Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/03/2020

SOS nhập mặn : cấp cứu gấp Đồng bằng sông Cửu Long !

Nhiều tác giả

Sắp có đợt xâm nhập mặn khốc liệt nhất tại miền Tây

Lâm Viên, VNTB, 04/03/2020

Sẽ có đợt xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch ở miền Tây 

hanman1

Dự báo từ ngày 7 đến 15/3, tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xảy ra một đợt xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi chính quyền các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho biết theo dự báo của các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc bộ, từ ngày 7 đến 15/3, tại đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xảy ra một đợt xâm nhập mặn tăng cao theo kỳ triều cường giữa tháng 2 Âm lịch. Đợt xâm nhập mặn này được đánh giá có khả năng ở mức cao nhất từ đầu mùa khô.

Duyên cớ dẫn tới hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, là việc Trung Quốc xây 11 đập sông trên Mê Kông với khả năng tạo ra hơn 21.300 MW điện. Đang có 8 đập khác đang được tính đến trên sông chính và các nhánh của nó - có thể tăng thêm công suất gần 6.000 MW, theo Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington cảnh báo.

Các đập ở Lào nhỏ hơn nhiều và 64 cái hiện tại chỉ tạo ra dưới 5.700 MW, nhưng có 63 cái được xây dựng để phát điện bán cho Trung Quốc. Đây là cách sử dụng dòng sông tạo thuỷ điện một kiểu ích kỷ và những người khác đang bị thiệt thòi. Tổ chức sông ngòi thế giới, có nhận xét như vậy.

Trung Quốc nằm ở vị trí trung tâm của bản đồ nước Châu Á. Nhờ vào cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc là điểm khởi đầu của nhiều con sông chảy xuống 18 nước phía dưới hạ nguồn. Chẳng nước nào trên thế giới là đầu nguồn của nhiều con sông đến như vậy. Bằng việc xây dựng thật nhiều đập và nhiều hạ tầng phân phối nguồn nước, Trung Quốc đang tạo ra hạ tầng ở thượng nguồn giúp Trung Quốc có thể vũ khí hóa nguồn nước.

Tuy nhiên thật ra cũng không hẳn Việt Nam vô can trong việc góp thêm bàn tay khiến Mê Kông cạn dòng. Việt Nam đã xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông Sesan-Srepok (thượng lưu sông Mê Kông của Campuchia). Trong dự án xây dựng thủy điện Luang Prabang, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) của Việt Nam sẽ tham gia 38%, phía Lào góp 25% và các đối tác khác góp 37%.

"Đồng bằng sông Cưu Long của Việt Nam đang đứng trước những thách thức ngày càng lớn. Vì vậy, nếu Việt Nam tham gia vào đầu tư xây dựng đập thủy điện Luang Prabang cũng góp phần gây nên tác động tiêu cực cho đồng bằng sông Cửu Long, đẩy sinh kế người dân vào tình thế khó khăn hơn nữa trong bối cảnh khu vực này đang phải chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đề nghị Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào" - Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) đã phát đi bảng thông cáo báo chí có nội dung như vậy ở ngày 10/10/2019.

Chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, ông Đào Trọng Tứ đã kiến nghị PV Power và các cơ quan chức năng xem xét lại việc đầu tư vào dự án thủy điện Luang Prabang tại Lào.

Theo ông Tứ phân tích, trên dòng chính sông Mê Kông ở Lào có 2 đập thủy điện đã và đang xây dựng là Xayaburi và Don Sahong. Còn thủy điện Luang Prabang có công suất 1.410 MW nằm cách thị trấn Luang Prabang Lào 30km. Các nghiên cứu của Đan Mạch, Ủy hội sông Mê Kông đã chỉ ra, nếu xây dựng thủy điện Luang Prabang thì sự tác động xấu đến Việt Nam là rất rõ.

"Xây dựng thủy điện Luang Prabang còn nhiều tranh luận, phức tạp. Tuy nhiên, nếu các quốc gia đã chung nhau một dòng sông thì phải chơi theo luật, cần sự hợp tác để hạn chế những tác động xấu đến hạ lưu của Việt Nam. Việc tham gia đầu tư vào các đập thủy điện ấy của doanh nghiệp Việt Nam là cần xem xét lại", ông Tứ kết luận.

Bất chấp các ý kiến phản đối từ các nhà khoa học, chính phủ Việt Nam dường như vẫn kiên trì theo đuổi việc hợp tác dự án xây dựng đập thủy điện Luang Prabang. Nếu tình hình dịch bệnh corona ổn định, dự kiến vào tháng Tư này Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam lại tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia dự án thủy điện Luang Prabang của Lào.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 04/03/2020

********************

Quyết sách nào của Tổng bí thư cho ‘hạn mặn miền Tây’ ?

Lynn Huỳnh, VNTB, 03/03/2020

Trong suốt thời gian ngồi ghế Tổng bí thư từ ngày 19/1/2011 tới nay, tức đã 9 năm 43 ngày (tính đến ngày 2/3/2020), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa đưa ra được một quyết sách nào cho căn cơ giải quyết vấn nạn hạn mặn ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long ?

hanman2

Từ ngày 19/1/2011 tới nay, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa đưa ra được một quyết sách nào cho căn cơ giải quyết vấn nạn hạn mặn ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 2/1/2020, thì tổng bí thư là người "Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng" (1).

