Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/03/2020

Hố sâu ngăn cách người Việt còn ở trong nước và ở ngoài nước trở về

Nhiều tác giả

"Em đã làm gì cho tquốc hay chưa ?" - Một vài ngộ nhận

Boristo Nguyen, Viet-studies, 21/03/2020

Covid-19 là một đại dịch, có diễn biến vô cùng phức tạp và chưa biết rồi sẽ như thế nào. Đó là một đại họa và là điều chẳng ai muốn.

em1

"Việt kiều đổ bộ về nước trốn dịch" rồi rộ lên clip một phụ nữ từ Châu Âu về tránh dịch to tiếng, làm loạn ở sân bay Nội Bài.

Mấy ngày nay báo chí liên tục đưa tin về việc "Việt kiều đổ bộ về nước trốn dịch" rồi rộ lên clip một phụ nữ từ Châu Âu về tránh dịch to tiếng, làm loạn ở sân bay Nội Bài. Tiếp theo là bài thơ "Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ?" (cf. xem bài kế tiếp) của cô giáo Lê Thị Thúy được truyền thông trong nước đăng tải, mạng xã hội tung hứng.

Trước khi có đôi lời về bài thơ tôi cũng xin nói luôn quan điểm của mình.

- Với những vụ việc khác không biết nhưng trong vụ Covid-19 nhà nước Việt Nam đã nỗ lực hết mình và đã có những thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Đại dịch có thể còn kéo dài với những diễn biến khó lường, kết quả cuối cùng ra sao khó đoán nhưng những gì nhà nước đã làm được xứng đáng được ghi nhận.

- Tôi không đồng tình với cách hành xử thiếu suy nghĩ và không văn hóa của người phụ nữ trong clip.

Nữ Việt Kiều vừa về nước đã buông lời khó nghe về Việt Nam

Quay lại bài thơ "Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ?" của cô giáo Lê Thị Thúy. Bài thơ đọc khá mùi mẫn, bắt được trend và được nhiều người tung hứng ca ngợi. Cảm xúc của tác giả có thể là chân thành, cũng có thể trong một phút ngẫu hứng thiếu thận trọng hay vì mục đích câu likes, tôi không biết nên không phát biểu. Tuy nhiên tôi thấy cần nói lại về một vài ngộ nhận trong bài :

Ngộ nhận thứ nhất – ngộ nhận chung :

Cùng với "định hướng" của truyền thông trong nước, bài thơ đã làm dấy lên cái không khí kì thị, tạo ra cái cách nghĩ rất không đúng về Việt kiều, coi họ là cái đám người vô ơn bội nghĩa. Lúc bình thường thì chê đất nước, cha mẹ nghèo, bỏ đi đến những "chân trời hoa lệ" đến lúc có chuyện mới quay về, cha mẹ đã giang tay ra đón lại còn lên giọng đòi hỏi này nọ. Cách nghĩ, cách hiểu này có thể thấy qua khá nhiều bình luận, comments trên mạng xã hội.

Cảm xúc chủ đạo này của bài thơ rất không hay và quan trọng hơn là không đúng ! Hành xử không phù hợp của người phụ nữ, hay thậm chí một nhóm người nào đó không thể là đại diện cho toàn bộ Việt kiều, những người Việt đang sống xa tổ quốc.

Về hình thức, tuy tác giả bài thơ chỉ dùng đại từ "Em" nhưng với ngôn từ của thơ ca, với bối cảnh đại dịch đang hoành hành, ngữ nghĩa của đại từ không còn bó hẹp về một con người cụ thể mà đã thành biểu trưng cho Việt kiều nói chung.

Ngộ nhận thứ 2 : 

Sang Châu Âu nghiễm nhiên sẽ có cuộc sống sang giàu. "Châu Âu bao la cuộc sống sang giàu hiện đại" không có nghĩa là người Việt sang đấy ai cũng sẽ được như vậy. Người Việt bên trời Âu cũng đủ loại, cũng có một số thành công, khá giả nhưng số người phải bươn trải, lam lũ, cảnh đời "chị Dậu" cũng không thiếu. Sống đất khách quê người, tự thân vận động, không ai giúp đỡ, không ai bảo vệ thì để có được một cuộc sống sang giàu chắc cũng không phải dễ dàng. Tỉ lệ thành công không lớn. Nhiều người tan gia bại sản, nợ chất chồng, kiếm được đồng tiền phải đổ mồ hôi, đôi khi phải trả giá bằng cả máu. Có khá nhiều bài viết về những cảnh đời trớ trêu của người Việt ở nước ngoài.

