Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/03/2020

Không quên Lê Anh Hùng, người tù chính trị đang bị đày đọa

Nhiều tác giả

Công dân Lê Anh Hùng ‘phạm tội’ trong tình trạng bệnh lý tâm thần ?

Khánh Hòa, VNTB, 27/03/2020

"Blogger Lê Anh Hùng bị đưa vào bệnh viện tâm thần" là tựa của một bản tin trên VOA ngày 05/04/2019 (1)


lah1

"Có các báo cáo về tình trạng lạm dụng vấn đề y tế trong năm qua. Ngày 24 tháng 1, các nhân viên an ninh đã giam blogger Lê Anh Hùng trong bệnh viện tâm thần trái với ý muốn của ông này. Ông này được thả vào ngày 5 tháng 2. Ông đã thường xuyên viết các bài tố cáo các quan chức cấp cao tham nhũng trong blog của mình".

Đoạn trích ở trên nằm ở Báo cáo về tình hình nhân quyền năm 2013 – Việt Nam, đăng trên trang web của Đại sứ và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (2).

Theo VOA, thì blogger Lê Anh Hùng trước đây là một cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt. Sáng ngày 5/7/2018, ông đã bị chính quyền thành phố Hà Nội bắt giam, nghi do nhiều lần tố cáo lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.

Ông Lê Anh Hùng và ông Phạm Chí Dũng đều là cộng tác viên thường xuyên của VOA Tiếng Việt. Cái khác là trước ngày ông Hùng bị bắt giam thì ông đã không còn là cộng tác viên của VOA Tiếng Việt ; còn ông Phạm Chí Dũng thì vẫn là cây bút chính luận ở một chuyên mục trên trang web VOA Tiếng Việt tính đến tận hôm nay, 26/3/2020 (3).

Theo tìm hiểu của Đài Á Châu Tự Do RFA trong bài viết đăng ngày 04/04/2019, "trong một bài viết vào ngày 26-1-2018, mạng báo Thời Nay, một ấn phẩm của báo Nhân Dân đề cập đến sự kiện năm 2009 mà , ông Lê Anh Hùng bị Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Quảng Trị khởi tố và bắt tạm giam về tội "Vu khống" theo Điều 122 Bộ luật Hình sự.

Tác giả Tư Nguyên viết : Tuy nhiên, sau khi xác minh "bị can thực hiện hành vi sai phạm trong tình trạng bị bệnh tâm thần hoang tưởng, mất khả năng nhận thức và điều chỉnh hành vi nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm", Công an tỉnh Quảng Trị đã "Chuyển hồ sơ tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Trị để hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, tạm giam và ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can Lê Anh Hùng" (4).

Còn bản tin trên VOA có đoạn kết cho biết, "Ngay sau khi ông Lê Anh Hùng bị bắt, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông. AI cho rằng cáo buộc của nhà nước Việt Nam là "vô căn cứ" và kêu gọi Hà Nội chấm dứt việc sử dụng nhà tù như một phương tiện để đàn áp những người chỉ trích.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CJP) nói rằng lý do nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam Lê Anh Hùng "không rõ ràng".

Từ năm 2013, CJP đã liệt Việt Nam vào danh sách các nước rủi ro nhất đối với các nhà báo" (nguồn đã dẫn).

Xâu chuỗi lại vấn đề có thể thấy công dân Lê Anh Hùng đã 2 lần bị nhà chức trách bắt giữ với cáo buộc vi phạm hình sự, và sau đó là ra quyết định cưỡng chế ông đi chữa bệnh tâm thần vào năm 2012, tiếp theo đó là từ giữa năm 2019 đến nay – có thể tham khảo thêm bài viết trên BBC "Blogger Lê Anh Hùng được về nhà" (5).

Công dân Lê Anh Hùng có thực sự bị tâm thần như cáo buộc ? Điều này cần thiết sự minh bạch của cơ quan điều tra theo đúng trình tự tố tụng hình sự.

