Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2020

Chung quanh vụ một phụ nữ thượng lưu đột ngột ngã bệnh…

Đồng Phụng Việt - Tuấn Khanh

"Vào cuộc" và… "toang" !

Đồng Phụng Việt, RFA, 08/03/2020

Cuối tuần vừa qua, "toang" (một kiểu tĩnh lược, gần đây được nhiều người Việt sử dụng để diễn đạt sự sụp đổ, tan hoang) tràn ngập trên mạng xã hội Việt ngữ.

ca1

Hình minh hoạ. Công an đeo khẩu trang đứng canh bên ngoài điểm kiểm soát khu vực cách ly ở Trúc Bạch, Hà Nội hôm 8/3/2020 - AFP

Trước "toang", hai chữ "vào cuộc" tràn ngập trên hệ thống truyền thông chính thức và mở đường cho hai chữ khác là "ngạo nghễ" xuất hiện, tạo ra một cuộc tranh cãi kịch liệt.

"Toang" rộ lên như nấm sau mưa khi tại Việt Nam có người thứ 17 nhiễm Covid-19 (dịch cúm Vũ Hán). Không phải tự nhiên mà người Việt dùng "toang" !

Trước đó không ít người từng "bán tin, bán nghi" khi "toàn bộ hệ thống chính trị" đã "vào cuộc", đã "chiến thắng trong chiến dịch mở màn" nhưng trong phòng - chống dịch cúm Vũ Hán, thỉnh thoảng lại xuất hiện một vài sự kiện không những khó hiểu mà còn khó tưởng tượng, kiểu như vừa tìm thấy bốn công dân Trung Quốc, tuy không có hộ chiếu, không khai báo nhập cảnh, vẫn có thể đi xuyên qua tất cả các hình thái kiểm soát cả về trật tự - trị an lẫn phòng – chống dịch bệnh để hiện diện tận… Thừa Thiên – Huế !

Khi Trung Quốc vẫn là ổ dịch lớn nhất, nguy hiểm nhất nhưng "toàn bộ hệ thống chính trị" không kiểm soát được những người thuộc nhóm có nguy cơ cao vì đến từ những khu vực mà dịch bệnh đang lây lan, để họ tự do xâm nhập, di chuyển thì "toang" là tất nhiên ! Bệnh nhân thứ 17 là điều tất yếu ! Chuyện chỉ trong hai ngày, tính từ khi phát giác người thứ 17 đã có thêm bốn người nữa dương tính với Covid-19 hoàn toàn hợp quy luật ! Làm gì có chuyện Covid-19 thoái bộ vì "toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc" !

Đừng nhìn bệnh nhân thứ 17 như tác nhân khiến phòng tuyến chống Covid-19 của Việt Nam "toang" sau khi vừa "chiến thắng trong chiến dịch mở màn". Yếu tố dẫn đến "toang" không phụ thuộc vào một cá nhân mà đã "ngạo nghễ" nằm ở chỗ kiểm soát nhập cảnh, cư trú không chặt chẽ từ lâu, cho nên mới để "sổng" những người đồng hành với du khách người Nhật bị nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN814 ngày 3/3 từ Siem Reap đến Tân Sơn Nhất.

May mắn là chưa có ai đồng hành với du khách Nhật vừa kể (bao gồm cả phi hành đoàn lẫn hành khác cả Việt Nam lẫn ngoại quốc) bị xác định là nhiễm Covid-19. Nếu không, phòng tuyến đã "toang" trước khi Việt Nam tổ chức đợt diễn tập quân sự đầu tiên và lớn nhất để biểu diễn quyết tâm và năng lực phòng chống dịch bệnh của "toàn bộ hệ thống chính trị", trước khi ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng, tuyên bố "chiến thắng trong chiến dịch mở màn" !

