Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/02/2020

"Những cái nhất" của ngày 17/02/1979

Đinh Hoàng Thắng

Đọc cái "tút" (tweet) của Giáo sư Tiến sĩ Trần Ngọc Vương từ Đại học Quốc gia nhân ngày tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam 41 năm trước đây, thú thật người viết bài này không khỏi giật mình. Nói chuyện điện thoại với Giáo sư xong, viết bài này, như thắp một nén tâm hương, tưởng niệm gần 100.000 chiến sĩ và đồng bào ta đã bỏ mình trong hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc vốn bị lãng quên một cách nhẫn tâm và chóng vánh nhất.

dht1

Người dân thắp hương tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội

Con số 100.000 chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh là lấy từ Tuyên bố của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Tuyên bố viết : "Lịch sử rồi sẽ phải công khai sự thật số lượng người Việt Nam thương vong trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở cuối thế kỷ 20, nhưng theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam đã hy sinh trong hai cuộc chiến tranh biên giới mà nguyên nhân là từ Trung Quốc cộng sản gây ra khoảng 100.000 người".

Vâng, con số nói trên rõ ràng chưa được thẩm định. Ở một đất nước mà phải sau 3 Nghị quyết của Bộ Chính trị, doanh nghiệp, người dân và xã hội mới được phép "hội nhập toàn diện" với thế giới, thì việc trích con số mất mát trong trận mạc chưa qua thẩm định rất có thể bị xử lý. Vẫn biết chẳng hy vọng gì nhiều vào câu chữ trong EVFTA, tự do báo chí sẽ được bảo đảm ở Việt Nam, để tính chuyện "chạy tội". Đơn giản, phải chờ đến năm 2023, cam kết trong Hiệp định ấy mới có hiệu lực pháp lý. Còn trên thực tế thì chưa biết đến "Tết Công gô" nào mới có !

Nhưng chẳng nhẽ vì thế mà những nhà báo trung thực dịp này vẫn "mũ ni che tai" ? Tác giả bài này còn nhớ, dạo nọ, nhân tưởng niệm ngày 17/2, một trang mạng hàng đầu ở Việt Nam có đặt bài về cuộc chiến tranh biên giới, nhưng lại đưa ra yêu cầu là không được đề cập đến hai từ "Trung Quốc" trong bài viết. Thật là tột cùng của mọi sự phi lý ! Đỉnh cao của mọi sự vô liêm sỉ ! Ngay như 17/2 năm nay, các báo hầu như "không giám chấp" hay là do "huý kỵ" đặc biệt, vẫn tránh hai chữ "Trung Quốc" trong bài viết như tránh dịch Covid-19. Lần này, cùng với Giáo sư Trần Ngọc Vương, tác giả muốn đề xuất với các "sử gia" đáng kính 5 "cái nhất" mà những người viết bộ sử "chính thống" ấy không rõ vì lý do gì đã bị ép quên hay tự lãng quên.

Thứ nhất, đợt tấn công phủ đầu trên toàn tuyến biên giới bắt đầu ngày 17/2/1979 thực chất là một cuộc chiến tranh xâm lược có quy mô lớn nhất nhưng lại diễn ra trong một thời gian ngắn nhất, tính đến thời điểm kẻ địch phải tuyên bố rút quân (ngày 5/3/1979). Theo Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Mã Lương, đấy thực sự là cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Chưa bao giờ chúng ta phải đối phó với một đội quân xâm lược nhung nhúc như thế ! Địch tung ra một lực lượng quân sự 600.000 lính, cùng các phương tiện chiến tranh hiện đại, tàn phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc trong gần một tháng. Tuy nhiên, chúng chỉ tiến sâu vào được đất ta không quá 50 km. Khác với các triều đại trước đây, mỗi lần đánh ta, đa phần quân Tàu vào tận kinh đô. Ấy vậy mà, các sử gia chính thống chỉ chép về chiến công hiển hách ấy có 290 dòng trên tổng số 103.000 dòng về các sự kiện qua 70 năm của bộ sử chính. Số chữ về cuộc chiến chiếm chưa đầy 0,003% toàn bộ số chữ về các sự kiện từ 1930 đến 2000. Mỉa mai thay, các "sử nô" đã viết về cuộc chiến tranh bi thảm ấy bằng những con chữ vô hồn nhất, với nguỵ biện để bảo đảm trung tính và khách quan, vì chưa "thương lượng" xong với các "sử gia bạn".

