Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/04/2020

Quốc tế vận động lập Tòa án kiện Trung Quốc

Cánh Cò - Hoàng Lan

Trung Quốc sẽ bị trừng phạt như thế nào ?

Cánh Cò, RFA, 09/04/2020

Người dân Mỹ còn nhớ trong khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành tại Mỹ thì Trung Quốc đã ra lệnh cấm công ty Mỹ là 3M không được chở 1 tỷ khẩu trang N95 và các vật dụng y tế khác về Mỹ mặc dù những sản phẩm này được công ty 3M bỏ tiền ra sản xuất tại Trung Quốc.

Động thái này được xem là đi ngược lại với những ký kết mà Trung Quốc đã đặt bút trong WTO cũng như các hiệp định thương mãi khác với thế giới. Ngay sau đó chính phủ của Tổng thống Trump đã phản đối mạnh mẽ trước hành vi này. Cố vấn pháp lý cao cấp của Tổng thống, Bà Ellis, nói hôm 5/4 rằng "Người dân Mỹ đang kề cận với cái chết, những hành động có chủ đích và máu lạnh như của Trung Quốc sẽ bị coi là giết người cấp độ một". Chính quyền Trump đang xem xét đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu, hoặc sử dụng các cơ chế của Liên Hợp Quốc để giải quyết vấn đề này.

phat0

Bức tranh tổng thể cho thấy hầu như cả thế giới đang trút sự giận dữ vào Trung Quốc khi phát hiện nước này đã vô tình hoặc cố ý gây tai ương cho con người.

Vào ngày 6/4, cựu công tố viên của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ Klayman cho biết ông đã đệ đơn kiện lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại thành phố The Hague, Hà Lan vào tuần trước và đã nhận được thông báo của tòa vào cùng ngày. Trong đơn, Ông cáo buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc vi phạm các công ước quốc tế, sản xuất vũ khí sinh học và phạm tội phản nhân loại, tạo ra virus Corona Vũ Hán gây nguy hiểm cho người dân Trung Quốc và thế giới. yêu cầu bồi thường 20.000 tỷ USD.

Cùng lúc với phản ứng của Hoa Kỳ trước hành động vô lương của Trung Quốc thì tại Anh, Henry Jackson Association, một tổ chức chiến lược ngoại giao của Anh đã công bố một báo cáo tuyên bố rằng virus Corona Vũ Hán đã khiến nhóm G7 của Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada bị thiệt hại 3,2 nghìn tỷ bảng Anh. Trung Quốc phải bồi thường 351 tỷ bảng cho Vương quốc Anh, và cũng phải bồi thường khoản tiền rất lớn cho các thành viên khác trong G7.

Hiệp hội Henry Jackson là một tổ chức phân tích có trụ sở tại London, gồm các thành viên là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Anh chứng minh rằng Trung Quốc đã cố tình giấu nhẹm những thông tin về virus Vũ Hán, bắt giữ một nhóm BS khi nhóm này lên tiếng sự thật đang xảy ra tại Vũ Hán và những động thái này gây ra thiệt hại tiền của và nhân mạng khắp thế giới.

Trước đó một ngày, Hội đồng Luật sư Quốc tế Ấn Độ và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ đã đệ đơn kiện lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, cáo buộc Trung Quốc gây tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tâm lý cho người dân trên thế giới, cũng như gây thiệt hại lớn về kinh tế và xã hội. Theo Business Today, cho biết việc phong tỏa đã gây ra thiệt hại mỗi ngày cho Ấn Độ lên tới 4,64 tỷ USD.

Tờ báo The Sydney Morning Herald của Úc dẫn lại lời của các chuyên gia và think tank tại Anh cho biết Trung Quốc sẽ bị kiện và đòi bồi thường 6 ngàn 500 tỷ USD về hành vi gây lây lan của virus Vũ Hán.