Cụ thể, Bộ luật 101/2015/QH13 – Tố tụng hình sự, Điều 449. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, cho biết :

1. Khi Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị can mắc bệnh tâm thần, hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy chưa đủ căn cứ để quyết định.

2. Trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.

Nghị định 64/2011/NĐ-CP – Quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Điều 5. Đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, cho biết trong giai đoạn điều tra, khi có nghi ngờ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Hình sự, cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Nếu Hội đồng giám định pháp y tâm thần kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết vụ án gửi đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện Kiểm sát cùng cấp.

Lưu ý, trong vụ việc công dân Lê Anh Hùng cho thấy ở đây bà Trần Thị Niêm, thân mẫu của ông Lê Anh Hùng, cần sự trợ giúp của luật sư, với căn cứ vào Điều 22, Bộ luật Dân sự 2015 : Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Sau khi thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Như vậy để minh bạch trước các cáo buộc liên quan nhân quyền, trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 (SARS-CoV-2), cần thiết nhà chức trách tạm sử dụng hình thức công khai các văn bản pháp y liên quan trong vụ việc công dân Lê Anh Hùng lên trang web của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao – có thể gửi luôn đến cơ quan báo chí, đồng thời gửi những văn bản này đến bà Trần Thị Niêm, thân mẫu của ông Lê Anh Hùng.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 27/03/2020

Chú thích :

(1)https://www.voatiengviet.com/a/blogger-le-anh-hung-bi-dua-vao-benh-vien-tam-than/4863360.html

(2)https://vn.usembassy.gov/vi/hrreportvn2013/

(3)https://www.voatiengviet.com/z/4579

(4)https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/detained-activist-transferred-to-mental-hospital-04042019092235.html

(5)https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2013/02/130205_leanhhung_released.shtml

*********************

"Tự do cho nhà báo Lê Anh Hùng !"

Phạm Đình Bá, VNTB, 27/03/2020

Ông Lê Anh Hùng là thành viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, bị bắt từ ngày 5/7/2018 theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…" và từ đó tới nay chưa từng được đưa ra toà xét xử.

Ông Hùng đã bị đưa vào trại tâm thần ngày 1/4/2019 để cưỡng bức điều trị. Thân mẫu ông Hùng bà Trần Thị Niêm đã nhiều lần kêu cứu cho con vì ông Hùng liên tục bị tăng liều thuốc tâm thần.

lah2

Bước 1. Xin các bạn lên tiếng cho anh Lê Anh Hùng. Những người đã công khai đòi an toàn và tự do cho anh (1).

Bước 2. Tiếng nói của bạn sẽ được tập hợp để đòi "Tự Do cho nhà báo Lê Anh Hùng" gởi đến :

- Reporters Without Borders, Christophe Deloire, General Secretary

- Hiệp hội Tâm thần Thế giới (bên dưới)

- Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Thực hành Nhân quyền (bên dưới)

- Nhóm công tác Liên hợp quốc về Giam Giữ Tùy Tiện (bên dưới)

- Đài Á Châu Tự Do (bên dưới)

Dữ liệu hỗ trợ Bước 2 đúc kết từ bài bên dưới đây.

Trung Quốc dùng bệnh viện tâm thần để bịt miệng những người bất đồng chính kiến ra sao ?

Các báo cáo tiếp tục kể về sự đàn áp các luật sư và nhà bất đồng chính kiến – luật sư Pu Zhiqiang đã chính thức bị thu hồi giấy hành nghề  gần đây – nhưng ít ai nói về những bất hợp pháp nghiêm trọng khác cần phải gây lo ngại. Đáng chú ý, các nhóm nhân quyền từ lâu đã buộc tội rằng một trong những ví dụ đơn giản nhất về bất hợp pháp trong tố tụng hình sự Trung Quốc là việc sử dụng các bệnh viện tâm thần học để giam giữ, bỏ tù và buộc các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động xã hội dân sự vào các cách điều trị để làm giảm khả năng suy nghĩ và đối kháng của họ (2).

