Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/04/2020

Trại tế bần và tù nhân Việt Nam trong mùa dịch Covid-19

Hiền Vương - Thu Thủy

Ám ảnh trại tế bần

Hiền Vương, VNTB, 03/04/2020

Từ nay đến hết ngày 3/4, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung đưa người xin ăn, lang thang vào các cơ sở xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

teban1

Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần đồng nghĩa với trại tế bần

Chính quyền yêu cầu từ nay đến hết ngày 3/4 tập trung hết các đối tượng ăn mày, lang thang đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần (đối với trường hợp có biểu hiện tâm thần) thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhiều người dân độ tuổi từ 50 ở Sài Gòn chắc còn nhớ, tên gọi các trung tâm hỗ trợ xã hội, chính là những trại tế bần trước tháng tư 1975 ở miền Nam. Nhà văn Duyên Anh viết về thế giới du đãng, cũng thường hay tả về đời sống đầy ám ảnh như ngục tù ở trại tế bần thời chiến tranh loạn lạc.

Có câu chuyện kể vầy : hồi đó ở Sài Gòn có rạp xi nê Cathay ở ngã tư Công Lý - Nguyễn Công Trứ thường xảy ra những trận ấu đả giành giựt khách đánh giày của lũ trẻ bụi đời. Trần Đại lì lợm, liều mạng, trăm trận trăm thắng với tay chân mặt mũi đầy những vết bầm tím, rướm máu. Năm 14 tuổi, Đại xếp sòng khu vực rạp chiếu bóng Cathay, nên được gọi là Đại Cathay từ đó.

Đại đã từng bị tống vào trại giáo hoá thiếu nhi Thủ Đức, trại tế bần ở cầu chữ Y. Đầu năm 1960, Đại trên 20 tuổi, đã trở thành ông trùm khét tiếng. Hắn bảo kê hầu hết các sòng bài, tiệm hút, vũ trường, động mãi dâm ở quận 1, ngoài những cao thủ trong làng dao búa, Đại Cathay bắt đầu quen biết với tầng lớp trí thức, con nhà gia thế, học trường Tây, như bác sĩ Nghiệp, Hoàng Sayonara (còn gọi là Hoàng Guitar), Dzách Bửu, Dzí Bửu, Hùng Đầu bò…

Trong giới nghệ sĩ, Duyên Anh là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, đã gặp Đại Cathay và Hoàng Sayonara ở tiệm hút. Tên của hai du đảng nầy là nguồn cảm hứng để Duyên Anh sáng tác những tiểu thuyết Điệu ru nước mắt (Đại Cathay), Vết hằn trên lưng ngựa hoang (Hoàng Sayonara), Trần Thị Diễm Châu (Châu Kool - vợ của Đại, tên Nhàn)... Đạo diễn Lê Dân đã đưa những tiểu thuyết này của Duyên Anh lên thành phim. Nhạc sĩ Phạm Duy và Ngọc Chánh sáng tác bản nhạc Vết thù trên lưng ngựa hoang cũng từ cảm hứng giang hồ đó.

"Tế bần" có nghĩa là ‘giúp cho người nghèo’. Thế nhưng vào trại tế bần hồi hơn 45 năm về trước và trung tâm hỗ trợ xã hội từ sau tháng tư, 1975 đến nay đều có điểm chung, đó là một thế giới đã bắt đáy xã hội. Ngôn ngữ chung của trại tế bần hôm qua và trung tâm hỗ trợ xã hội hiện tại, đều là thù hận, là nắm đấm thay cho yêu thương.

Vụ dâm ô trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 11 năm ngoái là một ví dụ cho ám ảnh trại tế bần.

"Thầy đó (tức ông Dũng - người viết chú thích) dụ bọn con cho thuốc lá, nước sôi để ăn mì gói, hứa cho về sớm. Đáp lại, bọn con gồm : K.N, K.T, K.D, B.N… thường xuyên bị thầy yêu cầu cởi áo, cởi quần đứng trong phòng để thầy đứng bên ngoài thò tay qua cửa sổ (phía sau phòng) sờ vào ngực, vùng kín.

Có những lúc nhậu xỉn, thầy bắt bọn con cầm "của quý" của ổng cho đến lúc thầy thỏa mãn mới xong. K.N là người bị thầy sờ nhiều nhất. Sự việc thường từ 21 - 23 giờ, mỗi lần sờ các bạn, thầy yêu cầu 1 bạn (thường là K.D) đứng gần cửa sổ phòng để cảnh giới. Nếu có ai tới gần thì báo hiệu để thầy bỏ đi.

