Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2020

Kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn và phản ứng của Mỹ dưới thời Trump

Elbridge A. Colby & A. Wess Mitchell

Nhiều người cho rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ là một mớ hỗn độn. Các trang báo giật tít rằng vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ đã chết. Các nhà bình luận nổi tiếng chăm chỉ gửi đi các cập nhật mới nhất từ tiền tuyến chiến dịch mà họ cho là do Tổng thống Donald Trump tiến hành nhằm phá vỡ trật tự thế giới tự do hậu chiến. Họ nói với chúng ta rằng thiệt hại đối với vị thế toàn cầu của Washington giờ đây là không thể nào khắc phục được nữa.

kynguyen1

Chính quyền Trump thừa nhận cạnh tranh nước lớn sẽ định hình lại chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ gốc đến ngọn, đồng thời dùng nhận định này làm cơ sở cho các tài liệu chiến lược chính thức. Ảnh minh họa

Nhưng ẩn sau làn sóng chỉ trích thường nhật ấy là một viễn cảnh khác. Trên thực tế, Hoa Kỳ đang sửa soạn cho một thời kỳ mới – một thời kỳ họ không còn thống trị tuyệt đối nữa, mà thay vào đó được đặc trưng bởi một Trung Quốc trỗi dậy và một nước Nga báo thù cùng tìm cách làm suy yếu quyền lãnh đạo của Mỹ và vẽ lại chính trị toàn cầu theo ý mình.

Quá trình chuyển dịch trọng tâm này của Washington đã được tiến hành một thời gian. Các dấu hiệu đầu tiên, phần lớn mang tính phản ứng thụ động, xuất hiện dưới thời tổng thống Barack Obama. Chính quyền Trump đi một bước xa hơn bằng việc thừa nhận cạnh tranh nước lớn sẽ định hình lại chính sách đối ngoại Hoa Kỳ từ gốc đến ngọn, đồng thời dùng nhận định này làm cơ sở cho các tài liệu chiến lược chính thức. Trong tương lai khi giới sử học nhìn lại các lựa chọn hành động của nước Mỹ đầu thế kỉ 21, có lẽ câu chuyện quan trọng nhất sẽ là việc Washington đưa cạnh tranh quyền lực nước lớn trở thành trọng tâm chính sách. Ẩn sau các dòng tít sớm nở chóng tàn, chính sự chuyển dịch này, cùng với quá trình tái định hình hành vi quân sự, kinh tế, ngoại giao đi kèm, mới là nhân tố nổi bật, nhiều khả năng sẽ tiếp tục định hướng cho chính sách đối ngoại của nhiều đời tổng thống Mỹ tiếp theo, bất kể đảng nào cầm quyền.

Cái giá của việc không làm gì

Trong nhiều năm, các nhà chính sách và giới phân tích Mỹ đã tranh luận xem liệu Trung Quốc trỗi dậy và Nga trở lại có thể tác động thế nào đến các lợi ích của Mỹ. Kể từ khi được sử dụng trong bản mới nhất của Chính sách Quốc phòng và Chính sách An ninh Quốc gia, cụm từ "cạnh tranh nước lớn" (great-power competition) trở nên phổ biến tới mức được dùng nhiều đến nhàm chán. Song giờ đây, thách thức này đã trở thành một sự thật hiển nhiên và rõ ràng : Mỹ đang đối mặt các địch thủ mạnh với tham vọng vượt trội. Trước hết, Trung Quốc – với tham vọng tìm kiếm bá quyền trước hết ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sau đó là quyền lực toàn cầu – rồi sẽ trở thành đối thủ đáng gờm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Trong khi đó, Nga tuy có thể không phải đối thủ ngang cơ, nhưng đủ tiềm lực để dương oai diễu võ theo cách mà tại thời điểm Chiến tranh Lạnh kết thúc không nhiều người cho rằng họ có thể. Nga có tham vọng hồi sinh ảnh hưởng ở Đông Âu, nơi từng nằm trong vòng kiềm tỏa của họ, và nỗ lực đẩy nhanh quá trình chấm dứt quyền lực áp đảo của phương Tây trên toàn cầu. Khả năng quấy phá nằm một phần ở khả năng của họ, thông qua các hành động vì lợi ích tự thân, nhằm tạo nên những cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống vốn sẽ làm lợi cho vị thế của Trung Quốc về lâu dài.

Mãi cho đến gần đây, Washington đã không thật sự chú tâm đối phó với các thách thức này. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ lớn đến nỗi khiến cả một thế hệ lãnh đạo từ sau khi Liên Xô sụp đổ, bất kể là Dân chủ hay Cộng hòa, đều trở nên tự phụ rằng Mỹ sẽ không phải đối đầu với một địch thủ ngang cơ nào nữa. Cạnh tranh nước lớn, trong những ngày tự phụ ấy, là một thứ của quá khứ ; và vô chính phủ trở thành ngôn ngữ chung của địa chính trị toàn cầu. Còn các cường quốc khác thì trở thành các đối tác tiềm năng nhằm cùng nhau giải quyết những "vấn đề toàn cầu", từ phổ biến vũ khí hạt nhân cho đến khủng bố và biến đổi khí hậu.