Với quy định này do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, cho thấy về lý thuyết, mẫu hình được coi là mẫu mực cả về đạo đức lẫn trí tuệ trong Đảng, không ai khác ngoài ông Nguyễn Phú Trọng. Vậy thì nên hiểu thế nào khi trong suốt thời gian ngồi ghế Tổng bí thư từ ngày 19/1/2011 tới nay, tức đã 9 năm 43 ngày (tính đến ngày 2/3/2020), ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa đưa ra được một quyết sách nào cho căn cơ giải quyết vấn nạn hạn mặn ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long ?

Gọi là giải pháp căn cơ vì ai cũng rõ nguyên do chính đưa đến thực trạng nước lũ của sông Mekong ngày càng hiếm hoi dần khi xuôi về miền Tây Nam bộ để ra Biển Đông, là do Trung Quốc đã chặn dòng từ thượng nguồn để làm các đập thủy điện.

Hai đảng cộng sản Việt - Trung, theo quan sát trên báo Nhân Dân, người ta có thể đếm được có bao nhiêu lần người đứng đầu hai đảng cộng sản Trung - Việt đã ký kết với nhau các hiệp định từ vấn đề chính trị, kinh tế đến văn hóa - xã hội. Thế nhưng vì sao không có sự lên tiếng quyết liệt từ người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam khi phía ‘đảng anh em’ luôn ỷ thế ‘thượng phong’ về địa lý của dòng Mekong để chèn ép quốc gia cuối nguồn là Việt Nam ?

Hôm 20/2/2020, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ năm ở Lào, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc hứa ‘tăng thêm nước’ xuống hạ nguồn chống hạn.

Theo tường thuật của báo chí, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng cả khu vực hạ nguồn Mekong bị ảnh hưởng của hạn hán nặng là do mưa ít chứ không phải Trung Quốc tích nước ở các đập thủy điện trên Lan Thương (cách Trung Quốc gọi tên dòng Mekong chảy trên lãnh thổ của mình), và Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng từ tình trạng mưa ít. Nhưng ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc "đã vượt qua khó khăn" nên sẽ tăng dòng chảy của sông Lan Thương để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn.

Liên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố tăng thêm nguồn nước cho sông Mekong, ông Lê Anh Tuấn - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) - cho rằng nước xả từ đập này sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long. Theo ông Tuấn, hồi năm 2016, Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây mà nước còn không tới được Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, trong khi lần này năm 2020 mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước. "Vấn đề là mùa khô đã đi gần hết mùa. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi" - ông Tuấn nhận định.

Ông Kỷ Quang Vinh (nguyên cán bộ Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ) nói rằng trước đây có thời điểm mặn xâm nhập sâu vài chục cây số ở Đồng bằng sông Cửu Long thì dòng chảy đo được ở trạm Châu Đốc và Tân Châu còn hơn 1.200m3/giây, trong khi Trung Quốc xả với lưu lượng 850m3/giây mà cách hàng ngàn cây số mới tới Đồng bằng sông Cửu Long, việc có nước ở Đồng bằng sông Cửu Long từ việc xả này là không thể. Ông Vinh cũng cho biết qua nhiều năm theo dõi có ghi nhận hiện tượng Trung Quốc xả đập thủy điện (có năm nhiều, có năm ít) sau Tết Nguyên đán hằng năm (khoảng tháng 2 dương lịch). Nhưng ông vẫn chưa rõ lý do xả nước này từ nước láng giềng.

Liệu người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam có được các thư ký của ông thuật lại những diễn biến tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ năm ở Lào hôm 20-2 vừa qua ? (2)

Lynn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 03/03/2020

Chú thích :

(1) http://ubkttw.vn/documents/20182/96615/Quy+dinh+so+214.pdf/bdca7c9e-b45b-4f21-a280-58695d354d5f

(2) Xem thêmhttps://vietnamthoibao.org/vntb-nuoc-ngot-man-nhu-nuoc-mat/

******************

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để giải quyết hạn mặn ở miền Tây Nam bộ

Lâm Viên, VNTB, 03/03/2020

Trên báo chí Việt Nam thường sử dụng cụm từ ‘cả hệ thống chính trị’ khi đề cập đến sự việc mang tầm vóc quốc gia, đòi hỏi việc phối hợp của các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay giải quyết.

Trong cách hiểu đó, cần thiết Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết dành riêng cho vấn đề xử trí hạn mặn ở miền Tây Nam bộ.

hanman3

Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy một nghị quyết nào của Bộ Chính trị về riêng vấn đề xử trí hạn mặn ở các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ.

Vì sao lại cần đến "Hệ thống chính trị" ?