So sánh sẽ là khập khiễng, ở đâu cũng có người giàu, kẻ nghèo nhưng nhiều người sống ở nước ngoài về thăm nhà đều có nhận xét chung là Việt Nam giờ có rất nhiều người giàu, mang tiếng đi Tây mà không bằng một phần người ở nhà.

Ngộ nhận thứ 3 :

Người Việt cứ ra nước ngoài là sẽ "Em tự hào, em được học rộng hiểu cao". Không tính du học sinh (sau một vài năm học đa phần quay về nước) một tỉ lệ rất lớn người Việt ở nước ngoài sống bằng nghề tiểu thương, làm việc chân tay, cửu vạn, osin… lấy đâu ra mà học rộng, hiểu cao ?

Ngộ nhận thứ 4 :

Có phải vì được sang Châu Âu sang giàu hiện đại mà "Chê đất nước mình nghèo dân trí thấp, em ơi ?", hay "Nói về Việt Nam, em thẹn thùng e ngại". Người phụ nữ trong clip có những phát ngôn, hành xử phản cảm nhưng nguyên nhân nằm ở chỗ khác – văn hóa thấp, chợ búa. Người Việt ở nước ngoài là một xã hội Việt Nam thu nhỏ, có đủ hết mọi tầng lớp. Trí thức có học cũng có nhưng chợ búa cũng nhiều, lưu manh đĩ điếm cũng không thiếu. Những hành động vô văn hóa ở trong nước xảy ra như cơm bữa thì trong cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài những hiện tượng này tại sao lại không có ?

Xem clip, tôi nghĩ cách hành xử người phụ nữ nguyên nhân là bởi trình độ văn hóa chứ không phải vì sang "thế giới văn minh" rồi hợm mình chê đất nước. Càng không đúng khi khái quát hóa lên cho tập hợp người Việt sống ở nước ngoài.

Ngộ nhận thứ 5 :

Có phải người Việt ra đi vì "Chê đất nước mình nghèo…" ? Số phận, hoàn cảnh mỗi người một khác, chuyện ra đi sang đất nước người cũng rất khác nhau. Đúng là vì hoàn cảnh nghèo khó mà một số rất đông đã phải vay nợ, bỏ nhà bỏ cửa, xa lìa người thân để ra nước ngoài với hi vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Với rất nhiều người, cái tương lai đang chờ đón là mờ mịt, đầy bất an nhưng vì muốn thoát khỏi đói nghèo mà họ chấp nhận đánh bạc với đời. 39 người chết trong xe đông lạnh, những vụ chết cháy trong các xưởng may ở Nga, những cô gái trẻ làm vợ cho những ông già Đài Loan hay những cô gái bán thân nơi xứ người… là những ví dụ buồn minh chứng.

Nhiều người ra đi vì đói nghèo nhưng chắc chắn với hầu hết mọi người quê hương đất nước là nỗi nhớ, là chỗ dựa tinh thần của họ. Cũng là cùng bất đắc dĩ chứ chắc chắn không có chuyện vì chê đất nước nghèo !

Ngộ nhận thứ 6 : "Em đã làm được gì cho Tổ quốc hay chưa ?" được lấy làm tiêu đề rồi lặp lại 2 lần trong bài thơ. Câu này và cả bài thơ đã đưa ra cái thông điệp : Việt kiều đã làm được gì cho đất nước mà có quyền đòi hỏi ?

Có rất nhiều phát biểu tạo nên cảm nghĩ là chỉ những người ở nhà mới đóng góp cho Tổ quốc còn Việt kiều thì không. Tổ quốc là của chung, chẳng phụ thuộc anh sống ở đâu, trong nước hay ngoài nước. Người sống trong nước đóng góp kiểu trong nước, đóng thuế cho nhà nước. Người sống ở nước ngoài cũng đóng góp theo cách của họ. Họ vất vả làm ăn, com cóp gửi tiền về giúp đỡ gia đình, đầu tư về nước... Dòng ngoại hối (1) mỗi năm vẫn đổ về mười mấy tỉ USD chẳng là đóng góp cho đất nước đó sao ? Cũng là mồ hôi nước mắt cả đấy, thưa cô giáo !