Thứ hai, từ đòn đánh bất ngờ ấy, một cuộc chiến tranh đẫm máu nhất đã diễn ra, như tài liệu từng tổng kết. Nhưng sử "chính thống" chép quá sơ lược, thậm chí hầu như không viết gì về cuộc chiến từ 1984 đến 1989, nên rất nhiều người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, vẫn không biết gì về mức độ ác liệt của nó. Trên thực tế, chỉ riêng tại Vị Xuyên, Hà Tuyên giai đoạn 1984-1989, Trung Quốc chết 15.178 quân, bị thương 17.757 tên. Ở khu vực này, có chỗ ta và địch giằng co nhau từng mét đất biên cương. Việt Nam đã tổn thất 4.000 (có nguồn ghi 5.000) sĩ quan, chiến sĩ và hơn 9.000 bị thương. Chỉ riêng một đêm 12/7/1984 mở màn chiến dịch tái chiếm các điểm cao, quân khu II thiệt hại hơn 600 cán bộ, chiến sĩ. Có nguồn ghi ngày đó, trên các điểm cao ấy, các sư của ta "mất" ít nhất 1.200 người.

Thứ ba, cuộc chiến đẫm máu nói trên lại cũng là một cuộc chiến dai dẳng nhất (kéo dài chục năm có lẻ) trong lịch sử cận đại Việt Nam. Như tuyên bố của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nếu định nghĩa chiến tranh xâm lược là một quốc gia đưa quân đi giết người của đối phương để chiếm lãnh thổ, thì cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam vẫn chưa kết thúc. Trung Quốc từng xâm lăng, bắn giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974, tiếp đó dùng tập đoàn Polpot xâm lược Tây Nam – Việt Nam, đặc biệt cuộc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ 17/2/1979 đến 1989, vụ thảm sát binh sĩ, sĩ quan Việt Nam để chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa ngày 14/3/1988, cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây các căn cứ quân sự trên đó.

Thứ tư, trong thời gian chiến tranh Trung – Việt 10 năm có lẻ ấy, Trung Quốc đã vi phạm luật tù binh thô bạo nhất và đối xử dã man nhất với thường dân. Quân Trung Quốc đã thảm sát hàng ngàn tù binh, đặc biệt là 64 cán bộ chiến sĩ công binh Việt Nam ra xây đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, cùng với 2 tàu vận tải vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng Biển Đông. Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma và nhiều đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến ngày nay. Trên biên giới, lính Trung Quốc đã thảm sát dã man hàng ngàn thường dân, đặc biệt ở Tổng Chúp, đã giết 43 phụ nữ, trẻ em rồi quăng xuống giếng ở Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng, tháng 2/1979.

Thứ năm, một cái nhất nữa không thể không nhắc đến : Chưa có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử Việt Nam được cả chính quyền lẫn các sử quan "lãng quên nhanh nhất" và "bỏ chạy một cách kỹ lưỡng nhất" (từ của Giáo sư Trần Ngọc Vương). Bộ lịch sử 15 tập, dày hơn 10.000 trang, với khoảng 290.000 dòng, trong đó dành cả chục ngàn dòng về cuộc chiến ý thức hệ từ 1954 đến 1975 – cuộc chiến mà Trung Quốc đã "tận tình giúp" để ta "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng" – trong khi đó chỉ chép vẻn vẹn có mười một dòng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Sau hơn 4 thập kỷ, người ta cố tình tung hỏa mù lên tính chính danh của cuộc chiến. Không dám gọi kẻ xâm lược là địch, các chiến sĩ ta hy sinh thì khó khăn lắm mới được vinh danh là liệt sĩ. Chứ không phải chết ngày hôm trước thì ngay hôm sau đã được truy tặng "Huân chương Chiến công hạng nhất". Quả là một kỷ lục về sự "nhập nhằng ý thức hệ" !