Sau mỗi lần như vậy, thầy cho phòng con thuốc lá, bật lửa để hút. Bọn con tức lắm, muốn hét lớn lên nhưng lúc đó khuya, các thầy khác đi về hết rồi không ai nghe. Lúc ra ngoài lao động, sinh hoạt, bọn con muốn nói với các thầy khác nghe nhưng thầy ấy (tức ông Dũng) lại gần đe dọa "nói đi thì sẽ biết tay !" nên cả nhóm không dám nói" - trích biên bản vụ việc dâm ô trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng ở địa chỉ này, mấy năm trước từng xảy ra loạt các ông, bà Trần Thu Nguyệt, Long Trần, Chế Hoàng, Đỗ Phi Trường, Lê Xuân Diệu… đã chia sẻ lên trang facebook cá nhân về những trải nghiệm của mình trong quãng thời gian bị cưỡng ép đưa về đây, cho thấy rằng bên trong một trung tâm hỗ trợ xã hội, nhân phẩm của nhiều người bị xúc phạm nặng nề.

Giờ thì vì ngừa dịch bệnh lây lan trong thời gian ‘cách ly toàn xã hội’, tất cả những người cơ nhỡ sống vạ vật nơi hè phố sẽ được ‘thu gom’ hết về các nơi gọi là trung tâm hỗ trợ xã hội.

Không rõ nhà chức trách sẽ đưa ra những quyết sách gì để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra lây lan thành những ổ dịch ở nơi vốn đã đầy tai tiếng này ?

************************

Cấm tù nhân tự tử - quy định "tuồng chèo" của Bộ Công an Việt Nam

Thu Thủy, Thoibao.de, 03/04/2020

Một thông tư của Bộ trưởng Công an Việt Nam có hiệu lực từ ngày 03/04/2020 đề ra nội quy có tính bổ sung cho các trại giam và cấm tù nhân không được làm một loạt thứ.

teban2

"Bộ Công an Việt Nam không hiểu nổi việc cho ai đó vào tù không có nghĩa là tước đoạt hết mọi quyền của người đó, coi họ thấp kém hơn con người".

Theo nội dung văn bản này được các báo Việt Nam hôm 01/04 trích đăng thì : "Các phạm nhân nam bị cấm cạo trọc đầu (trừ trường hợp bị bệnh có ý kiến của cán bộ y tế), để râu, ria mép. Hành vi quan hệ đồng tính, dâm ô giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác, xăm trổ trên thân thể mình hoặc người khác cũng bị cấm hoàn toàn".

Điều được cả báo chí nước ngoài chú ý - như trong bản tin DPA đánh đi từ Việt Nam cùng ngày ghi nhận - là điều "cấm phạm nhân tự sát".

Cụ thể hành vi bị nghiêm cấm là : "Tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể hoặc giúp người khác tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể ; đánh đập, đe dọa, ức hiếp, khống chế, hành hạ, làm nhục người khác ; chiếm đoạt hoặc hủy hoại, làm hư hỏng tài sản, đồ vật của cơ sở giam giữ phạm nhân, của mình hoặc của người khác ; tự ý tiếp xúc với người đến thăm gặp hoặc người khác".

Có vẻ như thông tư muốn đề cập đến nhiều tệ nạn gọi là "băng đảng, đại bàng" trong các nhà tù ở Việt Nam nên đã "cấm đánh đập, đe dọa, ức hiếp, khống chế, hành hạ, làm nhục người khác".

Hoạt động kinh tế ngầm trong trại giam cũng bị nêu ra : "Cấm mua bán, trao đổi, vay mượn dưới mọi hình thức giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác…
Trao đổi sách báo, ấn phẩm bị cho là "chống chế độ" trong nhà tù cũng bị cấm, dù điều này tưởng như đã được áp dụng trên toàn xã hội. "Lưu trữ, sử dụng các loại sách, báo, tài liệu có nội dung không lành mạnh ; truyền bá văn hóa, tư tưởng có nội dung phản động, đồi trụy ; sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo không đúng nơi, đúng thời gian quy định của cơ sở giam giữ", trang Zing News trích thông tư cho biết.

Phản ứng trước Thông tư mới này, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói : "Bộ Công an Việt Nam không hiểu nổi việc cho ai đó vào tù không có nghĩa là tước đoạt hết mọi quyền của người đó, coi họ thấp kém hơn con người (less than human)".

