Vì sao Hà Nội hoảng loạn với ca nhiễm virus corona thứ 17 ?
Diễm Thi, RFA, 09/03/2020
Dân hoảng loạn…
Khoảng 10 giờ đêm 6/3/2020, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn cấp cho báo chí tham gia để thông tin về sự việc liên quan đến dịch bệnh. Cuộc họp đã công bố xác nhận bệnh nhân thứ 17 dương tính với virus corona. Người dân lập tức đi mua lương thực tích trữ, vét sạch các kệ hàng trong siêu thị ngay trong đêm gây tâm lý hoảng loạn trong dân chúng.
Người dân đeo mặt nạ xếp hàng mua đồ dự trữ tại siêu thị ở Hà Nội, lo ngại về sự lây lan Covid-19. Ảnh chụp ngày 7/3/2020. AFP
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 hôm 25 tháng 2, Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus corona trước đó đã được chữa khỏi. Ông Vũ Đức Đam phát biểu : "Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch".
RFA thăm dò ý kiến của một vài người dân sống tại Hà Nội lúc bấy giờ thì đa số họ tin tưởng vào những gì chính phủ nói. Do vậy khi chính phủ đưa tin ca nhiễm thứ 17 mà theo họ có gì đó ‘bất thường’, người dân cảm thấy bất an và hoảng loạn.
Nhiều facebookers trước đây đưa thông tin về dịch bệnh này bị chính quyền mời làm việc, đóng phạt. Có thể nêu vài trường hợp cụ thể như chị Vũ Thị N.T ở Hải Phòng vào ngày 30 tháng 1 năm 2020 bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng với lý do ‘đăng tải thông tin sai sự thật’ về số người nhiễm virus corona ở địa phương. Hay facebooker Nhàn Lê hôm 29 tháng 1 năm 2020 bị phạt 12.500.000 đồng vì đưa tin Huế đã có một trường hợp dịch cúm Corona là người Vũ Hán đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đến ngày 9 tháng 3, Bộ Y Tế Việt Nam tiếp tục khuyến cáo cần cảnh giác với thông tin bị cho là ‘giả’ về dịch Covid-19.
Anh Nguyễn Văn Khánh, một cư dân Hà Nội cho hay tình hình Hà Nội những ngày qua :
"Bệnh dịch này nó mang tính chất toàn cầu nhưng ở Việt Nam thì thông tin đưa ra cho công chúng rất ít. Những thông tin từ mạng xã hội thì bị ngăn chặn gắt gao. Cho nên đến trường hợp cô thứ 17 thì gây ra sự hoảng loạng rất lớn ở Hà Nội. Em cho là rất tiêu cực khi người dân đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ gây xáo trộn. Sáng nay thứ hai thì đường phố vắng tanh. Các hàng quán hầu như không mở".
Anh Khánh giải thích thêm rằng, vì chính quyền quá tự tin hoặc quen thói dối trá về việc đã khống chế được dịch. Bây giờ ngay tại Thủ đô Hà Nội, trung tâm văn hoá, kinh tế, chính trị của Việt Nam lại chính thức có người nhiễm. Người dân không tin chính quyền nên đã hoảng loạn đi mua thực phẩm dự trữ. Mặc dù chính phủ, thành phố vẫn tuyên bố trên truyền thông là không thiếu hàng, trấn an người dân nhưng vô nghĩa.
Là một cư dân Hà Nội, đồng thời là Nhà xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho hay, bà cũng lấy làm lạ khi người dân Hà Nội phản ứng bất thường như vậy khi nghe tin có ca nhiễm thứ 17. Nhưng theo bà thì hành động đó là do tâm lý mà ra, những bệnh nhân trước đây không được công khai nên tâm lý người Việt xưa nay coi đó là chuyện bên ngoài cửa nhà mình. Họ vẫn nghĩ những người đó từ Trung Quốc sang và họ biết để giữ khoảng cách. Nghĩa là họ biết nguồn gây bệnh. Thêm vào đó họ vẫn tin vào những gì nhà nước nói là không chế được dịch.
Đến ca thứ 17, nhà nước công khai mọi thứ trên truyền thông thì người dân giật mình. Họ thấy không còn xa lạ nữa mà nó ngay cửa nhà mình thì tâm lý họ hoảng sợ là đúng.
Khi chính quyền công khai ?
Chuyện chính quyền công khai ca nhiễm thứ 17 trên truyền thông một cách nhanh chóng và ồ ạt, khác hẳn với 16 ca trước đó khiến người dân đặt nhiều câu hỏi. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng những ca trước đây xuất phát từ Trung Quốc nên chính quyền im lặng, bây giờ ca thứ 17 rõ ràng xuất phát từ châu Âu nên đây là dịp để bày tỏ sự nể mặt Trung Quốc. Lý do hai, có thể chính chính quyền cũng hoảng loạn khi chuyến bay của bệnh nhân thứ 17 có mặt vài quan chức cao cấp.
