Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2020

Bùi Quang Tín : thêm một cái chết nhảy lầu đầy bí ẩn

Nhiều tác giả

Bí ẩn triều đại Nguyễn Phú Trọng : Vì sao Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Thứ trưởng Lê Hải An phải chết ?

Thu Thủy, Thoibao.de, 09/04/2020

Buổi "tiệc ly" của lãnh đạo trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tại Nhà Bè, Thành phố Chí Minh đã kết thúc bằng cái chết của Tiến sĩ Bùi Quang Tín, rơi xuống từ tầng 14 không lâu sau đó.

tin1

Tiến sĩ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Lê Hải An (trái) tử vong do ngã từ tầng 8 xuống đất ngày 17/10/19. Tiến sĩ Luật sư Bùi Quang Tín (bìa phải) ngã từ tầng 14 chung cư tử vong hôm 5/4/2020

Ông Bùi Quang Tín, 44 tuổi, được coi là trí thức tinh hoa, học ở nước ngoài trở về Việt Nam.

Ông cũng có nhiều đóng góp cho giáo dục tài chính ngân hàng, là luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh và thường xuyên được báo chí dẫn phát biểu như là kiến thức cơ bản về lĩnh vực ngân hàng.

Truyền thông trong nước, vào ngày 6/4, dẫn thông tin theo điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Nhà Bè xác nhận Tiến sĩ -Luật sư Bùi Quang Tín, thành viên Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Giảng viên Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, đã rơi từ tầng 14 chung cư New Saigon, huyện Nhà Bè vào ngày 5/4 và tử vong.

Vị trí ông Tín bị thiệt mạng được nói nằm phương thẳng đứng với các lan can của các căn hộ khu D2. Lan can của các căn hộ này có độ cao 1,2 m. Và, đây là lần đầu tiên xảy ra vụ việc như vậy tại chung cư New Saigon.
Tiến sĩ-Luật sư Bùi Quang Tín bị ngã lầu tử vong ngay sau buổi gặp gỡ và dùng cơm, uống bia rượu cùng với nhóm 8 cán bộ chủ chốt của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, tại căn chung cư của ông Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế của trường.

Mới năm ngoái, ngành giáo dục cũng chứng kiến cái chết bí ẩn của thứ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo Lê Hải An, rơi xuống từ tầng 8, ngay trụ sở bộ.

Cả hai ông đều được giới học thuật và truyền thông kính trọng.

Sau khi truyền thông đưa tin vụ giảng viên Bùi Quang Tín tử vong, nhiều người cho rằng "Chủ nhà đã không tuân thủ chỉ thị của Thủ tướng, đang chống dịch Cúm Vũ Hán còn tổ chức ăn nhậu" ; "Tụ tập đông người trong thời gian chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội mùa dịch là sai"…

Không ít người còn đề nghị cơ quan chức năng cần phải làm rõ việc tụ tập ăn uống trong thời điểm này, xử phạt tội không tuân thủ cách ly xã hội và đi ra ngoài không có lý do chính đáng. Đồng thời cho rằng cần phải công khai danh tính những người tham gia bữa cơm trên.
Báo trong nước đưa tin, sáng 5-4, ông Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh - mời một số cán bộ của trường tới nhà mình ăn cơm tại một căn hộ ở chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh).

Có tất cả 9 người cùng tham dự bữa ăn này, tính cả chủ nhà, gồm : ông Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (chủ nhà) ; ông Lê Trung Nhân - phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế ; ông Văn Năm - phó trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng ; ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu ; ông Nguyên - giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của trường ; ông Nguyễn Đức Trung - phó hiệu trưởng ; ông Bùi Hữu Toàn - hiệu trưởng ; ông Phùng Văn Ứng - phó trưởng khoa khoa lý luận chính trị ; và nạn nhân : ông Bùi Quang Tín - giảng viên khoa quản trị kinh doanh.

Tại đây, mọi người đã uống hết 3 chai rượu ngoại và 12 lon bia. Trong lúc ăn nhậu, mọi người đều thoải mái vui vẻ - theo Tuổi trẻ online.

