Ngày 11 tháng tư, tàu hộ tống của lực lượng phòng vệ Nhật Bản Fuyuzuki trang bị rất hiện đại thăm cảng Cam Ranh của Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 15 tháng tư.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (trái) và người đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe dự cuộc họp báo chung tại văn phòng Thủ tướng ở Tokyo vào ngày 28 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Những chuyến viếng thăm của tàu chiến Nhật đến Việt Nam ngày càng thường xuyên hơn, bên cạnh đó là sự hợp tác kinh tế diễn ra song song với những cuộc thăm viếng chính thức của nguyên thủ quốc gia hai nước.
Vào năm 2015, trong chuyến thăm Tokyo của tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, Nhật Bản thỏa thuận viện trợ cho Việt Nam một khoản tiền trị giá 200 triệu Yen để mua sắm các tàu tuần tra của Nhật Bản.
Cuối tháng hai, đầu tháng ba năm 2017 Nhật hoàng Akihito cùng hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam.
Cùng một mối đe dọa
Giải thích sự xích lại gần nhau giữa Nhật và Việt Nam, nhiều nhà quan sát cho rằng hai quốc gia có cùng mối đe dọa là sự lớn mạnh và tham vọng lãnh hải của Trung Quốc, do đó trở thành hai đồng minh tự nhiên của nhau.
Về phía Nhật Bản, Tokyo vẫn chưa giải quyết được tranh chấp quần đảo Senkaku tại vùng biển Hoa Đông với phía Trung Quốc, trong khi đó nếu Trung Quốc thành công trong việc kiểm soát biển Đông, thì theo như lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore thì giống như Trung Quốc sẽ chặn được yết hầu của Nhật Bản, vì giao thương của Nhật Bản có một phần rất quan trọng đi ngang qua biển Đông.
Về phía Việt Nam, quốc gia có bờ biển rất dài trên biển Đông, đứng trước một cường quốc hải quân đang lên như Trung Quốc với nhiều tham vọng lãnh hải mà trong đó là muốn độc chiếm 90% diện tích biển Đông với đường ranh giới hình chữ U mà họ đơn phương vạch ra, Việt Nam khó lòng đối chọi lại vì chỉ có một lực lượng hải quân chưa phát triển.
Vì vậy, theo thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu về biển Đông sống ở Sài Gòn, thì Việt Nam cần tìm kiếm liên minh với các cường quốc hải quân, và một trong các nước đó là Nhật Bản :
"Nhật Bản cũng là một quốc gia mạnh về hải quân, mới diễn giải lại hiến pháp tức là được trang bị cho lực lượng phòng vệ Nhật Bản một cách chính thức, và vai trò của Nhật Bản cũng đang gia tăng gần đây".
Việc diễn giải lại hiến pháp mà thạc sĩ Hoàng Việt đề cập được quốc hội Nhật Bản thông qua vào năm 2015, theo đó lực lượng phòng vệ của Nhật được phép tham chiến trong các cuộc phòng vệ tập thể ở nước ngoài, một thay đổi lớn trong vai trò quân sự của Nhật Bản sau khi bại trận trong thế chiến thứ hai, quân đội Nhật bị cấm triển khai ở nước ngoài.
2222222222222222
Tàu chiến Nhật trong lần thăm cảng Cam Ranh hôm 12/4/2016. AFP photo
Từ việc diễn giải lại hiến pháp như vậy, Nhật Bản phát triển một chiến lược rộng lớn hơn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, và trong chiến lược đó Nhật Bản xem trọng vai trò của Việt Nam. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, trong một cuộc trao đổi với chúng tôi có nhận xét :
"Theo tôi thì người Nhật có một chiến lược gọi là hợp tung liên hoành như thời xưa vậy. Chiều dọc họ có quan hệ với Úc và Philippines, còn trục hoành thì Nhật rất coi trọng hợp tác với Ấn độ và các nước tiểu vùng Mekong trong đó có Việt nam".
Việc triển khai các tàu quân sự hiện đại của Nhật đến vùng biển phía nam ngày càng đều đặn hơn, trong đó có chuyến thăm Cam Ranh của tàu Fuyuzuki, và tháng bảy tới đây tàu chở trực thăng Izumo sẽ lên đường đi xuyên qua biển Đông để tham gia cuộc tập trận với Ấn Độ và Hoa Kỳ tại Ấn Độ Dương.
Hợp tác kinh tế
Trên bình diện Kinh tế, Việt nam và Nhật Bản cũng có nhiều sự hợp tác. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế sống ở Hà Nội nhận xét với chúng tôi vào tháng hai năm 2017, nhân chuyến viếng thăm của Nhật hoàng Akihito đến Việt Nam :
"Nhật Bản và Việt Nam là hai nền kinh tế bổ sung cho nhau, ít có những lãnh vực nào cạnh tranh với nhau. Hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản triển khai rất nhiều sự hợp tác, và tôi thấy rằng triển vọng hợp tác Việt Nam Nhật Bản hiện còn rất lớn. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc và Singapore. Trong tương lai tôi nghĩ sự đầu tư của Nhật Bản còn tăng lên nữa".
Ông Lê Đăng Doanh nói rõ là Việt nam và Nhật bản đang và sẽ có nhiều sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ để cung cấp sản phẩm cho thị trường Nhật mà còn đế xuất khẩu sang các nước thứ ba. Ông Doanh cũng nói là lĩnh vực điện tử cũng sẽ là nơi Việt Nam và Nhật Bản sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ. Và một điều khá đặc biệt là với một dân số đang già đi, Nhật Bản cần các dịch vụ chăm sóc người già từ Việt Nam, và theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hiện Nhật Bản đã chấp nhận những điều dưỡng viên người Việt làm việc tại Nhật Bản.
Tương lai quan hệ Việt Nhật
Nói về quan hệ hợp tác quân sự Việt- Nhật, sau khi Nhật Bản điều chỉnh hiến pháp vào năm 2015, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng mặc dù Nhật Bản rất coi trọng Việt Nam trong bàn cờ chiến lược của họ, nhưng để tránh đối đầu với Trung Quốc, những quan hệ Việt Nhật sẽ diễn ra một cách từ từ.
Nhưng khi nước Mỹ có thay đổi chính phủ vào năm 2017, chính phủ mới làm cho nhiều người nghĩ rằng Mỹ sẽ có những thay đổi chính sách tại châu Á, như ông Renato De Castro, một chuyên gia người Philippines nhận định, là sẽ coi trọng quan hệ với các đồng minh truyền thống trong hướng là các đồng minh đó gia tăng vai trò trong liên minh quân sự với Mỹ.
Trong góc nhìn đó, vai trò của Nhật Bản sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, và điều đó có thể kéo theo quan hệ Việt Nam và Nhật Bản.
Kính Hòa, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 11/04/2017