Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2020

WHO đang trở thành con cừu ngoan ngoãn của Bắc Kinh

Lanhee J.Chen - Thụy My - François Godement

Thất lạc ở Bắc Kinh : Câu chuyện của WHO

Lanhee J.Chen, Thụy My, RFI, 09/04/2020

"Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở WHO, tổng giám đốc sắp tới không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh. Nếu các nỗ lực chuyển đổi WHO không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu".

who1

Ông Bruce Aylward, nguời đứng đầu phái đoàn WHO-Trung Quốc về virus corona trong cuộc họp báo tại Genève ngày 25/02/2020, sau chuyến thăm Bắc Kinh. © Reuters/Denis Balibouse/File Photo

Trên trang Ý kiến của Wall Street Journal ngày 08/04/2020, tác giả Lanhee J.Chen (Trần Nhân Nghi), thành viên Hoover Institution có bài viết mang tựa đề "Thất lạc ở Bắc Kinh : Câu chuyện của WHO" (Lost in Beijing : The Story of the WHO – dựa theo tựa đề bộ phim nổi tiếng Lost in Translation). Chuyên gia này nhận định, Trung Quốc đang thao túng nặng nề Tổ chức Y tế Thế giới. Hoa Kỳ cần phải chỉnh đốn điều này, còn nếu không thì nên ra đi và thành lập một tổ chức khác.

Theo tác giả, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không chỉ "thiên về Trung Quốc" như tổng thống Trump đã nói hôm thứ Ba 7/4, mà còn đã "hỏng bét và thỏa hiệp".

WHO đã lúng túng khi dịch Ebola xảy ra tại Tây Phi năm 2014, khiến trên 11.000 người thiệt mạng. Giờ đây phản ứng của WHO trước đại dịch virus corona chứng tỏ tổ chức này đặt chính trị lên trên sức khỏe công chúng. Cung cách WHO thường xuyên ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ nhu cầu cần phải cải cách một cách căn cơ.

Hoa Kỳ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, với hơn 400 triệu đô la năm 2019, còn Trung Quốc đóng chỉ có 44 triệu đô la, theo bộ Ngoại Giao Mỹ. Donald Trump đề nghị nước Mỹ giữ lại số tài trợ này trong lúc chính quyền giám sát kỹ những gì đạt được. Theo ông Chen, tổng thống Mỹ và Quốc Hội cần phải đi xa hơn nữa.

Trong khi Washington chi tiền, thì Bắc Kinh đứng sau hậu trường để giựt dây các nhà lãnh đạo WHO. Tổng giám đốc hiện nay, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã được chính quyền Trung Quốc ủng hộ hết sức mạnh mẽ trong cuộc chạy đua vào chức vụ này.

Ông Tedros là một chọn lựa gây tranh cãi, do bị cáo buộc đã che giấu nạn dịch tả tại quê hương Ethiopia của ông, lúc đang là bộ trưởng y tế (2005-2012) và sau đó là ngoại trưởng (2012-2016). Trong những năm đó, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào Ethiopia và cho vay nhiều tỉ đô la. Chẳng bao lâu sau khi được bầu làm tổng giám đốc WHO, ông Tedros đến ngay Bắc Kinh và ca ngợi hệ thống y tế của nước này : "Tất cả chúng ta đều học được điều gì đó từ Trung Quốc".

Dưới sự lãnh đạo của ông Tedros, Tổ chức Y tế Thế giới đã chấp nhận những dối trá của Trung Quốc về virus corona, và giúp Bắc Kinh phủi trách nhiệm, thông qua những tuyên bố có vẻ nghiêm túc. Ngày 14/01/2020, ngay cả trước khi phái đoàn chính thức của WHO đến Trung Quốc, họ đã nhắc lại như vẹt tuyên bố của Bắc Kinh là "không có bằng chứng rõ ràng là virus này lây từ người sang người".

Hai tuần sau đó, khi Trung Quốc cho biết có hơn 4.500 ca nhiễm virus và trên 70 người tại các nước khác lâm bệnh, ông Tedros đến thăm Bắc Kinh và ca ngợi "tính minh bạch" của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Cần nhắc lại rằng Trung Quốc đã đợi đến sáu tuần lễ sau khi những bệnh nhân đầu tiên ở Vũ Hán xuất hiện các triệu chứng, mới bắt đầu cho phong tỏa. Trong thời gian đó, chính quyền Trung Quốc kiểm duyệt và trừng phạt tất cả những ai cố gắng đưa ra lời cảnh báo, nhắc đi nhắc lại những lời dối trá là con virus không lây từ người này sang người khác, lại còn tổ chức một buổi tiệc lớn ngoài trời ở Vũ Hán với mấy chục ngàn gia đình tham dự.

Cùng lúc ấy đã có hơn năm triệu người rời Vũ Hán, theo như thị trưởng cho biết. Trong đó có cả bệnh nhân đầu tiên được xác nhận là dương tính tại Mỹ.