Khoảng 12g ngày 5/4, hiệu trưởng nhà trường cùng ông Phùng Văn Ứng có mặt tại nhà ông Trần Việt Dũng. Sau đó, khoảng 5-10 phút sau, ông Nguyễn Đức Trung, hiệu phó, đi từ căn hộ của ông ấy (block nhà bên cạnh) qua căn hộ của ông Trần Việt Dũng. Sau đó mọi người bắt đầu ăn uống. Trong khi ăn cơm một số người có uống bia và rượu (riêng ông Bùi Hữu Toàn không uống do tự lái xe đi về).

Một lúc sau, khoảng 12g30-13g cùng ngày, ông Bùi Quang Tín mới có mặt và tham gia ăn uống cùng những người nêu trên.

Khoảng 16g bữa ăn kết thúc. Thực khách lần lượt ra về (theo thứ tự) : ông Nguyễn Anh Vũ, ông Lê Trung Nhân, ông Bùi Hữu Toàn, ông Phùng Văn Ứng, ông Văn Năm và ông Nguyên được ông Trần Việt Dũng đưa xuống thang máy ra về.

Sau đó, ông Trần Việt Dũng trở lại căn hộ để rửa và lau dọn đồ đạc. Trong khi hiệu phó Trung và ông Bùi Quang Tín vẫn tiếp tục ngồi nói chuyện.

Tầm 17g, chủ nhà - Trần Việt Dũng - cho biết do có hẹn với bạn nên rời khỏi phòng và có dặn hai ông Trung và Tín nhớ đóng cửa khi ra về (cửa khóa số điện tử, chỉ cần đóng).

Khoảng 20 phút sau, khi ông Dũng đang chạy xe trên đường thì nghe điện thoại ông Trung báo ông Bùi Quang Tín đã tử vong và lập tức quay xe về ngay. Khi ông Dũng quay trở lại chung cư thì hiện trường đã được bảo vệ tòa nhà chắn lại. Khu vực ông Bùi Quang Tín rơi được xác định tại khoang giếng trời chéo với thang máy tòa nhà.

Khoảng 17g30 chiều 5/4, bảo vệ Chung cư New Sài Gòn nghe thấy tiếng động tại khu vực giếng trời sảnh D2 (tầng trệt). Khi đến kiểm tra thì phát hiện một người đàn ông nằm bất động, do thương tích quá nặng nên người này đã tử vong.

Trước đó, các dòng trạng thái của tiến sĩ Tín trên mạng xã hội cho thấy lịch làm việc dày đặc cũng như nhiệt huyết của ông với công việc và chưa thấy dấu hiệu trầm cảm nào.

Khi làm việc với Công an, bà Nguyễn Thanh Bích vợ ông Tín trình bày, đầu năm 2019 tiến sĩ Bùi Quang Tín được bổ nhiệm phụ trách phòng truyền thông của 1 trường đại học và từ đó trong quá trình làm việc đã phải chịu rất nhiều sức ép từ nhiều phía. Bà Bích cho hay, theo lời của chồng bà, là do "lợi ích nhóm".

Giai đoạn trước Tết 2020, ông Tín có nói với vợ là xin từ chức. Bà Bích còn cung cấp thông tin, trước đó ông Tín đã 3 lần xin từ chức nhưng lãnh đạo quản lý không đồng ý. Đặc biệt, nội dung tường trình của bà Bích có nhấn mạnh, chồng bà có kể cho bà nghe về việc hay nhận những tin nhắn đe dọa, như các báo Việt Nam đăng tải mấy ngày qua.

Bà Bích nhắc đến ông Nguyễn Đức Trung người ngồi lại sau cùng với ông Tín, cũng là người từng khiến ông Tín dè chừng, cảnh giác "Hơn 1 tháng trước, thầy Trung có gọi chồng tôi lên phòng làm việc. Chồng tôi dè chừng đến mức không dám uống ly nước trà thầy Trung rót mà tự tay pha bình trà khác" - bà Bích kể.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Trung cho biết : "Không có chuyện đó. Tôi không hiểu tại sao chị Bích lại nói về tôi như vậy". "Anh Tín có lợi thế là quan hệ khá tốt với báo chí, truyền thông. Nhưng khi anh có nỗi niềm, muốn từ chức thì lãnh đạo ở đây cũng vui vẻ, chính tôi là người ký đơn cho anh ấy", ông Trung khẳng định.

