Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/04/2017

Cạnh tranh kiểu … con mình, con người

Xuân Dương

Đã và đang xảy ra hai hình thức "cắt lỗ" cho doanh nghiệp nhà nước. Dù là bằng cách nào thì cuối cùng, người dân vẫn phải móc túi chi trả...

Quy luật sinh tồn của thế giới tự nhiên "cá lớn nuốt cá bé" không phải lúc nào cũng đúng. Thế giới chứng kiến nhiều vụ "mãnh hổ nan địch quần hồ" (một con hổ mạnh cũng khó chống lại bầy cáo).

Trong kinh doanh, câu nói "thương trường là chiến trường" luôn được thừa nhận.

Vấn đề là tại Việt Nam, với một nền kinh tế thị trường được định hướng, thương trường có thực sự là chiến trường ?

Một số lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có chấp nhận cuộc cạnh tranh sòng phẳng, họ muốn làm "cá lớn" hay muốn làm "mãnh hổ" ?

Muốn làm "cá lớn" thì phải ra đại dương, ở đó "cá lớn" nuốt "cá bé" được xem là bình thường, là cần thiết để duy trì sự đa dạng sinh học.

Làm "mãnh hổ" trên đất liền thì phải thận trọng trước sự đoàn kết của "quần hồ".

Kênh truyền hình "Thế giới động vật" từng chiếu cảnh con sư tử đực to lớn phải bỏ con mồi trước bầy linh cẩu, tuy nhiên phần thắng thường nghiêng về phía sư tử.

Câu chuyện đề xuất áp giá sàn các chuyến bay nội địa của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam gần đây cho thấy có người không muốn làm "cá lớn", cũng chẳng muốn làm "mãnh hổ", người ta chỉ muốn làm "cậu ấm, cô chiêu", động tí là vòi vĩnh ông bà, cha mẹ. 

canhtranh1

Vietnam Airlines đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa từ 1,54 triệu đồng/vé. Ảnh minh họa trên Báo giao thông

Trong khi Thủ tướng nhấn mạnh "Chính phủ không bán bia, không bán sữa" thì tháng 3/2017, Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) lại đề xuất áp dụng giá sàn và đưa ra con số 1,54 triệu đồng là mức thấp nhất cho vé máy bay nội địa.

Trước đó, một hãng hàng không khác là Jetstar Pacific cũng đề xuất ý kiến về áp giá sàn từ 600.000 đồng đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.

Ai cũng biết Jetstar Pacific thực chất vẫn là Vietnam Airlines vì Hãng hàng không quốc gia chiếm số cổ phần chi phối (70%), còn Tập đoàn Qantas của Úc chiếm 30% [2].

Áp giá sàn nghĩa là các hãng hàng không không được bán vé dưới mức sàn, nói cách khác là không được bán giá rẻ.

Điều này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến túi tiền của người dân mà còn làm mất tính cạnh tranh trong kinh doanh, trái ngược với cơ chế tự điều tiết của kinh tế thị trường.

Khi giá sàn hàng không được áp đặt, người thu nhập thấp sẽ phải chọn phương tiện khác như tàu hỏa, ôtô để di chuyển.

Với những người cần phải đi máy bay, nhất là người không rành về các hãng hàng không, xu hướng tâm lý là người ta sẽ chọn "máy bay nhà nước".

Tâm lý chuộng "nhà nước" không có gì lạ với đa số người Việt ngày nay. Dù làm cho nhà nước lương tháng chỉ vài triệu, người ta vẫn bỏ tiền "chạy", số tiền này - như một cựu lãnh đạo Hà Nội từng nói - lên đến hàng trăm triệu đồng.

Hầu hết các bậc phụ huynh khi cho con em đăng ký học đại học, trước hết người ta chọn trường quốc lập, nếu không đủ điểm thì mới chọn trường ngoài công lập.

Tâm lý trên phổ cập sâu rộng đến tất cả các gia đình Việt Nam và vì thế không thể nói nó không có ý nghĩa khi mức giá sàn như nhau người ta sẽ chọn máy bay của hãng nào.

Khi áp giá sàn, nếu lượng khách giảm đều với tất cả các hãng hàng không thì thiệt hại trước tiên sẽ thuộc về hàng không tư nhân bởi hãng của nhà nước kiểu gì cũng sẽ được nhà nước xem xét !

Ngày 7/4/2017, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đã khẳng định :

"Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm ?"

Trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều từng áp dụng giá sàn và đều phải bãi bỏ, vì sao lãnh đạo Vietnam Airlines và Jetstar Pacific (tức là Vietnam Airlines) lại đi theo xu hướng mà thế giới coi là không phù hợp ?

Chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa phản ánh tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Bộ trong vấn đề xây dựng một Chính phủ kiến tạo, minh bạch cũng như việc đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Một khi Chính phủ không quản lý chuyện bán bia, sữa thì Chính phủ cũng không nên quản việc bán vé máy bay, đó là việc của doanh nghiệp.

Trách nhiệm của Chính phủ là quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo các điều luật hiện hành, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân.

