Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/04/2020

Tranh cãi chung quanh cách thi hành Chỉ thị cách ly toàn xã hội

Nhiều tác giả

Chỉ thị của Thủ tướng thì ai sẽ thực hiện ?

Nguyễn Nam, VNTB, 01/04/2020

Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0g ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc.

chithi1

Thắc mắc đặt ra : dân chúng có bổn phận thực hiện theo "Chỉ thị số 16" hay không ? Lý do, thể loại văn bản "Chỉ thị" không ‘nằm’ trong luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Khái niệm pháp lý chung, ‘Chỉ thị’ là hình thức văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản cá biệt do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành cho cấp dưới tổ chức thực hiện. Dưới góc độ xã hội, khái niệm chỉ thị được hiểu một cách đơn giản nhất là lệnh cấp trên truyền đạt cho cấp dưới.

Như vậy, về nguyên tắc thì dân chúng không có bổn phận thực hiện theo "Chỉ thị số 16". Chỉ thị này sẽ được các cấp chính quyền địa phương thực hiện bằng việc ban hành những quyết định hành chính phù hợp ; kiểu như văn bản dừng hoạt động xổ số kiến thiết, dừng vận tải hành khách công cộng…

Theo đúng cách hiểu pháp ly đó, cho thấy việc báo chí đưa tin về hình ảnh bãi biển Nha Trang vẫn đông đúc người, một số hàng quán ‘ăn nhậu’ ở khu Trung Sơn – Sài Gòn vẫn ‘ì xèo’, cho thấy ở đây là các quyết định hành chính của chính quyền địa phương đã không được thực thi, và cơ quan công quyền cũng thiếu sót trong giám sát.

Rất có thể do gấp rút chống dịch virus corona lây lan nên nhiều đoạn trong "Chỉ thị 16" cho thấy đã ‘đá nhầm sân’, khi thay vì những yêu cầu sau đây phải được nằm trong nội dung của văn bản ‘Quyết định" từ chính quyền địa phương, chứ không phải là ông Thủ tướng (trích Chỉ thị 16) :

"Thủ tướng Chính phủ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng chống dịch. Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu trách nhiệm áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại cơ sở mình, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động".

Chính vì "Chỉ thị" không nằm trong luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nên hàng loạt câu hỏi sau đây đành chờ câu trả lời từ văn bản "Quyết định" :

- Em bán chuối chiên có buộc nghỉ bán không mọi người ?

- Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì sao nhỉ ?

- Vậy là đi làm từ quê lên vẫn bình thường phải không ?

- Shipper vẫn được đi ship chứ ạ ?

- Đi làm nhà máy điện từ Nha Trang đến Cam Ranh có bị chặn không ?

- Xin hỏi : có được đến siêu thị quận khác không ?

- Có được lái xe từ Sài Gòn đi Bình Dương ?

- Có được đạp xe (thể dục) ngoài đường không ?

- Có được ra ngân hàng đóng lãi không ?

- Cách ly toàn quốc là như thế nào ?

- Vẫn chưa hiểu rõ lắm, vậy các công ty và xưởng vẫn hoạt động thì công nhân và nhân viên phải ra đường đến công ty thì phải làm sao đây ?

- Vì sao Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu đóng cửa biên giới với Lào, Campuchia, trong khi dịch này lây từ Trung Quốc ?…

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 01/04/2020

*****************

Có hay không chủ trương "hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covit-19 có thể tử vong" ?

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 01/04/2020 

Đã một tuần trôi qua, tôi vẫn còn ám ảnh bởi văn bản có nội dung "hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covid-19 có thể tử vong", mặc dù văn bản đã bị thu hồi.

chithi2

Đó là văn bản số 2285/STNMT-CTR do Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký ngày 26/3/2020.

Ngay sau đó, văn bản này lan truyền trên mạng, gây xôn xao dư luận. Ý kiến chung trong dư luận có mấy luồng : cho là văn bản giả, cho là lỗi đánh máy và phản đối việc hỏa thiêu người bệnh chưa chết.

Sau khi công văn bị thu hồi thì khả năng văn bản giả bị loại trừ, đó là văn bản thật.