Nhà báo Nguyễn Vũ Bình nhận định :
"Tâm lý của người Việt Nam rất phức tạp. về mặt tiềm thức thì người ta cũng không tin nhà nước. Không tin chuyện có 16 ca chữa khỏi cả 16. Cả hệ thống cứ úp úp mở mở không chính thống đưa tin cho nên người ta nửa tin nửa ngờ.
Lần này cả hệ thống tập trung vào đưa tin rầm rộ cho nên người dân rất sợ. Trong thâm tâm lâu nay họ đã không tin. Bây giờ chính thức công bố thì họ dựa luôn vào những trường hợp trước đây thành ra nó bùng nổ tâm lý".
Trên facebook cá nhân của mình, nhà báo Phạm Đoan Trang có bài viết ngắn phân tích việc vì sao Việt Nam tiếp nhận 16 ca nhiễm virus corona một cách bình thản mà đến ca thứ 17 lại loạn lên, tổ chức họp khẩn cấp lúc 10h đêm với kết luận :
"Việc chửi rủa bệnh nhân số 17, chạy trốn khỏi khu vực bị cách ly hay sôi sục càn quét siêu thị để vét hàng ngay trong đêm công bố ca bệnh thứ 17, suy cho cùng, về bản chất đều có điểm chung : Đó là hậu quả của cơn say chiến thắng, tô hồng thực tế từ nhiều ngày trước đó.
Nếu không ngấm cái men say ấy, không lên đồng cùng thơ ca hò vè ca ngợi chính phủ, không "đặt trọn niềm tin" vào một nhà nước chưa bao giờ "của dân do dân vì dân", mà chuẩn bị tinh thần ngay từ đầu cho việc dịch bệnh có thể bùng phát ở Việt Nam bất cứ lúc nào, thì người ta đã có thể đón nhận tin về ca bệnh số 17 một cách bình thản như với tất cả các ca trước".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 09/03/2020
*********************
Nạn nhân thứ 17 của Corona Virus
Tuấn Khanh, RFA, 09/03/2020
Câu hỏi hiện nay là tại sao rất nhiều người Việt Nam trong nước rất đồng lòng cùng truyền thông nhà nước xác định cô Nhung là đối tượng lây lan nguy hiểm nhất từ khi có dịch đến nay. Và mọi thông tin về cô ấy đều do nhà nước tiết lộ là chính.
Hình minh họa. Khử trùng máy bay của Vietnam Airlines ở sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 3/3/2020 - AFP
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, khi facebook và các trang mạng khác dẫn hình riêng tư của cô Nhung, người được báo chí nhà nước, các KOLs (Key Opinion Leader) tung ra, mô tả cuộc sống giàu có, đi nhiều nước trên thế giới, một làn sóng chỉ trích và nguyền rủa nạn nhân Coronavirus này tăng đến không thể ngờ.
Điều quan trọng, là cô Nhung về từ Ý, cùng chuyến bay với các quan chức cấp cao, mà tin tức nhiễm bệnh của họ được sắp xếp đưa ra, sau khi công bố mang tính áp đặt là cô ta đã lây cho tất cả.
Hãy thử nhìn lại, trong chuyến bay đó vào VN, có thể chính các quan chức là nguồn lây lan nhưng không thể tiết lộ. Họ cũng là những người được ra vào một cách tự do không cần bị cách ly, và virus Corona thì phát bệnh ở mỗi người với số thời gian khác nhau là diễn biến có thật.
Việc đòi hỏi một người thường dân có ý thức là đúng, nhưng cũng cần đặt vấn đề lớn hơn nữa về ý thức của các quan chức chính quyền. Không có nghĩa một quan chức vô ý thức lây bệnh là tội nhẹ hơn một dân thường.
Đáng chú ý, trên các diễn đàn tập trung giới DLV, cách tập trung miệt thị, tạo cảm giác tức giận chung cho đám đông, khẳng định như hoàn toàn mọi thứ tội ác là từ người phụ nữ này. Không thể không nhận thấy sự thành công của làn sóng công kích, mà mọi chứng hay hình ảnh về nạn nhân được tung ra từ từ rất chủ ý. Áp lực lớn đến nỗi nạn nhân thứ 17 tại Việt Nam phải viết trên trang facebook cá nhân của mình, xin lỗi tất cả mọi người.
Ảnh chụp màn hình các chỉ trích nhắm vào cô Nhung trên mạng Courtesy of FB, Blogger Tuấn Khanh
Trong khi đó, các quan chức cùng nhiễm bệnh – công bố chậm hơn – thì hoàn toàn im lặng.