Một chuỗi các hành động của Nga và Trung Quốc dần cho thấy quan điểm lạc quan này đã sai. Khi Trung Quốc trở nên then chốt trong hệ thống thương mại toàn cầu, họ không hề thay đổi mà còn củng cố hơn nữa cung cách làm kinh tế mang tính phân biệt đối xử của mình – ép buộc chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp liên doanh bắt buộc, và ăn cắp tài sản trí tuệ trắng trợn. Không chỉ vậy, họ còn đang nỗ lực xây dựng quân đội của mình với quy mô lịch sử, nhằm mục tiêu thống trị Châu Á và, về lâu dài, phóng chiếu sức mạnh của họ ra khắp thế giới ; đồng thời mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và các dự án khác. Trong khi đó, Nga tái thiết quân đội, xâm lược Gruzia, sáp nhập Crimea, châm ngòi phong trào ly khai âm ỉ ở đông Ukraine, và khởi động một chiến dịch có hệ thống nhằm khôi phục ảnh hưởng quân sự, kinh tế, ngoại giao ở Châu Phi, Mỹ Latinh, và Trung Đông.

Thế nhưng nhiều người ở Washington vẫn không chịu chấp nhận thực tế mới. Thay vào đó, các lãnh đạo Mỹ tiếp tục kêu gọi "thời kỳ can dự" với Moskva và trông đợi Bắc Kinh trở thành "thành viên có trách nhiệm" trong trật tự toàn cầu. Nhóm thân Nga biểu hiện mình qua mong muốn "cài đặt lại" quan hệ với Nga vào năm 2009, chỉ vài tháng sau khi Moskva xâm lược Gruzia, trong khi nhóm thân Trung biểu hiện qua các nỗ lực bền bỉ nhằm làm sâu sắc quan hệ với Bắc Kinh và thậm chí nhắm tới xây dựng cơ chế "G/2" Trung-Mỹ nhằm lãnh đạo cộng đồng quốc tế. Song tiến trình quân sự hóa trắng trợn các đảo đá ở Biển Đông của Trung Quốc cũng như thái độ đối đầu ngày càng lộ rõ của họ cuối cùng đã buộc Washington phải có cái nhìn mới về Bắc Kinh ; trong khi đó, việc Nga chiếm Crimea năm 2014 cũng đã kết thúc mọi nỗ lực "cài đặt lại". Tại thời điểm chính quyền Obama mãn nhiệm, mọi sự trở nên rõ ràng rằng con đường bấy lâu Hoa Kỳ lựa chọn đã không còn đi được nữa.

Các điều chỉnh chính sách sau đó không phải sản phẩm của sự tiên đoán chiến lược ; mà thay vào đó là một chuỗi các sửa đổi chỉ mang tính phản ứng, chỉnh lý lại các chính sách trước. Tại thời điểm ấy nước Mỹ cũng đã phải gánh thiệt hại đang kể. Vì ưu tiên vẻ ổn định bề ngoài hơn các lợi ích quốc gia rõ ràng, trong nhiều năm Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ để Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ trắng trợn – thậm chí cả các bí mật quốc gia – và thực hiện chiến lược "tằm ăn dâu" ở Biển Đông. Trong nỗ lực đưa Nga trở thành đối tác nhằm cùng củng cố nguyên trạng trật tự thế giới mà tổng thống Vladimir Putin rõ ràng không ủng hộ, Washington đã ve vãn và vô tình khuyến khích Nga xét lại vấn đề lãnh thổ của mình, đồng thời làm nhụt chí các đồng minh NATO ở tuyến đầu Đông Âu. Cái giá nhận về là rất lớn, khi các đồng minh Đông Á và Châu Âu bắt đầu hoài nghi liệu Mỹ có sẵn sàng đứng lên tự bảo vệ chính mình hay không, huống hồ chi là bảo vệ họ.