***

Thật ra "toang" không nằm ở chỗ xuất hiện thêm bệnh nhân thứ 17, 18, 19, 20, 21… và số liệu liên quan đến nhiễm Covid-19 ở Việt Nam có thể trở thành ba, bốn, thậm chí năm chữ số như thiên hạ. "Toang" nằm ở việc những người cư trú tại các khu vực được cho là có người nhiễm Covid-19 hối hả di tản để tránh tình trạng cô lập. "Toang" nằm ở chỗ người ta hối hả vét sạch những thứ nhu yếu phẩm mà họ cho là cần trữ để bảo đảm yếu tố sống còn của mình và thân nhân…

ca2

Hình minh hoạ. Một phụ nữ mua một loạt giấy vệ sinh vào khi có những lo ngại dịch bệnh Covid - 19 lây lan ở Hà Nội hôm 7/3/2020 AFP

"Toang" còn nằm ở chỗ tên tuổi, địa chỉ của các bệnh nhân, thân nhân của họ, thông tin, thậm chí ảnh chụp các báo cáo nội bộ tràn lan cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn mạng xã hội. Chưa thể kết luận đó có phải là một phương thức mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam lựa chọn để giải trừ trách nhiệm của mình hay không nhưng có thể dựa vào đó để khẳng định bản lĩnh, năng lực của những hệ thống này tại Việt Nam sẽ gia tăng hỗn loạn và bất ổn.

Tại sao thông tin về tình trạng sức khỏe của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam được xác định là "bí mật quốc gia" mà thông tin về tình trạng sức khỏe của công dân lại có thể thản nhiên đem ra phơi bày hết sức thoải mái như thế ? Tại sao các quốc gia khác xem tình trạng sức khỏe của mọi công dân là "quyền riêng tư", phải tôn trọng ở mức tuyệt đối, cho dù Covid-19 có những đặc điểm mà minh bạch hoạt động của các cá nhân bị lây nhiễm sẽ giúp phòng ngừa hữu hiệu hơn nhưng tiết lộ tới mức nào luôn luôn được thiên hạ cân nhắc cẩn thận, đặc biệt là những thông tin liên quan đến danh tính, nơi cư trú thì giới hữu trách ở Việt Nam lại không thèm bận tâm ?

Hậu quả do "toang" sẽ thảm khốc hơn khi phẩm giá của người nhiễm Covid-19 bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mang ra chà đạp trước như một cách "thị phạm" cho đám đông vốn đang bất an xúm vào vùi dập để giải tỏa các ẩn ức. Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam tổ chức kiểm soát nhập cảnh, cư trú có hiệu quả, chắc chắn sẽ không để "sổng" cá nhân nào thuộc diện cần cách ly và tất nhiên sẽ không có những vụ "luận tội tập thể" đối với những cá nhân "thiếu ý thức bảo vệ cộng đồng" ở Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), hay bệnh nhân thứ 17,… như đã thấy và sắp tới, sẽ có bao nhiêu người đủ dũng cảm, tự giác khai báo rằng chính họ có thể đang mang mầm bệnh ?

Với một hệ thống chính trị, hệ thống công quyền nhận thức và hành xử như thế, làm sao có thể giảm thiểu bất an, hỗn loạn nếu xảy ra tình trạng "toang" trên diện rộng ? Làm sao có thể bảo đảm những người bị nhiễm Covid-19 và những người chẳng may phải sống trong những khu vực bị cô lập được tôn trọng và được đối xử nhân đạo, được hỗ trợ đúng mức để có thể vượt qua nghịch cảnh một cách an toàn, không rơi vào thảm cảnh như những đồng loại ở Vũ Hán, Hồ Bắc ?

Đáng ngại hơn khi tập trung chú ý vào diễn biến của Covid-19, nhiều người không nhận ra hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đang chối bỏ nghĩa vụ bảo đảm "cơm no, áo ấm" cho đồng bào của mình. Ba tháng vừa qua, các viên chức hữu trách lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ đã đề ra được bao nhiêu giải pháp thật sự thiết thực để giữa bối cảnh phức tạp do Covid-19 tạo ra, công dân đã cũng như sẽ giữ được sản nghiệp, việc làm, thu nhập và không để kinh tế - xã hội "toang" ?

