Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2020

Covid-19 : có nên thu gom lương thực thực phẩm để tích trữ ?

Nhiều tác giả

Càng hoảng loạn càng dễ chết

Diễm My, VNTB, 08/03/2020

Bình tĩnh sẽ sống, hoảng loạn sẽ chết.

Một trong những nguyên lý sống dai trong các bộ phim hành động, kinh dị là bình tĩnh.

Bình tĩnh sống thì sẽ đảm bảo con người tránh trạng thái hoảng loạn cực độ, càng giúp thấu đáo trong đề ra giải pháp cho vấn đề đang đối mặt.

tichtru1

Tối ngày 6/3, ca nhiễm Covid thứ 17 được chính quyền Hà Nội công bố, ngay lập tức người dân tranh thủ tìm cách tích trữ nhu yếu phẩm tại các cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống. Những hình ảnh ghi lại cảnh người dân đông đúc mua nhu yếu phẩm tạo ra một cảm giác lo lắng, sợ hãi và hoảng loạn.

Bản thân chính quyền Hà Nội cùng đại diện các nhà cung cấp bán lẻ (Big C, Mega Market, Vinmart...) cũng chủ động trấn an dân chúng khi lên tiếng cam kết đủ nhu yếu phẩm, kêu gọi người dân không tích trữ, thế nhưng tình trạng tích trữ nhu yếu phẩm không thuyên giảm là bao.

Có nhiều nguyên nhân để truy xét gốc gác hiện tượng này. Một trong số đó là người dân bị ám ảnh bởi khả năng bị cách ly như Vũ Hán (Trung Quốc) và thiếu nguồn lương thực như Vũ Hán.

Tích trữ lương thực gợi nhớ lại cái thời kỳ một bữa vừa no, hai ba bữa đói trong kỳ bao cấp thập niên 1980 trong thế kỷ trước.

Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, cần thừa nhận rằng ở một mức độ nào đó chính quyền Hà Nội dường như đảm bảo khả năng kiểm soát dịch. Và hoàn toàn có đủ khả năng cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian dịch bệnh này. Điều cần thiết mà người dân có thể làm để bảo vệ cho bản thân, gia đình và xã hội là bình tĩnh.

Khi một cá nhân bình tĩnh, họ sẽ tránh chen lấn và tụ tập nơi đông người nhằm hạn chế lây bệnh. Đây là một trong nhiều nguyên tắc cơ bản nhất được đúc kết lại trong phòng chống Covid-19. Đặt trong trường hợp chen lấn, xô đẩy với lượng cá thể đông, thì nguy cơ dính Covid-19 trước khi bụng được lấp đầy bởi thức ăn có rủi ro rất cao.

Trong khía cạnh khác, hoảng loạn tích trữ nhu yếu phẩm có thể gián tiếp gây năng sợ hãi trong xã hội, dẫn đến tình trạng mất cân bằng trong nhu cầu và khả năng tiêu thụ. Dễ hiểu hơn, khi một người tích trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác, người đó gián tiếp làm giàu cho đầu cơ xã hội, đồng thời làm cạn kiệt nguồn nhu yếu phẩm đến tay người cần, trong khi nhu cầu sử dụng của bạn thân chưa cần đến mức đó.

Bảo vệ bản thân và gia đình là điều tốt, nhưng hãy san sẻ điều đó ra cộng đồng. Chỉ mua đủ dùng khi nào trong khu vực được chính quyền cách ly, số lượng nhu yếu phẩm tương ứng với số ngày cách ly và số nhân khẩu. Tránh mua quá nhiều, vượt mức hoặc mua tích trữ dù không nằm trong diện cách lý. Trong khi đó, điều quan trọng nhất trong phòng chống dịch bệnh là rửa tay, khẩu trang, và tránh tụ tập đông người.

Hãy là người dân vừa có ý thức bảo vệ sức khoẻ bản thân, gia đình. Vừa có ý thức cộng đồng trong chia sẻ thông tin có kiểm chứng về dịch, nhu yếu phẩm và một thái độ bình tĩnh.

Bình tĩnh sẽ sống, hoảng loạn sẽ chết.