Sửa sai

Đã đến lúc thừa nhận sự thật. Chính quyền Trump, thực tế và thẳng thừng hơn các chính quyền tiền nhiệm, đã thật sự làm vậy. "Trump," như Henry Kissinger nói trên tờ Financial Times vào năm 2018, "có thể trở thành một trong số các nhân vật lịch sử thỉnh thoảng xuất hiện nhằm chấm dứt một giai đoạn và buộc nó phải đoạn tuyệt với mọi giả vờ gượng gạo cũ." Từ bỏ tư tưởng đơn cực, chính quyền mới dần làm rõ một đại chiến lược mới. Trong Chiến lược An ninh Quốc gia 2017, Chiến lược Quốc phòng 2018, và các chiến lược bổ sung cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Châu Âu, Hoa Kỳ nêu rõ rằng giờ đây họ xem quan hệ với Trung Quốc và Nga là quan hệ cạnh tranh và trọng tâm mới sẽ là củng cố ưu thế trước các đối thủ này. Theo cả Bộ trưởng Quốc phòng khi ấy là James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster, cạnh tranh nước lớn từ giờ trở thành trọng tâm căn bản của an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Cốt lõi của sự chuyển dịch này không phải là nhắm mắt đối đầu, mà nhằm phục vụ mục tiêu đối ngoại trọng tâm của Hoa Kỳ suốt từ sau Thế chiến II : đảm bảo quyền tự do lựa chọn hành động của các nước, đặc biệt là các đồng minh Mỹ, mà không bị tác động bởi bất kì bá quyền khu vực nào. Như đã được chỉ rõ trong các văn kiện chiến lược của chính quyền Trump, tầm nhìn này được cố tình giữ cho mang tính toàn cầu : nó áp dụng cho không chỉ các nước Châu Á đang đối mặt với áp lực kinh tế, quân sự ngày càng lớn từ Bắc Kinh mà cả các quốc gia trên lục địa Châu Âu cũng như các quốc gia cạnh đó. Song trước một Trung Quốc mạnh mẽ và một nước Nga hận thù sẵn sàng chớp mọi cơ hội, Hoa Kỳ sẽ chỉ có thể đạt được tầm nhìn về một thế giới mở và tự do nếu họ giữ vững được sức mạnh và tiềm năng kinh tế, duy trì lợi thế trên mọi cán cân quyền lực khu vực, đồng thời truyền tải thông điệp về các lợi ích và các lằn ranh đỏ của mình thật rõ ràng.

Trên nhiều mặt, Bộ Quốc phòng Mỹ là cơ quan thành công nhất trong việc biến các lý thuyết này thành thực tế. Trong Chiến lược Quốc phòng, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2019, và các công bố công khai khác, quân đội Mỹ vạch rõ mối bận tâm số một lúc này của họ là làm sao để bảo vệ hiệu quả các khu vực như Đài Loan và các nước Baltic trước một cuộc tấn công khả dĩ từ Trung Quốc và Nga, nhất là những nơi bị áp dụng chiến thuật "việc đã rồi", tức chiếm cứ các lãnh thổ dễ tổn thương, bám rễ ở đó, và khiến cho mọi cuộc phản công tái chiếm trở nên quá tốn kém.

Để lường trước các cuộc tấn công như vậy, Lầu Năm Góc đang chuyển hướng từ chiến lược họ vẫn dùng bấy lâu từ sau chiến dịch Bão táp Sa mạc 3 thập niên trước – tức chậm rãi và từng bước một đổ quân vào khu vực bị đe dọa và chỉ phản công sau khi ưu thế của Mỹ đã được bảo đảm – sang một chiến lược có thể dập tắt các cuộc tấn công từ Trung Quốc và Nga ngay từ trong trứng nước, kể cả khi Mỹ không thể đạt được ưu thế như ở Serbia và Iraq trước đây.

Cùng với quá trình đó, các yêu cầu ngân sách của Lầu Năm Góc đang chậm rãi thay đổi. Tiêm kích tầm ngắn và các tàu đổ bộ nặng nề, vốn dễ bị tấn công, đang bị thay thế bởi các máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm bí mật hơn, các tàu và máy bay không người lái, các tên lửa và pháo mặt đất tầm xa, cũng như lượng dồi dào đạn pháo chính xác, có thể bắn xuyên giáp. Quân đội Mỹ cũng đang thử nghiệm cách vận hành các trang bị mới này – lực lượng mới sẽ trông ra sao, vận hành như thế nào, và hoạt động ở đâu.

Sự chuyển dịch trong lĩnh vực kinh tế cũng mạnh mẽ tương tự. Cho đến một vài năm trước, giới chức Mỹ vẫn thường lập luận rằng Mỹ không thể chịu được bất kì bất ổn nào trong quan hệ kinh tế Mỹ – Trung. Ổn định với Bắc Kinh dường như là quá quan trọng nên không thể mạo hiểm yêu cầu Trung Quốc đối xử công bằng với các công ty Mỹ. Giờ đây, chính quyền Trump – hành động với sự ủng hộ đáng kể của lưỡng đảng – đang áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi cách làm kinh tế dối trá của mình, hoặc chí ít cũng khiến giá của các mặt hàng nhập khẩu phản ánh chi phí mà các công ty và người lao động Mỹ phải gánh chịu từ các cách làm bất công của Trung Quốc. Một số người đã đúng khi chỉ ra rằng các mức thuế này đang gây khó khăn cho tầng lớp trung lưu và dân lao động Mỹ. Song, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục cách làm kinh tế thiếu công bằng, và Mỹ vẫn làm ngơ, thì tình hình chỉ có thể tồi tệ hơn. Trái lại, áp lực kinh tế từ Mỹ đã giúp đưa các điều chỉnh chính sách thương mại cần kíp vào chương trình nghị sự (giữa hai nước).