Các báo Việt Nam, gồm cả báo của Bộ Công an, đã từng nêu công khai về tình trạng băng đảng, "đại bàng" buồng giam có quyền sinh quyền sát với bạn tù.

Hồi tháng 8/2017 tòa án Thành phố Hồ Chí Minh xử một ‘đại bàng’ là Lại Văn Hoài đã khống chế các tù nhân trong nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh vì được trao chức trưởng buồng.

"Tại đây, Hoài tự đặt ra quy định, những ai vi phạm hoặc tự ý sinh hoạt không xin phép thì sẽ bị anh ta đánh đập, tra tấn bằng những cách khác nhau như nhấn đầu xuống nước hoặc cho ăn phân…", theo trang Zing.

Dù cùng đồng bọn "ngâm nước và đánh chết" một bạn tù, bị cáo chỉ bị tòa án xử 15 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích.

Theo báo Pháp Luật hồi tháng 4/2019, trên hai năm trước đó, tại Nhà giam giữ của công an Thành phố Phan Thiết, một đại bàng là Lê Trọng Sang đã đánh vỡ sọ, làm tử vong một người cùng giam.

Sau án mạng này, đến năm 2019, tòa án đã khởi tố trung úy Nguyễn Thành Tôn, cán bộ quản giáo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Lê Trọng Sang, "một đàn anh có số má" trong giới giang hồ ở Bình Thuận bị xử 13 năm tù giam.

teban3

Ảnh : Tù nhân lương tâm Việt nam

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) hôm 30/3 đã phát động chiến dịch #FreeThePress để kêu gọi phóng thích vô điều kiện tất cả các nhà báo bị bỏ tù để đảm bảo an toàn cho họ trong đại dịch cúm Vũ Hán.

CPJ là một tổ chức phi lợi nhuận, trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên cổ súy, thúc đẩy tự do báo chí trên toàn thế giới.

Trong bốn năm qua, cuộc điều tra dân số hàng năm của CPJ đã nhận thấy ít nhất 250 nhà báo đang bị cầm tù chỉ vì thực hiện công việc của họ. CPJ cho rằng đây là con số cao kỷ lục.

Vẫn theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả, những nhà báo đó hiện đang có tiềm năng đối mặt với cái chết vì Tổ chức Y tế Thế giới cho biết các tù nhân đặc biệt dễ bị nhiễm virus do không thể tự cô lập trong tù. Thêm vào đó, các tù nhân thường xuyên bị từ chối điều trị y tế.

Giám đốc điều hành Ủy ban Bảo vệ Ký giả, ông Joel Simon, cho rằng dịch bệnh do Virus cúm Vũ Hán gây ra đang lan rộng nhanh chóng qua các nhà tù. Vì vậy, CPJ kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy hành động nhanh chóng và quyết đoán để giải phóng tất cả các nhà báo đằng sau song sắt, như một vấn đề của sự sống và cái chết.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ký giả Trương Minh Đức hiện đang bị giam giữ tại Trại 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, bày tỏ vui mừng trước kêu gọi vừa nêu của CPJ.

"Cũng mong kêu gọi Liên Hiệp Quốc, các mạng lưới nhân quyền, hoặc các báo, đài, anh chị em ngoài nước làm sao để chồng tôi được phóng thích, được ra khỏi trại giam, tự do như những người bình thường".

"Đấy là mơ ước từ xưa đến nay. Nói chung chồng tôi bị tù tội rất oan ức vì vô tội mà bị án oan hết đợt tù trước đến đợt tù này. Nếu được chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích cho chồng tôi cũng như các anh em tù nhân lương tâm. Đó là điều chúng tôi mong mỏi nhất". Bà Nguyễn Thị Kim Thanh bày tỏ.

Ông Trương Minh Đức sinh năm 1960, từng là một ký giả độc lập, một nhà hoạt động công đoàn độc lập và là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Ông bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế theo điều 79 ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’.

Theo lời bà Kim Thanh, trước tình hình bệnh dịch cúm Vũ Hán lây lan như hiện nay, bà rất lo cho sức khỏe chồng bà : "Vì nạn dịch này mà bây giờ như trường hợp của chồng tôi đang ở trong chỗ trại tù khắc nghiệt như vậy mà trong mấy tháng nay mình không được đi thăm, gặp chồng nên thấy nóng ruột, không biết tình hình sức khỏe chồng mình trong đó làm sao. Cảm thấy rất lo lắng, bất an. Nạn dịch xảy ra khiến kinh tế, tất cả các thứ khó khăn. Tất cả các gia đình chúng tôi rất khổ bởi vì công việc không có, không làm ra (tiền), khó khăn chăm lo cho gia đình, rồi còn gửi tiền, tiếp tế đồ ăn gửi bưu điện vào cho chồng".

