Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang phấn đấu trở thành lực lượng thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường sự kiểm soát của Trung Quốc đối với Đài Loan và các tranh chấp quốc tế ở Biển Đông.
Quân giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc diễu hành quân sự năm 2017. China Daily via Reuters - Ảnh minh họa
Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khiến cho quân đội nước này trở nên hùng mạnh, hiệu quả và tiến bộ hơn về công nghệ để trở thành lực lượng hàng đầu trong vòng 30 năm tới. Với ngân sách tăng vọt trong thập kỷ qua, PLA đã được xếp vào hàng ngũ các quân đội hàng đầu thế giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có trí tuệ nhân tạo và tên lửa đạn đạo chống hạm.
Các chuyên gia cảnh báo rằng sau khi được hiện đại hóa, quân đội Trung Quốc có thể trở nên quyết đoán hơn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng cường sức ép đối với Đài Loan và tiếp tục quân sự hóa các đảo bị tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Chính quyền Donald Trump tin rằng Trung Quốc là cường quốc đối đầu, cho dù theo lời các chuyên gia, PLA còn lâu mới có thể thách thức được Mỹ.
Quân đội Trung Quốc hiện đại khởi nguồn từ cuộc nội chiến (1927-1949) giữa lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc lực lượng Quốc dân đảng. Quân đội hoạt động theo kiểu du kích này phụ thuộc vào việc huy động đông đảo quần chúng Trung Quốc, và PLA vẫn giữ nguyên phần lớn cơ cấu tổ chức này trong nhiều thập kỷ sau đó để bảo vệ biên giới đất nước.
Thời điểm bước ngoặt rơi vào những năm 1990, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc hai lần chứng kiến Mỹ phô trương sức mạnh quân sự trong phạm vi ảnh hưởng của họ : lần đầu trong Chiến tranh vùng Vịnh và lần sau trong cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan. Ấn tượng về độ tinh vi của các lực lượng Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thừa nhận rằng họ thiếu công nghệ để tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại và ngăn chặn các cường quốc bên ngoài can thiệp vào khu vực. Các quan chức đã nỗ lực bắt kịp các quân đội hàng đầu bằng cách tăng chi tiêu quốc phòng, đầu tư vào các loại vũ khí mới để tăng cường khả năng chống tiếp cận/ngăn chặn xâm nhập khu vực (2A/AD) và thiết lập các chương trình nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc.
Một sự thay đổi khác bắt đầu vào năm 2012, khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền. Bảo vệ cái mà ông gọi là "Giấc mộng Trung Hoa", một tầm nhìn nhằm khôi phục vị thế cường quốc của Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đi xa hơn những người tiền nhiệm trong việc thúc đẩy cải cách quân sự. Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình cũng cam kết đến năm 2049 sẽ tạo ra một lực lượng đẳng cấp thế giới có thể thống trị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tranh toàn cầu.
Cải cách các lực lượng quân sự
Tập Cận Bình đã tập trung thực hiện những thay đổi lớn về mặt cơ cấu. Những cải cách quan trọng nhất của ông bao gồm việc sáp nhập các vùng tác chiến, cắt giảm mạnh về nhân sự và cải thiện hợp tác dân sự-quân sự. Ông đang đẩy mạnh chuyển đổi PLA từ một lực lượng chủ yếu hoạt động trên đất liền thành một thế lực hùng mạnh trên biển.
Lục quân : Lục quân là lực lượng lớn nhất và từ lâu đã được xem là quan trọng nhất, nhưng ưu thế của lực lượng này đã suy giảm khi Bắc Kinh tìm cách phát triển một lực lượng chiến đấu tích hợp các năng lực hải quân và không quân hạng nhất. Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), khi các lực lượng khác được mở rộng, Lục quân bị thu hẹp lại còn khoảng 975.000 binh sĩ. Các cải cách tập trung vào việc sắp xếp hợp lý hóa bộ máy chỉ huy cồng kềnh ; lập ra các đơn vị nhỏ hơn và tinh nhuệ hơn ; và trao quyền cho các chỉ huy cấp dưới. Lục quân cũng đang nâng cấp các loại vũ khí của mình. Chẳng hạn, xe tăng hạng nhẹ Type 15 của Lục quân đã đi vào hoạt động từ năm 2018 và cho phép lực lượng này can dự vào các khu vực vùng cao như Tây Tạng.