dht3

Từ những thiện nghĩ trên đây, có thể thấy cuộc chiến bảo vệ tự do độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cho đến hôm nay vẫn chưa kết thúc. Kẻ thù của ta không ai khác chính là kẻ chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 19/1/1974, kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến đẫm máu hơn 43 năm trước ở biên giới Tây Nam và 41 năm trước (từ 17/2/1979 – 1989) ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Ngày nay, kẻ thù ấy vẫn ngang nhiên bám vào đường "lưỡi bò" để đòi chiếm 80% Biển Đông, cho dù Tòa Trọng tài của Liên hiệp quốc đã hoàn toàn bác bỏ.

Đúng như cảnh báo của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, với chiến lược "vành đai con đường" Trung Quốc đã/đang bành trướng lãnh thổ, xâm phạm biển đảo và thềm lục địa Việt Nam, không để Việt Nam hợp tác với các nước khác khai thác dầu khí ở khu mỏ Cá Rồng Đỏ, Bãi Tư Chính. Kẻ thù đó ngày nay với "sức mạnh mềm" kinh tế, văn hóa, chính trị… đã/đang lôi kéo được nhiều người mang dòng máu Việt Nam nhưng vì cơ hội chính trị, tham lam quyền lực và vật chất, có nhiều người mang danh trí thức cũng bị mờ mắt, bị lú lẫn, đã vô tình hay hữu ý làm tay sai cho kẻ xâm lược đất nước mình.

Đinh Hoàng Thắng

Nguồn : RFA, 17/02/2020

Tham khảo thêm :

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/relationship-between-vietnam-and-china-41-years-after-the-war-dt-02102020134809

https://baotiengdan.com/2020/02/16/tuong-niem-41-nam-cuoc-chien-chong-xam-luoc-trung-quoc-o-bien-gioi-phia-bac/

https://www.facebook.com/people/Vuong-Tran-Ngoc/100012163200431

***********************

Chiến tranh Biên giới 1979 : Ai nhớ ai quên vẫn là câu hỏi nhức nhối

BBC, 17/02/2020

Mỗi năm cứ đến ngày 17/2 - đánh dấu kỷ niệm ngày nổ ra chiến tranh biên giới Việt - Trung từ năm 1979-1989 - người dân Việt lại nhức nhối với câu hỏi, ai nhớ, ai quên ?

dht4

Người dân xuống đường tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới tại Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội

Như mọi năm, trong ngày này, các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam sẽ ra đặt vòng hoa, hay dâng hương tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979 ở tượng Đức Thánh Trần ở Bến Bạch Đằng, Sài Gòn, Vua Lý Thái Tổ ở Hà Nội, hoặc các nghĩa trang liệt sĩ.

Nhưng năm nay, do dịch virus corona chủng mới, nhiều người Việt Nam đành thắp nén nhang lòng tưởng niệm.

Mạng xã hội vẫn là nơi đăng tải các dòng tưởng niệm hay ý kiến chia sẻ về cuộc chiến, như một hình thức tưởng niệm trong thời kỹ thuật số.

Nhà văn Phạm Viết Đào, trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt hôm 17/2 qua điện thoại nói rằng, ngày này nhắc nhở với chúng ta rằng mối đe dọa từ Trung Quốc với Việt Nam là hiển nhiên và không ai có thể phủ nhận.