Có mấy động thái vãn hồi dư luận xung quanh văn bản này như sau :

– Ngay hôm sau 27/3, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản thu hồi số 2319/STNMT-CTR do chính bà  Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký. Văn bản chỉ có một nội dung "Nay Sở Tài nguyên và môi trường thu hồi văn bản trên" mà không giải thích gì thêm.

– Nhận trách nhiệm tại cuộc họp báo chiều 28/3 tại Trung tâm báo chí Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ cho rằng văn bản 2285 "có nội dung không phù hợp""không rõ ràng""gây ảnh hưởng đến người dân".

– Tại văn bản số 2537/VP-TH của Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký ngày 29/3 cho rằng văn bản 2285 đã "gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch", "tạo ra tâm lý hoang mang" trong nhân dân.

Như vậy, trong hai văn bản và một cuộc họp báo về công văn 2285, không có nội dung nào cho rằng công văn 2285 đã sai trái như thế nào, không thấy khẳng định không có chủ trương hỏa táng người chưa chết, hoặc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương như thế là sai trái.

Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, tuy nhiên, việc cải chính lại rất đơn giản nhẹ nhàng, không có gì gay gắt.

*

Vậy tại sao lại có công văn này ? Hãy phân tích một số nguyên nhân đã đặt ra :

– Về đánh máy : Lỗi đánh máy chỉ có thể xảy ra khi gõ nhầm ký tự nọ sang ký tự kia, chứ không có chuyện nhầm từ "đã" (tử vong) sang từ "có thể". Nhìn văn bản 2285 thì thấy không có lỗi đánh máy nào. Nếu soi kỹ thì văn bản có nhầm từ covid thành covit mà thôi, không liên quan đến nội dung hỏa thiêu. Như vậy, lỗi đánh máy bị loại trừ.

– Việc cho là văn bản 2285 "không rõ ràng" là không đúng. Văn bản không gây nên cách hiểu khác nhau. Đọc đúng văn phạm thì rõ ràng là mệnh đề  "đặc biệt với tình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virut Covit-19 có thể tử vong" không hề tối nghĩa và người đọc chỉ có một cách hiểu. Cho nên, nói văn bản không rõ ràng là không đúng.

– Cho rằng văn bản "có nội dung không phù hợp" là không phù hợp với cái gì ? Không phù hợp với chủ trương ? Không phù hợp với tình hình dịch bệnh ? Không phù hợp với đạo lý truyền thống ?

– Cuối cùng là văn bản ít nhất liên quan đến 3 người : người thảo, người ký nháy và người ký chính thức. Hẳn tất cả đều có trình độ đại học, có thể có cả thạc sĩ, tiến sĩ. Thế mà để xảy ra chuyện tày trời như thế là sao ? Thật là vô cùng khó hiểu.

*

Điều rất nguy hiểm là công văn 2285 ra đời trong bối cảnh có những thông tin về việc thiêu người còn sống ở Vũ Hán, trong khi xưa nay có nhiều cách làm ở Việt Nam áp dụng kinh nghiệm của Trung Quốc, do mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước khiến người dân lo sợ.

Trước nay, thường có những chủ trương hoặc thông tin bí mật mà người ta chỉ phổ biến đến một cấp nào đó chứ không viết thành văn bản. Rồi từ những cấp ấy, thông tin dần dần lộ ra. Nó nằm trong mớ "thông tin vỉa hè", được đúc kết thành câu tục ngữ "dân đồn không chồn thì cáo".

Bản thân tôi từng được phổ biến nhiều thông tin hay chủ trương và cũng được nghe nói lại nhiều thông tin, chủ trương kiểu ấy. Và tôi đã kiểm nghiệm rất nhiều thông tin có cơ sở.

Tôi chỉ đưa ra một ví dụ mà ai cũng biết về đợt đổi tiền năm 1985. Trước tin đồn đổi tiền lan rộng trong nhân dân, nhà nước phải lên tiếng cải chính rằng không có chuyện đổi tiền. Thế nhưng vừa cải chính hôm trước thì hôm sau 14/9/1985, việc đổi tiền được tiến hành khắp cả nước. Ai cũng biết, đổi tiền là việc hết sức bí mật, chỉ rất ít người được biết, thế mà chỉ vài ngày đã lan ra toàn dân.