Rốt cuộc WHO cũng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về y tế vào ngày 30/1, sau khi đã xác định được gần 10.000 ca dương tính với virus corona. Con số mà Trung Quốc đưa ra vào đầu tháng Hai tăng lên trên 17.000 ca dương tính và 361 trường hợp tử vong.

Tuy vậy ông Tedros lại chỉ trích tổng thống Donald Trump vì đã hạn chế số khách từ Trung Quốc đến Mỹ, và cổ vũ các nước khác không nên theo chân Hoa Kỳ. Tedros nói rằng nguy cơ virus lan ra bên ngoài Trung Quốc là "tối thiểu và rất chậm".

Mãi đến ngày 11/3, WHO mới chịu tuyên bố đại dịch. Vào lúc đó, con số chính thức đã lên đến 118.000 người tại 114 quốc gia bị nhiễm con virus từ Vũ Hán !

Ảnh hưởng của Trung Quốc còn thấy rất rõ trong việc WHO loại Đài Loan ra ngoài. WHO thậm chí còn không thèm trả lời khi Đài Loan cho biết kết quả điều tra vào tháng 12/2019, rằng ngược với những gì Bắc Kinh khẳng định, virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người.

Tháng trước, một phóng viên truyền hình Hồng Kông đã đặt câu hỏi với Bruce Aylward, người lãnh đạo phái bộ chung WHO-Trung Quốc về virus corona, là liệu Tổ chức Y tế Thế giới có suy nghĩ lại về việc từ chối không cho Đài Loan gia nhập hay không. Trong video được nối kết, ông Aylward im lặng không nói được gì trong gần 10 giây đồng hồ. Phóng viên phải nhắc "Hello ?". Aylward rốt cuộc trả lời :

- Rất tiếc, tôi không nghe được câu hỏi của cô.

- Để tôi hỏi lại.

- Không, như vậy được rồi. Hãy chuyển sang câu khác.

Khi cô phóng viên cứ hỏi tiếp về Đài Loan, ông ta ngắt kết nối. Nhà báo gọi lại và cố khai thác theo một góc độ khác : "Tôi chỉ muốn biết nếu ông có thể bình luận một chút về việc Đài Loan đã làm thế nào để ngăn chận được con virus".

Ông Aylward trả lời : "Chúng ta đã nói về Trung Quốc và cô biết đấy, khi nhìn vào tất cả các địa phương của Trung Quốc, họ đều làm tốt công việc".

Cuộc trao đổi này cho thấy WHO đã đặt chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng như thế nào. Cũng như Tedros, ông Aylward đã đánh đồng quan điểm của Trung Quốc với Đài Loan và lúc nào cũng tìm cách ca ngợi các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong cuộc khủng hoảng, chưa bao giờ WHO điều tra kỹ lưỡng về những gì Bắc Kinh tuyên bố về con virus, hay tỏ ra minh bạch về cách nghĩ phía sau các quyết định.

Là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, Hoa Kỳ có quyền thúc đẩy một sự cải cách triệt để. Quốc Hội nên đặt điều kiện cho mọi tài trợ trong tương lai, WHO phải giải thích cụ thể cho những quyết định về y tế cộng đồng, điều tra nghiêm túc và độc lập khi nạn dịch lan rộng.

Hoa Kỳ cần phải hành động tích cực hơn để thay đổi cung cách làm việc và lãnh đạo ở WHO. Chính quyền Trump đã có một bước đầu tốt đẹp hồi tháng Giêng khi đặt ra chức đặc phái viên ở bộ Ngoại Giao, tập trung vào việc chống lại các mưu toan của Trung Quốc nhằm kiểm soát các tổ chức quốc tế. Tổng giám đốc sắp tới của WHO không thể là con dấu cao su của Bắc Kinh.

Tác giả Lanhee J.Chen kết luận, nếu các nỗ lực chuyển đổi WHO không hiệu quả, có lẽ Hoa Kỳ không còn cách nào khác là ra đi và làm lại từ đầu. Có thể thành lập một tổ chức tương tự, mở rộng cho tất cả các nước tôn trọng các tiêu chí cao nhất về minh bạch, quản lý giỏi và chia sẻ những phương pháp tốt nhất.

Thế giới cần có một tổ chức khả tín để đối mặt với những vấn đề sức khỏe cộng đồng xuyên biên giới – nếu không phải là WHO, thì sẽ là một tổ chức khác.

Lanhee J.Chen, Thụy My

Nguồn : RFI, 09/04/2020

Nguyên tác : Lost in Beijing : The Story of the WHO, Wall Street Journal, 08/04/2020

Lanhee J.Chen (Trần Nhân Nghi) là thành viên của Hoover Institution, giám đốc nghiên cứu về chính sách đối nội của chương trình chính trị công, trường đại học Stanford (California, Hoa Kỳ). Chuyên gia này từng là cố vấn chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống của thượng nghị sĩ Mitt Romney năm 2012, được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Hội đồng cố vấn lưỡng đảng về chính sách an sinh xã hội.