Hải quân : Hải quân đã được mở rộng với tốc độ đầy ấn tượng, trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tính về số lượng tàu. Năm 2016, Hải quân Trung Quốc đã đưa 18 tàu vào hoạt động, trong khi đó Hải quân Mỹ mới chỉ có 5 tàu. Chất lượng tàu của PLA cũng đã được cải thiện : Theo ghi nhận của tổ chức RAND, hơn 70% hạm đội của PLA có thể được xếp vào loại hiện đại trong năm 2017, tăng so với mức dưới 50% trong năm 2010.
Các chuyên gia cho biết với quân số ước tính 250.000 binh sĩ đang tại ngũ, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng chiếm ưu thế tại các vùng biển gần Trung Quốc và đang tiến hành nhiều hoạt động hơn ở những vùng biển xa hơn. Một trong những ưu tiên của Trung Quốc trong công cuộc hiện đại hóa quân sự là trang bị thêm tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay. Trung Quốc có hai tàu sân bay, trong khi đó Mỹ có 11 tàu. Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được chế tạo trong nước và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022.
Không quân : Lực lượng không quân cũng đã phát triển với 395.000 binh lính tại ngũ trong năm 2018. Lực lượng này sở hữu các trang thiết bị tối tân, một số được cho là sao chép các mẫu thiết kế đánh cắp từ Mỹ, trong đó có các hệ thống cảnh báo và kiểm soát trên không, máy bay ném bom và các phương tiện bay không người lái. Lực lượng không quân cũng có một bộ sưu tập máy bay tàng hình, trong đó có các máy bay chiến đấu J-20. Năm 2015, tổ chức RAND ước tính rằng một nửa số máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Trung Quốc đều đã được hiện đại hóa.
Lực lượng tên lửa : Chịu trách nhiệm duy trì các tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân của Trung Quốc, lực lượng tên lửa được nâng cấp lên thành một lực lượng độc lập trong các đợt cải cách năm 2015. Lực lượng này có khoảng 120.000 binh sĩ đang tại ngũ. Trung Quốc đã từng bước bổ sung vào kho vũ khí hạt nhân của mình - ước tính có tới 290 đầu đạn hạt nhân vào năm 2019 - và hiện đại hóa các năng lực của lực lượng này, trong đó có việc phát triển các tên lửa đạn đạo chống hạm có thể nhắm mục tiêu vào các tàu chiến của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, như một phần trong chiến lược 2A/AD của họ. Các nguồn tin cho biết Trung Quốc là nước có nhiều tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm trung nhất, những loại vũ khí mà cho đến gần đây Trung Quốc và Nga mới bị cấm sản xuất.
PLA cũng đang phát triển các tên lửa siêu thanh, có thể di chuyển nhanh hơn gấp nhiều lần so với vận tốc âm thanh và do đó khiến đối phương rất khó chống trả. Trong khi Nga là nước duy nhất đã triển khai tên lửa siêu thanh, tên lửa tầm trung DF-17 của Trung Quốc dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020. Lầu Năm Góc cho rằng Mỹ có thể phải mất nhiều năm mới có được một vũ khí như vậy.
Lực lượng hỗ trợ chiến lược : Được thành lập trong giai đoạn cải cách năm 2015, Lực lượng hỗ trợ chiến lược quản lý các hoạt động tâm lý, chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng của PLA, cùng nhiều nhiệm vụ công nghệ cao khác. Với quân số ước tính là 145.000 người, lực lượng này cũng phụ trách các hoạt động không gian của quân đội Trung Quốc, bao gồm cả các hoạt động sử dụng vệ tinh.
Mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết ngân sách quốc phòng năm 2019 của nước này là 177 tỷ USD ; tuy nhiên, ước tính của các nhà phân tích thường cao hơn những gì Bắc Kinh báo cáo. Ngân sách cấp cho PLA tăng vọt khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng hơn 7 lần, từ 31 tỷ USD trong năm 1998 lên đến 239 tỷ USD trong năm 2018, biến Trung Quốc thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.
Tình trạng nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc
Trong phần lớn chiều dài lịch sử, PLA phụ thuộc vào trang thiết bị quân sự nước ngoài, đặc biệt là từ Nga. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào các công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân. Tập Cận Bình đã thúc đẩy việc giảm bớt các rào cản giữa hai nhóm công ty này, nhấn mạnh cái mà ông gọi là sự hợp nhất quân sự-dân sự. Nhiều công ty đã xây dựng quan hệ với các công ty và trường đại học nước ngoài nhằm học hỏi công nghệ và bí quyết cùng với các ứng dụng quân sự. Các chuyên gia cho rằng điều này đặc biệt hữu ích trong việc phát triển các năng lực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo của PLA.