Một quá trình tương tự cũng đang diễn ra ở Châu Âu. Từ lâu Hoa Kỳ lưỡng lự không đối diện với EU về vấn đề thuế quan một phía và hàng rào phi thuế quan áp lên hàng hóa Mỹ, ngay cả khi thâm hụt thương mại gia tăng. Không hề muốn duy trì nguyên trạng, chính quyền Trump đã dùng liệu pháp sốc nhằm sửa đổi điều này, điều mà các chính quyền trước đã không làm được với cách tiếp cận tế nhị và tiệm tiến. Song thiệt hại thứ cấp của cách tiếp cận mạnh mẽ này là rất lớn, với nguy cơ làm lung lay mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và làm tổn hại tinh thần chung cùng chống lại Trung Quốc.

Mỹ cũng đang mài sắc các vũ khí thương mại đầy sức mạnh của mình. Chính quyền Trump và Quốc hội đã đại tu lại Công ty Đầu tư Tư nhân Hải ngoại (Overseas Private Investment Corporation) nhằm cung cấp cho các nước dễ bị tổn thương ở Châu Á và Châu Âu một nguồn tài chính thay thế cho tiền của Trung Quốc. Đạo luật BUILD (Nâng cao Sử dụng Nguồn vốn nhằm phục vụ Phát triển – The Better Utilization of Investment for Developtment), được thông qua năm 2018, mang đến cho các nước nguồn tiền thay thế các khoản tài chính khổng lồ từ Chiến lược Vành đai và Con đường của Bắc Kinh. Khả năng cao sẽ còn các điều chỉnh khác nữa. Đạo luật Công Bằng (Equitable Act), được giới thiệu bởi các thành viên hàng đầu từ lưỡng đảng của Quốc hội, sẽ buộc các công ty Trung Quốc phải tuân thủ cùng một quy trình công khai như các công ty Mỹ nếu muốn niêm yết trêm các sàn chứng khoán Mỹ. Nhiều nhà lập pháp quyền lực từ cả hai đảng đã dọa sẽ tước bỏ vị thế đặc biệt về kinh tế và thương mại của Hồng Kông nếu Bắc Kinh vi phạm quyền tự chủ của lãnh thổ này. Và cuối cùng, giới chức Mỹ đang liên tục cảnh báo các nước về các khoản đầu tư viễn thông của Trung Quốc vốn có thể sẽ trao cho Bắc Kinh quyền tiếp cận và lợi dụng các công nghệ nhạy cảm của nước sở tại.

Các ưu tiên cũng đang được điều chỉnh trong lĩnh vực ngoại giao. Sau hàng thập niên quá tập trung vào Trung Đông, Chiến lược An ninh Quốc gia 2017 và Chiến lược Quốc phòng 2018 là các bước điều chỉnh được mong chờ từ lâu. Các văn kiện này lập luận rằng Châu Á và Châu Âu là hai nơi tồn tại các mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, và mục tiêu trung tâm của Mỹ phải là ngăn không cho các nước lớn ở hai khu vực này tập trung quá nhiều quyền lực dẫn đến làm lệch cán cân quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho họ. Đây là bước điều chỉnh đáng hoan nghênh, đặc biệt khi mọi chiến lược An ninh Quốc gia từ sau Chiến tranh Lạnh đều xem nhẹ vấn đề cạnh tranh nước lớn.

Trên thực tế, có hai sáng kiến ngoại giao nổi bật nhất. 

Thứ nhất là nỗ lực của chính quyền Trump nhằm cân bằng với các đối thủ mạnh bằng các liên minh lớn hơn và tiềm lực hơn. Ở Châu Âu, chính sách này dẫn đến việc tăng 34 tỷ đô la ngân sách quốc phòng của các nước Châu Âu, bao gồm cả một nước Đức miễn cưỡng. Ở Châu Á, Hoa Kỳ thế hiện rõ rằng họ sẽ bảo vệ tàu và máy bay của Philippines ở Biển Đông, đồng thời gia tăng hỗ trợ quân sự và ngoại giao cho Đài Loan, trong khi tăng cường quan hệ chính trị, quân sự với Ấn Độ và Việt Nam – tất cả các đối tác cùng chia sẻ với Washington một nỗi lo ngại chung trước tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc.