Với Coronavirus, từ tháng qua, các nhà khoa học đã chứng minh sự phức tạp của lây lan. Thời gian nhiễm bệnh, ủ bệnh và phát bệnh đều có những sai biệt khác nhau ở mỗi người. Nên ở đây, các tạo truyền thông định hướng và lập luận một chiều là chỉ có cô Nhung lây cho các quan chức – chứ không ngược lại, khó đứng vững trong trường hợp này.
Lại những thông tin từ nhà nước phát đi nói rằng cô Nhung đã đi lại và tiếp xúc rất nhiều người. Nhưng cũng không có nghĩa là các quan chức và những người khác thì ở một mình.
Để củng cố cho việc kết tội. Đã có nguồn tin tung ra, nói chị cô Nhung ở nước ngoài cũng đã mắc bệnh.
Truyền thông nhà nước và những KOLs có chủ đích đã làm rất tốt công việc của mình trong việc che đi hình ảnh các quan chức và những nhân vật khác trong chuyến bay về Việt Nam. Điều không ai nhắc đến, và phải đặt thành vấn đề hình sự, là vì sao tất cả những người mắc bệnh chung một chuyến bay, đi vào Việt Nam, lại không có ai bị xét nghiệm, cách ly như những người dân thường. Chính các quan chức được ưu tiên đó, đang lây nhiễm trầm trọng hơn hết, sau khi vừa đáp xuống đã đi chào hỏi, dự hội nghị, bắt tay nhau… truyền thông của nhà nước cũng thú nhận như vậy.
Rất rõ, cô Nhung có thể là tác nhân, những cũng có thể một nạn nhân được chọn, trong bài tính có nhiều mục đích của truyền thông nhà nước.
Mọi thứ đều có thể - trong một thế giới thông tin vừa đầy đủ vừa thiếu thốn - và điều cần thiết là phải soi chiếu sự kiện trên một bàn cân độc lập, nhìn thấy nó, và đứng ngoài những trò chơi thao túng quen thuộc.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/03/2020
******************
Tại sao ca nhiễm dịch thứ 17 lại nghiêm trọng bất thường ?
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 08/03/2020
Ngày 25/2 ca nhiễm Covid-19 thứ 16 được công bố là đã chữa khỏi. Ông Vũ Đức Đam Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch hoan hỉ tuyên bố : "Với tất cả sự khiêm tốn cầu thị, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh".
Ngày 4/3 ông Đam thông báo "Một tuần nữa không có ca nhiễm mới, Việt Nam sẽ công bố hết dịch".
Thế nhưng chỉ 2 ngày sau thì ca thứ 17 xuất hiện làm ầm ỹ truyền thông và náo loạn thị trường nhu yếu phẩm. Đây là hiện tượng hết sức bất thường.
Xin tạm chia ra 2 giai đoạn để tiện so sánh :
Giai đoạn trước 6/3 : Truyền thông dừng lại ở con số 16 ca chữa khỏi/16 ca nhiễm, không có trường hợp nào tử vong. Trong khi đó, ở Trung Quốc lục địa và các quốc gia khác, con số nhiễm bệnh và tử vong tăng lên vùn vụt mỗi ngày làm nhiều người hoài nghi. Sự im lặng thông tin về dịch corona tại Việt Nam như khoảng lặng ở chiến trường giữa hai đợt tấn công, báo hiệu đợt sau khốc liệt hơn đợt trước.
Đây đó vẫn có những tin về những cái chết bất thường, có những triệu chứng giống nhiễm dịch Vũ Hán. Nhiều cái chết trong bệnh viện, tại phòng trọ, đặc biệt có cả những ca tử vong khi đang đi trên đường - điều mà trước đây rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn cho rằng những ca này không liên quan đến dịch cúm Vũ Hán mà là do các bệnh lý khác như não, thận tiểu đường tuýp 3, trúng gió...
Từ khi ca nhiễm đầu tiên phát hiện ở Việt Nam vào khoảng 20/1 cho đến ca thứ 16 vào ngày 13/2, tâm lý xã hội nói chung là cảnh giác nhưng bình tĩnh. Sau giai đoạn cảnh giác ban đầu thì cùng với sự tự hào về khả năng kiểm soát dịch của chính quyền lại sinh ra tâm lý chủ quan. Nhiều người ra đường không quan tâm đến việc đeo khẩu trang nữa và các quán ăn, siêu thị đã nhộn nhịp trở lại.