Câu hỏi "Em đã làm được gì cho Tổ quốc hay chưa ?" có lẽ là câu hỏi rất hay nếu mỗi người con đất Việt tự đặt cho mình chứ không phải dùng nó để tạo nên những hình ảnh không đúng về người Việt sống ở nước ngoài. Và ai là người có tư cách, có quyền thay mặt Tổ quốc để hỏi người khác ? Cô giáo với tư cách gì để đặt câu hỏi đó ?

Tôi đã nói xong về những ngộ nhận trong bài thơ của cô giáo Lê Thị Thúy. Bây giờ xin có đôi lời về việc :

"Việt kiều đổ bộ về nước trốn dịch"

Một mặt, như đã nói ở trên, Việt Nam đã có những thành công nhất định, tuy mới chỉ là tạm thời. Đó là điều đáng mừng. Mặt khác, tâm lí con người khi gặp hoạn nạn thường có tâm lí chạy nạn, nhất là chạy về nhà, sướng khổ có nhau. Nếu có chuyện Việt kiều lũ lượt kéo nhau về thì cũng là bình thường, cũng là đồng bào ruột thịt của mình, đừng vội vã có tâm lí hay cách nghĩ phân biệt không đúng.

Cũng cần làm rõ 2 vấn đề :

1. Những người nhập cảnh Việt Nam những ngày qua đa phần có phải là Việt kiều hay không ?

Việt kiều là khái niệm tương đối mờ nhưng phải hiểu là những người định cư lâu dài và ổn định, có quốc tịch nước ngoài hay giấy phép định cư lâu dài. Tôi có khá nhiều người quen thuộc diện này, sống ở các nước khác nhau nhưng chưa thấy ai "đổ bộ về Việt Nam trốn dịch".

Tôi nghĩ, số Việt kiều về trốn dịch nếu có thì cũng chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ. Đơn giản vì họ đều có bảo hiểm y tế và thành công bước đầu của Việt Nam chưa đủ thay đổi niềm tin về sự ưu việt của y tế Việt Nam so với các nước tiền tiến Châu Âu, khi mà trong nhiều năm đã bộc lộ rất nhiều bất cập. Những người nhập cảnh Việt Nam trong những ngày qua chắc đa phần là du học sinh, người xuất khẩu lao động, người sang làm ăn tạm thời chưa có giấy tờ cư trú ổn định… Họ là người Việt Nam thì khi gặp khó khăn họ trở về nhà là chuyện bình thường và nhà nước có tránh nhiệm đón họ.

2. Không biết những ngày qua có bao nhiêu người Việt quay về, nhiều chắc cũng vài nghìn.

Cứ cho toàn bộ họ là Việt kiều thì trên tổng số 4-5 triệu Việt kiều cũng chỉ là một tỉ lệ vô cùng nhỏ. Cách truyền thông tạo nên cảm nghĩ về việc Việt kiều đổ xô kéo nhau về nước trốn dịch vừa bậy bạ, vừa không đúng.

Nhìn ảnh những người bộ đội, công an nhường lán trại để làm khu cách li, sống trong rừng rất vất vả tôi cũng thấy thương và trân quí sự hi sinh của họ. Tôi cũng hiểu nước mình còn nghèo, nhà nước và người dân đã phải gồng mình lên để chống đỡ đại dịch. Thiếu thốn rất nhiều, khó khăn còn lắm.

Nhưng tự dưng tôi lại có cảm nghĩ, giá mà nhiều vị công bộc của dân cùng tham gia đóng góp, thay vì sống trong rừng, ngủ bờ ngủ bụi những người lính có thể sống tạm trong các khu biệt phủ rộng lớn của họ (nghe nói có nhiều vô kể) thì sẽ tốt biết bao.

