Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan ngày 09/3/2020 đến Bruxelles để thảo luận cùng các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu về vấn đề di dân đang gây ra những căng thẳng giữa Athens và Ankara từ hơn 10 ngày qua. Tổng thống Erdogan muốn tìm kiếm điều gì ở Liên Hiệp Châu Âu ? Liệu khối 27 nước thành viên này có thể làm được gì để đối phó trước những áp lực từ Ankara ?
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul hồi tháng 2/2020. Press Office/Handout via Reuters
Mọi việc bắt đầu từ ngày 27/02/2020, khi nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cho phép người tị nạn ùa về biên giới ở Hy Lạp, cửa ngõ vào Châu Âu. Cảnh tượng hàng chục ngàn người tìm cách vượt qua rào chắn ở cửa khẩu hay vượt sông bị cảnh sát Hy Lạp và lực lượng Frontex của Liên Hiệp Châu Âu thô bạo đẩy lùi, khiến nhiều tổ chức nhân đạo không khỏi lo lắng, lên tiếng chỉ trích là vô nhân đạo và bất hợp pháp.
Phía Liên Hiệp Châu Âu, các nước thành viên đồng loạt lên án quyết định trên của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động "bắt chẹt" không thể chấp nhận. Một ngày trước khi đến Bruxelles, tổng thống Erdogan còn có những lời lẽ thách thức Châu Âu khi tuyên bố "Hy Lạp, hãy mở hết các cánh cổng đi ! Những người này chỉ đi nhờ qua đây để đến các nước Châu Âu khác (…) Hãy trút bỏ gánh nặng này đi !". Một thông điệp không chỉ dành riêng cho lãnh đạo Hy Lạp mà cả toàn bộ khối Liên Hiệp Châu Âu.
Tuyên bố này của nguyên thủ Thổ chẳng khác gì như gióng chuông báo tử cho "thỏa thuận 2016" được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Theo đó, Ankara chấp nhận kềm giữ dòng người tị nạn chạy trốn chiến sự tại Syria, để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính 6 tỷ euro.
Giờ đây, ông Erdogan cho rằng khoản trợ giúp đó không đủ để lo cho gần 4 triệu di dân tạm trú trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara chỉ trích thái độ "phủi trách nhiệm" của Liên Hiệp Châu Âu kể từ khi thỏa thuận được ký kết.
Lời chỉ trích này còn nặng nề hơn bao giờ hết trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị "yếu thế" trước Syria và Nga tại Idleb. Lo ngại dòng người tị nạn đổ về biên giới, tổng thống Thổ đề nghị NATO và Liên Hiệp Châu Âu hỗ trợ quân sự, thiết lập vùng không phận an toàn nhưng không được đáp ứng. Bởi vì trong hồ sơ Syria, tiếng nói của Châu Âu hầu như không còn có trọng lượng. Và trong thế đường cùng này, Erdogan nghĩ rằng vấn đề di dân là một công cụ hiệu quả nhất để có thể tạo ra một phản ứng nhanh chóng từ phía Châu Âu.
Đây có lẽ là một trong những mục tiêu chính của chuyến đi Bruxelles lần này của ông Erdogan. Nguyên thủ Thổ đã nhiều lần nhắc lại "giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria là Châu Âu phải ủng hộ ông trong việc chống chế độ Bachar al-Assad".
Bên cạnh đó, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn cũng sẽ thương lượng lại thỏa thuận 2016, theo đó, chi phí kiểm soát di dân phải do chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ quản lý chứ không phải là do các tổ chức phi chính phủ. Ngoài vấn đề di dân, theo nhận định của thông tín viên đài RFI tại Istanbul, Anne Andlauer, "Liên minh thuế quan" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu và việc "mở lại các cuộc thương lượng về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập mái nhà chung Châu Âu" cũng nằm trong chương trình nghị sự lần này.
Câu hỏi đặt ra : Liên Hiệp Châu Âu có thể làm được gì trước các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ ? Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Didier Billion trên đài Franceinfo, Liên Hiệp Châu Âu không có nhiều phương tiện để gây áp lực với Ankara. Hình ảnh cảnh sát biên phòng Hy Lạp và lực lượng biên phòng Frontex tăng viện của Châu Âu thẳng tay trấn áp những người di dân nào tìm cách vượt rào đã cho thấy rõ một lần nữa Liên Hiệp Châu Âu đã thất bại trong việc tham vấn và thông qua một chính sách phân bổ người xin tị nạn.
Áp lực di dân lần này làm trỗi dậy nỗi ám ảnh của một cuộc khủng hoảng di dân cách nay 5 năm. Từng dòng người lũ lượt đổ về Châu Âu từ khắp mọi ngả, khiến Châu Âu rúng động và bị lúng túng. Những căng thẳng về bản sắc, các cuộc khủng bố đã làm dấy lên trào lưu chủ nghĩa dân túy trên khắp Châu lục.
Xã luận của Le Monde cảnh báo : Thiếu chiến lược chung thì "Không một chính sách đối ngoại, không có rào cản nào có thể đủ để khống chế dòng người tị nạn do các cuộc khủng hoảng từ Cận Đông và Châu Phi" đổ ùa về Châu Âu.
Dường như Châu Âu đang bị Thổ Nhĩ Kỳ dồn vào chân tường.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 09/03/2020