"Những người lãnh đạo càng ngả theo Trung Quốc thì họ càng lấn tới. Cho nên, ngày 17/2 là dịp người dân khắp cả nước, bằng cách này hay cách khác, tỏ thái độ và thúc giục như một sức ép, đòi hỏi chính quyền có những quyết sách, những chính sách tách dần khỏi sự lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. 'Còn với giới hữu trách, không thể vì những mối lợi nhỏ mà làm đánh mất đi quyền lợi chiến lược lâu dài của đất nước, của dân tộc", tác giả cuốn sách 'Vị Xuyên thế sự', viết về chiến tranh biên giới phía Bắc, nói.

VIETNAM-CHINA-BORDER-WAR-ANNIVERSARY

Những người biểu tình chống Trung Quốc mang theo biểu ngữ tham gia các cuộc tuần hành quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, không chính thức đánh dấu kỷ niệm lần thứ 37 cuộc chiến tranh biên giới đẫm máu với Trung Quốc ngày 17/2/1979. Những hoạt động quần chúng bày tỏ thái độ chống Trung Quốc như thế này thường không được chính phủ Hà Nội khuyến khích vì e ngại ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, trả lời BBC News tiếng Việt qua điện đàm cùng ngày, cho rằng đây là ngày "người Việt Nam cùng nhắc nhở bài học cảnh giác với Trung Quốc".

Đẫm máu, dai dẳng nhưng bị coi nhẹ ?

Năm nay, ngoài thắp nén nhang lòng, các thành viên Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đưa ra nhận định về những gì sách Lịch sử Việt Nam "chính thống" ghi nhận về cuộc chiến nói trên.

Họ nhận định rằng, chiến tranh biên giới Việt Nam và Trung Quốc là một cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng chống Trung Cộng xâm lược, nhưng lại bị coi nhẹ hết sức trong sách lịch sử Việt Nam"chính thống".

Đẫm máu bởi "theo các nhà quan sát phương Tây ước tính, thì quân và dân Việt Nam hy sinh trong hai cuộc chiến biên giới - mà nguyên nhân là từ Trung Quốc gây ra - khoảng 100.000 người".

"Quân Trung Quốc còn thảm sát 64 sĩ quan chiến sĩ công binh Việt Nam ra xây đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988, và Trung Quốc đã chiếm đảo Gạc Ma và nhiều đảo đá khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho đến nay".

Còn dai dẳng bởi "nếu định nghĩa chiến tranh xâm lược là một quốc gia đưa quân đi giết người của nước đối phương để chiếm lãnh thổ, thì cuộc chiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam vẫn chưa kết thúc."

"Vì từ vụ Trung Quốc xâm lược, bắn giết người Việt Nam để chiếm Hoàng Sa của Việt Nam 19/1/1974 ; tiếp đó là Bắc Kinh dùng cộng sản Polpot xâm lược Tây Nam Việt Nam ; đặc biệt cuộc xâm lược 6 tỉnh biên giới Bắc Việt Nam từ 17/2/1979 -1989 ; vụ thảm sát 64 sĩ quan binh sĩ Việt Nam tại Gạc Ma để chiếm Gạc Ma và một số đảo đá thuộc Trường Sa của Việt Nam 14/3/1988, cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang chiếm giữ và xây căn cứ quân sự trên đó. Cuộc chiến tranh sử dụng "sức mạnh cứng" như thế chưa kết thúc."

Trong khi đó, cũng theo bản nhận định của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, bộ sách "Lịch sử Việt Nam" của Viện Sử Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn với 15 tập, với 10.000 trang, nhưng lại chỉ dành vỏn vẹn khoảng 11 dòng để đánh giá về cuộc chiến tranh biên giới nói trên.

Cụ thể, trang 355, tập 14, sách "Lịch sử Việt Nam" (Nhà xuất bản Khoa học xã hội) viết :

"Năm giờ sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực, 2.559 khẩu pháo, 550 xe tăng và thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lào Cai (30Km), Lai Châu (15km), Cao Bằng (50km).

"Quân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên địch, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".