Đồng cảm với bà Nguyễn Thị Kim Thanh, chị Nguyễn Thị Huệ, chị ruột tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, phóng viên Đài RFA cũng chia sẻ những khó khăn trong việc thăm gặp em trai đang bị giam giữ tại trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam trong mùa dịch cúm Vũ Hán này :

"Người thân của những người trong tù rất lo lắng, muốn vào trại giam thăm nguời thân mình xem có ổn hay không, nói chung rất nhiều sự lo lắng luôn ám ảnh trong đầu. Hiện tại gia đình có muốn thăm gặp thì trại giam cũng không cho vì họ có thông báo trước".

"Trong điều kiện thăm gặp được thì việc tiếp tế đồ ăn cho người thân cũng rất quan trọng. Nhưng thời điểm này tiếp tế đồ ăn cũng rất khó khăn, trại giam hạn chế thực phẩm đợt dịch này. Nói chung từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 3 gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thăm gặp". chị Nguyễn Thị Huệ nói.

Do đó, chị Nguyễn Thị Huệ cảm thấy rất vui khi các tổ chức nhân quyền vẫn lên tiếng giúp đỡ cho các anh em tù nhân lương tâm nói chung và trường hợp Nguyễn Văn Hóa nói riêng, chị nói : "Rất vui mừng nhưng điều đó có xảy ra hay không mới quan trọng. Theo nhận định theo phía người thân của gia đình thì không thể hy vọng cao vấn đề đó. Hy vọng trong thời gian này chính phủ quan tâm đến công dân Việt Nam, trước hết là tính mạng con người và sự an toàn cho tất cả mọi người. Đặc biệt rất mong chính phủ Việt Nam quan tâm đến vấn đề đó".

teban4

Tử tù bị thi hành án tiêm thuốc độc cho chết ở Việt Nam

Trong thông cáo đưa ra vào ngày 30/3, CPJ cũng đã công bố một bản kiến nghị và một bức thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo thế giới yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo bị cầm tù. Chiến dịch sẽ có các video từ các nhà báo bị cầm tù trước đây. Chiến dịch sẽ lên đến đỉnh điểm vào Ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3 tháng 5 tới đây.

Dưới góc nhìn của một người cầm viết, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng bày tỏ sự ủng hộ :

"Việc mà Ủy ban Nhà báo quốc tế kêu gọi tôi nghĩ rất là cần thiết và nên làm. Tôi chưa hiểu chính phủ Việt Nam sẽ có phản ứng thế nào vì đến bây giờ vẫn chưa nghe tin tức gì nên vẫn phải trông chờ từ phía chính phủ. Tôi tin rằng xác suất rất ít, chỉ không trắng trợn và tàn bạo như ở Trung Quốc vì chính phủ Việt Nam không có quyền lực, sức mạnh và tài chính như ở Trung Quốc nhưng chúng ta đều thấy Việt Nam là bản sao của Trung Quốc".

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội, không chỉ riêng tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm mà còn cả những tù nhân khác cũng cần được quan tâm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói :

"Tôi nghĩ thật sự cần kêu gọi thả tất cả tù chính trị ra, thậm chí cả các tù nhân sắp đến hạn ra. Vì thật sự trong tình cảnh bệnh dịch như thế này thì các nhà tù là những nơi dễ lây lan bệnh dịch nhất và rất nguy hiểm. Đấy là việc đòi, còn ở Việt Nam có đáp ứng hay không thì tôi nghĩ xác suất là rất nhỏ bởi vì với các nhà báo, tù chính trị có khi họ coi còn nguy hiểm hơn cúm Vũ Hán. Bởi vì nó làm lây lan những thứ làm lung lay vị thế của họ, chỗ ngồi của họ. Nên tôi khó tin là họ sẽ đáp ứng lời kêu gọi ấy".

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 11/3 công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2019, lên án tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong năm 2019 trên một loạt các lĩnh vực.
Cụ thể, Hoa Kỳ xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm : bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị.