Diễm My

Nguồn : VNTB, 08/03/2020

******************

Những thứ phải tích trữ khi cách ly phòng dịch Covid-19 quy mô cả phường, quận

Lâm Viên, VNTB, 07/03/2020

"Nếu cần thiết Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thiết lập thêm các phòng cách ly áp lực âm, đồng thời chuẩn bị nhiều phương án cách ly, trong đó nếu dịch bệnh bùng phát có thể phải cách ly cả một phường, một quận".

tichtru2

Một vài hộ dân ở Thành phố Hồ Chí Minh thu mua các mặt hàng gạo, loại cá khô, thực phẩm đóng hộp, mì gói... một số đồ ăn vặt như đậu phộng, sữa, cà phê để tồn trữ. Ảnh minh họa

Trích bài viết "Nếu dịch bệnh bùng phát, có thể phải cách ly cả một phường, một quận", báo Tuổi Trẻ phiên bản điện tử, phát hành trưa ngày 06/03/2020.

Câu hỏi đặt ra : trong trường hợp người dân một phường, một quận ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cách ly trong thời gian 14 ngày, thì những thực phẩm, dụng cụ y tế gì cần thiết trong gia đình ? Phía chính quyền chưa thấy đưa ra khuyến cáo cho kịch bản tích cốc phòng cơ này ở các hộ người dân nơi địa phương ‘phải cách ly’.

Tham khảo từ các khuyến cáo của Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, qua ghi nhận ý kiến của một vài hộ dân ở khu vực quận Gò Vấp, gần bệnh viện quân đội 175, thì thực phẩm đủ dùng trong 14 ngày cho cả gia đình, tập trung vào các mặt hàng gạo, các loại cá khô, thực phẩm đóng hộp, mì gói... hạn sử dụng lâu dài, dễ lưu trữ. Cũng có thể mua thêm một số đồ ăn vặt như đậu phộng, sữa, cà phê.

Nếu nguồn cấp là nước máy, hãy chắc chắn nước được lọc sạch và an toàn khi sử dụng. Nhưng tốt hơn, người dân nên dự trữ nước uống đóng trong bình 20 lít, trong trường hợp nguồn cấp nước bị gián đoạn. Ngoài ra, người dân cũng nên chuẩn bị giấy vệ sinh, khăn giấy, các sản phẩm chăm sóc cá nhân, tã lót nếu có em bé… Các loại thuốc thông thường như : thuốc giảm đau, tiêu chảy, ho, cảm lạnh,.. cũng cần có trong tủ thuốc gia đình. Người bị bệnh mãn tính cần tham vấn bác sĩ về quá trình chữa trị ra sao ở thời gian bị cách ly.

Trong thời gian mà cả quận, phường bị cách ly, thì quan trọng bậc nhất là người dân sẽ làm gì trong thời gian trống quá nhiều đó ? Sức khỏe tinh thần của từng người dân là một vấn đề, mà chỉ có thầy thuốc chuyên khoa về tâm lý mới có thể đưa ra những tham vấn phù hợp - như giả dụ, với qúy ông thì do rảnh nên rủ nhau nhậu nhẹt, còn qúy bà thì gầy sòng giải trí bài bạc…

Tuy nhiên cái quan trọng nhất và cũng là vướng mắc lớn nhất : tiền ở đâu để người dân mua đủ số thực phẩm tối thiểu dùng trong thời gian bị cách ly ? Không thể đi làm, đặc biệt là với những người mưu sinh bằng nghề tự do, buôn bán hàng rong, thợ hồ… thì tiền ở đâu để họ có thể xoay xở sau khi thời gian bị cách ly được dỡ bỏ ? Các chi phí tiền điện, nước, gas, internet… sẽ phải ra sao ?

Tiếc là cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn không đưa chi tiết về thời gian cách ly hơn 10.600 người dân xã Sơn Lôi thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, diễn biến tâm lý cùng các xáo trộn trong đời sống cư dân nơi đây ra sao, để qua đó mà những vùng, miền khác có thêm dữ liệu cho chuẩn bị đối phó dịch cúm Covid-19.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 07/03/2020

********************

Thành phố Hồ Chí Minh lên phương án cách ly một quận để chống dịch Covid-19

Bích Huệ, Zing, 06/03/2020

Trước tình hình dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang lên phương án cách ly toàn xã/phường, thậm chí một quận trong thành phố.

tichtru3

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh : Lê Quân.

Phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 6/3, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết để chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang lên phương án cách ly khu vực rộng. Trong đó, kịch bản mượn ký túc xá sinh viên là phương án cho chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Có thể cách ly một xã, phường thậm chí một quận

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết số trường hợp mắc bệnh ngoài Trung Quốc, đặc biệt là Hàn Quốc tăng rất cao. Điều này cho thấy dịch bệnh đang chuyển hướng, lan rộng toàn cầu và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã nâng mức cảnh báo lên cao hơn.

Hàn Quốc đang có tình trạng thiếu chỗ ở bệnh viện. Bệnh nhân phải nằm chờ và tử vong trước khi nhập viện. Nếu tình huống này xảy ra ở Việt Nam, tình hình sẽ trở nên khó khăn. Vì vậy, Bộ Y tế đã chuẩn bị cho tình huống Việt Nam có trên 1.000 và trên 10.000 ca mắc bệnh. Trước đó, Bộ Quốc phòng đã có cuộc diễn tập để lên phương án, xử lý khi tình huống này xảy ra.

Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải cách ly một khu vực trong thành phố lớn, trong đó nhấn mạnh là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nếu dịch bệnh bùng phát. Do đó, trong tuần vừa qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp bàn và lên phương án cách ly một phường, một xã, thậm chí một quận.

"Hiện tại, ngành y tế đang làm theo phương án này, tuy nhiên kế hoạch thực hiện khá khó khăn. Nếu một xã ở huyện xa trung tâm thì dễ. Còn đối với các phường trong trung tâm thành phố sẽ không đơn giản. Cụ thể như ở Italy, việc cách ly một khu vực cũng đang gặp khó khăn do địa phương này chiếm đến 1/3 kinh tế của cả nước, tương tự tình trạng của Thành phố Hồ Chí Minh", ông Bỉnh nói.

Lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm hiện nay, khi các chuyến bay từ Hàn Quốc tạm dừng khai thác, nhiều người tìm cách vào Việt Nam bằng các chuyến bay từ Campuchia, Thái Lan để nhập cảnh. Thậm chí, người Việt Nam còn về nước thông qua đường bộ ở biên giới. Do đó, hiện nay các tỉnh biên giới của chúng ta phải tăng cường giám sát chặt chẽ hơn.

Mượn ký túc xá Đại học Quốc gia là phương án cho tình huống xấu nhất

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị mở rộng các khu vực cách ly tập trung tại huyện Củ Chi đối với các trường quân đội thuộc Bộ Tư Lệnh và tiếp tục thực hiện ở Cần Giờ.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tại Cần Giờ, thành phố đưa lên phương án phát triển mạnh thành khu cách ly tập trung và dự phòng buồng áp lực âm, khu điều trị. Cần Giờ có khoảng 70.000 dân, gần biển nên có thể cô lập được. Sắp tới, thành phố có thể chuẩn bị cho cuộc cách ly lớn ở Cần Giờ.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp với Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) chuẩn bị 200 giường để người dân các tỉnh, thành về Thành phố Hồ Chí Minh có thể được tiếp nhận tại đây. Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, thành phố có thể mượn 20.000/40.000 chỗ ở tại ký túc xá Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và là phương án xử lý cuối cùng.

Ông Bỉnh cho biết may mắn, thành phố không cần xây thêm bệnh viện dã chiến mà lấy từ các cơ sở quân đội, sửa chữa và trang bị thêm cơ sở vật chất để trở thành khu cách ly tập trung.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát dịch bệnh, đến sáng nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 69 người nghi ngờ mắc bệnh. Trong đó, 65 người đã có kết quả âm tính, 4 trường hợp đang chờ kết quả xét nghiệm.

Hiện có 345 trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố. Số người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của quận, huyện là 222 người và 526 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Ngành y tế thành phố tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm dịch y tế, cách ly y tế cho người nhập cảnh từ các quốc gia đang có dịch bệnh theo chỉ đạo hiện hành của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bích Huệ

Nguồn : Zing, 06/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm My, Lâm Viên, Bích Huệ
Read 899 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)