Thuật ngữ "Hệ thống chính trị" trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, được hiểu như sau : "Hệ thống chính trị là một bộ phận kiến trúc thượng tầng xã hội, bao gồm các tổ chức, các thiết chế có quan hệ với nhau về mặt mục đích, chức năng trong việc thực hiện, tham gia thực hiện quyền lực chính trị hoặc đưa ra các quyết định chính trị" (1).

Ở Việt Nam, khái niệm hệ thống chính trị được đảng cộng sản chính thức sử dụng từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, từ đó khái niệm này được các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các tài liệu khoa học, sách báo sử dụng rộng rãi thay cho khái niệm hệ thống chuyên chính vô sản trước đây.

Hệ thống đó bao gồm : Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hệ thống chính trị ở Việt Nam vận hành theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó, Đảng vừa là bộ phận của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo đạo hệ thống, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Từ cách hiểu ở trên, qua việc tra tìm trên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, lẫn của Đảng, tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy một nghị quyết nào của Bộ Chính trị về riêng vấn đề xử trí hạn mặn ở các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ.

Vì đâu mà Cửu Long cạn dòng ?

Ngày 17/11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết "Về phát triển bền vững đồng bằng sông cửu long thích ứng với biến đổi khí hậu". Thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một Nghị quyết có nội dung tương tự cũng được ban hành có tên "Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", ký ngày 23/1/2014.

Cả hai Nghị quyết của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều chung một căn cứ là Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/06/2013, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành (2).

Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) là một văn bản có nội dung mang tính chung chung, không đề cập trực diện đến hàng loạt cảnh báo từ rất lâu trước đó của các nhà khoa học về hiện tình "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng".

Các cảnh báo của những nhà khoa học đến từ thập niên 80 của thế kỷ trước

Theo một khảo cứu ghi ngày xuất bản là tháng 11/1999 của Ngô Thế Vinh trong bút ký : "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng", thì các thế hệ tiền nhân đến lập nghiệp thường chọn các khu đất gò, tại đồng bằng sông Cửu Long, gọi là "đất giồng", nên đến mùa nước lên, các cánh đồng bát ngát cò bay thẳng cánh biến thành biển nước mênh mông, thì đất giồng này vẫn là các khu an toàn cho người dân và cả cho các loài rắn.

Ngược lại, trong vài thập niên qua, các khu định cư mới thường chỉ nhằm vào các vùng đất có điều kiện cho đồng bào canh tác, nên khi đến mùa nước dâng lên, có nơi phải ngập sâu xuống cả 2, 3 thước nước, nên cái mà giới bình dân thường quen gọi là "thiên tai" hẳn nhiên phải nặng nề và tác hại nhiều hơn.

Ngoài ra, điều mà các nhà môi trường học đã lớn tiếng kêu gào nhiều nhất trong những năm gần đây là nạn chặt cây phá rừng bừa bãi ; những rừng cây xanh um từ xưa mang chức năng giữ lại trong lòng đất một lượng nước quan trọng ở các đầu nguồn thì nay không còn nữa hoặc đã biến thành quá lưa thưa, nên nước mưa xuống thì cứ thẳng chảy ra, làm tăng khối lượng nước ngoài dòng sông và hẳn nhiên mực nước sông phải dâng cao khi mưa nhiều ở thượng nguồn…

Tác giả Ngô Thế Vinh định cư tại Hoa Kỳ. Nhiều công trình của các tác giả trong nước với hàm lượng học thuật nhiều hơn, đầy đặn hơn so "Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng", dường như cũng không nhận được sự quan tâm đúng mức của nhiều đời tổng bí thư đảng cộng sản ở Việt Nam. Dư luận ngờ vực rằng vì yếu tố Trung Quốc nên những người đứng đầu đảng cộng sản ở Việt Nam tránh đụng chạm.

Cần ‘chỉ tận tay, day tận trán’

Ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, người đã nhiều năm chủ trì Chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long, đã có những phản ứng quyết liệt tại hội thảo "Tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông", được Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GREENID) tổ chức vào cuối năm ngoái, về phần nội dung mà ông cùng nhóm các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ mổ xẻ Dự án Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông (gọi tắt là MDS) do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đại diện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thuê Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI) thực hiện có tổng kinh phí khoảng 4,3 triệu USD (từ nguồn của Chính phủ Việt Nam và viện trợ ODA của một số nước tài trợ) thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 6/2013 đến 1/2016) và được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu.

Ông Trân nói rằng nhận thấy còn rất nhiều vấn đề trong báo cáo cần được trao đổi, làm rõ. Bởi, mức độ tin cậy của các kết quả nghiên cứu thể hiện không cao. Cho dù việc lựa chọn nhà tư vấn, thực hiện nghiên cứu đã được đấu thầu quốc tế nhưng với chất lượng này, kết quả của Báo cáo là "một kết luận nguy hiểm". Nguy hiểm bởi nó liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, đây là dự án giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam điều hành. Kết luận của dự án nếu được công bố ra quốc tế, gián tiếp có thể hiểu là Chính phủ Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.