Nhóm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng đặt câu hỏi :

"Phải chăng Viện Sử Học của Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam cũng bị "tê liệt và thất thủ" trước cuộc xâm lăng bằng "sức mạnh mềm" của Bắc Kinh còn đang tiếp diễn ?"

Trả lời phỏng vấn của BBC News tiếng Việt qua điện thoại cùng ngày, luật sư Trần Quốc Thuận thì cho rằng, trước đây, thay vì gọi đích danh cuộc chiến nói trên là chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, như công đồng mạng lâu nay vẫn chỉ đích danh, thì truyền thông nhà nước vẫn chỉ nói nhẹ đi là cuộc chiến biên giới.

Nhưng hai năm nay, sau những ý kiến trên mạng xã hội, cuộc chiến tranh này được gọi đích danh là chiến tranh xâm lược và được đưa vào sách giáo khoa và sách lịch sử chính thống, đó cũng là một thực tế cần ghi nhận, theo luật sư từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội này.

Tuy nhiên, ông cho rằng, cuộc chiến Việt - Trung, tức cuộc chiến Đông Dương lần thứ ba, cần được đặt ngang với các cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp, mà các nhà nghiên cứu vẫn gọi là cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất và thứ hai. Cụ thể là nhà nước cần tổ chức các hoạt động kỷ niệm, tưởng niệm vào các năm chẵn (5 năm hay 10 năm) như với hai cuộc chiến kia, chứ không chỉ dừng ở việc mở rào cho báo chí đề cập đến.

Cảnh giác và giải độc

Với nhà văn Phạm Viết Đào, vấn đề nguy hiểm nhất là một thời, Việt Nam đã bị ngộ độc về tình hữu nghị vưới Trung Quốc và bị 'phơi nhiễm' nặng nề.

"Nhìn lại những vấn đề về cuộc chiến tranh với Trung Quốc, những cây đại thụ của lịch sử Việt Nam không nắm được gì cả. Vừa rồi, khi viết 'Vị Xuyên thế sự', tôi lục lại các tài liệu thì tất cả những cơ quan hữu trách người ta không biết gì về cuộc chiến tranh này cả. Giới trí thức, tức những người có trách nhiệm nói cho mọi người về sự thật lịch sử thì hoặc bị ngộ độc, hoặc bị kìm kẹp đến nỗi nói đến chuyện này như là động vào cái gì đó khiến họ giật mình. Khởi động lại bộ nhớ về cuộc chiến đó, gặp lỗ hổng về dữ liệu lịch sử như vậy", ông nói với BBC News tiếng Việt.

Về khía cạnh này, theo Luật sư Thuận, điều quan trọng nhất hiện nay là nhắc nhở bài học cảnh giác với các thế lực phương Bắc.

"Âm mưu lấn chiếm, xâm lấn ngàn đời này, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ, và nước này ngày càng hung hãn hơn, nhất là với vấn đề biển Đông"- ông Thuận nói.

Kỷ niệm 41 năm chiến tranh biên giới Việt - Trung giữa lúc tình hình dịch do virus corona chủng mới, xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang nóng, ông Thuận gọi tư tưởng xâm lấn của Trung Quốc như một loại 'virus xâm lược' và nói rằng, cảnh giác vẫn là bài học không bao giờ cũ.

Khi được hỏi về những giải pháp có thể đề xuất nhằm giúp Việt Nam có thể thoát khỏi mối đe dọa từ Trung Quốc, luật sư Thuận trả lời rằng trước hết phải có sự độc lập về kinh tế.

Với việc Việt Nam gần đây ký hiệp định thương mại với nhiều đối tác, cũng như thiết lập quan hệ đối tác toàn diện hay chiến lược với nhiều nước, theo ông Thuận, con đường thoát Trung đang dần sáng ra.

Tuy nhiên, sự lệ thuộc kinh tế, nhất là đầu ra của nông sản với Trung Quốc vẫn còn. Và điều này ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục triệu nông dân.