Các báo cáo khoa học mới đây cho thấy Trung Quốc sẽ bị khởi kiện trước các tòa án quốc tế vì không thể trình dữ liệu có thể cho thấy bằng chứng lây truyền từ người sang người trong khoảng thời gian tối đa ba tuần kể từ khi biết có dịch bệnh, vi phạm điều 6 và 7 của IHRs.

Trung Quốc đã cung cấp cho WHO thông tin sai lệch về số lượng người nhiễm bệnh từ ngày 2 tháng 1 năm 2020 đến ngày 11 tháng 1 năm 2020, vi phạm Điều 6 và 7 của IHRs. Trung Quốc cũng không mô tả việc lây nhiễm virus gây bệnh có nguồn gốc động vật, thay vào đó, cho tiêu thụ các vật chủ có virus nguy hiểm cho con người, vi phạm Điều 12 của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. (Trong vấn đề này nếu thế giới phát hiện Trung Quốc đã mua chuộc WHO để che giấu thông tin thì Bắc Kinh lại phạm thêm một tội danh khác nữa).

Trung quốc đã cho phép 5 triệu người rời khỏi Vũ Hán trước khi cách ly thành phố này vào ngày 23 tháng 1 năm 2020 mặc dù đã biết có lây truyền từ người sang người. Cụ thể là 430 ngàn người Trung Quốc đã tới Mỹ trong thời gian này.

Bức tranh tổng thể cho thấy hầu như cả thế giới đang trút sự giận dữ vào Trung Quốc khi phát hiện nước này đã vô tình hoặc cố ý gây tai ương cho con người. Mỗi ngày khi người chết tăng cao thì sự giận dữ ấy càng sâu đậm. Nhiều người không tin vào những lý do mà các tổ chức khởi kiện chứng minh nhưng hầu hết quên rằng các tổ hợp luật sư, các NGO nổi tiếng và ngay cả các chính phủ sẽ không vội vã và tắc trách khi đưa ra bằng chứng cho vụ kiện của mình.

Trung Quốc có đôi co kéo dài vụ kiện cách nào đi nữa thì thiệt hại vật chất lẫn danh tiếng của một cường quốc thứ hai thế giới lần này không dễ được hàn gắn bằng đòn phép tiền bạc hay lươn lẹo ngoại giao. Cuối cùng Bắc Kinh cũng phải trả giá, cái giá che đậy sự thật bằng sự mua chuộc, bắt bớ, sách nhiễu người dân cũng như quốc tế. Thế giới lên án Trung Quốc không những gian dối mà còn có những hành vi phản trắc. Vụ buộc Ý phải mua vật dụng y tế mà nước này từng gửi tặng cho Trung Quốc trước đó là một cái tát vào mặt Bắc Kinh khi thế giới bày tỏ sự bất bình về hành vi đê tiện này.

Giàu có và mạnh mẽ tới đâu khi đã phạm vào nguyên tắc con người thì Trung Quốc phải trả cái giá mà nó gây ra. Một khi tòa đã phán quyết Trung Quốc không thể cù nhây hay lì lợm như phán quyết tòa trong vụ Philippines. Cả thế giới không phải là Philippines để cho Trung Quốc bắt nạt, nếu anh không thực hiện phán quyết của tòa thì những áp đặt sẽ được đưa ra.

Không tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc, điển hình là sản phẩm 5G của Huawei. Không thực hiện những ký kết trước đó với Trung Quốc. Đóng băng tài sản của Trung Quôc trên vùng đất của nước khởi kiện. Vô hiệu trái phiếu của Trung Quốc như Mỹ chẳng hạn….cùng vô số những biện pháp mà thế giới có thể áp dụng một cách hợp pháp bất kể Trung Quốc có đồng ý hay không.