Moscow, 21/03/2020

Boristo Nguyen

Nguồn : Viet-studies, 21/03/2020

1. Theo Forbes Việt Nam, ngày 17/12/2019, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2019 là 16,7 tỉ USD.

*********************

Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ? - Bài thơ yêu nước dậy sóng cộng đồng mạng Việt Nam !

Lê Thị Thúy, Kinhtedothi, 19/03/2020

Mấy ngày qua cộng đồng mạng xã hội "dậy sóng" vì bài thơ "Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ?" của cô giáo Lê Thị Thúy - Trường Trung học phổ thông Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

em2

Đại diện sân bay Nội Bài xác nhận, sự việc to tiếng trên diễn ra hôm 15/3, nguyên nhân là nhóm khách bức xúc do phải chờ đợi quá lâu khi làm thủ tục nhập cảnh và thực hiện cách ly y tế.

Xin trân trọng giới thiệu bài thơ "Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ?" tới độc giả :

Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ?

Em đã làm gì cho Tổ quốc hay chưa ?

Mà đòi hỏi Tổ quốc cho mình nhiều đến thế

Khi bình yên em tìm đến phương trời hoa lệ

Chê đất nước mình nghèo dân trí thấp, em ơi ?

Khi bình yên em tìm đến phương trời

Châu Âu bao la cuộc sống sang giàu hiện đại

Nói về Việt Nam, em thẹn thùng e ngại

Em tự hào, em được học rộng hiểu cao...

Bệnh dịch trời Âu đất nước họ lao đao

Em vội vã quay về nơi quê nhà trốn dịch

Tổ quốc dang tay đón, em không cảm kích ?!

Em lại yêu đòi Tổ quốc phục vụ cho em ?!

Tổ quốc yêu thương, Việt Nam, tiếng gọi tên

Là hơn chín mươi triệu dân, là đồng bào em đó

Khi hoạn nạn Tổ quốc sẵn sàng che chở

Như mẹ hiền luôn dang rộng vòng tay.

Học rộng, biết nhiều em ơi vậy có hay ?!

Bao chiến sĩ ta phải dầm dề nơi lán trại

Đảng, Chính phủ đêm ngày không e ngại

Tìm cách để dân mình được sống bình yên.

Em biết không Việt Nam khắp mọi miền

Bao nông sản mấy tháng rồi rớt giá

Tổ quốc chấp nhận gồng mình chống giặc lạ

Bởi thiêng liêng hai tiếng gọi đồng bào.

Giữa bão giông vẫn ngạo nghễ vút cao

Phi cơ đón đồng bào giữa vùng tâm dịch

Em trở về cớ sao còn hách dịch

Em đã làm được gì cho Tổ quốc hay chưa ?

Tổ quốc tôi vẫn tần tảo sớm trưa

Mẹ dãi nắng cha dầm mưa hôm sớm

Ôi yêu lắm trái tim Việt Nam to lớn

Mãi mênh mang nhân hậu lại quật cường.

Lê Thị Thúy

Cô giáo Trường Trung học phổ thông Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng

Nguồn : Kinh tế đô thị, 19/03/2020

*****************

Nghĩa đồng bào và bài viết cay độc

Diễm Thi, VNTB, 21/03/2020

Người Việt là giống nòi kỳ lạ, có thể chà đạp lên nhau mà sống vào thời bình nhưng khi nguy biến lại đoàn kết một lòng.

gui1

Người phụ nữ gây náo loạn sân bay đòi đưa được cách ly sớm hoặc cho về nhà tự cách ly.

Nghĩa đồng bào là cái nặng nợ, tình ơn giữa những người cùng giống nòi, quốc tịch. Khái quát giống nòi không gì hay hơn bằng câu ca dao : bầu ơi thương lấy bí cùng/ tuy rằng khác giống nhưng chung một giàng.

Trong đại dịch Vũ Hán vừa qua, điều có thể nhận thấy rõ nhất là tình đoàn kết sẻ chia. Nhưng đâu đó vẫn nổi lên những câu chuyện phiền muộn.

Nhân làn sóng Kiều bào, mà đa số là người dân lao động và du học sinh trở về nước, vì một số trường hợp thiếu bình tĩnh và tỏ rõ trí khôn quá đáng. Không ít người, tờ báo đã lên tiếng chỉ trích Kiều bào, coi họ là những người khi bình yên thì ở trời Tây sung sướng, khi tai biến thì trở về làm nặng quê hương.