Không ít người đưa ra sự hoài nghi rằng Luật sư Bùi Quang Tín bị ngã lầu tử vong là do một sự cố ý sắp xếp nào đó, trong khi bà Nguyễn Thanh Bích vợ ông Tín khẳng định rằng cái chết của chồng bà là một vụ án mạng có nhiều uẩn khúc.

Ông Thái Văn Đường, một người từng làm việc nhiều năm trong cơ quan nhà nước, nói về một số thông tin mà chính ông nghe được trực tiếp từ giới phóng viên :
"Những nhận định của anh em báo chí trong nước, tuy họ không công khai nhưng có chia sẻ với tôi, nói rằng đây là tạo dựng hiện trường và là một vụ cố tình sát hại để thủ tiêu. Bởi vì ông Bùi Quang Tín có liên quan đến vấn đề bổ nhiệm nhân sự từ Vụ tổ chức cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, do Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không phải trực thuộc Bộ Giáo dục và thứ hai nữa là liên quan tới thâm hụt tài chính của trong trường do chi tiêu vô tội vạ. Ông Tín là người biết rất nhiều chuyện trong trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh và ông cũng làm mất lòng nhiều người vì ông thẳng tính quá. Nói chung có sự mâu thuẫn rất nhiều. Tôi nghe được những thông tin như vậy".

Bản thân ông Thái Văn Đường và nhiều cư dân mạng tại Việt Nam cùng nhắc lại trường hợp tử vong tương tự của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, Tiến sĩ Lê Hải An bị ngã từ lầu 8 xuống đất tại số 35, đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái.

Ngay sau khi Tiến sĩ Lê Hải An ngã lầu tử vong vào sáng ngày 17/10/2019, Bộ Giáo dục và đào tạo được nói là đã vội vã công bố thông báo rằng đó là một vụ tai nạn mặc dù không có nhân chứng lẫn vật chứng.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương vào tối hôm 7/4 nêu lên nhận định của ông liên quan hai trường hợp tử vong của hai ông Tiến sỹ là ông thứ trưởng Lê Hải An và nay là Tiến sĩ Bùi Quang Tin đều là những vụ cố ý sát hại, cần phải được điều tra làm sáng tỏ.

"Bây giờ nỗi đau lớn nhất của dân tộc là cái phương thức mafia đã ngự trị trong chính trị, trong chính quyền và trong xã hội. Ví dụ như vụ xử nhau ở Yên Bái chẳng hạn, đó là một vụ án chính trị. Vụ Lê Hải An đúng là vấn đề phức tạp hơn, có liên quan đến đấu đá nội bộ, kèn cựa lẫn nhau nhưng cũng có yếu tố chính trị là ngăn cản đối thủ có khả năng thăng tiến và có sự tín nhiệm xã hội. Còn trường hợp Luật sư Bùi Quang Tín vừa mới đây thì đang có vấn đề đặt ra về cái chết hết sức bất minh. Tại sao trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà kéo nhau đi ăn nhậu đến 9, 10 người như thế, lại toàn là hiệu trưởng, hiệu phó, giáo sư, tiến sĩ ? Ngay việc ấy là một dấu hỏi về văn hóa rồi, thế còn chưa kể vì sao anh Tín bị ném từ trên lầu 14 xuống ?".

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện xã hội học Việt Nam, thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt ghi nhận cả hai vị này là hai nhà khoa học có bản lĩnh và có kiến thức : "Trong một thể chế tuyển lựa nhân tài mà chỉ cần thuộc một nhóm phe phái nào đó đang được chính ông Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bảo kê để thực hiện một quy trình tuyển chọn nhân sự thì những người chân chính, có bản lĩnh, có tri thức khoa học và nắm vững chuyên môn trong ngành của mình sẽ là cản trở quá trình sắp xếp ‘ghế’ cho những người đặt ý thức hệ ‘còn Đảng-còn mình’ lên trước. Tức là, dù có dốt nát, dù có bất tài như một số nhân vật mà tôi không kể tên ra đây vì không tiện có chỗ đâu để mà cơ cấu vào trong đội ngũ".

Luật sư Ngô Ngọc Trai, vào ngày 7/4, đăng tải trên trang Facebook cá nhân quan điểm của ông rằng đối với vụ chết người như vụ Luật sư Bùi Quang Tín và có khả năng bị sát hại thì phải khởi động ngay quy trình hình sự, xác định nhanh bối cảnh không gian hiện trường, tạm giữ người liên quan để thẩm vấn.