"Điều này càng đòi hỏi phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam", ông Thuận nói.

Nhà văn Phạm Viết Đào cho rằng bài học trong mối quan hệ với Trung Quốc cũng đặt hàng loạt vấn đề với các dự án có tiền đầu tư của Trung Quốc.

Khi được hỏi về cách thức giải độc ngộ nhận về 'tình hữu nghị' với Trung Quốc hay 'sự giúp đỡ' của Trung Quốc, theo ông Đào nói chỉ có cách là thông tin :

"Phải làm sao để nhà báo được tìm hiểu, nhà văn được viết và được công bố tác phẩm, và mọi người được thảo luận công khai. Đó sẽ là ánh sáng để người ta soi rọi và dần giải độc, trả lại lương tri cho dân tộc".

Tuy thế, sau một thời gian tương đối im ắng, càng về gần đây, các báo chính thống ở Việt Nam càng nói kỹ hơn về cuộc chiến biên giới 1979.

Chẳng hạn năm ngoái, một bài trên Nhân dân điện tử (02/2019) chỉ riêng về đỉnh Pò Hèn (trước đây là Đồn 209, tại xã Hải Sơn, Thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) đã viết :

"Lịch sử của dân tộc sẽ mãi không bao giờ quên, trên dải biên cương ấy là nơi yên nghỉ của 86 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, trong ngày 17/02/1979".

Nguồn : BBC, 17/02/2020

**********************

Vì sao Trung Quốc muốn quên cuộc chiến 1979 ?

BBC, 20/02/2014

Nhân dịp 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, BBC đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viên Quốc phòng Úc, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại muốn lãng quên cuộc chiến nước này gọi là 'chiến tranh tự vệ' mà Trung Quốc đã 'chiến thắng'.

dht5

Trung Quốc vẫn xem cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam là một 'chiến thắng'

BBC : Trung Quốc đã tuyên bố cuộc chiến năm 1979 là nhằm mục đích "dạy cho Việt Nam một bài học", và một số nguồn nói quyết định giới hạn cuộc chiến trong vòng hai tuần đã được đưa ra nhiều tháng trước khi nó chính thức bùng nổ. Xét những yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam ?

Carl Thayer : Căng thẳng dọc biên giới Việt-Trung đã bắt đầu leo thang từ năm 1976 và dẫn đến kết cục là việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng sau đó đến tận giữa tháng Hai năm 1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.

Đặng Tiểu Bình đã có cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 16/2, một ngày trước khi nổ ra chiến tranh biên giới. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ được giới hạn về cả phạm vi lẫn thời gian, và lực lượng tham chiến chỉ bao gồm các lực lượng trên bộ.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra chỉ trong vài ngày. Điều này đã không xảy ra.

Trung Quốc đã sử dụng việc chiếm được Lạng Sơn ba tuần sau khi tiến quân qua biên giới để tuyên bố chiến thắng và đơn phương rút quân.

Những mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, trong đó có việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhằm giảm sức ép cho đồng minh Khmer Đỏ của họ, đã không thể đạt được. Việt Nam đã tiếp tục tấn công Khmer Đỏ và không rút quân khỏi Campuchia để tiếp viện cho biên giới phía Bắc.

Trung Quốc cũng muốn tiêu diệt các lực lượng chính của Việt Nam ở cấp sư đoàn đang đóng gần khu vực biên giới. Tuy nhiên Việt Nam đã giữ các lực lượng chính lại phía sau và Trung Quốc đã không thể loại các đơn vị này ra khỏi vòng chiến. Việt Nam chủ yếu chỉ sử dụng dân quân và bộ đội địa phương trong suốt cuộc chiến với Trung Quốc.

Một trong các mục tiêu khác của Trung Quốc là chiếm các tỉnh lớn như Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, và phá hủy hệ thống phòng thủ cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này, nhưng không phải chỉ sau vài ngày, mà là sau nhiều tuần giao tranh ác liệt và phải chịu thiệt hại nặng nề.