Ông Lê Anh Tuấn, phó Viện trưởng Viện Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng : "MDS có nhiều bất cập và thiếu tin cậy". Theo ông Tuấn, báo cáo của MDS chưa có dẫn liệu về các đập thủy điện phía thượng nguồn của Trung Quốc. Điều này dẫn đến khó dự đoán được việc xả nước về hạ lưu. Hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi nguồn nước. Song, các nhà tư vấn đã bỏ qua nhân tố này trong tính toán.

Về số liệu đầu vào của công trình, ông Tuấn cùng nhóm các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ nhìn nhận có nhiều số liệu cũ (từ năm 2008), không đúng với thực tế và những công trình nghiên cứu gần đây. Đặc biệt, dẫn liệu về bùn cát cho tính toán đầu vào chưa đồng nhất với báo cáo của các tác giả khác. Do số liệu cũ không chuẩn xác và có sự khác biệt dẫn đến kết quả đưa ra thiếu khách quan dễ dẫn đến sai lệch trong kết luận về đánh giá tác động.

"Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần cầu thị với tất cả các phản hồi và góp ý để điều chỉnh báo cáo cho hợp lý với tình hình thực tế lưu vực sông Mê Kông", ông Tuấn cùng nhóm các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ kiến nghị.

Tuy nhiên diễn biến trên thực tế thì ai cũng biết, cả phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến Thủ tướng chính phủ, và cả Tổng bí thư đều không bày tỏ thái độ pháp lý nào trước những khuyến cáo cảnh báo từ ‘người trong cuộc’ (3).

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 03/03/2020

Chú thích :

(1) http://tuyengiaohungyen.vn/bai-viet/tim-hieu-thuat-ngu-he-thong-chinh-tri-trong-van-kien-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xii-cua-dang.aspx

(2) http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-24-nqtw-ngay-0362013-hoi-nghi-lan-thu-7-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-chu-dong-ung-pho-voi-578

(3) Xem thêmhttps://vietnamthoibao.org/vntb-nuoc-ngot-man-nhu-nuoc-mat/

*****************

Miền Tây sợ hạn mặn hơn con virus Vũ Hán

Hiền Lương, VNTB, 03/03/2020

"Nắng rát da, nước sông mặn đắng vầy thì con virus nào sống cho nỗi ở miền Tây mà sợ ?"

Nhiều bà con ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đã tỉnh bơ nói như vậy với nhóm nhà báo đến từ Sài Gòn.

hanman4

Hiện tại đồng ruộng ở miền Tây cháy khô, người dân nhiều nơi phải đi đổi nước ngọt về tiêu dùng.

Một số nhà báo theo dõi mảng môi trường cho hay chuyện hạn mặn này được cảnh báo gần nhất là hồi tháng 12 năm ngoái, khi Bangkok Post đưa tin, nước sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh đông bắc Nakhon Phanom của Thái Lan bỗng chuyển sang màu xanh lục. Đây là một hiện tượng lạ khiến con sông trông đẹp lung linh nhưng các chuyên gia hết sức lo lắng.

Mực nước sông Mekong ở đoạn này hiện chỉ đạt khoảng 1m - mức thấp nhất trong 50 năm qua. Cồn cát đã xuất hiện giữa lòng sông ở các khu vực Tha Uthen và Muang, một số trải dài đến 2-3km và diện tích đến vài trăm ngàn m2. Màu nước kỳ lạ của sông Mekong thu hút nhiều người dân hiếu kỳ đến chụp hình, tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu báo trước hạn hán - thiếu nước sẽ hết sức nghiêm trọng trong những tháng tới. Ông Arthit Panasoon, chủ tịch một nhóm bảo tồn ở Nakhon Phanom, giải thích rằng dù màu nước trông đẹp nhưng đó là một dấu hiệu xấu cho thấy sông đang khô cạn. Các chuyên gia gọi đây là "hiệu ứng dòng nước đói".

Do nước sông hiện đang quá cạn, dòng chảy chậm lại khiến phù sa - vốn thường bị khuấy lên từ lòng sông - chìm xuống đáy và không di chuyển, chính điều này tạo nên màu xanh ngọc của nước.

Cũng chuyện con nước, tháng chạp âm lịch vào mùa chộn rộn nhất của làng hoa kiểng Cái Mơn ở Bến Tre, người dân đã đánh tiếng về chuyện nước mặn đang về sớm hơn mọi năm. Thời điểm này bên Trung Quốc bắt đầu xuất hiện dịch bệnh tại Vũ Hán, nhưng tin tức bị bưng bít. Ở Việt Nam thì nhà nước trung ương ngoài Hà Nội vẫn không thấy động tĩnh gì.

"Chị Ngân quê Giồng Trôm mình nè. Từ trước Tết, chị có về thăm quê cùng quà cáp gửi cho bà con nhiều huyện lỵ. Chị có nghe vụ hạn mặn này, nhưng cũng không thấy khi trở lại ngoài Hà Nội, chị có nói năng về mấy lãnh đạo ngoài ấy coi cách nào giúp dân chúng ? Nắng xứ này đang cháy da, nước sông thì mặn đắng luôn, dân còn muốn sống không nỗi, huống chi cái con vi-rút gì đó…". Nhiều bà con xã Lương Quới của Giồng Trôm, kể.