***************

Covid-19 : WHO mất uy tín lâu dài vì "theo đuôi" Trung Quốc

François Godement, RFI, 09/04/2020

Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc cho đến ngày nay, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO/OMS không hề lên tiếng chỉ trích bất kỳ tuyên bố của chính quyền Trung Quốc. Theo nhật báo Pháp Les Echos ngày 08/04/2020, sự thiếu vắng phản ứng nói trên của WHO giải thích phần lớn sự chậm trễ trong việc xử lý đại dịch Covid-19.

who2

Trụ sở của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Genève, Thụy Sĩ. Reuters - Denis Balibouse

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, ông François Godement, chuyên gia kỳ cựu về Châu Á tại Viện Montaigne (Pháp) cho rằng thái độ phục tùng Bắc Kinh của lãnh đạo WHO đã làm cho hình ảnh của định chế này sứt mẻ lâu dài.

Les Echos : Tổng thống Mỹ (ngày 07/04/2020) đã chỉ trích WHO về cách xử lý kém cỏi hồ sơ virus corona. Những chỉ trích này có cơ sở hay không ?

François Godement : Từ nhiều tuần lễ nay, cách xử lý của WHO quả là đã bị chỉ trích nhiều lời chỉ trích, chứ không đợi đến lượt ông Donald Trump.

Ngày nay, khi người ta nhìn lại diễn tiến tình hình từ tháng 11/2019, nhiều điểm then chốt đã cho thấy rõ là WHO đã phản ứng chậm trễ ở chỗ nào.

Đài Loan đã hoài công cảnh báo WHO vào cuối tháng 12 về một dạng mới của virus corona xuất hiện ở Trung Quốc, nhiều ngày trước khi chính quyền Bắc Kinh gợi lên chuyện này.

Thế nhưng WHO vẫn không hề có phản ứng, mà phải đợi đến ngày 12/02/2020 mới cử một phái bộ đến xem xét tại chỗ. Trong lúc đó thì ngay ngày 24/01, vị tổng giám đốc đã công nhận, sau Trung Quốc, là virus corona có thể lây từ người sang người. Tất cả những điều này đã làm chậm trễ việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Và cuối cùng thì WHO phải đợi đến ngày 11/03 mới tuyên bố việc virus lây lan là đại dịch toàn cầu. Có lẽ đây là điểm WHO có thể ít bị chỉ trích, vì theo nguyên tắc của mình, định chế này chỉ có thể thông báo một sự kiện khi sự kiện đó thật sự xẩy ra : trước đó thì WHO đã gợi lên nguy cơ cao về đại dịch.

Les Echos : WHO như vậy đã bị mất tư cách ?

François Godemen : Phải nhớ là về mặt kỹ thuật, WHO là một cỗ máy hùng mạnh, với một chính sách phòng ngừa và hoạt động trên hiện trường nhờ việc phân cấp quyền hành cho các văn phòng khu vực.

Nhưng về mặt chính trị, và người ta đã thấy rõ điều này với dịch Covid-19, hình ảnh của tổ chức ngày nay đã bị sứt mẻ lâu dài.

Les Echos : WHO chủ yếu bị phê phán về những lập luận quá thiên về Trung Quốc. Vì sao có tình trạng đó ?

François Godemen : Đúng vậy. Tổ chức Y tế Thế giới đã và cũng đang không phản bác bất kỳ phát biểu chính thức nào của Trung Quốc. Ngay cả khi có những lời chứng bác bỏ các tuyên bố đó. WHO không hề có thông báo gì về nguồn gốc thật sự của dịch bệnh, tất cả đều chỉ tập trung trên việc xử lý khủng hoảng.

Tình trạng đó cũng có thể xuất phát từ việc Trung Quốc đã không hoàn toàn mở cửa cho chuyên gia của WHO vào xem xét.

Về phần mình thì tổ chức có trụ sở ở Genève này luôn luôn tránh công khai chỉ trích những quốc gia thành viên mà họ tùy thuộc. Đối bác sĩ Tedros, được bầu lên nhờ Trung Quốc vào năm 2017, việc không chỉ trích Bắc Kinh cho phép ông hy vọng được Trung Quốc hợp tác trên nhiều hồ sơ khác.

Les Echos : Vấn đề Đài Loan, mà Trung Quốc đã làm cho bị loại ra khỏi WHO, phải chăng đó là thêm một bằng chứng cho thấy vấn đề cũng mang tính chất chính trị ?

François Godemen : Một phần lớn mối quan tâm của Trung Quốc đối với các định chế của Liên Hiệp Quốc bắt nguồn từ động cơ muốn cản đường Đài Loan, mà Trung Quốc xem là một tỉnh của họ.

Gần đây thì Bắc Kinh đã thành công trong việc cấm những người mang hộ chiếu Đài Loan vào các trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và Genève. Điều này đủ để cho thấy là giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể đi đến đâu. Đó chính là chính sách ngoại giao tẩy chay mà Bắc Kinh thực hiện trong một chiến dịch trường kỳ.

François Godement

Nguyên tác : "L'OMS ne remet pas en cause les déclarations officielles de la Chine", Les Echos, 08/04/2020

Mai Vân dịch

Nguồn : RFI, 09/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lanhee J.Chen, Thụy My, François Godement
Read 674 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)