Năm 2014, ông Đinh La Thăng khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải từng yêu cầu : "Cho nghỉ việc ngay toàn bộ nhân viên hàng không yếu kém" [1].

Liệu đó có phải là nguyên nhân khiến Hàng không Quốc gia có nguy cơ thua trên sân nhà ?

Như từng đề cập trong bài "Thua lỗ là tại… hướng đình" [2], lãnh đạo không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa thể gọi là các CEO (Chief Executive Officer - Giám đốc điều hành) đúng nghĩa, họ được phân công làm lãnh đạo doanh nghiệp nhưng chưa chắc am hiểu nghệ thuật kinh doanh. 

Đã và đang xảy ra hai hình thức "cắt lỗ" cho doanh nghiệp nhà nước. Thứ nhất, sử dụng ngân sách tức là tiền thuế của dân và thứ hai, cho phép doanh nghiệp trực tiếp thu của dân thông qua quy định giá bán hàng hoặc dịch vụ.

Dù là bằng cách nào thì cuối cùng, người dân vẫn phải móc túi chi trả, chỉ có điều bị móc túi trực tiếp qua giá vé (như ở trạm soát vé Bến Thủy) thì vẫn ấm ức hơn là qua thuế.

Việc kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được hỗ trợ bởi chính sách giá, điện được bán đến hộ tiêu dùng với giá lũy tiến sáu mức, càng mua nhiều càng chịu giá cao.

Năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng từng đề nghị Cục Điều tiết Điện lực nghiên cứu, xem lại biểu giá và giảm số bậc thang lũy tiến từ 6 xuống 3 bậc và hướng tới chỉ còn 1 bậc.

Hai năm đã qua và những người có trách nhiệm dường như đã quên câu chuyện này trong khi năm 2017 dư luận lại ồn ào việc chuẩn bị tăng giá bán điện.

Không biết trên thế giới có bao nhiêu quốc gia kinh doanh điện giống như Việt Nam ?

Vì sao cho đến nay quan điểm Chính phủ không bán bia, sữa vẫn chưa lan tỏa sang ngành Điện ?

Đến bao giờ người dân mới được nghe quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - cũng như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa - rằng "có thể bán điện đồng giá tại sao không dám bán" ?

Trong ba hãng hàng không chiếm thị phần lớn tại thị trường Việt Nam (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air) chỉ có hãng Vietjet Air là ngoài quốc doanh và đó cũng là hãng chưa đề cập đến giá sàn tuyến bay nội địa - ít nhất là cho đến thời điểm này.

Tại sao doanh nghiệp tư nhân "sống khỏe" mà doanh nghiệp nhà nước lại liên tục "hắt hơi, sổ mũi" ?

Đặt câu hỏi này, người viết chợt nhớ đến câu thành ngữ "con nhà giàu dẫm phải gai mùng tơi".

Con cái sinh ra trong những gia đình giàu thường được cưng chiều, đặc biệt là con một.

Một số không nhỏ những người này thường yếu kém về thể chất và ý chí phấn đấu, họ ít có khả năng đương đầu với khó khăn, không chỉ dựa dẫm vào tài sản của bố mẹ, cá biệt có những đứa trẻ còn cạy tủ lấy tiền của bố mẹ tiêu xài.

Việt Nam không phải nhà giàu, vậy sao những đứa con mang họ "nhà nước" với những cái tên như Xăng dầu, Điện lực, Khoáng sản,… lại hay "mếu máo" thế ?

 Nuông chiều con cái chưa bao giờ là phương pháp dạy dỗ tốt nếu không nói là chỉ làm con hư.

Do "bố mẹ" chưa có kinh nghiệm nuôi con hay vì đó là con đẻ lại là "con một" nên cả ông bà, bố mẹ đều ngại đánh đòn ?

Hơn một năm qua, có thể thấy những chuyển động đáng khích lệ trong chỉ đạo của một số Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành phố, chẳng hạn khoán xe công tại Bộ Tài chính, hoàn thiện quy trình kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, không áp giá sàn máy bay tại Bộ Giao thông Vận tải, đòi vỉa hè tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh…

Vẫn còn quá nhiều điều phải nói, phải bàn, những trì trệ yếu kém tồn tại mấy chục năm qua chắc chắn không thể giải quyết một sớm một chiều, chuyện "cát tặc", việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức, chuyện cả họ làm quan, chuyện xẻ núi làm biệt thự, những chuyến tàu vét phút 89, chuyện "quy trình" luôn luôn đúng, vân vân và vân vân.

Bắt đầu dẫu có muộn vẫn hơn không bắt đầu. Điều mà người dân mong đợi nhất chính là đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, xem đó là trọng tâm chiến lược không được phép trì hoãn.

Nếu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn được vận hành như hiện nay, liệu nền kinh tế Việt Nam thực sự có cạnh tranh lành mạnh ?

Xuân Dương

Nguồn : GDVN, 10/04/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://laodong.com.vn/xa-hoi/bo-truong-dinh-la-thang-cho-nghi-viec-ngay-toan-bo-nhan-vien-hang-khong-yeu-kem-271570.bld

[2] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Thua-lo-la-tai-huong-dinh-post175658.gd

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Dương
Read 622 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)