Không ngờ được thất bại

BBC : Một số ý kiến cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh với Việt Nam vì ông ta muốn giữ cho quân đội bận bịu để rảnh tay giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Ông có đồng ý với điều này ?

Carl Thayer : Trước Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 vào tháng 11-12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã được phục chức và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ.

Đặng là người có quan điểm cứng rắn chống lại Việt Nam kể từ khi hai nước bắt đầu có xung đột về vấn đề Hoa kiều. Việc Việt Nam đưa quân vượt biên giới Tây Nam để tiến vào Campuchia tháng 12 năm 1978 có lẽ là một giọt nước tràn ly.

Khi Đặng Tiểu Bình đã có thể ra lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "dạy cho Việt Nam một bài học", điều đó cho thấy ông ta là một lãnh đạo không có đối thủ.

Bên cạnh đó, Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng Trung Quốc có thể thu về những kinh nghiệm chiến trường cần thiết từ cuộc chiến với Việt Nam.

BBC : Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến là cách Đặng Tiểu Bình thử khả năng chiến đấu của quân PLA và nó phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông ta, bởi nó làm bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội PLA thời bấy giờ. Ông nghĩ gì về điều này ?

Carl Thayer : Trung Quốc đã thực hiện 'Bốn hiện đại hóa' một năm trước khi phát động chiến tranh với Việt Nam, trong đó hiện đại hóa quân sự được ưu tiên cuối cùng.

Việc thử khả năng chiến đấu của quân PLA không phải là điều Đặng Tiểu Bình muốn ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó, ông ta muốn có một chiến thắng vang dội trước Việt Nam, và cùng một lúc, thu về những kinh nghiệm quý giá trên chiến trường.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta không ngờ rằng quân PLA đã không đủ khả năng thực hiện 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại'.

Vì sao muốn lãng quên ?

BBC : Theo ông thì vì sao Trung Quốc lại muốn lãng quên một cuộc chiến mà họ gọi là 'chiến tranh tự vệ', nhất là khi họ đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến đó ?

Carl Thayer : Ít có quốc gia nào muốn nhớ đến thất bại của mình trong chiến tranh. Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Cái khó của Trung Quốc là làm sao có thể tưởng niệm chiến tranh biên giới mà không làm dấy lên nghi vấn về tuyên bố chiến thắng của Đặng Tiểu Bình.

Một mặt khác, nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược.

BBC : Cuộc chiến đã thay đổi những chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc như thế nào, thưa ông ?

Carl Thayer : Cuộc chiến biên giới là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh, buộc họ phải hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân PLA.

Trong cuộc chiến năm 1979, Trung Quốc đã sử dụng những đợt tiến công với quân số đông đảo như thời Chiến tranh Triều Tiên.

'Chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' là chiến lược dùng để bảo vệ Trung Quốc trước một kẻ thù hiện đại hơn. Đó là một 'chiến tranh nhân dân' được sửa đổi để sử dụng cho việc xâm lược một nước khác.

Trong 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' vào năm 1979, quân PLA đã không sử dụng những loại vũ khí đặc biệt hiện đại.

Yếu tố duy nhất của 'chiến tranh nhân dân' trong cuộc chiến năm 1979 đó là việc huy động dân quân cho công tác hậu cần vào bảo vệ hậu phương. Tuy nhiên ngay cả khi đó, các đơn vị của Việt Nam cũng vẫn có thể tiến qua biên giới của Trung Quốc nhằm "phản công để tự vệ", dù họ không gây ra thiệt hại nặng nề.

Quan hệ Việt-Trung đã đóng băng hơn 10 năm và trong thời gian này, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Khmer Đỏ.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc chỉ bắt đầu thay đổi sau sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng chỉ thay đổi đáng kể sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 và sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989.

Nguồn : BBC, 20/02/2014

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Hoàng Thắng
Read 1262 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)