Thứ hai, Hoa Kỳ đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị của mình ở các khu vực mà trước đây họ đã bỏ rơi, tăng cường hiện diện và hỗ trợ ở những nơi Trung Quốc và Nga đang tạo ảnh hưởng. Mỹ đã gia tăng hiện diện ngoại giao ở Trung Âu, Tây Balkan, và Đông Địa Trung Hải, những nơi mà khoảng trống Mỹ để lại đã giúp Trung Quốc và Nga lợi dụng các mâu thuẫn chính trị địa phương và thúc đẩy chủ nghĩa chính trị. Ở nhiều nước tại các khu vực này, Hoa Kỳ đã tăng cường thúc đẩy quản trị tốt, chống tham nhũng, áp dụng các sáng kiến chống lại tuyên truyền của Nga, mở rộng các chương trình trao đổi thanh niên và văn hóa, đồng thời cảnh báo các đồng minh và đối tác về mối nguy dài hạn khi kết thân với Bắc Kinh và Moskva. Ở Châu Á, Washington cũng nâng cấp khả năng hỗ trợ phát triển của mình nhằm cạnh tranh với Bắc Kinh bằng cách thành lập Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế và đem đến nhiều lựa chọn tài chính hơn thông qua Đạo luật BUILD. Hoa Kỳ đồng thời cũng đang hỗ trợ cải thiện quản trị và chống tham nhũng ở khu vực, nhất là thông qua Sáng kiến Minh bạch Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và hiện đang công khai thách thức chính sách đối xử với người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ thiểu số của Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ cũng đang quan tâm nhiều hơn đến các nước Nam Thái Bình Dương như Micronesia, Papua New Guinea, và Quần đảo Solomon, các nước cực kì dễ bị chi phối trước áp lực từ Trung Quốc.

Tất cả các điều này đều không làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những cơn hỗn loạn thường nhật ở Washington hay của việc bảo vệ mọi chính sách của chính quyền đương nhiệm. Tham chiến với Iran, duy trì hiện diện quân sự lớn ở Afghanistan, hay can thiệp vào Venezuela, như mong muốn của một số người trong chính quyền, là những điều đi ngược lại mong muốn giành chiến thắng trong một thế giới cạnh tranh nước lớn. Và nếu quá ép buộc các đồng minh, Mỹ có thể sẽ đánh mất lợi thế lớn duy nhất của mình trước các đối thủ. Mặt khác, Hoa Kỳ vẫn chưa chắc chắn trên đường giành thắng lợi – mà trái lại, các bước tiến cho đến lúc này là không đồng đều và chậm chạp. Dẫu sao, Mỹ giờ đây cũng đã có được một khuôn khổ định hướng chính sách đối ngoại với sự ủng hộ của lưỡng đảng và có khả năng sẽ được duy trì lâu dài, ít nhất là về các nguyên tắc cơ bản, bởi các chính quyền trong tương lai.

kynguyen2

Để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á và toàn cầu, Mỹ cần phải khẩn trương duy trì các cán cân quyền lực khu vực có lợi cho mình.

Các ưu tiên lúc này

Đó chính là tình thế của Washington vào lúc này. Mỹ đã cho thấy họ sẵn sàng và đủ khả năng áp dụng cách tiếp cận đua tranh hơn trước các đối thủ, cả về mặt quân sự, kinh tế, và ngoại giao. Trong nước, quá trình điều chỉnh trên nhận được sự ủng hộ lưỡng đảng cao hơn cả mong đợi ; lập trường cứng rắn của chính quyền với Trung Quốc được hậu thuẫn bởi hầu hết các nghị sĩ, cả Dân chủ và Cộng hòa. Tương tự, sau nhiều năm do dự, giờ đây lưỡng đảng đã đồng thuận rằng mối đe dọa từ Kremlin là nghiêm trọng và phải bị ngăn chặn. Ở hải ngoại, thông điệp mới của Mỹ đã dẫn đến các thay đổi quan trọng. Các đồng minh Châu Âu bắt đầu chi nhiều hơn cho quốc phòng và duy trì một mặt trận chung cùng chống lại Nga bằng cách áp cấm vận ; quan hệ quốc phòng của Mỹ với Ấn Độ, Nhật Bản, và Ba Lan đã nồng thắm hơn đáng kể ; trong khi các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình nhằm rút chân khỏi Trung Quốc. Và đó chỉ là một số ví dụ.

Song, tất cả đều chỉ là khởi đầu của một nỗ lực rồi sẽ kéo dài hàng thập niên. Không hề có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ sự trỗi dậy của họ ở Châu Á. Trong khi Moskva cũng chẳng hề có ý làm hòa với phương Tây ; mà trái lại còn đang thắt chặt mối bang giao với Bắc Kinh. Do vậy, Hoa Kỳ nên chuẩn bị cho một nỗ lực kéo dài nhiều thế hệ.