Việc sử dụng chiến thuật này, được mượn từ Liên Xô vào đầu thời đại Mao, đã bị giảm sau Cách mạng Văn hóa, nhưng đã hồi sinh vào năm 1987 với việc thành lập các bệnh viện tâm thần, do cảnh sát quản lý, được gọi là tổ chức Ankang ("bệnh viện hòa bình và sức khỏe") . Báo cáo từ báo chí và các phương tiện truyền thông đưa ra ánh sáng về vi phạm nhân quyền có hệ thống trong các bệnh viện tâm thần do Bộ Công an Trung Quốc điều hành (3).

Trong một trường hợp, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc đã bị giam cầm vào năm 1992 vào một bệnh viện tâm thần Ankang (3). Anh ta bị bắt vì biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn nhằm chống lại cuộc đàn áp ngày 4 tháng 6 năm 1989 ở Quảng trường nầy. Ông đã bị chữa bệnh "tâm thần" cho đến khi ông được thả ra vào năm 2005. Việc lạm dụng chính trị và công an trị trong các bệnh viện tâm thần vẫn tiếp tục. Theo Đài Á Châu Tự Do, nhóm Quan sát viên Trung Quốc đã theo dõi hơn 30 trường hợp các nhà hoạt động, những người đã bị giam trong các bệnh viện tâm thần do công an quản trị vào năm 2015. Việc quản thúc nầy không có sự hiểu biết hay chấp thuận của họ cũng như thân nhân gia đình họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, người sáng lập nhóm, Liu Feiyue, nói rằng mặc dù Trung Quốc đã thông qua Luật Sức khỏe Tâm thần vào năm 2012, các nhà chức trách vẫn tiếp tục gửi các nhà hoạt động và dân oan đến các bệnh viện tâm thần, nơi họ có thể phải đối mặt với tra tấn và giày vò (3). Đài Á Châu Tự Do đã báo cáo một trường hợp của một người làm thỉnh nguyện ở Thượng Hải. Người nầy bị bắt, bị buộc phải uống thuốc, đánh đập và trói vào giường trong hai ngày đêm.

Khi Trung Quốc thông qua Luật Sức khỏe Tâm thần vào năm 2012, Nicholas Bequelin, khi đó là nhà nghiên cứu của nhóm vận động Nhân quyền, đã lưu ý rằng luật nầy bảo đảm đánh giá độc lập về các cam kết không tự nguyện của người mắc bệnh tâm thần (3). Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Bộ Công an Trung Quốc vẫn duy trì thẩm quyền quản lý các bệnh viện tâm thần, trong đó đã có 22 bệnh viện trên toàn quốc.

Báo cáo Quốc gia của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Thực hành Nhân quyềnnăm 2014, trích dẫn Nhật báo Pháp lý, báo cáo rằng từ năm 1998 đến tháng 5 năm 2010, hơn 40.000 người đã bị giam trong các bệnh viện tâm thần do công an quản trị (2).

Việc đối xử với những người bị giam trong các bệnh viện nầy đã bị chỉ trích bởi các bác sĩ tâm thần nước ngoài và những người ủng hộ nhân quyền, nhưng chi tiết không thường xuyên xuất hiện vì sự bí mật được duy trì bởi Bộ Công an (3). Tuy nhiên, một báo cáo của Nhóm công tác Liên hợp quốc về Giam Giữ Tùy Tiện năm 2013, cho thấy việc một người bất đồng chính kiến bị giam giữ trong hơn bảy năm là tùy tiện.

Trong trường hợp nầy, ông Xing Shiku đã nhiều lần bị tra tấn và đánh đập sau khi đi từ Cáp Nhĩ Tân đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện chống tham nhũng và tư nhân hóa một công ty nhà nước nơi anh ta từng làm việc (2). Nhóm công tác Liên hợp quốc về Giam giữ tùy tiệnphán quyết rằng ông Xing đã bị giam giữ vì lý do hòa bình về quan điểm của mình. Việc ông gửi đơn khiếu nại lên chính quyền Trung Quốc đã không chứng minh rằng ông ta là một mối đe dọa đối với người khác hoặc tài sản, tiêu chuẩn trong Luật Sức khỏe Tâm thần để nhập viện một người đến một bệnh viện tâm thần.