Phần lớn trang thiết bị của PLA hiện được sản xuất trong nước. Theo một báo cáo của SIPRI năm 2020, Trung Quốc được đánh giá là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, xếp sau Mỹ và đứng trước Nga. Phần lớn hàng hóa của Trung Quốc được xuất sang các nước đang phát triển, chẳng hạn như Pakistan. Trung Quốc vẫn nhập khẩu một số trang thiết bị chuyên dụng như động cơ phản lực, và bị cáo buộc sao chép các thiết kế của Nga, Mỹ và nhiều nước khác mà không được phép.
Quân đội đáp ứng các lợi ích quốc phòng và chính sách đối ngoại của Trung Quốc bằng cách nào ?
PLA là cánh tay vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và mục tiêu chính của PLA là bảo vệ sự lãnh đạo của đảng, điều mà họ lo sợ sẽ bị các nước đối địch, đặc biệt là Mỹ, làm cho suy yếu. PLA đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu của Tập Cận Bình là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và mục tiêu chiến lược bao trùm của PLA là bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của Trung Quốc. Các ưu tiên hàng đầu của PLA là triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ; ngăn chặn Đài Loan giành độc lập ; và bảo vệ đường biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc và 14 nước, trong đó có Ấn Độ và Triều Tiên. Tuy nhiên, PLA không chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh trong nước vốn thuộc về lực lượng Cảnh sát vũ trang nhân dân.
Một số chuyên gia cho rằng Đài Loan là chất xúc tác chính đối với công cuộc hiện đại hóa PLA. Đó là một hòn đảo tự trị nhiều thập kỷ qua, nhưng Bắc Kinh coi đó là một phần của Trung Quốc. Chính quyền Tập Cận Bình đã thi hành cách tiếp cận hung hăng, tuyên bố trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019 rằng PLA sẽ quyết tâm đánh bại bất cứ ai cố gắng chia tách Đài Loan khỏi Trung Quốc. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực đối với Đài Loan trong thời gian gần, nhưng nước này có thể sử dụng quân đội để chặn đứng các phong trào đòi độc lập và ngăn Mỹ can dự vào các cuộc xung đột trong tương lai.
Trung Quốc muốn triển khai sức mạnh quân sự trên toàn cầu ?
Nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc muốn trở thành cường quốc quân sự thống trị Châu Á-Thái Bình Dương, có khả năng ngăn chặn và đánh bại Mỹ trong một cuộc xung đột trong tương lai nếu cần. Tuy nhiên, chưa rõ liệu tham vọng cuối cùng của Trung Quốc có phải là triển khai sức mạnh trên toàn thế giới giống như Mỹ hiện nay hay không.
Trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019, Chính phủ Trung Quốc nêu rõ họ sẽ không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác hay tìm cách mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Trung Quốc duy trì chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công trước, không thành lập các liên minh quân sự và tuyên bố phản đối sự can thiệp vào công việc của các nước khác.
Joel Wuthnow, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học quốc phòng Mỹ, phát biểu tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) rằng ít nhất trong thời gian tới, PLA sẽ bận giải quyết các vấn đề trong nước. Ông cho rằng quân đội Trung Quốc còn lâu mới trở thành một lực lượng toàn cầu như quân đội Mỹ vì sự chú ý của họ chỉ giới hạn trong khu vực.
Tuy nhiên, khi các lợi ích kinh tế của Bắc Kinh đã mở rộng qua Trung Á và Châu Á - một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" - quân đội có thể ngày càng được yêu cầu hoạt động ở nước ngoài. Một số quan chức Mỹ, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence, đã cảnh báo rằng dự án phát triển to lớn này cuối cùng có thể được sử dụng cho các mục đích quân sự. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố điều này là sai sự thật, do hầu hết các dự án hiện đang được các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc bảo vệ.