Đấy là tin đồn. Còn đây là văn bản có câu cú chữ nghĩa rõ ràng của Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù văn bản đã thu hồi nhưng dư luận không thể không băn khoăn rằng liệu có chủ trương "hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus covit-19 có thể tử vong" mà Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh vô tình tiết lộ ?

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 01/04/2020

********************

Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản "thiêu sống" người dân

Thu Thủy, Thoibao.de, 31/03/2020

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh ngày thứ Bảy đã truy soát Sở Tài nguyên và môi trường của thành phố này vì ban hành một công văn liên quan đến việc hỏa táng bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán mà lãnh đạo cơ quan này sau đó thừa nhận có sai sót, khiến công chúng hoang mang.

chithi4

Công văn số 2885 của Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh với nội "hỏa táng bệnh nhân nặng…" gây kinh hãi

Công văn đề ngày 26 tháng 3 năm 2020 của Sở gửi cho ba công ty vận hành các cơ sở hỏa táng yêu cầu họ báo cáo về việc họ sẽ ứng phó ra sao trong trường hợp vận hành liên tục cũng như các biện pháp an toàn nào sẽ được áp dụng để ngăn Cúm Vũ Hán lây lan khi tiến hành hoạt động này.

Công văn này nhanh chóng xuất hiện trên mạng xã hội và tranh cãi bùng lên liên quan tới một đoạn văn mô tả một tình huống khẩn cấp có thể xảy ra là "cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm Cúm Vũ Hán có thể tử vong", đưa tới cách hiểu rằng một số bệnh nhân có thể bị thiêu trong khi vẫn còn sống.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Nguyễn Toàn Thắng ngày thứ Bảy thừa nhận "những sai sót" trong văn bản liên quan đến hoạt động các nhà hỏa táng và đã ra lệnh thu hồi văn bản, truyền thông trong nước đưa tin.

Trong một công văn gửi cho Sở trong cùng ngày, Ủy ban nhân dân thành phố đả kích Sở gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của thành phố và tạo ra "tâm lý hoang mang" trong một bộ phận người dân.
"Phê bình nghiêm khắc Sở Tài nguyên và môi trường. Yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hình thức kỷ luật đối với các cá nhân có liên quan, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trước 18 giờ, ngày 28 tháng 3 năm 2020", công văn nói.

Suốt đêm 27/3, văn bản "thiêu xác sống" của Sở Tài nguyên và môi trường đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Trên Facebook xuất hiện xung đột ngôn từ gây ra chửi bới nhau nặng lời bởi các dư luận viên cho rằng văn bản này là giả mạo nhằm mục đích gây hoang mang sợ hãi trong dư luận. Mãi đến sáng hôm sau 28/3 khi xuất hiện ảnh chụp một văn bản khác cũng của Sở Tài nguyên và môi trường đòi hủy văn bản cũ thì mọi người mới tin rằng văn bản ấy là có thật.

"Những sai sót của văn bản không phù hợp với tình hình phòng chống dịch Cúm Vũ Hán của thành phố hiện tại", ông Nguyễn Toàn Thắng được dẫn lời nói. "Ngay khi nhận được phản ánh từ dư luận, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ nội dung và thu hồi văn bản".

UBND thành phố khẳng định công tác phòng chống dịch của thành phố đang được "kiểm soát tốt", nói thêm rằng hiện thành phố có 44 ca nhiễm Cúm Vũ Hán với ba trường hợp đã xuất viện, sức khỏe ổn định và không có trường hợp tử vong vì dịch bệnh.

"Ủy ban nhân dân thành phố không có chủ trương, không chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường ban hành các nội dung theo công văn số 2285/STNMT-CTR nêu trên".

Công văn ngày 26 tháng 3 của Sở gây nên phản ứng dữ dội khiến sở này và Sở Thông tin và truyền thông của thành phố phải tổ chức một buổi cung cấp thông tin để cải chính và tìm cách kiểm soát những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội.

"Quan điểm của Thành phố Hồ Chí Minh là không giấu dịch và công khai mọi thông tin liên quan đến dịch Cúm Vũ Hán", Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết. "Từ khi văn bản ban hành, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều thông tin không chính xác về Thành phố Hồ Chí Minh có bệnh nhân tử vong".