Hiện tại thì đồng ruộng ở miền Tây cháy khô, người dân nhiều nơi phải đi đổi nước ngọt về tiêu dùng. "Đổi nước ngọt" ở đây không phải là ‘đổi chác’, mà là từ địa phương chỉ việc mua bán nước sông chưa bị nhiễm mặn.

hanman5

Hiện tại thì đồng ruộng ở miền Tây cháy khô, người dân nhiều nơi phải đi đổi nước ngọt về tiêu dùng.

Nước cạn sẽ còn tiếp diễn vài tháng trước mùa mưa, nguồn thu của người đồng bằng sẽ héo hon hơn. Chi tiêu thế nào cũng phải tính toán, bởi riêng tiền mua nước sinh hoạt thôi đã chiếm phần lớn thu nhập của gia đình. Thiếu nước còn ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh kế dài lâu chứ không chỉ chuyện hiển hiện trước mắt.

"Ai giúp cho miền Tây có được mùa nước nổi như trước, giúp cho dân Bến Tre tụi tui trở lại như ngày trước nước ngọt ở mương rạch có thể bị phèn, nhưng đó là nước ngọt dễ dàng lóng phèn để xài… Nếu sắp tới có đi bầu, tụi tui chắc chắn sẽ bỏ lá phiếu cho người đó. Thiệt luôn !" - nhiều người dân ở xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, gần bên nhà ông Hai Nghĩa, tức ông Trương Vĩnh Trọng, cựu phó thủ tướng, đã tuyên bố chắc nịch như vậy.

Hiền Lương

Nguồn : VNTB, 03/03/2020

*****************

Nam Trung Bộ gồng mình ứng phó hạn mặn đến sớm

Nhiệt Băng, Lao Động, 03/03/2020

Dù chưa phải cao điểm mùa khô hạn, nhưng nhiều vùng sản xuất nông nghiệp ở Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa lại bị thiếu nước. Trong khi đó cơ quan khí tượng dự báo tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra. Các địa phương phải đồng loạt lên phương án điều tiết, tiết kiệm nguồn nước vụ tới. 

hanman6

Các tỉnh Nam Trung Bộ phải đồng loạt lên phương án điều tiết, tiết kiệm nguồn nước vụ tới. Ảnh : Nhiệt Băng

Hạn, mặn đến sớm

Anh Bùi Văn Thiện (xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết, năm nay lượng nước từ hồ chứa chảy về đồng ruộng ở địa phương sụt giảm so với năm ngoái. Hiện 10.000m2 lúa của anh Thiện đang giai đoạn đơm bông, khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch. Nếu không cung ứng đủ nước, tình trạng hạt "lép" nhiều là có thể xảy ra. "Từ đầu năm đến nay không có mưa nên khả năng hụt nước phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp có nguy cơ xảy ra trong vụ tới" - anh Thiện đánh giá. 

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, nếu thời tiết không có mưa bổ sung, sau khi kết thúc vụ Đông Xuân 2019-2020, chỉ có 6 hồ chứa đủ nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp và tưới cho vụ Hè Thu 2020 như hồ Hoa Sơn, Tà Rục, Suối Hành, Tiên Du, Đồng Bò, Suối Sim. Riêng các hồ còn lại với mực nước thấp chỉ ưu tiên nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Dự kiến, nếu tình hình hạn hán, thiếu nước xảy ra vụ Hè Thu sẽ dự kiến khoanh vùng không sản xuất khoảng 10.000 ha (trong đó diện tích do Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Khai thác công trình Thủy lợi Khánh Hòa) đảm nhiệm tưới, hồ chứa giảm 5.770 ha, các trạm bơm, đập dâng giảm 2.830 ha ; diện tích các địa phương đảm nhiệm tưới khoảng 1.400 ha).

Cụ thể, các hồ không cấp nước sản xuất để ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt : Hồ Suối Luồng, Hồ Suối Lớn, Hồ Suối Dầu, Hồ Cam Ranh, Hồ Cây Sung, Hồ Láng Nhớt, Hồ Suối Trầu. Các hồ chỉ đảm bảo một phần diện tích (Hồ Đá Bàn chỉ đủ tưới cho 1.950 ha/4.146 ha (giảm 2.196 ha) ; hồ Am Chúa chỉ đủ tưới cho 150 ha/356 ha, giảm 206 ha). Riêng hồ Bà Bác được hồ Hoa Sơn tưới hỗ trợ nên đủ tưới 30 ha vụ Hè Thu, hồ Đá Đen không sản xuất vụ Hè Thu và hồ Cây Bứa chỉ tưới hỗ trợ hồ Hoa Sơn.

Theo Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, trong thời gian tới lượng dòng chảy ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, kết hợp nắng nóng đến sớm và kéo dài, nên tỉnh Khánh Hòa có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước, khô hạn và xâm nhập mặn ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Không điều tiết nước đối với các diện tích gieo ngoài kế hoạch

Tại Phú Yên, các nhà máy đường trên địa bàn đã vào niên vụ sản xuất 2019-2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban điều hành chương trình mía đường tỉnh và kế hoạch sản xuất của các nhà máy đường thì sản lượng nguyên liệu mía trên địa bàn tỉnh vụ này không đáp ứng công suất ép của các nhà máy do ảnh hưởng của nắng hạn kéo dài, mía chết. Nhiều người dân chuyển sang trồng các loại cây khác như sen, lạc, mì...