Để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc ở Châu Á và toàn cầu, Mỹ cần phải khẩn trương duy trì các cán cân quyền lực khu vực có lợi cho mình. Xây dựng và giữ vững các liên minh cần thiết ở Châu Á và Châu Âu nên là trọng tâm chiến lược của Mỹ. Chắc chắn, các yêu cầu và cam kết lịch sự sẽ không đủ. Bởi vì Hoa Kỳ không thể giả vờ như mình có thể một mình chống lại cả Trung Quốc và Nga, họ sẽ cần sự trợ giúp nhiều hơn từ các đồng minh và các đối tác mới, với sự kiên định và cả áp lực thực tế nếu cần. Cùng với đó, nếu Washington tạo ra quá nhiều hỗn loạn chính trị khiến các cấu trúc đồng minh suy yếu từ bên trong, họ sẽ khó yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn về mặt vật chất.

Nói gì thì nói, vẫn cần có nhiều sự hỗ trợ vật chất hơn nữa. Cấu trúc liên minh hậu Chiến tranh Lạnh của Washington vẫn còn phản ánh các dàn xếp của thời kỳ đơn cực, khi mà Hoa Kỳ có thể tự mình quyết định vấn đề an ninh của các đồng minh. Ngoại trừ một số ngoại lệ, như Ba Lan và Hàn Quốc, các đồng minh của Mỹ không được trang bị nhiều lắm, thậm chí là chẳng trang bị gì, đặc biệt khi so sánh với Nga và Trung Quốc. Tuy Nhật Bản sẽ đóng vai trò quyết định trong bất kỳ thế trận quân sự thắng lợi nào trước Trung Quốc, nhưng chi phí quốc phòng của họ vẫn hầu như không hề thay đổi kể từ 1996, trong khi chi tiêu của Trung Quốc đã tăng một cách chóng mặt. Đài Loan – nơi bị đe dọa bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hơn bất kì nơi nào khác – chưa hề tăng chi tiêu quốc phòng trong suốt 20 năm qua. Ở Châu Âu, phần lớn áp lực của Nga lên các thành viên NATO ở Đông Âu có thể được giảm bớt nếu Đức triển khai chỉ một phần nhỏ của 15 sư đoàn chính quy và các sư đoàn dự bị mà họ sở hữu vào năm 1988. Giờ đây, Berlin chỉ có thể triển khai được đúng một sư đoàn. Tìm cách khiến các đồng minh chi nhiều hơn trong bối cảnh nước Mỹ nợ công hơn 23 nghìn tỷ đô và không còn có thể tự mình làm mọi việc – và làm điều này mà vẫn giữ được ổn định của các liên minh – sẽ là một trong các thách thức lớn nhất trong các năm tới.

Một câu hỏi khác là chính xác thì các liên minh của Mỹ sẽ trông như thế nào, nhất là ở Châu Á. Mỹ không cần phải có một NATO thứ hai ở đây ; mục tiêu là xây dựng một tập hợp lực lượng (coalition) nhằm kiểm soát tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc. Một tập hợp lực lượng như vậy có thể gồm các liên minh chính thức (chẳng hạn như Australia, Nhật , Phillipines, và Hàn Quốc), bán liên minh (Đài Loan), và quan hệ đối tác ngày càng nồng thắm dù không có các bảo đảm an ninh chính thức (như Ấn Độ và Việt Nam). Quan hệ của Washington với New Delhi và Tokyo sẽ là nòng cốt của tập hợp lực lượng này, song để duy trì nó trước một Trung Quốc quyền lực yêu cầu Mỹ phải đóng vai trò chủ động. Trong khi đó, các nước nhỏ hơn và dễ bị tổn thương hơn ở Đông Nam Á khả năng cao sẽ là trọng tâm của một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Ở Châu Âu, Mỹ đã có sẵn một khuôn khổ tiện lợi đáng kể, NATO, điều Mỹ cần duy trì và cải thiện nhằm tương xứng với quy mô mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, tổ chức này đã điều chỉnh cơ chế chỉ huy và bắt đầu thay đổi cách bố trí lực lượng, vốn trước mắc kẹt trong mô hình thời năm 1989. Song cần có nhiều thay đổi hơn để ngăn chặn Nga tiến hành "sự đã rồi" trong tương lai ở dọc biên giới của mình. Cụ thể, Mỹ cần các lực lượng có thể triển khai đủ nhanh để ngăn Nga chiếm đất từ trong trứng nước. Và trong bối cảnh nhiều nguồn lực của Mỹ sẽ bị ghim chết ở Châu Á, các đồng minh NATO ở Châu Âu cần phải mở rộng năng lực quân sự nhằm phối hợp với các lực lượng Mỹ đối phó với một cuộc tấn công từ Nga.