Anh Huytran Hà Nội nói : "Văn bản như thế hỏi sao dân đen không hoang mang và bức xúc, đọc xong tôi muốn té ghế luôn. Yêu cầu đuổi việc quan chức vô nhân tính đấy ngay"

chithi5

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Thành phố Hồ Chí Minh – người ký công văn "thiêu xác sống".

Bạn đọc tên Đạt Huỳnh ở Thành phố Hồ Chí Minh bình luận : "Ai cũng hiểu là chuẩn bị cho phương án bệnh nhân chết hàng loạt khi dịch bùng phát nhưng rõ ràng người soạn và người kí văn bản này đã không rà soát trước khi ban hành qua đó thể hiện sự thiếu trách nhiệm,cẩu thả trong công tác ".

Facebooker Phạm Lê Vương Các bình luận : "Người trong chính quyền thường có được những thông tin ‘nhạy cảm’ mà người dân ít khi biết được, và họ luôn nắm được thông tin trước người dân. Từ những thông tin này họ có thể dự đoán tình hình và tiên liệu được những điều sẽ đến trong tương lai. Mà nếu nó có diễn ra trên thực tế đi nữa, thì đây là lời cảnh tỉnh kịp thời đối với mỗi người chúng ta không được chủ quan trong việc phòng chống Cúm Vũ Hán".

Từ Hà Nội Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết : "Nói thật là đây là thông tin gây hoang mang khủng khiếp nhất kể từ đầu mùa dịch đến giờ ! Vì nó dự báo đến số liệu chết nhiều và chôn sống người ! Theo tôi, PHẢI CÁCH CHỨC GIÁM ĐỐC SỞ TN-MT tp HCM NGAY LẬP TỨC".

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc ở Thành phố Hồ Chí Minh thì bình luận về Công văn thu hồi công văn sai sót ban đầu : "Mắc sai lầm thì khắc phục và nhận lỗi, ắt được mọi người thông cảm và chấp nhận. Đằng này ra công văn rồi rút lại công văn phát hành trước đó nhưng không nêu lý do, không lời giải thích, càng không thèm xin lỗi về lỗi bất cẩn đã khiến cho cộng đồng hoang mang… !".

Tình hình chống dịch ở Hà Nội trở nên nguy cấp hơn bao giờ hết sau sự cố lây nhiễm từ Bệnh viện Bạch Mai bởi số lượng người liên quan bắt buộc phải cách ly đến hàng vạn người.

chithi6

Ảnh : Bệnh viện Bạch Mai, nơi các chuyên gia nói còn phức tạp hơn 3 bệnh viện ở Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý), New York (Mỹ) và được chủ tịch Nguyễn Đức Chung so sánh với Vũ Hán

Thống kê danh sách người từng đến khám phải tự cách ly đã là 40.000 người, báo Thanh niên cho hay hôm 30/3.

Với số lượng người quá lớn như vậy, việc Thành phố Hà Nội có thể giám sát quản lý từng người là bất khả thi, vì không thể nắm hết số điện thoại và địa chỉ chính xác của họ, hơn nữa sự di chuyển đi khắp nơi, đã tiếp xúc trong cộng đồng và gia đình với thời gian khá dài của họ cho thấy khả năng lây nhiễm cộng đồng là rất lớn, chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định điều này và được rất nhiều báo chí trong nước trích đăng.

Chưa hết, Sáng 30/3, Thành phố Hà Nội đã tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng dịch Cúm Vũ Hán phiên thứ 27. Tại cuộc họp, Chủ tịch Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị xét nghiệm lại hơn 7.000 nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai.

"Tôi đề xuất với Ban Giám đốc Bệnh viện rằng tất cả các xét nghiệm mà bệnh viện thực hiện với nhân viện y tế công bố vào ngày 19 đến 24/3 không có giá trị ; phải xét nghiệm lại, an toàn phải sau ngày 28/3 vì từ những ngày trước đó dù âm tính nhưng vẫn đi lại, tiếp xúc".
"Nếu không làm thì ngay chính họ cũng có tâm lý lung lay. Hà Nội sẽ hỗ trợ bệnh viện để hoàn thành sớm nhất việc xét nghiệm lại với hơn 7.000 nhân viên y tế tại đây", Chủ tịch Thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu rõ, ổ dịch tại bệnh viện Bạch Mai đã có các trường hợp liên quan đến 4 tỉnh, thành phố khác là : Hà Nam, Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định ; lan đến gần 20 quận, huyện.