Luật sư Ngô Ngọc Trai nhấn mạnh rằng "Cần tạm giữ hình sự ngay ít nhất là 2 người đàn ông ngồi đến cuối cùng với ông Tín trong đó có chủ nhà. Không tạm giữ người để cho người ta ở ngoài thông cung với nhau hoặc bình tâm lại tìm lời lẽ bao biện và tìm cách xóa dấu vết hay sao".

Giáo sư Tương Lai nhắc lại vụ việc Tiến sĩ Lê Hải An tử vong mà ông cho là "bị chìm xuồng" và vụ việc Luật sư Bùi Quang Tín thiệt mạng sẽ được điều tra đến nơi đến chốn hay không thì ở Việt Nam những tình huống cán bộ quan chức bị chết do tai nạn, như bị ngã lầu sẽ có thể tiếp tục xảy ra, ngay cả đối với các lãnh đạo cấp cao ở thượng tầng. Giáo sư Tương Lai lý giải :

Trong một thể chế toàn trị phản dân chủ, đưa lợi ích của phe nhóm ; hay nói một cách khác là lợi ích của những người mà ông Nguyễn Phú Trọng đang thao túng. Điều này tôi đã lên án từ rất lâu, từ khi tôi tuyên bố là dứt bỏ mọi liên hệ với cái Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng thao túng. Bây giờ với hai cái chết của hai nhân vật này, thì tôi càng hiểu ra được một chuyện là nếu như trong đội ngũ của Đảng, tôi muốn nói cả Ủy viên Bộ Chính trị, cả Ủy viên Trung ương, những cán bộ cao cấp của Đảng vẫn còn những người hiểu ra được nếu vẫn duy trì một chế độ chuyên chính mà như Học giả Nguyễn Khắc Viện từng nói rằng ‘chuyên chính vô sản không đáng sợ bằng chuyên chính vô học’ để cho những người chỉ biết vâng-dạ theo ý tưởng của tổng chủ thì sẽ được cơ cấu vào trong đại hội".

Tại Việt Nam, nơi Đảng cộng sản lạc hậu và đầy đau khổ vẫn độc quyền cai trị trên 75 năm qua, tất cả đều phải chịu sự chỉ đạo của của đảng, ở đây hoàn toàn thiếu vắng một nền tư pháp, hành pháp và lập pháp độc lập.

Những án oan và nhiều cái chết đầy uẩn khúc sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 09/04/2020

******************

Tại sao ông Bùi Quang Tín chết ? !

Nguyễn Ngọc Già, RFA, 08/04/2020

Báo chí đưa tin ông Bùi Quang Tín - một tiến sĩ du học tại nước ngoài và còn là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trường Doanh nhân B.L, thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - vừa đột ngột tử vong tại chung cư New Sài Gòn thuộc huyện Nhà Bè thành phố Hồ Chí Minh, làm tất cả những người bạn, đồng nghiệp đều bàng hoàng, thương xót và mong muốn cuộc điều tra về cái chết mờ ám này, phải được trả lời rõ ràng trước công luận với thời gian sớm nhất.

tin2

Ông Bùi Quang Tín - một tiến sĩ du học tại nước ngoài và là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Trường Doanh nhân B.L, thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh - đột ngột tử vong tại chung cư New Sài Gòn thuộc huyện Nhà Bè thành phố Hồ Chí Minh

Trước đó, ông Lê Hải An - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng tử vong theo cách tương tự như ông Bùi Quang Tín, tức là cơ quan điều tra xác định ngã từ tầng cao xuống đất. Sự việc kết thúc tại đó, với nhiều vòng hoa tang cùng nước mắt ràn rụa từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho đến thân bằng quyến thuộc.

tin3

Trước đó, ông Lê Hải An - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cũng tử vong theo cách tương tự như ông Bùi Quang Tín

Ông Lê Hải An tròn 48 tuổi khi tạ thế. Ông Bùi Quang Tín chết trong mờ ám lúc được 44 tuổi.

