Khẩu trang y tế và trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 19/02/2020
Nếu đảng thật sự nghiêm minh thì cần phải kiểm điểm Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc ; và trách nhiệm liên đới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hàng người xếp hàng trước cửa hàng bán khẩu trang - Ảnh minh họa
Ngày 28/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra ; trong đó yêu cầu trước mắt thành lập Đội phản ứng nhanh, Bộ Y tế hàng ngày báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
"Có kịch bản ứng phó với từng tình huống dịch trước ngày 30 tháng 01 năm 2020 ; bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch. Sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch ; có hướng dẫn, chỉ đạo quy trình, phác đồ điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong" – trích Chỉ thị số 05/CT-TTg.
Theo dự báo của Bộ Y tế, với kịch bản dịch bùng phát và lan rộng ở cấp độ 4, nhu cầu khẩu trang y tế cho 5-10% dân số là 2 chiếc/ngày/người, nhu cầu sẽ lên tới 9,7 – 19,4 triệu khẩu trang y tế/ ngày. Trước mắt, nhu cầu với 5% dân số sử dụng vào khoảng 9,7 triệu khẩu trang y tế/ngày.
Những con số thống kê đó đã loại trừ phần khẩu trang y tế sử dụng trong các bệnh viện.
Cục Y tế dự phòng cũng đưa ra khuyến cáo về sử dụng khẩu trang y tế tại nơi làm việc, không phải cơ sở y tế (1).
Bộ Y tế đã in các băng-rôn khuyến cáo về các trường hợp cần sử dụng khẩu trang y tế để phòng, chống lây lan virus nCov, trong đó phần cuối băng-rôn có tên "Đeo khẩu trang y tế đúng cách" là câu : "Người khỏe mạnh, không mắc bệnh đường hô hấp không cần sử dụng khẩu trang khi không cần thiết, hoặc có thể sử dụng khẩu trang vải để bảo vệ sức khỏe".
Tuy nhiên trên thực tế thì ngay cả thân nhân đi nuôi bệnh nội trú hiện tại cũng không thể tìm mua được khẩu trang y tế để sử dụng như khuyến cáo của Bộ Y tế. Và cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp quy nào nói rằng khẩu trang vải phòng chống được virus corona.
Nội tình kể trên coi như đã vi phạm kỷ luật Đảng. Cụ thể, vào ngày 29/1/2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký công văn số 79-CV/TW gửi các tỉnh ủy, thành ủy ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương ; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona (nCov) gây ra. Công văn có yêu cầu, "chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ cho nhân dân".
Như vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ phải chịu mọi trách nhiệm trước việc vi phạm chỉ thị của Đảng, khi đã không bảo đảm được "trang bị phòng hộ cho nhân dân".
Mặt khác, với yêu cầu "Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch" ở công văn số 79-CV/TW, để giữ gìn kỷ cương của Đảng trong phòng, chống dịch virus corona, cần thiết xem xét trách nhiệm liên đới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 19/02/2020
(1) http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-dich-benh-viem-phoi-cap-ncov/10718/khuyen-cao-phong-chong-benh-viem-duong-ho-hap-cap-do-chung-moi-cua-vi-rut-corona-ncov-tai-noi-lam-viec-khong-ap-dung-cho-co-so-y-te.
********************
Quyền sử dụng khẩu trang y tế của người dân
Minh Thúy, VNTB, 19/02/2020
Suốt mấy tuần lễ qua người dân không cách gì tìm mua được khẩu trang y tế, và trên các phương tiện truyền thông thì lơ là truy xét vì sao thị trường lại khan hiếm mặt hàng này đến như vậy.
Đây là tấm ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các quan chức đang thị sát tình hình khách du lịch tại Huế ở mùa dịch virus Vũ Hán – Corona. Tất cả đều sử dụng khẩu trang y tế, mặc dù theo khuyến cáo của Bộ Y tế, điều này có thể không cần thiết.
Trên báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh từng có bài viết báo động về chuyện ngay cả nhân viên y tế ở bệnh viện phụ sản Từ Dũ, và bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang phải sử dụng xen kẽ khẩu trang y tế với khẩu trang vải vì thiếu hụt nguồn cung cấp. Một nhà báo ở tờ Công an Nhân dân còn kể câu chuyện vị giám đốc bệnh viện quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh đã phải chạy vạy nhờ các mối quan hệ thân tình với chính quyền, mới có thể tìm được nguồn khẩu trang y tế về cho bệnh viện.