Sau khi virus Vũ Hán rút đi là lúc người dân Vũ Hán được xem kịch bản mà chính phủ của họ gây ra cho toàn thế giới.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 09/04/2020

******************

Trung Quốc đối diện án phạt 6.500 tỷ đô - Quốc tế vận động lập Tòa án

Hoàng Lan, Thoibao.de, 09/04/2020

Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã khiến gần 1,5 triệu người nhiễm bệnh và hơn 80.000 nghìn người tử vong, việc tập trung tìm kiếm vác-xin là rất cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Một việc làm khác cũng quan trọng không kém là truy xét nguồn gốc của dịch bệnh.

quocte1

Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm

Kênh RFI đã tường thuật lại cuộc nói chuyện của Giáo sư Didier Sicard của trường đại học Sorbonne, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm với Đài phát thanh Pháp France Culture.

Trong cuộc phỏng vấn, vị giáo sư nhấn mạnh sự cần thiết của việc hình thành một tòa án y tế quốc tế hoàn toàn độc lập để truy xét nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, giống như tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh.

Theo giáo sư, điểm xuất phát của đại dịch này là một ngôi chợ ở Vũ Hán, tại đó chen chúc đủ loại thú hoang : rắn, dơi, tê tê… nhốt trong những lồng tre. Tại Trung Quốc, những con thú này được mua để ăn Tết Canh Tý. Chúng khá đắt, và đây là món ăn rất được ưa thích.

Tại chợ này, thú hoang bị người bán tóm lấy, làm thịt trong lúc thân mình chúng ướt nhẹp nước tiểu, hàng ngàn con ve và muỗi bu đầy những con vật đáng thương này.

Trong điều kiện như thế, chỉ cần vài con thú bị nhiễm virus là vô số con khác bị lây trong vài ngày. Có thể một người bán bị thương hay đụng vào nước tiểu nhiễm trùng, trước khi quẹt lên mặt. Thế là đã quá đủ để bị nhiễm bệnh.

Điều khiến vị giáo luôn choáng váng là sự thờ ơ trước sự khởi đầu của nạn dịch. Cứ như là xã hội chỉ chú trọng đến đoạn cuối : vác-xin, chữa trị, hồi sức tích cực… Nhưng để cho những tai họa như thế không tái diễn, xác định điểm xuất phát là vô cùng quan trọng. Thế mà người ta vô tình đến không ngờ. Giáo sư khẳng định sự dửng dưng trước việc mua bán động vật hoang dã trên thế giới là thảm kịch. Thị trường này mang lại lợi nhuận cũng như thị trường ma túy.

Đây không phải là lần đầu mà thú vật là nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng dịch tễ.

Lâu nay thú vật vẫn là nguồn gốc của đa số cuộc khủng hoảng dịch tễ : SIDA, cúm gà H5N1, Ebola. Các chứng bệnh này luôn đến từ nguồn dự trữ virus trong súc vật, và hầu như ít ai để ý đến. Tương tự với bệnh sốt xuất huyết.

Bản thân loài dơi mang trên mình khoảng 30 loại virus corona ! Cần phải nghiên cứu kỹ loài vật này. Đương nhiên là không dễ dàng : phải đi vào những hang động, trang bị bảo hộ kỹ lưỡng, bắt những con rắn độc, tê tê, kiến, xem xét những loại virus chúng đang mang trên mình. Đó là những công việc vô vị, không được các phòng thí nghiệm quan tâm. Các nhà nghiên cứu nói : "Chúng tôi thà làm việc trong phòng thí nghiệm phân tử với trang bị như phi hành gia. Đi vào rừng rậm mang các loài muỗi về thật nguy hiểm".

Bên cạnh đó, những nạn dịch này sẽ còn tái diễn nhiều lần trong những năm tới, nếu không cấm hẳn việc mua bán động vật hoang dã. Phải coi đó là tội phạm như bán ma túy, phải bỏ tù.

Việc này khiến giáo sư nghĩ đến việc nuôi công nghiệp gà, heo như ở Trung Quốc. Mỗi năm lại có những dịch cúm mới từ gia cầm ; tập trung đại trà những con vật theo kiểu đó là không nghiêm túc. Quốc tế phải tập trung nỗ lực tìm ra nguyên nhân nạn dịch.

quocte2

Chợ hải sản đầu mối ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc (sau khi đã được di tản vì covid - 19) - nơi được cho là phát sinh dịch bệnh viêm phổi mới hiện nay

Nghiên cứu trên loài vật là một việc làm rất quan trọng mà lịch sử y tế đã chứng minh. Bệnh dịch hạch là một minh chứng cụ thể.