Cả ông An và ông Tín đều được biết rất giỏi về chuyên môn, có uy tín trong giới học thuật, có tâm với học trò và có hoài bão cống hiến cho... tổ quốc ! Tất nhiên, rất nhiều người (có cả Nguyễn Ngọc Già) đều tin như vậy (!).

Tiểu học bắt đầu khi trẻ được sáu tuổi. Điều này có nghĩa, ông An ôm cặp đến lớp vào năm 1977 và ông Tín cắp sách đến trường vào năm 1982.

Khoảng thời gian 1977 đến 1982 (và cho đến những năm cuối thế kỷ XX) là quãng thời gian tăm tối lầm than tràn ngập, mà người Việt trong nước cam chịu, trên mọi lãnh vực, không riêng giáo dục.

Người dân từ Bắc chí Nam cùng chấp nhận một lối sống (tạm gọi) "ngoan hiền" với lòng biết ơn vô hạn từ người cộng sản Việt Nam.

Trẻ em lúc bấy giờ được dạy dỗ theo cách :

Có sách mới áo hoa đây là nhờ ơn đảng ta

Vui tung tăng hoan ca có đảng cuộc đời nở hoa

(Em Là Mầm Non Của Đảng - Mộng Lân)

Và... hình ảnh Hồ Chí Minh chiếm hoàn toàn trong tâm trí người Việt nói chung cũng như trẻ em nói riêng. Hầu như ai cũng thuộc nằm lòng "Năm điều bác Hồ dạy thiếu nhi" - một biểu hiện sống động của chủ trương nhồi sọ từ bé xíu !

Quãng thời gian đó kéo dài cho đến, ít nhất 1995 - thời gian Hoa Kỳ bỏ cấm vận Việt Nam và tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao song phương.

Song song đó, mặc dù từ 1997, Việt Nam đã có internet, nhưng mãi đến những năm đầu thế kỷ XXI, internet mới dần dần phát triển được như ngày nay.

Nói dông dài như trên, nhằm để chỉ ra giáo dục của người cộng sản chưa từng bao giờ dạy trẻ kỹ năng sống thiết thực - vốn rất cần lúc bấy giờ và đặc biệt, cho đến mãi sau này, trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng băng hoại và dường như tiến tới một cách rừng già thâm u, nơi chưa bao giờ có ánh sáng văn minh rọi tới.

Tiêu chuẩn để đạt được "cháu ngoan bác Hồ" như đường dẫn dưới đây [1], không chỉ toàn là đạo đức giả mà còn không hề dạy trẻ tính trách nhiệm, kỹ năng ứng phó trong xã hội biến loạn trầm trọng, với những cạm bẫy bủa vây trùng trùng điệp điệp và nhiều kỹ năng sống khác trong môi trường học đường, gia đình hay ngoài xã hội.

Trách sao những bạo lực học đường giữa học trò với nhau, hiếp dâm trẻ em, thầy cô thanh toán lẫn nhau như xã hội đen, buộc học trò bán dâm như tên Sầm Đức Xương hay ấu dâm trẻ trai như tên Đinh Bằng My và nhiều nạn kiếp khác cứ lừng lững trôi đi trong đau đớn của rất nhiều người Việt Nam...

Lê Hải An và Bùi Quang Tín, chắc chắn là những đứa trẻ "ngoan hiền" như vậy (!) Điều đó đồng nghĩa với một điều, cả hai ông, khi còn "ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa" (câu "thần chú" cho tất cả các bài văn đạt điểm cao của học trò không thể thiếu được) họ rất hiền lành như những chú cừu được chăn dắt trên "thảm cỏ đỏ" [2].

Trở lại với cái chết của ông Bùi Quang Tín. Hầu hết báo chí đều cho biết vợ ông Tín cho hay, có rất nhiều dấu hiệu để nghi ngờ về cái chết khuất tất của chồng mình, như : Trước đó ông Tín nhận nhiều tin nhắn đe dọa sẽ chết như kiểu ông Lê Hải An ; bị nhiều áp lực trong công việc đã xin từ chức, không có hiềm thù chuốc oán với bất kỳ ai v.v... 

Ông Tín là một tiến sĩ, một giáo sư, một luật sư và còn là một diễn giả uy tín trong giới. Điều này cho thấy, ông Tín có mối quan hệ xã hội rất rộng và chắc chắn phải có tư duy logic và tư duy phản biện (critical thinking) trong mọi vấn đề.