Các báo cáo được trích dẫn ở đây hỗ trợ phân tích nghiên cứu có thẩm quyền nhất về việc lạm dụng chính trị trong khoa tâm thần ở Trung Quốc ngày nay, "Điều tra tâm thần của Trung Quốc: Bất đồng chính kiến, Tâm thần học và Luật pháp ở Trung Quốc sau 1949" bởi Robin Munro, một học giả Trung Quốc và là người ủng hộ nhân quyền với Bản tin Lao động Trung Quốc (4). Như một nhà phê bình đã viết, về việc khẳng định rằng có một "sự lạm dụng chính trị có hệ thống về tâm thần học để trừng phạt những người bất đồng chính trị" đưa ra một cáo buộc về các hình thức lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng nhất của nhà nước Trung Quốc (4).

Một nỗ lực vào năm 2002 của Hiệp hội Tâm thần Thế giới để gửi một phái đoàn quốc tế đến Trung Quốc đến thăm các bệnh viện tâm thần đã bị chính phủ Trung Quốc từ chối. Bất chấp sự nghiêm trọng của sự sai lệch có hệ thống của tâm thần học được thảo luận ở đây, đã có rất ít sự chỉ trích từ nước ngoài, chắc chắn là vì chính quyền Trung Quốc đã giữ bí mật để việc nầy khỏi tầm nhìn của nước ngoài. Khi chúng ta lên tiếng công khai, chúng ta đóng góp vào nỗ lực để vạch trần sự bất hợp pháp lâu dài của lạm dụng chính trị trong khoa tâm thần ở Trung Quốc.

Phạm Đình Bá

Tiến sĩ chính sách y tế, chủ nhiệm Nghiệp đoàn y tế Việt Nam.

Liên lạc tác giả : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Nguồn : VNTB, 27/03/2020

Chú thích :

(1) Mời ký tên để yêu cầu Bộ y tế Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngừng hành hạ nhà báo Lê Anh Hùng.

(2) Stanley Lubman. Political Psychiatry: How China Uses ‘Ankang’ Hospitals to Silence Dissent.

(3) China’s Psychiatric Inquisition : Dissent, Psychiatry and the Law in Post-1949 China. London: Wildy, Simmonds và Hill, 2006.

(4) Sarah Biddulph, Tạp chí Trung Quốc, số 59, tháng 1 năm 2008, 162.

*****************

Xin đừng quên nhà báo Lê Anh Hùng

Tôn Phi, VNTB, 26/03/2020

Trong những ngày nay, mọi người trăm công ngàn việc, ai cũng bộn bề. Có ai chú ý đến người ký giả điều tra năm nào Lê Anh Hùng ?

lah3

Người nhà, cụ thể là mẹ anh, cho biết anh bị tiêm thuốc tâm thần kể từ sau khi bị bắt (*) 

Cô Ngô Thị Hồng Lâm ở Vũng Tàu kể : hồi anh Hùng làm cho xưởng sơn, công an đến áp lực với xưởng sơn, rằng anh Hùng không có đăng ký tạm trú rõ ràng. Vì vậy chủ xưởng sơn phải đuổi việc Lê Anh Hùng.

Về chuyện đăng ký tạm trú tạm vắng, ông Nguyễn Văn Lợi, Việt kiều ở San Jose, California cười : "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa có nhiều chuyện rất buồn cười : Người Việt Nam lại tạm-trú trong đất nước Việt Nam".