Trong vấn đề thúc ép Châu Âu phản kháng lại chính sách thương mại kiểu săn mồi của Trung Quốc và các quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng thiếu cân nhắc, Washington chưa đạt nhiều thành công, một phần vì các bất đồng thương mại giữa hai bên. Song thật khó để giảm nhẹ tầm quan trọng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương trên mặt trận này, và cả hai bên sẽ cố gắng vượt qua các tranh cãi của mình. Giới chính sách Châu Âu nên thừa nhận các hậu quả địa chính trị về dài hạn của hệ thống thuế quan và hàng rào phi thuế bất đối xứng nhắm vào Mỹ và nên dừng chĩa mũi nhọn quản lý vào các công ty lớn của Mỹ trong khi ngó lơ các doanh nghiệp nhà nước Nga và Trung Quốc. Nếu không, Châu Âu sẽ khó chống lại áp lực từ Trung Quốc và Nga. Ở chiều ngược lại, các quan chức Mỹ nên thừa nhận rằng cạnh tranh thương mại với các đồng minh dân chủ vốn cùng chia sẻ nhiều lợi ích là kém cấp bách hơn nhiều so với cuộc thương chiến với Trung Quốc. Hoa Kỳ không nên cùng một lúc xét lại mọi quan hệ thương mại bất bình đẳng, mà nên coi việc duy trì một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc làm ưu tiên hàng đầu. Tương tự như vậy là quan hệ kinh tế của Mỹ với Ấn Độ và Nhật Bản.

Mục đích cao nhất của chiến lược này không phải là nhằm cắt đứt mọi quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hay buộc các đồng minh của Mỹ chọn phe (mặc dù việc xây dựng một khu vực thương mại Phương Tây thuế quan thấp bao gồm cả các đồng minh Á-Âu nên là mục tiêu dài hạn của Hoa Kỳ). Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu Mỹ bảo vệ các tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm, đồng thời hạn chế ưu thế kinh tế của Trung Quốc trước Mỹ và các nước khác. Canada, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, các nước ở trung và đông nam Âu, cùng với các nước khác hiện đã thấy rõ tác động từ sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc. Hòa nhập kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc là cần thiết với tất cả các nước, song các nước cũng nên hạn chế khả năng Bắc Kinh biến các giao thiệp này thành ưu thế cưỡng chế – không phải nhằm làm vừa lòng Washington mà vì chính chủ quyền của chính họ.

Thêm vào đó, Washington cũng nên tìm cách chia tách Bắc Kinh và Moskva. Đã từ lâu, nước Mỹ quan niệm cố nhiên rằng sẽ không hề sáng suốt tí nào nếu để hai cường quốc Âu Á cùng liên hiệp, nhưng điều này lại đang thật sự diễn ra, khi mà Nga tách biệt sâu sắc với Phương Tây và đang dần xoay trục về Trung Quốc bất kể việc này có thể gây thiệt hại cho quyền lực Nga. Ví dụ, Moskva gần đây đã chào đón gã khổng lồ viễn thông Huawei đến Nga làm ăn, và hai nước đang tăng cường hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và quân sự. Cho đến hiện tại, các nỗ lực dụ dỗ Nga thoát ra khỏi vòng tay Trung Quốc là rất khó thành công, buộc Mỹ phải dựa vào chính sách răn đe và chờ đợi một thời cơ thuận lợi hơn. Hoa Kỳ nên gia tăng sức ép của NATO lên Nga ở vùng Baltic và Trung Âu trong khi tiếp tục dùng cấm vận nhằm trừng phạt mọi hành động đi quá giới hạn của Nga ở các khu vực như Syria và Ukraine. Một tương lai hòa hoãn dựa trên quyền lợi chung với Nga sẽ chỉ xảy ra nếu Moskva nhận ra rằng khôi phục ảnh hưởng của mình bằng bằng sức mạnh như thời Xô-viết là quá tốn kém không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, kể cả với sự trợ giúp của các đồng minh, Mỹ vẫn sẽ không thể đạt được lợi thế quân sự tuyệt đối trước Nga và Trung Quốc như những ngày đỉnh cao của giai đoạn đơn cực. Mọi nỗ lực nhằm đạt được điều này đều sẽ lãng phí và phản tác dụng. Điều Washington thật sự cần là một tiềm lực đủ để ngăn chặn thành công mọi cuộc tấn công nhắm vào các đồng minh và đối tác của Mỹ. Điều này có nghĩa là cần cung cấp sự bảo vệ đủ mạnh để giữ các nước này tham gia vào tập hợp lực lượng của Mỹ. Quan trọng hơn cả là cần đảm bảo các nước này sẽ không bị chiếm đóng, nhất là bởi "sự đã rồi", hay bị bóp nghẹt bởi một cuộc phong tỏa hoặc bị cưỡng ép – một chiến lược gọi là "denial defense". Làm cho Nga và Trung Quốc không thể chiếm đóng các lãnh thổ như Đài Loan hay các nước Baltic sẽ khó khăn, song trong một thế giới ngày nay với đạn chính xác cùng tiềm năng xử lý dữ liệu, xác định mục tiêu, và tình báo khổng lồ, thì điều này hoàn toàn có thể. Muốn làm được vậy cần có các lực lượng đủ khả năng chịu đựng được một cuộc tấn công mở đầu và ngăn Trung Quốc chiếm Đài Loan hay Nga xâm lược các lãnh thổ Baltic.