Theo thống kê của Ủy ban Bảo vệ Ký giả công bố hồi cuối năm ngoái, Việt Nam đã bỏ tù ít nhất 12 nhà báo trong năm 2019 và là một trong nhóm 10 nước đứng đầu thế giới về các biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 03/04/2020

*****************

Việt Nam : Cấm tù nhân để râu ria, trọc đầu, xăm mình, yêu đồng tính

BBC, 01/04/2020

Một thông tư của Bộ trưởng Công an Việt Nam có hiệu lực từ ngày 03/04/2020 đề ra nội quy có tính bổ sung cho các trại giam và cấm tù nhân không được làm một loạt thứ.

teban5

Tù nhân ở Việt Nam bị cấm tự sát

Theo nội dung văn bản này được các báo Việt Nam hôm 01/04 trích đăng thì :

"Các phạm nhân nam bị cấm cạo trọc đầu (trừ trường hợp bị bệnh có ý kiến của cán bộ y tế), để râu, ria mép. Hành vi quan hệ đồng tính, dâm ô giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác, xăm trổ trên thân thể mình hoặc người khác cũng bị cấm hoàn toàn".

Điều được cả báo chí nước ngoài chú ý - như trong bản tin DPA đánh đi từ Việt Nam cùng ngày ghi nhận - là điều "cấm phạm nhân tự sát".

Cụ thể hành vi bị nghiêm cấm là :

"Tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể hoặc giúp người khác tự sát, tự gây thương tích, hủy hoại thân thể ; đánh đập, đe dọa, ức hiếp, khống chế, hành hạ, làm nhục người khác ; chiếm đoạt hoặc hủy hoại, làm hư hỏng tài sản, đồ vật của cơ sở giam giữ phạm nhân, của mình hoặc của người khác ; tự ý tiếp xúc với người đến thăm gặp hoặc người khác".

Có vẻ như thông tư muốn đề cập đến nhiều tệ nạn gọi là "băng đảng, đại bàng" trong các nhà tù ở Việt Nam nên đã "cấm đánh đập, đe dọa, ức hiếp, khống chế, hành hạ, làm nhục người khác".

Hoạt động kinh tế ngầm trong trại giam cũng bị nêu ra :

"Cấm mua bán, trao đổi, vay mượn dưới mọi hình thức giữa phạm nhân với nhau hoặc với người khác..".

Trao đổi sách báo, ấn phẩm bị cho là "chống chế độ" trong nhà tù cũng bị cấm, dù điều này tưởng như đã được áp dụng trên toàn xã hội.

"Lưu trữ, sử dụng các loại sách, báo, tài liệu có nội dung không lành mạnh ; truyền bá văn hóa, tư tưởng có nội dung phản động, đồi trụy ; sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo không đúng nơi, đúng thời gian quy định của cơ sở giam giữ"., trang Zing News trích thông tư cho biết.

Phản ứng trước Thông tư mới này, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói :

"Bộ Công an Việt Nam không hiểu nổi việc cho ai đó vào tù không có nghĩa là tước đoạt hết mọi quyền của người đó, coi họ thấp kém hơn con người (less than human)".

Án mạng ngay trong nhà tù Việt Nam

Các báo Việt Nam gồm cả báo của Bộ Công an, đã từng nêu công khai về tình trạng băng đảng, "đại bàng" buồng giam có quyền sinh quyền sát với bạn tù.

Hồi tháng 8/2017 tòa án Thành phố Hồ Chí Minh xử một 'đại bàng' là Lại Văn Hoài đã khống chế các tù nhân trong nhà tạm giữ Công an huyện Bình Chánh vì được trao chức trưởng buồng.

"Tại đây, Hoài tự đặt ra quy định, những ai vi phạm hoặc tự ý sinh hoạt không xin phép thì sẽ bị anh ta đánh đập, tra tấn bằng những cách khác nhau như nhấn đầu xuống nước hoặc cho ăn phân.."., theo trang Zing.

Dù cùng ̣đồng bọn "ngâm nước và đánh chết" một bạn tù, bị cáo chỉ bị tòa án xử 15 năm tù vì tội Cố ý gây thương tích.

Theo báo Pháp Luật hồi tháng 4/2019, trên hai năm trước đó, tại Nhà giam giữ của công an Thành phố Phan Thiết, một đại bàng là Lê Trọng Sang đã đánh vỡ sọ, làm tử vong một người cùng giam.

Sau án mạng này, đến năm 2019, tòa án đã khởi tố trung úy Nguyễn Thành Tôn, cán bộ quản giáo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng .

Lê Trọng Sang, "một đàn anh có số má" trong giới giang hồ ở Bình Thuận bị xử 13 năm tù giam.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hiền Vương, Thu Thủy, BBC tiếng Việt
Read 908 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)