Chuột là kho trữ vi khuẩn dịch hạch. Có những đàn chuột làm lây lan vi khuẩn này, còn bản thân chúng vẫn vô sự tức là đã kháng khuẩn, và cũng có những đàn nhạy cảm hơn.

Chỉ cần một ngày nào đó, vài con chuột loại nhạy cảm gặp chuột kháng khuẩn, bị nhiễm độc và chết. Lúc đó những con rệp sống bằng máu của chuột sẽ quay sang cắn người.

Tại những nơi bệnh dịch hạch còn hoành hành như California, Madagascar, Iran, Trung Quốc, khi thấy hiện tượng hàng trăm con chuột chết là phải can thiệp, vì lúc đó rệp sẽ quay sang loài người, rất nguy hiểm.

May thay, dịch hạch là một chứng bệnh đã thuộc về quá khứ, nay chỉ còn 4.000 hay 5.000 ca trên thế giới, và thuốc kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng đó là một ví dụ cho thấy nguyên nhân từ loài vật là cơ bản, cần phải tìm hiểu kỹ và có chính sách dự phòng.

Giáo sư người Pháp cũng nêu lên một vấn đề bất cập trong giới nghiên cứu là : việc nghiên cứu dịch tễ về các loài vật trung chuyển virus chưa xứng với tầm quan trọng của vấn đề, chỉ chiếm khoảng 1% các công trình. Bởi vì những gì khiến các ứng viên giải Nobel mơ ước là khám phá một con virus mới, chứ không phải lần tìm chuỗi lây nhiễm. Thế nhưng những phát hiện quan trọng về bệnh nhiễm như ký sinh trùng sốt rét chẳng hạn, chính là do một người Pháp, bác sĩ quân y Alphonse Laveran, tìm ra trên thực địa ở Tunisie.

Giáo sư Sicard cho rằng cần phải thực hiện ngay các nghiên cứu về con đường lây nhiễm khiến loài dơi chứa chấp virus corona từ hàng triệu năm qua và gieo rắc đi các nơi.

Loài dơi được cho là cũng lây nhiễm sang những con thú khác. Rắn và đặc biệt là rắn độc rất thích ăn xác dơi. Dơi con bị rơi xuống đất là sẽ bị rắn nuốt ngay - giáo sư cũng đặt ra giả thuyết đã từng được đưa ra trước đó là có thể rắn là vật chủ trung gian cho virus.
Hơn nữa trong những hang động có cả những đám mây ve, muỗi, cần phải xem loài côn trùng nào có thể lan truyền virus.

Một giả thuyết khác là khi dơi bay đi ăn đêm, chúng rất thích những cây thuộc họ thu hải đường. Dơi có phản xạ tự nhiên là tiểu tiện khi nuốt thức ăn, như vậy chúng làm nhiễm độc trái cây và cả cầy hương vốn cũng thích những cây thuộc họ thu hải đường giống loài dơi.

Kiến cũng loài dễ bị nhiễm virus từ đó, và đến lượt tê tê - con vật mà thức ăn khoái khẩu nhất của nó là loài kiến - ăn vào cũng bị nhiễm virus.

Đó là cả một chuỗi lây nhiễm cần nghiên cứu. Kho trữ virus nguy hiểm nhất có lẽ là loài rắn, vì chúng thường xuyên ăn thịt dơi vốn chứa sẵn virus corona. Như vậy rắn luôn có chứa virus, vì vậy cần phải kiểm tra. Các nhà nghiên cứu phải đi bắt dơi, và tương tự với loài kiến, cầy hương, tê tê, cố gắng hiểu được chúng dung dưỡng virus trong người như thế nào. Đó là một công việc nhạt nhẽo như lại là chủ yếu.