Câu hỏi đặt ra : Tại sao Bùi Quang Tín không dùng hết tất cả những vốn liếng tri thức để bảo vệ cho bản thân ? Thưa rằng, từ bé xíu, ông Tín không hề được dạy kỹ năng sống ngay lúc còn là học sinh tiểu học. Ngoài ra, trên thực tế hiên tại, qua nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy và làm việc, có lẽ ông không còn thời gian dành cho môn học thiết thực này và cũng có thể ông không bận tâm lắm với cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè vây quanh toàn là những người "đức cao vọng trọng" (!).

"Miệng nam mô bụng một bồ dao găm" - câu thành ngữ trong dân gian, trở nên quá buồn cười với những "giáo sư - tiến sĩ" chăng (?).

Chỉ riêng việc tới địa điểm xảy ra án mạng, khi ngồi cùng với nhiều người, uống (tới) 3 chai rượu mạnh, 12 chai bia mà không chút băn khoăn đã là một câu hỏi lớn về KỸ NĂNG SỐNG dành cho giáo sư - tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín !

Dù không biết cái chết đầy mờ ám của ông Bùi Quang Tín có được kết luận tới nơi tới chốn hay không và những kẻ thủ ác có bị lôi ra chịu tội hay không, nhưng cái chết này là bài học cảnh tỉnh, không chỉ cho những trí thức (thật) mà cho tất cả những bậc phụ huynh, suy ngẫm về loại giáo dục PHI TRIẾT LÝ của người cộng sản Việt Nam, diễn suốt hàng chục năm qua mà chính nó làm cho nhiều thế hệ người Việt Nam trở thành những "trí thức" ngủ vùi trong tháp ngà với nhiều bằng cấp danh vị sáng choang nhưng lại không hề có chút vốn liếng gì để bảo vệ bản thân trước cạm bẫy hung ác.

Chính người cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước cái chết của Lê Hải An, Bùi Quang Tín và nhiều cái chết của các trí thức khác, vốn xuất phát từ "chủ trương nhồi sọ" kéo dài hàng chục năm qua !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 09/04/2020 (nguyenngocgia's blog)

[1] http://tinhdoanhungyen.org.vn/cac-van-ban-chi-dao/tieu-chuan-chau-ngoan-...

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%E1%BB%AFng_con_ng%E1%BB%B1a_xanh_tr%C3%...

Cỏ (mà) đỏ là đủ để độc giả hiểu tính tượng trưng cho sự sắt máu và tàn ác của người cộng sản !

*****************

Gia đình Luật sư Bùi Quang Tín đề nghị khởi tố vụ án

RFA, 09/04/2020

Vợ của Luật sư Bùi Quang Tín, bà Nguyễn Thanh Bích, vừa gửi đơn đến Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Viện KSND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu khởi tố vụ án hình sự liên quan ông Tín bị ngã lầu tử vong vào hôm 5/4.

tin4

Luật sư Tiến sĩ Bùi Quang Tín bị ngã từ tầng 14 chung cư ở huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh và tử vong hôm 5/4/2020. Courtesy : Facebook Bui Quang Tin

Truyền thông trong nước cho biết đơn yêu cầu này được bà Bích gửi đi trong ngày 8/4. Trong đơn, bà Bích đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng khởi tố vụ án hình sự, điều tra làm sáng tỏ về cái chết của Luật sư Bùi Quang Tín để trả lại công lý cho ông và cho gia đình.

Bà Bích đã nêu rõ trong đơn rằng việc chồng bà rơi từ tầng 14 của căn hộ chung cư là do có người khác hãm hại qua dẫn chứng có sự mâu thuẫn trong lời khai của các bên liên quan, cũng như các nghi vấn từ việc chứng kiến khám nghiệm tử thi.

Báo giới cũng cho biết trong ngày 8/4, bà Bích đã ký đơn mời một số luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong giai đoạn điều tra cho đến khi vụ án kết thúc.

Tin cho biết hiện đã có ít nhất 7 luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho gia đình Luật sư Bùi Quang Tín.