Giai đoạn sau 5/3 : Thế mà chỉ cần thêm một ca nữa thì tình hình lại khác hẳn. Ca thứ 17 được phát hiện vào ngày 6/3 có sức nặng hơn tất cả các ca trước đó cộng lại. Ngay trong ngày, lãnh đạo Hà Nội họp gấp bất kể đã 10 giờ đêm. Báo chí gọi đây là tình huống đặc biệt. Rất nhanh chóng, ngày hôm sau người ta công bố thêm 3 ca nữa và sáng sớm ngày hôm nay, 8/3 công bố ca thứ 21. Cuối buổi chiều cùng ngày thêm 9 ca nữa nâng tổng số người bị nhiễm dịch lên 30.
Điều đặc biệt khó hiểu là tâm lý trong nhân dân. Chưa bao giờ thấy người dân Hà Nội hoảng loạn đến thế. Thời kỳ Mỹ ném bom B52 vào tháng 12 năm 1972 hay Trung Quốc tấn công xâm lược ngày 17/2/1979, người dân Hà Nội bình tĩnh hơn nhiều. Có lẽ, họ có cảm giác điều phải đến đã đến.
Người ta chen nhau đi mua hàng dự trữ. Hàng đối phó với dịch bao gồm thực phẩm, rau quả, lương thực và khẩu trang, giấy vệ sinh... Giá cả ngày 7/3 tăng gấp đôi ngày thường. Thịt lợn có chợ lên tới 400 nghìn/kg. Chỉ trong buổi sáng, các chợ hay siêu thị đã hết sạch những mặt hàng thiết yếu.
Rất khó giải thích tâm lý này. Ai cũng hiểu, hàng hóa hiện nay rất dồi dào, luôn đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng. Virus Vũ Hán gây bệnh chứ không thể ăn được hàng hóa mà cần tranh giành với nó. Người ta vét hàng tích trữ, tranh giành lẫn nhau. Việc tích trữ hàng vô cùng nguy hiểm vì chắc chắn có một tỉ lệ nhỏ nào đó trong dân không tích trữ sẽ không có nhu yếu phẩm để sử dụng. Và như vậy có thể dẫn tới không chết vì dịch mà chết vì đói. Tích trữ sẽ gây ra sự khan hiếm giả tạo, làm cho thị trường rối loạn. Ngoài ra, việc vét hàng dự trữ còn dẫn đến phải dùng hàng quá "đát"...
Có lẽ người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin từ chính quyền. Khi chính quyền trấn an, bằng lòng và tự hào với thành tích chống dịch bệnh thì người dân sinh ra chủ quan và khi họ tỏ ra nghiêm trọng thì người dân cũng hốt hoảng theo.
Còn về phía chính quyền, giải thích thế nào về việc ca 17 lại nghiêm trọng hơn tất cả các ca trước ? Họ hẫng hụt tiếc nuối trước ý định công bố hết dịch nhưng thất bại hay lo ngại virus lây lan ? Chắc là cả hai. Nhưng tại sao từ ca thứ 17, họ lại sốt sắng hơn hẳn trước ? Đây là điều khó lý giải.
Qua cách đưa tin của truyền thông sẽ hiểu được chủ trương của nhà cầm quyền trước mỗi sự việc. Hay nói cách khác, truyền thông nhà nước là phát ngôn của nhà cầm quyền. Báo chí có nhiệm vụ định hướng, lèo lái dư luận. Có việc họ dẹp đi, có việc cho đưa tin hạn chế và cũng có việc thổi phồng lên nếu đó được coi là thành tích. Chính ông Vũ Đức Đam, trong một video được đài RFA công bố (báo chí Việt Nam không nhắc đến việc này) cũng yêu cầu báo chí không tuyên truyền rộng kịch bản 30 nghìn người nhiễm dịch sợ nhân dân hoang mang. Từ đó có thể hiểu, mọi sự kiện diễn ra, nói hay không, nói ở mức độ nào là do chủ trương của nhà nước nên không thể hy vọng có thông tin đầy đủ, khách quan từ báo chí. Trước những thông tin báo chí đưa ra, công chúng cần có sự đánh giá, phân tích, nhìn nhận riêng của mình. Mỗi người cần chủ động trong việc đối phó với đại dịch Vũ Hán, không nên bị động chạy theo truyền thông một cách đơn thuần, ví dụ không nên tích trữ hàng quá mức cần thiết.
Trở lại sự nghiêm trọng của ca nhiễm dịch Vũ Hán thứ 17, trên mạng xã hội có một luồng ý kiến mà dễ nhận được sự tán đồng. Đó là thông tin ngày 5/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (mà Việt Nam là thành viên) công bố sẽ cấp khoảng 50 tỷ USD để giúp các nước ứng phó với dịch Covid-19. Vì vậy Việt Nam không khăng khăng với con số 16 thần thánh nữa.
Nếu vậy thì đáng sợ thật. Số phận con người lại được quyết định bởi những điều đơn giản thế sao ?