Hãy xem một bài viết được đăng tải trên VTCnews nói gì (*).

Bài viết tựa đề ‘Gửi những người Việt ‘thượng đẳng’ từ ngoại quốc hạch sách ở sân bay’ phát hành vào ngày 18/03/2020.

Nội dung gọi thẳng những người gây náo loạn sân bay là ‘con hư’.

"Ấy vậy mà có những đứa con vô ơn, hoang tưởng về sự thượng đẳng khi trở về từ các nước phát triển và rồi chỉ biết hạch sách, đòi hỏi."

Bằng cách gọi những Kiều bào là ‘đứa con hư’, ‘hoang tưởng’, ‘chỉ biết hạch sách’. Thậm chí còn đặt vấn đề về sưh đóng góp của kiều bào.

"Họ đã đóng góp gì cho đất nước, nhưng đặt chân về Tổ quốc lại đòi hỏi được tiếp đón, phục vụ chu đáo như thượng đế trong khi cả đất nước này đang phải căng mình chống chọi dịch bệnh để tạo môi trường an toàn cho chính họ và gia đình họ."

Bài viết còn đòi gửi những đứa ‘con hư’ về lại trời Tây bằng giọng văn châm biếm, cay độc.

Thậm chí được dịp ‘lên lớp’ thiển cận về nền y tế phương Tây.

"Nếu được cung phụng, khám chữa y tế và cách ly an toàn tốt đến thế sao các ông bà không ở lại đó mà đòi hỏi còn về nước làm gì ?"

Chỉ một điều duy nhất mà giọng văn cay nghiệt nói đúng là kiều bào ta ở nước ngoài đã ‘nai lưng kiếm sống’.

Kiều bào ta là người lao động, và mỗi năm Chính phủ vinh danh khi nguồn kiều hối về đạt hàng tỷ USD, đóng góp cho cả dự trữ ngoại hối lẫn kích thích tiêu dùng trong nước. Đó chính là cách mà kiều bào trả lời cho câu hỏi, đã đóng góp gì cho đất nước chưa.

Những kiều bào chưa ngoan hay chưa ý thức chỉ là một bộ phận nhỏ. Để giáo dục những kiều bào chưa ngoan này, nên là những câu từ đậm nét đồng bào và lòng bao dung của người trong một nước. Hãy nghĩ họ đã đi chuyến bay dài hơi, họ sợ hãi dịch bệnh, họ lo sợ cho sức khoẻ và tính mạng của bản thân và gia đình, do đó họ đã không kiềm chế được. Những lời cay nghiệt, võ đoán, độc ác dành cho kiều bào không thể trở thành một phương tiện tốt để giáo dục con người, mà càng khiến cho những nỗ lực vì ‘nghĩa đồng bào’ trở nên hen rỉ, xa lạ với chính người Việt với nhau. Khiến bao dung, đoàn kết của người Việt trở nên ích kỷ, xa xỉ vô cùng.

Là đồng bào, không ai thượng đẳng hơn ai, trong mùa dịch bệnh, càng không có ai là thượng đẳng. Chỉ có lòng yêu thương, khoan dung, và đoàn kết mới hội tụ con người lại với nhau, cùng vượt qua giai đoạn đại dịch khó khăn này. Khi đó nghĩa đồng bào mới trở nên trọn vẹn hơn.

Diễm Thi

Nguồn : VNTB, 21/03/2020

(*) Bài viết : https://vtc.vn/gioi-tre/gui-nhung-nguoi-viet-thuong-dang-tu-ngoai-quoc-hach-sach-o-san-bay-ar534057.html

********************

Đông đảo người Việt về nước

Tuấn Phùng - Công Trung, Tuổi Trẻ Online, 21/03/2020

Trong những ngày vừa qua, mỗi ngày sân bay Nội Bài đón từ 2.000-2.600 hành khách từ các chuyến bay quốc tế về Việt Nam.

em3

Hành khách làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay Nội Bài - Ảnh : NAM TRẦN

Lượng hành khách này giảm hơn so với thường lệ nhưng lại là phần lớn người Việt Nam trở về từ các nước có dịch Covid-19 thuộc diện phải đi cách ly tập trung nên gây áp lực cho sân bay và các cơ quan liên quan tại đây.