Trong khi đó, Báo Tiền Phong Online, vào tối ngày 8/4 cho biết 8 cán bộ Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh bị tạm đình chỉ công tác 15 ngày để xem xét kiểm điểm, xử lý kỷ luật do vi phạm các quy định chấp hành các biện pháp về việc cách ly, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đối với ông Bùi Hữu Toàn và ông Nguyễn Đức Trung, là Hiệu trưởng và Hiệu phó của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm cán bộ còn lại do Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định.

Cả 8 cán bộ vừa bị tạm đình chỉ công tác là đồng nghiệp của Luật sư Bùi Quang Tín và đã gặp gỡ, dùng cơm trưa, uống bia rượu với ông Tín ngay trước khi vụ việc ông Tín bị ngã lầu tử vong hôm 5/4.

*****************

Dư luận nghi ngờ cái chết của chuyên gia ngân hàng ở Sài Gòn

Tr.N, Người Việt, 07/04/2020

Dư luận cho rằng giới hữu trách cần điều tra làm rõ cái chết "té lầu" của ông tiến sĩ trường Đại học Ngân hàng Sài Gòn, trong khi đó ông phó hiệu trưởng nhà trường, người bị tình nghi liên quan, khẳng định hai người là bạn bè rất thân thiết, chưa từng xảy ra mâu thuẫn.

tin5

Ông Bùi Quang Tín "tử vong do bị chấn thương va đập mạnh vì ngã từ trên cao xuống".

Theo báo Tiền Phong, chiều 7/4, công an huyện Nhà Bè cho biết đã hoàn tất thủ tục điều tra ban đầu, chuyển hồ sơ vụ tiến sĩ Bùi Quang Tín (44 tuổi, ngụ phường 12, quận Bình Thạnh), luật sư kiêm giảng viên trường Đại học Ngân hàng Sài Gòn ; chủ tịch kiêm giám đốc điều hành trường Doanh Nhân Bizlight, tử vong hôm 5/4, lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Sài Gòn tiếp tục điều tra.

Bước đầu công an huyện Nhà Bè xác định ông Bùi Quang Tín "tử vong do bị chấn thương va đập mạnh vì ngã từ trên cao xuống". Công an cũng thu được hai chiếc điện thoại, một cái ghế bằng gỗ màu trắng phần tựa lưng phía sau bị gãy…

Tối ngày 6/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan chủ quản của trường Đại học Ngân hàng Sài Gòn, chỉ đạo ban giám hiệu trường này tường trình và kiểm điểm về sự việc liên quan đến cái chết của ông Tín.

Báo Tuổi Trẻ dẫn tường trình từ trường Đại học Ngân hàng Sài Gòn cho biết sáng 5/4, ông Trần Việt Dũng, viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế trường Đại học Ngân hàng Sài Gòn, mời tám cán bộ của trường gồm các ông : Lê Trung Nhân, phó viện trưởng Viện Đào Tạo Quốc Tế ; Văn Năm, phó trưởng Phòng Khảo Thí và Bảo Đảm Chất Lượng ; Nguyễn Anh Vũ, trưởng Phòng Tư vấn Tuyển sinh và Phát triển Thương hiệu ; Nguyên, giảng viên thỉnh giảng môn tiếng Anh của trường ; Nguyễn Đức Trung, phó hiệu trưởng ; Bùi Hữu Toàn, hiệu trưởng ; Phùng Văn Ứng, phó trưởng Khoa Lý luận Chính trị, và ông Tín, tới nhà mình ở chung cư New Sài Gòn (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) ăn cơm.

Khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, ông Toàn cùng ông Ứng có mặt tại nhà ông Dũng. Chừng 5-10 phút sau, ông Trung đi từ nhà mình ở khu kế bên cũng đến nơi. Riêng ông Tín đến khoảng 12 giờ 30 mới có mặt.

Sau đó mọi người bắt đầu ăn uống, trao đổi một số chuyện liên quan tới vấn đề công việc. Trong lúc ăn cơm, cả nhóm uống tổng cộng 12 chai bia và ba chai rượu Tây mạnh. Riêng ông Toàn "không uống rượu do phải tự lái xe đi về".

Cuộc ăn nhậu kéo dài đến khoảng 4 giờ chiều thì kết thúc. Khách lần lượt ra về. Sau đó, ông Trần Việt Dũng lau dọn đồ đạc, trong khi ông Trung và ông Tín "vẫn tiếp tục ngồi nói chuyện".