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 08/03/2020 (nguyentuongthuy's blog)
***********************
Quyền, tiền và bệnh thành tích
Lập Quyền Dân, RFA, 09/03/2020
Cả ba căn bệnh không chỉ bóc trần những lỗ hổng chết người trong chống dịch Covid-19 ở Việt Nam. Những căn bệnh ấy còn bộc lộ các tử huyệt của chế độ, chiếu rọi vào những vụ tham nhũng quyền lực và lãng phí tiền thuế của dân đen.
Hình minh họa. Một phụ nữ đeo khẩu trang đi trong khu vực phố Trúc Bạch bị phong tỏa sau trường hợp thứ 17 và 21 nhiễm Covid - 19 ở Hà Nội hôm 8/3/2020 - AFP
Đêm và rạng sáng ngày 7/3/2020 có nét gì đó hao hao với đêm và rạng sáng ngày 9/1/2020. Cả hai sẽ đi vào lịch sử như "cái đêm hôm ấy đêm gì". Sự cố 7/3 không chỉ soi rọi những khuyết tật đáng sợ trong đợt chống dịch, mà cả hai đại hoạ này sẽ còn được nhắc đến như những cột mốc đáng nhớ trong cuộc chiến chưa biết đâu là "trận cuối cùng", chống lại những lỗ hổng chết người của chế độ. Quyền, tiền và chạy theo thành tích đã gây ra cuộc hành quyết man rợ ở thôn Hoành, Đồng Tâm giáp Tết Canh Tý. Nay, cả ba căn bệnh ấy tiếp tục đoạ đầy dân Việt. Cậu ấm cô chiêu (rich kids) kiểu Hồng Nhung, nấp dưới tiền và quyền, lọt được mọi thủ tục và luật lệ sau khi rời máy bay, đã gây ra tai hoạ. Một nửa số hành khách cùng khoang thương gia với Nhung có dấu hiệu lây nhiễm. Kẻ thứ 21 lại là một phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Tay này khi về thành phố đã "kịp" họp với 42 trưởng lão ở độ tuổi dễ xẩy ra rủi ro nhất.
Từ chuyện bệnh nhân số 21 trùm về "ní nuận" (tay Thuấn này không phát âm nổi chữ "lờ"), thần dân nước Việt biết thêm một số điều nghịch lý. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu nêu câu hỏi : Tại sao đoàn nước ta đi học tư bản để trình đại hội đảng kế hoạch xây dựng CNXH, mà không thấy đoàn các nước tư bản sang ta học hỏi để về xây dựng CNTB ở nước họ, trong khi ta vẫn khẳng định, CNXH ưu việt hơn ? Những người chuẩn bị văn kiện không đi chuyến công tác này thì có ảnh hưởng gì đến đại hội 13 không ? Trước đây, chưa biết tư bản là gì, thì đi cho biết. Nay mở cửa đã 30 năm, CNTB đã tràn ngập vào nước ta, lại vào thời đại Internet, ngồi ở nhà cũng thấy được từng m2 trên thế giới, cớ gì phải đến tận nơi ? Từ đó, Tiến sĩ Chu kết luận : "Công tác nước ngoài là một hình thức tham nhũng để hưởng thụ… rất nhiều người đã núp trong vỏ bọc công tác nước ngoài, dùng tiền ngân sách tiêu xài cho sự xa hoa thịnh vượng cá nhân".
Trở lại với các nạn nhân của Hồng Nhung và Quang Thuấn, 42 vị bô lão nói trên, nhờ cả "quan hệ" lẫn "tiền tệ" ban đầu chưa phải cách ly. Tin xấu là gia đình các vị ấy và cộng đồng có thể gặp rủi ro, nhưng tin tốt là (lạy Chúa), chúng ta "sẽ không bị" lý luận dẫn dắt một thời gian. Có blogger còn viết rằng, ổ virus lý luận ấy còn nguy hại hơn cả Covid-19. Nhưng nhờ phước ông bà để lại, chủ nghĩa cộng sản Việt Nam chỉ là phiên bản rởm của Tàu khựa. Nhờ thế, các loại "bò đỏ" (hay dòi bọ đỏ) ở đây chưa có dịp soán ngôi để bắt toàn dân tụng niệm đủ các loại "trước tác" Xít – Mao – Lê kiểu như bài viết từ hai giáo sư nọ trên một tạp chí của Trung cộng. Trong nước hiện nay, "đại diện" xã hội đen kiểu Năm Cam và "đại sứ" cộng sản đỏ kiểu Nguyễn Thanh Sơn (từ Nga về) được trích dẫn nhiều hơn cả Marx, bởi "ranh ngôn" khét tiếng : "Ở xứ này không phải cái gì cũng mua được bằng tiền, nhưng có thể mua được bằng rất nhiều tiền".