Rất ít khách nước ngoài

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Hùng - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài - cho biết lượng hành khách quốc tế đến sân bay Nội Bài trong những ngày gần đây giảm vì tâm lý hành khách ngại đi lại, cộng với chính sách tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. 

Phần lớn hành khách từ nước ngoài đến Nội Bài là người Việt đi lao động, công tác dài ngày và du học sinh ở nước ngoài trở về.

"Chúng tôi tăng cường nhân lực cho các bộ phận như an ninh cơ động, lực lượng y tế của sân bay, nhân viên vệ sinh và cán bộ điều hành hoạt động sân bay nhiều hơn. 

Mỗi ngày chúng tôi phục vụ 600-800 suất ăn miễn phí cho hành khách thuộc diện cách ly. Chi phí này tạm thời do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chi trả" - ông Hùng nói.

Tân Sơn Nhất : nhiều chuyến bay hủy

Ghi nhận tại ga quốc tế Tân Sơn Nhất chiều 20/3, hành khách đến đón và tiễn người thân lác đác vài người. Trong khi phần lớn các chuyến bay quốc tế bị hủy, các chuyến bay trong nước vẫn hoạt động. 

Theo một cán bộ an ninh sân bay trực tại cửa ra vào ga đi quốc tế, sau thông báo tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong 30 ngày bắt đầu từ 0h ngày 18/3, hai ngày tiếp theo tại sân bay Tân Sơn Nhất vắng người đi và đưa đón ở sân bay.

"Ở sảnh đến, một số người nhà lên khu vực tầng 2 nhìn xuống khu vực lấy hành lý chuyến bay đến của hành khách về đến Việt Nam, vẫy tay chào nhau chứ không thể gặp được" - vị này nói.

Thống kê tháng 2 trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất tiếp nhận khoảng 700 lượt cất, hạ cánh quốc nội và 250 lượt cất, hạ cánh quốc tế nhưng nay chỉ còn khoảng 350 chuyến/ngày.

Thay địa điểm xét nghiệm

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 20/3, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết vẫn đang căng mình kiểm tra chặt chẽ hơn hành khách nhập cảnh với khai báo y tế điện tử. 

"Hiện khách làm tờ khai điện tử 100%, đây cũng là áp lực mới nên kiểm soát kỹ hơn" - ông Tâm nói.

Để giảm thời gian chờ đợi cho hành khách từ nước ngoài về, giảm áp lực cho sân bay, lãnh đạo Bộ Y tế và Bộ Giao thông và vận tải chỉ đạo từ 19/3, hành khách đi các chuyến bay quốc tế đến Nội Bài từ vùng dịch sẽ được phân luồng và được cơ quan chức năng chuyển tới các khu cách ly tập trung. 

Việc khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm sẽ được thực hiện tại nơi cách ly thay vì tại sân bay như trước đó.

Tuấn Phùng - Công Trung

Nguồn : Tuổi Trẻ, 21/03/2020

*****************

Chưa tính việc phong tỏa thủ đô

Chiều 20/3, ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - khẳng định "thông điệp rõ ràng đến giờ phút này trung ương và Thành phố chưa có thông tin nào về việc phong tỏa Thành phố".

Cho biết ngay sau thông tin thất thiệt phong tỏa, số người dân đến các siêu thị tăng "không bình thường", ông Chung khẳng định Thành phố đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp cho người dân trong suốt thời gian dài.

Ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trên địa bàn Thành phố có bố trí 12 khu cách ly tập trung, trong đó có 9 khu cách ly tại các cơ sở của quân đội và 4 khu cách ly tập trung, cách ly 12.563 người về từ vùng có dịch.

Phân tích diễn biến dịch, ông Chung khẳng định "có cơ sở để hi vọng không phải kích hoạt và dùng đến bệnh viện dã chiến ở Mê Linh".

Xuân Long

****************

Thành phố Hồ Chí Minh đủ sức xử lý cách ly trong mọi tình huống

Đó là khẳng định của giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh liên quan việc tới đây người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly tập trung.

