn Lượng và giòng hashtag #Iwantfreedomofspeech được xem gần hai triệu lần trước khi bị xóa là minh chứng cho thấy, tự do kiểu Trung Quốc chính là mồ chôn cho cả một xã hội và nền kinh tế nếu một ngày gặp biến cố.
Corona vô tình mở ra suy nghĩ của người dân Trung Quốc về tầm quan trọng của tự do và quyền con người phổ quát. Tiền ném từ căn hộ, cái chết trong trung tâm cô lập, bị đánh đập như một con vật… Người Trung Quốc đã trở thành tù nhân nhưng bị ru ngủ thời gian dài bởi sự phù hoa của thành tựu kinh tế.
Hải Minh
Nguồn : VNTB, 16/02/2020