Nhân 8/3, nên nhắc lại để mọi người đừng quên quyền lực của phái yếu. Chỉ một "tiểu thư" Nguyễn Hồng Nhung cũng đủ để "hất" mọi nỗ lực của các cấp chính quyền, từ trung ương đến địa phương xuống sông xuống biển. Ở đây, vấn đề không phải là thiếu pháp luật mà là thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật. Và hậu quả nhãn tiền là lãnh đạo họp khẩn giữa nửa đêm như thời chiến. Một số nhà trong phố, một building khu cao tầng và hàng trăm người tiếp xúc gần/xa với cô gái đã bị cách ly. Cả thành phố sững sờ, hoang mang, rồi bật dậy rất nhanh từ bài học Vũ Hán. "Quân tử phòng thân…" nên nhà nhà, người người "thi đua" tích trữ lương thực từ đêm đến sáng. Các dãy thanh toán trong siêu thị xếp hàng rồng rắn. Giấy vệ sinh cùng mỳ sợi, các loại dầu ăn và xà bông… biến mất khỏi các kệ hàng. Các mệ sồn sồn bỏ khiêu vũ, ngồi nhà giã ruốc cho con cháu. Cả thành phố như chuẩn bị đi sơ tán giống thời chiến tranh phá hoại.
Hình minh họa. Người dân mua hàng ở một siêu thị tại Hà Nội giữa lúc có những lo ngại về dịch bệnh Covid - 19 hôm 7/3/2020 AFP
Thị trưởng Nguyễn Đức Chung như "gà mắc tóc", hai ngày rồi mà vẫn chưa xác định đủ danh tính 21 người cùng ngồi hạng thương gia. Chỉ cần cú nhấp chuột là có đủ tất cả thông số của 21vị ấy. Điều cắc cớ là ông thị trưởng chuyên thạo điều tra hình sự đã không dám công bố, vì bọn họ hầu hết đều là VIP. Có tiền, có quyền, hoặc có cả hai, khi tên tuổi họ xuất hiện, sẽ kéo theo danh tính của những người bị nghi là lây nhiễm tăng cấp số nhân. Như thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích chống dịch. Sắp công bố "hết dịch", nay lại "mắc dịch" thì thật đau đầu cho những kẻ nhiễm virus "bệnh thành tích". Trước đây, ai cầm đèn chạy trước ô tô, thông tin sớm chuyện dịch bệnh, nhà cai trị cho lên bờ xuống ruộng. Giờ thì sắp nói "đại dịch" rồi, thách ai định phạt, cứ cởi khẩu trang ra mà cãi. Dịch đã vươn tới tận trung ương, tới ông to bà nhớn, đâu phải chỉ "đặc sản" cho dân nghèo. Ít nhiều, đó chính là sự bình đẳng trước dịch.
Thật ra chính quyền dường như cũng đã thấy bất an trước nguy cơ Covid-19 trở lại. Một mặt do dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn trên thế giới, mặt khác chính những người trong bộ máy hiểu rõ, dịch bệnh trong nước không hẳn đã ổn, như các số liệu "trưng ra" để lấy thành tích. Hơn nữa, nhiều khác biệt và những đối chọi ngược nhau trong các phát ngôn của những người có trách nhiệm cho thấy, chính quyền nắm giữ nhiều thông tin đáng lo ngại hơn những gì người dân được biết. Dưới bề nổi của "tảng băng" thành tích, vẫn để lọt lưới hàng rào kiểm soát cửa khẩu sân bay, không yêu cầu dân mình từ nước ngoài về khai báo y tế, nhân viên cơ quan này không thực hiện đúng quy trình khi tiếp xúc với bệnh nhân. Ngay cả "tiểu thư" Nhung dù bị một bộ phận dân mạng đòi "cắt trọc bôi vôi", nhưng bộ phận khác tỏ thương hại, vì biết đâu, cô cũng chỉ là "con dê tế thần". Nhà nước đang "ngấp nghé" muốn tuyên "dịch bệnh trở lại".
Theo một thuyết âm mưu, cơn hoảng loạn "Covid-19 trở lại" có thể xuất phát từ một nguyên nhân còn "ẩn dấu". Chuẩn bị "nổ" về "hết dịch" thì nghe tin, sau WB (12 tỷ USD), đến lượt IMF vừa tung gói hỗ trợ 50 tỷ USD cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch. Việt Nam bị loại khỏi danh sách, vì chính phủ sắp tuyên bố hết dịch. "Máu tham hễ thấy hơi đồng là mê !" Quyền, tiền và bệnh thành tích móc ngoặc với nhau như thế thì liệu gỡ có phải chuyện dễ ? Nếu cần tranh biếm hoạ, có thể vẽ con virus đang bám đuổi một người chạy hụt hơi về phía trước để mô tả tâm trạng hoảng loạn hiện nay của cả người dân lẫn giới cầm quyền. "Cuộc săn đuổi của quyền, tiền và bệnh thành tích" sẽ được chú thích bên dưới bức tranh đắt giá, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giấc mơ "biến nguy thành cơ", khôi phục du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của Thủ tướng Phúc trước thời điểm quý một năm 2020 tan thành mây khói !