Theo ông Bỉnh, ngoài các khu cách ly tại các quận huyện, hiện Thành phố Hồ Chí Minh có đến 8 khu cách ly tập trung có thể tiếp nhận một lượng lớn người.

Với số nhân viên y tế trên 39.000 người, đến thời điểm hiện tại Thành phố đủ nguồn nhân lực thực hiện các phương án hỗ trợ cách ly, chăm sóc, điều trị cho lượng người dân được cách ly tại các trung tâm.

"Hằng ngày có một số lượng hết thời hạn cách ly, do vậy chỗ để cách ly vẫn được sắp xếp đảm bảo" - ông Bỉnh nói.

X.Mai

*******************

Người Việt ở nước ngoài cân nhắc về nước, di chuyển bằng hàng không hiện rất khó khăn

N. An, Tuổi Trẻ Online, 18/03/2020

Đó là khuyến cáo của Bộ Giao thông và vận tải tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Sars-Cov-2) ngày 18/3.

em4

Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp diễn ra ngày 18/3 - Ảnh : CHÍNH PHỦ

Cuộc họp do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban chỉ đạo, chủ trì, đã thảo luận các giải pháp kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, tiếp nhận người nhập cảnh tổ chức cách ly ; chế độ tài chính phục vụ chống dịch ; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phân loại nhóm người dễ lây nhiễm, tăng cường tập huấn đội ngũ y bác sĩ...

Theo đó, trước tình hình dịch bệnh thế giới rất phức tạp, đang xấu đi rất nhanh so với dự tính, đặc biệt tại Châu Âu và Mỹ nên cần phải tăng cường tốc độ ứng phó. Cụ thể, cần tiếp tục thực hiện việc chủ động ngăn ngừa ; phát hiện sớm ; cách ly kịp thời ; khoanh vùng gọn ; dập dịch triệt để ; điều trị khỏi bệnh.

Nhiều nước siết nhập cảnh, đi lại khó khăn

Đồng thời cần hợp tác chặt chẽ với các nước, triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn nguồn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước trên tinh thần vừa mềm dẻo, vừa cương quyết. Tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp phát hiện nhanh nhất nguồn bệnh, để cách ly, điều trị ; kêu gọi người dân cùng chung sức đồng lòng ngăn chặn dịch bệnh.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông và vận tải khuyến cáo người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh ; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.

Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng việc di chuyển đến sân bay và trên máy bay, khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao nên người dân cần thận trọng khi di chuyển. Do đó, Bộ Y tế và Bộ Giao thông và vận tải thống nhất, ngành hàng không Việt Nam phải đảm bảo an toàn theo hướng dẫn, khuyến cáo.

Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thống nhất cho rằng người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại. Trường hợp thực sự phải về nước, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con một cách tốt nhất có thể.

Bàn việc sử dụng khách sạn có thu phí với người cách ly

Về chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ.

Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến 6 giờ sáng nay (18/3), quân đội hiện đang cách ly 6.986 người.

Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện đã sẵn sàng cơ sở vật chất để tiếp nhận gần 38.000 người vào cách ly. Đồng thời, quân đội đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000 - 20.000 chỗ để sẵn sàng tiếp nhận tổ chức cách ly tập trung theo quy định.

Cùng với các cơ sở quân đội, Ban chỉ đạo cũng thảo luận chuẩn bị cho cơ sở lưu trú, thực hiện tổ chức cách ly tại khách sạn có thu phí đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp, dự án quan trọng...

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giao các bộ : Y tế, Giao thông và vận tải, Công an, Quốc phòng… xây dựng quy định hiệp đồng tổ chức hiệu quả việc tiếp nhận hành khách nhập cảnh tại các cảng hàng không về cách ly y tế theo quy định.

Tính đến 21 giờ ngày 17/3, Việt Nam đã ghi nhận 66 trường hợp mắc Covid-19 , thực hiện 9.696 mẫu xét nghiệm. Số người đang được theo dõi sức khỏe là 31.659 người. Trong số 50 bệnh nhân đang được điều trị có 2 bệnh nhân diễn biến nặng.

N.An

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Boristo Nguyen, Lê Thị Thúy, Tuấn Phùng, Công Trung, N.An
Read 824 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)