Người dân đã không tìm được câu trả lời thỏa đáng vì sao họ không thể mua được khẩu trang y tế, mặc dù chính Bộ Y tế đã khuyến cáo họ cần thiết sử dụng để ngừa dịch bệnh lây lan qua đường hô hấp.
Việc lúng túng trong công khai tin tức vì sao lại thiếu khẩu trang y tế, phải chăng là vì ‘viện trợ nhân đạo’ sang Trung Quốc nên khẩu trang y tế đã bị gom để xuất tới 36 tấn như Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho biết ? Trong tổng số kiện hàng hóa viện trợ cho Trung Quốc của Việt Nam được thông báo trị giá khoảng nửa triệu Mỹ kim, liệu đã có bao nhiêu chục ngàn tấn khẩu trang y tế ?
Xin đừng nghĩ nhân quyền là chuyện cao xa của đòi hỏi chính trị đa nguyên – đa đảng mà nhiều quan chức lâu nay cứ lo ngại, mà nhân quyền ở đây là quyền bình đẳng trong sử dụng những món hàng thông dụng để bảo vệ sức khỏe của từng người dân và cộng đồng, như khẩu trang y tế chẳng hạn.
Người dân có quyền thắc mắc nếu Bộ Y tế đã nói có thể sử dụng khẩu trang vải, vậy tại sao các quan chức như ngài Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn tùy tùng không làm gương cho dân chúng ở mùa dịch này đi ?
Minh Thúy
Nguồn : VNTB, 19/02/2020
*********************
Việt Nam sẵn sàng đối phó với đại dịch tới đâu ?
Nguyễn Hùng, VOA, 18/02/2020
Trong lúc vi rút Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và Việt Nam đang có nhiều biện pháp để tránh tình trạng lây nhiễm tràn lan, câu hỏi đặt ra là hai quốc gia cộng sản này sẵn sàng tới đâu để đối phó với đại dịch.
Tại Việt Nam và một số nước Châu Á khác, người dân coi đeo khẩu trang là điều thiết yếu.
Câu trả lời đầu tiên là cả Việt Nam và Trung Quốc đều không nằm trong số 10 nước sẵn sàng nhất để đối phó với đại dịch theo số liệu được Diễn đàn Kinh tế Thế giới dẫn lại từ tháng 11 năm ngoái.
Có hai nước Châu Á nằm trong tốp 10 nước dẫn đầu : Thái Lan ở vị trí thứ sáu và Hàn Quốc đứng thứ chín. Trong khi đó năm nước đầu bảng theo thứ tự là Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Úc và Canada.
Theo dữ liệu gốc trên trang Chỉ số Sức khỏe Toàn cầu, vốn cũng là nguồn của bài viết trên Diễn Đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 50 trên tổng số 195 nước và vùng lãnh thổ, trên Trung Quốc một bậc. Chỉ số do các tổ chức của Hoa Kỳ và Anh lập ra và dựa trên những nguồn mở để trả lời 140 câu hỏi khác nhau nhằm xác định mức độ sẵn sàng của các quốc gia trước đại dịch có thể xảy ra.
Trên thăng điểm 100, điểm của Việt Nam là 49,1 và Trung Quốc là 48,2. Trong ba nước cộng sản còn lại, Lào được 43,1 điểm đứng thứ 73, Cuba 35,2 ở vị trí 110 và Bắc Triều Tiên chỉ được 17,5 điểm xếp thứ 193.
Điều dễ thấy từ những gì xảy ra ở Vũ Hán là hệ thống thiên về kiểm duyệt và kiểm soát thông tin không giúp gì cho việc phòng chống dịch bệnh. Thay vì để ý tới các cảnh báo sớm của những người nhưbác sĩ Lý Văn Lượng, người sau này thiệt mạng vì Covid-19, chính quyền Trung Quốc đã xử lý những người cảnh báo thay vì xử lý bệnh dịch. Họ đã để mất đi cơ hội vàng để dập dịch từ lúc còn có thể dập được. Kết quả là hàng triệu người trên thế giới đã bị ảnh hưởng bởi một nhóm người có thói quen ăn uống và sinh hoạt mất vệ sinh trong xã hội có nhóm cầm quyền chuyên bịt mắt, bịt tai người dân. Ngay cả trong tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn không ngại ngần gì cách ly những người muốn nói thật.
Khẩu trang hay không khẩu trang ?