Trở lại bài viết của hai giáo sư Tàu nói về chủ nghĩa Mác sẽ đánh bại corona ! Số tượng Mác – Lê trên thế giới quả là không nhiều. Và mấy ai thấy tượng đài nào vướng Covid-19 chưa, kể cả khu tượng đài Lê Nin xây ước tính 12 tỷ ở Nghệ An ? Đọc tiêu đề bài viết của hai giáo sư Tàu cũng khiến thiên hạ cười rớt hàm. Ở ta, có thể đưa bài "Ngạo nghễ Việt Nam" làm đối ứng để xưng tụng. Cho dù vẫn biết rằng, "bài ca" chặn dịch của chính quyền nặng về phần "diễn" lập trường chính trị hơn là phản ánh kết quả thực chất. Thành tích là đỉnh cao có thể đo đếm. Quyền lực thì luôn có tính nhiệm kỳ. Tiền tài lại càng là trạng thái động. Ba thứ thoảng qua ấy thực ra không bền vững chút nào. Con virus corona có thể phá hủy chúng khá nhanh, đặc biệt tại những nơi mà ba thứ ấy quyện lại đậm đặc như ở ta. Nhìn sang Tàu, không thể không đặt câu hỏi : "Nhiệm vụ của những Virus Vũ Hán là gì trong tình thế chính trị toàn cầu hiện nay ?"
Lập Quyền Dân
Nguồn : RFA, 09/03/2020
Tìm hiểu thêm tại :
https://baotiengdan.com/2020/03/09/cong-tac-nuoc-ngoai-mot-hinh-thuc-tham-nhung-huong-thu/
https://tuoitre.vn/phung-gia-loc---cai-dem-hom-ay-dem-gi-114622.htm
https://trithucvn.net/trung-quoc/giao-su-trung-quoc-chu-nghia-mac-se-danh-bai-virus-corona.html
https://baotiengdan.com/2020/03/07/diem-tan-vo-tu-nhung-khac-biet/
https://www.youtube.com/watch?v=PBCQPb3PQdQ
*****************
Virus Corona–Việt Nam : Ca "số 21" có nguy cơ truyền bệnh nhiều nhất
Trọng Thành, RFI, 08/03/2020
Ca nhiễm virus corona thứ 17 cách nay một hôm gây chấn động Hà Nội. Hôm nay, 08/03/2020, chính quyền Việt Nam công bố thêm 10 ca nhiễm virus mới, trong đó đặc biệt gây lo ngại là "bệnh nhân thứ 21". Ca số 21 được đánh giá là có "nguy cơ lây nhiễm cao nhất", cao hơn nhiều so với bệnh nhân số 17. Bệnh nhân số 21 là một quan chức cấp cao.
Một đoạn phố Trúc Bạch, Hà Nội, nơi cư trú của ca nhiễm virus corona thứ 17, bị cách ly từ đêm 06/03/2020. Reuters/Kham
Báo chí chính thức cho biết bệnh nhân số 21, ông N.Q.T., 61 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Ông N.Q.T. đi cùng chuyến bay Việt Nam 0054, ngồi ghế 5A, ngay cạnh bệnh nhân N.H.N. Theo thông tin trên các mạng xã hội, và một số nguồn tin riêng xác nhận với chúng tôi, bệnh nhân thứ 21 là ông Nguyễn Quang Thuấn, nguyên chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội, phó chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương của Đảng và thành viên tổ tư vấn kinh tế của thủ tướng.
Khác hẳn với cô N.H.N, một doanh nhân cư trú tại phường Trúc Bạch, đã có triệu chứng ốm mệt ngay từ trước, nên gần như không đi ra ngoài, từ khi về nước (không kể đến khám tại bệnh viện Hồng Ngọc và một cửa hàng – theo thông tin chính thức), người nhiễm Covid-19 thứ 21 vẫn hoạt động bình thường. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ca mắc Covid-19 thứ 21 có thể sẽ là trường hợp "có nguy cơ lây nhiễm cao nhất vì người này đã tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi, trường hợp này là phức tạp và khó khăn nhất".