Tại Ninh Thuận, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cho biết, vụ Đông Xuân năm 2020 đã kết thúc gieo trồng nhưng hiện tại các hồ trong tỉnh và hồ Đơn Dương thấp hơn trung bình nhiều năm nên việc cấp nước cho vụ này gặp nhiều khó khăn, vùng nước tưới cuối kênh bấp bênh.

"Các hộ dân chuyển đổi những vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, sử dụng ít nước, tăng cường áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm nhằm hạn chế thấp nhất hạn hán có thể xảy ra" - một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho hay.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp chống hạn, tiết kiệm nước đến các địa phương, như kiên quyết không điều tiết nước đối với các diện tích gieo ngoài kế hoạch và các vùng không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo kế hoạch... "Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh cũng phối hợp với các địa phương nạo vét, khơi thông dòng chảy các suối còn nước ; đấu nối các công trình cấp nước tập trung ; dự phòng thêm một số máy bơm để tăng công suất các trạm, các hồ dưới mực nước chết"... - một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận cho hay. 

Ứng phó với tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Khánh Hòa ra chỉ thị yêu cầu chính quyền các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình nguồn nước, khả năng đảm bảo cấp nước, tiến hành điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp (chuyển đổi từ trồng lúa ở vùng thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn), đồng thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không đảm bảo cung cấp trong suốt thời gian sản xuất. Chính quyền các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp cần thiết để có thể lấy nước chủ động, không phụ thuộc vào việc xả nước của hồ thủy lợi, thủy điện (nạo vét cửa lấy nước các trạm bơm, cống, kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến...), tích trữ nước trong các hồ, ao, vùng trũng thấp, kênh rạch... để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn và đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, đang tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt ; xây dựng bản đồ trực tuyến cảnh báo nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, giải pháp đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, cấp nước sinh hoạt phù hợp với từng vùng để phục vụ xây dựng kế hoạch cấp nước, hạn chế thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra...

Nhiệt Băng

Nguồn : Lao Động, 03/03/2020

********************

Việt Nam : 17 triệu dân "khốn cùng" - Bộ Chính trị chỉ lo ra nghị quyết

Thu Thủy, Thoibao.de, 03/03/2020

Nước ngọt… mặn như nước mắt : Người dân miền sông nước Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá hoảng hồn, có nơi đến 150.000-200.000 đồng/m3, mức giá cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị. Tháng 3 hạn mặn tại Nam Bộ đạt đỉnh, miền Tây thiếu nước ngọt trầm trọng.

Đó là chuyện đang xảy ra ở một vùng sông nước mênh mông bao đời nay : Đồng bằng sông Cửu Long. Bạn đang ở thành thị, nước máy xả ào ào, đã bao giờ bạn trải qua tình cảnh "quý từng ca nước" ? Và liệu bạn sẽ "vô can" hay không ?

hanman7

Người dân miền Tây Nam Bộ phải đi xa mua nước ngọt với mức giá đến 150.000-200.000 đồng/m3, cao gấp hàng chục lần so với giá nước sinh hoạt ở đô thị

Tuần rồi, chính quyền tỉnh Cà Mau kêu gọi các chuyên gia giúp tìm đường thoát : Thiếu nước tưới, nông dân phải bỏ hoang 18.000 héc ta đất trồng lúa. 42.000 héc ta rừng đang khô héo.

Số điểm sụt, lún đã vượt quá mức 1.000 trong đó có nhiều tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã,… tổng chiều dài các đoạn đường có bề mặt đột nhiên sụt, lún là 21,6 cây số. Không chỉ có đường, nhiều đoạn kênh, rạch, đê ngăn nước mặn cũng bị sụt, lún, biến dạng.

Ngoài ra, hiện có 20.500 gia đình thiếu nước ăn uống, tắm giặt… Đặc biệt đáng ngại khi thiệt hại chưa ngừng ở đó mà sẽ tăng nhanh và cao hơn khi hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng !

Tình trạng vừa kể không chỉ xảy ra ở Cà Mau mà là thực trạng chung của đồng bằng sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long).

Gần đây, cứ tới mùa khô, mực nước của hệ thống sông, rạch ở Đồng bằng sông Cửu Long tụt xuống, nước mặn từ biển lại tràn vào thế chỗ nhưng năm nay, phạm vi xâm nhập của nước mặn vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã vượt qua mức 100 cây số !

Tổng cục Thủy lợi của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Nghiệp loan báo, mùa khô năm nay, nước mặn xâm nhập Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra sớm hơn, sâu hơn, hậu quả nghiêm trọng hơn mùa khô năm 2015-2016 (vốn được cho là chưa từng có).