Hiện nay cách xử lý dịch bệnh tại Châu Á và Châu Âu cũng khác nhau. Tại Việt Nam và một số nước Châu Á khác, người dân coi đeo khẩu trang là điều thiết yếu. Tuy nhiên tại Châu Âu mà cụ thể là tại Anh nơi tôi đang sống, chính quyền không khuyến cáo người khỏe mạnh đeo khẩu trang, thứ hiện chỉ dùng cho người đã có bệnh. Thay vào đó chính quyền khuyến cáo người dân mang theo giấy ăn để che miệng khi ho hay hắt xì hơi, nếu không có khăn thì ho vào phía trong khuỷu tay chứ không phải vào tay. Họ cũng khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên và mỗi lần rửa tay chừng 20 giây, tức gần bằng thời gian hát hai lần bài chúc mừng sinh nhật, cũng như tránh tiếp xúc với người có biểu hiện ốm.
Hiện Anh mới có chín người dương tính với Covid-19 và tám người đã bình phục. Các quan chức Anh cũng nói một khi số ca nhiễm vượt quá 100 người, họ sẽ không xét nghiệm người bệnh như hiện nay nữa mà chuyển sang khuyến cáo bất cứ ai có biểu hiện cảm cúm tự cách ly 14 ngày và chính sách này có thể ảnh hưởng tới cả triệu người. Người ta cũng nói nếu đại dịch xảy ra, hàng chục triệu người Anh sẽ nhiễm Covid-19 và số tử vong sẽ lên tới hàng trăm ngàn. Điều đáng sợ đối với Covid-19 là nó có thể lây nhiễm ngay cả khi người bệnh không có biểu hiện bệnh, bởi vậy khả năng lây lan rất lớn dù tỷ lệ tử vong thấp.
Hiện nay ở Anh những người đeo khẩu trang thậm chí có thể bị kỳ thị. Một số người Trung Quốc tôi biết rất lo ngại và muốn đeo khẩu trang nhưng đã không làm vậy vì sợ sẽ trở thành đối tượng của những người thiếu văn minh.
Làm sao để có tiêu chuẩn vệ sinh năm sao ?
Nhưng điều quan trọng hơn cả đeo khẩu trang là có ý thức bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Nếu tự thấy mình có khả năng đã nhiễm Covid-19 thì đừng đi ra ngoài và đừng đến các cơ sở y tế thông thường vì như vậy có nguy cơ lây nhiễm sang người khác, nhất là những người đã ốm sẵn. Điều nên làm là gọi cho đường dây nóng để được hướng dẫn và nếu sức đề kháng tốt, khả năng tự khỏi là khá cao. Khi đi ngoài đường nên mang theo kem sát trùng để đảm bảo vệ sinh tay và tránh cho tay lên mặt nhằm hạn chế khả năng vi rút xâm nhập cơ thể nếu có. Dùng giấy hay phía bên trong khuỷu tay khi ho hay hắt xì hơi sẽ giảm nguy cơ bắn vi rút vào người khác. Thường xuyên rửa tay đúng cách là điều nên làm kể cả khi không có dịch bệnh.
Cũng phải nói thêm rằng chẳng phải chỉ có người Trung Quốc ở Vũ Hán mới có thói quen sinh hoạt mất vệ sinh. Tôi từng tới chụp ảnh cho một nhà hàng Trung Quốc ở gần London và thấy cảnh người ta để thịt cho ruồi bu, thịt cá để gần salad, tay bẩn được dùng để mở vòi nước rửa tay rồi lại dùng tay sạch tắt vòi. Nhà hàng đó cũng có một đầu bếp người Việt Nam và khi tôi muốn chụp ảnh cảnh thái salad người ta lục ra một thớt mà có lẽ cả năm chưa dùng và lau đi để thái salad, nghĩa là ngày thường họ dùng thớt thái thịt cá sống để thái salad. Mới đây một nhà hàng Trung Quốc gần nơi tôi sống đã bị lên báo vì khi thanh tra tới đột xuất đã thấy những điều tương tự những gì tôi chứng kiến hồi hè năm ngoái. Kết quả là họ chỉ được có một sao về tiêu chuẩn vệ sinh.
Trong lúc cả chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đều chỉ được hai sao rưỡi về khả năng sẵn sàng đối phó với bệnh dịch, mỗi gia đình nên tự nâng cấp khả năng của bản thân lên năm sao mới tăng hy vọng an toàn.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 18/02/2020