Khoảng 5 giờ chiều, ông Dũng "có hẹn với bạn" nên rời khỏi nhà và có dặn hai ông Trung và Tín khi ra về chỉ cần đóng cửa do nhà dùng khóa số điện tử. Tuy nhiên, chừng 20 phút sau, khi ông Dũng đang chạy xe trên đường thì nghe ông Trung điện thoại báo ông Tín chết và lập tức quay xe trở về.

Khi ông Dũng quay trở lại chung cư thì hiện trường đã được bảo vệ tòa nhà chắn lại. Khu vực ông Tín rơi xuống được xác định tại khoang giếng trời chéo với thang máy tòa nhà D2.

tin6

Khu vực ông Tín rơi lầu chết là sảnh D2 của chung cư New Sài Gòn. (Hình : Ngô Bình/Tiền Phong)

Theo báo Thanh Niên, làm việc với cơ quan công an, ông Trung khai sau khi chủ nhà rời đi, ông và ông Tín nói chuyện rồi nằm nghỉ tại ghế salon. Một lúc sau, ông Tín đứng dậy nói ra về.

Ông Trung có khuyên ông Tín nằm nghỉ để gọi người nhà đến đón nhưng ông Tín từ chối. Nghĩ ông Tín tự về nhà được nên ông Trung quay lại ghế salon nằm nghỉ. Sau đó có nghe tiếng động lớn ở khu vực giếng trời, nên ra kiểm tra.

Theo ông Trung, "Do đã uống rượu bia nhiều, mắt bị cận nên không nhìn thấy phía dưới. Linh cảm có chuyện chẳng lành, tôi đã gọi cho chủ căn hộ quay về".

Nói với báo Người Lao Động về việc này, bà Nguyễn Thanh Bích (45 tuổi, vợ ông Bùi Quang Tín) viết trong đơn tường trình tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Nhà Bè : "Hơn một tháng trước, thầy Trung có gọi chồng tôi lên phòng làm việc. Chồng tôi dè chừng đến mức không dám uống ly nước trà thầy Trung rót mà tự tay pha bình trà khác".

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết : "Không có chuyện đó. Tôi không hiểu tại sao chị Bích lại nói về tôi như vậy".

Ông Trung khẳng định mình và ông Tín là bạn bè rất thân thiết, chưa từng xảy ra mâu thuẫn. Có việc gì, hai người thường ngồi lại trao đổi, bàn bạc với nhau vì công việc.

Ông Trung thừa nhận mình là người cuối cùng nói chuyện với ông Tín trong căn hộ này, trước khi ông Tín "ra về rồi ngã lầu tử vong".

"Đúng là tôi có mặt tại thời điểm đó. Mọi việc tôi đã trình bày với công an hết rồi…", ông Trung cho biết.

Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ lời khai của những người có mặt trong buổi tiệc cũng như những người liên quan.

Sau khi báo chí đưa tin trường Đại học Ngân hàng Sài Gòn có phúc trình diễn biến vụ án, công luận cho rằng "chủ nhà đã không tuân thủ chỉ thị của thủ tướng, đang chống dịch Covid-19 còn tổ chức ăn nhậu ; Cán bộ tụ tập ăn nhậu đông người trong thời gian chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội mùa dịch là sai"… Không ít người còn đề nghị cơ quan hữu trách cần phải làm rõ sự việc, xử phạt nghiêm minh.

Viết trên trang Facebook cá nhân, Facebooker Huy Anh nêu hoài nghi : "Thường thì chủ nhà có việc đi, thì không vị khách nào muốn ở lại, tại sao ông Dũng đi, chỉ còn lại hai người không ưa nhau ở lại ? Ông Tín và ông Trung ‘không ok nhau’, nên ông Tín đã từ chức, do vậy khó có cớ để nhậu vui đến say, tại sao ông Tín không về, hay có bị cản địa, những vấn đề này rất cần hóa giải".

Còn Luật sư Đặng Huỳnh Lộc viết : "Con tạo trêu ngươi, bọn ‘té giếng’ thì sống thản nhiên, trí thức lớn thì lại rớt lầu…" 

Tr.N

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Thủy, Nguyễn Ngọc Già, RFA tiếng Việt, Tr. N
Read 832 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)