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 08/03/2020

******************

Điểm tan vỡ từ những khác biệt

Tuấn Khanh, RFA, 07/03/2020

Sự kiện một người phụ nữ thuộc giới thượng lưu của Việt Nam đột ngột ngã bệnh, dẫn đến sự hoang mang lan tràn trong dân chúng, cho thấy xuất hiện điểm tan vỡ của nhiều vấn đề tiềm ẩn, không chỉ là từ dịch bệnh, mà còn cả những điều âm ỉ trong lòng cuộc sống lâu nay.

ca3

Ngay trong đêm, khi người dân Hà Nội xao xuyến hỏi nhau về tin tức, đang lan đi đến mức chóng mặt, thì cũng lúc đó, các siêu thị, hàng buôn cũng bắt đầu đón làn sóng khách hàng mua đồ tích trữ, thậm chí tệ hơn, có cả những cả những gia đình chất đồ lên xe riêng, tháo chạy ra khỏi thành phố với dự đoán sẽ có những vùng cách ly mới hình thành.

Và cũng trong thời khắc ấy, các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã nhóm họp khẩn cấp vào lúc 10g tối, chuyện thật hiếm hoi từ hàng chục năm nay. Sáng hôm sau, lại họp. Việc hối hả ấy bộc lộ thấy rõ, phía chính quyền dường như đã có nhiều thông tin hay kịch bản nguy nan hơn những gì dân chúng biết. Ấy vậy mà, mới tuần trước, phó thủ tướng Vũ Đức Đam còn mạnh dạn tuyên bố không có ai nhiễm nữa, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới đã ngăn chận được nạn dịch.

Dĩ nhiên, bất kỳ ai tỉnh táo, cũng sẽ nhìn thấy tuyên bố lạc quan như ông phó thủ tướng Đam, hay nói quấy quá như ông thủ tướng Phúc về việc nguồn yểm trợ 50 tỷ USD cho các nước khó khăn chống dịch nhưng không có tên Việt Nam, là Việt Nam đã thành công chặn dịch trước thế giới, là những chủ trương và thái độ chính trị nhiều hơn là nhằm thành quả bảo vệ người dân. Ngay cả một quốc gia đóng kín cửa với thế giới như Bắc Hàn, hay tuyên bố thẳng thừng là bắn bỏ bất cứ người Trung Quốc nào xâm nhập bất hợp pháp vào Nga lúc này – không ai có đủ can đảm tuyên bố như vậy.

Dĩ nhiên, đủ hiểu biết, và đủ lo ngại cho xã hội, họ mới không thể mạnh miệng.

Đã có lời bàn, bối cảnh xã hội Việt Nam trước đại hội 13, thời điểm mà giới lãnh đạo cấp cao, ai cũng muốn chứng minh mình là người tốt nhất cho vị trí, luôn dẫn đến sự bất nhất tuyên bố và gây hỗn loạn trong suy nghĩ của người dân.

Cũng cần nhắc lại. Tháng 1/2020, khi thủ tướng Phúc khẩn cấp tuyên bố có thể sẽ áp dụng phương thức toàn dân đeo khẩu trang. Chỉ một tuần sau đó - hàng loạt các ngôn luận, mà cao nhất là từ Bộ Y tế, đã phản bác chuyện đeo khẩu trang. Thậm chí vào ngày 3-2, báo Thanh Niên còn có một bài như tạt nước "Đừng lầm tưởng đeo khẩu trang là phòng được virus corona".

Ngày 24/2, thủ thướng Phúc tuyên bố rằng chưa thể chốt việc cho học sinh- sinh viên đi học lại vào tháng Ba, vì lo lắng thời điểm đỉnh dịch bùng phát. Nhưng chỉ hai ngày sau đó, xuất hiện lời tuyên bố của phó thủ tướng Đam rằng có thể Việt Nam sẽ tuyên bố là nước không có dịch, nếu trong 7 ngày không còn ai nhiễm nữa.