Trường hợp anh Lê Anh Hùng được quan tâm, bởi trước đây, vợ của anh Hùng bị những kẻ muốn hãm hại anh tiếp cận. Nhà cầm quyền được cho là đã sắp xếp cho một cán bộ tiếp cận với vợ của nhà bất đồng chính kiến, dẫn dụ vào tình cảm ngoại tình nam nữ. Sau đó, nhà bất đồng chính kiến nhận được tin vợ/chồng mình ngoại tình, gia đình ắt tan vỡ, chẳng còn ý chí nào để đấu tranh. 

Lê Anh Hùng là trường hợp như thế. Anh tự nhận và cũng được cô Ngô Thị Hồng Lâm xác nhận. Mọi người đều xác nhận Lê Anh Hùng là mẫu người hùng cô độc. Anh tố cáo vụ án buôn ma túy lớn nhất nước cho nên không thể tránh khỏi những sự khủng bố này.

Lần bắt này anh Hùng bị bắt nặng hơn lần trước. Anh bị tiêm thuốc tâm thần. Khi bị tiêm thuốc nhiều như vậy, người không bị tâm thần và khỏe mạnh cũng sẽ bị tâm thần thật, không thể trụ được lâu. Vì vậy, ở bên ngoài, đồng đội, đồng nghiệp đang làm nhiều cách để gây sức ép với cơ quan y tế, cơ quan công an để đưa anh Hùng ra khỏi trại tâm thần nhanh nhất có thể.

Một sinh viên đang theo học năm cuối trong một trường đại học lớn ở phía Nam viết : "Đề nghị sự vào cuộc của một cơ quan y tế độc lập, thậm chí là một tổ chức y tế quốc tế độc lập nếu có thể để giám định lại trạng thái tâm thần cho những người đối lập về chính kiến. Xin nói thẳng, đơn giản vì chế độ chính trị hiện nay tại Việt Nam là đơn đảng và như thế sẽ không đảm bảo được tính khách quan cần thiết".

Tiến sĩ chính sách y tế Phạm Đình Bá, đại học Toronto, Canada chiếu theo Wikipedia thì : Bác sĩ khi bắt đầu ngày khởi đầu huấn luyện có thề là 1) không làm hại bệnh nhân, 2) chữa trị bằng khoa học với tất cả năng lực của mình. First, do NO HARM (1).

Tiến sĩ Bá đề nghị những người bảo vệ anh Lê Anh Hùng hãy dùng luật Magnistky Act ở Mỹ, Canada và Âu Châu để 1) tìm nơi các người làm bậy ở Việt Nam tẩu tán tài sản ra nước ngoài, 2) gây áp lực chính phủ địa phương để họ không sống được ở đó. Cách này sẽ có thể là biện pháp ngăn chận việc cán bộ làm bậy ở quê ta vì họ nghĩ chả ai làm gì được họ cả (2).

Ông Bá nói thêm rằng, công cuộc xếp đặt các việc này cần có nhiều đóng góp của nhiều người. Dù sao có còn hơn không, nhiều người đấu tranh cho ký giả Lê Anh Hùng, bằng nhiều phương pháp, khích lệ lớn cho những người làm việc cần cù để mọi người có thể dễ thở hơn…

Lê Anh Hùng là một thành viên của Hội nhà báo độc lập Việt Nam. Cơ quan ngôn luận của hội là website địa chỉ : http://vietnamthoibao.org. Ở đây bạn có thể đọc được nhiều bài báo của anh Lê Anh Hùng và bài của nhiều người bảo vệ anh Lê Anh Hùng.

Tôn Phi

Nguồn : VNTB, 26/03/2020

Chú thích :

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Hippocratic_Oath

(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Magnitsky_Act

Tham khảo :

https://vietnamthoibao.org/vntb-blogger-le-anh-hung-bi-cuong-buc-tinh-than/

https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/audio/me-cua-nha-bao-le-anh-hung-keu-cuu-cho-con-ra-khoi-benh-vien-tam-than

- https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/save-le-anh-hung-11092019092411.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Khánh Hòa, Phạm Đình Bá, Tôn Phi
Read 704 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)