Thậm chí mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nữa do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu và thượng lưu sông Mekong bị chặn để khai thác thủy điện ! Nhìn một cách tổng quát, tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long - nơi cư trú của khoảng 17 triệu người - càng ngày càng ảm đạm.

Khu vực có diện tích khoảng 40.500 cây số vuông từng nổi tiếng vì sự phong phú của đủ loại sản vật tự nhiên, từng là vựa lúa cung cấp tới 90% lượng gạo xuất cảng, 60% lượng thủy sản xuất cảng, giữa thập niên 2010 còn đạt tốc độ tăng trưởng 7,8%, vượt xa tốc độ tăng trưởng chung của Việt Nam (6,8%) đang tuột từ từ xuống đáy vì cơ hội sinh tồn, phát triển giảm dần.

Bởi càng ngày càng khó sống, càng ngày càng nhiều cư dân Đồng bằng sông Cửu Long bỏ xứ tha hương. Từ giữa thập niên 2010, tỉ lệ tăng dân số cơ học (mức chênh lệch giữa xuất cư và nhập cư) của Đồng bằng sông Cửu Long luôn luôn là số âm.

Một số chuyên gia ước đoán, trong mười năm từ 2008 đến 2018, có khoảng 1,7 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long ly hương.

Nói cách khác, môi trường sống biến đổi theo hướng khắc nghiệt hơn, cơ hội thoát khỏi nghèo đói càng ngày càng nhỏ hơn là lý do chính khiến mỗi năm, Đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 24.000 dân và con số này càng ngày càng tăng.

Đáng ngạc nhiên là tác động của biến đổi khí hậu, của việc khai thác thượng nguồn sông Mekong làm thủy điện đến tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long đã được cảnh báo từ đầu thập niên 2010 và được minh họa rõ ràng hơn qua đợt hạn hán chưa từng thấy vào mùa khô 2015 - 2016 ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ ban hành… nghị quyết !

hanman8

Hình ảnh ở Gò Công - nơi trước đây là một dòng sông thì nay nước trơ cạn đáy

"Bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi", phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) nhận định.

Tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương lần thứ 5 mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo về việc xả đập thủy điện như nêu trên để giúp các nước lưu vực sông Mekong đối phó khô hạn đang diễn ra khốc liệt. "Trung Quốc đã vượt qua khó khăn của mình và tăng dòng chảy của sông Lan Thương (đoạn sông Mekong tại Trung Quốc) để giúp các nước thuộc lưu vực sông Mekong đối phó với khô hạn. Chúng tôi cũng đồng ý nâng cao hợp tác trong khuôn khổ LMC nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn nước hợp lý và bền vững", ông Vương nói.

iên quan thông tin Trung Quốc tuyên bố xả đập thủy điện trên sông Mekong, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), cho rằng nước xả từ đập này sẽ không tới được Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Tuấn, năm 2016 Trung Quốc từng xả đập với lưu lượng 2.100m3/giây nước còn không tới được Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi lần này mới ở mức 850m3/giây thì sẽ không tới được, chưa nói tới việc các nước thượng nguồn khác như Thái Lan, Lào… cũng lấy nước.

"Vấn đề là mùa khô đã đi gần hết mùa. Xả đầu mùa thì khác. Đó là chưa nói tới bây giờ Trung Quốc xả đập, nếu nước tới được Đồng bằng sông Cửu Long cũng phải mất 3 tuần sau, lúc đó thì lúa đang thiếu nước ở đây cũng chết hết rồi", ông Tuấn nhận định.

hanman9

Hình ảnh các con đập thủy điện chi chít dọc sông Mê kong, hầu hết do Trung quốc xây dựng

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết mưa ít là lý do chính gây khô hạn và Trung Quốc cũng đang chịu thiệt hại từ điều này.

Trung Quốc cũng cho biết sẽ cân nhắc việc chia sẻ thông tin thủy văn để hỗ trợ thêm trong tương lai.

Một báo cáo mới do Fitch Solutions Macro Research thực hiện đã dự đoán việc xây đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông và cho rằng việc xây đập sẽ gây thiệt hại nặng nề cho hoạt động khai thác thủy sản và trồng trọt, buộc các quốc gia phải nhập khẩu lương thực.

Trung Quốc đã hoàn tất 11 con đập dòng chính trên sông Lancang-Mekong thượng nguồn.

Lào đã hoàn tất 2 con đập dòng chính Xayaburi và Don Sahong.

Dự án Luang Prabang 1.410 MW lớn nhất dự kiến khởi công sớm vào tháng 4/2020 sẽ là con đập thứ 3 trong chuỗi 9 con đập dòng chính của Lào và điều rất nghịch lý là do PetroVietnam Power Co. làm chủ đầu tư và con đập Luang Prabang sau khi hoàn thành sẽ tiếp tục đẩy tình trạng của Đồng bằng sông Cửu Long vào tình thế tuyệt vọng hơn.