Rõ ràng, mọi thứ đối chọi nhau chan chát, giữa lúc hàng chục triệu người Việt ngay ngáy dõi theo truyền thông "chính thống" để lựa chọn cách bảo vệ mình. Những khác biệt trong phát ngôn đó, cũng cho thấy, chính quyền đang nắm nhiều thông tin đáng lo hơn những gì người dân quyết, nhưng cũng từ đó suy đoán các tranh cãi mang tính chủ trương ổn định và chính trị đã luôn gay gắt với ý kiến khoa học và thực tế trong nội bộ của giới lãnh đạo cấp cao. Dĩ nhiên, điều nhìn thấy là các suy đoán lạc quan cố hữu cùng sự cấp bách của kinh tế, thường giành vị trí ưu tiên của các quyết sách.

Nhưng chuyện người phụ nữ từ Ý về, được ưu tiên không qua kiểm dịch, để rồi trở thành điểm tan vỡ của không gian mơ hồ của tin tức về dịch bệnh ở Việt Nam, cũng cho thấy các giai tầng của xã hội Việt Nam đã hình thành ổn định, theo một đường lối phản bội lại chủ thuyết của một quốc gia vốn có tuyên ngôn đấu tranh giai cấp.

Đây không phải là lần đầu tiên, và duy nhất, đã diễn ra những điều ưu tiên bất cần luật pháp và giá trị tôn nghiêm của một quốc gia – nếu như được gọi là một quốc gia.

Tháng 9/2019, câu chuyện 9 người nào đó – rất đặc biệt – đi chuyên cơ cùng bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội dã trốn ở lại Hàn Quốc, nhưng có lẽ mãi mãi người dân không bao giờ biết tên. Thô bỉ hơn, Tổng thư ký Quốc hội là ông Nguyễn Hạnh Phúc còn khẳng định là không thể tiết lộ thân phận của những người đó. Cả hệ thống Viện Kiểm sát, đại biểu quốc hội, báo chí "chính thống"… đều tê liệt. Sự nắm tay nhau im lặng trong cả nước, cho thấy xã hội Việt Nam đang có một giai cấp đỏ hàng ưu tiên tuyệt đối, được bảo vệ, được đứng trên luật pháp và đứng trên cả danh dự của một dân tộc.

Người phụ nữ về từ Ý, không phải là thủ phạm tội ác. Có thể chính cô ta cũng không biết mình đã nhiễm bệnh. Nhưng quyền lực ngầm ấy đã thành lệ, ban phát im lặng cho giai cấp đỏ ưu tiên ấy, cũng tiếp sức giúp cô ấy mang mầm bệnh vào cộng đồng. Đừng nguyền rủa người phụ nữ đang đau yếu, mà hãy tự hỏi vì sao cô ấy có thể ung dung đi qua mọi thứ từ máy bay đáp xuống Việt Nam chỉ bằng nụ cười và sự dễ dãi của cả hệ thống chính trị. Hãy tìm trên các trang mạng, nụ cười trên gương mặt của hơn 10.000 dân ở Vĩnh Phúc sau khi hết bị cách ly 20 ngày, bạn sẽ thấy đó là những nụ cười khác.

Ai đã tạo ra những sự khác biệt. Và ai phải chịu đựng những sự khác biệt trong xã hội Việt Nam ?

Điểm tan vỡ, có thể chỉ là khởi đầu. Những mạch máu trong xã hội Việt Nam vẫn chảy, vẫn căng phồng cùng những áp lực chịu đựng của các bất cập, chờ đến ngày bùng phát, tan vỡ, mà câu chuyện diễn ra trong một ngày 6/3/2020 ở Việt Nam, đang giới thiệu cho việc phải nhìn lại mọi thứ, để thay đổi, trước khi quá muộn.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 07/03/2020 (tuankhanh's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đồng Phụng Việt, Tuấn Khanh
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)