Chính Trung Quốc cũng là tác nhân thúc đẩy quá trình lây nhiễm khi mà con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc muốn xây dựng có thể trở thành con đường lây nhiễm các loại bệnh trầm trọng.

Những cánh rừng nguyên sinh tại Lào đang bị tàn phá để người Trung Quốc xây dựng các nhà ga và tuyến đường xe lửa. Những chuyến xe này chạy qua rừng rậm mà không có biện pháp bảo hộ y tế nào, có thể trở thành vec-tơ cho các loại bệnh từ ký sinh trùng và virus, đưa chúng đi xuyên qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore. Con đường tơ lụa mới mà Trung Quốc đang ấp ủ rất nhiều khả năng sẽ chuyên chở các loại bệnh trầm trọng đi khắp nơi.

Trên thực địa, con người có xu hướng tiến gần vào các hang động, nơi cư ngụ của loài dơi vì chúng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Người ta cũng lập vườn cây ăn trái rất gần những hang động này, vì cây rừng bị đốn hạ. Cư dân có cảm giác lấn được đất, lập ra các vùng trồng trọt sát bên khu dự trữ virus vô cùng nguy hiểm.

Việc mua bán động vật hoang dã đã bị cấm, thậm chí còn có công ước quốc tế về vấn đề này… nhưng tại Trung Quốc, công ước này không được tôn trọng.
Do vậy, giáo sư cho rằng cần phải thành lập một loại tòa án quốc tế về y tế vì nếu chỉ đòi hỏi từng quốc gia sẽ chẳng thay đổi được gì.

Ngay từ đầu Bắc Kinh đã gây áp lực lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tổ chức này không tuyên bố đại dịch. Những năm trở lại đây, Trung Quốc đóng góp tài chính rất nhiều cho WHO nên đã có một tiếng nói quan trọng tại đây.

Thói quen ‘con gì cũng ăn’ từ 5.000 năm nay của Trung Quốc đã và đang ngày càng đe dọa sức khỏe nhân loại.

Người Trung Quốc thường khoe sẵn sàng ăn "tất cả những gì có bốn chân trừ cái bàn, những gì bơi được trừ tàu thuyền, những gì bay được trừ máy bay". Những loài động vật hiếm cũng được săn lùng vì tin rằng có dược tính.

Tuy nhiên Christian Walzer, hiệp hội sinh thái Mỹ Wildlife Conservation Society cảnh báo thói quen "con gì cũng xơi tuốt" tiềm ẩn những nguy cơ cho sức khỏe con người. Theo ông, 70% bệnh lây nhiễm là từ động vật hoang dã, và các ngôi chợ là môi trường lý tưởng của virus để truyền bệnh sang người.

Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm giải thích : Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta.

Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.

Khi mà đề xuất về một tòa án y tế thế giới của Giáo sư Sicard chưa thể được thực hiện ngay thì thế giới cần đồng thuận ngăn chặn những thói quen không lành mạnh hay chiến dịch con đường tơ lụa mang tên Trung Quốc để phòng ngừa những hậu họa tiếp theo. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp 2003 và dịch viêm phổi Vũ Hán hôm nay đã là quá đủ những mất mát cho nhân loại rồi.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán có khởi nguồn từ Trung Quốc vẫn đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, hàng trăm nghìn , thậm chí có thể lên đến hàng triệu người sẽ mất mạng vì căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Trung Quốc sẽ phải chịu hình phạt, bồi thường thiệt hại lên đến trên 6.500 tỷ đô la.
Một nhà nước cộng sản độc tài với người đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình có chịu chấp nhận điều tra độc lập của các tổ chức y tế, quốc tế hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Nếu không truy ra nguồn gốc thực sự, thì nhân loại sẽ phải tiếp tục chết dưới tay Trung Quốc ngày càng nhiều hơn nữa.

Trung Quốc đối diện "án phạt" 6 nghìn tỷ đô và toàn cầu hóa

Hoang Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 09/04/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cánh Cò, Hoàng Lan
Read 461 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)