"Trong thời gian ngắn nữa sẽ lan ra 30 quận, huyện. Vấn đề là khoảng thời gian thôi. Bởi vì tất cả những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai hiện nay số lượng rất lớn. Khi đã lây lan thì tốc độ rất lớn, rất nhanh, theo cấp số nhân", ông Chung nói.

Để hạn chế lây lan Cúm Vũ Hán từ ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu phải tuyên truyền mạnh đến khi tiếp xúc với ai cũng phải nghĩ đến hai chữ "Bạch Mai".

"Ví dụ một đồng chí lãnh đạo cấp sở có bố mẹ nằm trong Bệnh viện Bạch Mai, trách nhiệm của mình là vào thăm. Sau đó người vẫn bình thường nhưng nhiễm bệnh thì rõ ràng mình sẽ lây thẳng lên thành phố. Liệu có trường hợp này không ? Tôi tin là có nhiều.

Rồi những trường hợp là các cụ già rồi, bố mẹ của những người bệnh đến thăm từ ngày 9/3 là có không, chắc chắn là có. Không thể loại những người này được, mà số này được cách ly ngay lập tức chứ không có thời gian để bàn luận. Đó là để giữ cho mình và chúng ta tránh cho người thân của mình, trước tiên là người thân của mình, sau đó mới đến cộng đồng xã hội", Chủ tịch Thành phố Hà Nội nêu quan điểm.

Chủ tịch Hà Nội nhận định thẳng thắn với báo chí rằng : "Lây nhiễm Cúm Vũ Hán từ bệnh viện Bạch Mai có thể lây ra cộng đồng trong vài ngày tới". Không những thế dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai còn phức tạp hơn 3 bệnh viện nằm ở Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý) và New York (Mỹ). Ông còn cho biết tình huống ở đây cũng giống như ở Vũ Hán trước khi dịch bùng phát.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đánh giá, "ổ dịch" tại Bệnh viện Bạch Mai là "ổ dịch" lớn nhất, phức tạp nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn Thành phố, cũng như một số tỉnh thành trên cả nước. "Bộ Y tế mới chỉ công bố 12 trường hợp dương tính ở Bệnh viện Bạch Mai thôi, nhưng số liệu chúng tôi biết con số này đã gần 20 rồi" – ông Chung nói.

Mỗi ngày có khoảng 600-700 người dân vào đây ăn uống, cuối tuần có khoảng 250 người. Hơn nữa, bộ phận nấu ăn tại bệnh viện mỗi ngày cung cấp cho khoảng 5.000 đến 6.000 nhân viên trong bệnh viện. Khoảng 2.000 đến 3.000 học viên, thực tập sinh của Hà Nội cũng như các tỉnh thành cũng vào đây ăn uống. "Rất có thể trong những ngày tới sẽ phát ra. Mà nếu xảy ra thì chỉ trong tuần tới. Cho nên chúng tôi thấy, Bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi dịch bệnh phức tạp nhất, có nguy cơ lây lan lớn nhất", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá.

Ông Chung cho biết, bản thân ông cũng đã nhờ một số chuyên gia về phòng chống bệnh tật trên thế giới phân tích lại những số liệu liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Cúm Vũ Hán ra ngoài cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng, dịch bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai còn phức tạp hơn 3 bệnh viện nằm ở Daegu (Hàn Quốc), Lombardy (Ý) và New York (Mỹ).
"Trường hợp này cũng như Vũ Hán dịp gần tết, sau khi nhiễm bệnh nhiều người đã di chuyển khắp các nơi", Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói thêm.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 31/03/2020

****************

Vai trò thủ lãnh chính trị trong dịch bệnh

Anh Thư, VNTB, 31/03/2020

Trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng ‘Vua Sư tử’ (The Lion King) cho thấy vai trò quan trọng đặc biệt của kẻ đứng đầu trong dẫn dắt bầy đàn vượt qua bi kịch. Không có người đứng đầu sẽ không có kẻ chịu trách nhiệm và cả đàn sẽ chết lần lượt.