Gần 400 người thuộc diện "F2" riêng tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội
Theo chính quyền Hà Nội, kể từ ngày 02/03 đến ngày 06/03, tức trước khi nhập viện, bệnh nhân thứ 21 đã tiếp xúc với "tổng cộng 96 người". Trong thời gian 5 ngày nói trên, ông Thuấn đã tham gia một số cuộc họp tại Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội và Hội Đồng Lý Luận Trung Ương. Hiện tại, theo một số thông tin không chính thức, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội đã lập danh sách những người bị cách ly. Riêng số những người "gián tiếp tiếp xúc" với ông Thuấn, thông qua một người khác, đã lên đến gần 400 (hay "F2", theo thuật ngữ dịch tễ học thường được sử dụng tại Việt Nam). Những thành viên trong gia đình của gần 400 người F2 này đã bắt buộc phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày, theo quyết định "nâng cấp cách ly" của chính quyền Hà Nội.
Việc nhiều quan chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam, như bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng (được thông báo là xét nghiệm âm tính với Covid-19), và cựu chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Nguyễn Quang Thuấn, có mặt trong chuyến bay Việt Nam 0054, nơi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao, đặt ra nhiều câu hỏi về chính sách phòng chống dịch của chính phủ Việt Nam. Ông Lê Dũng, một nhà báo độc lập tại Hà Nội, nêu ra trách nhiệm của chính phủ trong việc để cho nhiều quan chức từ các nơi có nguy cơ nhiễm bệnh dịch trở về, di chuyển bình thường, mà không đặt dưới sự giám sát chặt về y tế.
"Lỗ hổng" trên thượng tầng bộ máy...
Đây là điều mà nhà báo Lê Dũng gọi là "lỗ hổng thứ hai", trong việc hệ thống phòng dịch, bên cạnh "lỗ hổng thứ nhất" là khâu khai báo y tế, kiểm dịch của hàng không quốc tế và Việt Nam :
"Khi đoàn của ông Dũng, và đoàn của bộ Kế Hoạch – Đầu Tư về các cơ quan bộ, thì chính phủ đã ban hành lệnh khẩn cấp về y tế, và đã có lệnh cấm visa từ Ý, từ Hàn Quốc, từ cuối tháng 2 (trên thực tế, Việt Nam ngừng cấp visa từ Hàn Quốc từ ngày 29/02, và yêu cầu khai báo y tế với khách từ Ý và Iran, hai tâm dịch khác, kể từ ngày 28/02), thế nhưng họ lại không nghĩ rằng cán bộ của họ…, chính phủ vẫn cử đoàn đi sang châu Âu, đi sang Anh... và lúc quay về lại không kiểm soát hành khách đi cùng. Khiến cho đoàn bộ Kế Hoạch Đầu Tư đi về lại họp với các cơ quan. Ông Dũng họp khắp nơi, ông Thuấn họp ban Lý Luận Trung Ương, rồi còn đi đâu nữa… Tôi nghĩ rằng, trong một vài ngày tới, cái đoàn của ông Dũng đó, và những hành khách trên chuyến bay Việt Nam 0054… sẽ còn đang rất căng thẳng… Trong vài ngày nữa, chúng ta sẽ thấy kết quả !" (phỏng vấn với nhà báo Lê Dũng được thực hiện ngay trước khi có thông tin về 9 ca nhiễm mới).
Hôm nay, thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tạm hoãn các chuyến công tác nước ngoài trong thời gian này để "tập trung chỉ đạo công tác phòng chống dịch". Tuy nhiên, trên thực tế, không loại trừ chính chuyến bay Việt Nam 0054 ngày 02/03, với sự xuất hiện của bệnh nhân thứ 21, đã là một bài học trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải đưa ra quyết định nói trên, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát ngay trên thượng tầng của bộ máy chính trị.
...và còn có một khoảng trống đáng sợ khác
Tuy nhiên, vấn đề lỗ hổng nói trên không chỉ liên quan đến bản thân thượng tầng của bộ máy chính quyền. Rất có thể là đã có một khoảng trống khác, lớn hơn rất nhiều. Một số nhà quan sát lật ngược lại vấn đề : nếu như không có bệnh nhân số 17 gây chấn động, và tiếp theo đó là bệnh nhân quan chức (số 21) gây bàng hoàng kia, thì liệu đã có việc chính quyền ráo riết tìm kiếm, để xác minh hơn 200 hành khách trên chuyến bay Việt Nam 0054 có mang virus hay không ? Và như vậy chắc chắn đã có ít nhất 9 du khách mang virus lặng lẽ rong ruổi khắp Việt Nam. Có bao nhiêu chuyến bay đã mang những vị khách hay người Việt mang virus corona như vậy, vào Việt Nam trong những tuần qua ? Câu hỏi tương tự cũng đặt ra với các tuyến đường trên bộ, nhất là từ biên giới phía bắc.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 08/03/2020