Trung Quốc đã mở cửa căn cứ nước ngoài đầu tiên tại Djibouti vào năm 2017, cho dù đã cam kết trong Sách Trắng cách đây gần 2 thập kỷ là sẽ đóng cửa các căn cứ. Năm 2019, đã có nhiều báo cáo cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ khác ở Campuchia, nhưng các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ điều này. Trung Quốc đang tiến hành ngày càng nhiều cuộc tập trận quân sự chung với các nước như Pakistan, Nga và các nước thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Tính đến năm 2019, 2.500 binh sĩ PLA đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Các thách thức lớn đối với PLA
Thừa nhận trong Sách Trắng quốc phòng năm 2019 rằng PLA vẫn tụt hậu rất xa so với các quân đội hàng đầu thế giới, Chính phủ Trung Quốc tin rằng họ phải đầu tư hơn nữa vào các công nghệ mới và cải thiện hậu cần. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng thách thức chính đối với quân đội là vấn đề nhân sự : PLA đã chật vật trong việc tuyển mộ, huấn luyện và duy trì một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp. Meia Nouwens đến từ IISS cho rằng kỹ năng là điều khó có thể đào tạo một cách nhanh chóng nhất do quân đội Trung Quốc có quy mô rất lớn.
Điều này phần nào xuất phát từ việc thiếu kinh nghiệm : PLA chưa từng tham gia một xung đột quân sự nào lớn trong 40 năm qua, kể từ khi lực lượng này xâm lược Việt Nam năm 1988. Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận thấy rằng các cải cách gần đây đã làm gia tăng sức ép và gây căng thẳng cho các binh sĩ.
Một thách thức khác là tình trạng tham nhũng và điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhìn nhận là sự suy giảm lòng trung thành đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong 6 năm đầu cầm quyền, Tập Cận Bình đã giám sát việc xử phạt hơn 13.000 sĩ quan PLA, trong đó có 100 tướng lĩnh, vì đã đưa và nhận hối lộ như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng mở rộng.
Phản ứng của các nước trước sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc
Quân đội Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với các căn cứ ở Úc, Guam, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi quân đội Trung Quốc tiến gần vị thế ngang hàng với các lực lượng của Mỹ, thì Mỹ có thể sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ngăn chặn sự quyết đoán của Trung Quốc. Chính quyền Trump ngày càng coi Bắc Kinh là kẻ thù, mô tả cả Bắc Kinh và Nga là các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại với ý đồ cố gắng thay đổi trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho họ. Thông qua chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở", Mỹ đã tìm cách tăng cường các liên minh khu vực của họ, trong đó có liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển, duy trì hòa bình và sự cai trị của pháp luật.
Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng cần cảnh giác. Năm 2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của nước này. Tokyo có kế hoạch tăng cường chi tiêu quốc phòng và mua thêm vũ khí của Mỹ, và diễn giải lại hiến pháp theo đường lối hòa bình của họ để mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tìm cách tránh đối đầu và thậm chí còn tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, trong một nỗ lực nhằm xoa dịu mối đe dọa từ Triều Tiên. Một đồng minh hiệp ước khác của Mỹ là Philippines cũng đã nghiêng về phía Bắc Kinh. Tổng thống Rodrigo Duterte đã nhiều lần đến thăm Trung Quốc, ký các hiệp định nhằm tăng cường hợp tác và thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh vẫn dai dẳng do các tuyên bố chủ quyền của hai nước ở Biển Đông. Các nước yêu sách khác ở Đông Nam Á như Việt Nam có ngân sách quốc phòng tương đối nhỏ và chưa thể điều phối các hoạt động quân sự chung thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đài Loan, vốn đã tăng cường mua sắm vũ khí của Mỹ trong đó có máy bay chiến đấu F-16, cho rằng Mỹ sẽ bảo vệ họ trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tăng cường các năng lực quân sự, một số quan chức Đài Loan được cho là đã nghi ngờ liệu Mỹ có làm vậy hay không.
Mira Rapp-Hooper đến từ Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) chỉ ra rằng nhiều chính phủ cũng đối mặt với thách thức tương tự là phải đối phó với nỗ lực hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc trong khi vẫn duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh. Bà cho biết : "Các nước này đang phải vật lộn với thực tế rằng Trung Quốc là đối tác thương mại gần gũi nhất và Mỹ là đồng minh quốc phòng gần gũi nhất của họ. Nhiều khả năng là các đồng minh của Mỹ sẽ ngả sang Trung Quốc nếu nghi ngờ khả năng bám trụ của Mỹ ở Thái Bình Dương".
Lindsay Maizland
Nguyên tác : China’s Modernizing Military, Council on Foreign Relations ; 05/02/2020
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 26/02/2020
Lindsay Maizland là nhà bình luận về Châu Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR). Bài viết được đăng trên Hội đồng Quan hệ đối ngoại.