chithi3

Trong cơn dịch bệnh Vũ Hán vừa qua, phải thừa nhận vai trò chỉ đạo và điều hành quyết liệt của ba nhóm chính khách. Tại Sài Gòn là bộ đôi lãnh đạo Bí thư thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch thành phố ; tại đầu cầu phía Bắc là ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Thành phố Hà Nội ; và cuối cùng là ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cho đến nay so với các quốc gia khác, thì tình hình dịch bệnh Vũ Hán ở Việt Nam dù phức tạp nhưng vẫn trong liệu trình đối phó. Bằng chứng là số người lây nhiễm tăng không quá mức đột biến so với các quốc gia phương Tây cũng như Hàn Quốc. Có vẻ như chính nhóm lãnh đạo được nêu ở trên đã cho thấy linh cảm chính trị của họ về dịch bệnh dựa trên sự tư vấn hoặc hiểu biết sâu đúng về cơ sở vật chất, sức tải của hệ thống y tế Việt Nam. Đó là lý do vì sao Việt Nam bằng các chỉ đạo liên tục nhưng không gây hỗn loạn đang từng bước kiềm chế dịch bệnh, khoanh vùng và chủ động trong thực hiện cách ly bệnh. Con số 200 ca lây nhiễm, trong đó có trên 20 ca đã hồi phục là một thành quả đáng được ghi nhận trong tình hình thế giới vẫn căng sức mình để chống đỡ dịch bệnh hiện nay.

Vai trò thủ lãnh của ông Phong, ông Nhân, ông Phúc, ông Chung là nhân tố cốt lõi để giữ được hiện trạng như hiện tại. Và dường như dịch bệnh đã trở thành một bài kiểm tra cho vai trò của mỗi người, về bản lãnh và tầm nhìn trong điều hành nhà nước ở tình huống khẩn cấp. Dư luận trên Facebook đang đánh giá cao cách làm việc của nhóm lãnh đạo này, ngay cả trong những nhóm người bị chính quyền gọi là ‘phản động’. Điều này cho thấy, năng lực điều hành và chỉ đạo qua đợt dịch này của nhóm lãnh đạo trên đã chiếm lĩnh sự thiện cảm của không ít người.

Dân cũng chỉ cần có như vậy

Tố chất lãnh đạo là thứ mà người dân mong muốn đối với các chính khách nhà nước. Tố chất đó phải biết lắng nghe người dân, bám sát tình hình thực tế, chỉ đạo dựa trên tình hình từng giờ, phút ; coi trọng phát huy sức dân và cộng đồng xã hội chứ không còn dừng ở mảng ‘cả hệ thống chính trị vào cuộc’ nữa. Tổng hòa sẽ mang lại hiệu quả trong điều hành vĩ mô nhà nước ngay trong những tình huống nguy cấp nhất ‘ngàn cân treo sợ tóc’.

Dịch bệnh không sợ lý luận, dịch bệnh chỉ sợ người dân đồng hành cùng nhà nước, và sự chỉ đạo đến từ thực tiễn cuộc sống. Đó có vẻ sẽ là bài học lãnh đạo mà nhóm lãnh đạo được nêu tên trên có thể lĩnh hội được nhiều, hình thành một phong cách chính trị trong thời kỳ tới và dẫn đường cho một hệ giá trị chính trị tốt đẹp mà họ có thể được người dân ủng hộ.

Chỉ cần dân ủng hộ, cộng đường lối điều hành chỉ đạo cấp nhà nước đúng đắn kịp thời, dựa trên quyền lợi của người dân thì tiếng chửi của người dân trên mạng xã hội sẽ bớt dần đi.

Dịch Vũ Hán trở thành môi trường mà người nhân Việt có thể dễ dàng nhận ra ai xứng đáng giữ vai trò thủ lãnh trong và sau mùa dịch bệnh. Tinh thần chống dịch bệnh có thể được kế tục trong phát triển kinh tế, xã hội và điều này nếu thành hiện thực sẽ hình thành cơ sở tín nhiệm chính trị trong dư luận xã hội Việt Nam

Anh Thư

Nguồn : VNTB, 31/03/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Nguyễn Tường Thụy, Anh Thư, Thu Thủy
Read 752 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)