Tình hình khô hạn trong nhiều năm trở lại đây đang tàn phá ngành nông nghiệp của Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Giới quan sát cho rằng 11 con đập của Trung Quốc tại thượng nguồn sông Mekong cũng như biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính giết chết hệ sinh thái của đồng bằng sông Cửu long.

hanman10

Một cánh đồng lúa ở huyện Long Phú, Sóc Trăng bị chết do thiếu nước - Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện đã có khoảng 29.700ha lúa bị thiệt hại do hạn mặn.

Nghị quyết 120/NQ-CP được công bố hồi cuối năm 2017 nhằm giúp Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững", giúp khu vực này "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu…" - chỉ là một họa phẩm trên giấy. Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được sử dụng như một thứ công cụ để cho hệ thống công quyền có thể đạt các chỉ tiêu tăng trưởng do hệ thống chính trị đề ra.

Vì chỉ khai thác và đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành khu vực thiếu thốn đủ thứ, từ hạ tầng giao thông đến cơ hội giáo dục, chăm sóc y tế…

Mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ dao động trong khoảng từ 80% đến 85% so với mức thu nhập trung bình tính theo đầu người/năm của Việt Nam.

Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm 2017, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới".
Đến cuối năm 2015, Quốc hội Việt Nam "nhất trí", từ 2016 đến 2020 sẽ chi thêm 193 ngàn tỉ đồng nữa để… tiếp tục thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới" !

Chương trình "xây dựng nông thôn mới" đã dựng lên vô số cổng chào, bưu điện trung tâm, chợ,… ở vài ngàn xã. Dù chính quyền của 53/63 tỉnh, thành phố thi nhau kêu gọi đầu tư, xây dựng đủ thứ hạng mục "vô nghĩa" theo "tiêu chuẩn nông thôn mới", cuối 2017 vẫn còn 15.277 tỉ đồng chưa thể thanh toán nhưng tiền giúp Đồng bằng sông Cửu Long "phát triển bền vững" thì không !
Đồng bằng sông Cửu Long có thể "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu" khi bề mặt sụt, lún, nước biển dâng, hạn hán… nhưng không thể chủ động khi thượng nguồn Mekong bị các công trình thủy điện chặn nguồn nước chảy xuống hạ lưu.

hanman11

Đây là bản đồ ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long - Giữa tháng 2, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-90 km, sâu hơn năm 2016 từ 2 đến 11 km

Từ những trường hợp như Hà Lan, Israel,… các chuyên gia khẳng định là cần nghiên cứu kỹ để xác định giải pháp phù hợp. Chẳng hạn muốn hóa giải tác hại của sụt, lún bề mặt thì phải cấp đủ nước, ngưng khai thác nước ngầm, thay đổi cả tư duy lẫn cách thức qui hoạch trong nhiều lĩnh vực…

Vấn đề nan giải nhất không nằm ở những biến đổi trong tự nhiên mà nằm trong đầu từng thành viên… Bộ Chính trị, thành viên chính phủ, chính quyền các địa phương.
Làm sao có thể giúp Đồng bằng sông Cửu Long "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu" khi tất cả mọi thứ vẫn chỉ phụ thuộc vào những cá nhân có thẩm quyền lựa chọn - phê duyệt giải pháp nhưng chỉ biết "kinh tế chính trị Mác - Lenin", thạo "Xây dựng đảng" và thuộc "Lịch sử đảng" ?…

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Bùi Trinh - một chuyên gia kinh tế - vừa mới cảnh báo : "Đồng bằng sông Cửu Long ốm thì cả nước cũng yếu" kèm theo khá nhiều dẫn chứng.

Giữa lúc Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua giai đoạn "nước sôi, lửa bỏng" nhưng dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ bận tâm đến chuyện làm sao để Covid-19 không ảnh hưởng đến khả năng đạt "chỉ tiêu tăng trưởng" đã được đề ra cho năm nay. Ông Trinh lưu ý, môi trường ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, nếu chỉ lao vào tăng trưởng GDP sẽ có những hậu quả nghiêm trọng về môi trường từ đó ảnh hưởng ngược lại đến niềm say mê GDP.
Bấy lâu nay, những phân tích, cảnh báo của ông Bùi Trinh không phải là ít và dù hết sức rõ

hanman12

Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tại Ba Tri, Bến Tre với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng sau 6 tháng đưa vào sử dụng cũng bị nhiễm mặn

Việt Nam với người đứng đầu Đảng và Nhà nước là ông Nguyễn Phú Trọng đã rất già nua và lạc hậu, cộng thêm chuyên nghành ông được học càng tệ hơn với môn xây dựng đảng từ trước khi Liên Xô sụp đổ. Chính điều đó đã gây hậu quả nặng nề thêm cho người dân Việt Nam vì Đảng chỉ chăm lo cho bộ máy đàn áp chuyên chính của mình mà quên đi hàng triệu người dân Việt Nam đang ngày đêm sống trong lầm than, đối diện thiên tai, dịch bệnh.

Thứ Đảng ngoại lai đang tồn tại tại ở Hà Nội, giờ chỉ có thể "thay" và không còn "sửa" được nữa.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 03/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên, Lynn Huỳnh, Hiền Lương, Nhiệt Băng, Thu Thủy
Read 1014 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)