Hoàn thành các mục tiêu này đồng nghĩa với việc các cam kết khác phải bị hạ thấp hoặc dẹp sang một bên. Nếu như trong một thế giới đơn cực, Washington có thể chi phối mọi khu vực, như một gã khổng lồ thống trị thế giới, thì điều này sẽ không còn có thể thực hiện được trong thời kỳ cạnh tranh giữa các siêu cường. Thay vào đó, Washington sẽ phải giảm can dự vào các vùng thứ yếu và ngoại biên. Hãy lấy ví dụ sự can thiệp của Mỹ ở Trung Đông, thay vì tìm cách ổn định khu vực và duy trì "các chuẩn tắc quốc tế" ở đó, Washington chỉ nên tập trung vào các biện pháp tiết kiệm chi phí nhằm chống lại khủng bố xuyên quốc gia. Tương tự, Mỹ không nên đặt mục tiêu thay đổi các chế độ như ở Iran ; ngăn cản nước này đạt bá quyền ở Vịnh Ba Tư là đủ và cần ít tài lực hơn hẳn. Chậm rãi giảm bớt chi phí quân sự và sự can dự ở Afghanistan, Iraq, và Syria – với sự trợ giúp của các đồng minh địa phương và các lực lượng tại khu vực – sẽ giúp giải phóng tiềm lực của Mỹ.

Không còn tự mãn

Trump sẽ tiếp tục chỉ trích Trung Quốc trên Twitter và các phương tiện truyền thông khác, làm vui lòng một số người, trong khi làm lúng túng hay chọc giận số khác. Và nhiều người khác sẽ tiếp tục bối rối trước cuộc khủng hoảng hiện tại ở Trung Đông. Song dù gì đi nữa, Hoa Kỳ đang bước vào một cuộc tranh đấu lâu dài nhằm quyết định kẻ sẽ vận hành thế giới trong thế kỷ 21. Giai đoạn tới đây sẽ càng khó dung thứ cho sự tự mãn và thiếu chuẩn bị. Nhận thức thực tế này đã đưa đến một quá trình đánh giá lại các ưu tiên quân sự, kinh tế, và ngoại giao của Mỹ, điều cần tiếp tục được nối tiếp bởi các chính quyền tương lai.

Thực hiện mục tiêu này sẽ yêu cầu những đánh đổi và hy sinh đau đớn. Nó đồng nghĩa với việc từ bỏ giấc mơ bấy lâu về sức mạnh quân sự tuyệt đối và các nền tảng vũ khí thiếu thích hợp, trong khi lại yêu cầu các đồng minh đóng góp nhiều hơn. Nó cũng có nghĩa là phải tăng cường lợi thế công nghệ của Mỹ trong các lĩnh vực chiến lược liên quan mà không tác động đến cam kết của Mỹ với thương mại tự do quốc tế ; đồng thời tập trung nhiều hơn hẳn vào Á, Âu so với các khu vực khác. Quay lại với tâm lý tự mãn xưa cũ – khi Mỹ tự tin rằng các địch thủ sẽ cư xử chừng mực, duy trì các chính sách kinh tế gây hại cho an ninh quốc gia, và che giấu các thiếu sót nguy hiểm của các đồng minh dưới danh nghĩa thống nhất chính trị một cách giả tạo – không phải là một lựa chọn. Kể cả lựa chọn đứng ngoài cạnh tranh địa chính trị cũng không khả dĩ. Câu chuyện vẫn như ngày đó, Hoa Kỳ chỉ có thể đảm bảo an ninh và thịnh vượng của mình trong một xã hội tự do nếu họ đảm bảo được các cán cân quyền lực có lợi và chuẩn bị xã hội, nền kinh tế, và các đồng minh một cách có hệ thống cho một cuộc cạnh tranh kéo dài trước các địch thủ lớn, nhiều tiềm lực, đang quyết tâm đe dọa mục tiêu đó của Mỹ./.

Elbridge A. Colby & A. Wess Mitchell

Nguyên tác : "The Age of Great-Power Competition", Foreign Affairs, Jan/Feb 2020.

Đỗ Đặng Nhật Huy biên dịch

Lê Hồng Hiệp biên tập

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 28/02/2020

Elibridge Colby từng là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đảm trách Chiến lược và Phát triển Lực lượng từ 2017 đến 2018 và hiện là thành viên Sáng kiến Marathon.

A Wess Mitchell từng là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đảm trách Các vấn đề Châu Âu và Á-Âu từ 2017 đến 2019. Ông hiện cũng là thành viên của Sáng kiến Marathon.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Elbridge A. Colby, A. Wess Mitchell
Read 692 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)